PHẦN 1. TỔNG
LUẬN KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
I. KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG VỚI SO SÁNH LUẬN
A. Kinh Bốn Mươi Hai Chương và Biện chứng pháp
“Biện chứng”, Anh ngữ gọi là
Dialectis, Pháp ngữ gọi là Dialectique, Đức ngữ gọi là Dialektik, và tiếng Nga
gọi là Dialektika. Thật ra, “biện chứng” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với ý
nghĩa nghệ thuật đối thoại, tranh luận, trong đó sự mâu thuẫn giữa các ý kiến
của hai bên là trục quay cho cuộc tranh biện được diễn tiến. Dựa vào ý nghĩa
này, các triết gia cho rằng biện chứng pháp là khoa học về các quy luật vận
động, phát triển của các loại hình xã hội và con người.
Sẽ là một ngộ nhận, nếu ai cho
rằng Hegel (1770-1831) là cha đẻ của Biện chứng pháp. Biện chứng pháp đã có từ
thời cổ Hy Lạp như Heraclite với câu nói bất hủ: “Người ta không bao giờ có thể
tắm hai lần trong một dòng nước, cũng không thể nào sờ mó được một vật gì hai
lần trong cùng một trạng thái, vì vật đó tan rồi lại hợp, tới gần rồi lại xa ra
và cứ như thế luôn luôn biến đổi” (Solovine, Heraclite déphése, tr. 69). Biện
chứng pháp còn được tìm thấy trong Kinh Dịch và rất nhiều trong Phật học. Điều
này, chúng ta sẽ được rõ, khi đi vào những luật tắc của biện chứng pháp. Chẳng
qua Hegel là người đầu tiên tập đại thành biện chứng pháp cổ kim Âu Á thành
những luật tắc như một hệ thống logic phổ biến mà thôi.
1. Bốn luật tắc chính của biện
chứng pháp
1/ Luật vận động: Là sự
biến đổi không ngừng của hiện tượng giới. Kinh
Bốn Mươi Hai Chương nói riêng, Phật giáo nói chung gọi luật vận
động là vô thường: Từ thế giới con người cho đến tư tưởng cũng vậy, luôn ở
trong trạng thái chuyển biến từng sát na, sát na một. Chương 19, Đức Phật dạy:
“Hãy tuệ quán các thiên thể, tinh cầu, thế giới là vô thường”. Chương 20, Đức
Phật dạy: “Hợp thể năm uẩn: Sắc (Tứ đại chủng; tứ đại tính; sắc pháp; vật chất)
và thọ, tưởng, hành, thức (tâm ý; tinh thần) cấu tạo nên con người luôn luôn
biến đổi, không dừng trụ”. Như vậy luật vận động của biện chứng pháp đã có
trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương.
Và có thể nói, chỉ với Phật giáo, luật vận động đã được phân tích triển khai
một cách hoàn hảo từ 26 thế kỷ trước.
2/ Luật tương quan: Là
năng lực tác động qua lại lẫn nhau trong hiện tượng giới. Phật giáo gọi đó là
“Duyên khởi pháp” theo nguyên lý “Cái này có, cái kia có. Cái này sinh, cái kia
sinh. Cái này không, cái kia không. Cái này diệt, cái kia diệt”. Và Kinh Bốn Mươi Hai Chương đã cụ thể hóa
nguyên lý phổ quát này thành duyên khởi của sinh tử và Niết bàn: “Người vì có
ái dục, nên sinh lo, từ lo sinh sợ. Nếu trừ khử ái dục thì có gì phải lo sợ”.
(chương 32).
3/ Luật mâu thuẫn: Cũng
còn gọi là tam đoạn thức (Anh: triad, Pháp: triade, Đức: triade, Nga: triada),
tức là ba giai đoạn phát triển tất yếu của biện chứng pháp: a/ Chánh đề
(these), b/ Phản đề (anithese), phủ định nó, c/ Hợp đề (synthese), tổng hợp các
yếu tố của a, b phủ định b. Theo Marx, tam đoạn thức còn là: a/ Khẳng định
(position), b/ Phủ định (negation), c/ Phủ định của phủ định (negation der
negation).
Trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương, chánh đề được
nêu ra là thất tình lục dục, tham sân si, phiền não lậu hoặc – những tình tự sa
đọa hóa con người trong sinh tử luân hồi, cần được trừ khử bởi phản đề là giới
định huệ, tám chánh đạo, và nói chung là thiện pháp… hay Đạo đế. Nhờ phản đề
Đạo đế này đoạn diệt các tập đế ở chánh đề dẫn đến tổng hợp đề là giải thoát
sinh tử, Niết bàn. Tổng hợp đề theo nghĩa phủ định của phủ định, tức phủ định
phản đề, theo Kinh Bốn Mươi Hai Chương
là nguyên lý nhận thức Trung đạo “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” (chương
2), một nhận thức chánh kiến, tuệ giác không chấp trước Đạo thế và sở chứng,
giải thoát theo đúng nghĩa: giải thoát Ba la mật.
4/ Luật lượng biến thành chất: Tức là
sự biến chuyển từ lượng sang phẩm (từ nước thường sang nước đá hay sang hơi
nước). Theo nguyên lý này, những biến đổi về chất phải do sự biến chuyển về
lượng tích lũy thành. Kinh Bốn Mươi Hai
Chương đưa ra hai phạm trù tu tập: Thân hành đạo và tâm hành đạo
tác động qua lại lẫn nhau. Sự có mặt của thân hành đạo theo đúng nghĩa tích lũy
sẽ tạo cơ sở cho tâm hành đạo và ngược lại. Thành tựu biện chứng thân hành đạo,
tâm hành đạo này, hành giả sẽ đạt ngộ giải thoát. Lượng ở đây là quá trình hành
đạo và chất ở đây là đạo quả giải thoát.
Cả bốn luật tắc chính yếu của
biện chứng pháp đều có đủ trong Kinh Bốn
Mươi Hai Chương – cũng có nghĩa là có lâu đời trong Phật giáo. Tìm
hiểu biện chứng pháp trong Kinh Bốn Mươi
Hai Chương cũng tức là gián tiếp hay khái quát khảo sát biện chứng
pháp trong Phật giáo. Điều trọng yếu mà chúng ta phải thừa nhận ở đây là biện
chứng pháp Phật giáo là biện chứng tu tập mang tính nhân bản và giải thoát.
Nghĩa là thông qua biện chứng pháp Phật giáo, người học Phật sẽ có cái nhìn
chánh kiến về nhân sinh, vũ trụ là vô thường, khổ, vô ngã (về mặt hiện tượng)
và bất sinh bất diệt… (về mặt bản thể), trên cơ sở đó, trau dồi phạm hạnh, đạo
đức, hướng đến viễn ly, giải thoát. Biện chứng như vậy hẳn vượt lên trên những
suy lý, triết lý, kiến thức, đi vào mầu nhiệm của giải thoát thực tại tu tập,
rất cần thiết cho mọi người, nếu muốn thăng hoa cho chính mình trên con đường
hoàn thiện nhân cách, siêu nhân cách.
B. Kinh Bốn Mươi Hai Chương và Quy nạp pháp
Quy nạp pháp (induction,
induction, indukeija) trên đại thể, nó là phương pháp nhận thức đối lập với
diễn dịch pháp, nhưng không tuyệt đối hóa, mà thực tế còn bổ sung cho nhau. Phương
pháp nhận thức của quy nạp là quá trình suy lý đi từ những cái riêng đến cái
chung, từ những sự vật cá biệt tới nguyên lý phổ biến, trong đó những cái riêng
hay những sự vật cá biệt đều có một xác suất kết quả như nhau trong nhiều
trường hợp, nhiều thời điểm, nhiều địa điểm khác nhau. Chính sự lặp đi lặp lại
nhiều lần như những thuộc tính nhất định, chung nhất về xác suất kết quả của
những sự vật cá biệt hay những cái riêng mà chúng ta đi đến đúc kết thành cái
chung nhất, thành nguyên lý phổ biến. Những câu nói: “Có khói ắt có lửa”,
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, “Ánh sáng
truyền theo đường thẳng”, “Tất cả hành tinh thuộc thái dương hệ đều có quỹ đạo
hình bầu dục”… đều là những câu nói theo khuôn pháp quy nạp, hai câu đầu thuộc
quy nạp kinh nghiệm dân gian, hai câu sau thuộc quy nạp thực nghiệm khoa học.
Trong Phật giáo những lời giáo
huấn đức dục thuộc dạng quy nạp, không phải do đúc kết kinh nghiệm dân gian,
cũng không phải do đúc kết từ những kết quả của thực nghiệm khoa học, mà là
bằng trí tuệ viên mãn siêu tuyệt do tu tập chứng đắc. Đức Phật nhận thức rõ các
sự vật, các pháp từ sự cấu tạo hình thành, biến đổi, hủy hoại cho đến pháp tánh
tịch diệt của chúng như thấy rõ một vật cụ thể ở lòng bàn tay Ngài. Vũ trụ, thế
giới, con người, xã hội, tâm, tưởng… Đức Phật cũng nhận thức chánh kiến về
chúng của sự tu tập. Do đó, pháp quy nạp của Phật giáo không có những trường
hợp ngoại lệ, những cái sai ngoại lệ, dù là với xác suất không đáng kể. Chẳng
hạn, bằng trí tuệ, Đức Phật nhận thấy ái dục thiêu đốt con người và làm băng
hoại những gì cao đẹp mà con người có. Ai bị ái dục thiêu đốt, nhất định sẽ bị
vị đau khổ của nó ràng buộc, nên Đức Phật tuyên bố “Điều làm cho con người ngu
tệ là ái và dục” (chương 3) hay “Ái dục còn nguy hiểm hơn bùn lầy” (chương 41)…
Có một lần, để giáo dục tính quy
luật về kết quả của sự đạt đạo giải thoát là phải thật sự được khởi nguồn từ tu
tập chánh pháp, chứ không phải là hệ quả của ân sủng hay van xin, lạy lục, Đức
Phật khẳng định: “Phật tử dù xa Như Lai hàng ngàn dặm nhưng luôn tác ý, thực
hành giới pháp của Như Lai, nhất định chứng đắc đạo quả, những ai tuy thân cận
bên Như Lai, thường thấy Như Lai, nhưng không tác ý, thực hành giới pháp của
Như Lai, nhất định không thể nào chứng đắc đạo quả” (chương 37). Đó là câu nói
theo khoa học quy nạp thật chân xác, đáng để cho tất cả chúng ta suy gẫm.
Nhận thấy rõ sự học rộng nghiên
cứu nhiều nhưng thiếu đi chất tố thực hành tu tập, theo kiểu duy lý triết lý
suông của các triết gia, học giả, sẽ không đem lại sự an lạc, giải thoát, trái
lại chỉ đem lại sự tăng trưởng phiền phược của kiến thức, Đức Phật xác quyết
“Những người học rộng nghiên cứu nhiều, không tu đạo thì khó lãnh hội. Những
người thủ chí hành đạo thì đạo đó vĩ đại”. (Chương 9).
Các chúng sinh ở loài động vật
bàng sinh, ở địa ngục và ngạ quỷ là nhiều đau khổ và thiếu trí tuệ nên Đức Phật
dạy: “Ra khỏi ác đạo làm được thân người là khó” (chương 36). Tuy nhiên, làm
được thân người với tướng hảo đầy đủ, nam tướng, sống ở trung tâm văn hóa, phải
do tác duyên gieo trồng phước đức, nên Đức Phật dạy tiếp: “Làm thân người với
sáu căn đầy đủ là khó. Bỏ nữ thân được làm nam thân là khó. Được sống ở nơi văn
hóa và đạo đức (Trung quốc) là khó (chương 36). Trong các loại hình văn hóa,
văn hóa Phật giáo là loại văn hóa nhân bản, hướng đến đạo đức con người, và đạo
đức thánh nhân. Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng tiếp nhận, thấu hiểu, thực
hành và nhận thức rốt ráo, do đó, Đức Phật dạy: “Gặp được Phật pháp là khó…
Hưng khởi chánh trí Phật pháp là khó… Phát khởi tâm Bồ đề là khó… Nhận thức vô
tu, vô chứng là khó.” (Chương 36).
Ở chương 12 và 20, phạm trù về
cái khó của kiếp người được Đức Phật đề cập như: Nghèo khổ bố thí là khó; giàu
sang học đạo là khó; bỏ thân mạng chết vì lẽ phải là khó; thấy được chánh pháp
là khó; sinh thời Phật, gặp Phật là khó; nhẫn được các dục là khó; bị nhục
không sân là khó; có thế lực không cậy uy là khó; đối cảnh vô tâm là khó; học
rộng nghiên cứu nhiều là khó; trừ diệt ngã mạn là khó; không khinh người chưa
học là khó; thực hành tâm bình đẳng là khó; chẳng nói thị phi là khó; gặp được
thiện tri thức là khó; kiến tánh học đạo là khó; tùy duyên hóa độ là khó; thấy
cảnh không động tâm là khó; khéo biết phương tiện là khó…”, cũng đều là những
lời dạy thấm nhuần phương pháp quy nạp vừa khoa học, chính xác, vừa hàm ý giáo
dục mọi người cùng tu tập, trau dồi.
Vài nét khái quát về quy nạp
pháp trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương
cũng đủ chứng minh cho chúng ta thấy, hệ thống học Phật giáo luôn là những nhận
thức chánh kiến đi tiên phong để khai sáng tư tưởng nhân loại. Và ở bất kỳ thời
đại nào nền tảng học lý ấy vẫn luôn phù hợp với nhận thức tiến triển của loài
người, cung cấp cho loài người những hạt giống, những năng lực tuệ giác có lợi
cho tư tưởng nhận thức, có lợi cho hành động và có lợi cho cuộc sống đạo đức.
C. Kinh Bốn Mươi Hai Chương và Diễn dịch pháp (Tam
đoạn luận)
Diễn dịch pháp, tiếng Anh gọi là
Deductive method, Pháp gọi là Méthode déduction, với ý nghĩa là suy luận. Nhưng
suy luận có cơ sở và logic, đi từ mệnh đề gọi là “tiền đề” tới một kết luận là
“hậu quả tất yếu” của những tiền đề đó. Do đó chúng ta có thể định nghĩa khái
quát: Diễn dịch pháp là khoa học suy luận logic đi từ tổng quát đến đặc thù hay
từ nguyên lý đến hậu quả. Các nhà nghiên cứu chuyên môn, gọi khoa học suy luận
logic đi từ tổng quát đến đặc thù là diễn dịch hình thức và khoa học suy luận
logic đi từ nguyên lý đến hậu quả là diễn dịch toán học. Cả hai phương pháp
diễn dịch này đều có trong Phật giáo, nhưng chưa được hệ thống hóa thành một
khoa học độc lập.
Riêng Kinh Bốn Mươi Hai Chương, phương pháp
diễn dịch nằm rải rác ở các chương. Có trường hợp phải kết hợp đến 2, 3 chương
hoặc hơn thế nữa mới đúc kết thành một diễn dịch pháp hoàn chỉnh. Cũng có
trường hợp trong một chương thôi cũng là một diễn dịch pháp, nhưng thông thường
lại thiếu đi đại tiền đề – yếu tố đầu tiên của diễn dịch pháp gọi là đại tiền
đề của tam đoạn luận: đại tiền đề, tiểu tiền đề, kết luận. Nội dung hay ý nghĩa
của tiểu tiền đề và kết luận phải nằm trọn vẹn trong đại tiền đề hay ít nhất
cũng mang tính chất tương thuộc, thuộc tính của đại tiền đề.
Điểm đặc biệt độc đáo của diễn
dịch pháp Phật giáo là khoa học biện chứng không đi từ suy luận mà đi bằng tuệ
giác viên mãn của Đức Phật – bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến – đến các
nguyên lý vô cùng chính xác mà ai ai cũng có thể xác chứng được.
Thí dụ: Khi nói về nhân quả,
chương 6 và chương 8, đã trình bày như diễn dịch pháp để răn dạy đạo đức, luân
lý.
Đ.T.Đ: Mọi hành động đều có phản
ứng tương xứng (tổng quát, nguyên lý).
T.T.Đ: Kẻ nào đem điều ác đến,
thực thi điều ác.
K.L: Kẻ đó sẽ bị điều ác của
chính mình trừng phạt (chương 6).
Hay về hình ảnh sự trừng phạt,
chương 8 còn diễn tả: Như người phun nước miếng trên không, trở lại rơi vào
mặt, như hắt bụi ngược gió, bụi làm dơ thân, và hơn nữa, người thiện không hại
được.
Và khi đề cập đến tính quy luật
chống đối kẻ hiền lương, đạo đức của những phần tử độc ác, Kinh Bốn Mươi Hai Chương diễn tả:
Đ.T.Đ: Kẻ ác thường chống đối
người thiện, hại người thiện (tổng quát, nguyên lý) (chương 8). Hay: “Người ác
nghe Đức Phật hành đại từ nên đến chửi mắng Ngài.” (Chương 7).
T.T.Đ: Kẻ nào tật đố, tà kiến,
nên có ác tâm với người thiện, điều thiện.
K.L: Tất yếu kẻ đó chống đối
người thiện, người đạo đức, Đức Phật…
Rồi khi nói về nguy hại của ái
dục, vị ngọt của ái dục, vị đau khổ của ái dục là sinh tử luân hồi, vị xuất ly
của nó là giải thoát, Đức Phật dạy:
Đ.T.Đ: Điều làm cho con người
ngu tệ là tham ái và dục lậu (chương 3).
T.T.Đ: sa môn và cư sĩ tại gia
cũng là con người.
K.L: Do đó hễ tham trước, tham
ái dục lậu thì phải bị sinh tử luân hồi, không thấy được đạo giải thoát (chương
16), mãi mãi là phàm phu (chương 23), hoặc bị lửa sinh tử thiêu đốt (chương
25).
Nói về phước đức của người hảo
tâm bố thí và người tùy hỷ với hạnh bố thí của người khác, nội dung chương 10
đề cập đến như một tam đoạn luận hoàn chỉnh.
Đ.T.Đ: Hảo tâm bố thí có phước
đức lớn.
T.T.Đ: Anh A, tùy hỷ hạnh bố thí
của người hảo tâm.
K.L: Nên anh A cũng được cộng
hưởng phước đức đó.
Tương tự, chúng ta có thể phối
hợp tam đoạn luận chương 39 như sau:
Đ.T.Đ: Chánh pháp của Đức Phật
là chân lý tuyệt đối.
T.T.Đ: Đệ tử Phật là người thực
hành chánh pháp của Ngài.
K.L: Cho nên tín giải thọ trì
mọi giáo huấn của Ngài bằng tuệ giác sẽ được giải thoát.
Và khi giảng giải về nguyên lý
vô thường trong từng sát na của nhân sinh, vũ trụ, Đức Phật dạy:
Đ.T.Đ: Vô thường chi phối hữu
tình, vô tình.
T.T.Đ: Con người là hữu tình,
thế giới là vô tình.
K.L: Con người, thế giới phải vô
thường (chương 19, 20, 38).
Nhìn chung, khoa học diễn dịch
có nhiều trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương.
Nhưng điều chúng ta cần lưu ý là diễn dịch pháp Phật giáo chú trọng về nhân
sinh quan, vũ trụ quan trên cơ sở những nhận thức chánh kiến, để hướng đến sự
chọn lựa con đường thiện, con đường đạo đức, thực hiện giải thoát. Do đó, có
thể nói diễn dịch pháp thực nghiệm tu chứng, vừa linh động, thực tiễn vừa đem
lại kết quả lợi ích an vui cho mọi hành giả ngay sau khi thực hành – nghĩa là ở
hiện tại này và tại đây. Diễn dịch pháp như vậy, quả thật trở thành một khoa
học, một biện đức tu tập hoàn thiện.
II. LOẠI HÌNH KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Đề cập đến loại hình Kinh Bốn Mươi Hai Chương chính là đề
cập đến các phương pháp, các dạng thức, hay nói theo ngôn ngữ Phật học là các
phương tiện thuyết pháp hoằng hóa của Đức Phật. Đại bộ phân, thể loại kinh văn
của kinh này là vô vấn tự thuyết, mở đầu bằng hai chữ rất thân quen,
gần gũi: Phật Ngôn, Việt dịch là Đức Phật dạy rằng …
Vô vấn tự thuyết, loại hình
thuyết pháp này được phổ biến rộng rãi, phong phú trong các kinh hệ Bắc truyền,
riêng kinh hệ Nikaya rất hiếm thấy và ngay cả thuật ngữ này cũng không có trong
9 loại hình kinh hệ Nikaya.
Trong thực tế, vấn đề loại hình
vô vấn tự thuyết trong hệ Nikaya vẫn còn gây nhiều tranh luận, trao đổi, chưa
có sự nhất trí nào cả. Theo Đại Thừa Nghĩa Chương 1, ba loại hình Thọ ký, Vô
vấn tự thuyết và Phương quảng không hề có trong 9 loại hình kinh Nam truyền.
Lại cũng có thuyết cho rằng kinh Nam truyền không có ba loại hình
Nhân duyên, Thí dụ, Luận nghị, chứ không phải như Đại Thừa Nghĩa Chương đã nói.
Thật ra, đứng về mặt ngôn ngữ học, rõ ràng ba loại hình Thọ ký, Vô vấn tự
thuyết và Phương quảng chỉ không có trong thuật ngữ kinh Nam truyền, nhưng vẫn
có trong thực tế thuyết pháp của Đức Phật dù chỉ là rất ít, chẳng qua chưa được
hệ thống thành loại hình thuyết pháp cụ thể mà thôi. Do đó, trên cơ bản, 12
loại hình kinh văn của Bắc truyền vẫn có chứa đựng đủ trong kinh hệ Nam truyền. Vấn
đề ở chỗ các bản văn kinh Nam
truyền dù đề cập rải rác trong nội dung, nhưng chưa phổ biến bằng thuật ngữ về
các loại hình kinh văn Bắc truyền mà thôi.
Trở lại vấn đề Kinh Bốn Mươi Hai Chương, có đến 37
chương trên số 42 chương là loại hình vô vấn tự thuyết, 5 chương còn lại thì
bắt đầu bằng ngữ thoại vấn đáp, trong đó có đến 4 chương (13, 14, 15 và 34),
đương cơ tham vấn là hàng sa môn xuất gia, chỉ có chương 26, đương cơ thời pháp
là thiên ma ngoại đạo.
Một cách khái quát hóa, chúng ta
chỉ có thể phân tích như thế. Nhưng khi khảo sát kinh văn từng chương, chúng ta
sẽ dễ dàng nhận ra, từ hai loại hình kinh văn đối lập này, sẽ biểu hiện dưới
năm loại hình khác. Năm loại hình đó là: Thí dụ so sánh, đoản văn, vấn đáp,
định nghĩa và liệt kê (ở đây, sự sắp xếp thứ tự các loại hình tùy thuộc vào tỷ
lệ số lượng nhiều nhất cho đến ít nhất). Mỗi loại hình vừa nêu đều có sắc thái,
đặc điểm riêng nhưng cùng chung một mục đích nhất quán là nắm căn cơ đối tượng,
hướng đạo họ trở về tinh tấn, và kiên định trong lý tưởng, lập trường tu tập
chánh pháp giải thoát.
1. Thí dụ và so sánh: Loại
hình này chiếm tỷ lệ đặc biệt: 21 trên 42 chương (các chương 7, 8, 11, 16, 17,
21, 22, 23, 24, 25, 27, 29, 30, 33, 34, 35, 37, 39, 40, 41, 42). Trong các
chương này, hình thức thí dụ so sánh như một “đẳng thức hóa” hai mệnh đề đồng
nghĩa hoặc hai nguyên lý tương đồng. Bốn từ ngữ so sánh được khai thác triệt để
là Như (ví như), Dụ, Dụ Như (cũng như), Thí Như (ví dụ như, chẳng hạn như).
Cũng có lúc Đức Phật thí dụ so sánh bằng phương pháp “Tỷ giảo phủ định”: Bất
như (chương 11). Cũng có trường hợp Đức Phật vận dụng cách “Tỷ giảo nghi vấn”:
Như hà (chương 34). Trong một vài pháp thoại, Đức Phật so sánh bằng phương pháp
tu từ nhấn mạnh “thậm ư”, còn hơn (chương 23) hay “mạc thậm ư”, không có gì hơn
(chương 24). Rồi một lần nọ, bậc Đạo sư lại không đẳng thức hóa hai mệnh đề như
các trường hợp trước, mà Ngài đối lập hóa để so sánh sự lợi hại, sự khác nhau
trời vực của hai hàng đệ tử, một đàng có diễm phúc thân cận Đức Phật nhưng
không hành pháp, còn một đàng tuy cách xa Đức Phật lại luôn canh cánh thực hành
nên quả giác ngộ vẫn kết trái. Trong khi đó, hàng đệ tử kia thì vẫn u minh sinh
tử. Cần phải thừa nhận rằng loại hình thí dụ so sánh này đáng chú ý như sự hấp
dẫn, thu hút, thuyết phục đương cơ và đáng kể hơn là hiệu lực khai sáng của nó
vô cùng to lớn đối với người học hỏi, tu tập.
2. Đoản văn: Sau thí
dụ so sánh thì đoản văn cũng là một loại hình nổi bật: 11 trên 42 chương (các
chương 3, 5, 6, 9, 16, 18, 19, 24, 25, 28, 32). Đoản văn là những câu Phật ngôn
ngắn gọn súc tích, dễ nhớ, tính giáo dục và triết lý ở đó khá nhiều. Đoản văn
trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương
là một loại hình nghệ thuật như vậy, không chỉ mang sắc thái của những câu tư
tưởng danh ngôn mà còn thấm nhuần hương vị đạo đức, thực nghiệm giải thoát.
Chính vì thế mà triết lý Phật giáo là triết lý sống, triết lý hành động và dẫn
đến kết quả mỹ mãn của sự chứng đắc tâm linh. Triết lý Phật giáo là triết lý
thực tiễn xa rời chủ nghĩa hoài nghi, tranh biện, lý luận. Đến với triết lý
Phật giáo là đến với lời vàng, trau dồi tính chất nhân bản, để hoàn thiện, hoặc
trên con đường hướng đến nhân cách siêu nhân – một con người không còn tham sân
si, các pháp bất thiện, các hoặc lậu, và là từ trường của những hội tụ đạo đức,
tu tập và giải thoát.
3. Vấn đáp: Vấn đáp
là loại hình nghệ thuật thuyết pháp đứng thứ ba trong kinh này. Dù thể loại này
chiếm tỷ lệ không nhiều lắm: 9 trên 42 chương (các chương 7, 10, 13, 14, 15,
26, 31, 34, 38) nhưng yếu tố giáo dục không phải là nhỏ. Vấn đáp trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương, hay là các
loại hình đàm đạo, trao đổi trong Phật giáo đều lấy tôn chỉ tầm cầu chân lý,
chánh kiến làm chủ yếu. Ở đây, chúng ta thấy mỗi một giai thoại vấn đáp đều trở
thành một bài thuyết pháp rất sinh động, lý thú và đa dạng. Có trường hợp cuộc
vấn đáp thù tạc giữa Đức Phật và một người bắt đầu bằng một lời nhục mạ phỉ
báng; từ bi hoan hỷ, Đức Phật chinh phục đối tượng thù nghịch thành người lương
thiện hiền hòa. Loại hình vấn đáp này ta gọi là Mạ Vấn Thuyết (chương 7).
Có trường hợp Đức Phật thuyết
pháp là nhằm hướng tâm tà của đương cơ muốn cám dỗ Ngài, trở về với chánh pháp.
Ta gọi đó là loại hình vấn đáp Dụ Hiến Thuyết (chương 26).
Lại có nhiều trường hợp, cuộc
vấn đáp đạo lý khởi nguồn từ một lời dạy hoặc một câu hỏi rồi sau lời dạy và
câu hỏi đó, mới diễn ra giai thoại vấn đáp. Ta gọi loại hình vấn đáp này là
Tiên Vấn Thuyết (các chương 10, 31, 34, 38).
Chỉ có loại hình vấn đáp Hữu Vấn
Tự Thuyết, bắt nguồn từ tấm lòng tham cứu, học hỏi chân thành của đương cơ, rồi
sau đó Đức Phật đáp lại pháp từ. Loại hình vấn đáp này xảy ra với đương cơ hoặc
là Phật tử hoặc không là Phật tử nhưng hâm mộ Ngài hay là người có trí thức,
văn hóa. Do đó, hữu vấn thuyết có hiệu lực đến người hỏi rất nhanh, và hướng
người hỏi đến con đường thực nghiệm chánh pháp.
Bốn loại hình vấn đáp này không
chỉ là những giai thoại hữu ích, mà còn là giai thoại giáo dục đạo đức nhân bản
đắc lực, dẫn đến thực hành, chớ không phải là những câu chuyện huyền đàm, nhảm
nhí vô ích.
4. Định nghĩa: Định
nghĩa cũng là một loại hình thuyết pháp đáng kể trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương. Tỷ lệ loại
hình này là 6 trên 42 chương (các chương 1, 2, 3, 4, 14, 15). Vừa ngắn gọn, súc
tích, vừa hấp dẫn, dễ thu hút đối với người học, người nghe. Ngoài ra, nó còn
gây ấn tượng mạnh làm cho người học, người nghe dễ thuộc, dễ nhớ.
Loại hình định nghĩa này xoay
quanh các vấn đề chính như: Sa môn là gì? Nội dung, hình thức sa môn Thích tử
khác với sa môn ngoại đạo như thế nào? Bốn quả Thánh mà sa môn Thích tử chứng
đắc do quá trình tu tập là như thế nào? Chương 1 sẽ định nghĩa và giải thích
các câu hỏi đó.
Đến chương 2, định nghĩa sa môn
được phong phú hóa, đặc sắc hóa ở khía cạnh khác, liên quan đến định nghĩa Đạo,
Đạo theo quan niệm Bắc truyền. Cũng từ sắc thái này dẫn đến nét minh họa cho
định nghĩa gắn liền với sa môn ở chương 3 – một biện chứng tương quan rất
logic.
Đề cập đến vấn đề thiện ác,
chương 4 định nghĩa thiện là những hành vi đạo đức, ác là những hành vi phi đạo
đức và phân loại ba cơ năng thể hiện các hành vi này là thân, khẩu, ý. Vì thế
định nghĩa thiện ác ở chương này thật sự đã đề cập đến đạo đức nhân bản Phật
giáo.
Đến chương 14, phạm trù ý nghĩa
thiện được nhắc lại lần nữa, nhưng phong phú và đặc sắc hơn. Kèm theo đó là lời
giải thích về khái niệm “vĩ đại” trong Phật giáo.
Và cuối cùng ở chương 15, nhẫn
nhục được định nghĩa như là một sức mạnh vô song và nhất thiết trí – trí tuệ
viên mãn được định nghĩa là loại ánh sáng vi diệu nhất, chói sáng nhất.
5. Liệt kê: Loại
hình kinh văn này chiếm tỷ lệ ít nhất trong các loại hình đã nêu: 2 trên 42
chương (chương 12, 36), nhưng lại là loại hình có nội dung được đề cập nhiều
nhất bởi các vấn đề khác nhau.
Chương 12, Đức Phật liệt kê ra
20 điều khó làm, khó được và hạnh khó hành, khó đắc của kiếp người. Chính vì
thế, loại hình liệt kê này mang tính nhân bản và đề cao nhân bản theo đúng
nghĩa và sâu sắc.
Lần đầu tiên trong lịch sử tư
tưởng nhận thức, chỉ với Phật giáo, người ta mới nhận chân được thế nào là một
nhân bản đích thực, thế nào là một nhân bản giáo dục đạo đức và cũng cần nhấn
mạnh rằng phải là loại nhân bản này, chúng ta mới thấy được sự hiện hữu của con
người là diễm phúc, và đạo đức con người mới là giá trị tinh thần bổ ích duy
nhất.
Đến chương 36, loại hình liệt kê
này lại phổ quát ở vấn đề nhân bản với tám phạm trù khác, nhằm bổ sung, phong
phú hóa nhận thức và tri kiến tuệ giác. Chính do vậy, nhân bản Phật giáo mang
tính chất rất người, rất đạo đức, rất nhân quả, chứ không hề nhuốm màu thần
linh, phàm tục và tà kiến.
III. KHÁI QUÁT NỘI DUNG TƯ TƯỞNG KINH BỐN MƯƠI HAI
CHƯƠNG
Khái quát là khoa học tổng hợp,
hệ thống nhắm chiết trung những tư tưởng đặc sắc nhất, tiêu biểu nhất trong một
tác phẩm nào đó có nhiều nội dung. Do đó, khái quát nội dung tư tưởng Kinh Bốn Mươi Hai Chương chính là chắt
lọc, chọn lựa những giá trị tư tưởng, những giáo lý điển hình trong kinh này,
nhằm giúp cho người học có cái nhìn hệ thống phổ quát và dễ nhớ mà thôi.
1. Vấn đề cách ngôn
Cách ngôn là những lời huấn thị
chân thành, là vàng ngọc, là thước đo, là cẩm nang xử thế và định hướng cho
hành động cuộc sống. Mục đích của cách ngôn là giúp cho con người nhận chân
được bản thân mình, nâng cao lòng tin vào mình, và nhờ đó để vươn mạnh hơn đến
chân lý. Vấn đề đấu tranh với những thói xấu trong con người và phát huy, phát
triển những điều thiện, kích thích lòng tàm quý, tinh thần trí dũng để làm con
người trở nên mạnh mẽ một cách cao thượng và có khả năng thổi bừng cuộc đời
chính mình bằng tinh hoa thiêng liêng của phạm hạnh đạo đức, sẽ là những cách
ngôn được giới thiệu trong kinh này.
Có thể nói mỗi một dụ ngôn, một
giai thoại, một Phật ngôn trong Kinh Bốn
Mươi Hai Chương đều có thể xem như là những cách ngôn tu tập đạo
đức nhân bản và trau dồi phạm hạnh, nếu ta không ngại các loại hình diễn tả và
sự dài ngắn. Ở đây chúng ta giới hạn vấn đề cách ngôn trong phạm trù: phạm hạnh
và nhân quả.
a/ Một mảng lớn cách ngôn trong
kinh này đã dành một phần ưu ái cho hàng xuất gia với những giáo huấn về ái dục
và phạm hạnh: “Nên biết rằng, những điều làm cho con người ngu tệ là tham ái và
dục lậu vậy”. (chương 3).
Tham ái và dục lậu là những tình
tự bất thiện, thiên hướng vị kỷ, chiếm đoạt như một sở hữu ngã chấp, và cụ thể
là nếu tình tự này hiện hữu trong hành vi của người xuất gia thì đó quả nhiên
là điều bất hạnh, vì người tu sĩ Phật giáo muốn giải phóng ái thủ hữu phải sống
đời sống độc thân, bằng ngược lại thì sự triền miên sinh tử sẽ bám víu.
“Bị ràng buộc bởi vợ con, nhà
cửa… còn nguy hại hơn lao ngục. Lao ngục còn có ngày được phóng thích. Hệ lụy
vợ con thì không một ý niệm xa lìa”. (chương 23).
Chính vì thế, ôm ấp tham ái, dục
lậu sẽ bị vị đau khổ của chúng thiêu đốt:
“Người cưu mang tham ái, dục lậu
chẳng khác nào cầm đuốc đi ngược gió, nhất định bị bỏng tay”. (chương 25).
Lửa sinh tử sẽ thiêu đốt người
chấp thủ tham ái và dục lậu. Do đó, thực hiện đời sống giải thoát phải viễn ly
các dục lậu:
“Người hành đạo giải thoát như
mang cỏ khô, gặp lửa phải tránh. Cũng vậy người xuất gia thấy dục lậu cần phải
xa lìa”. (chương 30).
Bản chất của ái dục bao giờ cũng
là thuộc tính của luân hồi sinh tử. Vì thế ái dục là triệu chứng nhân duyên của
ưu bi khổ não: “Do ái dục sinh ra lo, lo sinh ra sợ hãi”. (chương 32).
Và chặt đứt dây ái là chặt đứt
hệ lụy luân hồi.
b/ Ngoài những cách ngôn phạm
hạnh, Kinh Bốn Mươi Hai Chương
còn có những cách ngôn giáo dục nhân quả thiện ác. Thiện ác, trong thực tế,
luôn hiện hữu với hai hiện tượng đối nghịch, thiêu hủy lẫn nhau để tìm chân
đứng:
“Kẻ ác nghe ai làm điều lành,
tất tìm cách cản trở phá hoại …”. (chương 6)
Nhưng thiện nghiệp là những hành
vi đạo đức thuộc chân lý. Do đó, nói chung: Thiện phải thắng, ác phải thua.
“Kẻ nào đem điều ác đến, tự kẻ
đó lãnh lấy điều ác”. (chương 6).
Cụ thể hơn, Đức Phật dạy: “Kẻ ác
mưu hại người hiền như ngước lên trời phun nước miếng, nước miếng chẳng đến
trời, trở lại rơi vào mặt người phun. Hắt bụi ngược gió, bụi không đến người,
trái lại bám víu vào mình”. (chương 8).
Từ định đề “thiện tất thắng, ác
phải thua”, Đức Phật đã khẳng định một cách ngôn bất hủ:
“Người hiền thì không thể hại
được, nếu hãm hại thì tai họa sẽ tiêu diệt lại mình”. (chương 8).
Trên cơ sở này, Đức Phật đi đến
định luật phổ biến tất yếu của nhân quả, để giáo dục người ác:
“Hãy xem, vang theo tiếng, bóng
theo hình, vang và tiếng, bóng và hình không tách rời khỏi nhau. Vì thế hãy
thận trọng, chớ có làm ác”. (chương 7).
Lược nêu tiêu biểu hai loại hình
cách ngôn: phạm hạnh giải thoát và nhân quả tu chứng, cũng đủ thấy tính chất
siêu việt của cách ngôn Phật giáo là một thẩm mỹ đạo đức. Thực hành theo sẽ
được kết quả an lạc, hạnh phúc và góp phần kiến tạo một xã hội hòa bình, hòa
hợp vững chắc.
Do đó nếu như hai mươi mấy thế
kỷ trước, Tuân Tử (330-272 trước CN), triết gia cổ Trung Quốc đã nói: “Ngàn
vàng dễ kiếm, lời tốt khó tìm” thì thấy ngày nay, chúng ta có thể dựa vào cách
ngôn Phật giáo mà phát biểu thêm rằng: “Ngàn vàng dễ kiếm, lời tốt khó tìm,
nhưng cách ngôn Phật giáo, cách ngôn đạo đức là thậm thâm vi diệu, có khả năng
khai sáng tuệ giác và thực hiện giải thoát”.
2. Vấn đề ái dục
Ở phần trên, chúng ta đã tìm
hiểu một số cách ngôn về ái dục. Đến đây, chúng ta sẽ khảo sát toàn bộ những
lời dạy của Đức Phật liên quan đến ái dục trong kinh này. Ái dục, một chủ đề
được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất và chiếm số lượng chương nhiều nhất trong 42
chương.
Ngay phần mở đầu, lời tựa của
kinh đã nói lên được giá trị siêu việt của sự đoạn trừ dục lậu:
“Ly dục, tịch tịnh là thù thắng
hơn hết”.
Bắt đầu chương 1, nội dung kinh
văn còn cho biết, người sa môn Thích tử trong quá trình tu tập và trong các
giai đoạn chứng đắc tuần tự bốn Thánh quả, điều tiên quyết và tuyệt đối là do
đoạn trừ hết dục lậu:
“(…Các vị sa môn, Tu đà hoàn, Tư
đà hàm, A na hàm, A la hán) đã chặt đứt dây ái dục như chặt đứt tứ chi, không
còn dùng được nữa”.
Chương 2, Đức Phật khai thị, mọi
thành tựu đạo quả như nhận chân được bản tâm thanh tịnh, thông suốt chánh pháp,
chứng đắc Niết bàn (vô vi pháp), đạt được giải thoát cứu cánh (nội vô sở đắc,
phi tu phi chứng) của thầy sa môn phải là xuất gia sống đời sống phạm hạnh viễn
ly: “đoạn dục khử ái”.
Chương 3, Đức Phật giải thích cụ
thể hơn: Đoạn dục khử ái là thế phát làm sa môn, từ bỏ mãi mãi sự nghiệp thế
gian, nguyện sống nếp hạnh thiểu dục tri túc, trau dồi đạo đức giải thoát. Bởi
vì chính nghề nghiệp thế gian và những tài sản ít giá trị làm cho người đam mê
trở nên phàm tục.
Chương 12, Đức Phật cho biết,
một trong những điều khó khăn của con người là “nhẫn sắc, nhẫn dục” (điều 6)
hay “thấy sắc đẹp mà không tham cầu, đắm trước (điều 7). Nhưng để thực hiện hai
điều khó này được viên mãn, chúng ta phải tu tập không vướng mắc (đắm trước)
trong mọi hành động (đối cảnh vô tâm) (điều 10) và “thấy cảnh không động tâm”.
(điều 19).
Chương 13, đề cập đến điều kiện
tất yếu để hướng đến đạo giải thoát là phải thanh tịnh hóa nguồn tâm và muốn
chứng đắc Túc mạng minh tất phải đoạn trừ hết dục lậu, không đắm nhiễm sắc
trần.
Chương 16, Đức Phật so sánh ái
dục tồn đọng trong tâm như là chất cáu bẩn chuyển động trong ao nước trong.
Ngang đó, Đức Phật khẳng định, điều kiện để đạt đạo là gột rửa sạch bợn nhơ ái
dục. Và sa môn, những người học Phật, học đạo giải thoát phải xả ly ái dục.
Chương 21, Đức Phật giải thích,
sự đeo đuổi hư danh bắt nguồn từ sự tham trước tình dục. Hay nói đúng hơn, chạy
theo hư danh là hệ quả của ái dục chưa đoạn tận, nó đủ làm cho con người xoay
vần trong vòng luẩn quẩn, bế tắc.
Chương 22, Đức Phật dạy rằng sự
tham trước ái dục, cụ thể là nữ sắc, sẽ vướng víu khổ lụy vào thân, như trẻ em
thơ dại, liếm mật trên lưỡi dao, tất bị đứt lưỡi.
Chương 23, Đức Phật phân tích sự
giam hãm, trói buộc của ái dục nữ sắc, tài sản, vợ con là một thứ khung hình
phạt “tù đày chung thân”. Con người sở dĩ là phàm phu chỉ vì lao mình vào nó
như con thiêu thân lao mình vào lửa, và con người sở dĩ thành Thánh nhân là do
ý chí và kết quả đoạn tuyệt nó.
Chương 24, Đức Phật lưu ý tác
hại nguy kịch một cách vô song của ái dục là nhận chìm con người trong sinh tử
miên viễn. Và Ngài còn lưu ý cũng may là chỉ có một thứ nguy hại như ái dục;
chứ có thêm cái thứ hai “tương đương” có lẽ sẽ không có ai thành đạo (!).
Chương 25, Đức Phật đưa ra hình
ảnh một người cầm đuốc đi ngược gió bị bỏng tay để ví với người đang còn ôm ấp
lòng ái dục.
Chương 26, Đức Phật kể lại giai
thoại thiên ma ngoại đạo dùng sắc đẹp kiều diễm cám dỗ Ngài, nhưng Ngài đã
chiến thắng, quy phục họ trở về chánh pháp.
Chương 27, Đức Phật tái xác
định, nếu hành giả không mê hoặc bởi thất tình lục dục, nhất định là hành giả
sẽ đạt được Thánh quả giải thoát.
Chương 28, Đức Phật khuyên hàng
xuất gia nên hạn chế tiếp chuyện đối tượng khác phái. Vì tiếp chuyện dễ nảy
sinh tình ý. Và như vậy là gây đau khổ cho cả hai. Không nên xem thường lời dạy
này. Ngài khẳng định rằng: chứng quả rồi mới không bị cám dỗ.
Chương 29, Đức Phật dạy pháp môn
cụ thể để vô hiệu hóa sự cám dỗ của sắc dục, bằng cách chánh niệm tỉnh giác
trong việc tiếp chuyện; xem tất cả là thân thuộc để không móng tâm nhiễm đắm.
Chương 30, Đức Phật còn dạy
rằng, gần ái dục như rơm gần lửa, dễ bị lửa sinh tử đốt cháy. Do đó phải xa
lánh ái dục.
Chương 31, Đức Phật đưa ra
phương pháp hữu hiệu để đoạn trừ ái dục là đoạn trừ sự tác ý, móng tâm liên hệ
ái dục, chứ không nên đoạn âm vô ích.
Chương 32, Đức Phật mô tả một
chuỗi liên quan, móc xích ái dục, sự lo âu, sợ hãi thành vòng tròn sinh tử luân
hồi.
Chương 41, Đức Phật bảo ái dục
là bùn lầy sinh tử. Muốn đạt đạo, phải luôn chánh quán về vị đắng của ái dục để
xa lìa nó.
Nhìn chung, chủ đề ái dục được
Đức Phật đề cập ở 19 chương và mổ xẻ một cách tường tận: từ vị ngọt, vị đau
khổ, vị xuất ly khỏi nó, cho đến nói rõ: Đây là khổ dục, đây là nguyên nhân khổ
ái dục, đây là sự an tịnh giải thoát ái dục và đây là con đường diệt khổ ái
dục.
3. Vấn đề thiện ác
Ở phần đầu, chúng ta đã biết qua
vài cách ngôn về thiện ác. Đến phần này chúng ta sẽ tiếp tục đi sâu khảo sát
vấn đề thiện ác trong Kinh Bốn Mươi Hai
Chương.
Định nghĩa một cách khái quát,
thiện là những hành vi đạo đức xu hướng tu tập, chứng đắc giải thoát; ác là
những hành vi phi đạo đức xu hướng giải đãi, gặt hái đau khổ. Do đó, có thể nói
thiện là những gì thuộc đạo đức nhân bản, đạo đức phạm hạnh và ác là những gì
liên quan đến sự phá hủy hay đi ngược lại đạo đức nhân bản, đạo đức phạm hạnh.
Kinh này có cả thảy 7 chương đề
cập đến vấn đề thiện ác. Nhưng thật ra trong từng chương một của kinh văn đều
ít nhiều, hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp nói đến vấn đề thiện ác. Ở đây, chúng
ta chỉ giới hạn trong 7 chương đề cập trực tiếp mà thôi.
Chương 4, kinh văn mô tả cho
chúng ta thấy chỉ có một vấn đề thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp lại tồn
tại hai phạm trù thiện ác, xoay quanh mười biểu nghiệp. Thuộc về thân nghiệp có
ba: không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh là thiện, ngược lại là ác,
tức là sát hại sinh linh, cướp đoạt quyền sở hữu phi pháp và quan hệ tình cảm
bất chính ngoài luân lý, đạo đức. Thuộc về khẩu nghiệp có bốn: không nói láo,
không thêu dệt, không đâm thọc, không ác khẩu là thiện và nếu thể hiện bằng
những ngôn ngữ ngược lại như nói sai sự thật hiện bày, nói thêu dệt mê hoặc,
nói đòn xóc chia rẽ, nói thô tục ác độc… là ác. Thuộc về ý nghiệp có ba: không
tham, không sân, không si; nếu thể hiện của ý là tham lam, tham đắm, sân hận,
giận dữ và si mê tà kiến là ác. Mười điều thiện và mười điều ác này, cùng tồn
tại trong hữu thể con người, và sự phân định là thiện hay ác còn tùy thuộc vào
sự tư duy, tác ý biểu nghiệp, và kết quả của biểu nghiệp.
Đức Phật còn cho biết, phần lớn
con người, ít nhất cũng có một lần tác tạo hành động ác. Tác tạo hành động ác
còn là thuộc tính của những kẻ bất chấp đạo đức, pháp luật. Tuy nhiên, trong
quá trình phát triển để từ một ác nhân trở thành một ác quả, nếu có trợ duyên
bằng những xúc tác ác nghiệp khác thì ác nhân sẽ trổ quả đau khổ rất nhanh.
Cũng vậy, khi đã tạo tác ác nghiệp, người ta cảm thấy giằng xé lương tâm, ăn
năn cải đổi hành vi cuộc sống cho lương thiện. Chính những nghiệp thiện mới này
đóng vai trò như một luật bù trừ, triệt tiêu hoàn toàn hay vô hiệu hóa nghiệp
ác trước. Vì thế, Phật giáo không bao giờ chủ trương định mệnh, định nghiệp mà
nhân quả còn lệ thuộc vào điều kiện nhân duyên. Do vậy, ai cũng có thể làm lại
cuộc đời mới tươi sáng, nếu biết cải ác làm lành. Ngược lại, người ta cũng có
thể làm cho đời sống đạo đức của mình bị hoen ố, nếu không tiếp tục phát huy
thiện mà trở nên ác độc. Ngang qua giáo lý này, chúng ta phải thận trọng trong
tác tạo, để duy trì phát huy những giá trị đạo đức ngày càng rạng rỡ hơn. Chớ
để ác nghiệp xóa mờ đạo đức (chương 5).
Thông thường mà cũng gần như là
một quy luật tất yếu của một xã hội còn tồn tại sự đối kháng giữa thiện và ác,
giữa đạo đức và phi đạo đức thì những phần tử ác, phi đạo đức luôn tìm cách
quấy phá, cản trở người thiện, người đạo đức. Đức Phật dạy chúng ta, đứng trước
hiện tượng như vậy không nên đối đầu với ác độc bằng cách trả thù mà cần phải
hết sức tế nhị, khôn khéo vận dụng phương tiện ứng cơ, đưa kẻ cừu địch trở
thành bạn lành và hướng họ cùng đi trên con đường an vui, hạnh phúc (chương 6).
Bản chất giáo dục Phật giáo là
như thế, không có thái độ trả thù, ngược lại, có hành động giáo dục cụ thể đối
với kẻ ác để kẻ ác trở nên hiền lương mà thôi. Gương hạnh giáo dục tuyệt vời
này của Đức Phật được ghi lại trong giai thoại của chương 7 cho chúng ta thấy
rõ điều đó. Trong cơn dầu sôi lửa bỏng mà kẻ ác đối với Đức Phật, Ngài vẫn tỏ
thái độ điềm nhiên đầy từ bi, hoan hỷ. Đợi kẻ ác hả giận, thôi phỉ báng, Đức
Phật từ tốn dạy: “Nay anh mắng ta, ta không nhận thì anh tự rước lấy họa vào
thân rồi vậy. Hãy xem vang theo tiếng, bóng theo hình, vang và tiếng, bóng và
hình không tách rời khỏi nhau. Vì thế hãy thận trọng, chớ có làm ác”.
Theo Phật giáo, đề cập đến vấn
đề thiện ác cũng chính là đề cập đến vấn đề nhân quả báo ứng. Muốn đạt quả cao
thượng phải gieo nhân cao thượng. Và quả tồi tệ nhất định phải là do phản ứng
của nghiệp ác độc. Nhân nào quả nấy. Do đó, làm ác hay hãm hại người hiền lương
đạo đức, tức bị phản ứng nghiệp đau khổ trừng trị (chương 8).
Vấn đề gieo nhân thiện để gặt
hái quả thiện, Đức Phật dạy chúng ta phải biết lựa chọn đâu là ruộng phước tốt
nên gieo và đâu là ruộng chai phước nên tránh. Có như vậy, sự làm thiện mới có
hiệu quả và thành tích cao (chương 11).
Và sau cùng, Đức Phật còn nhắc
nhở chúng ta rằng cái gọi là thiện, là đạo đức, thực chất phải là những hành
vi, hạnh nghiệp xu hướng đạo giải thoát và bênh vực bảo vệ chân lý Phật giáo.
Có như thế đời sống của chúng ta và mọi người mới thật sự là xả ly các ác, bất
thiện pháp, và thành tựu thiện pháp, Niết bàn, giải thoát. Như vậy, thiện trong
Phật giáo còn liên quan đến vấn đề thực nghiệm tâm linh, trau dồi phạm hạnh
thiêng liêng cao cả, mang tính chất hoằng pháp vô ngã, vị tha, xua đuổi gian
tà, đề cao chính nghĩa.
4. Vấn đề bố thí
Bố thí trong Phật giáo là một
hành vi đạo đức, phát xuất từ tấm lòng hảo tâm, tương thân tương trợ, lá lành
đùm lá rách. Bố thí, theo nghĩa của từ này là trang trải những sở hữu vật chất,
tinh thần, tri kiến đến với mọi người một cách đồng đều. Ngay cơ bản, bố thí là
hành vi nhân bản, chăm lo đến tính nhân bản theo đúng nghĩa. Bố thí là tôn chỉ
đặc thù của Phật giáo, hàn gắn mọi người, mọi giới lại với nhau bằng tình
thương rộng lớn, không phân biệt. Từ ngữ được dùng tương đương với thuật ngữ bố
thí là cúng dường, đọc trệch âm của từ cung dưỡng: cung cấp và dưỡng nuôi.
Nhưng theo thói quen dùng từ, bố thí được hiểu là hành vi trao tặng sở hữu vật
chất hoặc tinh thần (pháp thí) cho người khác nói chung, trong khi đó, cúng
dường chỉ đặc biệt dùng cho đối tượng nhận lãnh cao hơn và đạo đức nhiều hơn.
Người Phật tử quen dùng cúng dường Tam Bảo hơn là bố thí Tam Bảo, để biểu thị
thái độ cung kính và còn nhằm phân biệt giá trị đạo đức của đối tượng thọ lãnh.
Thật ra, từ ngữ cúng dường, hay đọc đúng âm là cung dưỡng, ý nghĩa không sâu
sắc, không diễn tả được tấm lòng hảo tâm của người ban tặng sở hữu quyền như từ
ngữ bố thí một cách cao thượng, vô tư, bình đẳng.
Trong một ý nghĩa sâu xa, bố thí
được xem như một hành động gột rửa những tâm lý bỏn xẻn, xan tham để mài giũa
tâm hồn trở nên cao thượng. Người thực hiện bố thí theo tôn chỉ Phật giáo sẽ
đạt được hai mục tiêu lợi ích: ban đến niềm vui, an lạc, hạnh phúc cho người
khác và trau dồi tinh thần từ bi độ lượng ở chính mình. Người Phật tử bố thí
hay vô úy thí, không bao giờ tự phụ mình là người ban ân, và kẻ thọ lãnh là
người thọ ân. Trong hành động bố thí, cái ta ngã ái, cái ta chấp ngã không có
chân đứng. Bố thí không chỉ được quan niệm như là một pháp môn hướng đến hoàn
thiện nhân cách, mà còn là một trong những phương tiện đi đầu một cách hữu hiệu
trong công cuộc hoằng pháp độ sinh. Vật chất trang trải trước, tinh thần trang
trải sau. Chăm lo đời sống vật chất mới dễ dàng chăm lo đời sống tinh thần.
Phật giáo luôn chủ trương như vậy, như trong tứ nhiếp pháp, trong lục độ vạn
hạnh, bố thí luôn là hành vi hoằng pháp đi đầu.
Riêng ở kinh này vấn đề bố thí
được chú trọng nhiều đến đối tượng thọ lãnh. Tùy theo cấp độ giá trị đạo đức,
quá trình tu tập nhiều ít của đối tượng thọ lãnh vật thí, mà phước báo hay giá
trị lợi ích của việc hành thí mới có ý nghĩa trọn vẹn.
Bố thí, cúng dường cho những đối
tượng không có quá trình tu tập phạm hạnh, trau dồi đạo đức, thực nghiệm giải
thoát, thì lợi ích cũng như giá trị ý nghĩa của việc hành thí chẳng đáng là
bao. Thậm chí có những trường hợp, chính do nhân bố thí thiếu chánh kiến đối
với những đối tượng ác độc, đã gián tiếp đưa họ sa đọa thêm vào bùn lầy tội lỗi
mà trước đó vốn họ đã từng làm. Sự chắt lọc đối tượng đáng được thọ lãnh tặng
vật, thí vật là nhằm đề cao giá trị của sự tu tập và vạch trần hậu quả của sự
vụng tu, làm ác (chương 11). Nội dung giáo dục của chương này, rất đáng cho
chúng ta suy gẫm trong việc chọn ruộng tốt để gieo giống bố thí, vừa có hiệu
lực giá trị, vừa có ý nghĩa thực tiễn.
Cũng liên quan đến vấn đề bố
thí, mặc dù không có điều kiện vật chất, điều kiện xã hội… nhưng lại giàu tinh
thần hoan hỷ hạnh bố thí hảo tâm của người khác, thì hành vi trợ tán, khích lệ,
cổ động, hoan hỷ, tùy hỷ… này cũng được cộng hưởng phước báo với người bố thí.
Tùy hỷ hạnh bố thí của người khác, thực chất là bố thí bằng ý nghiệp hay ở một
trường hợp nào đó, nó còn là hành vi vô úy thí. Giúp tinh thần, giá trị đạo đức
cũng tương đương với tặng phẩm vật chất được thực hiện một cách hảo tâm tự
nguyện. Do đó tùy hỷ hạnh bố thí cũng là một hành vi đạo đức, một hành vi bố
thí bằng ý niệm chân thành (chương 10).
Trong vấn đề bố thí vật chất,
điều quý nhất và đáng học hỏi là những người tuy khó khăn, thiếu thốn về vật
chất nhưng lại giàu tình thương, sẵn sàng trang trải cho những người có đời
sống chật vật thiếu thốn hơn mình. Đức Phật luôn tán thán những mẫu người cao
thượng như vậy: “Của ít lòng nhiều”, hay “Giá trị của tặng phẩm ở tấm lòng chứ
không ở tặng phẩm”, quả là những câu nói rất phù hợp với tinh thần Phật giáo, đúng
thật là “Nghèo khó mà thực hành hạnh bố thí là vi diệu khó làm”. (chương 12,
điều 1).
Tuy cũng là một khối lượng, một
giá trị tặng phẩm nhưng không phải tất cả các tặng phẩm ấy đều có giá trị bố
thí ngang nhau, hay đều đem lại lợi ích như nhau, nếu tâm lượng trong lúc hành
thí khác nhau. Tâm lượng càng lớn, giá trị ý nghĩa của tặng phẩm càng nhiều. Và
ngược lại, sẽ hoàn toàn vô ích hoặc không có lợi ích lớn, nếu tâm lượng bố thí
phát xuất từ thái độ mua danh (như một cơ hội khoe tiếng, khoe của hay làm một
cách xu hướng, truyền thống không nhận chân được ý nghĩa của việc làm).
Chính vì thế bố thí trong Phật
giáo là cơ hội vàng ngọc để hoàn thiện nhân tính, nhân cách, nuôi lớn hạnh từ
bi, nhất là xóa mờ những tạp chất xan tham, bỏn sẻn, keo kiệt trong tâm khảm
viên mãn thanh tịnh của chính mình để vững tiến trên con đường tu tập đạo Bồ
tát, hướng đến giải thoát cứu cánh.
5. Vấn đề tinh tấn
Tinh tấn là những gia công nỗ
lực nhằm đạt được những mục tiêu thiện pháp. Tinh tấn là sự kiên trì bền bỉ
theo đuổi lý tưởng giác ngộ. Vì thế, tinh tấn là một từ ngữ hàm tàng nhiều ý
nghĩa liên quan đến thiện và Thánh đạo.
Thường xuyên nghe pháp, nghiên
cứu kinh luận là tinh tấn trau dồi chánh kiến. Ra công thực hành những học
giới, hành pháp là tinh tấn tu tập. Trau dồi tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý
túc là tinh tấn. Trau dồi ngũ căn, ngũ lực là tinh tấn. Trau dồi thất giác chi,
bát chánh đạo là tinh tấn. Trau dồi tứ vô lượng tâm, tứ nhiếp pháp, tứ biện tài
là tinh tấn. Trau dồi ngũ minh, lục độ vạn hạnh là tinh tấn. Nói chung, sự tinh
chuyên, cố gắng nào hướng đến những hương vị đạo đức, vô lậu, xuất ly, giải
thoát… đều được xem là những hành vi tinh tấn.
Một điểm tế nhị mà chúng ta cần
lưu ý là sự giống nhau và khác nhau giữa tinh tấn và dục. Trên cơ bản, tinh tấn
và dục đều có những tác ý, những hành vi kiên trì, bền bỉ nhằm hướng đến một
mục tiêu đã định sẵn. Nhưng nếu mục tiêu tinh tấn là sự thâu thập lợi ích, an
vui, tăng trưởng giới đức, phạm hạnh… thì dục sẽ có những mục tiêu ngược lại là
sự đam mê, giải đãi, xu hướng cái ác, bất thiện pháp. Tuy nhiên nếu dục được
đặt vào mong ước thành tựu đạo quả, chứng đắc giác ngộ, thì dục bấy giờ là động
cơ đắc lực của tinh tấn, như dục như ý túc trong tứ như ý túc của Đạo đế giải
thoát.
Đối với Kinh Bốn Mươi Hai Chương, tinh tấn được
đem ra so sánh với các đạo quân tinh nhuệ, chiến đấu dũng cảm không lui sụt nơi
biên thùy, quyết chiến đến ngày đắc thắng khải hoàn mới thôi. Hơn thế nữa,
những dũng sĩ tinh tấn ở đây, Đức Phật muốn ám chỉ cho các đệ tử. Ngài không
muốn các đệ tử bỏ cuộc nửa chừng hay quá tự mãn với các thành quả chiến thắng
dục lậu, ma quân phiền não ở những trận tập kích đầu, mà phải luôn luôn cảnh
giác, phải dũng cảm, phải tinh nhuệ trong chiến đấu với dục lậu, hữu lậu, và vô
minh lậu cho đến khi chứng đắc A la hán, Bồ tát và Phật quả (chương 33).
Ở chương 41, Đức Phật còn so
sánh người thực hành tinh tấn trong chánh pháp của Như Lai cũng như con trâu
cần cù chăm chỉ kéo xe, cày ruộng tuy mệt nhọc nhưng rất đỗi kiên trì đến khi
hoàn tất công việc phải làm; người học đạo cũng vậy phải cày lên hết những chai
sạn phiền não, bất thiện và làm cho đất ruộng Bồ đề màu mỡ. Sự tinh tấn mà
chương này gọi là “Trực tâm niệm đạo” quả thật là một quá trình chánh niệm tỉnh
giác về đạo Thánh đế. Hay nói đúng hơn là suy niệm Đạo đế để thực hành Đạo đế
hướng đến Diệt đế.
Ở chương 27, khi Đức Phật và
chúng Tỳ kheo nhìn thấy một khúc cây trong dòng nước, Đức Phật liền nắm bắt cơ
hội, mượn hình ảnh khúc cây không bị trôi tắp vào bờ, không bị ai vớt lên,
không bị mắc cạn, không bị mục nát, và không bị mắc vào vùng nước xoáy và nhờ
đó trôi thẳng ra sông lớn rồi nhập vào biển cả, để giáo huấn về hạnh tinh tấn
cho chúng Tỳ kheo. Cụ thể, Đức Phật dạy phải bằng mọi cách xa lìa thất tình lục
dục, viễn ly mãi mãi các tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà
tinh tấn (dục lậu), tà niệm, tà định, và phải tinh tấn vô vi, tức tinh tấn thực
hành Niết bàn giải thoát. Như vậy sự chứng đắc đạo quả, thành tựu Bồ đề sẽ chắc
chắn là một hệ quả logic tất yếu. Thái độ giáo dục như vậy được xem là thái độ
giáo dục thực tiễn, nhân bản, thiện xảo và thậm thâm vi diệu. Cái cây, ngọn cỏ,
trời xanh, mây bạc… tất cả những cảnh vật vô tri đều có thể trở thành những bài
pháp sống động hữu hiệu đối với Đức Phật – bậc Toàn giác, Thiện thệ, Thế gian
giải. Có một chương, Đức Phật dùng hình ảnh “Vật trác tức thành khí” hay “Mài
sắt nên kim” để khai thị chúng đệ tử phải tinh tấn mài đục những cấu nhiễm bợn
nhơ tâm như tham lam, sân hận, si mê, trạo hối, hôn thùy và hoài nghi. Được như
vậy, tâm thể thanh tịnh, an nhiên giải thoát tam giới, thoát khỏi mọi sinh y,
thực chứng Thánh giới giải thoát, tuệ giải thoát, và tri kiến tuệ giác (chương
35).
Tuy nhiên, Đức Phật cũng lưu ý
chúng ta rằng sự thái quá nào cũng có thể dẫn đến phản tác dụng, và tinh tấn
thái quá như một khổ hạnh cực đoan sẽ không đem lại lợi ích thiết thực nào cho
đạo giải thoát, ngoại trừ sự thối thất tâm Bồ đề như một định luật mà mọi người
đều thừa nhận: bạo phát, bạo tàn. Câu chuyện vị sa môn “dục tốc bất đạt” trong
việc thọ trì lời di giáo của Phật Ca Diếp, trở nên bi quan, thiểu não, và Đức
Phật để giải phóng vị ấy ra khỏi cơn khủng hoảng thác loạn tâm trí này, bằng
cách hỏi về nghề chơi đàn của thầy khi còn ở tại gia. Và rồi Đức Phật kết luận,
nếu như trong việc khảy đàn, dây đàn quá thẳng: tiếng kêu cụt, chát chúa; dây
đàn quá dùn: tiếng kêu hoãn không hay; lên dây vừa phải: tiếng kêu thánh thoát,
thì trong việc hành đạo cũng vậy: giải đãi thì sa đọa, nhưng tinh tấn thái quá
đến độ khổ hạnh cực đoan cũng chỉ dẫn đến “bán đồ nhi phế”. Chuyên cần đều đặn,
vừa sức, hợp thời, hợp cơ. Chính sự tinh tấn trên cơ sở những yếu tố này mới
thật là chánh nhân giải thoát (chương 34).
6. Vấn đề nhẫn nhục
Đã từ lâu, người ta cố tình gán
ghép, quy kết cho nhẫn nhục trong Phật giáo là sự thể hiện của một tinh thần làm
mềm nhũn, bi nhục hóa ý chí con người. Thật ra, đó chỉ là những lời phê phán
thiếu khách quan, phản khoa học, được định hình sẵn trong ý đồ xuyên tạc, bôi
nhọ một triết thuyết có tầm vóc lớn trong lịch sử tư tưởng, mà họ không thích.
Ngay thời Đức Phật còn tại thế, các tôn giáo ngoại đạo cũng từng vu khống một
cách gượng ép như vậy, nhưng họ không thành công. Bởi lẽ chân lý là chân lý, dù
có bị dán lên một nhãn hiệu gì đó thì chân lý Phật vẫn ngời sáng và càng ngời
sáng.
Nhẫn nhục trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương cũng một phần
nào giúp cho chúng ta có chánh kiến về chủ trương đã bao lần bị xuyên tạc, hiểu
lầm này.
Điều khó thứ 6 trong chương 12,
ý nghĩa nhẫn nhục, được Đức Phật đề cập rất rộng: Hãy nhẫn nhục (tức đừng đắm
nhiễm) sắc đẹp, nội sắc, ngoại sắc, biểu sắc, vô biểu sắc, hình thái sắc, nam
sắc, nữ sắc… Hãy nhẫn nhục (tức đừng đắm nhiễm) dục thanh, ái nhiễm thanh, nam
thanh, nữ thanh… Hãy nhẫn nhục (tức đừng đắm nhiễm) dục hương, ái nhiễm hương,
nam hương, nữ hương… Hãy nhẫn nhục (tức đừng đắm nhiễm) dục vị, ái nhiễm vị,
nam vị, nữ vị… Hãy nhẫn nhục (tức đừng đắm nhiễm) dục xúc, ái nhiễm xúc, nam
xúc, nữ xúc… Tức là không nên đắm nhiễm năm dục hay còn được hiểu là không nên
đắm nhiễm tài, sắc, danh, thực, thùy, năm dục hạ liệt hóa con người. Rõ ràng,
khái niệm nhẫn nhục rất bao quát, nội hàm nhiều ý nghĩa về triết học tu tập,
trau dồi đạo đức giải thoát.
Chính vì thế, chương 15, khi
được hỏi cái gì là sức mạnh vĩ đại nhất, Đức Phật đã khai thị rằng: “Nhẫn nhục
là sức mạnh vĩ đại, vì không còn mang theo trong tâm thể những dục lậu và cấu
uế ác pháp, nhờ đó thân tâm thường an lạc”.
Như vậy, nhẫn nhục trong trường
hợp này được hiểu đồng nghĩa với trạng thái vô tâm, không động tâm khi mắt tiếp
xúc với sắc, tai tiếp xúc với thanh, mũi tiếp xúc với hương, lưỡi tiếp xúc với
vị, thân tiếp xúc với xúc giác, ý tiếp xúc với pháp trần. Về tâm, không động
tâm khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần (không phải hư vô hóa tri giác mà là vô
hiệu hóa, hư vô hóa trạng thái chấp trước, chấp ngã, chấp pháp, phá hủy, thiêu
đốt được chấp trước) thì sự đạt đạo xảy ra trong tích tắc.
Phật giáo, dù là Phật giáo Nam tông hay
Bắc tông đều có sự nhất trí với nhau khi cho rằng nhẫn nhục là một cơ năng vô
hiệu hóa sự đắm nhiễm sáu trần. Các pháp môn tứ niệm xứ quán: quán thân trên
thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên các tâm, quán pháp trên các
pháp, hay chánh niệm tỉnh giác, đều là những chất tố hình thành nền tảng tự
tại, thong dong ba cõi mà Bắc tông gọi là vô tâm, không động tâm khi xúc đối
các cảnh trần. Kinh Lăng Nghiêm gọi đó là sự chứng đắc “Chân tâm thường trú,
thể tính tịnh minh, thanh tịnh bản nhiên, chu biến pháp giới”. Còn Kinh Kim
Cang gọi là Vô Sở Trụ với ý nghĩa “Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ hương,
vị, xúc, pháp sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Nhẫn nhục với cấp độ
giải thoát như vậy, còn được gọi là Ngộ Vô Sanh Nhẫn.
Thế thì sự thể đã quá rõ ràng,
nhẫn nhục trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương
hay nhẫn nhục trong Phật giáo không thể là một thái độ bi quan, yếm thế, hèn
nhát, thiếu mất ý chí, mà là một ý chí sắt đá, một tâm thể kiên định, quyết đạt
kỳ được mục tiêu vô chấp, giải thoát.
Nhẫn nhục trong Phật giáo, không
phải là thái độ thờ ơ trước cảnh nước mất nhà tan, không phải là thái độ vô
trách nhiệm trước cảnh bất công, thiếu dân chủ, lại càng không phải là thái độ
muốn cho kẻ xâm lăng, kẻ tàn bạo, kẻ ác độc, kẻ bất công, bóc lột muốn làm gì
thì làm. Nhẫn nhục của Phật giáo là thái độ dũng cảm theo tinh thần Bi Trí Dũng
chống đối xâm lăng, lên án bạo tàn, đánh đuổi bất công… góp phần xây dựng một
xã hội hòa bình, lành mạnh, mọi người biết tôn trọng lẫn nhau, để cùng nhau
chung hưởng an lạc, hạnh phúc.
Đứng trước cơn lốc phỉ báng,
nhục mạ, bất công, thái độ của Đức Phật cũng như của toàn thể Phật tử không bao
giờ chạy trốn, yếu hèn, mà bằng mọi cách với phương tiện thiện xảo và tâm trí
rộng lượng, hướng đối phương từ ác độc trở nên lương thiện, từ đối kháng trở
thành kết đoàn, từ xa lạ trở lại thân quen trong cái nôi từ bi hỷ xả (chương
8). Chủ trương của Phật giáo là xóa bỏ bất công, tàn bạo. Sát nhất miêu cứu vạn
thử, thực hiện Bi Trí Dũng, mang lại công bằng xã hội cũng vốn không có gì
chống trái với nguyên lý nhẫn nhục cả.
Do đó, không nên quan niệm nhẫn
nhục là thái độ chịu đựng những cảnh bất công một cách mù quáng. Nhẫn nhục Phật
giáo không mang ý nghĩa phi nhân bản như vậy, mà nó bao hàm nhiều ý nghĩa triết
học trong quá trình tu tập phạm hạnh, thực hiện giải thoát. Nghĩa là để hoàn
thiện con người nhân bản và hoàn thiện con người siêu nhân cách (tuệ giác viên
mãn) mà thôi.
7. Vấn đề cái khó
“Khó” hiểu nôm na là những
chướng duyên, nghịch cảnh, cản phá bước tiến của ta khi ta hướng về mục tiêu
nào đó. Cái khó thường đem đến cho con người những cảm giác bực dọc khó chịu.
Đôi lúc nó làm yếu ớt ý chí, thối thất những ai vốn đã không mấy giữ vững lập trường.
Nhưng đối với người kiên định, vững vàng thì càng gặp nhiều chướng duyên,
nghịch cảnh chừng nào, sự già dặn, trưởng thành trong ý chí và tư tưởng càng
lớn, “cái khó ló cái khôn” là vậy.
Đó là cái khó theo quan niệm
thông thường.
“Khó” trong Phật giáo (ở đây là Kinh Bốn Mươi Hai Chương) vượt hẳn
những ý nghĩa trên. Cái khó, thật sự còn liên quan đến nhiều khía cạnh của vấn
đề nhân bản và nhân bản Phật giáo. Cái khó được quan niệm như một nhân sinh
quan chánh kiến, khẳng định giá trị con người và hướng đến một nếp sống tuệ tri
cao cấp: Giải thoát.
Kinh Bốn Mươi Hai Chương có hai
chương đề cập đến quan niệm về cái khó: Chương 12 gồm 20 điều, chương 36 gồm 8
điều, tổng cộng 28 điều. Mỗi điều có một nội dung độc lập, nhưng lại cùng hướng
mục đích giáo dục nhân bản duy nhất. Dưới đây, chúng ta chỉ điểm lược đại khái,
khi đến phần lược giải nội dung kinh văn, chúng ta sẽ đi sâu hơn.
Trước nhất là điểm lược chương
12:
1. Nghèo khổ bố thí là khó: Lời dạy
này lưu ý chúng ta ba điều: a/ Hạnh bố thí không chỉ dành riêng cho người giàu
có. b/ Trực tiếp tán thán hạnh bố thí của người nghèo, gián tiếp khích lệ mọi
người nên có tinh thần tương trợ vị tha. c/ Sự bố thí không chỉ có giá trị xả
bỏ xan tham mà còn trưởng dưỡng tâm từ rộng lớn.
2. Giàu có học đạo là khó: Nhằm khẳng
định sự vun bồi tài sản vật chất, đam mê năm dục hạ liệt là xa rời đạo. Sự
“giàu có” có giá trị phải là giàu có đạo đức, lương tri, trí tuệ, tài sản
thánh.
3. Dám chết vì lẽ phải là khó: Cuộc
sống chỉ có ý nghĩa khi ta sống lương thiện, đạo đức. Vượt qua chướng duyên,
duy trì lập trường chân chính đã là khó, nhưng khó hơn là dám hy sinh thân mạng
để duy trì đạo pháp.
4. Gặp được kinh Phật là khó: Kinh Phật hiểu chung là tam tạng
Thánh điển. Chánh pháp, chân lý của Đức Phật, trong đó bao gồm việc biên chép,
đọc tụng, thọ trì, giảng giải, truyền bá.
5. Sinh thời Phật, gặp Phật là khó: Sinh cùng thời và được thân cận Đức
Phật để học hỏi tu tập là khó. Nhưng điều khó này, với chúng ta ngày nay là
được gặp Tam Bảo, sống trong chánh pháp của Đức Phật.
6. Nhẫn được sắc dục là khó: Có nghĩa
là chúng ta hãy chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi, không cho sáu căn đắm
nhiễm sáu trần. Giữ tâm an tịnh, vô sở trụ trước.
7. Thấy đẹp không tham cầu là khó: Xả bỏ những thẩm mỹ vật chất, sa đọa
hóa con người là một điều cần thiết.
8. Bị nhục không sân là khó: Giữ thân, khẩu, ý bình thản trước mọi
chướng duyên, nghịch cảnh, rất có lợi cho tu tập.
9. Có thế lực không cậy uy là khó:
Giáo dục đạo đức khiêm tốn, bình đẳng, dân chủ cho người cầm cân nẩy mực và cho
mọi người.
10. Đối
cảnh vô tâm là khó:
Chính điều khó làm này tạo nên sự thánh vĩ, siêu tuyệt cho
người thực hành được.
11. Học
rộng, nghiên cứu nhiều là khó: Hãy mở mang tri thức, và hết
sức thận trọng trong công tác văn hóa, giáo dục, hoằng pháp lợi sinh.
12. Diệt
trừ ngã mạn là khó: Đề
cao đức tính khiêm cung, giản dị, lên án hạng kiêu căng, tự thị, phách lối.
13. Không
khinh người chưa học là khó:
Đây cũng chính là nội dung mà pháp lục hòa gọi là kiến hòa đồng giải.
14. Thật
hành tâm bình đẳng là khó: Xóa bỏ giai cấp, sự kỳ thị, phân
biệt chủng tộc, màu da, đảng phái, tôn giáo là cần thiết.
15. Chẳng
nói thị phi là khó: Khuyên mọi người nên thể hiện chánh ngữ, ái
ngữ trong giao tiếp và trong cuộc sống.
16. Gặp
được thiện tri thức là khó: Vì nhờ họ mà chúng ta lớn lên trong
nhân cách, đạo đức, trí tuệ.
17. Kiến
tính, học đạo là khó:
Điều này đòi hỏi chúng ta phải gia công trau dồi tu tập, vì đây
chính là yếu tố giải thoát.
18. Tùy
duyên hóa độ là khó: Định đề phản ngược được hiểu là kết
quả của giáo dục và độ sinh, tùy thuộc phần lớn vào phương tiện và thao tác sư
phạm.
19. Thấy
cảnh không động tâm là khó: Thực hiện vô hiệu hóa sự nhiễm
đắm cảnh trần phiền não là khó, nhưng rất lợi ích.
20. Khéo
biết phương tiện là khó:
Đề cao tính sách lược, chiến lược trong mọi lĩnh vực phát triển
con người, xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, văn học, nghệ thuật… và đây
là điều kiện xây dựng một xã hội toàn kiện.
Điểm lược nội dung chương 36:
1. Ra
khỏi ác đạo, làm được thân người là khó: Vừa đề cao nhân bản
trọng tâm vừa giáo dục bỏ ác làm lành, tu tập phạm hạnh.
2. Được
làm người nam là khó: Không có nghĩa trọng nam khinh nữ. Lời
dạy này nhằm khẳng định ưu thế nhất định của người nam so của người nữ trong
mọi lĩnh vực xã hội và ngay cả ý chí, tư tưởng, tình cảm trong cuộc sống.
3. Đầy
đủ sáu căn lành lặn là khó:
Muốn được vậy, chúng ta phải vun bồi đạo đức cuộc sống. Tôn trọng sự sống người
khác, loài khác, bảo vệ môi sinh, giúp đỡ vô điều kiện những người khó khăn,
bệnh hoạn, khuyết tật v.v…
4. Sinh
tại trung tâm văn vật là khó: Nơi đây có nhiều điều kiện trưởng
dưỡng con người về mọi mặt: tri thức, trí tuệ, đạo đức…
5. Gặp
được Phật pháp là khó: Giá trị và lợi ích của Phật pháp cao hơn
trung tâm văn vật thế gian. Phật pháp tu dưỡng chúng ta về tri thức, trí tuệ,
đạo đức xuất thế, siêu tuyệt.
6. Phát
khởi chánh tín Phật pháp là khó: Vì lẽ chánh tín Phật pháp là
điều kiện tiên quyết để đạt được tri thức, trí tuệ, đạo đức xuất thế.
7. Phát
tâm bồ đề là khó: Khó ở chỗ là nêu quyết tâm chứng đắc Vô
thượng Bồ đề, tức Phật quả, giác ngộ viên mãn.
8. Vô
tu vô chứng là khó: Đạt được thành quả mà thỏa mãn là tâm lý
bình thường. Tu chứng mà không chấp mắc mới đích thực là tu chứng đúng nghĩa:
Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng.
Như vậy, cũng đủ thấy quan niệm
về cái khó theo Phật giáo không chỉ dừng lại ở giáo dục nhân bản, đề cao đạo
đức nhân bản, mà thật sự còn hướng nhân loại đến mục đích chứng đắc, giải
thoát.
8. Vấn đề vô ngã
Vô ngã không chỉ là phạm trù
triết học Phật giáo mà còn liên quan mật thiết với tâm lý học Phật giáo.
Triết học vô ngã của Phật giáo
hoàn toàn khác và siêu việt hơn các tôn giáo, triết phái khác. Vô ngã trong
Phật giáo nâng cao chánh kiến, tri thức, tuệ giác về con người, về thế giới
chung quanh con người. Vô ngã là nguyên lý đánh đổ quan điểm chấp nhận và sùng
bái một đấng sáng thế, đấng toàn năng tạo ra con người và sơn hà, vũ trụ. Vô
ngã đề cao nhân vị, nhân bản, và chỉ có nguyên lý này mới soi sáng nhận thức
của con người về thật tướng các pháp, mang lại tri kiến như thật cho chủ thể
nhận thức các pháp.
Đứng trên bình diện tâm lý học
để khảo sát vô ngã thì ta phải hiểu rằng vô ngã là đặc cách, là những tính
khiêm tốn, nhã nhặn, từ ái, chân thành. Nói theo ngôn ngữ duy thức học, vô ngã
là không có, là xa lìa những tính cách ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái trong
con người. Những ai trau dồi tính cách vô ngã như vậy, trên cơ bản đã tạo dựng
cho chính mình những nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt và làm cho mọi người
thương mến. Tính cách vô ngã trên còn là đặc tính của mẫu người lý tưởng cho
mọi người, cho toàn nhân loại noi gương để học hỏi, trau dồi, rèn luyện phẩm
chất.
Ngoài ra, vô ngã được Đức Phật
đề cập trong kinh này còn là sự nỗ lực diệt trừ những tình tự ngã mạn, tăng
thượng mạn, mạn quá mạn, ty liệt mạn… (điều 12 chương 12), là nhân tính cao
thượng, biết thương yêu tôn trọng tất cả mọi người, mọi loài (điều 13, chương
12), là thể hiện tinh thần bình đẳng, không chấp mắc, phân biệt, kỳ thị (điều
14, chương 12), là người đúng đắn, không có thói xấu bươi móc ai, thể hiện ngôn
ngữ từ ái, chân thành (điều 15, chương 12), là thái độ cởi mở, độ lượng, không
nắm giữ độc quyền tri thức, truyền bá sở học một cách rộng rãi cho mọi người
(điều 18, chương 12), là trạng thái an tĩnh của tâm lý, không hề rung động
trước những biến cố thăng trầm của cuộc đời (điều 8, chương 12), là sự giản dị,
thật thà, kiên trung, lễ độ, không ô dù, không cửa quyền, quan liêu, hống hách
(điều 9, chương 12), và đặc biệt là không luyến tiếc ngã sở hữu, tài sản vật
chất, mặc dù đang lâm cảnh nghèo khó vẫn biết bố thí giúp đỡ người khác (điều
1, chương 12).
Khảo sát từ bình diện triết học,
thì vô ngã nhằm diễn tả bản chất vật lý của mọi sự vật hiện tượng là vô thường
(vận động, biến đổi), là tương đối; không phải là một cố thể bất biến. Mọi sự
vật luôn trong trạng thái trôi chảy sinh diệt trong từng đơn vị cực nhỏ của
thời gian mà Phật học gọi là sát na, hay khoa học hiện đại gọi là vật lý na nô.
Vô ngã, sự kết hợp nhiều yếu tố
nhân duyên, duyên sinh rồi duyên diệt, trong đó mỗi yếu tố nhân duyên để hình
thành một hợp thể nhân duyên nào đó, luôn biến đổi không dừng, và thực chất nó
là thuộc tính của vạn pháp.
Đối với con người, vô ngã là sự
kết hợp của hai yếu tố: danh (tinh thần) và sắc (vật chất), hay của hợp thể năm
uẩn: sắc (địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, không đại), thọ, tưởng, hành,
thức (tâm lý). Trong đó, không có yếu tố nào có thể tự hữu, khi nó không có lực
hỗ trợ, tương tác nhân duyên với các yếu tố khác theo nguyên lý: “Cái này có,
cái kia có, cái này sinh, cái kia sinh; cái này không, cái kia không, cái này diệt,
cái kia diệt”. Mạng lưới nhân duyên chằng chịt cho thấy các yếu tố vật chất và
tâm lý, không có yếu tố nào là ngã, không có yếu tố nào là định thể bất biến
(chương 20). Chính vì thế trong một cuộc khảo sát về vấn đề mạng sống con người
tồn tại trong bao lâu, Đức Phật đã khẳng định quan điểm của hai thầy Tỳ kheo
cho rằng mạng sống con người tồn tại trong vài ngày (vị đầu), tồn tại trong vài
mươi phút (vị sau) là chưa hiểu đạo, chưa hiểu được nguyên lý vô thường trong
từng sát na nhanh chóng. Đức Phật đã tán thán câu trả lời của vị thứ ba là hiểu
đạo, hiểu nguyên lý vô thường, khi vị này trả lời mạng sống con người tồn tại
trong một hơi thở. Do đó, hợp thể con người vô ngã về mặt vật lý (không gian)
và về mặt thời gian nữa (chương 28).
Đối với thế giới, nguyên lý vô
ngã cũng diễn ra tương tự. Từ những vật thể lớn như thiên thể, tinh cầu, hành
tinh, định tinh, núi sông, đất liền… cho đến các vật thể nhỏ nhiệm như cát,
bụi, sóng vật chất, năng lực, ánh sáng đều được cấu tạo bởi vô số nguyên tử,
phân tử vật chất và các nguyên tử, phân tử này luôn chuyển động với một tốc độ
vô cùng lớn, giữa chúng có khoảng cách không gian khoáng đại so với kích thước
của chúng (chương 19). Như vậy, thế giới vật chất là một tập hợp nhân duyên, là
một trường duyên sinh tương tác. Chúng không thể là sản phẩm của một ai, mà do
nhân duyên sinh rồi do nhân duyên diệt. Sự sinh diệt, diệt sinh tùy thuộc vào
nhân duyên và đây cũng là thuộc tính của vật chất.
Do đó, nắm vững nguyên lý vô ngã
về con người, về thế giới vật chất, chúng ta sẽ tạo cho mình một nhân sinh
quan, một thế giới quan chánh kiến và qua đó khẳng định được vị trí cũng như
vai trò nhân bản là quan trọng, là trung tâm điểm trong cuộc sống con người và
xã hội. Nghĩa là con người làm chủ vận mạng của mình, có thể cải tạo thiên
nhiên, cải tạo cuộc sống như ý muốn.
9. Vấn đề cái tâm
Tâm là khái niệm triết học duy
thức Phật giáo. Tâm đề cập trong các bản văn Phật học không phải là cái tâm
theo nghĩa duy tâm đối với duy vật. Tâm mà Phật giáo chủ trương xa lìa bản chất
đối lập duy lý. Tâm là pháp môn thực tiễn tu tập.
Theo từ ngữ Pali, tâm là Citta,
xuất nguyên từ ngữ căn CIT: suy nghĩ, với nghĩa “chủ theo nhận biết đối tượng,
nhận biết cảnh xúc đối”. Theo nghĩa này, cái gì có khả năng nhận thức cảnh,
nhận thức pháp, cái ấy là tâm.
Đối với Kinh Bốn Mươi Hai Chương, khái niệm tâm
được xoay quanh vấn đề đạo đức, thiện ác. Đó là vấn đề hết sức nhân bản. Thiện
ác, hành vi đạo đức, hoặc phi đạo đức luôn là những năng lực đối kháng, không
dung chứa nhau. Cũng như bóng tối và ánh sáng, đêm và ngày, mặt trời và mặt
trăng, hễ cái này tồn tại thì cái kia vắng mặt, hễ cái này không hiện hữu thì
cái kia có mặt. Cũng vậy, sự trau dồi, tô bồi những thiện pháp cũng chính là
mặt trái của sự cải tổ, xóa mờ ác pháp. Các ác pháp, bất thiện pháp một khi đã
được gột rửa khỏi tâm thể, thì bản chất thanh tịnh, sáng suốt của tâm sẽ được
hiện bày. Các ác, bất thiện pháp còn tên gọi khác là tập đoàn cấu uế của tâm,
những tình lự làm tâm thể không phát huy được bản chất ngộ minh sẵn có. Diệt
trừ những bợn nhơ này của tâm, thời hào quang trí tuệ, chánh kiến, giải thoát
sẽ hiện bày. Và đứng từ góc độ tu chứng, ánh sáng trí tuệ của tâm mới là ánh
sáng chói sáng nhất, siêu việt nhất trong các loại ánh sáng (chương 15).
Vấn đề gạn đục khơi trong cái
tâm, chương 13 đưa ra hình ảnh tấm gương, vừa như giải thích vừa như chứng minh
và gồm luôn cả hai về bản tâm thanh tịnh. Gương trong, lau sạch hết bụi ví cho
tâm thanh tịnh. Tẩy sạch hết những cấu uế, tâm sẽ chói sáng với thời gian,
không gian. Và duy trì những chuỗi thanh tịnh ấy theo hướng tăng tiến, thì vấn
đề chứng ngộ đạo giải thoát là chắc chắn, không thể chối cãi.
Một hình ảnh khác cũng được ví
dụ với cái tâm là sự gắng công, bền chí “mài sắt thành kim”, “gia công thành kỹ
nghệ”. Trên cơ sở có thể làm thành công và thành công tốt đẹp này, Đức Phật
khuyên dạy một cách dứt khoát rằng: Người thực hành chánh pháp của Như Lai phải
luôn luôn loại trừ tất cả những pháp cấu nhiễm, những bợn nhơ để tâm thể được
vắng lặng tịch diệt. Đó chính là tôn chỉ “giữ tâm thanh tịnh, giữ thân nghiệp,
khẩu nghiệp thanh tịnh” mà Phật giáo luôn quan tâm (chương 35).
Đứng từ nhãn quan nhân duyên,
dòng suy nghĩ của tâm không chỉ hiện hữu với tự thân nó. Tâm tác ý, nghĩ ngợi
là để chủ đạo, dẫn khởi hành vi. Hành vi không tách rời khỏi sự chủ định của
tâm. Hay nói dễ hiểu hơn, hành vi là sự thể hiện những năng lực, ý chí, tư
tưởng, nguyện vọng, tình cảm… tiềm tàng trong tâm. Tâm được ví như nhà máy, còn
các hành vi được xem như là các thành phẩm từ nhà máy đó sản xuất ra, theo
nghĩa tâm là yếu tố đi đầu của hành động. Hay nói đúng hơn, tâm là “năng lực
hành động”, và thân nghiệp, khẩu nghiệp là hai cơ năng thể hiện hành vi của
năng lực hành động đã được định hình. Chính vì thế, muốn thiêu hủy các ác, bất
thiện pháp, các lậu hoặc phiền não, người ta không thể tiêu hủy lục căn mà có
thể chấm dứt cội nguồn được. Tiêu hủy lục căn là một nỗ lực không cần thiết cho
vấn đề giải thoát mà Phật giáo còn gọi đó là những nỗ lực giới cấm thủ (Bắc
tông), hay giới cấm khinh thị (Nam
tông). Và chương 31 của kinh này gọi là hành động thiếu sáng suốt: “Đoạn âm
không bằng đoạn tâm”.
Cũng nên hiểu thêm rằng đoạn tâm
không phải là chấm dứt tư tưởng hay vô tri hóa tư tưởng. Đoạn tâm là chủ trương
vô hiệu hóa sự chấp mắc của tư tưởng khi các căn tiếp xúc với các trần mà thôi.
Vô hiệu hóa ý thức chấp mắc cũng chính là thực hiện chánh niệm tỉnh giác, là
phát huy minh tri, tuệ tri, thắng tri, giải thoát tri – điều kiện cần thiết của
sự giác ngộ – mà không một vị chứng đạo nào có thể bỏ qua giai đoạn tiên khởi
nhưng cốt lõi này. Đề khởi chánh niệm, tỉnh giác theo nghĩa vừa trình bày, Đức
Phật gọi đó là quá trình “tâm hành đạo”. (chương 42).
Tâm hành đạo mới là điều kiện
chính thực hiện giải thoát. Vì như đã nói, tâm là yếu tố đi đầu, do đó tâm hành
đạo, thì thân nghiệp, khẩu nghiệp cũng hành đạo và hành đạo một cách có hiệu
lực. Rồi khi thân, khẩu, ý hành đạo một cách có hiệu lực, thì Niết bàn, sự xa
lìa mọi khổ lụy sẽ xuất hiện và ngự trị. Nghĩa là giải thoát bây giờ và tại đây
(tại thế gian này).
Như vậy, tâm mà Kinh Bốn Mươi Hai Chương đề cập là phạm
trù đạo đức học và có sự chọn lựa dứt khoát giữa hai cái thiện và ác, đạo đức
và phi đạo đức. Dĩ nhiên là thông qua kinh văn, Đức Phật dạy chúng ta phải chọn
lựa dứt khoát cái thiện, cái đạo đức, đồng thời bỏ cái ác, xa rời cái phi đạo
đức. Đây cũng chính là bản sắc giáo dục của Phật giáo mang tính nhân bản sâu
sắc.
Tóm lại, đề cập đến vấn đề cái
tâm trong Phật giáo, chúng ta chỉ cần nói gọn mà vẫn đủ nghĩa: Tâm là hệ quy
chiếu của tu tập, thực chứng và của mọi nỗ lực: sống đúng, sống theo, sống hợp
với chân lý giải thoát.
10. Vấn đề Đức Phật
Chúng ta chỉ có thể tìm hiểu Đức
Phật gián tiếp qua tam tạng kinh điển, Nam truyền lẫn Bắc truyền. Riêng ở
kinh này, chúng ta sẽ tìm hiểu Đức Phật gián tiếp qua Kinh Bốn Mươi Hai Chương này. Vì là
gián tiếp, cho nên cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng chủ quan của người kết tập và
phiên dịch. Nhưng dù sao, thông qua văn kinh, cũng như nội dung ý nghĩa chứa
đựng trong từng bài kinh, chúng ta vẫn có được cái nhìn tương đối bao quát về
Đức Phật và giáo pháp của Ngài đúng với hình ảnh thực, gương sống thực, lời dạy
thực của Đức Phật 26 thế kỷ về trước. Đó là điều mà chúng ta cần lưu ý.
Hình ảnh đầu tiên về Đức Phật mà
kinh này ghi nhận là Đức Phật chỉ là một con người xương thịt như bao nhiêu con
người khác, nhưng Ngài là một con người biết vận dụng thể lực và trí lực, tuệ
đức và tu đức của mình để trở thành một con người, mà ở đó, cấp bậc giác ngộ đã
đạt đến tột đỉnh, xứng với các danh xưng mà thế gian đã gọi tôn Ngài là Thế
Gian Giải, Minh Hạnh Túc, Thiên Nhân Sư v.v…
Ở chương 26, hình ảnh Đức Phật
lịch sử hiện lên rõ ràng, thân quen, gần gũi. Lúc này là vào thời điểm Đức Phật
đang tọa quán dưới cội bồ đề về lý Tứ đế và mười hai nhân duyên trong những
ngày gần bừng sáng bình minh chân lý. Đức Phật bị Thiên ma ngoại đạo đến quấy
nhiễu bằng cách đem nữ sắc tuyệt thế – Ngọc Nữ đến cám dỗ Ngài, hòng làm lung
lạc ý chí tu tập Phật quả. Nhưng Đức Phật đã chiến thắng mọi cám dỗ, đã quy
phục cả Thiên ma ngoại đạo và Ngọc Nữ trở về với đạo giải thoát. Nhờ vậy, ngày nay
chúng ta mới có Tam Bảo để nương tựa, có chánh pháp để tu hành.
Chương 7, Đức Phật kể lại một
giai thoại thường gặp trong cuộc đời hoằng pháp của Ngài là người ngoại đạo
biết Ngài hành đại nhân từ nên tìm cách chống đối, phỉ nhục Ngài. Nhưng vì
trong đại nhân từ có hiện thân của trí dũng, nên Đức Phật đã quy phục đối
phương một cách nhẹ nhàng, sâu sắc. Ngoại đạo mắng chửi Ngài dữ dội. Ngài vẫn
giữ thái độ thản nhiên không đáp. Đợi ngoại đạo ngừng mắng, Đức Phật chỉ buông
nhẹ câu hỏi thật ý nhị: “Anh mang quà đến tặng người, người ta không nhận thì
quà đó thuộc về ai?”. Chỉ với lời phản vấn ngắn gọn, Đức Phật đã gợi cho anh ta
hiểu được rằng, anh ta sẽ là người nhận lấy tất cả lời mắng chửi thô tục, chứ
không phải là Đức Phật. Từ đó, Đức Phật giáo dục nhân quả, đưa ngoại đạo về con
đường thiện pháp.
Ở chương 12, hình ảnh Đức Phật
được mô tả là đối tượng hướng thượng con người. Đức Phật là từ trường thu hút
mọi người trở về con đường đạo đức. Đức Phật đã trở thành mẫu người lý tưởng,
bậc vĩ nhân trong các vĩ nhân để mọi người nương tựa, noi gương, học hỏi. Vì
vậy, thật không dễ gì được sống cùng thời và gần gũi Đức Phật để nghe và thực
hành những lời Ngài dạy (điều 4, điều 5 hay điều 5 chương 36).
Tuy nhiên, kinh văn cũng khẳng
định rằng Đức Phật chỉ là bậc Đạo sư, chỉ là người hướng đạo tu tập, chứ không
thể ban tặng kết quả giải thoát cho chúng ta. Sự giải thoát phải bắt nguồn từ ý
muốn tu tập. Không ai có thể giải thoát và tu giùm cho ai. Ý niệm mặc khải, cứu
rỗi, ban phước là những khái niệm không hề có trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương nói riêng, không có trong Phật
giáo, và nói chung không thể có trong cuộc sống. Đây là điểm đề cao tinh thần
tự lực tu tập trong Phật giáo và cũng là tinh thần đúng đắn, cần thiết cho mọi
người. Do đó thân cận, gần gũi Đức Phật chỉ có thể là duyên nhân chứ không phải
là liễu nhân của giải thoát. Liễu nhân giải thoát phải là tự nỗ lực thực hành
chánh pháp giải thoát. Và nói sâu sát hơn, gần gũi hay không được gần gũi Đức
Phật chưa phải là yếu tố quan trọng hay tiên quyết, mà vấn đề là ở chỗ có biết
tận dụng điều kiện tốt để trau dồi tu tập hay không. Không thực sự nỗ lực tu
tập, thì gần gũi cũng bằng vô ích. Có tu tập, không được gần gũi vẫn có lợi. Và
dĩ nhiên, có gần gũi, có tu tập thì càng có lợi hơn (chương 37).
Cuối cùng, hình ảnh Đức Phật
được đề cập trong Kinh Bốn Mươi Hai
Chương là hình ảnh bậc Đạo sư gián tiếp giáo dục chúng ta nên có
cái nhìn chánh kiến về mọi sự vật hiện tượng, về các pháp trên thế gian này.
Không nên xem trọng thế tài, vật chất (điều 1, 2, 3 chương 42). Nên quán vạn
pháp tương dung, nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất (điều 4 chương 42).
Xem Pháp bảo, Phật đạo, phương tiện như hoa đốm, như huyễn hóa để tránh sự chấp
trước (điều 5, 6, 7, 8 chương 42). Xem thiền định, Niết bàn như những giá trị
kiên định, tỉnh giác chúng sinh (điều 9, 10 chương 42). Xem sự thịnh suy,
nghịch duyên, thuận duyên như một quy luật tất yếu của xã hội (điều 11, 13
chương 42) và xem bình đẳng là chủ trương nhân bản độc đáo, đặc sắc (điều 12
chương 42).
Do
đó, hình ảnh Đức Phật trong Kinh Bốn Mươi
Hai Chương là hình ảnh người giác ngộ của bậc Đạo sư, của bậc Pháp
vương đầy đủ phương tiện thiện xảo trong hoằng pháp, giáo hóa.