Chương
16. Điều kiện con đường đạt đạo
I. DỊCH NGHĨA
Đức Phật dạy rằng: Người hoài cố
ái dục không thể tuệ tri được đạo đế. Ôm giữ ái dục chẳng khác nào nước đã lắng
trong lại lấy tay khuấy lên, người đến xem không thể thấy được ảnh mình. Còn
nắm giữ ái dục thì các bợn nhơ của tâm sẽ còn lừng lẫy, nên không thể tuệ tri
được Đạo.
Vì thế, làm sa môn, hãy xả bỏ ái
dục. Uế nhiễm của ái dục gột sạch thì Đạo mới có thể đạt được.
II. LƯỢC GIẢI
Ái dục được đề cập ở chương này
như là một nguyên lý mang tính biện chứng giữa mối tương quan của nó với Đạo
đế. Sự hiện hữu, tích tập, lưu trữ nó với bất kỳ dạng thức nào, đều được xem là
sự ly khai khỏi Đạo đế hay chối bỏ đạo. Đạo đế, là con đường phạm hạnh, những
phương pháp tu tập nhằm hướng đến viễn ly, giải thoát không thể dung chứa,
không thể song hành với ái dục. Ái dục là những chất liệu liên kết mọi tái sinh
mà đạo là nguyên lý chặt đứt mọi sanh y để trở nên bậc vô sinh tử. Điều này
được văn bản của kinh mô tả khá sinh động kèm với hình ảnh minh họa thật xác
đáng, rõ ràng. Người học nương cứ vào đây sẽ nắm bắt được mô hình tu tập, giải
thoát, mà ở đó, không còn có cái gọi là ái dục. Xuyên qua mô hình này, ở mọi
khía cạnh của vấn đề ta vẫn thấy được rằng con đường đến với đạo giải thoát,
đạo tuyệt đối theo Phật giáo, tiên quyết nhất là trừ khử tâm ái dục. Và gột rửa
mọi bợn nhơ các ái dục lậu, hành giả đạt được tâm trong suốt, tĩnh lặng của một
bậc đạo nhân tu chứng mà Thiền thường gọi là “Bạch tịnh đạo nhân” và danh từ
Duy Thức học gọi là “Bạch tịnh thức”.
Dục và ái thường có chung một
đối tượng nhiễm đắm. Kinh thường diễn tả phạm vi hoạt động của chung luôn giống
nhau, đều bám víu vào tam giới làm nhân chuyển lưu sinh tử.
“Có ba dục, này các Tỳ kheo, là
dục dục hữu, dục sắc hữu và dục vô sắc hữu.”[1]
“Có ba khát ái, này các Tỳ kheo,
là dục ái, hữu ái và hi hữu ái.”[2]
Cả hai phạm trù hoạt dụng mang
tính chấp mắc của ái hoặc dục đều đem đến sự trói buộc trong sanh y. Ở đoạn
kinh khác, ái và dục cũng cùng một đối tượng chấp mắc là sáu trần hay sáu dục:
“Có sáu ái thân này là sắc ái,
thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Có sáu dục nơi đời là sắc dục,
thinh dục, hương dục, vị dục, xúc dục và pháp dục.”[3]
Ái hay dục về sáu trần đều có
nghĩa là tham đắm, nhiễm trước, chấp trụ vào vị ngọt của nó, không xuất ly khỏi
nó. Cho nên, con đường Đạo đế bị bế tắc. Chấm dứt sự đắm nhiễm sáu trần, sáu
dục, con đường Đạo đế sẽ được khai thông. Ở Kinh Tăng Chi, Đức Phật còn phân
tích chi tiết về 18 loại ái dục, và tất cả chúng ta đều do chấp ngã làm căn
bản:
“Này các Tỳ kheo, khi nào ý
nghĩa TA có mặt thời có 18 ái hành sau đây:
1.- Ta có mặt trong đời này.
2.- Ta có mặt như vậy.
3.- Ta có mặt khác như vậy.
4.- Ta không phải thường hằng.
5.- Ta thường hằng.
6.- Ta phải có mặt hay không.
7.- Ta phải có mặt trong đời này.
8.- Ta phải có mặt như vậy.
9.- Ta có mặt khác như vậy.
10.- Mong rằng ta có mặt.
11.- Mong rằng ta có mặt trong
đời này.
12.- Mong rằng ta sẽ có mặt như
vậy.
13.- Mong rằng ta sẽ có mặt khác
như vậy.
14.- Ta sẽ có mặt.
15.- Ta sẽ có mặt trong đời này.
16.- Ta sẽ có mặt như vậy.
17.- Ta sẽ có mặt khác như vậy.
18.- Mong rằng ta phải sẽ có
mặt.”[4]
Phối hợp 36 ái hành trên (18 ái
hành nội tâm và 18 ái hành ngoại cảnh = 36 ái hành). Với ba thời quá khứ, hiện
tại, vị lai, mỗi thời đều có 36 ái hành, tổng cộng ba thời là 108 ái hành. 108
ái hành này là lưới triền phược sinh tử, làm con người không tuệ tri được sự
xuất ly của Đạo đế:
“Này các Tỳ kheo, đây là ái lưới
triền phược, khiến cho lưu chuyển, bám dính vào. Chính do ái triền này, thế
giới bị bại vong, trói buộc, rối loạn như một cuộn chỉ, rối ren như một tổ kén,
quyện lại như cỏ Munja và lau sậy Babbaja, không thể nào kiến đạo, không thể
xuất ly ác thú, đọa xứ, sinh tử.”[5]
Ở kinh khác, Đức Phật dạy rằng:
Ái dục cái gì là ưa thích khổ cái đó. Mà khổ đế là quả dị thục xấu đối nghịch
toàn phần với Đạo đế, con đường không có ái dục.
“Này các Tỳ kheo, ai ưa thích
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là ưa thích khổ. Ai ưa thích khổ, ta nói người đó
không thoát khỏi khổ, không tuệ tri được đạo”.
“Này các Tỳ kheo, ai ưa thích
cái sắc, cái thinh, cái hương, cái vị, cái xúc, cái pháp người ấy ưa thích khổ.
Ai ưa thích khổ, ta nói người ấy không thoát khỏi khổ, không tuệ tri được
đạo.”[6]
Cùng kinh trên, phẩm Thế Giới,
dục công đức, Đức Phật dạy: Ai ái dục trần là rơi vào bẫy ma, bẫy sinh tử, xa
rời bản thể của đạo xuất ly:
“Này các Tỳ kheo, có những sắc
(thinh, hương, vị, xúc, pháp cũng tương tự) do mắt nhận thức, khả lạc, khả ý,
khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu ai hoan hỷ thích thú sắc ấy, tham luyến
an trú. Đây gọi là người đã đi đến trú xứ của ma, đã bị ma chinh phục, trú xứ
ma xoay quanh nó, nó bị ma ước làm gì thì làm. Do vậy, xa lìa đạo xuất ly giải
thoát.”[7]
Vì bản chất của ái dục là hệ
phược, hệ lụy sinh tử luân hồi, do đó, người chặt đứt sức sống ái dục là chặn
đứng quán tính sinh tử, thấy được động giải thoát:
“Này các Tỳ kheo, ai đoạn trừ
tham ái và dục lậu, đã cắt đứt tận gốc rễ như chặt đứt dây Tala không còn hiện
hữu ở tương lai. Ta nói người ấy đã nhổ lên cột trụ, đã mở tung các ổ khóa,
bước vào đạo giải thoát.”[8]
Chính vì đoạn trừ ái là bước vào
đạo giải thoát, Đức Phật tuyên bố trong các loại dục lạc, chỉ có sự đoạn tận ái
dục là siêu lạc, là tối thượng lạc, lạc kiến đạo:
“Dục lạc
gì ở đời
Kể cả
thiên lạc nữa
Không
bằng phần mười sáu
Lạc do
ái đoạn diệt.”[9]
Trước sau vẫn như một, Đức Phật
khẳng định sự đoạn tận ái là đoạn tận khổ đế, thành tựu diệt đế:
“Những ai từ bỏ ái, người ấy từ
bỏ sanh y. Những ai từ bỏ sanh y, những người ấy từ bỏ đau khổ. Những ai từ bỏ
đau khổ, những người ấy từ bỏ sinh, già, chết, sầu, bi, khổ não. Ta nói rằng họ
đã thể nhập được đạo.”[10]
Như vậy, thật vừa đủ để tất cả
chúng ta nói chung, Tăng sĩ nói riêng phải nỗ lực, ra sức đoạn trừ tâm ái dục
như lời khuyến giới tha thiết của Đức Phật trong chương này:
“Vì thế làm sa môn, hãy xả bỏ ái
dục. Uế nhiễm của ái dục được gột sạch thì đạo mới có thể đạt được”.
Tổng kết lại, nội dung của
chương này đề cập đến cẩm nang thể nhập đạo giải thoát, đó là con đường “Đoạn
dục khử ái”. Đồng thời nó còn gián tiếp nêu lên lý tưởng tu tập của vị sa môn
là đoạn tận ái dục, hướng đến viễn ly, thực hành phạm hạnh, thể hiện nếp sống
đạo đức siêu thế, chỉ với như vậy, sự xuất gia của sa môn Thích tử mới không
“Hư nhật không quá, hư triêm tín thí” và thật sự là xứng đáng, không uổng công
vô ích. Xuyên qua nội dung của chương này, một chân lý hiển nhiên mà tất cả
chúng ta phải thừa nhận để tư duy, quán chiếu, tu tập đó là:
“Hễ nơi nào có mặt của ái dục,
nơi đó không có mặt đạo giải thoát. Nơi nào có mặt ái dục, nơi đó không có mặt
diệt đế, sự giải thoát. Và hễ nơi nào, con người nào gọi là giải thoát là vì ở
đó, ở con người ấy ái dục không còn tích tập, không còn tàng trữ, không còn
hoài cố, đã đoạn tận, đã mất sự hiện hữu”.
Một vấn đề nữa cũng cần nêu lên
ở đây, ái dục ở chương này nói riêng và trong hệ thống kinh tạng Phật giáo nói
chung đều nhằm diễn tả sự bám víu, vướng mắc, tham đắm, nhiễm trước mọi đối
tượng, chứ không riêng gì giới hạn ở ái luyến nam nữ. Sự đoạn tận ái dục để
hướng đến giải thoát, dĩ nhiên, trước hết là dứt trừ tâm ái luyến nam nữ và kế
đến là tâm ái luyến mọi đối tượng (ở đây ý nói các pháp tướng) dù đối tượng đó
là chánh pháp, là Pháp bảo, là đạo giải thoát. Vì giải thoát là ly khai mọi
chấp thủ. Mà dừng lại ở Pháp bảo, ở giải thoát cũng là chấp thủ mà thôi: “Pháp
thượng ưng xả.”[11] Chánh pháp hay ý niệm giải thoát cũng phải xả bỏ (sau khi
đã chứng ngộ tuyệt đối).
Do đó, các bậc đạo nhân Phật
giáo, sở dĩ được giải thoát chứng đắc Thánh quả, là cũng do từ bỏ mọi chấp thủ
mà ra:
“Này các Tỳ kheo, do Thủ diệt
nên Hữu diệt. Do hữu diệt, nên sinh diệt. Do sinh diệt nên già, chết, ưu bi
diệt, chứng đắc giải thoát.”[12]
Hay: “Nếu thủ không khởi lên,
thời hữu không khởi lên. Hữu không khởi lên, thời sinh không khởi lên. Sinh
không khởi lên, thời già, chết, ưu bi không khởi lên. Sự giải thoát xuất
hiện.”[13]
Như vậy, biện chứng giải thoát
là biện chứng đoạn ái dục hay cũng còn gọi là biện chứng đoạn trừ tâm chấp thủ,
dù bất kỳ đối tượng được chấp thủ nào, tâm ái dục, đối tượng ái dục nào cũng
vậy.
[1] Tăng Chi II, tr.428.
[2] Tăng Chi II, tr. 429.
[3] Tương Ưng II, tr. 3.
[4] Tăng Chi I, tr. 617.
[5] Kinh đã dẫn, tr. 618.
[6] (Tương Ưng IV, tr. 13-14.
[7] Kinh đã dẫn, tr. 100.
[8] Tăng Chi II, tr. 89.
[9] Kinh Phật Tự Thuyết, Udana, tr. 302.
[10] Tương Ưng II, tr. 130.
[11] Kinh Kim Cang.
[12] Tương Ưng II, tr. 17.
[13]
Tương Ưng I, tr. 139.