Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Kinh A Di Đà Yếu Giải
Hán dịch: Cưu Ma La Thập. Yếu giải: Trí Húc. Việt dịch: Thích Tuệ Nhuận.
08/04/2555 13:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phẩm tựa chia làm 2 là Thông tự và Biệt tự.

Trong phần Thông tự là nêu lên pháp hội, thời kỳ, xứ sở, và đại cúng, nững ai được nghe pháp tu Tịnh Độ này.

I – THÔNG TỰ

Kinh văn:

Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Xá Vệ quốc, kỳ thụ, Cấp Cô Động viên.

Nghĩa:

Đúng thực như thế, chính tôi được nghe: Một thời bấy giờ, tại nước Xá Vệ, Phật ở trong vườn ông Cấp Cô Độc, có những cây của Thải tử Kỳ Đà.

Đoạn này mở hội nói pháp tu Tịnh Độ. Đây là lời của ngài Anan, người chép kinh này nói ra.
Ngài nói: “đúng thực như thế ” là Ngài nêu lên tấm lòng tín thuận của ngài. Ngài nói “chính tôi được nghe “ là ngài muốn nói rằng:chính tôi được nghe, thầy tôi nói như thế. (Hai câu này nguyên văn chữ Hán là: Như thị ngã văn)

Một thời bấy giờ “ là thời kỳ ấy, căn cơ của chúng sinh đã cảm động đến tâm Phật (vị giáo chủ).
Nước Xá Vệ, vườn Cấp Cô Độc “ là nơi Phật nói pháp tu Tịnh Độ này.

Chân lý màu nhiệm của Thực Tướng (Thực Tướng là tâm tính của con người) Thực tướng ấy từ xưa đến nay chẳng hề biến đổi, nó vẫn như như cho nên gọi là “ Như “. Người ta y vào Lý-Thực-Tướng mà niệm Phật, cầu sinh Tịnh Độ, là một pháp nó tạo ra quyết định không sai, cho nên nói là “Thị“.

Thực Tướng là cái ta chân thực, sống lâu mãi mãi, không giống cái thân người biến diệt đây, mà người đời nhận lầm nó là thân ta. Nó chỉ là cái ta giả tạm. Ngài Anan không bỏ cái ta giả tạm ấy cho nên ngài vẫn xưng là “Ta”. Căn tai của ngài phát ra cái biết nghe ở tai, cjinhs ngìa được nghe tiếng Phật. Cái nghe của ngài với cái tiếng của Phật giống như hai cái hư không in vào nhau, thì gọi là nghe. Ý nói cái nghe với cái tiếng đều do Thực tướng tạo ra, cùng ở trong Thực tướng, giống như hai ư không in vào nhau thành một.

(Đoạn này thích nghĩa 4 chữ “Như thị ngã văn”. Trên đầu các kinh Phật nói bao giờ cũng có 4 chữ này, là một sự tối quan trọng. Khi Phật sắp nhập Niết Bàn, Anan hỏi “Sau này con chép kinh Phật thì phải chép như thế nào? “ Phật dạy “ Bao giờ cũng phải viết một câu Như Thị Ngã Văn lên trên hết.

GHI CHÚ: Theo nghĩa thế gian thì như thị có nghiã là như thế này hay như thế kia mà thôi. Như theo nghĩa huyền vi của nhà Phật thì mọi pháp thế gian đều có mười cái như thị như trong kinh Pháp Hoa đã nói, đó là: Tính như thị, tướng như thị, thể như thị, lực như thị, tác như thị, nhân như thị, duyên như thị, quả như thị, báo như thị, và cứu cánh như thị. Mỗi khi Phật muốn ấn chứng một pháp nào là chánh pháp, Phật thường nhắc đi nhác lại hai chữ “Như Thị”
Chữ “NHẤT THỜI” là một thời gian, không phải pháp thực có, chỉ là lúc thầy trò đàm đạo, thầy nói trò nghe, xong rroif thì gọi là Một Thời

Chữ PHẬT nghĩa là tự mình đã giác ngộ, rồi đi giác ngộ cho người khác, mình và người đều giác ngộ đến cực điểm, làm thầy cả cõi người và cõi trời thì gọi là Phật.

XÁ VỆ là tiếng Ấn Độ, dịch ra chữ Hán là “văn vật”, là tên một nước lớn ở Trung Ấn, là kinh đô của vua Ba Tư Nặc.

KỲ ĐÀ là tiếng Ấn Độ, dịch nghĩa ra là “chiến thắng”, là tên Thái tử, con vua Ba Tư Nặc.

Một quan đại thần ở nước ấy tên là Tu Đạt Đa, dịch ra chữ Hán là “Cấp Cô Độc” vì ông này giàu lắm, hay giúp đỡ, cấp phát cho người cô độc. Ông đem vàng trải khắp vườn của Thái tử Kỳ Đà, mua lấy được để cúng Phật và tăng. Thái tử cảm động quá, còn một ít đất chưa kịp lót vàng. Thía tử bảo thôi, xin đem đất ấy cùng với cây cối trong vườn cúng Phật, cúng tăng. Vì thế chỗ Phật nói pháp được gọi là “ Vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ Đà”

ĐẠI CHÚNG

Đoạn dưới nói về đại chúng, có những ai cùng dự nghe pháp tu Tịnh Độ này. Đại chúng chia làm 3 chúng:

1) Thanh văn chúng đứng đầu vì các ngài là hình tướng xuất thế gian, vì các ngài thường theo Phật, vì các ngài là Tăng, mà Phật, Pháp nhờ có Tăng mới lưu truyền được.

2) Các vị Bồ Tát ở giữa vì các ngài là hìn tướng bất định, (vừa xuất thế, vừa tại thế), vì các ngài chẳng thường theo Phật, vì các ngài là tiêu biểu của nghĩa Trung đạo.

3) Các vị Thiên và nhân ở sau cùng, vì các ngài là hình tướng thế gian, vì trong các ngài có cả phàm và thánh, vì các ngài là chưc ngoại hộ (đứng ở ngoài bảo vệ Phật pháp).

I – THANH VĂN CHÚNG:

Dữ đại tỳ khưu tăng, thiên nhị bá ngũ thập nhân câu

(Cùng với chúng tỳ kheo, một ngàn hai trăm năm mươi vị) 

Đại tỳ kheo: là người tu xuất gia, đã giữ được cụ túc giới,

Tỳ Kheo là tiếng Ấn Độ, (đọc là Bhiksu), gồm 3 nghĩa:

1) Khất sĩ: chỉ giữ một chiếc bát để xin cơm nuôi thân, không giữ của cải, tiền bạc. Chuyên cầu xin lấy pháp xuất thế gian. Khất sĩ là kẻ đi xin ăn, xin đạo.

2) Phá ác: dùng trí tuệ chân chính để quan sát và phá trừ mọi tật ác, phiền não, chẳng sa đọa vào vòng ái kiến.

3) Bố Ma: Đã thụ giới, phép yết ma đã thành tựu, tức thời loài ma trông thấy phải sợ hãi.

Tăng: nguyên chữ là tăng già (tiếng Ấn Độ đọc là sangha), nghĩa là “hòa hợp chúng”: gồm 6 thứ hòa hợp gọi là lục hòa

1) Cùng chứng lý giải thoát, gọi là LÝ HÒA

2) Cùng chung ở với nhau là THÂN HÒA

3) Không cãi cọ là KHẨU HÒA

4) Đẹp lòng nhau là Ý HÒA

5) Cùng nhau tìm hiểu là KIẾN HÒA

6) Cùng chia sẻ với nhau là LỢI HÒA

Trong số 1250 vị ấy thì 3 anh em ông Ca Diếp và đồ chúng 1000 vị

Ông Xá Lợi Phất và Ông Mục Kiều Liên và các đồ đệ 200 vị

Bọn ông Xá Gia Tử 50 vị

Đều là những người, khi Phật mới thành đạo, được độ thoát trước tiên. Vì cảm thâm ân của

Phật nên thường theo Phật.

KINH VĂN

Giai thị đại A La Hán, chúng sở tri thức

NGHĨA
Đều là những bậc Đại A La Hán, chúng đều quen biết 

Đại A La Hán, tiếng Ấn đọc là Arhan, có 3 nghĩa:1) “Ứng cúng”: người được cúng dường, đó là quả khất sĩ.

2) “Sát tặc”: diệt hết giặc phiền não, đó là quả Phá ác.3) “Vô sinh”: không còn sinh tử nữa, đó là quả Bố ma.

Lại có 3 bậc A La Hán khác nhau:

1- Tuệ giải thoát.

2- Câu giải thoát.

3- Vô nghi giải thoát

Các vị A La Hán ở đây là vô nghi giải thoát cho nên gọi là Đại A La Hán.

Lại vì các vị đều là Pháp thân Đại sĩ (Bồ Tát đã chứng được pháp thân) thị hiện ra làm Thanh văn để chứng thực pháp tu Tịnh Độ là một phép bất khả tư nghị, cho nên gọi là Đại A La Hán.
Các vị theo Phật đi thuyết pháp, gọi là chuyển pháp luân (lăn bánh xe pháp). Làm lợi ích cho khắp cõi nhân, thiên cho nên được chúng đều quen biết. 

KINH VĂN

Trưởng lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiều Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hi La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, Anan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lư Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, A Nâu Lâu Đà, như thị đẳng chư đại đệ tử.

NGHĨA
Trưởng lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiều Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hi La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, Anan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lư Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, A Nâu Lâu Đà, và các đại đệ thử khác cũng như thế nữa.

Tuổi cao, đức trọng đều tôn quí thì gọi là Trưởng lão. Cũng gọi là Tôn giả là người đáng tôn quí.
- Ngài Xá Lợi Phất (tiếng Ấn đọc Sariputra) trong hàng Thanh văn, ngài là người trí tuệ đệ nhất.

- Ngài Ma Ha Mục Kiều Liên (tiếng Ấn: Mahamoggallana) ngài là bậc: Thần thông đệ nhất.

- Ngài Ma Ha Ca Diếp (tiếng Ấn: Maha Kasyapa) thân ngài có ánh sáng vàng, được Phật truyền tâm ấn làm tổ Thiền tông thứ nhất. Ngài là bậc trì hạnh đầu đà đệ nhất.

- Ngài Ma Ha Ca Chiên Diên (tiếng Ấn: Maha Katyana) giòng dõi Bà La Môn, là bậc có tài nghị luận đệ nhất.

- Ngài Ma Ha Câu Hi La (tiếng Ấn: Maha Kansthila) là bậc có tài trả lời hay đệ nhất.

- Ngài Ly Bà Đa (tiếng Ấn: Revata)là bậc thiền định đệ nhất.

- Ngài Chu Lợi Bàn Đà Già (Ksudra- Panthaka) là người đần độn, chỉ nhớ nghĩa một bài kệ mà thành Alahan. Ngài là người nhớ nghĩa hay đệ nhất.

- Ngài Nan Đà (Nanda) em ruột của Phật, là người có dung mạo uy nghi đệ nhất.
- Ngài A Nan Đà (Ananda) em họ của Phật, là thị giả hầu Phật, ngài là bậc đa văn (nghe nhiều) đệ nhất

- Ngài La Hầu La (Rahula) là Thái tử của Phật, ngài là người có mật hạnh đệ nhất.

- Ngài Kiều Phạm Ba Đề (Gavampati) mồm nhai như con bò, vì tội ác khẩu kiếp trước còn sót lại, ngài là người được chư Thiên cúng dường đệ nhất.

- Ngài Tân Đầu Lư Phả La Đọa (Pindola Bharadvaja) Ngài ở lại thế gian rất lâu để hưởng cúng dường đời mạt pháp, giống như một thửa ruộng tốt để người đời trồng cây phúc. Ngài là bậc phúc điền đệ nhất.

- Ngài Ca Lưu Đà Di (Kalodayin) ngài là sứ giả của Phật, ngài giáo hóa được nhiều người đệ nhất.
- Ngài Ma Ha Kiếp Tân Na (Maha Kapphina) là bậc xem sao đệ nhất.

- Ngài Bạc Câu La (Vakkula) ngài là bậc sống lâu, thọ mệnh đệ nhất.

- Ngài A Nâu Lâu Đà (Anirudha) em họ Phật, ngài có thiên nhãn trông xa đệ nhất.

Các ngài thường theo Phật luôn luôn nên gọi là Thường tùy chúng. Các ngài vốn là bậc Pháp thân đại sĩ, là bâc Bồ Tát đã chứng được Pháp thân, mà thị hiện ra làm Thanh văn, cho nên gọi các ngài là Ảnh hưởng chúng, là các vị tăng có ảnh hưởng đến đạo Phật.

Nay các ngài được nghe pháp tu Tịnh Độ là phép tu thu nhận được vô lượng công đức. Các ngài được lợi ích là: Phật đã bố thí cho các ngài hiểu được đệ nhất nghĩa đế trong giáo lý của Phật. Các ngài làm cho đường đạo tăng lên, đường đời giảm bớt, tự mình cải tạo cho đất nước mình thanh tịnh, giác ngộ, cho nên các ngài còn gọi là Đương cơ chúng, là các vị tăng có cơ đảm đương nổi việc Phật.

II – BỒ TÁT CHÚNG

KINH VĂN

Tinh chư Bồ Tát Ma Ha tát: Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tiến Bồ Tát, dữ như thị đẳng chư đại Bồ Tát.

NGHĨA
Lại có các vị Bồ Tát là: Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tiến Bồ Tát cùng nhiều vị Bồ Tát khác cũng như thế nữa.

Chữ Bồ Tát Ma Ha tát là tiếng Brahma ở Ấn Độ, (nguyên âm đọc là Boddhi Sattvaya Maha Sattvaya, đọc là Bồ đề tát đỏa bà gia, ma ha tát đỏa bà gia) nghĩa là “Đại đạo tâm thành tựu hữu tình” (Có tâm đạo lớn làm cho loài hữu tình được thành tựu). Đó là danh hiệu của người đã vận dụng được cả hai tâm: Bi và Trí, làm lợi lạc cho cả mình và người.

Phật là Pháp vương, Ngài Văn Thù Sư Lợi (tiếng Ấn: Manju-Siri, nghĩa là Diệu Cát Tường) Ngài nối nghiệp nhà của Phật nên được gọi là Pháp Vương Tử. Trong hàng Bồ Tát tăng, ngài là người có trí tuệ đệ nhất. Nếu chẳng là bậc có trí tuệ, dũng mãnh thì chẳng tài nào hiểu được và chứng được pháp môn Tịnh Độ này, cho nên ngài đứng đầu.

Ngài A Dật Đa (Ajita) nghĩa là Vô Năng Thắng. tên riêng của ngài Di Lạc Bồ Tát (Maitreya). Ngài là bậc sẽ thành Phật sau đời Phật Thích Ca. Hiện bây giờ ngài ở ngôi Đẳng Giác (Bồ Tát thập địa). Ngài lấy việc làm cho đất nước mình trở nên trong sạch, trang nghiêm, giác ngộ làm việc thiết yếu, cho nên ngài đứng thứ nhì.

Ngài Càn Đà Ha Đề (Gandhahastin) nghĩa là Bất Hưu Tức (Chẳng ngừng nghỉ) vì ngài là người tu hành mãi mãi, chẳng ngừng nghỉ.

Ngài Thường Tinh Tiến là một vị Bồ Tát thường làm lợi ích cả cho mình và người mà không hề mệt mỏi.

Các vị này đều là các vị Bồ Tát ở ngôi rất cao, các ngài đều quyết chí cầu sinh Tịnh Độ. Vì các ngài mong được thấy Phật luôn luôn chẳng rời, mong được thân cận cúng dường chúng tăng luôn luôn chẳng rời, có như thế mới mau chóng viên mãn tâm Bồ Đề của mình.

(Pháp tu Tịnh Độ, về phần sự là một nhân duyên lớn lao, về phần lý là một phép tu bí mật tạng, chớ nên bỏ qua).

III – THIÊN NHÂN CHÚNG

KINH VĂN

Cập Thích đề hoàn nhân đẳng, vô lượng chư thiên đại chúng câu.

Nghĩa:
Cả vua Đế Thích và các vua khác cùng với các đấng trên các cõi trời và các cõi khác đông không xiết kể, cùng đến dự hội.

Thích đề hoàn nhân: (tiếng Phạn: Sakra Devanm Indra) tức Thiên chúa, vua cõi trời Đao Lợi, trên đỉnh núi Tu Di cao nhất thế giới.

Đẳng: là gồm cả thượng đẳng và hạ đẳng. Tức các vị vua dưới cõi trời Đế Thích và các vị vua trên cõi trời Đế Thích. Dưới vua Đế Thích có Tứ Thiên Vương, 4 cõi trời ở lưng chừng núi Tu Di. Trên vua Đế Thích, trụ ở hư không, có 4 cõi trời dục giới (Giạ Ma, Đâu Xuất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại), 18 cõi Sắc giới, và 4 cõi Vô Sắc giới. Tổng cộng 28 cõi trời.

Đại chúng câu: là tóm tắt hết tất cả các giới ở khắp mười phương: tám bộ quỉ thần, A Tu La, Nhân, Phi nhân v.v… không ai không đến dự hội nói pháp này. Không ai không được thu hút vào pháp môn tu Tịnh Độ (Vì pháp môn này rất rộng lớn nên mới màu nhiệm được như thế).

II – BIỆT TỰ

Từ đây là phần Biệt tự, hay phát khởi tự.

Phép tu Tịnh Độ là pháp môn mầu nhiệm, chẳng thể nghĩ bàn cho nên không có ai biết mà hỏi, tự Phật phải nói ra. Phật nói cho biết trên cái thế giới kia (Y báo) và nhân vật ở thế giới kia (Chính báo) để phát khởi cái tâm tín nguyện của con người. Lại nữa trí tuệ Phật soi thấy căn có chúng sinh không sai lầm. Phật thấy rõ tất cả đại chúng đây, ai cũng có cơ được nghe phép tu Tịnh độ này, ít ra cũng được 1 trong 4 lợi ích:

1) Nghe rồi toàn thân sung sướng, vui mừng

2) Nghe rồi sinh tâm thích làm thiện

3) Nghe rồi chừa bỏ hết tội ác, tật xấu.

4) Nghe rồi hiểu thấu lý Thực Tướng.

Vì lẽ ấy mà Phật chẳng đợi ai hỏi mà Phật tự nói ra phép tu Tịnh Độ này. Cũng như trong kinh Phạm Võng, nào ai biết vị hiệu của Phật là gì mà hỏi. cũng là tự Phật nói ra rằng “Chính vị hiệu của ta là Lô Xá Na (Rocana)”.

Ngài Trí Giả xếp đoạn kinh này vào phần Phát khởi tự.

KINH VĂN

Nhĩ thời Phật cáo trưởng lão Xá Lợi Phất ! Tùng thị Tây phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc, kỳ độ hữu Phật A Di Đà kim hiện tại thuyết pháp.
NGHĨA
Bấy giờ Phật bảo ngài Trưởng lão Xá Lợi Phất rằng:” Từ đây đi về phía Tây, trải qua mười muôn ức Phật độ có một thế giới gọi là Cực Lạc. Cõi ấy có Phật hiệu A Di Đà hiện đang thuyết pháp.
Pháp tu Tịnh độ là pháp môn thu nhiếp cả ba hạng người:thượng căn, trung căn, hạ căn, là một pháp môn viên dung tuyệt đối, bất khả tư nghị. Pháp môn này thu được tất cả, vượt được tất cả các pháp môn khác, xưa nay chưa thấy nói rõ được như thế. Một pháp môn rất sâu, rất khó tin cho nên đặc biệt bảo cho người đại trí tuệ. Vì chẳng phải người trí tuệ nhất thì chẳng tài nào hiểu ngay được, mà không nghi ngờ. (Đủ thấy người trí tuệ mới tu được, người ngu hèn cũng tu được, thực là hai việc lạ bất khả tư nghị)

Hai chữ Tây Phương, Phật bảo đi tắt ngang thẳng về phía Tây, là chỗ hiện đương có cõi Tịnh độ ngay lúc ấy.

Chữ ức ở đây là một vạn. Vậy 10 vạn ức là một ngàn triệu (tức một tỷ)

Chữ Phật độ là khu vực của một vị Phật hóa độ, có một tỷ thái dương hệ. trong kinh Phật gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Nay hãy nói thế nào là một Phật độ (hay một tam thiên đại thiên thế giới). Ta lấy thí dụ quả đất ta đang ở đây. Ta nói quả đất có một núi tu di cao nhất, 4 bên Đông, Tây, Nam, Bắc mỗi bên là một châu, chung quanh có thiết vi bao bọc. Châu nào cũng ở dưới một mặt trời, một mặt trăng soi vào. Mỗi châu là một thiên hạ. Quả đất có 4 thiên hạ. cho nên gọi là quả “tứ thiên hạ”. Một nghìn quả tứ thiên hạ gọi là một “tiểu thiên thế giới”, Một nghìn “tiểu thiên thế giới” gọi là một “ trung thiên thế giới”, Một nghìn “trung thiên thế giới” gọi là một “Đại thiên thế giới “. Vậy chữ “Tam thiên” ở đây có nghĩa là nhân ba lần một nghìn chứ không phải là ba nghìn. Nay Phật lại bảo phải đi qua 10 vạn ức Phật độ như thế về phía Tây, đến đấy là Thế giới Cực Lạc.

Hoặc có người hỏi: - Cớ gì Cực Lạc ở phương Tây? Xin thưa: Câu hỏi ấy không có ý nghĩa. Giả sử nó ở phương Đông, ngài lại hỏi “ cớ gì nó ở phương Đông?” Câu hỏi ấy chẳng phải là hý luận (đùa chơi) là gì? Huống chi ngài đi quá ra đến 11 vạn Phật độ thì nó ở đàng Đông rồi. Ngài còn nghi ngờ gì nữa?

Câu “Hữu thế giới danh viết Cực Lạc” (Có thế giới gọi là Cực Lạc) là nói cái tên cõi đất kia, là nói phần Y báo của Phật và nhân dân ở đấy. (Y báo là quả báo do nghiệp của con người tạo ra, để cho con người phải y vào đó mà sinh sống).

Cõi đất ấy vận chuyển luôn luôn, lúc này qua lúc khác, thành ra nó có 3 đời: đời trước, đời này, đời sau, cho nên gọi là thế (thời).

Cõi đất ấy ở trong hư không, chung quanh nó là 10 phương: 4 phương chính, 4 phương phụ và 2 phương thượng, hạ. Nó cũng có giới hạn ở các phương ấy, cho nên gọi nó là giới.

Vì nó vận chuyển trong tam thế và nó có giới hạn khắp thập phương cho nên gọi nó là “ Thế giới“.

Nước Cực Lạc (tiếng Ấn Tu Ma Đề nghĩa là an lạc, diệu ý, thanh thái v.v…) nghĩa là một đất nước an vui, an ổn đệ nhất, vĩnh viễn thoát ly hết mọi khổ.

Nhưng Phật độ nào cũng có 4 cõi, cõi nào cũng chia làm 2 là Tịnh độ và uế độ.

1) Cõi Phàm Thánh đồng cư: chỗ nào ngũ trược nặng là Uế độ, chỗ nào ngũ trược nhẹ là Tịnh độ. (Nhưng ở Cực Lạc thì cõi đồng cư là Tịnh độ, vì phàm với thánh ở đấy cùng một lệ).
2) Cõi Phương tiện hữu dư: Chỗ nào người tu phép “Tích không chuyết độ”chứng vào ở đấy là Uế độ, chỗ nào người tu phép “Thể không xảo độ” chứng vào, ở đấy là Tịnh độ. (Nhưng ở Cực Lạc thì cõi Phương tiện là Tịnh độ, vì người tu tiểu thừa ở đấy đã hồi tâm).

3) Cõi Thực báo vô chướng ngại: chỗ nào người tu pháp “ Thứ đệ tam quán” chứng vào, ở đấy là Uế độ, chỗ nào người tu pháp “Nhất tâm tam quán” chứng vào, ở đấy là Tịnh độ. (Ở Cực Lạc thì cõi Thực báo là Tịnh độ, vì là chỗ ở của người tu pháp “Viên đốn”).

4) Cõi Thường Tịch Quang: Chỗ nào người tu “Phần chứng” ở là Uế độ, chỗ nào của người tu “Cứu cánh viên mãn” ở là Tịnh độ (như ở Cực Lạc thì cõi Thường Tịch Quang là Tịnh độ, vì có Phật A Di Đà ở đấy)

Cái thế giới Cực Lạc nói trong kinh này, chính là cõi Đồng cư Tịnh độ, mà ba cõi Tịnh độ trên cũng có đủ cả, ở ngang ngay đấy. (Đây là bàn về tu đức. Đức tu của mình lên cao nên chỉ có Tịnh độ thôi. Còn bàn về tính đức, thì trong tính đức, thì dù một hạt bụi nhỏ li ty cũng đầy đủ cả 4 Phật độ, Tịnh và Uế). Nay rút vào phép tu chỉ có 3 món: Tín, Nguyện, Hạnh với danh hiệu đức Phật A Di Đà bất khả tư nghị, mà khiến người phàm phu cảm ứng hiện ra ở thế giới Cực Lạc một cõi Đồng cư cực kỳ thanh tịnh, mà ở trong những Phật độ khác ở khắp mười phương đều không thể có được. Chỉ riêng Cực Lạc mới có một cõi đồng cư như thế mà thôi. Có thế mới là tôn chỉ phép tu Tịnh độ ở Cực Lạc.

Câu “Hữu Phật hiệu A Di Đà” (có Phật hiệu là A Di Đà) là nói cái tên của đức Giáo Chủ kia, Là phần Chính Báo của vị Phật ở đấy. (Chính báo là quả báo do nghiệp con người tạo ra, nó chính là cái thân người ta). Phật có 3 thân là Pháp thân, Báo thân, Ứng thân (Hóa thân). Thân nào cũng có thân đơn và thân kép.

Pháp thân đơn là cái Tính Lý của người tu chứng nhận được. Báo thân đơn là công đức và trí tuệ của người tu đã tạo ra. Hóa thân (Ứng thân) đơn là hình tướng, màu sắc 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của người tu hiện ra.

Pháp thân kép là cái pháp thân tự tính thanh tịnh. Cái pháp thân rất mầu nhiệm, lìa thoát hết trần cấu

Báo thân kép là cái báo thân mình tạo ra để thụ dụng, hay cái báo thân mình tạo ra cho người khác thụ dụng

Hóa thân kép là cái thân mình thị hiện giáng sinh vào cõi nào đó, hay cái hóa thân mình ứng hiện ra. Có 2 loại hóa thân: Hóa thân ở cõi Phật, hóa thân ở mỗi loại chúng sinh.

Tuy là phân tách thân đơn, thân kép của 3 thân như thế. Nưng thực ra thì thân của Phật chẳng phải 1, chẳng phải 3, mà là 3, mà là 1. chẳng cùng, chẳng khác, chẳng dọc, chẳng ngang. (Nói sao cũng không đúng) Thân của Phật chẳng thể nghĩ bàn vậy.

Nay trong kinh này nói là “Phật A Di Đà “ thì chính là Hóa thân trong cõi Đồng cư Tịnh độ, mà cũng tức là Báo thân, mà cũng tức là Pháp thân, vì ở trong cả 4 cõi Tịnh độ đều có cả.

Nói rằng “có thế giới” “có Phật”, là vì đức Thích Ca muốn nêu lên một cảnh một cảnh tượng chân thực, khiến cho người ta vui cầu. Vì ngài đem lời thành thực chỉ bảo cho, khiến cho người tu phải chuyên chú, nhất tâm. Thế giới Cực Lạc nói ở đây chẳng phải cảnh tượng “Càn thành, Dương diệm…” (cảnh ma), chẳng phải là cảnh tượng “Quyền hiện khúc thị” (cảnh quyền giáo), chẳng phải là cảnh tượng “Duyên ảnh hư vọng” (cảnh tà), chẳng phải là cảnh tượng “Bảo chân thiên đản” (cảnh Tiểu thừa). Nêu ra cảnh chân thật này là vì ngài muốn phá mọi cảnh: Ma, Quyền, Tà, Tiểu.

Phá Quyền là muốn phá cái ngụy biện trong sách “Hoa Nghiêm hợp luận”

Phá Tà là phá cái tập quán của người đời mạt thế ngu mê.

Lại vì ngài muốn người tu Tịnh Độ chứng sâu vào thực tướng, là tâm tánh của con người, trong “có đủ cả”, có thế giới Cực Lạc thực, có thân Phật A Di Đà thực, chỉ cần mình tu niệm là tự khắc hiện ra đầy đủ, rõ rệt.

Câu “Kim hiện tại thuyết pháp” (nay hiện đang thuyết pháp) đối với hai cảnh tượng trên: cảnh Y bào là thế giới Cực Lạc, cảnh chính báo là Thân Phật A Di Đà, thì câu “kim hiện tại thuyết pháp” nói rằng đây chẳng phải cảnh quá khứ đã diệt, cũng chẳng phải cảnh vị lai chưa thành. (giống như cảnh Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn, và cảnh Phật Di Lạc chưa giáng sanh, đây là thời gian không có Phật cho mình nương tựa) thì cảnh “Kim hiện tại thuyết pháp” đây chính là một cảnh để cho mình nên phát nguyện vãng sanh, để được thân cận Phật, được nghe pháp, được chóng thành chính giác.

Chữ HỮU và chữ HIỆN TẠI để khuyên người tu mở lòng tin.

Chữ THẾ GIỚI CỰC LẠC khuyên người tu nên phát nguyện.

Chữ Phật hiệu A DI ĐÀ khuyên người tu thực hành hạnh trì danh.

Lại nữa:

Chữ A DI ĐÀ là lời tựa về Phật

Chữ THUYẾT là lời tựa về pháp

Chữ HIỆN TẠI, trong đó có hải hội chúng là lời tựa về tăng.

Phật, pháp, tăng cùng ở trong một thực tướng là lời tựa về Tâm thể (nhất thể Tam Bảo)

Y theo Tâm thể ấy mà khởi ra Tín, Nguyện, Hạnh là lời tựa về Tôn chỉ.

Tín, nguyên, hạnh đã thành rồi là được thấy Phật, được nghe pháp là lời tựa về phần Lực dụng
Chỉ có cảnh giới Phật làm cảnh giới cho tâm mình chăm chú vào, chẳng cho một sự tướng nào khác xen lẫn vào tâm mình, đó là lời tựa về Giáo tướng.

Lời nói sơ lược mà ý nghĩa rất chu đáo.