Đại sư Rangjung Dorje sinh tại Dingri Langkor ở vùng Tsang thuộc
miền trung Tây Tạng, vào năm Mộc Thân, tức năm 1284 theo Tây lịch, trong
một gia đình mà cha mẹ đều là các hành giả Tan-tra tu tập theo truyền
thống tông Nyingma (Ninh-mã).
Năm đại sư lên 3 tuổi, điều kỳ lạ đã xảy ra. Một hôm, trong khi đang
chơi đùa với những đứa trẻ khác, ngài bỗng ngồi lại trong tư thế ngay
ngắn và dõng dạc tuyên bố rằng mình là một vị Karmapa.
Khi lên 5 tuổi, ngài tự ý tìm đến gặp Orgyenpa. Trong đêm trước đó,
Orgyenpa có một giấc mộng báo trước việc này nên đã chuẩn bị sẵn sàng để
đón tiếp cậu bé hóa thân này. Ngay khi gặp nhau, Orgyenpa nhận ra ngay
đây chính là hóa thân tái sinh của thầy mình, nên ông trao cho cậu bé
một vương miện kim cương màu đen – biểu tượng của một vị Karmapa hóa
thân – cùng với tất cả những vật sở hữu trước đây của ngài Karma Pakshi
mà ông còn giữ lại.
Từ đó, ngài Rangjung Dorje được đưa đến nuôi dưỡng và dạy dỗ tại
Tsurphu. Ngài không chỉ được truyền dạy toàn bộ giáo pháp của dòng Karma
Kagyu mà còn được học cả những giáo pháp truyền thống của phái Nyingma
(Ninh-mã).
Vào năm 17 tuổi (1301), ngài được truyền thụ những giáo pháp và nghi lễ
cần thiết để chuẩn bị xuất gia. Sau đó, ngài trải qua một thời gian ẩn
cư tu tập trên sườn núi Everest, rồi chính thức thọ giới cụ túc để trở
thành một vị tỳ-kheo. Thời gian sau, ngài đến học tập nghiên cứu chuyên
sâu ở một trung tâm tu học lớn thuộc dòng Khadampa.
Không tự hài lòng với những gì đã học được, ngài tiếp tục tìm đến cầu
học với nhiều bậc danh sư và học giả đương thời thuộc nhiều truyền thống
khác nhau. Khi hoàn tất quá trình tham học, ngài trở thành vị học giả
đầu tiên của Tây Tạng tinh thông hầu như tất cả các học thuyết và kinh
điển hiện có tại Tây Tạng vào thời đó. Ngài chứng tỏ một năng lực học
tập siêu phàm và một sự khát khao kiến thức chưa từng có về đủ mọi
phương diện học thuật.
Trong một lần nhập định vào năm 34 tuổi (1318), ngài nhìn thấy một số
linh ảnh và qua đó nhận được sự truyền dạy về giáo pháp Thời luân
(Klacakra). Sau đó, ngài là người đã cải tổ lại hệ thống thiên văn học
của Tây Tạng để trở nên chính xác và hoàn chỉnh hơn. Hệ thống này cho
đến nay vẫn còn được sử dụng với tên gọi là hệ thống Tsur-tsi, hay còn
gọi là hệ thống thiên văn theo truyền thống Tsurphu. Hệ thống này được
sử dụng làm nền tảng cho việc tính toán lịch pháp ở Tsurphu. Ngài cũng
nghiên cứu tinh thông nền y học đương thời của Tây Tạng.
Đặc biệt, ngài học tập thông thạo cả giáo pháp truyền thống Đại cứu cánh
(Vimalamitra) của tông Nyingma (Ninh-mã). Qua đó, ngài hợp nhất giáo
pháp Đại thủ ấn (phyachen) của dòng Karma Kagyu và giáo pháp Đại cứu
cánh (dzogchen) của dòng Nyingma để hình thành một chi phái mới là Karma
Nyingtik.
Sự uyên bác của ngài được tất cả các học giả đương thời thừa nhận và
kính phục, bởi ngài đã đạt đến mức tinh thông hầu như tất cả các giáo
pháp khác nhau được các bậc thầy khác nhau truyền dạy, cả trong giai
đoạn cổ sơ cũng như vào thời kỳ chấn hưng Phật giáo tại Tây Tạng. Ngài
cũng nghiên cứu sâu và so sánh tất cả các phần giáo pháp đã học để rút
ra những phần tinh túy nhất và biên soạn thành nhiều tác phẩm luận giải
cực kỳ quý giá. Nổi tiếng nhất trong số đó là cuốn luận Nội pháp vi diệu
nghĩa (zab-mo-nang-don), trong đó nêu lên những điểm tinh yếu nhất của
giáo pháp Kim cương thừa (Vajra¬yna).
Về sau, ngài đi khắp nước Tây Tạng để truyền dạy giáo pháp. Danh tiếng
của ngài vang xa đến tận triều đình Trung Hoa. Lúc bấy giờ, Mông Cổ đã
chiếm Trung Hoa (kể từ năm 1279) và lập nên nhà Nguyên. Hoàng đế nhà
Nguyên khi ấy là Văn Tông sai người sang thỉnh cầu ngài đến Trung Hoa
truyền pháp. Nhằm mở rộng sự giáo hóa, ngài chấp nhận lời thỉnh cầu đó
và lên đường đến Trung Hoa. Tuy nhiên, trên đường đi ngài nhìn thấy một
số linh ảnh và biết là Văn Tông đã băng hà. Khi ngài đến triều đình
Trung Hoa vào tháng 10 năm 1332 thì quả thật vua Văn Tông đã mất. Tuy
nhiên, triều đình vẫn đón tiếp ngài rất trọng thể, và ngài làm lễ truyền
pháp cho một đệ tử ở đó là Thiếp Mộc Nhĩ, người sẽ kế vị ngai vàng.
Ngài đã khuyên ông này nên chờ đợi trong 6 tháng trước khi lên ngôi. Khi
làm lễ truyền pháp cho ông này, ngài đã dự báo rằng ông sẽ là vị vua
cai trị lâu dài nhất so với tất cả các vị vua triều Nguyên. Quả nhiên,
sau khi lên ngôi, Thiếp Mộc Nhĩ lấy hiệu là Thuận Đế và trị vì đến 35
năm, lâu nhất trong số các vua triều Nguyên.
Ngài ở lại Trung Hoa trong 2 năm sau đó và thành lập nhiều tự viện, trung tâm tu học. Sau đó, ngài lên đường trở về Tây Tạng.
Về đến Tây Tạng, ngài tiếp tục công việc hoằng hóa khắp nơi và thành lập
được rất nhiều tu viện. Sau đó, nhận lời mời của Nguyên Thuận Đế, ngài
lên đường sang Trung Hoa một lần nữa.
Chuyến đi này trở thành cuộc hoằng hóa cuối cùng của ngài. Trên suốt
chặng đường đi, ngài dừng lại rất nhiều nơi để giảng dạy giáo pháp và
tiếp nhận rất nhiều đệ tử. Khi đến Trung Hoa, ngài cũng thành lập tại
đây một ngôi chùa lớn, về sau trở thành trụ xứ của phái Karma Kagyu tại
nước này. Tương truyền ngài đã dùng sức chú nguyện để hóa giải một trận
thiên tai dữ dội, giúp nhân dân thoát khỏi nạn đói kém.
Vua Thuận Đế và hoàng hậu hết mực tôn kính ngài như bậc thầy vĩ đại nhất
nên thường xuyên đến thăm viếng để được nghe những lời dạy bảo của
ngài.
Ngày 14 tháng 6 năm 1339, ngài nói với vua Thuận Đế và hoàng hậu là mình
sắp viên tịch. Sau đó, ngài nhập định và viên tịch trong tư thế đại
định. Vào đêm hôm đó, tất cả mọi người đều nhìn thấy hình ảnh của ngài
hiện ra giữa mặt trăng sáng rõ trên bầu trời trong xanh.
Trước khi viên tịch, đức Karmapa đời thứ ba đã giao lại vai trò đứng đầu
dòng Karma Kagyu cho vị đệ tử lớn của mình là Gyalwa Yungtưnpa, cùng
với trách nhiệm tìm ra và giao lại cương vị này cho hóa thân tái sinh
của ngài là vị Karmapa đời thứ tư.
Gyalwa Yungtưnpa ra đời vào năm Mộc Tỵ (1296), trong một gia đình tu tập
theo truyền thống Tan-tra của phái Nyingma (Ninh-mã), tại Tsongdu Gurmo
thuộc miền nam Tây Tạng. Ông được cha mẹ đặt tên là Dorje Bm.
Từ thuở nhỏ ông đã bắt đầu theo học đầy đủ các ngành học và chứng tỏ một
khả năng xuất chúng trong việc tiếp nhận kinh điển và giáo pháp
Tan-tra. Phần lớn thời gian học tập của ông là ở Shalu. Ông được Zur
Champa Senge truyền dạy các phần giáo pháp Du-già của pháp môn Đại cứu
cánh (Dzogchen). Sau đó ông cũng được Shangpa Shakbum truyền dạy các
giáo pháp Yamantaka Abhisheka. Ông học hỏi và tu tập một cách chuyên cần
dưới sự dẫn dắt của nhiều bậc thầy danh tiếng.
Khi còn trẻ, Gyalwa Yungtưnpa đã cúng dường nhiều khoản tiền lớn cho các
tự viện ở Sakya, Trophu, Shalu, và Sangphu. Ông đã lập gia đình theo ý
muốn của mẹ ông, nhưng ngay khi đứa con đầu tiên vừa chào đời, ông đã
xin phép được xuất gia. Yêu cầu của ông được gia đình chấp nhận, và ông
trở thành một vị tỳ-kheo với pháp hiệu là Dorje Pal.
Sau đó, ông gặp được đức Karmapa đời thứ ba là Rangjung Dorje và được
ngài nhận làm đệ tử, truyền thụ cho toàn bộ giáo pháp truyền thống của
dòng Karma Kagyu. Không bao lâu sau đó, ông đã đạt được sự chứng ngộ sâu
xa. Ông tiếp tục tu tập tại Tây Tạng cũng như ở các vùng Paro và Bhutan
trong nhiều năm sau đó.
Ông đã biên soạn nhiều bản luận văn trình bày những nhận thức mới về
tánh Phật trong kinh điển và các Tan-tra. Điều này đã gây ấn tượng mạnh
mẽ đối với các học giả đương thời. Nhiều luận sư đã cùng ông tranh biện
và bị ông khuất phục, chẳng hạn như luận sư Yakde Panchen, sau đó đã trở
thành đệ tử của ông.
Ông bộc lộ những phẩm chất của một bậc ẩn sĩ Du-già và tấm lòng vị tha
quảng đại lợi ích cho muôn loài. Ông viên tịch vào năm Mộc Tỵ (1376) khi
được 82 tuổi, sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ được đức Karmapa đời thứ ba
giao phó. Đó là tìm ra và giao lại vai trò dẫn dắt tông phái cho hóa
thân tái sinh của ngài: đức Karmapa đời thứ tư Rolpe Dorje. Có nhiều
hiện tượng mầu nhiệm cho thấy sự chứng ngộ của ông đã xảy ra ngay trong
ngày ông viên tịch.