Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Thích Nhật Từ Nhà Xuất Bản Thời Đại
03/09/2554 22:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Mục lục
Xem toàn bộ

 

Chương 36. Lại nói về cái khó của con người

 

 

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Ra khỏi ác đạo, làm được thân người là khó. Khi được làm người, bỏ nữ thân thành nam thân là khó. Làm được thân người sáu căn đầy đủ, lành lặn là khó. Đầy đủ sáu căn, sinh nơi trung quốc là khó. Sinh nơi trung quốc, gặp được Phật pháp là khó. Gặp được Phật pháp, hưng khởi tín tâm là khó. Đã có tín tâm, phát tâm Bồ đề là khó. Phát tâm Bồ đề vô tu vô chứng là khó.

II. LƯỢC GIẢI

Trong chương 12 của kinh này, chúng ta đã điểm qua sơ lược 20 phạm trù ý nghĩa về “cái khó của con người” theo Phật giáo. Để minh họa bổ sung nhằm khai sáng nhận thức của nhân loại về kiếp người. Ở chương này, Đức Phật tiếp tục giới thiệu cho chúng ta biết thêm về tám phạm trù của cái khó. Nếu như ở chương 12, cái khó được xoay quanh mọi lãnh vực quan hệ đến đời sống của con người như vấn đề bồi bổ tri thức (11, 16, 17), vấn đề khiêm tốn (8,9, 12, 13), vấn đề công bằng xã hội (14, 15), vấn đề tri túc, bố thí (1, 6, 7, 19), vấn đề tùy duyên, hành xả (18, 19, 20), thì trong chương này chỉ xoay quanh vấn đề nhân bản, nhân bản Phật giáo theo đúng nghĩa. Hơn thế nữa, nhân bản ở đây là nhân bản trung tâm (nhân thị tối thắng) nó giúp chúng ta hiểu được giá trị sự sống của các loài chúng sinh, mà con người là quan trọng và ưu việt hơn hết về phương diện trau dồi đạo đức để hướng đến sự hoàn thiện tuyệt đối: giải thoát Phật quả. Sau đây chúng ta lần lượt khảo sát tám phạm trù cái khó có nội dung nhân bản như đã nói.

1/ Ra khỏi ác đạo, làm được thân người là khó

Ác đạo hay ác thú trong Phật giáo là chỉ cho những chúng sinh sống trong cảnh giới hay các tinh cầu có nếp sống vô cùng thấp kém, sự ác độc bất thiện lại nhiều. Đó là hiện thân của những nếp sống đầy dẫy ác. Thông thường, mà cũng là nội dung truyền thống bất biến của Phật giáo, ác đạo hay ác thú gồm bốn cảnh giới:

a/ Địa ngục (Niraya): Theo ngữ nghĩa Nam Phạn, “Ni” là phủ định phân từ (không có). “Aya” hiểu nôm na là an lạc, phỉ lạc, hạnh phúc. Phối hợp lại, Niraya là cảnh giới mà ở đó không có cái gọi là hạnh phúc, an lạc gì cả.

Theo Đại Thừa Nghĩa Chương 8, địa ngục là cảnh giới không hoan lạc (bất khả lạc) đầy dẫy sự nhàm chán (tăng thượng khả yểm). Theo Pháp Hoa Văn Cú 4, địa ngục còn gọi là không có, nhưng không có là không có an lạc, hạnh phúc (vô hữu, vô hữu hỷ lạc). Theo Câu Xá Luận Sớ, phẩm Thế Gian, địa ngục là cảnh giới mà ở đó nếp sống của chúng sinh vô cùng đau khổ (khổ cụ). Ngay bản chất, người phiên dịch đầu tiên, phiên dịch Naraka hay Niraya là địa ngục với ý nghĩa “ngục tù ở dưới lòng đất” đã là sai và gây nhiều ngộ nhận cho người đời nay (Phật học đại từ điển, Đinh Phúc Bảo, 1066). Điều nhận xét này hoàn toàn đúng, vì như của kinh luận vừa nêu trên, Niraya đều chỉ cho cảnh giới mà chúng sinh ở đó có nhiều đau khổ, không hạnh phúc.

b/ Ngạ quỷ (Peta-Yoni). Căn cứ ngữ nguyên Peta (hay Bắc Phạn là Preta) là người quá vãng hay tuyệt đối không có hạnh phúc. Nhưng ở đây là không có hạnh phúc về ẩm thực nuôi thân. Do đó, ngạ quỷ, quỷ đói không đầy đủ về ăn uống, Hán dịch này tương đối chuẩn xác. Điều cần nên nhớ, Peta không phải là quỷ vô hình, nó là chúng sinh phước lực kém, hình thù kỳ dị, ghê tởm, xấu xa, mà mắt thường của chúng ta không thấy. Ngạ quỷ không có một cảnh giới riêng biệt nào. Nó có thể sống trong rừng bụi, hay những nơi dơ bẩn. Và ẩm thực của chúng sinh kém phước này luôn tùy thuộc vào sự cúng quảy, bố thí của con người. Kinh Tăng Chi nói phẩm vật bố thí cho ngạ quỷ, ngạ quỷ sẽ hưởng thọ được, nhưng bố thí cho địa ngục, súc sinh thì vô ích[1]. Theo Thuận Chánh Lý Luận 31, ba loại cơ bản của ngạ quỷ là: Vô tài quỷ (không có tài sản, phẩm thực), thiểu tài quỷ và trung tài quỷ. Theo Kinh Milinda Vấn Đạo, ngạ quỷ gồm bốn loại: sống bằng vật ói mửa của con người (Vantasika), luôn chịu sự đói khát bức bách (Khuppipasino), đói khát đến độ tiều tụy (Nijjhamatanhika) và sống nhờ vật thực của con người cho (Paradattupajivino). Ngoài ra, Phật học đại từ điển còn liệt kê nhiều loại khác nữa (2726-2728).

c/ Súc sinh (Tiracchannayoni) hay Bắc Phạn là Tiryagyoni. Súc sinh là cựu dịch của hai từ trên. Tân dịch là bàng sinh. Bàng sinh là chúng sinh thân hình khom ngang, không thẳng đứng như con người, trong khi đó, súc sinh chỉ giới hạn trong các thú vật gia súc như trâu, ngựa, gà, vịt, chó, dê… (theo Đại Thừa Nghĩa Chương 8). Do đó, từ bàng sinh dịch sát hơn. Bởi vì theo ngữ nguyên Pali, Tiro là xuyên qua, ngang qua. Acchana là đi. Gộp lại là cảnh giới của loài cầm thú, nghĩa là chúng sinh hay động vật có cấu trúc thân thể ngang. Theo Phật giáo, loài động vật bàng sinh này có bốn dạng thức sinh sôi nẩy nở là: sinh bằng trứng, sinh bằng thai, sinh nhờ độ ẩm thấp và hóa sinh, cũng như con người vậy.

d/ A tu la (Asura-yoni): A tu la là những chúng sinh về phước báo tương đương với các chúng sinh ở thiên giới, nhưng thân thể rất xấu xí. Đại Thừa Nghĩa Chương 8 gọi chúng sinh này là Liệt Thiên. Các dịch giả Trung Quốc ngày xưa thường dịch là Vô Đoan với ý nghĩa dung mạo, hình thể xấu xí, dị hợm (dung mạo bỉ lậu). Cũng có nhiều dịch giả dịch là Phi Thiên với ý nghĩa phước báo gần như thiên nhưng hình mạo thì không bằng. Ngoài ra người ta còn dịch là Vô Tửu Thần hay Chiến Đầu Thần. Sở dĩ có danh từ Chiến đấu thần là vì kinh mô tả, chúng sinh A tu la này, nữ giới rất xinh đẹp, kiều diễm, trong khi đó nam giới xấu xí, lùn bé. Chính vì thế, nam giới của họ không chinh phục được nữ giới bằng các chư thiên Đao Lợi mà sinh ra đố kỵ, ghen ghét, chiến đấu với chư thiên Đao Lợi. Nhưng phần đông các trận chiến, thất bại đều thuộc về A tu la[2]. Kinh còn mô tả, khi chiến bại, A tu la có thể biến hóa, thu nhỏ thân hình lại và bốn đại binh chủng (voi, ngựa, xe, bộ binh) lại có thể ẩn núp trong một củ sen mà không hề chật chội.[3]

Như vừa trình bày, dù mới chỉ là khái quát nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy đủ cả bốn loại chúng sinh trên đều luôn luôn sống trong trạng thái đau khổ và nguy hại là thiếu nhận thức trí tuệ điều kiện thang tiến, tiến đến giải thoát. Do đó, Phật giáo liệt cả bốn loại này vào Ác thú, Ác đạo. Và cũng chính Phật giáo xác nhận, chỉ với con người và duy nhất là con người, bằng khối óc, trí khôn của mình, biết nhận định chính tà, đâu nên đi đâu phải tránh, mới có thể đạt đến sự toàn thiện trong các loại chúng sinh. Chỉ có con người mới có khả năng thành Phật. Vì thế, Kinh Tăng Chi, Đức Phật khẳng định làm được con người là vô cùng khó, và cũng có nghĩa là vô cùng hạnh phúc: “Số ít các loài chúng sinh được tái sinh giữa loài người. Nhưng nhiều hơn là các loài chúng sinh, sinh ngoài loài người.”[4] Và trong vòng sinh tử triền miên bất tận, các chúng sinh ở các cảnh giới khác như chư thiên, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, khi thân hoại mạng chung rất ít khi được tái sinh vào cõi người.

“Số ít là các chúng sinh, sau khi chết được tái sinh loài người. Nhiều hơn là các chúng sinh, sau khi chết đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la. Số ít là các chúng sinh sau khi chết ở thiên giới, được tái sinh giữa loài người. Nhiều hơn là các chư thiên sau khi chết, sa đọa ba ác đạo”. “Số ít là các chúng sinh trong ba ác đạo sau khi chết được tái sinh giữa loài người. Nhiều hơn là bị tái sinh lẩn quẩn trong ba ác đạo.”[5]

Như vậy thật là hợp lý, khi kinh xác nhận “Khó thay, được làm người,”[6] cũng như kinh này nói: “Ra khỏi ác đạo, làm được thân người là khó” vậy.

2.- Làm được thân người, bỏ nữ thân thành nam thân là khó

Ở lời dạy này Đức Phật khẳng định, vị trí của người nữ về các mặt tâm lý, trí tuệ, tình cảm có phần yếu kém hơn người nam. Cho nên, dân gian thường gọi nữ giới là phái yếu. cũng nên lưu ý rằng, ở lời dạy này, hoàn toàn không có cái gọi là “trọng nam khinh nữ” theo cái nhìn cưục đoan phản khoa học của thời phong kiến. Bởi lẽ, qua Phật giáo, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, người ta tìm thấy ở đây giá trị bình đẳng giữa nam và nữ thật đúng nghĩa. Người nữ không bị hạ thấp giá trị, đạo đức, nhân cách. Người nữ có quyền tham gia tất cả mọi lãnh vực đời sống, kể cả sự gia nhập vào lãnh vực chính trị, tôn giáo, mà theo quan niệm Bà la môn bấy giờ cũng như còn rất nhiều nơi trên thế giới hiện nay rất kỳ thị và cấm ngặt, nhưng lúc ấy, nữ giới dù là dòng tiện dân Paria, những nữ tỳ cũng được bình đẳng gia nhập Tăng đoàn Phật giáo, và giữ những vị trí quan trọng trong lãnh đạo như Tỳ kheo ni Khema và Uppalavana. Mặc dù thế, Phật giáo vẫn phải thừa nhận rằng, phái nữ đại bộ phận có tính chất yếu đuối.[7]

Kinh còn cho biết, yếu tính cơ bản của nữ giới là không kiềm chế tuyệt đối bản năng tính dục và ái luyến trong nội tâm họ như là nam giới. Người nữ khi lưu luyến cái gì, thường ôm ấp khôn nguôi, khó buông xả được. Tình cảm của người nữ là tình cảm của lửa than, âm thầm dai dẳng, nhưng rất kiên trì, quyết liệt. Chính vì đeo níu ái dục, dục tình, người nữ khó trở thành sự siêu tuyệt đối của Phật vị. Đức Phật đã từng dạy như vậy khi Ngài khẳng định hai dục tính không bao giờ thỏa mãn của người nữ là: giao cấu và sinh con.

“Có hai điều, này các Tỳ kheo, người phụ nữ khi lâm chung, chưa được thỏa mãn, chưa cảm thấy hài lòng, đó là sự giao cấu và sinh con. Hai điều này, người nữ ôm ấp không thỏa mãn, ngay cả lúc lâm chung.”[8] Và chúng ta vẫn còn nhớ ở các chương trước, Đức Phật xác quyết sự luân hồi sinh tử bắt đầu từ ái dục.

Một đoạn kinh khác, trong cuộc tham vấn đạo của tôn giả A Nâu Lâu Đà với Đức Phật và nguyên nhân người nữ khi thân hoại mạng chung, sinh vào đọa xứ, ác thú. Đức Phật trả lời với ba nguyên nhân như sau: “Do đầy đủ ba pháp, này Anuruddha, các nữ nhân khi mạng chung sinh ác thú. Vào buổi sáng, tâm bị ám ảnh bởi cấu uế của xan lẫn. Vào buổi trưa, tâm bị cấu uế của tật đố. Vào buổi chiều, tâm bị cấu uế bởi dục tham.”[9]

Và ở đây, ta lại thấy yếu tính của người nữ gắn liền với xan lẫn, tật đố và dục tham. Nhưng dĩ nhiên, người nam nào vướng vào mạng lưới này tất cũng bị rơi vào đọa xứ, ác thú như người nữ như thường. Bởi lẽ, quả ác báo sẽ không loại trừ một ai, một khi người ấy gieo nhân bất thiện.

Trong bài kinh Con Rắn Đen (A.iii.1, 260) khi phân tích năm nọc độc của con rắn, Đức Phật đã kèm theo năm nguy hại trong nữ nhân. Hay nói đúng hơn, nọc độc của rắn như thế nào, thì nguy hại của nữ nhân thế ấy: “Này các Tỳ kheo, có năm nguy hại trong con rắn cũng như năm nguy hại của nữ nhân là: không thanh tịnh, hôi thối, sợ hãi rụt rè, đáng sợ hãi và làm hại bạn.”[10]

Và ta cũng nên nhớ rằng năm yếu tính này của nữ giới được nêu ra ở đây là nhằm vạch ra tâm lý bất hảo còn tồn đọng ở nữ giới, chứ không có nghĩa là kết án họ hay quy kết họ. Điều này Đức Phật không bao giờ làm.

Tiếp theo bài kinh trên, đoạn kinh dưới còn đưa ra năm nguy hại khác của nữ nhân là: “Phẫn nộ, hiềm hận, nọc độc, lưỡi chia hai và làm hại bạn”. Và Đức Phật còn chú thích thêm, nọc độc của nữ nhân là tham đắm (Tibbarago). Nói hai lưỡi và ngoại tình (Aticarini). Nhưng Đức Phật cũng lưu ý, chỉ là phần lớn, chứ không phải là toàn bộ.

“Nọc độc của nữ nhân như sau: Phần lớn các nữ nhân hay tham đắm. Phần lớn các nữ nhân hay nói hai lưỡi. Phần lớn các nữ nhân hay ngoại tình.”[11] Nhưng quan trọng hơn hết trong các yếu tính đã liệt kê, Đức Phật lại còn cho biết năm điều “bất khả thành tựu” của nữ nhân, mặc dù chưa có hệ thống giáo lý của tôn giáo nào đề cao giá trị đạo đức cùng vị trí của người nữ như Phật giáo. Và điều này là hẳn nhiên, không có gì là mâu thuẫn kỳ lạ.

“Sự kiện này không thể xảy ra, một phụ nữ có thể là Như Lai, Đẳng Chánh Giác. Sự kiện này không thể xảy ra, một phụ nữ có thể là Chuyển Luân Thánh Vương. Sự kiện này không thể xảy ra, một phụ nữ có thể là Đế Thích (Sakka). Sự kiện này không thể xảy ra, một phụ nữ có thể là Ma Vương. Sự kiện này không thể xảy ra, một phụ nữ có thể là Phạm Thiên. Nhưng các sự kiện trên có thể xảy ra đối với một người nam.”[12]

Điều này Kinh Pháp Hoa cũng ghi nhận tương tự, khi Bồ Tát Văn Thù tuyên bố con gái của vua Rồng Ta Kiệt La (Long Nữ) có đầy đủ tâm Bồ đề, và có thể thành Phật, thì không riêng gì tôn giả Xá Lợi Phất phản đối mà Bồ Tát Trí Tích, thị giả của Phật Đa Bửu cũng đồng tình không chấp nhận như vậy:

“Thân người nữ có năm chướng: 1/ Không làm được Phạm Thiên Vương. 2/ Không làm được Đế Thích. 3/ Không làm được Ma Vương. 4/ Không làm được Chuyển Luân Thánh Vương. 5/ Không làm được Phật.”[13] Mặc dù có chủ trương như vậy, nhưng Kinh Pháp Hoa vượt hơn Kinh Tăng Chi ở chỗ là khéo thấy được điều kiện thành tựu Phật quả của nữ nhân mà xác nhận khả năng thành tựu của họ. Nhưng phải với điều kiện trở thành nam nhân trước khi thành tựu Như Lai: “Đương lúc đó, cả chúng hội Pháp Hoa đều thấy Long Nữ thoạt nhiên biến thành nam nhân đầy đủ hạnh Bồ Tát thành Phật ở cõi Vô Cấu.”[14]

Như vậy, đúc kết lại, làm được thân người, bỏ thân nữ thành thân nam là khó, khó là ở chỗ bỏ hết mọi cấu uế, dục nhiễm ở tâm để thành tựu Phật quả. Hoàn toàn không có nghĩa khinh thị, kỳ thị nữ giới. Bởi lẽ Đức Phật đã chẳng từng tuyên bố với mọi loài như sau: “Tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Ta là Phật đã thành, chúng sinh (nữ tính, nam tính) là Phật sẽ thành”, hay một câu nói rất bình đẳng, nhân bản: “Tứ tánh xuất gia, đồng quy Thích thị” hay sao?

3.- Làm người sáu căn đầy đủ, lành lặn là khó

Quan niệm về cái khó này cũng hết sức là nhân bản. Nó bênh vực, phản ánh nguyện vọng trở thành con người trọn vẹn của tất cả mọi người. Lục căn cụ túc còn gọi là lục căn thanh tịnh, nghĩa là:

  •  Còn đủ hai mắt, mắt thấy sáng suốt, không cận thị, viễn thị, loạn thị… Không chột mắt hay khuyết tật thần kinh nhãn.
  •  Còn đầy đủ hai tai. Tai nghe rõ các âm thanh, không hư nhĩ căn, không hư màng nhĩ.
  •  Còn nguyên vẹn mũi, không có các chứng bệnh về mũi, nhận thức mùi tốt.
  •  Thiệt căn đầy đủ, không ngọng, đớt, cà lăm… Nói rõ ràng, phát âm tốt, âm thanh êm dịu, trong trẻo.
  •  Thân tướng hảo, khỏe mạnh, không bệnh hoạn, không khuyết tật, tứ chi đầy đủ, không có các chứng bệnh ngoài da cũng như nội tạng.
  •  Ý căn tốt, nghĩa là não bộ hoạt động tốt, không bị các chứng bệnh thần kinh, tâm thần, não trạng sáng suốt.

Và trong thực tế, con số nhân loại bị khuyết tật, bệnh tật, thiếu mất các căn, các chi, nội bệnh… đã chiếm đến 90%. Hơn thế nữa, có thể nói, không ai là không có bệnh, dù ít dù nhiều. Do đó, làm được thân người lục căn đầy đủ, nguyên vẹn quả là một điều khó.

Lời dạy này, gián tiếp giáo dục chúng ta cần phải gia công rèn luyện thể lực, bảo vệ sức khỏe, thân xác bằng mọi cách. Đồng thời gieo nhân từ bi với các loài động vật khác, không đả thương sát hại chúng, trái lại còn phóng sinh, bố thí. Hai yếu tố quan trọng này, giúp ta hoàn thiện sáu căn.

4.- Đầy đủ sáu căn, sinh nơi trung quốc là khó

Trung quốc, trong ý nghĩa của lời dạy này không phải là nước Trung Quốc như một số người Trung Quốc đã lạm xưng. Ở đây chỉ có nghĩa là “trung tâm văn vật của một quốc gia, một thành phố quan trọng hay trung tâm văn hóa, văn minh thế giới”. Nơi hội đủ nhiều điều hay lẽ phải, và những tiến bộ tinh thần, đạo đức. Sinh được trong phạm vi trung quốc như vừa nói, quả là một điều cần thiếc và vô cùng khó. Chứ còn sinh vào trung tâm quốc gia phát triển vật chất, xem nhẹ sự phát triển của tinh thần, đạo đức, là điều mà Phật giáo không mong muốn cũng như nhân loại hầu hết đều không thích. Vì sống ở đó chỉ sa đọa, tha hóa. Do đó, kinh điển Phật giáo mô tả rất rõ về lời dạy này: “Số ít là các chúng sinh ở trung tâm, các quốc độ trung ương. Nhưng nhiều hơn là các chúng sinh ở nơi biên địa, giữa các loài man rợ, không có nhiều tri thức.”[15]

Chính vì thế, Đức Phật xác định vị trí của tri thức, của trí tuệ là vô song, là cần thiết, là chìa khóa cho mọi người: “Số ít là các chúng sinh có trí tuệ, nhanh trí, không câm, không điếc (điều kiện trau dồi tri thức) có khả năng phán đoán, suy xét những lời khéo thuyết, vụng thuyết.”[16]

Và ở đây đó trong quá khứ, nhưng vẫn còn vang vọng lời tâm huyết của các bậc tiền bối về sự hiện hữu trong những nơi trung tâm văn hóa của một nước, của thế giới và nhất là văn hóa Phật giáo: “Sinh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư, chánh tín xuất gia, đồng chơn nhập đạo” là một điều rất cần thiết cho những ai muốn trưởng dưỡng đạo đức, vững bồi chánh nhân giải thoát. Trung quốc với nghĩa này mới đích thực là điều Phật dạy: “Sinh nơi trung quốc là khó”.

Ở khía cạnh giáo dục gián tiếp, lời dạy trên còn là một lời khuyên hữu ích cho tất cả chúng ta hãy hướng đến những trung tâm văn hóa, văn minh, văn vật Phật giáo để trau dồi, thúc liễm nguồn tâm, thăng hoa phạm hạnh, viễn ly, cứu cánh. Được như thế, chúng ta mới thật sự làm lợi ích cho chính mình trên cơ sở bắc cầu làm lợi ích cho tha nhân, cho nhân quần xã hội.

5.- Sinh nơi trung quốc, gặp được Phật pháp là khó

Quả thật là như vậy, chánh pháp của Đức Phật, gương bi, trí, dũng của Ngài, hạnh lợi tha, hoằng hóa, phục vụ vô điều kiện của Ngài đã trang trải khắp quãng đường lịch sử 45 năm (hoặc 49 năm theo Bắc truyền) vị tha, lợi vật, nhưng không phải ai cũng may mắn gặp được chánh pháp, tin thuận chánh pháp, nhất là thực hành chánh pháp. Mặt trời luôn tỏ rạng nhưng ánh sáng của nó không làm sao cho người khuyết tật hai mắt thấy được, cảm nhận được. Cũng vậy, chánh pháp của Đức Phật tuy thù diệu, đặc sắc, có công năng hướng thượng con người, đưa con người từ vị trí phàm tục tiến lên vị trí giác ngộ giải thoát, mà giác ngộ, giải thoát một cách đúng nghĩa, toàn diện, nhưng chánh pháp vẫn vô phương cứu chữa cho những đối cơ chưa khai phá thiện tâm, tín tâm, chưa khai thác mầm tỉnh thức. Sự đồng điệu hưởng ứng chánh pháp phải thực sự bắt nguồn từ nhận thức chân chính khách quan về chánh pháp là thực tiễn, lợi lạc. Bất cứ một pháp chế giáo quyền nào buộc dính đối tượng vào chánh pháp là điều mà Phật giáo không bao giờ làm: kiêng kỵ. Phật giáo để cho mọi người tự do lựa chọn, tự do theo đạo, tự do đặt chánh tín và cũng tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng theo đúng nghĩa.

Theo Phật giáo mà không vì công năng giải thoát của Phật giáo, mà chỉ vì tiếng gọi của xu hướng, tháp tùng, không phải thái độ đúng đắn của người đệ tử Đức Phật, mà chỉ là sự cuồng nhiệt trong những tràng vỗ tay giòn giã không mục đích. Chính do thế, sinh trong trung tâm văn vật, được hội ngộ, được sống trong ánh sáng tình thương giải thoát của Phật giáo là một điều vô cùng khó. Nhưng cũng nên lưu ý, khó không phải là Phật giáo không đủ giá trị thuyết phục, khó ở chỗ biết là lợi ích chánh kiến mà vẫn không chịu bỏ cái kiến thức, cái sở học lạc hậu trước đó của mình.

Có thể nói, nơi nào có ánh sáng của Phật giáo soi rọi tới, nơi đó tất có mầm mống của sự an lạc, giải thoát. Một sự giải thoát hết kiến chấp, tà kiến, biên kiến, đoạn kiến, thường kiến… Để hình thành một nhận thức quan toàn diện, mặc dù thời gian có mau, chậm, sự truyền thừa có khế cơ hoặc chưa khế cơ.

Trên đại thể, dầu sao gặp được chánh pháp dù ở lãnh vực nào, bối cảnh nào, vị trí nào… người ta ít nhiều ghi nhận những nguyên lý siêu thoát của nó đối với các học thuyết và tôn giáo khác. Ít nhất trên một vài lãnh vực như nhân sinh quan, thế giới quan, đạo đức quan… Chính vì thế, một thi sĩ vô danh đã tán thán Đức Phật một cách vô tư, nhưng cũng hết sức chính xác, khi vị thi sĩ này so sánh chánh pháp của Đức Phật với mặt trời, mặt trăng và bão táp như hai thái cực, một đàng để lại chân lý mãi mãi cho đời, một đàng chỉ để lại ánh sáng, cơn gió trong nửa ngày hay phút chốc:

“Mặt trời đi, mặt trời mang theo ánh nắng. Mặt trăng lặn, mặt trăng làm tối cả vòm trời. Gió lốc qua, gió cuốn phăng tất cả. Nơi Đức Phật đi qua, luôn lưu vết: Cẩm nang giải thoát cho đời”.

6.- Gặp được Phật pháp, hưng khởi tín tâm là khó

Phật giáo thường huấn thị rằng: “Đức tin là mẹ sinh ra các công đức” (Kinh Hoa Nghiêm). Nhưng đức tin đó phải là chánh tín, và đối tượng để mọi người nương tựa tín tâm phải là chánh pháp. Ở đây lời dạy của Đức Phật: “Gặp được Phật pháp, hưng khởi tín tâm là khó” nhằm hàm ý dạy rằng: gặp được Phật pháp (đối tượng nương tựa chân chính, lợi ích) còn phải biết phát khởi tín tâm đối với Phật pháp để thực hành, đem lại lợi ích cho bản thân mình, gia đình mình, quốc gia mình… Tín tâm với Phật pháp là một điều tối trọng. Nó quyết định xu hướng phát triển tư tưởng, tri thức và đạo đức của ta trên con đường hoàn thiện con người. Chính nó mà con người và xã hội trở nên chân, thiện, mỹ.

Đề cập đến đối tượng đức tin chánh tín, đầu tiên kinh Nikaya nhắm vào trọng tâm Tam Bảo và giới hạnh viên mãn: “Tín lực cần phải thấy ở đâu? Trong bốn dự lưu chi phần, Phật, Pháp, Tăng, giới hạnh viên mãn.”[17] Kế đến, kinh Nikaya nhắm vào các mục tiêu chánh kiến: tín nhân, tín quả, tin có sự sai khác giữa các nghiệp dị thục, tin sự chứng đắc Niết bàn của Như Lai là Vô thượng giác. Ở quan điểm này ta thấy hoàn toàn tương đồng với kinh Bắc truyền: “Tin Bồ đề vô thượng của Như Lai… Tin Như Lai thành tựu 32 tướng hảo, tin nhân quả ba đời, tin thiện nhân gặt hái thiện quả, tin ác nhân chiêu gặt ác quả…

Kinh Nikaya còn nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin chánh tín vào Tam Bảo và giới hạnh là vô song. Ai không thành tựu bốn dự lưu chi phần này sẽ làm tâm trở nên trống trải, hoang vu, vô ích: “Này các Tỳ kheo, ai nghi ngờ bậc Đạo sư, nghi ngờ chánh pháp, nghi ngờ thánh tăng, nghi ngờ giới hạnh viên mãn… do dự không quyết đoán, thời tâm vị ấy không hướng về nhiệt tâm, chuyên chú, kiên trì, tinh tấn. Và như vậy là tâm hoang vu chưa được đoạn tận.”[18] Và Đức Phật còn dạy thêm, không đoạn tận được tâm hoang vu thì không tăng trưởng trong diệu pháp, nghĩa là không có phần lợi ích giải thoát: “Này các Tỳ kheo, vốn ai tâm hoang vu chưa đoạn tận thì năm triền phược chưa được cắt đứt. Với vị ấy, đêm đến hay ngày đến, chờ đợi là tổn giảm trong thiện pháp, không tăng trưởng trong diệu pháp”.

Nhưng vấn đề còn quan trọng ở chỗ làm thế nào để nhận biết chánh pháp mà khởi phát tín tâm, để đức tin đó thật sự là chánh tín? Điều này Đức Phật dạy chúng ta phải xác cứ trên tám mục tiêu lợi ích. Không nằm trong các mục tiêu đó là phi chánh pháp: “Này Gotami, những pháp nào được nhận thức rõ: “Pháp này đưa đến ly tham, đưa đến ly hệ phược, đưa đến không tích tập sinh tử, đưa đến dục ít, đưa đến biết đủ, đưa đến nhàn tịnh, đưa đến tinh tấn, đưa đến giải thoát”. Thời, này Gotami, hãy thọ trì kiên thật rằng: “Đó là pháp, đó là luật, đó là lời dạy bảo của bậc Đạo sư.”[19]

Cơ sở xác tín chánh pháp đã có, chúng ta chỉ cần hướng về chánh pháp, hướng về Tam Bảo mà trau dồi tu tập. Chính như vậy, là nền tảng đức tin chánh tín trong Phật giáo, cũng là đức tin khó phát khởi, nhưng rất quý trọng. Bởi vì: “Có lòng tin, này các Tỳ kheo, có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp.”[20]

7.- Đã có tín tâm, phát tâm Bồ đề là khó

Bồ đề tâm là thuật ngữ chuyên dùng của Phật giáo Bắc truyền. Bồ đề, cựu dịch là chánh đạo, tân dịch là tuệ giác. Do đó, Bồ đề tâm có thể hiểu theo hai nghĩa: tâm hướng đến chánh đạo, tâm hướng đến tuệ giác là tâm Bồ đề. Ý nghĩa trên nguyên ngữ Hán chỉ là vậy. Nhưng trong các kinh, thường có những định nghĩa khai giá, chú trọng ý nghĩa này hay ý nghĩa khác mà thôi. Kinh Duy Ma Cật khẳng định: “Bồ đề tâm là tịnh độ của Bồ Tát” (phẩm Phật Quốc). Kinh Quán Vô Lượng Thọ cho biết, người phát tâm Bồ đề (tâm tuệ giác) nên tất sẽ thâm tín nhân quả: “Phát Bồ đề tâm, thâm tín nhân quả”. Luận Trí Độ định nghĩa Bồ đề tâm là đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác: “Hàng Bồ Tát Phật tâm, hướng về đạo Vô thượng, nhất quyết đạt được Phật quả thì gọi là phát tâm Bồ đề” (quyển 41). Và nghi thức Hồng Danh Bửu Sám cũng định nghĩa Bồ đề tâm tương tự như vậy, nhưng lại quả quyết hơn: “Nay con phát tâm, không cầu cho mình thành tựu phước báo nhân thừa, thiên thừa, ngay cả quả vị nhị thừa (Thanh Văn, Duyên Giác). Chỉ mong thành tựu tối thượng thừa mà phát tâm Bồ đề, nguyện con và tất cả chúng sinh cùng chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”[21]

Kinh Phạm Võng, Đức Phật khuyên chúng ta hãy nguyện cho các loài chúng sinh khác đều phát khởi được tâm Bồ đề: “Này các Phật tử, hãy luôn luôn phát khởi tâm đại từ bi, khi thấy ngựa, trâu, bò, heo, dê… các loài động vật, thì tâm niệm, miệng nói: “Các bạn là súc sinh hãy phát tâm Bồ đề mà thoát hóa.”[22]

Kinh Đại Bửu Tích, khái niệm Bồ đề tâm được hiểu với nhiều ý nghĩa khác nhau, rất phong phú, nhưng phải được lập cước trên năm tướng Bồ đề tâm. Chính năm tướng Bồ đề tâm này làm triển nở hoa trái tâm Bồ đề thật sự.

- Được chư Phật hoặc Bồ Tát, A la hán, Thánh tăng khuyên phát tâm Bồ đề. Đây là tướng sơ phát tâm.

- Nhận chân tâm Bồ đề tạo ra nhiều công đức lớn nên phát tâm Bồ đề. Đây là tướng thứ hai.

- Thấy chúng sinh lạc lõng nguyện làm đạo sư, hướng dẫn họ đến bỉ ngạn. Đây là tướng thứ ba.

- Có hạng người thích 32 tướng hảo của Như Lai mà phát tâm Bồ đề. Đây là tướng thứ tư.

- Hàng Bồ Tát vì chúng sinh mà tu hạnh lục độ ba la mật mà phát tâm Bồ đề. Đây là tướng thứ năm.[23]

Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật cũng đưa ra hai trường hợp phát khởi tâm Bồ đề:

- Là do nghe Như Lai là Thiên nhân sư, tối thượng giữa các chúng sinh, thù diệu hơn Thanh Văn, Duyên Giác, có pháp nhãn, hay cứu độ chúng sinh vượt khỏi khổ ải. Vì nguyện cầu được như vậy mà phát tâm Bồ đề.

- Được thầy hiền bạn tốt khuyên dạy mà phát tâm Bồ đề.[24]

Kinh Đại Bát Niết Bàn cho biết rằng có 13 cơ sở làm người ta thối thất tâm Bồ đề:

- Tâm không chánh tín.

- Tâm không quyết định trạch pháp.

- Tâm hoài nghi chánh pháp.

- Tham tiếc thân mạng, tài sản.

- Sợ sệt Niết bàn, sợ không độ hết chúng sinh.

- Không kham nhẫn được.

- Tâm không điều nhu.

- Tâm nặng sầu não.

- Chẳng ham thích lạc giải thoát.

- Tâm còn phóng dật.

- Tâm ty liệt mạn, không tự tin khả năng mình.

- Sợ không phá nổi phiền não.

- Không thích pháp môn hướng đến Bồ đề.[25]

Ngoài ra, Đức Phật còn cho biết thêm sáu cơ sở phá hủy tâm Bồ đề: 1/ Bỏn sẻn chánh pháp. 2/ Có người thiện tâm đối với chúng sinh. 3/ Thân cận tà sư, ác hữu. 4/ Không có tâm tinh cần tinh tấn. 5/ Quá đỗi tự phụ, kiêu mạn. 6/ Thích kinh doanh nghề nghiệp thế tục.”[26]

Chính vì tâm Bồ đề là tâm hướng đến chánh pháp, hướng đến tuệ giác viên mãn cho mình và người mà lại có nhiều cơ sở làm nó bị phá hủy nên Đức Phật xác quyết: “Đã có tín tâm, phát tâm Bồ đề là khó” là do các lý do này vậy. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu, khó ở đây không có nghĩa là không làm được mà nó đòi hỏi hành giả phải kiên trì, bền bỉ, nhiều nỗ lực, tinh tấn để đạt đến đích cứu cánh tối hậu mà thôi.

8.- Phát tâm Bồ đề, vô tu vô chứng là khó

Như vừa trình bày, phát tâm Bồ đề là phát tâm hướng đến tuệ giác viên mãn, hướng đến Phật đạo tối thượng. Do đó, người phát tâm Bồ đề phải là những người “thường kiên trì, tinh tấn,”[27] và chí nguyện bền bỉ, hùng dũng, mới mong thành tựu Phật quả, chúng ta vẫn còn nhớ hạnh phát Bồ đề của Đức Phật vô cùng mãnh liệt. Ngài khổ hạnh trong suốt 6 năm liền mà không hề thối thất: “Vì ta ăn quá ít, tay chân của ta đã trở thành những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì ta ăn quá ít, nên bàn trôn của ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì ta ăn quá ít, xương sườn của ta gầy mòn giống như rui một cột nhà sàn hư nát. Vì ta ăn quá ít, nên con ngươi của ta long lành nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu…”[28] Sau khi nhận chân phương pháp khổ hạnh ép xác không phải là chánh nhân giải thoát, Đức Phật mạnh dạn từ bỏ, bắt đầu ăn uống bình thường và kiên tâm thiền định suốt 45 ngày liền dưới cây Bồ đề đại thọ và cuối cùng chứng đạt Phật quả. Chúng ta thấy, Đức Phật thành tựu Vô thượng giác với tâm Bồ đề mãnh liệt, ấy thế mà trong Kinh Kim Cang, Ngài lại phủ định quá trình tu chứng của Ngài:

“Này Tu Bồ Đề, Như Lai đối với pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thật chẳng có chứng đắc một chút pháp gì cả. Nhờ vậy mà được gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Lời dạy này, chúng ta phải hiểu như thế nào để phù hợp với tinh thần nội dung kim ngôn ấy? Trước tiên, ta nên liên hệ với tiêu đề cái khó thứ tám trong chương này: “Phát tâm Bồ đề, vô tu vô chứng là khó”. Và chúng ta nhận thấy câu Phật ngôn này đã mang sắc thái của Kinh Kim Cang. Tu chứng nhưng không tự phụ chấp mắc ở quá trình tu chứng. Ở đây hoàn toàn không có nghĩa khích bác sự tu chứng. Bởi lẽ, Đức Phật đã từng giải thích quá trình phát tâm Bồ đề, thành đạo thể nhập Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chỉ là một sự thể nhập mà không thể nhập gì cả (vô sở trụ sinh kỳ tâm) một sự chứng đắc mà không còn đối tượng chứng đắc và đối tượng tiêu diệt (vô tu vô chứng hay tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng, chương 2), một sự trở về trung đạo, lìa tất cả mọi con đường, mọi đối đãi nhị nguyên của con đường mà sinh tử và Niết bàn là một cặp đường đối đãi. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật giải thích điều này:

“Này Tu Bồ Đề, pháp ấy bình đẳng (trung đạo) không có cao thấp, ly khai đối tính, nhị nguyeân) nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”[29]

Vấn đề phủ định của Đức Phật mang một ý nghĩa vô cùng trọng đại. Ở đây, Đức Phật phủ định tất cả mà không rơi vào sự phủ định trong vòng đối đãi có, không có. Có cũng phủ định, không có cũng phủ định. vừa có vừa không, và chẳng có chẳng không cũng phủ định nốt. Phủ định như vậy là một sự phủ định tuyệt đối, chứng đắc tuyệt đối. Nói chung, Đức Phật phủ định quá trình tu chứng của Ngài là nhằm khai quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là do ly tứ cú, ly các trước tưởng chấp mắc. Nhận thức quan chánh kiến tuệ giác như vậy rất cần thiết cho mọi hành giả còn loanh quanh ở Hóa Thành mà chưa hướng đến Bảo Sở. Chính vì thế, Đức Phật khẳng định, phát tâm Bồ đề tuy khó mà không khó, chứng đắc mà không hệ lụy sở chứng để đạt đến chứng đắc tuyệt đối mới là khó. Dám bỏ Hóa thành trở về Bảo sở, khi đến bảo sở nhưng vẫn không hệ tưởng vào bảo sở mới đích thực là khó. Do đó, vô tu vô chứng không phải là không cần tu hành, không cần chứng đắc, mà là sau khi tu hành chứng đắc, không còn chấp vào sự tu tập chứng đắc của mình, để giải thoát khỏi ngã chấp, pháp chấp, giải thoát tri kiến, giải thoát mọi ý niệm giải thoát, giải thoát viên mãn, tuyệt đối.

***

Để kết thúc quan niệm về cái khó ở chương này, chúng ta chỉ cần nắm bắt những trọng tâm sau đây:

Khó theo Phật giáo dù là nan hành, nhưng ai cũng có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực tinh tấn. Và khi thực hiện, hạnh phúc an lạc sẽ đến với người ấy như bóng theo hình, vang theo tiếng. Bóng và hình, vang và tiếng, không tách rời khỏi nhau trong quá trình hình thành và tồn tại. Cũng vậy, trau dồi nhân tu tập, quả chứng đắc sẽ đến.

Cái khó mà Phật giáo đưa ra mang nặng sắc thái nhân bản, giáo dục nhân bản. Để rồi tư nền tảng vững chắc của nhân bản hướng đến siêu nhân bản, tức là phạm hạnh, giải thoát, siêu vĩ. Phạm trù về cái khó mang tính nhân bản như thế không thể là quan điểm bi quan tiêu cực mà quả là tích cực và cần thiết cho mọi người. Và đó mới thật là nhãn quan chánh kiến.

Nêu ra cái khó về làm thân người, có được nam thân, đầy đủ sáu căn, sống nơi trung tâm văn vật, gặp được Phật pháp, phát khởi chánh tín, phát tâm Bồ đề và nhất là tu hành với tri kiến giải thoát “vô tu, vô chứng” là nhằm nhắc nhở chúng ta hãy ra sức nỗ lực để duy trì, phát huy chánh nhân, duyên nhân có được của chính mình mà vững tiến trên con đường Phật đạo giải thoát, giải thoát ba la mật.

 


[1] Tăng Chi III, tr. 539-544.

[2] Phật học đại từ điển, tr. 1441.

[3] Tương Ưng V, tr. 451.

[4] Tăng Chi I, tr. 45.

[5] Tăng Chi I, tr. 48-49.

[6] Dhp.182.

[7] Tăng Chi III, tr. 112-118, Đức Phật và Phật Pháp, Narada, tr. 314-320.

[8] Tăng Chi I, tr. 93.

[9] Tăng Chi I, tr. 325.

[10] Tăng Chi II, tr. 264.

[11] Kinh đã dẫn, tr. 265.

[12] Tăng Chi I, tr. 37-38.

[13] Phẩm Đề Bà Đạt Đa, tr. 341.

[14] Kinh đã dẫn, tr. 343.

[15] Tăng Chi I, tr. 45.

[16] Kinh đã dẫn, tr. 46.

[17] Tăng Chi II, tr. 19.

[18] Tăng Chi III, tr. 316-317.

[19] Tăng Chi III, tr. 119.

[20] Tăng Chi II, tr. 15.

[21] Phật học đại từ điển, tr. 2111-2112.

[22] Phật học đại từ điển, tr. 1854.

[23] Đại Bửu Tích III, tr. 18.

[24] Đại Bát Niết Bàn II, tr. 212.

[25] Đại Bát Niết Bàn II, tr. 211-212.

[26] Kinh đã dẫn, tr. 213.

[27] Dhp.23.

[28] Trung Bộ I, tr. 80.

[29] Kinh Kim Cang, phân đoạn 23.