Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Thích Nhật Từ Nhà Xuất Bản Thời Đại
03/09/2554 22:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Mục lục
Xem toàn bộ

 

Chương 23. Ân ái là tù ngục

 

 

I. DỊCH NGHĨA

Người bị ràng buộc bởi vợ con nhà cửa còn nguy hại hơn ở lao ngục. Lao ngục còn có ngày được thả, tha. Hệ lụy vợ con, thì không một ý niệm xa lìa. Một khi tâm luyến ái về sắc đẹp rồi, thì đâu còn sợ đến gian nguy. Dẫu có phải chịu họa dưới miệng hùm, cũng đành cam chịu. Nhào vào sắc dục, tự đắm mình trong bùn nhơ ấy, nên gọi là phàm phu. Vượt khỏi cửa ải này, đáng là bậc xuất trần La hán.

II. LƯỢC GIẢI

Lời lẽ của Đức Phật ở chương này thật là thâm trầm sâu sắc. Đó là phát xuất từ sự nhận chân sâu xa, từ ngôn ngữ của giáo dục và từ thái độ trước cuộc sống. Một quy luật mà Đức Phật dạy chúng ta cần phải sáng suốt nhìn nhận là sắc dục, vợ con, tài sản, là những yếu tố ràng buộc con người trong vỏ ốc của tình thương cá biệt, vị kỷ. Nó làm se thắt hoàn toàn chất liệu từ bi, một tình thương rộng lớn, bình đẳng không phân thân sơ, không thiên hướng phục vụ cho riêng ai, mà cho tất cả với tinh thần tuệ giác, tự nguyện. Tình thương như thế trái hẳn hoàn toàn với bản chất của tình thương ái luyến, đam mê. Vì ái luyến đam mê mang sắc thái hệ lụy và trục lợi. Có một lần vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) hỏi hoàng hậu Mallika rằng, trên đời này ái khanh yêu ai nhất (ý nhà vua muốn nói là yêu mình nhất). Mallika trả lời là yêu tự ngã của nàng nhất. Và nàng còn cho biết, cũng không có một ai yêu đại vương bằng chính tự ngã của đại vương Pasenadi. Nghe nói vậy, vua rất thất vọng, đến hỏi Đức Phật, và Đức Phật cũng giải thích như hoàng hậu Mallika.[1]

Ở đây, chúng ta thấy, chính tình yêu trai gái, tình yêu vợ chồng đã giới hạn trong tình yêu vị kỷ. Ta yêu người khác vì muốn người khác trở thành sở hữu của mình, như vậy, chính là ta yêu cái tự ngã của ta, yêu vì phục vụ cho tự ngã của ta, chứ không phải là do một động lực gì khác. Do đó, tình yêu vợ chồng, hôn nhân, gia đình, con cái là một thứ tình yêu phàm tình, thế nhân, mà người xuất gia phải thoát ly hẳn. Nhà Nho thường nói: “Con là nợ, vợ là dây oan”, câu nói này tuy cũng phản ánh sự ràng buộc của vợ con đối với người chồng, người cha, nhưng lại có cái nhìn kỷ thị của phong kiến. Theo Phật giáo, vợ con không phải là yếu tố ràng buộc người Phật tử tại gia trên mọi lãnh vực cuộc sống. Nhưng chỉ với người Phật tử xuất gia, sự lập gia thất mới là sự ràng buộc. Vì như vậy, sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp ở vị ấy sẽ bị hạn chế, có thể mất đi tính nhiệt tình phụng vụ. Tình yêu của người xuất gia có thể nói như một thi sĩ nào đó: “Ai bảo rằng tu chả biết yêu? Tu nhân ái cảm hơn người nhiều. Bằng “bi trí dũng” yêu nhân loại. Chuyển cuộc trần gian hết dập dìu.”[2] Ở trường hợp này, người tu sĩ yêu bằng chất liệu Bi, Trí, Dũng để nâng đỡ, dìu dắt mọi người cùng tiến tới con đường giác ngộ. Yêu đó, thật sự là một hạnh nguyện độ sinh khế cơ, khế lý, khác với sự hệ lụy tình ái vợ con.

Trong các kinh Nikaya, Đức Phật diễn tả sự luyến ái nam nữ, vợ con chỉ là tự ràng buộc trong hệ lụy đau khổ. Nó cũng giống như hình ảnh của một con bê chưa bỏ được sữa mẹ:

“Khi nào chưa cắt được

Ái dục giữa gái trai

Tâm ý vẫn buộc ràng

Như bò con bú mẹ”.[3]

Và đương nhiên, sống trong đam mê sắc dục vợ con, người ấy chỉ đạt đến mức độ sống tối đa là làm người lương thiện, đạo đức, chứ không được giải thoát khỏi tam giới. Do đó, khi thân hoại mạng chung, người ấy vẫn trôi theo dòng tái sinh của kiếp người:

“Người tâm ý đắm say

Con cái và súc vật

Tử thần bắt người ấy

Như lụt trôi làng ngủ”.[4]

Từ cái nhìn của bậc xuất ly tam giới, huấn luyện các đệ tử xuất gia theo con đường phạm hạnh, viễn ly để phục vụ trọn vẹn, Đức Phật khẳng định với hàng xuất gia rằng:

“Ai có các con trai

Sầu muộn với con trai

Người chủ các con bò

Sầu muộn với con bò

Sầu muộn của con người

Chính do sự sanh y

Ai không có sanh y

Không thể có sầu muộn”.[5]

Ở lời dạy trên, cũng như kinh văn của chương này, chúng ta không được phép lý giải ở bình diện giáo dục nhân bản, mà là giáo dục siêu nhân bản, điều kiện trở thành thánh nhân, bậc giải thoát, không một người thân, nhưng tất cả là thân thích. Không con cái nhưng tất cả là đệ tử, đệ tử tinh thần. Chính vì thế mà Kinh Duy Ma Cật nói rằng: “Pháp hỷ chính là vợ. Tâm thành thật là trai. Tâm từ bi là gái. Không tịch là nhà cửa,”[6] của Bồ Tát, và nói chung là của các Tăng sĩ Phật giáo. Vì vậy, điều kiện tiên quyết và cần thiết đối với người xuất gia là phải độc thân như Đức Phật đã giải thích và khuyên dạy ở câu kệ dưới đây:

“Ai nhớ nghĩ chờ mong

Đối với vợ và con

Người ấy bị buộc ràng

Như cành tre rậm rạp

Còn các ngọn tre cao

Nào có gì buộc ràng

Hãy sống riêng một mình

Như tê ngưu một sừng”.[7]

Ở Kinh Ái Sinh, Đức Phật quy tất cả mọi sầu bi, đau khổ trên thế gian này đều có nguồn gốc từ ái. Chính từ ái, sự yêu thương khi xa lìa nó, người ta đau khổ, khóc lóc. Con khóc cha mẹ, chồng khóc vợ, vợ khóc chồng, một người khóc tiễn biệt mãi mãi người thân… đều do thương yêu người quá cố. Nhưng nên nhận chân rằng: “Sự thật là như vầy, sầu, bi, khổ, ưu não đều do ái sinh ra, hiện hữu với ái.”[8] Rồi ở Kinh Phật Tự Thuyết, khi thiếu phụ Migara ôm trong lòng đứa con trai vừa mất nhờ Phật cứu sống nó, Đức Phật không cứu nó, lại cứu Migara khỏi vòng ân ái, mà nhận chân sự sống chết là một quy luật: “Này gia chủ, cái chết luôn hiện hữu và đó là thân phận của con người. Những ai có 100 người thân yêu, những người ấy có 100 sự đau khổ. Những ai có 90 người thân yêu, những người ấy có 90 sự đau khổ. Chỉ đến có 1 người thân yêu thì có 1 sự đau khổ. Chỉ với ai không có người thân yêu thì người ấy mới không có sự đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu, không có tham đắm, ưu não.”[9]

Từ hai đoạn kinh khác, chúng ta nhận thấy, sự hệ lụy ân ái chỉ gắn liền con người trong yêu thương và đau khổ, điều mà người xuất gia phải từ bỏ dứt khoát ngay buổi ban đầu vào đạo. Sở dĩ Đức Phật phải nhắc đi nhắc lại tác hại của sắc dục, ân ái thế gian nhiều lần, ở nhiều trường độ khác nhau, là do Ngài muốn làm nổi bật tính chất cát ái từ thân của một tu sĩ Phật giáo là vô cùng hệ trọng và cần thiết. Từ sự cát ái này, người tu sĩ sẽ tập hợp được điều kiện tất yếu để trở thành một vị xuất gia theo đúng nghĩa là xuất phiền não gia và xuất tam giới gia (tự mình xuất cấu uế, nên gọi là xuất gia – Dhp.388), cũng tức là chứng đắc A la hán: “Như trăng sạch không uế, sáng trong và tịch lặng. Hữu ái được đoạn tận. Danh gọi A la hán.”[10] Điều này cũng chính là nội dung chính của kinh văn:

“Nhào vào sắc dục, tự đắm mình trong bùn nhơ ấy, nên gọi là phàm phu. Vượt khỏi cửa ải này, đúng là bậc xuất trần La hán”.

 


[1] Kinh Phật Tự Thuyết, Ud 46, tr. 341-342.

[2] Thích Duy Tân, Báo Giác Ngộ, số 348 tr. 6.

[3] Dhp.284.

[4] Dhp.287.

[5] Kinh Tập, kệ 34, tr. 7.

[6] Phẩm Phật Đạo, tr. 96.

[7] Kinh Tập, kệ 38, tr. 7.

[8] Trung Bộ II, tr. 421.

[9] Ud 91, tr. 393-394.

[10] Dhp.413.