PHẦN 2. LƯỢC
GIẢI KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Chương
1: Định nghĩa Sa môn và Sa môn quả
I. DỊCH NGHĨA
Đức Phật dạy rằng: Những người
từ giã gia đình đi xuất gia phải nhận biết tự tâm, rõ suốt bản tính, chứng ngộ
pháp vô vi, mới xứng đáng là sa môn (Thích tử). Thường giữ gìn 250 giới, sống
đời thanh tịnh, tu tập Tứ thánh đế, để trở thành A la hán.
A la hán là quả vị giải thoát,
vị ấy có thể phi hành biến hóa (nếu muốn), thọ mạng bất tận. Sự hiện diện của
vị đó ở đâu, ở đó sẽ chấn động bởi uy đức của vị ấy.
A na hàm là Thánh quả kế cận A
la hán. Phải tái sinh một lần về cõi trời 19 rồi do tu tập ở đó mà chứng đạo A
la hán.
Tư đà hàm là Thánh quả kế cận A
na hàm. Phải một lần tái sinh thiên giới và một lần tái sinh nhân giới, rồi do
tu tập mà chứng đạo A la hán.
Tu đà hoàn phải bảy lần sinh,
bảy lần tử mới chứng đạo A la hán.
Trọng tâm của bốn Thánh quả này
đều do đoạn trừ tâm ái dục, cũng như chặt đứt tứ chi, thì tứ chi không thể mọc
lại được.
II. SỰ LIÊN HỆ VỚI KINH ĐIỂN NIKAYA VÀ ĐẠI THỪA
Nội dung chính yếu trong chương
thứ nhất này bao gồm hai phần: Phần đầu giới thiệu về khái niệm “sa môn” với
những pháp quy giới luật cần thiết mà vị đó phải tuân thủ trong suốt cuộc đời
tu tập và hành đạo. Phần còn lại giới thiệu khái lược về “bốn quả sa môn” hay
còn gọi là bốn quả Thanh văn, bốn thành quả tất yếu mà một vị sa môn Thích tử
sẽ đạt được trong đời sống phạm hạnh của mình ngay hiện tại này.
Như chúng ta đều biết, khái niệm
sa môn không phải là thuật ngữ đầu tiên của Phật giáo. Ngay từ thời học thuyết
Veda mới hình thành, khái niệm này đã được phổ biến với ý nghĩa chỉ chung cho
các tu sĩ hay đạo sĩ. Và như vậy, nói đến sa môn là nói đến những đối tượng
muốn thoát ly để tu tập. Nhưng đối với Đức Phật, khái niệm sa môn không chỉ đơn
thuần là những tu sĩ chung chung, mà là những tu sĩ có mục đích tu tập và đối
tượng chứng đắc (giải thoát). Chính vì thế, thông qua Phật giáo, người sa môn
thật sự sống có ý nghĩa. Và trong phạm vi ý nghĩa này, sa môn được dùng để chỉ
cho các Tăng sĩ Phật giáo hay nói đủ phải là “sa môn Thích tử”, cũng chính là
nội dung mà chương này đề cập.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật
phản ánh khá sinh động về những phần tử chỉ là sa môn ở hình thức qua chiếc áo
mà thiếu vắng công năng tu tập ở nội tâm là không xứng đáng một sa môn theo
đúng nghĩa: “Ai khoác áo ca sa, tâm chưa rời uế trược. Không tự chế, không
thực, không xứng gọi sa môn – Dhp.9”. Hoặc chỉ lạm xí sa môn ở hình thức của
chiếc áo và đầu tròn: “Đầu trọc, không sa môn. Nếu phóng túng nói láo. Ai còn
đầy dục tham. Sao được gọi sa môn – Dhp.264”. Vượt lên trên những tiêu chuẩn
tối thiểu trong sự tu tập như là khử trừ những uế trược, sự phóng dật, sự dối
trá, tâm lý dục tham… Kinh Bốn Mươi Hai
Chương còn đưa ra một mẫu sa môn Thích tử lý tưởng và toàn bích là
“Những người từ giã gia đình đi xuất gia phải nhận biết tự tâm, rõ biết bản
tính, chứng ngộ pháp vô vi… mới xứng đáng là sa môn”.
Ở đây, yếu tố xác quyết đầu tiên
của một sa môn là “từ thân cát ái”, “xuất ly gia đình”. Người sa môn (không thể
là một bạch y cư sĩ) phải cắt đứt mọi quan hệ gia đình, là một con người ly
khai mọi thân thuộc mà tất cả đều là thân thuộc. Sự ra đi và từ bỏ này không vì
tầm cầu những lạc thú tầm thường theo kiểu “ẩn dương nương Phật” hay “mượn đạo
tạo đời” mà hẳn phát xuất từ thái độ muốn thoát ly khỏi “phiền não gia” và “tam
giới gia” như đoạn kinh dưới đây miêu tả:
“Không vì mục đích lợi dưỡng, y
áo, ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không vì mục đích cơm ăn,
sàng tọa mà ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng với ý nghĩa
như sau: nay ta rơi vào sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não… rơi vào
khổ và khổ chi phối, mà ta xuất gia, tu bỏ gia đình, sống không gia đình để
đoạn tận tất cả khổ uẩn”.[1] Hay chúng ta có thể hiểu ý nghĩa “từ thân xuất
gia” là nhằm mục đích giải thoát, và ít nhất cũng là vì gieo nhân, gặp chánh
pháp, tiếp tục tu tập giải thoát ở những kiếp sống kế tiếp.
“Người hảo tâm xuất gia, từ giã
gia đình theo Phật học đạo chỉ vì hai mục đích. Một là để đắc quả ngay đời hiện
tại. Hai là để gặp Phật pháp ở tương lai”.[2]
Hoặc cụ thể và đầy đủ hơn như
Kinh Tương Ưng dạy:
“Do mục đích đoạn tận tam độc,
con đường đưa đến đoạn tận tam độc, phạm hạnh được sống dưới sa môn Gotama… Vì
mục đích nhổ sạch các tùy miên, phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn… Vì mục đích
liễu tri hành lộ, phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn… Vì mục đích đoạn tận các
lậu hoặc, chứng ngộ được quả giải thoát, phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn… Vì
mục đích hoàn toàn tịch tịnh, không còn chấp thủ, phạm hạnh được sống dưới Thế
Tôn”.[3]
Nhưng mục tiêu quan trọng mà Kinh Bốn Mươi Hai Chương đưa ra là
người sa môn phải: “Nhận biết tự tâm, rõ suốt bản tính, chứng ngộ pháp vô vi”.
Nhận biết nguồn tâm là nhận biết
tâm mình là Phật (Tâm, Phật cập chúng sinh, thị tam vô sai biệt – Hiển Dương
Thánh Giáo Luận). Rõ biết bản tính là rõ biết sự thanh tịnh của một bản thể
chúng sinh, tuy đang sống trong phàm tục nhưng không vì thế mà bị nhơ uế (Tánh
tịnh minh thể, thanh tịnh bản ân, châu biến pháp giới – Kinh Lăng Nghiêm). Ngộ
pháp vô vi là chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, hay còn được hiểu là chứng ngộ bản
thể bất sinh bất diệt của các pháp. Những định nghĩa truyền thống về pháp vô vi
mà chúng ta cần ghi nhớ là: “Những pháp nào hữu duyên, do duyên sinh, chính
pháp ấy là hữu vi. Những pháp nào vô duyên, không do duyên tạo tác, chính pháp
ấy là vô vi.”[4]
Như vậy, trên cơ bản, pháp vô vi
là pháp ly khai các đối tính, các duyên sinh, là bất sinh bất diệt, cũng chính
là Niết bàn. “Thế nào là pháp vô vi? Vô vi là pháp Niết bàn”.[5] Từ những nội
dung cơ bản này, các trường phái Duy thức học còn triển khai đến sáu pháp vô vi
là: Hư không vô vi, trạch diệt vô vi, phi trạch diệt vô vi, bất động vô vi,
tưởng thọ diệt vô vi và chân như vô vi. Năm loại vô vi đầu đề cập đến pháp tánh
vô vi. Riêng chân như vô vi là đề cập đến Pháp tánh, điều mà Bộ Pháp Tụ gọi là
Niết bàn, và Kinh Bốn Mươi Hai Chương
này gọi là “chứng ngộ pháp vô vi vậy.”
Một khái niệm sa môn với nội
dung “từ bỏ gia đình đi xuất gia, phải nhận biết nguồn tâm, rõ biết bản tính,
chứng ngộ vô vi” như thế quả là siêu tuyệt, chỉ có Phật giáo mới có được và
thực hiện được mà thôi. Khái niệm sa môn mà Kinh
Bốn Mươi Hai Chương định nghĩa hoàn toàn nhất quán với nội dung
Kinh Trung Bổn Khởi là: “Nguồn gốc của các pháp: nhân duyên, không, vô chủ. Dứt
tâm đạt bổn nguyện, nên gọi là sa môn”. (quyển thượng).
Đó là khái niệm mới mẻ, nội dung
sâu sắc mà Đức Phật đã đem lại cho từ ngữ “sa môn” cổ điển nói chung, và Phật
giáo nói riêng.
Không chỉ dừng lại ở đó, Đức
Phật còn quy định những pháp quy, giới luật để một vị gọi là sa môn Thích tử
phải nghiêm trì trong tinh thần hoan hỷ và tự nguyện là “thường giữ gìn 250
giới, sống đời thanh tịnh, tu tập Tứ Thánh Đế để trở thành A la hán”. Rõ ràng,
chúng ta thấy giới luật Phật giáo là những khuôn phép, là những pháp quy với
công năng đưa hành giả sa môn đạt đến con đường siêu phóng, giải thoát, khác
hẳn với những luận điệu cho rằng giới luật là những gì thúc phược, gò bó.
Chính như thế, chúng ta thấy và
cũng có thể xác nghiệm rằng giới luật là thềm thang căn bản, là cơ sở vững chắc
để một hành giả sa môn tiến tu Thiền định và khai phát tuệ giác.
250 giới là toàn bộ các điều
khoản giới luật quy định cho một Tỳ kheo Tăng (gồm 4 Ba la di, 2 Bất định, 13
Tăng tàn, 30 Xả đọa, 90 Đơn đọa, 100 Chúng học, 4 Hướng bỉ hối và 7 Diệt
tránh). Nhưng đây chỉ là những điều khoản quy định theo Luật Tứ Phần và Căn Bản
Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Theo Luật Ngũ Phần số giới khoản nhiều hơn 9 giới (8
giới thuộc Chúng học, 1 giới thuộc Đơn đọa) tổng cộng 259 giới. Luật Thập Tụng
gồm 257 giới (tức nhiều hơn 7 pháp thuộc Chúng học). Theo Luật Tăng Kỳ thì chỉ
có 218 giới (4 Ba la di, 2 Bất định, 13 Tăng tàn, 30 Xả đọa, 92 Đơn đọa, 67
Chúng học, 4 Hướng bỉ hối và 7 Diệt tránh, tức nhiều hơn Tứ Phần 2 pháp Đơn đọa
và ít hơn 33 pháp Chúng học). Còn Giải Thoát Giới Kinh chỉ có 246 giới (vì pháp
Chúng học chỉ có 96 giới). Và theo truyền thống Luật tạng của Phật giáo Nam tông chỉ có
227 giới mà vị sa môn Thích tử cần phải thọ trì.
Ở đây, Kinh Bốn Mươi Hai Chương đề cập đến con
số 250 điều giới khoản, có lẽ đã dựa vào Luật Tứ Phần của Phật giáo Bắc tông và
Luật Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (?). Như vậy có nghĩa là hai ngài dịch
giả Ma Đằng, Trúc Pháp Lan đã dịch từ bản văn kinh hệ Bắc truyền về con số 250
giới. Nhưng dù có đứng trên quan điểm của Luật tạng nào thì điều mà nội dung
chương thứ nhất của kinh này muốn nói vẫn là “Thầy sa môn hay tu sĩ Phật giáo
nói chung, phải luôn luôn sống trong sự hộ trì các tịnh giới để thăng hoa đời
sống đạo đức, đời sống phạm hạnh của chính mình”. Hay nói một cách khẳng định
“để thành tựu A la hán quả, các tu sĩ Phật giáo phải hành động, sinh hoạt trong
quỹ đạo của giới luật” – không có giới luật hay phạm hạnh bị sứt mẻ, bể vụn,
thì không thể nào đạt được Thánh quả.
Sống đời Thanh Tịnh mà kinh văn
nêu ra là sống trong giới luật phạm hạnh, và sống trong từng tâm niệm quán
chiếu chính mình để nỗ lực vươn lên. Như trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật đã dạy:
“Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: Ta nay đi đến tình trạng là người
không có giai cấp. Đời sống của ta tùy thuộc vào người khác. Cử chỉ oai nghi
của ta cần phải khác tục, thay đổi cho thánh vĩ. Ta có khuyết tật nào về giới
đức hạnh không? Các đồng phạm hạnh có trí, có chỉ trích về giới hạnh của ta
không? Cần quán sát mọi sở hữu vật khả ái, khả hỷ của ta bị đổi khác, bị biến
hoại. Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là thai tạng của
nghiệp, là bà con, là chỗ quy hướng của nghiệp. Phàm làm việc gì ta tác tạo, ta
sẽ thừa tự nghiệp ấy. Và luôn quán sát rằng đêm ngày đi qua bên ta, ta đã thành
người như thế nào? Ta có chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng
đáng bậc thánh không, để những ngày cuối cùng, ta sẽ không phải hổ thẹn, xấu
hổ.”[6]
Ngoài ra, đời sống thanh tịnh
(oai nghi, tấn chỉ thanh tịnh) còn là một nếp sống tiết dục, tri túc, tỉnh
giác, chú tâm trong chánh pháp, như đoạn kinh dưới đây mô tả:
“Vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia
đình, sống không gia đình, không xảo trá, không hư ngụy, không mất thăng bằng,
không cao mạn, không dao động, không lắm lời, không nói phô tạp nhạp. Luôn hộ
trì các căn, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác. Không thờ ơ với hạnh sa
môn, tôn kính học tập, sống không quá đầy đủ, không uể oải, từ bỏ gánh đọa lạc,
đi đầu trong đời sống viễn ly, tinh cần tinh tấn, an trú chánh niệm tỉnh giác,
định tĩnh, nhất tâm, có trí huệ.”[7]
Với một nếp sống chân chính cơ
bản như vậy, vị sa môn dễ dàng đạt được quả A la hán. Tuy nhiên, vị sa môn để
thành tựu bốn quả sa môn phải tu tập bốn Thánh đế.
Bốn Thánh Đế, nguyên tác Hán ngữ
ghi là “Tứ chân đạo hạnh”. Nếu để nguyên nguyên tác này, người đọc sẽ khó hiểu
và khó biết là Tứ diệu đế. Tu tập, quán sát tứ chân đạo hạnh hay Tứ diệu đế mới
đích thực là con đường độc lộ với năng lực đưa hành giả sa môn đạt đến của quả
sa môn. Trong Kinh Nikaya, Đức Phật liệt Tứ diệu đế vào một trong ba đề mục cần
phải ghi nhớ trọn đời (1/ Nơi thế phát xuất gia, 2/ Tứ diệu đế, 3/ Nơi chứng
đạo): “Tỳ kheo phải như thật chánh tri: Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ,
đây là khổ diệt (Niết bàn) và đây là con đường đưa đến khổ diệt.”[8]
Ở một đoạn kinh khác, Đức Phật
còn sánh ví người sa môn như thật chánh tri Tứ thánh đế là người có được nhãn
quan tuệ giác, sáng chói: “Ví như có người có mắt, thấy các sắc trong đêm tối
mù mịt, khi có chớp sáng. Cũng vậy, này các sa môn, ai như thật rõ biết đây là
khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt và đây là con đường dẫn đến khổ diệt, hạng
người này gọi là hạng người với tâm được ví như chớp sáng.”[9]
Nói một cách bao quát thì cát ái
từ thân, nhận biết nguồn tâm, rõ biết bản tính, chứng ngộ pháp vô vi, thực hành
250 giới, đời sống thanh tịnh, tu tập Tứ diệu đế… là những điều kiện quyết
định, là những yếu tố không thể thiếu trong quá trình sống và tu tập của người
sa môn. Hay chúng ta cũng có thể nói phản ngược vấn đề rằng bốn quả sa môn là
sự thành tựu tất yếu của các điều kiện vừa nêu trên. Trong Kinh Trường Bộ, khi
đề cập về 13 quả báo lợi ích thiết thực của một sa môn, thì chính sự chứng ngộ,
giác quán Tứ thánh đế cũng lại là thành quả sau cùng để một hành giả sa môn
diệt trừ các lậu hoặc (dục hữu, tà kiến, vô minh) mà chứng ngộ A la hán.[10]
Như vậy bốn quả sa môn là gì? Nội dung ra sao?
Đầu tiên là quả A la hán.
Ở đây, nội dung bản văn chương 1
này chỉ nhằm giới thiệu công năng diệu dụng có được của vị A la hán là “có thể
phi hành biến hóa (nếu muốn), thọ mạng bất tận, sự hiện diện của vị ấy ở đâu, ở
đó sẽ chấn động bởi uy đức của vị ấy”. Tuyệt nhiên không đề cập đến nội dung
đoạn trừ các hoặc lậu và đối tượng cần thiết để đoạn trừ. Nếu như chúng ta ôn
lại nội dung Kinh Tăng Chi Bộ, hẳn chúng ta sẽ rõ. Ở chương 6 Pháp, có đến ba
đoạn nói về các đối tượng hoặc lậu cụ thể mà một A la hán đã đoạn diệt. Như
vậy, tổng cộng có đến 18 lậu hoặc mà một vị A la hán đã đoạn tận là:
“Phải đoạn tận sáu pháp này, một
sa môn mới có thể chứng A la hán: 1/ Hôn trầm, 2/ Thùy miên, 3/ Trạo cử, 4/ Hối
quá, 5/ Bất tín, 6/ Phóng dật.”[11]
Sáu lậu hoặc cơ bản khác là:
“1/ Mạn, 2/ Ty mạn, 3/ Quá mạn,
4/ Tăng thượng mạn, 5/ Cố chấp, 6/ Ty liệt mạn.”[12]
Và sáu lậu hoặc nữa là:
“1/ Không có chánh tín, 2/ Không
có xấu hổ, 3/ Không biết sợ hãi, 4/ Biếng nhác, 5/ Ác tuệ, 6/ Thân mạng nhiều
ác vọng.”[13]
Ở chương 10 Pháp của Kinh Tăng Chi vừa trưng dẫn trên, Đức Phật
còn cho biết vị A la hán trên nguyên tắc là đã diệt trừ tận gốc mười phiền não
sau đây: “Tham, sân, si, phẫn nộ, hiềm hận, dèm pha, não hại, tật đố, xan tham
và mạn.”[14] Nói chung, A la hán là vị đã gột rửa sạch các lậu hoặc, phiền não
ở đất tâm thanh tịnh, không phạm năm tội ngũ nghịch, đoạn trừ tận gốc tam độc,
nguyên nhân của mọi hữu lậu nghiệp và là cơ sở tích tập khổ uẩn:
“Sa môn nào là bậc A la hán,
phải đoạn tận các lậu hoặc. Việc nên làm đã làm. Đã đặt gánh nặng sinh tử
xuống. Mục đích đã đạt được. Hữu kiết sử đã bị dập tắt. Chân chính giải thoát.
Vị ấy không thể có phạm năm ngũ nghịch trọng tội. Không thể vi phạm năm giới
tại gia. Không còn tham sân si, không còn sợ hãi… xưa kia, nay và sau này
nữa.”[15]
Như vậy, công năng diệu dụng phi
hành biến hóa, uy đức kinh thiên động địa… mà Kinh Bốn Mươi Hai Chương trình bày, thực chất chỉ là do
công năng đoạn tận các lậu hoặc phiền não mà ra. Và A la hán là như vậy.
A na hàm, quả vị giải thoát này
là quả vị tu chứng thứ ba, sau A la hán. A na hàm thường được dịch là Bất Lai,
nghĩa là không còn tái sinh nhân giới mà chỉ tái sinh về thiên giới, rồi từ đó
tu tập thăng tiến mà chứng đắc A la hán. Kinh Tăng Chi cho biết, điều kiện tối
thiểu mà vị A na hàm cần phải tu tập là đoạn trừ năm hạ phần kiết sử: “Tỳ kheo
do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, được hóa sinh, tại đây chứng Niết bàn, không
phải trở lại thế giới này.”[16] Một đoạn kinh khác ở chương 6 Pháp, vị A na hàm
phải dứt trừ sáu lậu hoặc phiền não sau: “1/ Không tịnh tín, 2/ Không hổ thẹn
việc ác, 3/ Không sợ hãi việc ác, 4/ Không chuyên cần tinh tấn, 5/ Phóng dật,
thất niệm, 6/ Không có chánh tri kiến.”[17] Ở một đoạn kinh khác, Đức Phật gọi
vị A na hàm sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử là hạng “sa môn sen hồng.”[18]
Và điều mà Kinh Tăng Chi gọi
là “được hóa sinh” chính là Kinh Bốn Mươi
Hai Chương này nói “hóa sinh về cõi trời thứ 19” vậy.
Tư đà hàm là quả vị thứ hai, sau
quả A na hàm. Tư đà hàm được dịch là Nhất Lai, một lần tái sinh thiên giới, sau
khi thân hoại mạng chung. Tiếp tục tái sinh thiên giới, rồi do tu tập mà chứng
đắc A la hán. Đối tượng lậu hoặc mà vị Tư đà hàm cần trừ diệt là ba kiết sử và
làm giảm nhẹ tham sân si là bậc Nhất Lai, còn đi lại thế giới này một lần nữa,
rồi đoạn tận khổ đau.”[19] Và Kinh Tăng Chi I, tr. 461 gọi vị này là loại “sa
môn sen trắng”.
Tu đà hoàn là quả vị đầu tiên
trong bốn Thánh quả. Tu đà hoàn còn gọi là Dự Lưu hay Nhập Lưu với ý nghĩa là
dự nhập vào Thánh quả. Ngoài ra, còn một dịch nghĩa khác chỉ cho Tu đà hoàn là
nghịch lưu với ý nghĩa là đi ngược dòng sinh tử phiền não. Nét đặc điểm cơ bản
của vị Tu đà hoàn là tuy mới dự nhập dòng thánh nhưng vị ấy đã bất thối chuyển
trên lộ trình tiến đến giải thoát, và mặc dù vị ấy phải tái sinh đến 7 lần. Giá
trị đáng chú ý của vị Tu đà hoàn là không bị tha hóa, biến chất phàm phu, chỉ
nhất hướng phạm hạnh thoát tục. Kinh Tăng Chi cho biết, vị Tu đà hoàn đã chấm
dứt được ba sự sợ hãi khi chứng đắc bốn dự lưu chi phần: “1/ Địa ngục đối với
vị ấy đã đoạn tận. 2/ Loài bàng sinh đối với vị ấy đã đoạn tận. 3/ Ác thú, đọa
xứ đối với vị ấy đã đoạn tận. 4/ Cõi ngạ quỷ đối với vị ấy đã đoạn tận. Vị ấy
là dự lưu, không còn thoái đọa, chắc chắn đạt đến Chánh giác.”[20] Lập trường
thẳng tiến đến lý tưởng Phật đạo và không bị thối đọa hóa bởi các ác nghiệp, ác
thú của vị Tu đà hoàn được Kinh Đại Bát Niết Bàn mô tả rất khẳng định: “Này
thiện nam tử, vị Tu đà hoàn dù thác sinh ở quốc độ hung ác, nhưng vẫn không mất
danh vị Tu đà hoàn,”[21] hay “chẳng mất thân ngũ uẩn Tu đà hoàn.”[22]
Kinh Tăng Chi còn cho biết sáu
đặc tính quyết định của một vị Tu đà hoàn là: “1/ Sự quyết định đối với diệu
pháp. 2/ Không còn thối đọa, đau khổ. 3/ Không tạo tác các nghiệp sinh tử. 4/
Thành tựu chánh trí tuệ. 5/ Không cùng chia sẻ với các dị sinh. 6/ Khéo tuệ
quán được nguyên nhân sinh khởi của các pháp.”[23] Điều kiện cần thiết để thành
tựu quả Tu đà hoàn không gì hơn là đoạn trừ ba kiết sử: “Sa môn do đoạn tận ba
kiết sử trở thành bậc dự lưu, không còn rơi vào đọa xứ, chắc chắn hướng đến
giác ngộ.”[24] Kinh này còn gọi vị Tu đà hoàn là hạng “Sa môn bất động.”[25]
Ngoại trừ vị thứ tư là A la hán
(bậc vô sinh), ba quả vị còn lại đều thuộc về có dư nghiệp thọ sinh. “Tu đà
hoàn có nghiệp 7 lần thọ sinh. Tư đà hàm có nghiệp thọ sinh 2 lần. A na hàm có
nghiệp thọ thân cõi sắc. Cả ba Thánh quả này đều có dư nghiệp thọ sinh.”[26]
Nhìn chung, kinh điển Nam truyền lẫn
Bắc truyền đều nhất trí với nhau về số liệu tái sinh của ba quả vị: Tu đà hoàn
7 lần thọ sinh, Tư đà hàm 2 lần thọ sinh và A na hàm bất lai nhân giới. Điều
này cho thấy tính nguyên tắc và công thức của các tầng lớp quả vị tu chứng
trong bốn quả sa môn. Tuy nhiên, trong thực tế tu tập, vị hành giả không nhất
thiết phải trải qua các tầng lớp mang tính thang bậc như vậy, mà có thể “nhảy
vọt”. Khái niệm con số 7 không chỉ là 7 lần sinh tử mà có thể là 7 niệm sinh
diệt. Con số 2, số 1 cũng vậy. Nghĩa là vị hành giả có thể chứng đắc quả A la
hán bất kỳ lúc nào ngay cõi đời hiện tại ô trược này mà không phải tái sinh đi
đâu cả, chứng đệ tam quả, đệ nhị quả, đệ nhất quả sa môn cũng tương tự như
trên. Lý giải vấn đề như vậy cũng hoàn toàn phù hợp với nội dung của 13 quả báo
thiết thực hiện tại của một sa môn tu tập trọn vẹn sa môn hạnh mà Đức Phật đã
giải đáp cho vua A Xà Thế: 1/ Được các giai cấp kính trọng và cúng dường bình
đẳng. 2/ Thành tựu tiểu giới, trung giới, đại giới. 3/ Có chánh tín, không còn
sợ hãi. 4/ Hộ trì các căn, không để buông lung. 5/ Luôn tự chủ, chánh niệm và
tỉnh giác. 6/ Thiểu dục tri túc, đời sống giản dị, thanh thoát. 7/ Giải phóng
được 5 triền cái (tham, sân, hôn trầm, thụy miên, trạo hối, hoài nghi). 8/ Hỷ
và lạc thấm nhuần thân tâm. 9/ Chứng đắc tứ thiền. 10/ Đạt được chánh tri kiến.
11/ Có khả năng thực hiện hóa thân (như nội dung bài Kinh Bốn Mươi Hai Chương này đã đề
cập). 12/ Hiện bày thần thông (thần túc, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, thiên
nhãn). 13/ Giác ngộ Tứ thánh đế, diệt lậu hoặc, chứng ngộ A la hán quả.
Và điều thú vị trong quá trình
tu tập để chứng đắc bốn quả sa môn là hành giả phải khử trừ trước tiên tâm ái
dục. Bởi vì tác hại dẫn dắt của ái dục vô cùng nghiêm trọng: “Chấp chặt nơi năm
dục. Vì si ái mới khổ. Bởi nhân duyên các dục. Đọa lạc ba ác đạo.”[27] Hay “Ham
dục, khổ vô cùng.”[28] Hay “Ái tùy miên chưa nhổ, khổ này phải sinh hoài.”[29]
Chính vì tác hại to lớn của ái dục có thể dẫn dắt chúng sinh đọa lạc nơi dòng
sinh tử phiền não, không thú hướng Niết bàn, do đó hành giả sa môn hạnh phải
kiên quyết đoạn trừ nó, đoạn trừ là nhổ lên mũi tên sinh tử, thân này là thân
cuối cùng.
“Bậc tới
đích không sợ
Ly ái
không nhiễm ô
Nhổ mũi
tên sinh tử
Thân này
thân cuối cùng.”[30]
[1] Tăng Chi Bộ I,
164.
[2] Kinh Đại Bửu Tích, tập 6, tr. 383.
[3] Tương Ưng Bộ
V, 28-29-30.
[4] Bộ Pháp Tụ – Dhammasangani,
tr. 284, số 702.
[5] Sách đã dẫn, tr. 366, số
907.
[6] Tăng Chi Bộ III,
383.
[7] Tăng Chi Bộ II,
206.
[8] Tăng Chi Bộ
I, tr. 118.
[9] Tăng Chi Bộ
I, tr. 138.
[10] Xem Kinh Sa Môn Quả trong Trường Bộ I, kinh số 2.
[11] Tăng Chi Bộ II, 407.
[12] Kinh đã dẫn, tr. 415.
[13] Kinh đã dẫn, tr. 418.
[14] Kinh Tăng Chi Bộ III, tr. 493.
[15] Kinh đã dẫn, 203-204.
[16] Tăng Chi Bộ I,
tr. 650.
[17] Tăng Chi Bộ
II, tr. 406.
[18] Tăng Chi Bộ I, tr. 461.
[19] Tăng Chi Bộ
I, tr. 650.
[20] Kinh Tăng Chi Bộ III, tr. 241.
[21] Tập II, tr. 232.
[22] Kinh đã dẫn.
[23] Tăng Chi Bộ
II, tr. 426.
[24] Tăng Chi I, tr. 650.
[25] Kinh đã dẫn, tr. 460.
[26] Kinh Đại Bát Niết Bàn II, tr. 91.
[27] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện, bản Hán Việt của Hòa
thượng Trí Tịnh, tr. 77.
[28] Kinh Địa Tạng, bài tán ở quyển thượng.
[29] Dhp. 338.
[30]
Dhp. 351.