Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Thích Nhật Từ Nhà Xuất Bản Thời Đại
03/09/2554 22:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Mục lục
Xem toàn bộ

 

Chương 35. Bỏ cấu nhiễm tâm, đạt đạo giải thoát

 

 

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Như người luyện sắt, bỏ mạt cặn bã để làm nên thành phẩm, thành phẩm nhờ vậy tinh hảo. Người học đạo giải thoát cũng vậy, lọc bỏ những cấu nhiễm ở tâm, nhờ vậy tâm hạnh được giải thoát.

II. LƯỢC GIẢI

1/ Có một vấn đề trọng yếu cần đặt ra ở đây là xuất xứ của kinh này như thế nào? Nguyên tác ra sao? Căn cứ vào các dữ kiện của nội dung kinh văn như: luyện sắt, thành phẩm và các cấu uế của tâm, chúng ta có thể đi đến kết luận: Kinh này lược dịch từ Kinh Các Uế Nhiễm số 23 (A.iii,16) trong phẩm 5 Chi, Kinh Tăng Chi II, 22-24 và Kinh Ngăn Chận số 51 (A.iii,63) phẩm Triền Cái.[1] Nội dung nguyên tác như sau:

a/ “… Sắt, đồng, thiếc, chì và bạc, có năm uế nhiễm này của vàng. Này các Tỳ kheo, do uế nhiễm ấy vàng bị uế nhiễm, không được nhu nhuyến, không sáng chói, bị bể vụn và không chân chính chịu sự tác thành. Khi nào vàng được giải thoát khỏi năm uế nhiễm này… thì các đồ trang sức nào người ta muốn như nhẫn, bông tai, vòng cổ, dây chuyền, xuyến… vàng ấy có thể sử dụng tùy theo ý muốn,” ở đây phần kinh văn, hai dịch giả Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đã lược thật gọn: “Người luyện sắt, bỏ mạt cặn bã để làm nên thành phẩm (khí: đồ vật, dụng cụ), thành phẩm nhờ vậy tinh hảo”. Năm cấu uế của vàng là sắt, đồng, thiếc, chì, bạc được thế bằng “mạt cặn bã”. Còn vàng chỉ nói chung là “người luyện sắt”. Các mỹ phẩm trang sức có từ vàng nguyên chất như nhẫn, bông tai, vòng cổ, dây chuyền, xuyến… được nói gộp là “thành phẩm” (mỹ nghệ).

b/ “Cũng vậy, có năm cấu uế này của tâm, này các Tỳ kheo, do các uế nhiễm đó, tâm bị uế nhiễm, không dễ sử dụng, không chói sáng, bị bể vụn, không được chân chính định tĩnh, diệt các lậu hoặc, đó là tham dục, sân hận, hôn thùy, trạo hối nghi ngờ”.

Ở đây kinh văn chỉ nói chung chung là “các uế nhiễm của tâm” mà không nêu cụ thể, có lẽ nhằm giúp cho người học hình dung các uế nhiễm rộng hơn nhiều hơn chứ không đơn thuần là năm pháp ấy, mà là các lậu hoặc, phiền não ở tâm.

2/ Trước hết, chúng ta chấp nhận nội dung của nguyên tác để lý giải nội dung chương này.

Nguyên tác khẳng định các cấu uế của tâm: tham, sân, trạo hối, hôn thùy, nghi, là một khối bất thiện, trói buộc tâm vào các nghiệp hữu lậu, bất thiện.

“Này các Tỳ kheo, nói đến một đống bất thiện, nói một cách chân chính là nói đến năm triền cái.”[2] Kinh còn cho biết người bị năm triền cái trói buộc sẽ tổn thất năm điều: “Ai bị năm triền cái bao phủ tâm sẽ bị yếu ớt trí tuệ, không có sức mạnh, không thể biết lợi ích mình và người, không chứng ngộ pháp thượng nhân, không thành tựu tri kiến thù thắng.”[3]

Ở một đoạn kinh khác, Đức Phật còn cho biết, người đoạn tận năm pháp triền cái, uế nhiễm tâm, sẽ thành tựu năm thông: “Các loại thần thông biến hóa (thần túc thông), thiên nhĩ thanh tịnh, siêu nhân nghe tiếng các loại hữu tình (thiên nhĩ thông), biết được tâm tính của các chúng sinh (tha tâm thông), biết được kiếp sống quá khứ nhiều đời của một và chúng sinh (túc mạng thông), đạt được thiên nhãn siêu nhân, biết hạnh nghiệp của các chúng sinh (thiên nhãn thông).”[4]

3/ Theo Bộ Pháp Tụ, ngoài năm triền cái trên, có thêm một triền cái nữa là Vô minh cái: “Thế nào là sáu triền cái? Dục dục cái, sân độc cái, hôn thùy cái, trạo hối cái, hoài nghi cái, vô minh cái.”[5]

- Nội dung của dục dục cái được mô tả như sau: “Dục cái là sự mong muốn, tham luyến vui thích, ái nhiễm, luyến thương, nôn nóng, hôn mê, quyến luyến.”[6] Dĩ nhiên đối tượng dục cái hay tham cái ở đây là các bất thiện pháp, hữu lậu.

- Nội dung của sân độc cái thì rộng hơn: “Sân độc cái là sinh niệm hiềm khích nghĩ rằng nó làm người lợi đến ta, nó đã, đang, sẽ làm bất lợi đến ta, đến người thân ta, đến người thương ta; nó đã, đang, sẽ làm lợi cho kẻ thù địch ta hoặc sinh hiềm khích trong sự kiện vô lý, pháp nào như vậy là sự hiềm khích của tâm, thái độ phẫn nộ, phản kháng, chống đối, giận dữ, giận hờn, tức giận, nóng nảy, ám hại, sự sân độc, sự hiềm hận, cách hiềm hận, thái độ hiềm hận… Sự đối lập, phản đối, hung dữ, lỗ mãng, sự bất bình của tâm.”[7] Nghĩa là tạo ra một quang phổ lửa sân ở tâm, bao trùm lòng từ bi, nhân ái.

- Nội dung của trạo hối cái gồm hai phần: trạo và hối.

“Trạo là trạo cử, diệu cử, tức là sự tán loạn của tâm, sự chao động, lăng xăng, không vắng lặng của tâm, sự phóng dật của tâm, sự hỗn loạn của tâm”.

“Hối là hối hận, là sự tiếc nuối về việc đã làm như việc không đáng nghĩ là đáng. Việc đáng nghĩ là không đáng. Việc không tội nghĩ là tội, việc tội nghĩ là không tội. Đó là sự hối hận, cách hối hận, thái độ hối hận, sự ăn năn của tâm.”[8]

- Nội dung của hôn thùy cái cũng gồm hai: hôn trầm, thùy miên.

“Hôn trầm là sự không bén nhạy của tâm, không thích nghi, sự chần chừ, đình trệ, lười biếng, cách lười biếng thái độ lười biếng, dã dượi, cách dã dượi, thái độ dã dượi của tâm”.

“Thùy miên là sự không bén nhạy của thân, không thích nghi, sự che khuất, đậy khuất, bít ngăn bên trong, hôn mê, bần thần, thiu thiu, buồn ngủ.”[9]

- Nội dung hoài nghi cái được mô tả như sau: Ngờ vực hoài nghi bậc Đạo sư, ngờ vực hoài nghi giáo pháp, ngờ vực hoài nghi chư Tăng, ngờ vực hoài nghi điều đã học, hay ngờ vực hoài nghi quá khứ, vị lai, hoài nghi lý các pháp duyên tính liên quan tương sinh, bất cứ sự kiện nào như vậy là sự do dự, cách do dự, thái độ do dự, dị nghị, không xác định, lưỡng ước, phân vân, ngờ vực, không quyết đoán, vớ vẩn, lẩn quẩn, rối ý, tình trạng lay động của tâm.”[10]

- Và nội dung vô minh cái được mô tả: “Là sự không rõ biết đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là đạo diệt khổ. Không rõ biết quá khứ, hiện tại, vị lai. Không rõ biết lý các pháp tính liên quan tương sinh. Nói chung là sự không biết, không lãnh hội, không liệu ngộ, không thực chứng, không thông suốt, không tiếp thu, không thấm nhuần, không xét đoán, không phản kháng, không phản tỉnh, thiếu trí, khờ khạo, không tỉnh giác, si mê, ám muội, và là căn bản bất thiện” (Sách đã dẫn, tr. 305).

4/ Theo Kinh Các Cấu Uế (A.iv,195) số 15 trong Tăng Chi II, 51 thì cấu uế có tám loại, vô minh cấu uế vẫn là then chốt: “Này các Tỳ kheo, có tám loại cấu uế: 1/ Không đọc tụng là cấu uế của thánh điển. 2/ Không thức dậy là cấu uế của nhà. 3/ Biếng nhác là cấu uế của dung sắc. 4/ Phóng dật là cấu uế của phòng hộ. 5/ Ác hạnh là cấu uế của đàn bà. 6/ Xan tham là cấu uế của bố thí. 7/ Ác pháp, bất thiện là cấu uế của đời này, đời sau. 8/ Nhưng này các Tỳ kheo, vô minh là cấu uế lớn nhất trong các cấu uế”.

Nội dung của các cấu uế này cũng được tìm thấy trong Kinh Pháp Cú, kệ 241-243: “Không tụng làm nhớp kinh. Không đứng dậy, bẩn nhà. Biếng nhác làm nhơ sắc. Phóng dật uế phòng hộ. Tà hạnh nhơ đàn bà. Xan tham nhờp kẻ thí. Ác pháp là vết nhơ đời này và đời sau. Trong các cấu uế ấy, vô minh, nhơ tối thượng. Đoạn nhơ ấy Tỳ kheo, thành bậc không uế nhiễm”. Và bốn bài kệ trong Kinh Pháp Cú vừa nêu, có thêm hai câu sau (đoạn nhơ ấy Tỳ kheo, thành bậc không uế nhiễm), không có trong phần trùng tụng của Kinh Tăng Chi bên dưới nguyên tác, nhưng rất có ý nghĩa giáo dục tu tập phạm hạnh của các Tỳ kheo, nhất là còn phù hợp với nội dung giáo dục của Kinh Bốn Mươi Hai Chương này.

5/ Bộ Pháp Tụ, những pháp làm cấu nhiễm tâm còn là thập triền cái và thập sử cái.

a/ Thập triền là ái dục, phẫn nộ, mạn, kiến, hoài nghi, giới cấm, khinh thị, ái hữu, tật đố, lậu, vô minh.[11] Trong đó ái dục triền, phẫn nộ triền, hoài nghi triền, ái hữu triền và vô minh triền giống nội dung năm triền cái đã nêu (xem (3) của bài này).

- “Mạn triền là kiêu hãnh rằng ta hơn, ta bằng, ta thua. Sự nào như vậy là cách so đo, thái độ so đo, tính cách so đo, kiêu căng, kiêu hãnh, cống cao, tự cao, kỳ vọng của tâm.”[12]

- “Kiến triền là các kiến chấp: Cho đời là thường còn. Cho đời không thường còn. Cho đời là hữu biên. Cho đời là vô biên. Cho thân thể mạng sống là một. Cho thân thể mạng sống là khác. Cho Như Lai tồn tại sau khi chết. Cho Như Lai không còn, cũng không không còn sau khi chết. Kiến như vậy là thiên kiến, kiến chấp, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến triền, chấp trước, thiên chấp, khinh thị, tà đạo, tà tính… Ngoại trừ giới cấm khinh thị triền, tất cả đều là kiến triền.”[13]

- “Giới cấm khinh thị triền là cho rằng thanh tịnh nhờ ép xác, thanh tịnh nhờ cực hình, thanh tịnh nhờ khổ hạnh cực đoan. Kiến như vậy là thiên kiến, tà kiến, là dây trói buộc.”[14]

- “Tật triền là sự ganh tỵ, cách ganh tỵ, thái độ ganh tỵ, ganh ghét, cách ganh ghét, thái độ ganh ghét đối với lợi lộc, cung kính, tôn trọng, tôn vinh, đảnh lễ, cúng dường cho người khác.”[15]

- “Lậu triền gồm năm bỏn sẻn: Bỏn sẻn chỗ ở. Bỏn sẻn gia tộc. Bỏn sẻn lợi lộc. Bỏn sẻn danh thơm. Bỏn sẻn pháp. Bao gồm sự bỏn sẻn, cách bỏn sẻn, thái độ bỏn sẻn. Sự keo rít, sự keo kiệt, sự hà tiện, sự hẹp hòi, không tế độ của tâm.”[16]

b/ “Thập não sử triền là tham, sân, si, mạn, kiến, hoài nghi, hôn trầm, trạo cử, vô tàm, vô quý.”[17] Trong thập não sử triền này, 7 chi pháp sân, si (vô minh), mạn, kiến, hoài nghi, hôn trầm, trạo cử đã nêu ở trên. Chỉ còn ba chi pháp tham, vô tàm, vô quý.

- “Tham được định nghĩa là tham đắm, tham luyến, vương vấn, thỏa thích, vui thích, hoan hỷ, ham muốn, say mê, quyến luyến, ràng buộc, trói buộc, dính líu, nhiễm đắm, khát vọng, ảo vọng, sản sinh, ái dật, ái võng, ái hà, khát ái, ái thằng, ái tỏa lan, trữ tình, nguyện cầu, ái thân, tình thương, lưu luyến, kết buộc, ước muốn, sự mong mỏi, muốn sáu trần, muốn năm dục, muốn lợi lộc, muốn con cái, muốn tài sản, muốn sống, mộng ước, tham cầu, mê mẩn, mong điều tốt, luyến phi pháp, tham vọng, hoài vọng, hoan lạc, ái dục, ái hữu, ái phi hữu, là phiền não, ngục tù, vật dục, cội khổ, bẫy ma, là căn bản bất thiện.”[18]

- “Vô tàm được định nghĩa là không hổ thẹn những điều đáng hổ thẹn. Không hổ thẹn với việc phạm các ác, bất thiện nghiệp.”[19]

- Vô quý được định nghĩa là không có sợ hãi với những điều đáng sợ hãi. Không sợ hãi với việc phạm các ác, bất thiện pháp.”[20]

6/ Theo Duy Thức học Phật giáo Bắc tông, cụ thể là Duy Thức Tam Thập Tụng của Thế Thân và Bách Pháp Minh Môn Luận thì các pháp cấu nhiễm tâm gồm có:

- Sáu căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Riêng ác kiến chia ra năm lãnh vực: thân kiến triền (chấp con người là tạo vật của Thượng đế, chấp ngã), biên kiến triền (đoạn kiến, thường kiến, nhị nguyên luận), tà kiến triền (bác vô nhân quả báo ứng, bác nghiệp báo, phủ nhận công đức cha mẹ…), kiến thủ (ngoan cố, bảo thủ, cố chấp, những quan điểm lệch lạc), giới cấm thủ (tức là giới cấm khinh thị).

- 20 tùy phiền não chia làm ba cấp bậc. Tiểu tùy hoặc: phẫn, hận, phú não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu. Đại tùy hoặc: phóng dật, thất niệm, bất chánh tri, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, tán loạn. Trung tùy hoặc: vô tàm, vô quý.[21]

7/ Nhìn chung, căn cứ vào kinh tạng hay luận tạng thì vấn đề trọng yếu nhất vẫn là tác hại của các pháp triền cái cấu nhiễm tâm tính con người. Nó là môi giới, là chất xúc tác gây ra những phản ứng xáo trộn tâm lý, làm cho tâm lý mất đi chất an tĩnh, tịch tĩnh để theo sóng phiền não. Khi nào các bợn nhơ dục lậu ở tâm đã được gột sạch, thì khi ấy tâm ta trở về trạng thái uyên nguyên, thanh tịnh, thuần thiện. Khi tâm thanh tịnh, và với điều kiện này các hành vi tạo tác của thân, của lời cũng do đó mà trở nên thanh tịnh. Bởi vì ta đã biết, tâm ý là năng lực thôi thúc hành động, là động cơ biểu thị, cấu thành hành động (tâm lực, ý chí lực, thôi miên lực…) theo nghĩa tác ý là nghiệp. Do đó, nếu tâm ta tác ý điều thiện, đạt đáo trạng thái an tĩnh tuyệt đối thì nhất định các hành vi biểu hiện phải là thiện nghiệp, thiện hạnh, như Kinh Pháp Cú xác nhận:

“Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý thanh tịnh

Nói lên hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng, không rời hình.”[22]

Và đây cũng chính là thâm ý giáo dục của kinh văn chương này:

“Lọc bỏ những cấu uế ở tâm, nhờ vậy tâm, hành được thanh tịnh”.

Mà tâm, hành (tức thân, khẩu, ý: tâm, hành: hành động thân khẩu) thanh tịnh tức là giải thoát (tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương).

 


[1] Tăng Chi II, tr. 68-70.

[2] Tăng Chi II, tr. 70.

[3] Tăng Chi II, tr. 69.

[4] Tăng Chi II, tr. 23-24.

[5] Bộ Pháp Tụ, số 748, tr. 302.

[6] Sách đã dẫn.

[7] Sách dã dẫn, tr. 302-303.

[8] Sách đã dẫn, tr. 304.

[9] Sách đã dẫn, tr. 303.

[10] Sách đã dẫn, tr. 304.

[11] Bộ Pháp Tụ số 719-729, tr. 291-293.

[12] Sách đã dẫn, số 722, tr. 292.

[13] Sách đã dẫn, số 723, tr. 292.

[14] Sách đã dẫn, số 725, tr. 293.

[15] Sách đã dẫn, số 727, tr. 293.

[16] Sách đã dẫn, số 728, tr. 293.

[17] Sách đã dẫn, số 791, tr. 319.

[18] Sách đã dẫn, số 792, tr. 319-320.

[19] Sách đã dẫn, số 800, tr. 322.

[20] Sách đã dẫn, số 801, tr. 322.

[21] Bách Pháp Minh Môn Luận Biểu Giải, bản Hán, tr. 45.

[22] Dhp.2.