Đại sư Changchup Dorje sinh năm 1703 ở gần Yangtse, tại Kyile
Tsaktor, thuộc tỉnh Derge, miền đông Tây Tạng. Gia đình ngài vốn thuộc
dòng dõi vua Trisong Detsun trước đây. Tuy vậy, vào lúc sinh ra ngài thì
cha ngài là một người người chủ lò gốm. Không lâu trước khi ngài ra
đời, người cha đã nhận được lời dự báo của đại sư Yong-ge Mingur Dorje
rằng gia đình ông sắp có một điều lành trọng đại.
Khi mới được 2 tháng tuổi, một hôm đứa bé bỗng thốt ra thành lời: “Ta là
Karmapa.” Sự kiện kỳ lạ này nhanh chóng được loan truyền khắp nơi. Vì
thế, đại sư Chưkyi Dhưndrup đã gửi ngay một phái đoàn đến để xác minh sự
việc. Sau khi tìm đến nơi, phái đoàn này tin chắc rằng đứa bé mà họ gặp
được chính là vị Karmapa tái sinh, và họ ngay lập tức đưa đứa bé đến
gặp vị Shamarpa. Vị này tiếp xúc với đứa trẻ và tức thời có thể dựa vào
những chỉ dẫn trong di thư của đức Karmapa để nhận ra đây chính là hóa
thân tái sinh của ngài.
Vị Karmapa trẻ tuổi được học tập giáo pháp với nhiều bậc đạo sư xuất
chúng. Những vị thầy đầu tiên của ngài là Tsuglak Tenpi Nyingje, Situ
Chokyi Jungnay và Nyenpa Tulku.
Năm lên 7 tuổi, ngài được đưa đến Karma Gưn để tiếp tục việc học. Sau
đó, ngài đến tu viện ở Kampo Gangra để nỗ lực thực hành thiền định. Một
thời gian sau ngài lại đi đến Nangchen, rồi đến Tsurphu để học tập các
phần giáo pháp cao hơn.
Vào lúc này, người Mông Cổ tiến đánh miền trung Tây Tạng, các vị Lapzang
Khan, Minling Lotsawa Dharma Śrỵ, Padma Gyurme Gyaltsho và nhiều đạo sư
khác của phái Nyingma (Ninh-mã) bị giết chết. Tình hình trở nên hỗn
loạn, rối ren và kéo dài trong 4 năm, khiến cho các tu viện Mindroling,
Dorje Drag và rất nhiều tu viện, chùa chiền khác bị hủy hoại. Nhiều
thánh tích, tài sản, kho tàng bị cướp phá. Phải đợi đến khi đức Đạt-lai
Lạt-ma thứ bảy là Kelsang Gyatso (1708-1757) từ tỉnh Kham trở về Tsurphu
thì tình hình mới lắng dịu, quân Mông Cổ rút đi. Vào lúc này, ngài có
đến viếng thăm đức Đạt-lai Lạt-ma Kelsang Gyatso và cúng dường một số
phẩm vật.
Tại Tsurphu, ngài chia sẻ giáo pháp sâu xa của dòng Karma Kagyu với vị
thầy nổi tiếng của phái Nyingma (Ninh-mã) là Lạt-ma Katok Tsewang Norbu,
và vị này cũng chia sẻ với ngài những giáo pháp truyền thống của phái
Nyingma.
Nhận thấy tình hình chính trị tại Tây Tạng vẫn còn nhiều rối ren, hỗn
loạn, Karmapa Changchup Dorje đã lên đường sang Ấn Độ và Nepal để chiêm
bái các thánh tích Phật giáo. Cùng đi với ngài có các vị Shamar
Rinpoche, Situ Rinpoche và Gyaltsap Rinpoche. Khi đến Kathmandu, phái
đoàn được vua Jagajayamalla vui mừng tiếp đón một cách long trọng và
cung kính. Trong thời gian lưu lại Nepal, ngài có đến thăm viếng và lễ
bái thánh tích Yanglayshod, nơi vị đạo sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava)
đã thành tựu pháp môn thiền định Kim cương trí, dứt sạch mọi chướng ngại
trên đường tu tập.
Vào lúc này, vị quốc vương đã khẩn khoản thỉnh cầu ngài ban phúc ngăn
chặn một trận dịch bệnh đang hoành hành và cầu nguyện mưa xuống để chấm
dứt một giai đoạn hạn hán nghiêm trọng. Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của
vị quốc vương và đề nghị tất cả mọi người cùng quán tưởng về đức Bồ Tát
Quán Thế Âm. Sau buổi quán tưởng, ngài thực hiện một lễ tẩy tịnh bằng
cách dùng nước sạch rảy lên hư không và quán tưởng nước ấy làm sạch cho
cả vùng. Một trận mưa bỗng nhiên đổ xuống và nạn dịch cũng hoàn toàn
chấm dứt. Quốc vương Nepal vui mừng tổ chức một buổi lễ trọng thể để
cùng với tất cả quần thần và nhân dân bày tỏ lòng tôn kính đạo hạnh của
ngài.
Khi sang đến Ấn Độ, ngài đã viếng thăm và lễ bái rất nhiều thánh tích mà trước đây đức Phật Thích-ca đã từng xuất hiện.
Trên đường trở về Tây Tạng, ngài nhận được một lời thỉnh cầu của hoàng
đế Thế Tông (tức Ung Chính) nhà Thanh, mong được ngài đến giảng pháp tại
Trung Hoa. Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu nhưng không đi Trung Hoa ngay
mà tiếp tục trở về Tsurphu.
Trước khi lên đường sang Trung Hoa, ngài dành một thời gian để ẩn cư tu
tập thiền định. Sau đó, ngài viếng thăm thủ đô Lhasa và từ đó thực hiện
một chuyến đi về miền nam Tây Tạng. Trong chuyến đi này, ngài truyền
giảng giáo pháp cho rất nhiều đệ tử. Ngài cũng đã gặp được Surmang
Trungpa Rinpoche và truyền thụ Sáu pháp Du-già của Naropa cùng với giáo
pháp Đại thủ ấn. Sau đó, ngài giao quyền dẫn dắt phái Karma Kagyu cho
đại sư Situ Chokyi Jungnay trong thời gian ngài vắng mặt, rồi lên đường
sang Trung Hoa.
Chuyến đi Trung Hoa của ngài khởi đầu vào năm 1725, có vị Shamar
Rinpoche tháp tùng. Khi đến tỉnh Amdo, ngài có tổ chức một buổi lễ long
trọng để tất cả mọi người cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Khi đi ngang qua hồ Kokonor, ngài cũng tổ chức một buổi lễ tương tự như
vậy.
Sau khi đến Trung Hoa, ngài nỗ lực thực hiện việc truyền giảng giáo pháp
ở nhiều nơi. Trên đường hoằng hóa, ngài luôn được các giới chức cầm
quyền tại mỗi địa phương tiếp đón long trọng. Thông qua những buổi tiếp
xúc với họ, ngài cố gắng truyền dạy tư tưởng bất bạo động và lòng từ bi,
tôn trọng sự sống. Đối với một số Phật tử thuần thành, ngài cũng truyền
dạy các pháp môn tu tập sâu xa hơn.
Năm 1732, ngài và những người cùng đi đến Lan Chu. Tại đây, ngài rằng
biết thời điểm viên tịch đã đến gần nên gửi về cho vị Tai Situpa đời thứ
tám là Chokyi Jungney một di thư, trong đó báo trước những chi tiết về
sự tái sinh của ngài. Sau đó, ngài chấp nhận mắc bệnh đậu mùa và viên
tịch vào ngày 30 tháng 10 năm Thủy Tý (1732). Vị Sharma Rinpoche cũng
mắc bệnh sau ngài 2 ngày và rồi cũng viên tịch. Chokyi Jungney trở thành
người kế thừa giáo pháp của ngài tại Tây Tạng.
Chokyi Jungney sinh năm Thổ Mão (1700) tại vùng Derge, thuộc tỉnh Kham,
miền đông Tây Tạng. Ông cũng được biết đến với tên gọi là Situ Panchen.
Ông đã học tập với vị Shamar đời thứ tám là Chưkyi Dhưndrup và đức
Karmapa đời thứ mười hai là Changchup Dorje và nhận được sự truyền thừa
toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu. Ngoài ra, ông cũng từng nỗ lực
học hỏi với nhiều bậc thầy khác, chẳng hạn như Rikdzin Tsewang Norbu.
Chưkyi Jungney đã đến gặp đức Karmapa và Shamar Chưkyi Dhưndrup khi họ đang trên đường đến Trung Hoa, vào khoảng năm 1725.
Ông là một trong số các học giả nổi tiếng đương thời tại Tây Tạng, và
cũng là một bậc thầy uyên thâm về thiền định. Trong sự nghiệp hoằng pháp
của ông có một thành tựu nổi bật nhất là khảo đính và đốc thúc việc
khắc bản gỗ in các giáo pháp của dòng Karma Kagyu và Tengyu bằng tiếng
Tây Tạng, dưới sự bảo trợ của đức vua xứ Derge. Đây là một ấn bản nổi
tiếng, được cả thế giới biết đến với tên gọi là ấn bản Derge, và được
xem là những bản in chính xác nhất của các phần giáo pháp quan trọng
trong truyền thống Tây Tạng.
Hoạt động hoằng hóa của Situ Panchen phát triển mạnh mẽ và lan rộng. Ông
đã khôi phục, tu sửa và xây dựng mới nhiều tu viện, trung tâm tu học ở
khắp nơi trên đất nước Tây Tạng và xứ Jang.
Situ Panchen là người đã nhận biết và xác nhận hóa thân tái sinh lần thứ
mười ba của đức Karmapa và hóa thân tái sinh của Shamar Rinpoche. Chính
ông đã truyền lại toàn bộ giáo pháp của dòng Karma Kagyu cho vị Karmapa
đời thứ mười ba: Ddul Dorje. Ông viên tịch vào năm 1774, khi được 74
tuổi.