18. PHẨM LỆ
212. KINH NHẤT THIẾT TRÍ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Uất-đầu-tùy-nhã, trong rừng Phổ cức thích. [02]
Bấy giờ vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc [03]
nghe Sa-môn Cù-đàm du hóa tại Uất-đầu-tùy-nhã, trong rừng Phổ cức
thích. Sau khi nghe như vậy, vua nước Câu-tát-la, Ba-tư-nặc, bảo một
người rằng: “Ngươi đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay mặt ta mà thăm hỏi
rằng, ‘Thánh thể có khương cường, an lạc không tật bệnh, đi đứng thoải
mái, khí lực bình thường chăng?’ Rồi nói như vầy, ‘Vua nước Câu-tát-la
là Ba-tư-nặc, kính lời thăm hỏi rằng ‘Thánh thể được khang cường, an lạc
không tật bệnh đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’ Ngươi lại
nói thêm rằng, ‘Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến gặp’.” Người
ấy lãnh giáo đến chỗ Phật, cùng Ngài chào hỏi rồi lui ngồi một bên mà
thưa rằng:
“Bạch Cù-đàm, vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc kính lời thăm hỏi
Thánh thể được khang cường, an lạc không tật bệnh, đi đứng thoải mái khi
lực như thường chăng? Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến gặp.”
Đức Thế Tôn đáp rằng:
“Mong vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc được an ổn khoái lạc. Mong
cho Trời, Người, A-tu-la, Kiền-tháp-hòa, La-sát và mọi loài khác cũng
được an ổn khoái lạc. Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến xin cứ
tự tiện tùy ý.”
Lúc đó sứ giả nghe Phật nói, ghi nhớ kỹ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy nhiễu ba vòng rồi lui về.
Bấy giờ Tôn giả A-nan đứng sau lưng Đức Thế Tôn, quạt hầu Phật. Sau khi người sứ giả đi rồi, Đức Thế Tôn quay lại bảo rằng:
“Này A-nan, ông cùng Ta sang ngôi nhà lớn hướng phía Đông, mở cửa
sổ ra và đóng cửa lớn lại, vào trong chỗ kín đáo ấy. Hôm nay Ba-tư-nặc
vua nước Câu-tát-la, nhất tâm, không loạn động, muốn nghe và thọ lãnh
Chánh pháp.”
Khi ấy Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:
“Kính vâng.”
Rồi Đức Thế Tôn dẫn A-nan sang ngôi nhà lớn hướng phía Đông kia,
mở cửa sổ ra và đóng cửa lớn lại, dọn chỗ ngồi ở chỗ kín đáo, trải
ni-sư-đàn và kiết già mà ngồi.
Lúc đó sứ giả trở về chỗ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la thưa:
“Tâu Thiên vương, tôi đã thông báo cho Sa-môn Cù-đàm và Sa-môn
Cù-đàm đang chờ Thiên vương. Cúi xin Thiên vương nên biết đúng thời.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bảo người đánh xe rằng:
“Ngươi hãy sửa soạn xa giá. Hôm nay Ta muốn đến thăm Sa-môn Cù-đàm.”
Người đánh xe lãnh giáo, tức thì sửa soạn xa giá.
Bấy giờ chị em Hiền và Nguyệt [04] đang ngồi ăn với Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe nói hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sẽ đến thăm Phật, liền tâu rằng:
“Tâu Thiên vương, nếu hôm nay ngài đến thăm Đức Thế Tôn, xin thay
chúng tôi cúi đầu thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an
lạc, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng? Đại
vương nói như vầy, ‘Chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn,
Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không tật bệnh, đi đứng thoải mái, khí
lực bình thường chăng?’”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la im lặng nhận lời chị em Hiền và Nguyệt.
Lúc đó người đánh xe sửa soạn xa giá đã xong, đến tâu rằng:
“Tâu Thiên vương, xa giá trang nghiêm đã xong, xin vâng ý Thiên vương.”
Vua nghe xong, lên xe rời khỏi Uất-đầu-tùy-nhã, đi đến rừng Phổ cức thích.
Lúc đó ngoài cửa rừng Phổ cức thích, một số đông các Tỳ-kheo đi
kinh hành trên khoảng đất trống. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đến hỏi
các Tỳ-kheo rằng:
“Bạch chư Hiền, Sa-môn Cù-đàm hôm nay ở đâu? Tôi muốn đến thăm.”
Chư Tỳ-kheo đáp rằng:
“Nơi phía Đông kia, tâu Đại vương, tại ngôi nhà lớn hướng phía
Đông, có cửa sổ mở và cửa lớn đóng, Đức Thế Tôn đang ở trong đó. Đại
vương muốn thăm thì đến nhà ấy, đứng ngoài mà tằng hắng và gõ cửa, Đức
Thế Tôn sẽ mở cửa.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la liền xuống xe, với đám tùy tùng vây
quanh, đi bộ về ngôi nhà lớn hướng phía Đông ấy. Đến nơi vua đứng phía
ngoài tằng hắng và gõ cửa. Đức Thế Tôn nghe, liền ra mở cửa. Ba-tư-nặc
vua nước Câu-tát-la vào trong ngôi nhà ấy, đến trước bạch rằng:
“Bạch Cù-đàm, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn
rằng, ‘Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không bệnh tật, đi đứng thoải
mái, khí lực như thường chăng?’”
Thế Tôn hỏi rằng:
“Chị em Hiền và Nguyệt không có người sai sao?”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bạch rằng:
“Bạch Cù-đàm, mong Ngài biết cho, hôm nay chị em Hiền và Nguyệt
cùng ngồi ăn với con, nghe con muốn đến thăm Phật, bèn thưa rằng, ‘Đại
vương, nếu ngài đến thăm Phật, xin thay chúng tôi cúi đầu thăm hỏi Đức
Thế Tôn, Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không bệnh tật, đi đứng thoải
mái, khí lực bình thường chăng?’ Nên con bạch lại như vậy cùng Thế Tôn
rằng, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn ‘Thánh thể Ngài
khỏe mạnh an lạc, không tật bệnh đi đứng thoải mái, khí lực như thường
chăng?’ Bạch Cù-đàm, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Đức Thế Tôn,
Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không tật bệnh, đi đứng thoải mái,
khí lực bình thường chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Này Đại vương, mong cho chị em Hiền và Nguyệt an ổn, khoái lạc,
mong cho Trời, Người, A-tu-la, Kiền-đáp-hòa, La-sát cùng mọi loài khác
an ổn khoái lạc.”
Bấy giờ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói lời thăm hỏi Phật rồi lui ngồi một bên bạch rằng:
“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi mong Ngài nghe chuyện con mới dám trình bày.”
Thế Tôn đáp rằng:
“Này Đại vương, có điều gì muốn hỏi cứ tự ý mà hỏi.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:
“Bạch Cù-đàm, con nghe Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Trong quá khứ
không có, trong tương lai không, và hiện tại cũng không có, không có
Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’. Bạch
Cù-đàm, Ngài đã nhớ là đã nói như vậy chăng?
Thế Tôn đáp rằng:
“Này Đại vương, Ta không nhớ là đã nói như vậy, ‘Trong quá khứ
không có, trong tương lai không có, và hiện tại không có, không có
Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’.”
Lúc đó Đại tướng Bệ-lưu-la [05]đứng
sau lưng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, cầm phất trần hầu vua. Rồi
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la quay lại nói với Đại tướng Bệ-lưu-la rằng:
“Hôm trước Ta ngồi với đại chúng, ai là người đầu tiên nói rằng,
‘Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai
không có và trong hiện tại cũng không có, không có Sa-môn Phạm chí nào
là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’?”
Đại tướng Bệ-lưu-la đáp rằng:
“Tâu Thiên vương, có Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử [06] là người đầu tiên nói như vậy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong, bảo một người rằng:
“Ngươi đến chỗ Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử nói như vầy, ‘Ba-tư-nặc vua
nước Câu-tát-la cho gọi ông’.”
Người ấy lãnh giáo, đi đến chỗ Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử bảo như vầy:
“Này Niên Thiếu, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cho gọi ông.”
Sau khi người ấy đi, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bạch Thế Tôn:
“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có thể có những lời nói khác, nhưng được ghi nhớ khác. Bạch Cù-đàm, ngài có nhớ đã nói những gì chăng?”
Thế Tôn đáp rằng:
“Này Đại vương, Ta nhớ đã từng nói như vầy, ‘Trong quá khứ không
có, trong tương lai không có, trong hiện tại cũng không có, không có
Sa-môn Phạm chí nào trong một thời [07] biết tất cả, trong một thời thấy tất cả’. Này Đại vương, Ta nhớ đã nói như vậy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong tán thán rằng:
“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Sư [08]
. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Thiện sư. Lại có những điều muốn hỏi, mong Ngài cho phép con hỏi.”
Thế Tôn đáp rằng:
“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi cứ tùy ý hỏi.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:
“Bạch Cù-đàm! Ở đây có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ,
Công sư. Bốn chủng tộc này có sự hơn kém nào không? Và có sự sai biệt
nào?”
Thế Tôn đáp rằng:
“Bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, Công sư có hơn kém
và sai biệt. Hạng Sát-lợi, và Phạm chí ở trong nhân gian được coi là tối
thượng. Hạng Cư sĩ và hạng Công sư ở trong nhân gian được coi là hạ
liệt. Trong bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư đó là sự
hơn kém và đó là sự sai biệt.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:
Những gì Sa-môn Cù-đàm nói như Sư. Những gì Sa-môn Cù-đàm nói như Thiện sư.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại bạch:
“Bạch Cù-đàm, con không hỏi những vấn đề trong hiện tại, mà con
muốn hỏi cả những vấn đề đời sau nữa, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:
“Bạch Cù-đàm, ở đây có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và
Công sư, có sự hơn kém nào, có sự sai biệt nào ở đời sau chăng?”
Thế Tôn đáp rằng:
“Bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, và Công sư, có sự hơn
kém, có sự sai biệt cả trong đời sau nữa. Bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm
chí, Công sư và Cư sĩ nếu thành tựu được năm đoạn chi này [09],
chắc chắn sẽ gặp được bậc Thiện sư, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh
Giác, chắc chắn được vừa ý, không có điều gì không vừa ý, và cũng luôn
luôn được thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái lạc. Những gì là năm chi? Đa
văn Thánh đệ tử đối với Như Lai đã gieo trồng tín căn, đã quyết định
vững bền, không ai có thể tước đoạt, dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma,
Phạm và các loài thế gian khác. Đó gọi là đoạn chi thứ nhất.
“Lại nữa, Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử, ít bệnh, không bệnh, thành tựu sự điều hòa thực đạo
[10]
, không quá lạnh, không quá nóng, dễ chịu, không bị bực dọc. Nghĩa là
sự ăn uống được tiêu hóa dễ dàng an ổn. Đó gọi là đoạn chi thứ hai.
“Lại nữa, này Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử không siểm mị, không
dối gạt, chất trực, tự bộc lộ sự chân thật đối với Thế Tôn và các vị
phạm hạnh. Đó gọi là đoạn chi thứ ba.
“Lại nữa, Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử thường thành tựu hạnh
tinh tấn, đoạn trừ ác và bất thiện pháp, siêng tu các thiện pháp, luôn
luôn tự sách tấn [11], chuyên nhất kiên cố, đối với gốc rễ các thiện pháp, không hề từ bỏ phương tiện. Đó gọi là đoạn chi thứ bốn.
“Lại nữa, Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán
pháp hưng suy và chứng đắc trí tuệ như vậy, thánh tuệ minh đạt phân biệt
thấu triệt, do đó mà chơn chánh diệt tận. Đó gọi là đoạn chi thứ năm.
“Có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư. Bốn hạng
này nếu thành tựu được năm đoạn chi này, nhất định được gặp bậc Thiện
sư, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, ắt được vừa ý, không có
điều gì không vừa ý, luôn luôn được thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái
lạc.
“Có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư. Đó là hơn kém, đó là sự sai biệt ở đời sau vậy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong tán thán rằng:
“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Sư. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói
như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Đại vương, nếu có điều gì muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:
“Bạch Cù-đàm, có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công
sư; bốn hạng này có sự hơn kém và sự sai biệt nào đối với đoạn hành [12] chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư. Bốn
hạng này có sự sai biệt và hơn kém đối với đoạn hành. Này Đại vương, Đại
vương nghĩ sao? Những gì được đoạn bởi tín, và chúng được đoạn bởi bất
tín trường hợp đó hoàn toàn không thể có. Những gì được đoạn bởi ít
bệnh, mà chúng cũng được đoạn bởi nhiều bệnh, trường hợp đó hoàn toàn
không thể có. Những gì được đoạn bởi sự không siểm nịnh, không lừa dối [13],
mà chúng cũng được đoạn bởi siểm nịnh, lừa dối, trường hợp này không
thể có. Nếu được đoạn bởi tinh cần mà cũng được đoạn bởi giải đãi;
trường hợp này không thể có. Nếu đoạn bởi trí tuệ, mà cũng được đoạn trừ
bởi ác tuệ, trường hợp này không thể có.
“Cũng như chế ngự bốn thứ [14]
là chế ngự voi, chế ngự ngựa, chế ngự bò và chế ngự người. Trong đó có
hai trường hợp cần chế ngự mà không thể chế ngự và hai trường hợp cần
chế ngự mà có thể chế ngự. Đại vương, ý ông thế nào? Hai trường hợp cần
chế ngự mà không thể chế ngự, con vật không thể chế ngự ấy mà lại đi đến
chỗ được điều phục, đi đến được chỗ chế ngự [15], thọ nhận công việc của sự điều ngự [16], thì việc này có thể vậy.
“Cũng vậy, này Đại vương, Đại vương nghĩ sao? Nếu những gì được
đoạn bởi tín mà cũng được đoạn bởi bất tín chăng? Việc này không thể có.
Nếu được đoạn bởi ít bệnh mà cũng được đoạn bởi nhiều bệnh chăng? Việc
này không thể có. Nếu được đoạn bởi sự không siểm nịnh không dối trá mà
cũng được đoạn bởi siểm nịnh, dối trá chăng? Việc này không thể có. Nếu
được đoạn bởi tinh cần mà cũng đoạn bởi giải đãi chăng? Việc này không
thể có. Nếu do trí tuệ mà đoạn cũng do ác tuệ mà đoạn chăng? Việc này
không thể có. Như vậy, bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, và Công
sư, đó là sự hơn kém, sự sai biệt về đoạn hành.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:
“Bạch Cù-đàm, những điều Ngài nói như Sư, những điều Ngài nói như
Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi tùy ý hỏi.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:
“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư
sĩ và Công sư, bốn hạng này có sự hơn kém, có sự sai biệt đối với đoạn
[17] chăng?”
Đức Thế Tôn đáp rằng:
“Có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư, chúng
bình đẳng đối với đoạn, không hơn kém, không sai biệt đối với đoạn vậy
[18].
“Cũng như một đứa nhỏ dòng Sát-lợi từ phương Đông đến lấy Sa-la
khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Một đứa dòng Phạm chí từ phương
Nam đến nó lấy cây Sa-la khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Một đứa
dòng Cư sĩ từ phương Tây đến, nó lấy chiên-đàn làm mồi và cọ xát cho bốc
lửa. Một đứa bé dòng công sư từ phương Bắc đến, nó lấy cây Bát-đầu-ma
[19]
khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Này Đại vương, ý ngài nghĩ sao?
Những người khác chủng tộc kia mang các loại cây khác nhau làm mồi lửa,
nó cọ xát cho bốc lửa; rồi trong số đó, có người châm vào cây khô làm
cho bốc khói, bốc lửa ngọn và phát sanh màu lửa. Này Đại vương, giữa
khói với khói, giữa ngọn lửa với ngọn lửa. Giữa sắc lửa với sắc lửa, có
những sai biệt nào chăng?”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đáp rằng:
“Bạch Cù-đàm, những người khác chủng tộc đó lấy các thứ cây khác
nhau đó làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa, rồi trong số đó có người châm
lửa vào cây khô làm bốc khói, bốc lửa ngọn và phát sanh màu lửa. Bạch
Cù-đàm, con không nói rằng giữa khói và khói, giữa ngọn lửa và ngọn lửa,
giữa sắc lửa và sắc lửa có sự sai biệt.”
“Cũng vậy, này Đại vương, bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí,
Cư sĩ và Công sư, chúng hoàn toàn bình đẳng đối với đoạn, không có hơn
kém, không có sai biệt đối với đoạn.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:
“Bạch Cù-đàm, những điều Ngài nói như Sư. Bạch Sa-môn Cù-đàm,
những điều Ngài nói như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài
nghe cho con hỏi chăng?”
Thế Tôn đáp:
“Nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:
“Bạch Cù-đàm, có chư Thiên chăng?”
Đức Thế Tôn hỏi lại:
“Đại vương, ngài hỏi có chư Thiên không với ý gì?”
Vua Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đáp:
“Bạch Cù-đàm, chư Thiên nào có tranh [20] , ưa tranh thì chư Thiên ấy phải sanh lại thế gian này. Nếu chư Thiên nào không có não hại thì sẽ không sanh lại thế gian này [21].”
Bấy giờ Đại tướng Bệ-lưu-la đứng sau lưng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, cầm phất trần hầu vua. Đại tướng Bệ-lưu-la bạch:
“Bạch Cù-đàm, chư Thiên nào không có tranh, không ưa tranh không
đến thế gian này, hãy gác lại chư Thiên đó. Giả như chư Thiên nào có
tranh, ưa tranh, thì đến thế gian này, Sa-môn Cù-đàm tất phải nói rằng
chư Thiên đó có phước hơn, có phạm hạnh hơn. Vì chư Thiên này được tự
tại nên đẩy lui chư Thiên kia, đuổi chư Thiên kia đi vậy.”
Lúc đó Tôn giả A-nan đứng hầu sau Đức Thế Tôn, cầm phất trần hầu
Phật. Tôn giả A-nan nghĩ rằng, ‘Đại tướng Bệ-lưu-la này là con của
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, còn ta là con của Đức Thế Tôn. Bây giờ
chính là lúc con và con thảo luận. Rồi Tôn giả A-nan nói với Đại tướng
Bệ-lưu-la rằng:
“Tôi muốn hỏi ngài, xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.
“Thưa Đại tướng, ngài nghĩ thế nào? Trong phần ranh giới thuộc về
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la mà giáo lệnh có thể truyền đến, Ba-tư-nặc
vua nước Câu-tát-la được tự do đuổi đi những vị có phước đức hơn, có
phạm hạnh hơn chăng?”
Đại tướng Bệ-lưu-la đáp:
“Này Sa-môn, trong phần ranh giới thuộc về Ba-tư-nặc vua nước
Câu-tát-la mà giáo lệnh có thể truyền đến thì Ba-tư-nặc vua nước
Câu-tát-la được quyền đuổi đi tự do những vị có phước đức hơn, có phạm
hạnh hơn.”
“Này Đại tướng, ngài nghĩ sao? Nếu không phải trong ranh giới của
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, giáo lệnh không thể truyền đến, thì
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có được tự ý đuổi những vị có phước đức
hơn, có phạm hạnh hơn chăng?”
Đại tướng Bệ-lưu-la dáp rằng:
“Này Sa-môn, nếu không phải ranh giới thuộc về Ba-tư-nặc vua nước
Câu-tát-la, giáo lệnh không thể truyền đến thì Ba-tư-nặc vua nước
Câu-tát-la không được tự do xua đuổi những vị có phước hơn, có phạm hạnh
hơn đi khỏi vậy.”
Tôn giả A-nan lại hỏi rằng:
“Này Đại tướng, ngài có nghe nói đến chư Thiên ở Tam thập tam thiên chăng?”
Đại tướng Bệ-lưu-la đáp rằng:
“Khi tôi cùng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la dạo chơi, có nghe nói chư Thiên trên Tam thập tam thiên.”
“Này Đại tướng, ngài nghĩ thế nào? Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la
có được quyền tự do xua đuổi chư Thiên có phước hơn, có phạm hạnh hơn ở
Tam thập tam thiên khỏi chỗ ấy chăng?”
Đại tướng Bệ-lưu-la đáp rằng:
“Này Sa-môn, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la còn không thể thấy
được chư Thiên ở Tam thập tam thiên, huống gì lại đuổi họ ra khỏi chỗ
đó? Đuổi chư Thiên ở Tam thập tam thiên, việc ấy chắc chắn không thể có
vậy.”
“Cũng vậy, này Đại tướng, nếu có chư Thiên nào không tranh, không
ưa tranh, không đến thế gian này. Chư Thiên ấy có phước đức hơn và có
phạm hạnh hơn. Nếu có chư Thiên nào có tranh, ưa tranh, sanh đến thế
gian này thì chư Thiên này đối với chư Thiên kia còn không thể thấy được
huống gì đánh đuổi ư? Việc đánh đuổi chư Thiên, chắc chắn không thể
có.”
Lúc đó Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:
“Bạch Cù-đàm, Sa-môn này tên gì?”
Đức Thế Tôn đáp rằng:
“Này Đại vương, Tỳ-kheo này tên là A-nan, đó là thị giả của Ta.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:
“Những điều A-nan nói như Sư. Những điều A-nan như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho con hỏi chăng?”
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Đại vương, nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:
“Bạch Cù-đàm, có Phạm thiên chăng?”
Đức Thế Tôn hỏi lại rằng:
“Này Đại vương, Đại vương hỏi có Phạm thiên không với ý gì? Này
Đại vương, nếu Ta chủ trương có Phạm thiên thì đó là Phạm thanh tịnh.”
Trong lúc Đức Thế Tôn cùng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đang
luận việc này nửa chừng thì người sứ giả dẫn Tưởng Niên Thiếu Cát Tường
Tử trở lại đến chỗ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la tâu:
“Tâu Thiên vương, Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử đã đến đây.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe nói liền hỏi Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử rằng:
“Hôm trước ta cùng đại chúng đang hội tọa ai là người trước tiên
nói rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm nói như vầy: Trong quá khứ không có, trong
tương lai không có, và trong hiện tại cũng không có. Không có Sa-môn
Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’?”
Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử đáp:
“Tâu Thiên vương, chính Đại tướng Bệ-lưu-la là người đã nói trước tiên.”
Đại tướng Bệ-lưu-la nghe xong thưa:
“Tâu Thiên vương, chính Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử là người nói trước.”
Cứ như vậy hai người đó cãi nhau về vấn đề này. Ngay trong lúc
đó, người đánh xe liền sửa soạn xa giá, đến chỗ Ba-tư-nặc vua nước
Câu-tát-la tâu rằng:
“Tâu Thiên vương, nghiêm giá đã đến, tâu Thiên vương, mong ngài biết đã đến thời.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong, bạch với Phật rằng:
“Con hỏi Cù-đàm về Nhất thiết trí, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con
về Nhất thiết trí. Con hỏi Sa-môn Cù-đàm về bốn chủng tánh thanh tịnh;
Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con về bốn chủng tánh thanh tịnh. Con hỏi
Sa-môn Cù-đàm về sở đắc, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con về sở đắc. Con hỏi
Sa-môn Cù-đàm có Phạm thiên hay không, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời cho con
có Phạm thiên. Nếu con còn hỏi Sa-môn Cù-đàm các vấn đề khác chắc
Sa-môn Cù-đàm cũng sẽ trả lời con các vấn đề ấy.
“Bạch Cù-đàm, hôm nay con có nhiều việc phải trở về, xin kiếu từ.”
Đức Thế Tôn đáp rằng:
“Đại vương, ngài hãy làm những gì ngài nghĩ là đúng thời.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sau khi nghe những gì Thế Tôn nói,
ghi nhớ kỹ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Thế Tôn ba vòng rồi ra
về.
Phật nói như vậy. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, Tôn giả A-nan và tất cả đại chúng nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, M.90. Kaṇṇakatthala-suttaṃ.
- [02]
Uất-đầu-tùy-nhã 鬱 頭 隨 若. Pāli: Ujuññā, một quận lỵ tại xứ Kosala. Phổ
cức thích 普 棘 刺; Pāli: Kaṇṇakatthala, là vườn Nai trong quận này.
- [03] Câu-tát-la vương Ba-tư-nặc 拘 薩 羅 王 波 斯 匿. Pāli: Kosala-rājan Pasenadi.
- [04]
Hiền, Nguyệt 賢 月. Pāli: Sakulā và Somaø. Cả hai chị em đều là vợ của
vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), cũng là hai vị đệ tử nhiệt thành của Phật.
- [05]
Bệ-lưu-la 鞞 留 羅 hay Tì-lưu-li. Pāli: Viḍūḍabha, con trai của Pasenadi,
mà mẹ nguyên là một nữ tỳ trong dòng họ Thích. Sau này Viḍūḍabha, vì một
mối thù sĩ diện đối với họ Thích nên đã đem quân tàn sát cả họ.
- [06] Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử 想 年 少 吉 祥 子, Pāli: Sañjaya-Ākāsagotta, tên một người Bà-la-môn, Đại thần của vua Ba-tư-nặc.
- [07] Nhất thời 一 時; Pāli: sakideva, trong một thời, một lúc, hay một lần; ngay trong một sát-na.
- [08]
Sở thuyết như sư 所 說 如 師, không rõ cách nói này. Tham khảo Pāli:
heturūpaṃ bhante bhagavā āha, saheturūpaṃ... āha, Thế Tôn nói có nguyên
nhân, liên hệ đến nguyên nhân. Không hiểu do liên hệ âm vận như thế nào,
bản Hán hiểu heturūpaṃ là ”như sư”. Nếu dịch sát, có thể ”như nhân”
nghĩa là, có hình thức luận lý.
- [09]
Ngũ đoạn chi 五 斷 支 hay ngũ thắng chi, xem Tập Dị 13 (No.1536, Đại 26
tr.422-3). Pāli: pañca padhāniyanngāni. Bản Hán hiểu là pahāna, đoạn
trừ, thay vì là padhāna, tinh cần. Xem D. 33. Saṅgītisuttanta.
- [10] Đẳng thực đạo 等 食 道. Pāli: sama-vepākiniyā.
- [11] Hán: hằng tự khởi ý 恆 自 起 意. Có lẽ Pāli: thāmavant, kiên trì nỗ lực.
- [12] Đoạn hành 斷 行. Pāli: padhāna, sự tinh cần hay chuyên cần.
- [13] Cuống, siểm. Pāli: saṭha, māyāvin, giảo hoạt và lừa dối hay.
- [14]
Bốn điều ngự, hay bốn trường hợp huấn luyện, xem kinh 198 trên. Một ít
chi tiết trong kinh trước và kinh này không thống nhất trong bản Hán.
- [15] Điều địa, ngự địa 調 地 御 地. Pāli: dantabhūmi, địa vị (của con vật) đã được huấn luyện.
- [16] Thọ ngự sự 受 御 事. Pāli: dantākaraṇaṃ gaccheyyuṃ, có thể làm công việc (của con vật) đã được huấn luyện.
- [17] Đoạn 斷; Pāli: sammappadhāna, chánh cần, hay chân chánh tinh cần.
- [18]
Trong bản Pāli: na kiñci nānākaraṇaṃ vādāmi yadidṃ vimuttiyā vimuttiṃ,
Ta nói không có hành tướng sai biệt nào, tức là giải thoát này đối với
giải thoát kia.
- [19]
Bát-đầu-ma 鈢 頭 摩, thường Pāli tương đương là paduma (hoa sen đỏ), nhưng
ở đây, trong bản Pāli: udumbarakaṭṭha, cũi bằng gỗ cây udumbaraka, tức
cây sung.
- [20] Hữu tránh 有 諍, có tranh cãi hay tranh chấp. Pāli: savyāpajjhā, có não hại, sân hận.
- [21] Trong bản Pāli, đây là câu trả lời của Phật.
-ooOoo-
213.
KINH PHÁP TRANG NGHIÊM[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Phật du hóa giữa những người họ Thích, trú trong một đô ấp của Thích gia tên là Di-lũ-ly
[02].
Bấy giờ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la và Trường Tác [03] vì có những việc cần làm nên cùng đi đến một thị trấn tên gọi là Thành [04]
. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, đến một khu vườn nơi ấy, nhìn thấy
những gốc cây vắng vẻ, không tiếng động, xa lánh, không có sự dữ, không
có bóng người, thích hợp cho sự tĩnh tọa. Sau khi nhìn thấy như vậy,
nghĩ nhớ Đức Thế Tôn, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói rằng:
“Này Trường Tác, ở đây, những gốc cây này vắng vẻ, không có tiếng
động, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, thích hợp cho sự
tĩnh tọa. Tại chỗ này ta đã nhiều lần đến thăm viếng Đức Thế Tôn. Này
Trường Tác, Đức Thế Tôn hiện giờ đang ở đâu? Ta muốn đến thăm.”
Trường Tác trả lời:
“Tôi nghe nói Đức Thích Tôn đang du hóa giữa những người họ Thích, trú trong một đô ấp của Thích gia, tên gọi là Di-lũ-ly.”
Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la lại hỏi:
“Này Trường Tác, Di-lũ-ly, đô ấp của Thích gia cách đây bao xa?”
“Trường Tác đáp:
“Tâu Thiên vương, cách đây ba cu-lô-xá [05].”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói:
“Này Trường Tác, ngươi hãy ra lệnh cho sửa soạn xa giá. Ta muốn đến chỗ Thế Tôn.”
Trường Tác vâng lời cho sửa soạn xa giá, rồi tâu rằng:
“Tâu Thiên vương, xa giá đã sửa soạn xong, xin vâng ý Thiên vương.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn lên xe, dong khỏi thành ngoài đi đến Di-lũ-ly, đô ấp của Thích gia.
Bấy giờ, ngoài cổng Di-lũ-ly, một số đông các Tỳ-kheo đang đi
kinh hành trên một khoảng đất trống. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đến
nơi các Tỳ-kheo hỏi rằng:
“Thưa các Tôn giả, Đức Thế Tôn hiện đang nghỉ mát ban ngày ở đâu?”
Các Tỳ-kheo trả lời rằng:
“Đại vương, ngôi nhà lớn hướng Đông kia, với cửa sổ mở và cửa lớn
đóng ấy, Đức Thế Tôn hiện đang nghỉ mát ban ngày tại đó. Đại vương nếu
muốn đến thăm, có thể đi đến nơi đó, đến nơi hãy đứng bên ngoài, rồi
tằng hắng và gõ cửa. Đức Thế Tôn nghe tất sẽ mở cửa.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn xuống xe.
Khi một vị Sát-lợi Đảnh Sanh xuất hiện để cai trị nhân dân, và
ban hành giáo lệnh cho cõi đất, thì có năm nghi trượng. Đó là kiếm,
lọng, tràng hoa, phất cán ngọc và giày thêu. Vua cởi bỏ tất cả trao cho
Trường Tác. Trường Tác nghĩ rằng:
“Thiên vương nay tất chỉ đi vào một mình. Chúng ta nên đứng ở đây mà đợi vậy.”
Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la với đám tùy tùng vây quanh bước
tới ngôi nhà hướng Đông kia. Đến nơi, vua đứng ngoài tằng hắng và gõ
cửa. Đức Thế Tôn nghe rồi, bèn ra mở cửa. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la
đi vào trong nhà đến trước Đức Phật cúi đầu lễ sát chân, rồi ba lần tự
xưng tên họ.
“Con là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, con là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la!”
Đức Thế Tôn đáp:
“Như vậy, Đại vương, ngài là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la. Ngài là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la!”
Sau ba lần tự xưng tên họ, vua Ba-tư-nặc đảnh lễ dưới chân Phật và lui ngồi một bên. Đức Thế Tôn hỏi:
“Đại vương, Đại vương thấy Ta có những nghĩa lợi nào mà tự hạ mình đảnh lễ dưới chân và cúng dường cung kính như vậy?”
Vua Ba-tư-nặc thưa:
“Bạch Thế Tôn, con có sự loại suy về pháp[06]đối
với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước,
Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn
thật khéo thú hướng [07].’
“Bạch Thế Tôn, khi con ngồi trên đô tọa [08],
con nhìn thấy mẹ tranh chấp với con, con tranh chấp với mẹ; cha tranh
chấp với con, con tranh chấp với cha; cho đến anh em, chị em, thân bằng
quyến thuộc tranh chấp lẫn nhau. Trong khi tranh chấp, mẹ nói con xấu,
con nói mẹ xấu, cha con, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc nói xấu
lẫn nhau. Người thân thích trong nhà còn như thế, huống nữa là người
ngoài. Còn ở đây, con thấy chúng Tỳ-kheo, đệ tử của Thế Tôn theo Thế Tôn
tu hành phạm hạnh. Hoặc nếu có Tỳ-kheo nào gây ra ít nhiều tranh chấp,
xả giới bỏ đạo cũng không nói xấu Phật, không nói xấu pháp, không nói
xấu chúng Tăng, mà chỉ tự chê trách rằng, ‘Tôi xấu xa, thiếu đức hạnh.
Tại sao như vậy? Vì tôi không thể theo Thế Tôn trọn đời tu
hành phạm hạnh’. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn.
Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh
Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo
thú hướng’.
“Bạch Thế Tôn, lại nữa, con thấy một Sa-môn Phạm chí khác đã ít
nhiều học hành phạm hạnh, hoặc chín tháng, hoặc mười tháng, nhưng lại xả
bỏ để theo sắc phục trước kia, rồi lại bị nhiễm ô bởi dục vọng, nhiễm
dục, dính trước dục, bị dục trói chặt, kiêu ngạo, chấp thủ, thâm nhập,
sống hoan lạc trong sự hành dục mà không thấy tai họa, không thấy xuất
yếu. Bạch Thế Tôn, con thấy ở đây chúng Tỳ-kheo đệ tử của Thế Tôn tự
nguyện trọn đời tu tập phạm hạnh, cho đến ức số. Ngoài đây ra con không
thấy ở đâu có phạm hạnh thanh tịnh như vậy, như mái nhà của Thế Tôn. Đó
là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng,
‘Pháp của Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật
là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí thân thể gầy còm tiều tụy, tướng mạo xấu xí, thân nổi vẩy trắng [09]
không ai muốn nhìn. Con tự nghĩ rằng, ‘Các Tôn giả này vì sao thân thể
lại gầy còm, tiều tụy, tướng mạo xấu xí, thân nổi vẩy trắng, không ai
muốn nhìn. Các Tôn giả này ắt không tu phạm hạnh, hoặc vì bệnh hoạn hay
lén lút làm việc xấu xa, cho nên các Tôn giả này thân hình gầy còm, tiều
tụy, hình sắc xấu xa, mình nổi vẩy trắng không ai muốn nhìn’. Con đến
hỏi họ, ‘Các Tôn giả vì sao thân hình tiều tụy gầy còm, tướng mạo xấu
xí, mình nổi vẩy trắng, không ai muốn nhìn? Có phải các Tôn giả không
thích tu hành phạm hạnh chăng? Hoặc vì bệnh hoạn hay lén lút làm việc
xấu xa, cho nên các Tôn giả thân thể gầy còm tiều tụy?’
Những vị ấy đáp, ‘Đại vương, đây là bệnh trắng! Đại vương, đây là
bệnh trắng [10]’.
“Bạch Thế Tôn, con thấy chúng Tỳ-kheo đệ tử của Thế Tôn, sống hân
hoan đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu [11]sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng [12],
tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Thấy vậy, con nghĩ rằng, ‘Các Tôn
giả này vì sao được hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi hình thể
tịnh, khiết, vô vi, vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai
rừng? Tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh? Các Tôn giả hoặc đã đạt đến ly
dục, hoặc chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trụ [13]chứng
đạt dễ dàng không khó. Cho nên các Tôn giả này mới được hân hoan, đoan
chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh, khiết, vô vi, vô cầu, sống đời
tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rằng, tự mình trọn đời tu hành phạm
hạnh. Nếu sống trong dục lạc mà được hân hoan, đoan chánh, thì chính ta
phải được đời sống hân hoan đoan chánh ấy. Vì sao? Vì ta hưởng thụ năm
thứ diệu dục, một cách dễ dàng không khó. Nhưng các Tôn giả này đạt đến
sự ly dục, chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trú thành
tựu dễ dàng không khó. Vì vậy cho nên các Tôn giả này sống hân hoan,
đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu, sống
đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng, tự mình trọn đời tu hành phạm
hạnh. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn, do đó con nghĩ
rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy
thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí thông minh
trí tuệ, tự xưng mình thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu
các kinh, chế phục cường dịch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp,
mọi người ai cũng đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá tông
chủ của người mà tự lập luận điểm của mình, và nói rằng, ‘Chúng ta hãy
đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, mà hỏi ông những điều như vầy, như vầy. Nếu ông
trả lời được như thế này, thì ta vặn hỏi thế kia. Nếu ông không trả lời
được thì ta cũng vặn hỏi rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ,
vị này liền tìm đến, nhưng khi gặp Phật thì lại chẳng dám hỏi lời nào
huống nữa là vấn nạn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn.
Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai Bậc Vô Sở Trước, Đẳng
Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn
thật là khéo thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí, thông minh
trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc làu
các kinh, chế phục cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp,
mọi người đều nghe biết, đi đến chỗ nào thảy đều đả phá tông chỉ người
khác mà tự lập luận điểm của mình. Và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đi đến chỗ
Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy như vầy. Nếu ông trả lời
được thế này, ta lại vặn hỏi ông cách kia. Nếu ông trả lời không được,
ta cũng vặn hỏi rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này
liền đến tìm hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe xong Sa-môn Phạm
chí này vui mừng hớn hở, cúi đầu lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng
rồi lui. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó,
con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác
giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú
hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí khác, thông
minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc
làu các kinh, chế phục cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng đồn
khắp, mọi người đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá chủ trương
tông chỉ của người mà tự lập luận điểm của mình và nói rằng, ‘Chúng ta
hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy, như vầy. Nếu
ông trả lời được như thế này, ta lại vặn hỏi ông cách khác. Nếu ông
không trả lời được, ta cũng vặn hỏi ông rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du
hóa tại làng nọ, vị này liền đến hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe
xong, Sa-môn Phạm chí này liền vui mừng phấn khởi, liền tự quy y Phật,
Pháp và Chúng Tỳ-kheo; được Thế Tôn thọ nhận làm Ưu-bà-tắc; trọn
đời quy y cho đến tận mạng. Đó là sự loại suy về pháp của con đối
với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước,
Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện; chúng đệ tử của Thế Tôn
thật là khéo thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn Phạm chí khác thông
minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn quyết định, thuộc
làu các kinh, chế phục được cường địch, đàm luận thông suốt, danh tiếng
đồn khắp mọi người đều nghe biết, đi đến nơi nào thảy đều đả phá chủ
trương tông chỉ của người mà lập luận điểm của mình mà nói rằng, ”Chúng
ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều như vầy, như vầy.
Nếu ông trả lời được như thế này, ta lại vặn hỏi ông cách kia. Nếu ông
trả lời không được, ta cũng vặn hỏi ông rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du
hóa tại làng nọ, vị này liền tìm đến hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng.
Nghe xong, Sa-môn Phạm chí này vui mừng phấn khởi bèn theo Thế Tôn cầu
xin xuất gia thọ giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo. Thế Tôn bèn độ cho
và truyền trao giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo. Khi các Tôn giả ấy
xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, đắc pháp Tỳ-kheo rồi, sống cô độc một
nơi xa vắng, tâm không buông lung, tinh cần tu tập. Vị ấy sau khi sống
cô độc tại một nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tinh cần tu tập, đạt
đến mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín,
lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, là duy chỉ để
thành tựu vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự
giác, tự thân chứng ngộ an trú, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã
dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh
nữa’. Khi các Tôn giả ấy biết pháp rồi, cho đến chứng đắc A-la-hán;
chứng đắc A-la-hán rồi, bèn nói rằng, ‘Này chư Hiền, trước kia tôi gần
bị suy
vong gần bị hủy diệt. Vì sao vậy? Trước kia tôi không phải là Sa-môn
tự xưng là Sa-môn; không phải phạm hạnh tự xưng phạm hạnh, không phải
A-la-hán tự xưng A-la-hán. Bấy giờ chúng ta mới thực sự là Sa-môn, thực
sự là phạm hạnh, thực sự là A-la-hán’. Đó là sự loại suy về pháp của con
đối với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế
Tôn thật là khéo thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con tự do trong quốc thổ của mình, muốn
giết kẻ không lỗi lầm thì ra lệnh giết, muốn giết kẻ có lỗi lầm ra lệnh
giết; nhưng khi con ngồi trên đô tọa, con vẫn không được tự do mà nói
như vầy, ‘Các khanh hãy giữ im. Không ai hỏi việc nơi các khanh, mà
chính là hỏi việc nơi ta. Các khanh không thể quyết đoán việc này, chỉ
có ta mới có thể quyết đoán việc này’. Nhưng ở trong đó vẫn có người bàn
cãi việc khác, không đợi người trước nói xong. Con đã nhiều lần thấy
Thế Tôn thuyết pháp với đại chúng vây quanh. Bấy giờ có một người ngủ
gật mà ngáy, thấy gây tiếng động, một người khác bèn nói rằng, ‘Ngài chớ
có ngáy gây tiếng động. Ngài không muốn nghe pháp được Thế Tôn nói như
cam lồ chăng?’ Người ấy nghe rồi tức thì im lặng. Con nghĩ rằng, ‘Như
Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, là Bậc Điều Ngự đại chúng.
Thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay! Vì sao vậy? Vì Ngài không cần dùng
dao, dùng gậy, nhưng tất cả đều đúng như pháp mà được an ổn khoái lạc’.
Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng,
‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng dạy thật là
toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu
[14]
được con ban phát tiền tài, và con thường khen ngợi họ; đời sống họ do
nơi con. Nhưng con không thể khiến cho hai vị thần tá này hạ ý cung
kính, cúng dường, phụng sự con như họ hạ ý cung kính tôn trọng cúng
dường phụng sự Thế Tôn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế
Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng
Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là
khéo thú hướng.’
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, thuở xưa trong lúc xuất chinh, ngủ đêm
trong một ngôi nhà nhỏ, con muốn thử hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu
khi ngủ quay đầu về phía nào, quay về phía con hay quay về phía Thế Tôn
ở. Rồi hai vị thần tá Tiên Dư và Túc Cựu, vào lúc đầu hôm, ngồi kiết
già im lặng tĩnh tọa. Đến nửa hôm nọ nằm ngủ, đầu hướng về phía mà họ
biết Thế Tôn đang ở, còn chân thì quay về phía con. Thấy thế con suy
nghĩ, ‘Hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu này không quan tâm đến sự thù
thắng trước mắt, cho nên họ không hạ ý cung kính tôn trọng cúng dường
phụng sự ta như hạ ý cung kính tôn trọng, cúng dường phụng sự Thế Tôn’.
Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng,
‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng dạy thật
là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con là quốc vương, Thế Tôn cũng là Pháp
vương. Con thuộc dòng Sát-lợi, Thế Tôn cũng thuộc dòng Sát-lợi. Con là
người nước Câu-tát-la, Thế Tôn cũng người nước Câu-tát-la. Con đã tám
mươi tuổi, Thế Tôn cũng tám mươi tuổi. Con có thể trọn đời hạ ý cung
kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự Thế Tôn.
“Bạch Thế Tôn, hôm nay có nhiều công việc, con xin phép lui về.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Đại vương, mong Đại vương tự biết đúng thời.”
Rồi thì Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, sau khi nghe những lời
Phật dạy, khéo léo ghi nhớ, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ
dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra về.
Lúc đó ngài A-nan cầm quạt đứng hầu sau Phật. Thế Tôn bảo:
“A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào đang sống ở rừng Di-lũ-ly này, hãy tập họp tất cả về giảng đường.”
Rồi thì, Tôn giả A-nan sau khi vâng lời Phật dạy, tập họp tất cả
Tỳ-kheo đang sống trong rừng Di-lũ-ly tất cả cùng vào giảng đường. Rồi
trở lại bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, những Tỳ-kheo tại rừng Di-lũ-ly này, tất cả đều đã tụ tập tại giảng đường này rồi, mong Thế Tôn tự biết thời.”
Bấy giờ Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đi đến giảng đường. Đến nơi Ngài trải chỗ ngồi trước đại chúng và nói:
“Này các Tỳ-kheo, hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đã đứng trước Ta nói kinh ‘Pháp Trang Nghiêm’ [15]
xong, liền đứng dậy cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ta, nhiễu quanh ba vòng
rồi lui về. Này các Tỳ-kheo, các ngươi nên thọ trì kinh Pháp Trang
Nghiêm đó, hãy khéo léo tụng đọc. Vì sao vậy? Này các Tỳ-kheo, vì kinh
Pháp Trang Nghiêm này là như pháp, là như nghĩa, là căn bản của phạm
hạnh, dẫn đến trí tuệ, dẫn đến giác ngộ, dẫn đến Niết-bàn. Nếu một thiện
nam tử đã chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học
đạo, hãy nên thọ trì, hãy khéo léo tụng tập kinh Pháp Trang Nghiêm này.”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, M.89. Dhammacetiya-suttaṃ.
- [02] Di-lũ-ly 彌 婁 離. Pāli: Medaḷumpa.
- [03] Trường Tác 長 作. Pāli: Dīghakāryāṇa, viên đại tướng tổng chỉ huy của vua Pasenadi.
- [04] Ấp danh thành 邑 名 成. Pāli: Naṅgaraka.
- [05]
Câu-lũ-xá 拘 婁 舍, hay câu-lô-xá, số đo dài năm trăm cung, hay khoảng
cách tiếng rống của một con bò. Bản Pāli: ba yojana, do-tuần.
- [06]
Pháp tĩnh 法 靖 (bản Tống: 靜); Pāli: Dhammanvaya, tổng tướng của pháp,
loại cú của pháp, mục đích thứ tự của pháp. Đây chỉ sự suy diễn dựa trên
những chứng nghiệm thực tế.
- [07] Pāli:
svākkhato bhagavato dhammo suppaṭipanno sāvakasaṅgho, Pháp được Thế Tôn
khéo thuyết, Tăng đệ tử của Thế Tôn khéo thực hành.
- [08] Đô tọa 都 坐. Pāli: atthakaraṇa, công đường, pháp đình, chỗ xử kiện.
- [09] Bạch pháo 白 皰.
- [10] Bạch bệnh 白 病. Pāli: bandhukarogo, bệnh truyền nhiễm, (bệnh hoàng đản hay hoàng đậu?).
- [11] Vô vi vô cầu 無 為 無 求. Pāli: appossukka pannaloma, thoải mái vô tư.
- [12] Hộ tha thế, thực như lộc: paradavutte migabhūtena (...) sống do sự hỗ trợ của người khác, (...) như loài nai.
- [13] Tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trụ: chỉ cho sự chứng đắc bốn tĩnh lự.
- [14] Tiên Dư, Túc Cựu 仙 餘 宿 舊. Pāli: Isidatta, Purāṇa.
- [15]
Pháp trang nghiêm 法 莊 嚴. Pāli: dhammacetiya, linh miếu Pháp, tháp thờ phụng Chánh pháp.
-ooOoo-
214. KINH BỆ-HA-ĐỀ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tôn giả A-nan trú tại Xá-vệ, có chút việc tại Đông viên
Lộc mẫu giảng đường. Lúc đó Tôn giả A-nan dẫn một thầy Tỳ-kheo ra khỏi
Xá-vệ
[02] , đến Đông viên Lộc mẫu giảng đường. Công việc xong, Tôn giả dẫn thầy Tỳ-kheo trở về vườn Cấp cô độc, trong rừng Thắng.
Khi ấy Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cỡi trên con voi Nhất-bôn-đà-lị [03] cùng với Đại thần Thi-lị-a-trà [04]
từ thành Xá-vệ đi ra. Tôn giả A-nan khi ấy nhìn thấy Ba-tư-nặc vua nước
Câu-tát-la từ xa đi đến, bèn hỏi vị Tỳ-kheo đồng hành rằng:
“Có phải là Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la ấy không?”
Vị Tỳ-kheo đáp:
“Đúng vậy.”
Tôn giả A-nan liền tẻ xuống đường, lánh vào một gốc cây. Vua Ba-tư-nặc từ xa nhìn thấy Tôn giả A-nan nơi gốc cây bèn hỏi:
“Này Thi-lị-a-trà, có phải là Sa-môn A-nan ấy không?”
Thi-lị-a-trà đáp:
“Đúng vậy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bảo Đại thần Thi-lị-a-trà:
“Khanh hãy giục voi đến chỗ Sa-môn A-nan.”
Thi-lị-a-trà vâng lệnh bèn giục voi đến chỗ A-nan.
Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la vui mừng hỏi:
“A-nan, từ đâu đến đây và muốn đi đâu bây giờ?”
“Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, tôi từ Đông viên Lộc mẫu giảng đường đến và muốn trở về vườn Cấp cô độc, trong rừng Thắng.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói:
“A-nan, nếu tại Thắng lâm không có việc gì gấp, xin Ngài từ mẫn đi cùng tôi đến sông A-di-la-bà-đề [05].
Tôn giả A-nan nhận lời Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la. Nhà vua để
Tôn giả A-nan đi trước, rồi cùng đến sông A-di-la-bà-đề. Đến nơi, vua
bước xuống, lấy yên voi gấp làm tư, trải lên đất và mời Tôn giả A-nan:
“Xin mời ngồi trên chỗ này!”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thôi được rồi, Đại vương, trong lòng thỏa mãn là đủ.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại ba lần mời Tôn giả A-nan:
“A-nan, xin mời ngồi lên chỗ này.”
Tôn giả A-nan cũng đáp lại ba lần:
“Thôi được rồi, Đại vương, trong lòng thỏa mãn là đủ. Tôi đã có sẵn tọa cụ. Tôi sẽ ngồi nơi đây.”
Nói xong Tôn giả A-nan trải tọa cụ và ngồi kiết già.
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la chào hỏi A-nan rồi ngồi xuống một bên mà nói rằng:
“A-nan, tôi có điều muốn hỏi mong ngài cho phép.”
Tôn giả A-nan trả lời.
“Đại vương, ngài có điều gì cứ hỏi; tôi nghe sẽ suy nghĩ.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:
“A-nan, Đức Thế Tôn có hành những thân hành như vậy chăng? Tức là thân hành mà các Sa-môn, Phạm chí ghê tởm chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, Như Lai không có những thân hành như vậy tức là thân
hành mà các Sa-môn Phạm chí, những người thông minh trí tuệ và hàng thế
gian khác ghê tởm.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! A-nan, điều mà tôi không đủ khả năng để
nói, kể cả những người thông minh trí tuệ, và những hàng thế gian khác,
thì A-nan đủ khả năng. Này A-nan, nếu ai không nhận định kỹ mà đã chê
bai hay khen ngợi thì tôi không coi đó là chơn thật. Này A-nan, Đức Thế
Tôn có những thân hành như vầy, những thân hành mà các Sa-môn Phạm chí
những người thông minh trí tuệ và những hàng thế gian khác ghê tởm
chăng?”
Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, Như Lai không bao giờ hành những thân hành như vậy,
tức những thân hành mà các Sa-môn Phạm chí những người thông minh trí
tuệ và những hàng thế gian khác ghê tởm.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành?”
[06]
A-nan đáp:
“Đại vương, đó là những thân hành bất thiện.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi.
“Thế nào là thân hành bất thiện?”
A-nan đáp:
“Đó là những thân hành có tội.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành có tội?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, đó là những thân hành bị người trí ghê tởm [07].”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành bị người trí ghê tởm?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, đó là những thân hành hại mình, hại người, hại cả
hai, diệt trí tuệ, hỗ trợ sự ác, không chứng đắc Niết-bàn, không dẫn đến
trí, không dẫn đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Người ấy đối với pháp
nên hành, không biết như thật, đối với pháp không nên hành cũng không
biết như thật. Khi đối với pháp nên hành không biết như thật, và pháp
không nên hành cũng không biết như thật rồi, đối với pháp nên chấp thủ
không biết như thật, và đối với pháp không nên chấp thủ cũng không biết
như thật. Sau khi đối với pháp nên thủ đã không biết như thật, và đối
với pháp không nên thủ cũng không biết như thật rồi, đối với pháp nên
đoạn trừ không biết như thật, và đối với pháp không nên đoạn trừ cũng
không biết như thật. Sau khi đối với pháp nên đoạn trừ đã không biết như
thật, và đối với pháp không nên đoạn trừ cũng không biết như thật;
thì đối với pháp nên thành tựu không biết như thật và đối với pháp không
nên thành tựu cũng không biết như thật. Sau khi đối với pháp nên thành
tựu đã không biết như thật và pháp không nên thành tựu cũng không biết
như thật rồi, do đó, pháp nên hành trì thì không hành, pháp không nên
hành trì lại hành. Sau khi pháp nên hành trì thì không hành, pháp không
nên hành trì lại hành rồi, đối với pháp nên thủ thì không thủ và pháp
không nên thủ lại thủ. Sau khi đối với pháp nên thủ thì không thủ, đối
với pháp không nên thủ lại thủ rồi, đối với pháp nên đoạn trừ thì không
đoạn trừ, đối với pháp không nên đoạn trừ lại đoạn trừ. Sau khi đối với
pháp nên đoạn trừ thì không đoạn trừ, và đối với pháp không nên
đoạn trừ lại đoạn trừ rồi, đối với pháp nên thành tựu thì không
thành tựu, và đối với pháp không nên thành tựu lại thành tựu. Sau khi
pháp nên thành tựu thì không thành tựu, và pháp không nên thành tựu lại
thành tựu rồi thì pháp bất thiện càng tăng và pháp thiện càng giảm. Vì
vậy, Như Lai không bao giờ hành những pháp ấy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, tại sao Như Lai không bao giờ hành những pháp ấy?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, ly dục và dục đã diệt tận, ly nhuế và nhuế đã diệt
tận, ly si và si đã diệt tận, Như Lai đoạn trừ tất cả pháp bất thiện,
thành tựu tất cả pháp thiện. Đây là Bậc Thầy khuyến giáo, Bậc Thầy vi
diệu, Bậc Thầy khéo tùy thuận, là Vị dẫn dắt điều ngự, tùy thuận điều
ngự, là Vị nói năng toàn thiện, nói năng vi diệu, nói năng khéo tùy
thuận. Cho nên Như Lai trọn không bao giờ hành những pháp bất thiện ấy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! A-nan, Như Lai không bao giờ hành những
pháp không nên hành. Vì sao vậy? Vì Như Lai là Bậc Vô Sở Trước, Chánh
Đẳng Giác. A-nan, ngài là đệ tử của vị Đạo sư ấy, học đạo để chứng đắc
Niết-bàn an ổn vô thượng, mà còn không hành pháp ấy, huống nữa Đức Như
Lai lại hành các pháp ấy sao?”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, Như Lai có hành những thân hành như vầy, tức là thân hành
mà các Sa-môn Phạm chí, những người thông trí tuệ và các hàng thế gian
khác không ghê tởm chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, Như Lai tất nhiên hành những thân hành như vậy, tức
thân hành các Sa-môn Phạm chí, những người thông minh trí tuệ và các
hàng thế gian khác không ghê tởm.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thân hành đó là như thế nào?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đại vương, đó là những thân hành thiện.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành thiện?”
Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, đó là thân hành không có tội.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành không có tội?”
Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, đó là thân hành mà kẻ trí không ghê tởm.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, thế nào là thân hành mà kẻ trí không ghê tởm?”
Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, đó là những thân hành không hại mình, không hại
người, không hại cả hai, có giác, có tuệ, không hỗ trợ bởi sự ác, chứng
đắc Niết-bàn, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn. Đối với
pháp nên hành thì biết như thật, đối với pháp không nên hành cũng biết
như thật. Sau khi đối với pháp nên hành đã biết như thật, đối với pháp
không nên hành cũng biết như thật rồi, đối với pháp nên thủ biết như
thật, đối với pháp không nên thủ cũng biết như thật. Sau khi đối với
pháp nên thủ đã biết như thật, và đối với pháp không nên thủ cũng biết
như thật rồi, đối với pháp nên đoạn trừ biết như thật, và pháp không nên
đoạn trừ biết như thật. Sau khi đối với pháp đã biết như thật và pháp
không nên đoạn trừ đã biết như thật rồi, đối với pháp nên thành tựu biết
như
thật và pháp không nên thành tựu cũng biết như thật. Sau khi đối với
pháp nên thành tựu đã biết như thật và pháp không nên thành tựu cũng
biết như thật rồi, đối với pháp nên hành thì hành, đối với pháp không
nên hành thì không hành. Sau khi đối với pháp nên hành thì hành, đối với
pháp không nên hành thì không hành rồi, đối với pháp nên thủ thì thủ,
đối với pháp không nên thủ thì không thủ. Sau khi đối với pháp nên thủ
thì thủ, đối với pháp không nên thủ thì không thủ rồi, đối với pháp nên
đoạn trừ thì đoạn trừ đối với pháp nên đoạn trừ thì không đoạn trừ. Sau
khi biết pháp nên đoạn trừ thì đoạn trừ, và pháp không nên đoạn trừ thì
không đoạn trừ rồi, đối với pháp nên thành tựu thì thành tựu và đối với
pháp không nên thành tựu thì không thành tựu. Sau khi đối với pháp
nên thành tựu thì thành tựu, pháp không nên thành tựu thì không
thành tựu rồi, pháp bất thiện càng giảm, pháp thiện càng tăng trưởng.
Cho nên Như Lai tất nhiên hành những pháp ấy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại hỏi:
“A-nan, tại sao Như Lai tất nhiên hành những pháp ấy?”
Tôn giả A-nan trả lời:
“Đại vương, ly dục và dục đã diệt tận, ly nhuế và nhuế đã diệt
tận, ly si và si đã diệt tận, Như Lai đã thành tựu tất cả pháp thiện, và
đoạn trừ tất cả pháp bất thiện. Ngài là Bậc Thầy khuyến giáo, Bậc Thầy
vi diệu, Bậc Thầy khéo tùy thuận, là Vị hướng dẫn điều ngự và tùy thuận
điều ngự, là Vị nói năng toàn thiện, nói năng vi diệu, nói năng khéo tùy
thuận, cho nên Như Lai tất nhiên hành những pháp ấy.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la khen ngợi:
“Hay thay, hay thay, A-nan, Như Lai tất nhiên hành những pháp nên
hành. Vì sao vậy? Vì Như Lai là Bậc Vô Sở Trước, là Bậc Đẳng Chánh
Giác. Này A-nan, Ngài là bậc đệ tử của Đức Đạo Sư ấy, học đạo để chứng
đắc Niết-bàn an ổn vô thường, mà còn phải hành những pháp ấy, huống nữa
Như Lai lại không hành những pháp ấy sao? A-nan nói thật khéo léo khiến
tôi hoan hỷ. Nếu A-nan được phép thâu nhận thuế tô trong làng, tôi sẽ vì
pháp mà bố thí thuế tô đó. Nếu A-nan được phép tùy thuận nhận voi,
ngựa, trâu, dê, tôi sẽ vì pháp mà bố thí voi, ngựa, trâu, dê đó. Nếu
A-nan được phép thâu nhận đàn bà con gái, tôi sẽ vì pháp mà bố thí vợ,
đàn bà, con gái. Nếu A-nan được phép thâu nhận vàng bạc châu báu [08],
tôi sẽ vì pháp mà bố thí vàng bạc và châu báu.
Nhưng A-nan không được phép thâu nhận vàng bạc và châu báu như thế.
Vương gia Câu-tát-la của tôi có một chiếc áo tên là bệ-ha-đề [09] rất tốt, tôi đặt nó trong ống cán dù, được gởi đến để làm tin [10]. Trong các loại áo kiếp-bối [11]của
vương gia Câu-tát-la, áo này là bậc nhất trong tất cả. Vì sao vậy? Áo
bệ-ha-đề dài mười sáu khủy tay. Tôi nay vì Pháp đem chiếc áo này bố thí
A-nan. A-nan sẽ dùng nó mà may thành ba y để vương gia Câu-tát-la ấy
được mãi mãi tăng ích phước lành.”
Tôn giả A-nan đáp:
“Thôi đủ rồi Đại vương? Trong tâm thỏa mãn là đủ. Tôi đã có đủ ba y rồi.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại thưa:
“A-nan, xin nghe tôi nói một ví dụ, người có trí tuệ nghe ví dụ
sẽ thấu rõ ý nghĩa. Ví như sau trận mưa lớn, nước đầy cả sông
A-di-la-bà-đề này, ngập cả hai bên bờ và chảy tràn ra cả ngoài. A-nan có
thấy vậy không?”
Tôn giả A-nan đáp: Đại vương, tôi có thấy.
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại thưa rằng:
“Cũng thế, này A-nan, nếu có ba y thì hãy đem cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, các vị tiệm học, xá-la, xá-la-ma-ni-ly
[12]. Còn A-nan đem bệ-ha-đề này làm thành ba y để vương gia Câu-tát-la được tăng ích phước lành.”
Tôn giả A-nan im lặng nhận lời. Khi biết A-nan nhận rồi,
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sau khi theo pháp bố thí chiếc y bệ-ha-đề
cho Tôn giả A-nan rồi, liền từ chỗ đứng dậy nhiễu quanh ba vòng rồi lui
về. Sau khi vua đi không bao lâu, Tôn giả A-nan bèn đem chiếc y bệ-ha-đề
đến trước Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi lui đứng một bên mà thưa
rằng:
“Bạch Thế Tôn, hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la vì pháp mà
bố thí chiếc y bệ-ha-đề này, vậy con xin Thế Tôn đặt chân lên trên chiếc
y này để vương gia nước Câu-tát-la được tăng ích phước lành.”
Khi ấy Đức Thế Tôn bèn dẫm hai chân lên y bệ-ha-đề rồi bảo:
“A-nan, nếu ông đã bàn luận những gì cùng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hãy kể lại cho Ta nghe.”
Khi ấy Tôn giả A-nan bèn kể lại hết những điều đã luận bàn cùng vua nước Câu-tát-la cho Thế Tôn nghe rồi chắp tay thưa:
“Con nói như vậy không xuyên tạc Thế Tôn chăng? Con nói đúng sự
thật, nói đúng như pháp, nói đúng pháp như pháp, đối với pháp như pháp
không có điều gì sai lầm chăng?”
Đức Thế Tôn bảo:
“Ông nói như vậy là không xuyên tạc Ta, là nói sự thật, là nói
đúng pháp, nói đúng như pháp, đối với pháp như pháp, không có điều gì
sai lầm. Này A-nan, nếu Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi Ta bằng nghĩa
này, với câu này, với văn này, Ta cũng trả lời bằng nghĩa này, với câu
này, với văn này mà trả lời cho nhà vua.”
“A-nan, nghĩa ấy đúng như lời ông đã nói, ông nên theo đúng như
vậy mà thọ trì. Vì sao vậy? Vì nói như vậy chính là nghĩa như vậy.”
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, M.88. Bāhitika-suttaṃ.
- [02] Tùng Xá-vệ xuất. Nói là ra khỏi, vì Đông viên (Pubbārāma) ở nên ngoài cửa đông của thành Xá-vệ.
- [03] Nhất-bôn-đà-lị
一 奔 陀 利. Pāli: Ekapuṇdarīka, (Nhất bạch Liên hoa), được gọi như
vậy, vì hai bên hông nó có những đốm trắng hình hoa sen trắng.
- [04] Thi-lị-a-trà 尸 利 阿 茶. Pāli: Sirivaddha.
- [05] A-di-la-bà-đề (Pāli: aciravatī), từ trên lầu của vua Pasenadi có thể nhìn thấy con sông này.
- [06] Thân hành: kāyasamācāra, hành vi của thân. Bản Pàli, câu hỏi nói: ”Thân hành đáng bị khiển trách ấy là gì?”
- [07] Bản Pāli: những thân hành có hại (savyāpajjha).
- [08] Hán: sanh sắc bảo 生 色 寶. Pāli: jātarūpa.
- [09]
Bệ-ha-đề 鞞 訶 提; ”dịch là chủng chủng thê, cũng nói là lụa”. (Phiên Phạn
Ngữ 10, No.2130, Đại 54 tr.1051b). Pāli: bāhitikā, áo choàng, áo khoác
ngoài.
- [10] Bản Pāli nói, cuộn vải do vua Ajātasattu gởi tặng. Văn bản Hán có thể sót, vì câu nói không đủ nghĩa.
- [11] Kiếp-bối, xem cth.15, Kinh 61.
- [12]
Tiệm học, xá-la, xá-la-ma-ni-ly 漸 學,
舍 羅, 舍 羅 摩 尼 離, có lẽ phổ thông nói là Thức-xoa-ma-na, Sa-di và
Sa-di-ni. Bản Pāli nói: sabrahmacārīhi saṃbhajissati, được phân chia cho
các vị đồng phạm hạnh.
-ooOoo-
215. KINH ĐỆ NHẤT ĐẮC[01]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Trong cảnh giới nào giáo lệnh của Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la
có thể ban hành đến, trong đó Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la là đệ nhất.
Tuy vậy, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cũng lệ thuộc sự biến dịch, thay
đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy ắt phải sanh ra nhàm tởm cái đệ
nhất ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không ham muốn, huống
nữa là cái hạ tiện.
“Những cảnh giới mà ánh sáng của mặt trời, mặt trăng chiếu đến, những phương được chiếu đến, tức Thế giới ngàn [02]. Trong Thế giới ngàn này, có một ngàn mặt trời, một ngàn mặt trăng, một ngàn châu Phất-vu-đãi [03], một ngàn châu Diêm-phù
[04], một ngàn châu Câu-đà-ni [05], một ngàn châu Uất-đơn-việt
[06], một ngàn Tu di sơn [07], một ngàn Tứ đại vương thiên[08], một ngàn Tứ thiên vương tử
[09], một ngàn Tam thập tam thiên [10], một ngàn Thích Thiên Nhân-đà-la [11], một ngàn Diệm-ma thiên [12] , một ngàn Tu-diệm-ma thiên tử [13], một ngàn Đâu-suất-đà thiên[14], một ngàn Đâu-suất-đà thiên tử, một ngàn Hóa lạc thiên [15], một ngàn Thiện hóa lạc thiên tử [16], một ngàn Tha hóa lạc thiên
[17], một ngàn Tự tại thiên tử [18], một ngàn Phạm thế giới
[19]
, và một ngàn Biệt phạm. Trong đó có Phạm Đại Phạm, là đấng Phú hựu, là
Tạo hóa tôn, là tổ phụ các loài chúng sanh, đã sanh và sẽ sanh [20]
. Nhưng Đại Phạm ấy cũng là lệ thuộc biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi.
Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải nhàm tởm cái đệ nhất ấy.
Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất không ham muốn huống là cái hạ tiện.
“Một thời gian sau, khi thế giới này hủy diệt. Khi thế giới này hủy diệt, chúng sanh lên cõi trời Hoảng dục
[21] . Trong ấy chỉ có sắc nương theo ý mà sanh[22 ], các chi thể đầy đủ không thiếu, các căn không bị hư hoại, nuôi sống bằng hỷ thực
[23],
hình sắc thanh tịnh, thân chiếu sáng, phi hành trong hư không, sống ở
đó một thời gian lâu dài. Nhưng cõi trời Hoảng dục cũng lệ thuộc biến
dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải
sanh ra nhàm tởm sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không
muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
“Lại nữa, có bốn sự tưởng
[24] . Tỳ-kheo suy tưởng về tưởng nhỏ, tưởng lớn, về tưởng vô lượng và tưởng vô sở hữu. Chúng sanh đó thắng ý nơi lạc tưởng như vậy [25]
cũng lệ thuộc vào sự biến dịch, lệ thuộc vào thay đổi. Đa văn Thánh đệ
tử quán sát như đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
“Lại có tám trừ xứ [26]
. Thế nào là tám? Tỳ-kheo bên trong có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc
lượng nhỏ hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc ấy đã thắng tri,
đã thắng kiến
[27], tưởng như vậy được gọi là đệ nhất thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong có sắc tưởng, bên ngoài có quán sắc
vô lượng, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc ấy đã thắng tri,
đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ nhị thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán
sắc lượng nhỏ, hoặc sắc đẹp hoặc sắc xấu. Đối với các sắc ấy đã thắng
tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ tam thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán sắc
vô lượng, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu. Đối với các sắc ấy đã thắng tri,
đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ tứ thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán sắc hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng như hoa thanh thủy [28]
xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng như áo bằng lụa Ba-la-nại được
giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi
mát, hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng xanh. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong
không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc hoặc xanh, màu xanh, ánh sáng
xanh. Vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với
các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ
ngũ thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các
sắc, hoặc vàng, màu vàng, ánh sáng vàng. Cũng như hoa tần-đầu-ca-la [29]
vàng, màu vàng, ánh sáng. Cũng như chiếc áo bằng thứ lụa Ba-la-nại được
giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng tươi
mắt, vàng, màu vàng, ánh sáng vàng. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không
sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc vàng, màu vàng, ánh sáng vàng;
vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với các
sắc ấy đã thắng tri đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ lục
thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các
sắc hoặc đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ. Cũng như hoa Ca-ni-ca-la (28) màu đỏ,
đỏ hiển, đỏ hiện, đỏ quang. Cũng như chiếc áo bằng thứ lụa Ba-la-nại
được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng
tươi mát, đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không sắc
tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc đỏ, màu đỏ, ánh sáng đỏ, vô lượng,
vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm. Đối với các sắc ấy đã
thắng tri, đã thắng kiến. Tưởng như vậy được gọi là đệ thất thắng xứ.
“Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không sắc tưởng, bên ngoài quán các
sắc, hoặc trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng như sao Thái bạch màu
trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng như chiếc áo bằng lụa Ba-la-nại,
được giặt, được vỗ, được nhồi, được vò kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng
tươi mát, trắng, màu trắng, ánh sáng trắng. Cũng vậy Tỳ-kheo bên trong
không sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, trắng, màu trắng, ánh sáng
trắng, vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc không ghê tởm. Đối với
các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến, tưởng như vậy được gọi là đệ
bát thắng xứ.
“Chúng sanh có thắng ý nơi lạc thắng xứ như vậy, cũng lệ thuộc
vào sự biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy ắt sanh nhàm tởm
sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là
cái hạ tiện.
“Lại nữa, có Mười biến xứ[30].
Thế nào là mười? Các Tỳ-kheo tu tập nơi một biến xứ đất, tư duy trên,
dưới, các phương là không hai, vô lượng. Tu tập nơi một biến xứ nước,
một biến xứ lửa, một biến xứ gió, một biến xứ xanh, một biến xứ vàng,
một biến xứ đỏ, một biến xứ trắng, một biến xứ hư không, một biến xứ
thức là thứ mười. Tu tập một biến xứ, tư duy trên, dưới, các phương là
không hai, vô lượng. Nhưng các chúng sanh có thắng ý nơi biến xứ lạc này
cũng lệ thuộc vào sự biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ
tử quán tưởng như vậy ắt sanh ra nhàm tởm sự ấy. Nhàm tởm rồi, đối với
cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
“Và đây là thuyết thanh tịnh đệ nhất, là sự thi thiết tối đệ nhất, tức là ‘Ta không có, ta không hiện hữu [31] ’ và để chứng đắc điều này mà thiết lập nơi đạo.
“Và đây là đệ nhất ngoại y kiến xứ, tối ý kiến xứ [32], tức là vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến chứng phi hữu tưởng, phi vô tưởng, thành tựu an trụ [33]
“Và đây là đệ nhất thú hướng, Niết-bàn ngày trong hiện tại, là thi thiết tối thượng về Niết-bàn ngay trong hiện tại [34] tức là sáu xúc xứ [35] với sự khởi tập, hoại diệt, vị ngọt, tai hoạn và xuất ly được thất như thật bằng tuệ.
“Lại nữa, có bốn đoạn
[36] Thế nào là bốn? Có sự đoạn mà lạc chậm [37],
có sự đoạn mà lạc nhanh, có sự đoạn mà khổ chậm, có sự đoạn mà khổ
nhanh. Trong đó sự đoạn mà lạc chậm là lạc đưa đến đoạn trừ chạâm chạp [38] cho nên nói là lạc kém. Trong đó, sự đoạn mà lạc nhanh, là lạc đưa đến đoạn trừ một cách mau chóng [39] Cho nên đoạn này cũng được nói là thấp kém.
“Trong đó, sự đoạn mà khổ chậm [40] là khổ đưa đến đoạn trừ một cách chậm chạp, cho nên đoạn này cũng được nói là thấp kém.
“Trong đó, sự đoạn mà khổ nhanh, là khổ đưa đến đoạn trừ một cách
mau chóng. Cho nên đoạn này không phải là sự tiến triển, không được lưu
bố. Cho đến chư Thiên và Nhân loại cũng không tán thán và phát triển.
“Sự đoạn [41] của ta được phát triển, được lưu bố cho đến chư Thiên và Nhân loại cũng tán thán và phát triển.
“Thế nào là sự đoạn của Ta được phát triển, được lưu bố cho đến
chư Thiên và Nhân loại cũng tán thán, lưu bố? Đó là Thánh đạo tám chi,
chánh kiến cho đến chánh định là tám.
“Ta như vậy [42]
Nhưng các Sa-môn, Phạm chí, hư ngụy, nói láo, bất thiện, không chân
thật, xuyên tạc, và hủy báng Ta rằng, ‘Quả thật có chúng sanh, nhưng lại
chủ trương sự đoạn hoại. Sa-môn Cù-đàm chủ trương hư vô [43]
’. Quả thật có chúng sanh mà chủ trương sự đoạn hoại, nếu không, Ta sẽ
không thuyết giảng như vậy. Như Lai ngay trong đời hiện tại đã vĩnh viễn
đoạn trừ tất cả mà chứng đắc Niết-bàn tịch tịnh, diệt tận [44]“
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli. A.10.29 Kosala.
- [02] Thiên thế giới 千 世 界. Pāli: sahassadhā-loka = sahassīlokadhātu.
- [03] Phất-vu-đãi
弗 于 逮, hay châu Đông thắng thân. Pāli: Pubbavideha.
- [04] Diêm-phù
châu 閻 浮 洲. Pāli: Jambudīpa.
- [05] Câu-đà-ni châu 拘 陀 尼 洲. Pāli: Godānīya. Hoặc nói: Aparagoyāna.
- [06] Uất-đan-việt châu 鬱 單 越 洲. Pāli: Uttarkuru.
- [07] Tu di sơn 須 彌 山 Pāli: Sinerupabbata.
- [08]
Thiên tứ Đại vương thiên 千 四 大 王 天. Có lẽ bản Hán chép nhầm, thay vì là
Tứ thiên Đại vương, tức bốn ngàn vua cai trị bốn ngàn nước lớn trong
loài người. Pāli: cattāri mahārājasahassāni, bốn ngàn vị Đại vương.
- [09] Tứ thiên vương tử 四 天 王 子. Pāli: Cātummahārājikā.
- [10] Tam thập tam thiên 三 十 三 天 hay Đao-lợi thiên. Pāli: Tāvatiṃsa.
- [11] Thích Thiên Nhân-đà-la 釋 天 因 陀 羅, tức Thiên Đế Thích. Pāli: Sakka devanam inda.
- [12] Diệm-ma thiên 焰 摩 天. Pāli: Yāma.
- [13] Bản Thánh không có. Bản Pāli cũng không có.
- [14] Đâu-suất-đa 兜 率 哆 天. Pāli: Tusita.
- [15] Hóa lạc thiên 化 樂 天. Pāli: Nimmānaratā.
- [16] Thiện hóa lạc thiên tử. Bản Pāli không kể.
- [17] Tha hóa lạc thiên 他 化 樂 天. Pāli: Paranimmitavasavattī.
- [18] Tự tại thiên tử 自 在 天 子. Bản Pāli không kể.
- [19] Phạm thế giới 梵 世 界. Pāli: Brahmaloka.
- [20] Bản Pāli chỉ nói gọn: Mahābrahmā tattha aggam akkhāyati, ở đây Đại Phạm thiên được coi là cao nhất.
- [21] Hoảng dục thiên hay Quang âm thiên, xem cth.13, Kinh 8 trên.
- [22]
Ý sanh 意 生 Pāli: manomayā.
- [23] Hỷ thực 喜 食. Pāli: pīti-bhakkhā.
- [24] Tứ tưởng 四 想. Xem Tập Dị 6. (No.1536, Đại 16 tr.392a-b).
- [25] Chỉ các chúng sanh trên cõi Vô sở hữu xứ.
- [26]
Bát trừ xứ 八 除 處; nhưng thường nói Bát thắng xứ 八 勝 處, Pāli, aṭṭha
abhibhāyatanāni (xem Tập Dị 19, No. 1536, Đại 26 tr.445b và tt).
- [27]
Nguyên Hán: trừ dĩ tri, trừ dĩ kiến 除 已 知 除 已 見. Trong Tập Dị sđd., nt
nói thắng tri thắng kiến (thấy siêu việt và biết siêu việt), và giải
thích: đã đoạn trừ và siêu việt lục tham mà có thắng tri thắng kiến.
- [28] Thanh thủy hoa 青 水 華. Tập Dị (sđd., nt): O-mạt-ca hoa, Umāpuppham (?).
- [29]
Tần-đầu-ca-la 頻 頭 歌 羅. Pāli: bandhujīvaka-puppha, loại hồng tàu. Bản
Hán này có lẽ nhầm, vì loại hoa này màu đỏ, Tập Dị và bản Pāli đều nói
hoa này trong thắng xứ màu đỏ.
- [30] Thập nhất thiết xứ 十 一 切 處 hay biến xứ. Pāli: dasa kasiṇāyatanāni.
- [31]
Ngã vô, ngã bất hữu 我 無 我 不 有, trong bản Pāli, trường hợp này được gọi
là: Ngoại y kiến xứù, là thi thiết thanh tịnh đệ nhất nghĩa
(paramatthavisuddhiṃ paññāpenti).
- [32]
Đệ nhất ngoại y kiến xứ, tối ý kiến xứ; tối thượng ngoại kiến xứ, hay
nói rõ hơn: “Đây là tối thượng đối với quan điểm ngoại đạo” và kiến xứù
cao nhất ở đây được coi như là đạt đến hữu ngã.
- [33]
Trong bản Hán này, kiến xứ, hay quan điểm, cao nhất của ngoại đạo là
đạt đến Bốn vô sắc xứ, khác với Pāli coi bốn vô sắc xứ này là thi thiết
thanh tịnh đệ nhất nghĩa.
- [34] Ư hiện pháp trung, tối thi thiết Niết-bàn 於 現 法 中 最 施 設 涅 槃. Pāli: aggam paramadiṭṭhadhammanibbānam paññāpentānaṃ.
- [35] Nguyên Hán: lục cánh lạc xứ 六 更 樂 處.
- [36] Hán: đoạn 斷, hoặc nói là thông hành. Pāli: catasso paṭipadā.
- [37] Tập Dị, Pháp Uẩn: lạc trì thông hành.
- [38]
Đặc tính của bốn tĩnh lự là hiện pháp lạc trú, và do đây mà tiến đến
chứng đắc bốn Thánh quả, hoặc nhanh hoặc chậm. (Xem giải thích Phát Uẩn
3, No.1537, Đại 26 tr.465).
- [39]
Từ đây trở xuống dịch theo phần hiệu đính cuối kinh, trong nguyên văn
để bản không có, nhưng đã có giải thích “sự đoạn mà lạc chậm” hay lạc
trì thông hành, thì ba thông hành kia tất nhiên cũng được giải thích.
Bản Pāli chỉ nêu danh số, không có giải thích.
- [40]
Tức khổ trì thông hành theo Tập Dị Môn Luận. Giải thích của Pháp Uẩn
(đd): coi ngũ uẩn như là sự lăng nhục, thương tổn, bức thiết như gánh
nặng, căn cứ trên đó mà quán sát nhàm tởm. Như vậy gọi là Khổ (...)
thông hành (lược trích).
- [41] Đoạn, nói là thông hành, hay nói là đạo và đạo tích đều cùng một nghĩa và cùng một nguồn gốc, cùng tương đương Pāli: paṭipadā.
- [42] Nên hiểu là: ”Ta nói như vậy, giảng dạy như vậy”.
- [43] Bản Pāli nói: “Sa-môn Cù-đàm không giảng giải sự thấu hiểu về dục, (...) về sắc, (...) về thọ”.
- [44]
Đoạn kết luận trên đây gần với bản Pàli, với một ít khác biệt (xem
cth.43 trên), nhưng hoàn toàn khác nguyên văn trong để bản. Nguyên văn
đó như vầy: (xem đoạn Lạc trì thông hành, và một câu lỡ dỡ về lạc tốc
thông hành): ”Nếu có người đoạn lạc dục. Hoặc có người tập pháp này
không bao giờ thấy chán. Hoặc có người tập uống rượu không bao giờ thấy
chán. Hoặc có người tập sự ngủ nghỉ không bao giờ thấy chán. Này
Tỳ-kheo, đó là nói hoặc có người tập ba pháp này không bao giờ thấy
chán, và cũng không thể đi đến chỗ diệt tận. Cho nên, các Tỳ-kheo hay
thường xả ly ba pháp này, không thân cận chúng. Như vậy, các Tỳ-kheo hãy
học như vậy.
-ooOoo-
216.
KINH ÁI SANH[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ có một người Phạm chí, độc nhất chỉ có một đứa con, trong
lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng khít, chiều chuộng, nhìn hoài không
chán. Bỗng nhiên đứa con mạng chung. Sau khi đứa con mạng chung, người
Phạm chí ấy ưu sầu, không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm, cũng
không bôi hương; chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc nhớ tưởng chỗ con
nằm.
Rồi Phạm chí lang thang khắp nơi, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Thế Tôn hỏi:
“Ông nay vì sao, các căn không trụ nơi tâm mình?”
Phạm chí đáp rằng:
“Tôi làm sao các căn có thể an trụ nơi tâm mình được? Vì sao vậy?
Chỉ có một đứa con độc nhất, trong lòng hết sức ái niệm, tâm ý khắng
khít, chìu chuộng, nhìn hoài không chán. Bỗng nhiên nó mạng chung. Sau
khi nó mạng chung, tôi ưu sầu không thể ăn uống được, không mặc áo xiêm,
cũng không bôi hương; chỉ biết đi ra bãi tha ma mà khóc nhớ tưởng chỗ
con nằm.
Thế Tôn nói:
“Thật vậy, Phạm chí! Thật vậy, Phạm chí! Nếu khi ái sanh thì phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Phạm chí nói:
“Cù-đàm, sao lại nói khi ái sanh, thì cũng phát sanh những sầu
bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Cù-đàm nên biết, khi ái sanh
thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”
Thế Tôn đến ba lần nói như vậy:
“Thật vậy, Phạm chí! Thật vậy, Phạm chí! Khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Phạm chí cũng ba lần hỏi rằng:
“Cù-đàm, sao lại nói khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi,
khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Cù-đàm nên biết, khi ái sanh thì
hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”
Lúc bấy giờ Phạm chí nghe những lời Phật nói, không cho là phải, mà chỉ bác bỏ, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy, lắc đầu bỏ đi.
Bấy giờ ở trước cổng Thắng lâm, có một số thị dân [02]
đang đánh bạc. Phạm chí từ xa trông thấy, bèn nghĩ rằng, ‘Trong đời nếu
có những người thông minh trí tuệ, cũng không thể hơn được những kẻ
đánh bạc. Ta hãy đến đó. Những gì vừa được thảo luận với Cù-đàm ta sẽ kể
lại hết cho họ nghe’. Rồi Phạm chí đi đến số đông những người đánh bạc
ấy, và đem những gì vừa được thảo luận với Thế Tôn kể lại cho họ nghe.
Những thị dân đang đánh bạc này nghe xong nói rằng:
Này Phạm chí, sao lại nói khi ái sanh thì cũng phát sanh những
sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não? Phạm chí nên biết khi ái
sanh, thì hỷ cũng sanh, tâm hoan lạc.”
Phạm chí nghe xong, bèn nghĩ rằng, ”Điều mà con bạc nói thật hết sức phù hợp với ta.” Rồi gật đầu mà đi.
Rồi thì vấn đề này lần lượt truyền rộng ra, cho đến lọt vào Vương
cung. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe đồn Sa-môn Cù-đàm nói như vậy,
”Nếu khi ái sanh, thì cũng phát sanh những sầu bi khóc than, ưu khổ,
phiền muộn ảo não.” Vua bèn nói với hoàng hậu Mạt-lỵ [03] rằng:
“Tôi nghe đồn Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ”Nếu khi ái sanh thì
cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Hoàng hậu nghe xong, thưa rằng:
“Thật vậy, Đại vương! Thật vậy, Đại vương! Nếu khi ái sanh thì
cũng phát sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói với hoàng hậu Mạt-lỵ rằng:
“Nghe tôn sư nói gì thì đệ tử nhất định đồng ý. Sa-môn Cù-đàm là
tôn sư của bà cho nên bà nói như vậy. Bà là đệ tử của Ngài cho nên bà
nói như vậy, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng phát sanh những sầu bi, khóc
than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”
Hoàng hậu Mạt-lỵ thưa rằng:
“Đại vương, nếu không tin, hãy đích thân đến mà hỏi, hay hãy sai sứ đi.”
Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bèn gọi Phạm chí Na-lị-ương-già [04] đến bảo rằng:
“Ngươi đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay ta mà hỏi Sa-môn Cù-đàm
Thánh thể, khỏe mạnh, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực
bình thường chăng? Rồi nói như vầy, ‘Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có
lời thăm hỏi Thánh thể khỏe mạnh, bình an, không bệnh, đi đứng thoải
mái, khí lực bình thường chăng? Sa-môn Cù-đàm có thật sự nói rằng, ‘Nếu
khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn,
ảo não’ chăng?’ Này Na-lị-ương-già, nếu Sa-môn Cù-đàm có nói những gì,
ngươi hãy khéo ghi nhớ và thuộc kỹ. Vì sao? Vì những người như vậy không
bao giờ nói dối.”
Phạm chí Na-lị-ương-già vâng lời vua, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi sang một bên, bạch rằng:
“Bạch Cù-đàm, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có lời hỏi thăm thánh
thể mạnh khỏe, bình an, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình
thường chăng? Sa-môn Cù-đàm có thật sự nói như vầy, ‘Nếu khi ái sanh,
thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não
chăng?’.”
Thế Tôn nói rằng:
“Này Na-lị-ương-già, Ta nay hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết
mà trả lời. Na-lị-ương-già, ý ngươi nghĩ sao? Giả sử có một người đàn bà
đã chết. Người ấy phát cuồng, loạn trí, cởi áo cởi quần, trần truồng mà
chạy rong khắp các ngõ đường, nói như vầy, ‘Này các người, có thấy mẹ
tôi chăng? Này các người có thấy mẹ tôi chăng?’ Này Na-lị-ương-già, do
sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh sầu bi, khóc
than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.
“Cũng vậy, nếu cha chết, anh, chị, em chết, con cái chết, vợ
chết, người ấy phát sanh cuồng, loạn trí, cởi áo cởi quần, trần truồng
chạy rong khắp cả ngõ đường, nói rằng, ‘Này các ngài, có thấy vợ tôi
chăng? Này các ngài, có thấy vợ tôi chăng?’ Này Na-lị-ương-già, do sự
kiện này mà biết rằng, ‘Nếu ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc
than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.
“Này Na-lị-ương-già, thuở xưa có một người đàn bà về thăm gia
đình, các thân tộc của người này muốn cưỡng bức cải giá. Người đàn bà ấy
tức tốc trở về nhà chồng, nói với chồng rằng, ‘Này ông, hãy biết cho,
thân tộc của tôi muốn cướp vợ của ông để gả cho người khác. Ông có mưu
kế gì chăng?’ Người ấy bèn nắm cánh tay của bà vợ dẫn vào trong nhà, nói
rằng, ‘Chết chung, sang đời khác với nhau! Chết chung, sang đời khác
với nhau!’ Rồi lấy con dao bén chém chết vợ và mình cũng tự sát luôn.
Này Na-lị-ương-già, do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu ái sanh thì cũng
sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”
Phạm chí Na-lị-ương-già sau khi nghe những điều Phật nói, khéo
ghi nhớ và thuộc kỹ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng, rồi trở
về.
Về đến Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la tâu rằng:
“Tâu Thiên vương, Sa-môn Cù-đàm quả thực có nói rằng, ‘Nếu khi ái
sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo
não’.”
Hoàng hậu Mạt-lỵ tâu rằng:
“Đại vương, tôi hỏi Đại vương, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả
lời. Ý Đại vương nghĩ sao? Đại vương có thương yêu đại tướng Bệ-lưu-la
[05] chăng?”
Vua đáp:
“Thật sự có yêu thương.”
Mạt-lỵ lại hỏi:
“Nếu đại tướng Bệ-lưu-la bị biến dịch, đổi khác, Đại vương sẽ như thế nào?”
Vua đáp:
“Mạt-lỵ, nếu đại tướng Bệ-lưu-la bị biến dịch, đổi khác, tôi tất sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Mạt-lỵ tâu rằng:
“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”
Mạt-lỵ lại hỏi:
“Vương có yêu Đại thần Thi-lị-a-đà
[06], yêu con voi Nhất-bôn-đà-lị [07] , yêu đồng nữ Bà-di-lị [08] , yêu Vũ Nhật Cái
[09], yêu nước Ca-thi và yêu Câu-tát-la chăng?”
Vua đáp:
“Thật sự có yêu thương.”
Mạt-lỵ lại hỏi:
“Nước Ca-thi và Câu-tát-la bị biến dịch, đổi khác, Vương sẽ ra sao?”
Vua đáp:
“Mạt-lỵ, tôi được hưởng thụï thỏa mãn năm thứ công đức của dục là
do ở hai nước này. Nếu Ca-thi và Câu-tát-la mà bị biến dịch, đổi khác,
mạng sống của tôi cũng không, nói gì đến những sầu bi, khóc than ưu khổ,
phiền muộn, ảo não?”
Mạt-lỵ tâu rằng:
“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh, thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”
Mạt-lỵ lại hỏi:
“Ý Đại vương nghĩ sao? Có yêu thương tôi chăng?”
Vua đáp:
“Thật sự tôi yêu thương bà.”
Mạt-lỵ lại hỏi:
“Nếu một khi tôi bị biến dịch, đổi khác, Vương sẽ ra sao?”
Vua đáp:
“Mạt-lỵ, nếu một khi bà bị biến dịch, đổi khác, tôi tất sanh sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não.”
Mạt-lỵ tâu rằng:
“Do sự kiện này mà biết rằng, ‘Nếu khi ái sanh thì cũng sanh những sầu bi, khóc than, ưu khổ, phiền muộn, ảo não’.”
Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói rằng:
“Này Mạt-lỵ, kể từ hôm nay, Sa-môn Cù-đàm, do sự kiện này là Thầy
của tôi, tôi là đệ tử của Ngài. Này Mạt-lỵ, tôi nay tự quy y Phật, Pháp
và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm
nay trọn đời tự quy cho đến tận mạng.”
Phật thuyết như vậy, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la và hoàng hậu Mạt-lỵ sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Bản Hán, quyển 60. Tương đương Pāli, M. 87. Piyajātika-suttaṃ. Hán, biệt dịch, No.91; No.125 (13.3).
- [02] Nguyên Hán: thị quách nhi 市 郭 兒. Bản Pāli: sambahulā akkhadhuta, một số đông những tay cờ bạc.
- [03]
Mạt-lỵ 未 利. Pāli: Mallikā, vợ chánh cung của vua Pasenadi; bà là một nữ
tại gia nhiệt thành và cũng là một phụ nữ gương mẫu. Bà thường thảo
luận Phật pháp với vua Pasenadi, và thường thường nhà vua thua.
- [04]
Na-lị-ương-già 那 利 鴦 伽. Nālijaṅgha theo bản Pāli, không phải Ba-tư-nặc
đích thân sai đi, mà chính Mạt-lỵ (hình như lén?) sai đi, để được hiểu
rõ vấn đề.
- [05] Bệ-lưu-la, Pāli: Viḍūḍabha. Xem Kinh
212 trên.
- [06] Thi-lị-a-trà 尸 利 阿 茶; Pāli: Sirivaḍḍha. Xem Kinh 212 trên.
- [07] Nhất-bôn-đà-lị, Pāli: Ekapundirika. Xem Kinh 214
trên.
- [08]
Bà-di-lị đồng nữ 婆 夷 利 童 女. Pāli: Vajīrī-kunāri, công chúa, con gái độc
nhất của Ba-tư-nặc và Mạt-lỵ, sau được gả cho vua A-xà-thế.
- [09]
Vũ Nhật Cái 雨 日 蓋. Pāli: Vāsabhā (Khattiyā), một nữ tỳ dòng họ Thích,
được giả làm con gái của Ma-ha-nam và được gả cho Pasenadi, về sau sinh
Tỳ-lưu-ly (Viḍūḍabha).
-ooOoo-
217.
KINH BÁT THÀNH[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời sau khi Phật nhập Niết-bàn không lâu, một số lớn các Tỳ-kheo danh đức, thượng tôn đến thành Ba-lị Tử, trú tại Kê viên [02].
Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người ở Bát thành [03]
mang nhiều hàng hóa quý đến thành Ba-lị Tử để buôn bán đổi chác. Số
hàng hóa đó bán hết rất mau; được lời khá to, Cư sĩ Đệ Thập, người Bát
thành, hết sức vui mừng, bèn rời Ba-lị Tử đến Kê viên, tìm đến các
Tỳ-kheo Thượng tôn danh đức, cúi đầu lễ sát chân rồi ngồi sang một bên.
Các Tỳ-kheo Thượng tôn danh đức thuyết pháp cho Cư sĩ nghe, khuyến phát
khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi đã dùng vô lượng phương tiện
thuyết pháp cho Cư sĩ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, các
Ngài ngồi im lặng. Rồi thì Cư sĩ Đệ Thập, người Bát Thành bạch:
“Bạch Thượng tôn, Tôn giả A-nan hiện giờ ở đâu? Con muốn được gặp.”
Các Tỳ-kheo Thượng tôn đáp:
“Cư sĩ, Tôn giả A-nan đang ở tại thành Bệ-xá-li, bên bờ sông Di hầu, trong cao lâu đài quán [04] . Nếu muốn thăm thì có thể đi đến đó.”
Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người Bát Thành, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi
đầu lễ sát chân các Tỳ-kheo Thượng tôn, nhiễu quanh chiều mặt ba vòng
rồi đi.
Cư sĩ tìm đến chỗ Tôn giả A-nan, cúi đầu lễ sát chân rồi ngồi xuống một bên và bạch rằng:
“Bạch Tôn giả A-nan, con có điều muốn hỏi, Ngài có cho phép chăng?”
“Cư sĩ cứ hỏi. Tôi nghe rồi sẽ suy xét.”
Cư sĩ hỏi:
“Bạch Tôn giả, Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh
Giác, Bậc đã thành tựu tuệ nhãn, thấy đệ nhất nghĩa, Ngài có dạy một
pháp nào mà Thánh đệ tử nếu an trú vào đó sẽ đoạn trừ các lậu, tâm giải
thoát chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Đúng vậy, Đức Thế Tôn có dạy pháp ấy.”
Cư sĩ hỏi:
“Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc đã thành
tựu tuệ nhãn, đã thấy đệ nhất nghĩa, Ngài dạy như thế nào về một pháp
ấy, mà Thánh đệ tử nếu an trú vào đó sẽ dứt sạch các lậu, tâm giải
thoát? Pháp ấy như thế nào?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho
đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trú. Vị ấy y cứ nơi đây mà quán
pháp như pháp. Hoặc có thể y cứ nơi đây mà quán pháp như pháp, vị ấy an
trú vào đó mà dứt sạch các lậu. Nhưng an trú vào đó mà không dứt sạch
các lậu, thì nhờ nơi pháp này, do có muốn pháp, yêu pháp, thích pháp,
tin tưởng pháp, ái lạc hoan hỷ[05], vị ấy đoạn trừ năm hạ phần kết, hóa sanh nơi kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn không còn trở lại đời này.
“Lại nữa, Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử, tâm cùng đi đối với từ biến
mãn một phương, thành trụ và an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, bốn
phương bàng, phương trên và phương dưới khắp cả mọi nơi tâm cùng đi đối
với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, quảng đại, vô
biên, vô lượng, khéo tu tập, viên mãn tất cả thế gian, thành tựu và an
trụ. Cũng vậy, tâm đi đối với bi, hỷ và xả, không kết, không oán, không
nhuế, không tranh, quảng đại, vô lượng, vô biên khéo tu tập, biến mãn
tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Vị ấy cứ y nơi đây mà quán pháp
như pháp. Vị ấy hoặc có thể y cứ vào đó mà dứt sạch các dục. Nhưng nếu
chưa dứt sạch được các lậu, nhờ pháp này, do yêu pháp, thích pháp, tin
tưởng pháp, ái lạc hoan hỷ, vị ấy đoạn trừ ngũ hạ phần kiết, hóa sanh
vào cõi kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn không
còn tái sanh lại đời này nữa. Đây là pháp mà Đức Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc thành tựu tuệ nhãn, đã thấy đệ nhất nghĩa,
nói rằng, ‘Có một pháp mà nếu đa văn Thánh đệ tử an trú vào đó sẽ dứt
sạch các lậu, tâm được giải thoát.
“Lại nữa, Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử vượt qua tất cả sắc tưởng cho
đến phi phi tưởng xứ, thành tựu và an trú, vị ấy ở nơi đây mà quán pháp
như pháp, vị ấy hoặc có thể an trú vào đó mà dứt sạch các lậu. Nhưng
nếu không dứt sạch các lậu, thì nhờ pháp này, do yêu pháp, thích pháp,
tin tưởng pháp, ái lạc, hoan hỷ, vị ấy đoạn trừ ngũ hạ phần kết, hóa
sanh nơi kia mà nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, vĩnh viễn không còn
trở lại đời này nữa. Đây là pháp mà Đức Thế Tôn, Như Lai, Bậc Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, Bậc đã thành tựu, đã thấy đệ nhất nghĩa, nói
rằng, có một pháp mà nếu Đa văn Thánh đệ tử an trụ vào đó sẽ dứt sạch
các lậu tâm được giải thoát.”
Bấy giờ Cư sĩ Đệ Thập, người ở Bát thành, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu chấp tay bạch rằng:
“Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Tôn giả A-nan, con chỉ hỏi một cánh
cửa cam lồ, nhưng Tôn giả đã nói cho con nghe một lần đến mười hai pháp
môn cam lồ [06]. Dựa theo pháp môn nào trong mười hai pháp môn ấy tu tập cũng đều được giải thoát an lạc.
“Bạch Tôn giả A-nan, cũng như cách làng không xa, có một ngôi nhà
lớn, được mở ra với mười hai cánh cửa. Một người có việc cần nên đã vào
trong nhà ấy. Lại có một người khác đứng đó, nhưng không muốn đem lại
sự lợi ích và phước lạc, không muốn sự an ổn cho người ấy, nên nổi lửa
mà đốt nhà. Bạch Tôn giả A-nan, người ấy có thể do theo một trong mười
hai cửa mà ra khỏi ngôi nhà cháy một cách an toàn [07]
Cũng vậy, bạch Tôn giả, con chỉ hỏi một cửa cam lồ mà Ngài nói cho con
nghe một lần đến mười hai cửa pháp cam lồ. Y theo một trong mười hai cửa
pháp cam lồ này thì có thể được an ổn giải thoát. Bạch Tôn giả A-nan,
trong pháp luật của Phạm chí nói về pháp luật bất thiện mà còn có sự
cúng dường thầy của họ, huống sao con lại không cúng
dường bậc Đại sư Tôn giả A-nan.”
Rồi ngay trong đêm ấy, Cư sĩ Đệ Thập, người ở Bát thành bày dọn
các món ăn thơm ngon, tinh khiết, đầy đủ các loại nhai và nuốt; sau khi
bày biện thức ăn xong, vào lúc sáng sớm, trải dọn chỗ ngồi Cư sĩ cung
thỉnh chúng Tăng ở Kê viên và thành Bệ-xá-li hợp lại, rồi tự tay mình
dâng nước rửa, dâng các thức ăn thơm ngon tinh khiết, đầy đủ các loại
nhai và nuốt; tự tay mời mọc cho đến khi chúng Tăng no đủ, phân chia các
thức ăn đầy đủ cho chúng Tăng. Sau khi chúng Tăng thọ thực, thâu bát,
rửa tay, Cư sĩ đem năm trăm vật phẩm mua một ngôi nhà cúng riêng cho Tôn
giả A-nan. Tôn giả A-nan nhận lãnh, sau đó cúng cho Chiêu đề tăng [08]
Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Cư sĩ Đệ Thập người ở Bát thành sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, M. 52. Aṭṭhakanāgara-suttam. Hán, biệt dịch, No.92.
- [02]
Ba-la-lị Tử thành Kê viên 波 羅 利 子 城 雞 園; No.92: Ba-la-lê-phất-đô-lô, Kê
viên. So Pāli: Pāṭaliputta, về sau là thủ đô của Magadha; Kukktārama,
khu vườn có lẽ ở Đông nam của Pāṭaliputta. Một tinh xá cùng tên ở tại
Kosambī.
- [03] Đệ thập Cư sĩ Bát thành 第 十 居 士 八 城; Pāli: Dasamo gahapati Aṭṭhaka-nāgaro, gia chủ Dasama, người thị trấn Aṭṭhaka.
- [04]
Di hầu giang biên, cao lầu đài quán 獮 猴 江 邊 高 樓 臺 觀; có lẽ một ngôi nhà
sàn ở trong rừng Mahāvana gần Vesāli, được gọi là Kūṭāgarasālā. Vì sông
Di hầu không rõ tương đương Pāli, nhưng Sanskrit gọi là Markatā.
- [05]
Dục pháp ái pháp lạc pháp tĩnh pháp ái lạc hoan hỷ 欲 法 愛 法 樂 法 靜 法 愛 樂 歡
喜. Pāli: teneva dhammarāgena tāya dhammanandiyā, do sự đam mê đối với
pháp, do sự vui say đối với pháp.
- [06] Tức Bốn sắc giới thiền, Bốn vô lượng tâm và Bốn vô sắc định.
- [07] Cả hai bản Hán đều thí dụ bằng ngôi nhà cháy. Bản Pāli thí dụ một người đi tìm kho tàng.
- [08]
Chiêu đề tăng 招 提 僧; dịch nghĩa là Thập phương tăng. Bản Pāli không có
chi tiết này, nhưng tiếng Pāli tương đương là Catuddisāsaṅgha.
-ooOoo-
218. KINH A-NA-LUẬT-ĐÀ (I)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vào lúc xế trưa từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà [02] , cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi sang một bên, bạch rằng:
“Chúng tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày.”
Tôn giả A-na-luật-đà nói:
“Chư Hiền, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”
Khi ấy các Tỳ-kheo bèn bạch rằng:
“Làm thế nào một Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Chư Hiền, nếu Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến
chứng đắc Tứ thiền; đó gọi là Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an lành.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
“Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết an lành, mạng chung an lành chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Chư Hiền, Tỳ-kheo không phải chỉ cùng đích như vậy là chết an
lành mạng chung an lành. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo chứng đắc
như ý túc về thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận
trí, lậu tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay
trong đời này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết
như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm
xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là Tỳ-kheo chết an lành, mạng chung an
lành.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
“Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết an lành, mạng chung an lành chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Chư Hiền, Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết được an lành, mạng chung được an lành.”
Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Tôn giả A-na-luật-đà nói
khéo ghi nhớ và thuộc kỹ xong, rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lạy sát
chân Tôn giả A-na-luật-đà, đi quanh ba vòng rồi lui ra.
Tôn giả A-na-luật-đà thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả A-na-luật-đà thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Không có Pāli tương đương.
- [02]
Xem Kinh 184, 185 trên, và nhiều kinh khác.
-ooOoo-
219. KINH A-NA-LUẬT-ĐÀ (II)
Tôi nghe như vầy.
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ các Tỳ-kheo, vào lúc xế, từ thiền tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà[01] , cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên bạch rằng:
“Chúng tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày.”
Tôn giả A-na-luật-đà nói:
“Chư Hiền, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”
Khi ấy các Tỳ-kheo hỏi rằng:
“Làm thế nào mà một Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Nếu Tỳ-kheo có tri kiến chất trực và đạt đến Thánh ái giới [02] , đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
“Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Tỳ-kheo không chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt,
mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo quán
nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, đó là Tỳ-kheo
chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
“Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Chư Hiền, Tỳ-kheo không chỉ cùng đích như vậy là chết không
phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền,
Tỳ-kheo tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ;
hai, ba, bốn phương, bốn duy, trên, dưới, bao trùm tất cả, tâm tương ưng
với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng, rất
lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.
Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không
nhuế, không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn
tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Đó gọi là Tỳ-kheo chết không bức rức,
mạng chung không bức rức.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
“Tỳ-kheo chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Chư Hiền, Tỳ-kheo không chỉ cùng đích như vậy, là chết không
phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, nếu
Tỳ-kheo vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến chứng phi hữu tưởng phi vô
tưởng xứ, thành tựu an trụ. Đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung
không bức rức.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
‘Tỳ-kheo chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Chư Hiền, không chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt,
mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vượt
qua tất cả phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ, tưởng thọ diệt thân chứng
thành tựu an trụ, và do tuệ quán mà các lậu diệt tận, đó là Tỳ-kheo chết
không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
“Tỳ-kheo chỉ cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Chư Hiền, Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Tôn giả A-na-luật-đà
nói, khéo ghi nhớ và thuộc kỹ xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh
lễ sát chân Tôn giả A-na-luật-đà, đi quanh ba vòng rồi lui ra.
Tôn giả A-na-luật-đà thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả A-na-luật-đà thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01]
Xem Kinh 184, và nhiều kinh khác.
- [02] Thánh ái giới, hay Thánh sở ái giới, giới được các Thánh Hiền hâm mộ.
-ooOoo-
220. KINH KIẾN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời sau khi Phật Niết-bàn không lâu, Tôn giả A-nan trú tại
thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Lúc bấy giờ có một Phạm
chí dị học, vốn là bạn của Tôn giả A-nan trước khi xuất gia, sau giữa
trưa, thong dong tản bộ đi đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi xong, ngồi
xuống một bên nói với Tôn giả A-nan rằng:
“A-nan, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe cho chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Phạm chí, muốn hỏi cứ hỏi, Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”
Dị học Phạm chí bèn hỏi:
“Sự kiện như vầy. Những quan điểm[02] này bị gác lại [03], bị loại bỏ, không được giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên[04]; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt [05];
Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt; hay Như Lai cũng không
phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt duyệt?’ Sa-môn Cù-đàm có
biết rõ các quan điểm này đúng như lý ưng phải biết chăng?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Phạm chí, sự kiện như vầy. Đối với những quan điểm này, Thế Tôn
là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ,
không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường, hay vô thường;
thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác
thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; hay Như Lai
vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt
diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, biết các quan điểm này đúng như lý ưng phải
biết.”
Phạm chí dị học lại hỏi:
“Sự kiện như vầy. Những quan điểm này Sa-môn Cù-đàm gác qua một
bên, loại bỏ, không giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường,
hay thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay thế giới vô biên; sinh
mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay
Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt
diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt
diệt?’ Sa-môn Cù-đàm biết rõ các quan điểm này đúng như lý ưng phải
biết như thế nào?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Phạm chí, sự kiện như vầy. Những quan điểm này được Đức Thế Tôn,
Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ,
không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay thế giới vô
thường; thế giới hữu biên hay thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân
hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt
diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng
không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Này Dị học
Phạm chí, kiến như vậy, thủ như vậy, sanh như vậy, đến đời sau như vậy,
những vấn đề như vậy là điều mà Thế Tôn, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng
Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận, đó là,
‘Thế giới hữu biên hay thế giới vô biên, thế giới hữu thường hay thế
giới vô thường; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác;
Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; hay Như Lai vừa tuyệt
diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng
không phải không tuyệt diệt?’ Những quan điểm ấy được biết như vậy. Các
quan điểm ấy phải được biết như vậy.”
Dị học Phạm chí bạch rằng:
“A-nan, nay tôi tự quy A-nan.”
Tôn giả A-nan đáp:
“Phạm chí, ông đừng tự quy nơi tôi. Cũng như tôi tự quy y nơi Phật ông cũng nên tự quy như vậy.”
Dị học Phạm chí nói:
“A-nan, nay tôi tự quy Phật, Pháp, và Tỳ-kheo Tăng. ‘Cúi mong Thế
Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời tự quy cho đến tận
mạng’.”
Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Dị học Phạm chí nghe Tôn giả A-nan thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli, A.7.51. Avyākata. Hán, biệt dịch, No.93.
- [02] Kiến 見. Pāli: diṭṭhigata, thường được dịch là kiến thú, xu hướng của kiến chấp.
- [03] Xả trí 捨 置, chỉ những vấn đề thuộc bất khả thuyết. Xem ý nghĩa, Kinh 222 ở sau. Pāli avyākāta, vô ký.
- [04] Nguyên Hán: thế hữu để, thế vô để
世 有 底 世 無 底, dịch sát: “thế gian có đáy hay không có đáy”.
- [05] Nguyên Hán: Như Lai chung, bất chung 如 來 終 不 終.
-ooOoo-
221. KINH TIỄN DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tôn giả Man Đồng tử [02],
sống cô độc tại một nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, trong tâm khởi lên ý
niệm, ”Sự kiện như vầy. Những quan điểm này bị Đức Thế Tôn gác lại [03], loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên[04];
sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt,
hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không
tuyệt diệt [05]
, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt
diệt?’ Ta không hài lòng với điều này, ta không nhẫn khả với điều này.
Nếu Đức Như Lai xác quyết [06]
nói cho ta biết rằng: ‘Thế giới hữu thường’ ta sẽ theo Ngài học phạm
hạnh, còn nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng ‘Thế
giới hữu thường’ ta sẽ cật vấn Ngài rồi bỏ Ngài mà đi. Cũng vậy, ‘Thế
giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay
sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt
diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng
không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nếu Đức Thế
Tôn xác quyết nói cho ta biết rằng, ‘Điều này chơn thật, ngoài ra là hư
vọng’ ta sẽ theo Ngài tu học phạm hạnh; còn nếu Đức Thế Tôn không xác
quyết nói cho ta biết rằng, ‘Điều này là chơn thật ngoài ra là hư vọng’
thì ta sẽ cật vấn Ngài rồi bỏ Ngài mà đi.”
Rồi Tôn giả Man Đồng tử vào lúc xế trưa, từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi qua một bên mà bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con sống cô độc tại một nơi yên tĩnh,
thiền tọa tư duy, trong tâm khởi lên ý niệm, ‘Sự kiện như vầy. Những
quan điểm này bị Đức Thế Tôn gác lại, loại bỏ, không giải thích tường
tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường, thế giới hữu biên hay vô
biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt
diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không
tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải
không tuyệt diệt?’ Ta không hài lòng với điều này, ta không nhẫn khả với
điều này. Nếu Thế Tôn xác quyết rõ ràng, ‘Thế giới hữu thường’, Bạch
Thế Tôn, mong Ngài hãy nói cho con biết. Còn nếu Thế Tôn không xác quyết
rõ ràng ‘Thế giới hữu thường’ thì Ngài hãy nói thẳng là không biết.
Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh
mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay
Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt
diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt
diệt?’ Nếu Thế Tôn xác quyết rõ ràng ‘Điều này chơn thật, ngoài ra là
hư vọng’, Bạch Thế Tôn, mong Ngài hãy nói cho con biết. Còn nếu Thế Tôn
không xác quyết rõ ràng ‘Điều này là chơn thật, ngoài ra là hư vọng’,
thì Ngài hãy nói thẳng là không biết’.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Man Đồng tử, trước kia Ta có nói như vầy với ngươi rằng,
‘Hãy đến đây! Hãy theo Ta tu học Phạm hạnh rồi Ta sẽ nói cho nghe, ‘Thế
giới hữu thường’chăng’?”
Man Đồng tử đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên, hay vô biên
sinh mạng tức thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay
Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt
diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt
diệt?’ chăng?”
Man Đồng tử đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Man Đồng tử, trước kia ngươi có nói với Ta rằng, ‘Nếu Thế
Tôn xác quyết nói cho con biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì con sẽ
theo Thế Tôn học phạm hạnh’ chăng?”
Man Đồng tử đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Man Đồng tử, trước kia Ta không nói với ngươi và ngươi cũng
không nói với Ta; ngươi quả là kẻ ngu si, vì sao lại hư vọng xuyên tạc
Ta?”
Lúc bấy giờ, Tôn giả Man Đồng tử bị Đức Thế Tôn khiển trách ngay
mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời biện bạch, suy
nghĩ mông lung.
Đức Thế Tôn sau khi khiển trách ngay mặt Man Đồng tử, rồi nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Nếu có người ngu si nghĩ như vầy, ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác
quyết nói cho Ta biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì Ta không theo Đức
Thế Tôn tu hành phạm hạnh’. Những người ngu si ấy, chưa biết được gì thì
nửa chừng mạng chung.
“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên;
sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt
hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt
diệt, hay Như Lai không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt
diệt?’ Nếu có người ngu si nghĩ như ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói
cho Ta biết rằng: ‘Điều này là chơn thật, ngoài ra là hư vọng’ thì ta
sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh’. Những người ngu si ấy chưa
biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.
“Ví như một người bị trúng tên độc; do bị trúng tên độc nên đau
đớn cùng cực. Người ấy được các thân thuộc đồng tình thương xót, mong
muốn cho được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc nên tìm cầu y
sĩ nhổ tên. Nhưng nó lại nói rằng, ‘Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy
cho tôi biết người bắn tôi đó, họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp,
mập hay gầy, da đen hay trắng, hay da không đen không trắng, thuộc dòng
Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ hay Công sư, là người ở phương Đông, phương
Tây, phương Nam hay phương Bắc? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho
tôi biết cây cung ấy làm bằng gỗ chá [07]
, bằng gỗ dâu, bằng gỗ quỳ, hay bằng sừng? Khoan hãy nhổ tên! Trước
tiên hãy cho tôi biết, cần cung làm bằng gân bò, bằng gân hươu, nai hay
bằng
tơ? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết, cây cung đó màu
đen, màu trắng, màu đỏ hay màu vằng? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy
cho tôi biết dây cung đó làm bằng gân, bằng tơ, bằng sợi gai hay bằng võ
gai? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết cán tên này làm
bằng gỗ hay bằng tre? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết tên
được quấn bằng gân bò, gân hươu nai, hay bằng tơ? Khoan hãy nhổ tên!
Trước tiên hãy cho tôi biết đuôi tên này kết bằng lông phiêu lằng [08]
, lông kên kên, lông gà trống, hay lông hạc? Khoan hãy nhổ tên!
Trước tiên hãy cho tôi biết mũi tên này thuộc loại mũi răng cưa, mũi
nhọn, hay mũi bình phi đao? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi
biết người thợ vót tên này họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp, mập
hay gầy, da đen hay trắng, hay da không đen không trắng, ở phương Đông,
phương Nam, phương Tây hay phương Bắc?’ Nhưng nó chưa biết được gì thì
nửa chừng đã mạng chung.
“Cũng vậy, nếu có người ngu si nghĩ như vầy, ‘Nếu Đức Thế Tôn
không xác quyết nói cho ta biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì ta sẽ
không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh’. Nhưng người ngu si ấy chưa
biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.
“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên;
sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt
hay Như Lai không tuyệt diệt, Như Lai vừa tuyệt diệt hay Như Lai vừa
không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải
không tuyệt diệt?’ Nếu có người ngu si nghĩ như vầy ‘Nếu Đức Thế Tôn
không xác quyết nói cho Ta biết rằng: ‘Điều này là chơn thật, ngoài ra
là hư vọng thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh’.’ Nhưng
người ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.
“‘Thế giới hữu thường’, nhân nơi quan điểm này mà theo ta tu học
phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới hữu biên
hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác, Như Lai
tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa
không tuyệt diệt, nay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không
phải không tuyệt diệt?’ Nhân nơi những quan điểm này mà theo Ta tu học
phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy.
“‘Thế giới hữu thường’, vì có quan điểm này mà theo Ta tu học
phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới vô
thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh
mạng khác thân khác, Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt,
hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không
phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Vì có quan điểm này
mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy.
“‘Thế giới hữu thường’, vì có quan điểm này mà theo Ta tu học
phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy. ‘Thế giới vô thường; thế
giới hữu biên; thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng
khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt hay Như
Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải
tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Vì có quan điểm này mà
theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy.
“‘Thế giới hữu thường’, vì không có quan điểm này mà không theo
Ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới
vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh
mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt,
hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không
phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Vì không có những
quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là
như vậy.
“Dù ‘Thế giới hữu thường’, thì vẫn có sanh, có già, có bệnh, có
chết, sầu bi, khóc than, ưu khổ, ảo não, như vậy toàn vẹn khối lớn khổ
đau này phát sanh. Cũng vậy, dù ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên
hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai
tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa
không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không
phải không tuyệt diệt?’ thì vẫn có sanh, có già, có bệnh, có chết, sầu
bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não; như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ đau này
phát sanh.
“‘Thế giới hữu thường’, Ta không xác quyết điều này. Vì điều này
không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với pháp, không phải căn
bản phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến giác, không dẫn đến
Niết-bàn. Cho nên Ta không xác quyết điều này. Cũng vậy, ‘Thế giới vô
thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh
mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt,
hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt hay Như Lai cũng không
phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Ta không xác quyết
điều này. Vì lý do gì mà Ta không xác quyết những điều này? Vì những
điều này không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với pháp, không
phải là căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến giác, không
dẫn
đến Niết-bàn. Cho nên Ta không xác quyết những điều này.
“Những pháp nào được Ta xác quyết nói đến? ‘Đây là khổ’, Ta xác
quyết nói ‘Đây là khổ’, ‘Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích’ Ta xác
quyết nói. Vì những lý do gì mà Ta xác quyết nói những điều này? Vì
những điều này tương ưng với cứu cánh, tương ưng với pháp, là căn bản
phạm hạnh, đưa đến trí, đưa đến giác, dẫn đến Niết-bàn, cho nên Ta xác
quyết nói những điều này.
“Đó là, những gì thể nói thì Ta không nói, những gì có thể nói thì Ta nói [09], hãy thọ trì như vậy. Hãy học tập như vậy.”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01] Tương đương Pāli: M.63. Cūḷa-Māluṅkyaputta-suttam. Hán, biệt dịch: No.94.
- [02]
Xem cht.3, Kinh 205 trên.
- [03]
Xem cht.3, Kinh 220 trên.
- [04] Nguyên Hán: thế hữu để vô để 世 有 底 世 無 底. Pāli: antavā loko ‘ti pi anantavā loko ’ti pi.
- [05]
Nguyên Hán: Như Lai chung... bất chung 如 來 終 不 終. Pāli: hoti tathāgato paraṃ maraṇnā, Như Lai tồn tại hay không sau khi chết?
- [06] Hán: nhất hướng thuyết 一 向 說.
- [07]
Chá 柘, một loại cây giống cây dâu, lá tằm ăn được.
- [08]
Trong bản nói phiêu phương 飄 [防+鳥] các bản khác nói phiêu lăng, một loại chim?
- [09] Bất khả thuyết 不 可 說. Pāli: abyakāta (vô ký), có mười bốn vấn đề bất khả thuyết, như trong kinh này đã kể.
-ooOoo-
222. KINH LỆ
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Bốn niệm xứ.
“Thế nào gọi là muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn niệm xứ? Nếu khi
Đức Như Lai xuất thế, là Vô Sở Trước, Minh Hạnh Thành Tựu, Đẳng Chánh
Giác, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân
Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu. Vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những
thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, quán nội thân như thân, cho đến quán
thọ, tâm, pháp như pháp. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Bốn
niệm xứ. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ,
tổng tri và biệt tri [01].
“Nếu muốn biệt tri vô minh, nên tu Bốn niệm xứ. Thế nào là muốn
biệt tri vô minh nên tu Bốn niệm xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, là Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải,
Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị
ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém,
quán nội thân như thân, cho đến quán thọ tâm, pháp như pháp. Đó là muốn
biệt tri vô minh nên tu Bốn niệm xứ.
“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn chánh đoạn. Thế nào là muốn
đoạn trừ vô minh nên tu Bốn chánh đoạn? Nếu khi Đức Như Lai xuất thế,
Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, là Phật, Chúng Hựu; vị
ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém; đối
với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho nên phát khởi dục
tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh
đoạn [02].
Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không sanh cho nên phát
khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm,
chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh khởi, cho nên
phát khởi dục tâm, tìm cầu
phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với
pháp thiện đã sanh, vì muốn kiên cố, không quên mất, không suy thoái,
tăng trưởng, quảng đại, tu tập viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm
cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là,
nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn chánh đoạn. Như vậy, số đoạn, giải
thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri [03]
.
“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn chánh đoạn. Thế nào gọi là
muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn chánh đoạn? Nếu khi Như Lai xuất thế,
Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế,
tuệ yếu kém, đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho
nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ, và kiên
trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không
sanh, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ
và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh
khởi, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần,
khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện đã sanh, vì
muốn kiên cố, không vong thất, không suy thối, tăng trưởng, quảng đại,
tu tập viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh
cầu khích lệ, và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là nếu muốn biệt tri vô
minh nên tu Bốn chánh đoạn.
“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn như ý túc. Thế nào gọi là
muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế,
Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế,
tuệ yếu kém, tu dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành[04] , y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên dục tận, thú hướng phi phẩm [05].
Cũng vậy tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định ý túc, thành tựu đoạn
hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận thú hướng phi phẩm.
Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Bốn như ý túc. Như vậy,
số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt
tri. Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn như ý túc.
“Thế nào gọi là muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn như ý túc? Nếu
khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành
Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân
Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những
thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y
trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Cũng
vậy, tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định như ý túc, thành tựu đoạn
hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi
phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bốn như ý túc.
“Nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Tứ thiền. Thế nào gọi là muốn
đoạn trừ vô minh nên tu Tứ thiền? Nếu khi Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng
Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng
Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn
trừ, cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục,
ly ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đó
là, nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Tứ thiền. Như vậy, số đoạn, giải
thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Tứ thiền. Thế nào là muốn biệt
tri vô minh nên tu Tứ thiền? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước,
Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ
cho đến năm triền cái, những thứ làm cho tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục,
ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ.
Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Tứ thiền.
“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Năm căn. Thế nào gọi là muốn
đoạn trừ vô minh nên tu Năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải,
Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn
trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín,
tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu
Năm căn. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ,
tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Năm căn. Thế nào gọi là nếu
muốn biệt tri vô minh nên tu Năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô
Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy
đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín,
tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu
Năm căn.
“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Năm lực. Thế nào gọi là muốn
đoạn trừ vô minh nên tu Năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy
đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu tín,
tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu
Năm lực. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ,
tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Năm lực. Thế nào gọi là nếu
muốn biệt tri vô minh nên tu Năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô
Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy
đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu
tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên
tu Năm lực.
“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bảy giác chi. Thế nào gọi là
nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế,
Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu.
Vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu
kém, tu niệm giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận,
thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, tu
xả giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng
phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Bảy giác chi. Như vậy,
số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bảy giác chi. Thế nào gọi là
nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế,
Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu;
vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu
kém, tu niệm giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận,
thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu pháp, tinh tấn, khinh an, hỷ, định. Tu
xả giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng
phi phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Bảy giác chi.
“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Thánh đạo tám chi. Thế nào gọi
là nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai
xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện
Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái những thứ làm ô uế, tuệ
yếu kém, tu chánh kiến cho đến chánh định. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô
minh nên tu Thánh đạo tám chi. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt
tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Thánh đạo tám chi. Thế nào gọi
là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai
xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện
Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là
Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm
ô uế, tuệ yếu kém, tu chánh kiến, cho đến tu chánh định. Đó là nếu muốn
biệt tri vô minh, nên tu Thánh đạo tám chi.
“Nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Mười biến xứ. Thế nào gọi là
nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế,
Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế,
tuệ yếu kém, tu thứ nhất địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai,
là vô lượng; tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, thanh biến xứ,
hoàng biến xứ, xích biến xứ, bạch biến xứ, vô lượng không xứ biến xứ,
tu thứ mười vô lượng thức biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là
vô lượng. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Mười biến xứ. Như vậy,
số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt
tri.
“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười biến xứ. Thế nào gọi là
nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế,
Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế,
tuệ yếu kém; tu thứ nhất, địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai,
là vô lượng. Cũng vậy tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ,
thanh biến xứ, hoàng biến xứ, xích biến xứ, bạch biến xứ, vô lượng không
biến xứ; tu thứ mười vô lượng thức xứ biến xứ, bốn duy trên dưới, là
không hai, là vô lượng. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười biến
xứ.
“Muốn đoạn trừ vô minh nên tu Mười pháp vô học. Thế nào gọi là
nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Mười pháp vô học? Nếu khi Như Lai xuất
thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế,
tuệ yếu kém; tu vô học chánh kiến cho đến tu vô học chánh trí. Đó là
nếu muốn đoạn trừ vô minh nên tu Mười pháp vô học. Như vậy, số đoạn,
giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười pháp vô học.
“Thế nào gọi là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười pháp vô
học? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh
Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự,
Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền
cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu vô học chánh kiến cho đến
tu vô học chánh trí. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười pháp vô
học.
“Như vô minh, hành cũng vậy. Như hành, thức cũng vậy. Như thức,
danh sắc cũng vậy. Như danh sắc, sáu xứ cũng như vậy. Như sáu xứ, xúc
cũng như vậy. Như xúc, thọ cũng như vậy. Như thọ, ái cũng như vậy. Như
ái, thủ cũng như vậy. Như thủ, hữu cũng như vậy. Như hữu, sanh cũng như
vậy.
“Nếu đoạn trừ lão tử, nên tu Bốn niệm xứ. Thế nào gọi là nếu muốn
đoạn trừ lão tử nên tu Bốn niệm xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ
cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; quán nội
thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Đó là nếu muốn đoạn
trừ vô minh nên tu Bốn niệm xứ. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ,
bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri. ”Nếu muốn biệt tri lão tử
nên tu Bốn niệm xứ. Thế nào gọi là nếu muốn biệt trừ lão tử nên tu Bốn
niệm xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác,
Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự,
Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm
triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; quán nội thân như thân,
cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên
tu Bốn niệm xứ.
“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn chánh đoạn. Thế nào gọi là
nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn chánh đoạn? Nếu khi Như Lai xuất
thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế,
tuệ yếu kém; đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho
nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ, và kiên
trì tâm chánh đoạn. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không
sanh cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ,
và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh
khởi, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích
lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện đã sanh, vì muốn
kiên cố, không vong thất, không suy thối, tăng trưởng, quảng đại, tu tập
viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần
khích lệ, và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là nếu đoạn trừ lão tử nên tu
Bốn chánh đoạn. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt,
chỉ, tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn chánh đoạn. Thế nào gọi là
nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn chánh đoạn? Nếu khi Như Lai xuất
thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế,
tuệ yếu kém, đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì muốn đoạn trừ cho
nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ và kiên
trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp ác bất thiện chưa sanh, vì muốn không
sanh, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích lệ
và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện chưa sanh, vì muốn sanh
khởi, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần, khích
lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đối với pháp thiện đã sanh, vì muốn
kiên cố, không vong thất, không suy thối, tăng trưởng, quảng đại, tu tập
viên mãn, cho nên phát khởi dục tâm, tìm cầu phương tiện, tinh cần,
khích lệ và kiên trì tâm, chánh đoạn. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên
tu Bốn chánh đoạn.
“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn như ý túc. Thế nào gọi là
nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế,
Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng
Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ
yếu kém; tu học dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly,
y trên vô dục, y trên diệt tận thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu tinh
tấn định, tâm định, tư duy định như ý túc thành tựu đoạn hành, y trên
viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu
muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn như ý túc. Như vậy, số đoạn, giải thoát,
quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn như ý túc. Thế nào gọi là
muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc
Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng
Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ
yếu kém, tu dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên vô dục, y
trên diệt tận, thú hướng phi phẩm; cũng vậy, tu tinh tấn định, tâm định,
tu tư duy định, như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên
vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri lão
tử nên tu Bốn như ý túc.
“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Tứ thiền. Thế nào gọi là nếu
muốn đoạn trừ lão tử nên tu Tứ thiền? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô
Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy
đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly
dục, ly bất thiện pháp cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ.
Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và
biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Tứ thiền. Thế nào gọi là nếu
muốn biệt tri lão tử nên tu Tứ thiền? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô
Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy
đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly
dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an
trụ. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Tứ thiền.
“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Năm căn. Thế nào gọi là nếu muốn
đoạn trừ lão tử nên tu Năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy
đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu
tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên
tu Năm căn.
“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Năm căn? Thế nào gọi là nếu muốn
biệt tri lão tử nên tu Năm căn? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy
đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu
tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên
tu Năm căn.
“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Năm lực. Thế nào gọi là nếu muốn
đoạn trừ lão tử nên tu Năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy
đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu
tín lực, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Như vậy, số đoạn, giải thoát,
quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Năm lực. Thế nào gọi là nếu muốn
biệt tri lão tử nên tu Năm lực? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô
Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy
đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu
tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên
tu Năm lực.
“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bảy giác chi. Thế nào gọi là nếu
muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc
Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng
Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ
yếu kém, tu niệm giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt
tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ lão tử, nên tu Bảy giác
chi. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng
tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bảy giác chi. Thế nào gọi là nếu
muốn biệt tri lão tử nên tu Bảy giác chi? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc
Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng
Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ
yếu kém, tu niệm giác chi, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt
tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an,
định. Tu xả giác chi, y trên viễn ly, y trên diệt tận, y trên vô dục,
thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bảy giác chi.
“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Thánh đạo tám chi. Thế nào gọi
là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai
xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ,
Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế,
tuệ yếu kém; tu chánh kiến, cho đến chánh định. Đó là nếu muốn đoạn trừ
lão tử nên tu Thánh đạo tám chi. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ,
bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Thánh đạo tám chi. Thế nào gọi
là nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Thánh đạo tám chi? Nếu khi Như Lai
xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ,
Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế,
tuệ yếu kém; tu chánh kiến cho đến chánh định. Đó là nếu muốn biệt tri
lão tử nên tu Thánh đạo tám chi.
“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Mười biến xứ. Thế nào gọi là nếu
muốn đoạn trừ lão tử nên tu Mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc
Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng
Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ
yếu kém; tu thứ nhất, địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là
vô lượng. Tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, thanh biến xứ,
hoàng biến xứ, xích biến xứ, bạch biến xứ, vô lượng không xứ biến xứ, tu
thứ mười, vô lượng thức xứ biến xứ, bốn duy trên dưới, là không hai, là
vô lượng. Như vậy, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ,
tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Mười biến xứ. Thế nào gọi là nếu
muốn biệt tri lão tử nên tu Mười biến xứ? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc
Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian
Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng
Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ
yếu kém; tu thứ nhất, địa biến xứ, bốn duy, trên dưới là không hai, là
vô lượng. Cũng vậy, tu thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, thanh
biến xứ, hoàng biến xứ, xích biến xứ, bạch biến xứ, vô lượng không xứ
biến xứ, tu thứ mười, vô lượng thức xứ biến xứ, bốn duy, trên dưới, là
không hai, là vô lượng. Đó là nếu muốn biệt tri vô minh nên tu Mười biến
xứ.
“Nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Mười pháp vô học. Thế nào gọi là
nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Mười pháp vô học? Nếu khi Như Lai xuất
thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế,
tuệ yếu kém, tu vô học chánh kiến cho đến tu vô học chánh trí. Đó là
nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Mười pháp vô học. Như vậy, số đoạn, giải
thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.
“Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Mười pháp vô học. Thế nào gọi là
nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Mười pháp vô học? Nếu khi Như Lai xuất
thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật,
Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế,
tuệ yếu kém; tu vô học chánh kiến cho đến tu vô học chánh trí. Đó là
nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Mười pháp vô học.”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
- [01]
Các giai đoạn tu tập tuần tự: số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt,
diệt, chỉ tổng tri và biệt tri: chuyên cần, quyết ý, vượt qua, nhổ sạch,
hoàn toàn tĩnh chỉ.
- [02] Tham chiếu Pháp Uẩn Túc Luận 3 (Đại 26 tr.467c): khởi dục, phát cần, tinh tấn, sách tâm, trì tâm.
- [03] Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần… đều được tu tập theo thứ tự từ tinh cần...
- [04]
Xem Kinh 86 trên.
- [05] Phi phẩm, nơi khác, cũng trong bản Hán này nói là Thú hướng xuất yếu (?).
-ooOoo-