Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Thích Nhật Từ Nhà Xuất Bản Thời Đại
03/09/2554 22:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Mục lục
Xem toàn bộ

 

Chương 8. Ác giả ác báo

 

 

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Kẻ ác mưu hại người hiền chẳng khác nào ngước lên trời phun nước miếng, nước miếng chẳng đến trời mà trở lại rơi vào mặt mình. Hắt bụi ngược gió, bụi không đến người, trái lại bám víu vào mình. Người hiền thì không thể hại được, nếu hãm hại thì tai họa sẽ tiêu diệt lại mình.

II. LƯỢC GIẢI

Chương 6, Đức Phật đề cập đến tính đối kháng, mâu thuẫn về thiên hướng muốn hủy diệt người hiền lương đạo đức của những kẻ ác độc, tội lỗi… như là một hiện tượng tất yếu của xã hội. Bước sang chương 7, Đức Phật kể lại giai thoại thật điển hình giữa một người ngoại đạo ác kiến, ác ngữ với Đức Phật, đó là sự chống đối Đức Phật, chống đối các nhà đạo đức nói chung. Ý tứ giáo dục của hai chương này chỉ là một: không nên lay động trước những lời tán dương hay khiển trách, cũng không phản kháng, không giận trách. Bởi lẽ: Kẻ nào đem ác đến, kẻ đó lãnh điều ác ấy. Đến chương 8 này, từ vấn đề cá biệt, Đức Phật khai thị một dạng thức chung nhất: Ác giả, ác báo. Nó không thiên vị một ai, không ngoại trừ một ai cả. Đặc biệt hơn và sinh động hơn là ngôn ngữ của chương này là ngôn ngữ của một câu cách ngôn, châm ngôn để giáo dục mọi người nên từ bỏ điều ác, thực hiện điều lành. Nhờ đó, đời sống đạo đức của ta ngày càng hoàn thiện hơn.

Điều cần nhớ trong chương này là: gọi là kẻ ác, hay kẻ làm ác (ác nhân) là vì hành vi tạo tác của y, chỉ đem lại một trong hai hậu quả: đem lại đau khổ, bất hạnh cho kẻ khác hay đem lại đau khổ, bất hạnh cho chính tự bản thân mình, và trong nhiều trường hợp đem lại bất hạnh cho cả hai. Các cơ sở khoa học để xác định một kẻ ác được kinh mô tả căn cứ trên thân nghiệp, ý nghiệp và khẩu nghiệp, và ba nghiệp này đều tác ý bất thiện và tạo tác bất thiện: “Thành tựu ba pháp này, này các Tỳ kheo, người ngu được biết đến: thân làm ác, miệng nói ác và ý nghĩ ác,”[1] hay “Thân làm có tội, miệng làm có tội, ý làm có tội,”[2] hay “Thân làm có não hại, miệng làm có não hại, ý làm có não hại.”[3]

Ngoài ra, Kinh Tăng Chi còn cho biết, kẻ ác luôn có thái độ cố chấp tà kiến, không thừa nhận mình có những hành vi mất đạo đức, không thừa nhận mình có tội lỗi, hoặc bảo thủ hành vi sai trái, không chịu cải thiện: “Phạm tội, không chấp nhận là phạm tội, sau khi thấy là phạm tội, không như pháp sám hối. Thành tựu hai pháp này, người ác được biết đến.”[4] Căn cứ trên tinh thần Bộ Pháp Tụ, người làm ác hay người ác có năm hình tướng: 1/ Luôn bệnh hoạn. 2/ Không tốt đẹp. 3/ Không thiện xảo. 4/ Hành vi tội lỗi. 5/ Quả không an vui (Bộ Pháp Tụ, tr. 24, số 16). Như vậy, tổng quát mà nói thì kẻ ác là kẻ có những hành vi hiện thời là bất thiện, và đương lai có quả dị thục đau khổ. Ở đây, kinh văn nêu rõ, kẻ ác thường có những hành vi chống trái, hãm hại người thiện, nhưng vì người thiện gieo nhân thiện, phải gặt quả thiện, nên kẻ ác vẫn không sao hại được. Đó là chân lý, đó là sự thật khách quan. Chính nhờ chân lý này, người ta cảm thấy phấn chấn mà thực hiện điều thiện, cải tạo người ác. Ngoài ra, điều này còn ngụ ý nói lên rằng: “Chân lý luôn tất thắng, chân lý luôn là của người thiện, thuộc về người thiện, và bênh vực cho lợi ích chính đáng của người thiện”. Kẻ nào bất chấp chân lý, giày xéo chân lý, chà đạp chân lý, chính kẻ đó phải lãnh lấy những hậu quả trừng phạt đích đáng, khốc liệt. Bởi vì:

“Người hiền thì không thể hãm hại được, nếu hãm hại thì tai họa sẽ tiêu diệt lại mình.”

Hai hình ảnh được Đức Phật minh họa trong kinh văn. Một người phun nước miếng lên trời, bị nước miếng rơi lại trên mặt và một người hắt bụi vào người thời về hướng ngược gió, bụi không tới người kia nhưng lại làm nhơ mình, đều là những hình ảnh giáo dục thật ý nhị, kinh động. Đức Phật không lý luận nhiều nhưng bằng cách dẫn đạo cụ thể, xác đáng vấn đề, người đọc cảm thấy như Đức Phật chỉ dạy và khuyên nhắc cho riêng mình. Đó chính là thiện xảo, là năng lực của pháp “bất cộng mà cộng” vậy.

***

Nói tóm lại, thái độ của người tu sĩ Phật giáo hay các Phật tử nói chung là phải sống với tinh thần Vô Sở Úy. Vô sở úy với các ác nhân hãm hại. Vô sở úy trước các thế lực chống phá Phật pháp. Vô sở úy đối với tất cả những uy quyền, dọa nạt, hăm hích. Và có sở úy chăng, là sở úy chánh pháp không được cửu trụ, pháp và luật không được truyền bá, đời sống phạm hạnh, đạo đức bị giảm sút. Chính như vậy, chúng ta thấy người học Phật là người có ý chí tự giác, có ý chí tự cường, có tinh thần gan sắt, có thái độ kiên trì và có hành động dũng cảm trước mọi nguy nan trong sứ mạng hoằng pháp, trong công tác giáo dục.

 


[1] Tăng Chi I, tr. 113.

[2] Tăng Chi I, tr. 115.

[3] Tăng Chi I, tr. 116.

[4] Tăng Chi I, tr. 114.