MỤC LỤC
Lời giới
thiệu
Tác Giả
Cách phát âm chữ Phạn
Lời tựa
PHẦN I - PHẬT GIÁO Ở ẤN ĐỘ
1. Bối
cảnh Ấn Độ cổ đại - Tiền sử Phật giáo
Nền văn minh lưu vực sông Indus
Văn hóa Vêđa
2. Đức Phật
3. Lời dạy của Đức Phật
Các
bậc hiểu biết
Tuệ giác của Đức Phật
4. Đường Giác ngộ
Giới (śīla)
Định (samādhi)
Các nhân tố giác ngộ (bodhyaṅgas)
Mục tiêu
5. Tăng
già đầu tiên
6. Các đại hội
Đại hội thứ nhất
Đại hội thứ hai
Các đại hội khác
7. Sự phát triển của Tăng già
(cho tới TK I trước CN)
Tổ chức của Tăng già
Trú xứ của Tăng già
Những phát triển về việc hành đạo
Những ảnh hưởng chính trị - sự bảo trợ và việc ngược đãi của nhà nước
8. Các trường phái Phật giáo
Bối cảnh việc hình thành các
trường phái Phật giáo
Các trường phái ngoài Đại thừa
9. Tam
tạng kinh điển - Phật giáo chính truyền
Luật tạng
Cấu trúc của kinh tạng (sūtra piṭaka)
10. Vi diệu pháp (Abhidharma)
Định nghĩa
Nguồn gốc và bối cảnh
Khía cạnh văn học
Các sách thuộc bộ Luận tạng của Theravāda
Các sách thuộc bộ Luận tạng của Sarvāstivādin
11. Nguồn gốc của Đại thừa
12. Các kinh Đại thừa - kinh điển mới
Nguồn gốc
Kinh Bát nhã ba la mật đa (prajñāpāramitā sūtra)
Kinh Diệu pháp liên hoa (Saddharma-puṇḍarīka sūtra hay lotus sūtra)
Kinh Sukhāvatī-vyūha sūtra
Kinh Vimalakīrti-nirdeśa
Các kinh Samādhi
Các kinh Sám hối
Kinh Buddhāvataỵsaka (hay avataỵsaka)
Các kinh Duy thức
Các kinh Tathāgatagarbha
Các tuyển tập Kinh
Các kinh về Luân hồi
Các kinh về "Giới luật"
Các kinh về các Nhân vật
13. Lý
tưởng siêu nhiên mới: vị Bồ tát
Con
đường Bồ tát
14. Các trường phái Đại thừa (I)
- Trường phái Madhyamaka
15. Các trường phái Đại thừa (II) - Trường phái Yogācārin
Học thuyết Ba bản tính
Việc thực hành của Yogācārin
Kết luận về các trường phái Đại thừa
16. Học thuyết Tathāgatagarbha
17. Phái Tantra và Phật giáo Mật tông
18. Sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ
PHẦN II- PHẬT GIÁO Ở NGOÀI ẤN ĐỘ
19. Phật giáo ở Sri Lanka
20. Phật giáo ở Đông Nam Á
Miến Điện
Căm Bốt
Thái Lan
Việt Nam
Inđônêxia
21. Phật giáo tại Trung Á và Kashmir
22. Phật giáo ở Trung Quốc
Các trường phái Ấn Độ ở Trung
Hoa
Các trường phái Phật giáo - Bản gốc Trung Hoa:
Thiên thai, Hoa nghiêm, Thiền, Tịnh độ
Giai đoạn cuối của Phật giáo Trung Hoa
23. Phật giáo ở Triều Tiên
24. Phật giáo ở Nhật Bản
Các
hình thức Phật giáo Nhật Bản
25. Phật giáo ở Tây Tạng
Thời kỳ truyền đạo đầu tiên
Thời kỳ truyền đạo lần thứ hai
Các dòng Phật giáo Tây Tạng
26. Phật giáo ở Mông Cổ
27. Phật giáo ở Nêpal
28. Phật giáo ở Ba Tư
Chú
thích
LỜI GIỚI THIỆU
Quyển
"Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới" mà quý độc giả hiện có
trong tay do Andrew Skilton tức Đại đức Dharmacari Sthiramati biên soạn bằng
Anh ngữ, được Tu sĩ Nguyễn Văn Sáu dịch ra tiếng Việt, giới thiệu một cách bao
quát về sự phát triển của Phật giáo ở Ấn Độ và các nước trên thế giới. Trong
tựa đề nguyên tác, tác giả chỉ ghi là "Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo"
(A Concise History Of Buddhism) nhưng tựa đề bản dịch tiếng Việt ghi
thêm từ "Thế Giới" có lẽ vì dịch giả nhận thấy một phần ba số trang
của quyển sách đề cập đến sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở các nước châu
Á nói riêng và thế giới nói chung.
Hiện nay, có ít nhất ba quyển
sách giới thiệu về Phật Giáo Thế Giới:
Quyển thứ nhất có tựa đề là
"2500 Năm Phật Giáo" (2500 Years of Buddhism) dày hơn
400 trang, do một tập thể tác giả biên soạn dưới sự chủ biên của giáo sư P.V.
Bapat, được bộ Thông Tin và Tuyên Truyền của Chính phủ Ấn Độ xuất bản lần đầu
vào năm 1956, được Nguyễn Đức Tư và Hữu Song dịch ra tiếng Việt và NXB Văn Hóa
Thông Tin xuất bản năm 2002. Mặc dù, tựa đề tác phẩm đề cập đến chiều dài 2500
năm của Phật giáo, nội dung của tác phẩm lại nhấn mạnh đến việc giới thiệu các
phương diện khác nhau của Phật giáo như văn học Phật giáo, nền giáo dục Phật
giáo, nghệ thuật Phật giáo, thánh địa Phật giáo, tín đồ Phật giáo, các công
trình nghiên cứu về Phật giáo; dĩ nhiên cũng có chương giới thiệu về nguồn gốc
của đạo Phật, bốn thời kỳ biên tập Kinh điển Phật giáo, các trường phái Phật
giáo. Cách tiếp cận học đường như vậy tuy phong phú nhưng lại khó giúp cho độc
giả nắm bắt được tiến trình phát triển của Phật giáo trải qua chiều dài lịch sử
mấy ngàn năm ở khắp năm châu và bốn biển.
Quyển thứ hai là quyển "Phật
Giáo Khắp Thế Giới" (gần 500 trang) của Đại đức Thích Nguyên Tạng biên
soạn và xuất bản tại châu Úc vào năm 2001. Tác phẩm này thực ra là tuyển tập
các bài biên dịch bao quát của tác giả đăng tải trên báo và nguyệt san Giác Ngộ
từ năm 1990 đến 2001 (dĩ nhiên đã đưa lên trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, http://buddhismtoday.com
và trang nhà Quảng Đức, http://quangduc.com) về ba phương diện: a) xứ sở
Phật giáo, b) nhân vật Phật giáo và c) các sự kiện Phật giáo khắp thế giới.
Quyển sách nhấn mạnh đến sự ra đời và phát triển của Phật giáo ở 20 nước thuộc
châu Âu, châu Mỹ và châu Úc, bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Triều
Tiên, Thái Lan. Đóng góp chính của tác phẩm này là ở chỗ ngoài 20 nước có sự
hiện diện của Phật giáo, còn giới thiệu các tổ chức, hội đoàn, các nhân vật
Phật giáo nổi tiếng và các sự kiện Phật giáo quan trọng xảy ra trong suốt quá
trình mà Phật giáo đã du nhập vào các nước có nền văn minh hoàn toàn xa lạ với
đạo Phật.
Quyển thứ ba là quyển "Phật
Giáo Việt Nam và Phật Giáo Thế Giới" của cư sĩ Nhất Tâm và Thiền sư
Đinh Lực biên soạn và được NXB Văn Hóa Thông Tin ấn hành vào năm 2003. Phần
lịch sử Phật giáo gồm 200 trang, trong khi phần giới thiệu về Thiền và Phật
giáo chiếm hơn 400 trang. Điều rất ngạc nhiên là cư sĩ Nhất Tâm đã copy (?)
nguyên xi toàn bộ phần này của Đại đức Thích Nguyên Tạng, với vài thay đổi nhỏ
về cách xếp thứ tự của các nước Phật giáo trong mục lục, mà không nói rõ xuất
xứ trong lời nói đầu, làm cho người đọc có cảm giác cư sĩ Nhất Tâm chính là tác
giả của phần này, thay vì Đại đức Thích Nguyên Tạng!
Sở dĩ chúng tôi điểm qua ba
quyển sách trên là vì nhờ so sánh với bố cục của chúng mà chúng ta thấy được sự
đóng góp của tác giả Andrew Skilton trong tác phẩm của mình.
Tác giả đã dành hai phần ba sách
giới thiệu về Phật giáo của Ấn Độ, vì đây là cái nôi đã khai sinh ra đạo Phật.
Trong phần này, tác giả giới thiệu bối cảnh Ấn Độ cổ đại trước khi Phật giáo ra
đời để giúp cho độc giả thấy được sự đóng góp to lớn của đức Phật cho lịch sử
tôn giáo và văn minh Ấn Độ nói riêng và Ấn Độ nói chung. Tác giả đã trình bày
một đức Phật lịch sử, với những lời dạy về đạo đức và trí tuệ rất đặc sắc, loại
bỏ các yếu tố thần quyền và huyền thoại. Con đường hoằng pháp của Phật, giáo
đoàn đầu tiên của Ngài, sự phân chia giáo phái Phật giáo do bất đồng về quan
niệm Giới luật, học thuyết và phương thức hành trì, các đại hội biên tập Kinh
điển, ba kho tàng kinh sách Phật giáo v.v... đã được tác giả trình bày rất cô
động và rõ ràng. Các trường phái chính của Phật giáo Đại thừa hay còn gọi là
Phật giáo phát triển, như Trung Quán Tông (Madhyamaka), Duy Thức Tông (Yogācāra)
và Mật Tông (Tantric Buddhism) cũng như một số học thuyết quan trọng của
Phật giáo Đại thừa đã được tác giả trình bày rất khách quan và nghiêm túc.
Nguyên nhân của sự suy tàn Phật giáo tại Ấn Độ cũng là mối quan tâm của tác
giả, vì nó giúp cho các giáo hội Phật giáo ngày nay tránh được vết xe lịch sử.
Riêng về phần Phật giáo ở ngoài
Ấn Độ, tác giả chỉ giới thiệu các nước thuộc châu Á như Nepal, Tích Lan, Miến
Điện, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Tây Tạng, Mông Cổ,
Ba Tư (nay là Iran) và vài nước Trung Á. Sự du nhập và tương tác của Phật giáo
trong các nền văn hóa châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Úc lẽ ra là phần mà
tác giả nên chú trọng tương đương với các nước châu Á, lại không được đề cập
đến. Có lẽ chủ ý của tác giả là nhằm giới thiệu các hình thái của đạo Phật ở
châu Á cho người phương Tây, hơn là sự xuất hiện quá mới mẻ của Phật giáo ở các
xứ sở của họ.
Riêng về bản dịch, Đại đức Thiện
Minh đã để nguyên nhân danh và địa danh có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, theo
mặc ước học đường. Tên của các tác phẩm, dịch giả cũng giữ nguyên nguyên bản.
Đối với độc giả Việt Nam có thói quen đọc nhân danh, địa danh nước ngoài theo
phiên âm Hán Việt, dịch giả nên chua phần phiên âm và dịch nghĩa được sử dụng
quen thuộc trong các sách Phật học từ trước đến giờ, để độc giả khỏi ngỡ ngàng
khi gặp các từ nước ngoài.
Tác phẩm này được xem như một
quyển sổ tay cho các du khách Việt Nam có thể tự mình cất bước trên cuộc hành
trình tìm về quê hương của Phật giáo cũng như những nước mà giáo lý Phật giáo
đã trở thành một phần văn hóa tinh thần của người địa phương. Nhờ cuộc tự hành
trình không mạo hiểm nhưng đầy thú vị của quyển sách này, quý độc giả sẽ thấy
được tính thích ứng của Phật giáo ở mọi thời và mọi nơi, không giới hạn trong
quốc gia, sắc tộc hay tôn giáo.
Phật giáo lúc đầu xuất hiện như
một "viếng sáng châu Á" nhưng dần dần đã trở thành ánh đạo vàng của
Đông Tây, hiện hữu ở mọi châu lục, đáp ứng được nhu cầu cao cấp của đời sống
tâm linh của nhân loại, không lệ thuộc vào thần quyền, tha lực, nhưng đặt nặng
sự chuyển hóa tâm tư bằng những nỗ lực tự thân như thiền định, đời sống đạo đức
và nhận thức tuệ giác.
Vấn đề chính yếu của người Phật
tử Việt Nam không phải là làm thế nào để truyền bá Phật giáo sâu rộng ở các
nước phương Tây, mà là làm thế nào để Phật giáo Việt Nam có lịch sử trên dưới
2000 năm tại đất nước con Rồng cháu Tiên. Hy vọng rằng quyển Đại Cương Lịch
Sử Phật Giáo Thế Giới sẽ giúp độc giả Việt Nam nhìn thấy được các thành tựu
ngoạn mục của Phật giáo ở Âu Mỹ trong vòng 200 năm để nhìn lại chính mình đã,
đang và sẽ làm gì cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, trong bối cảnh của
cuộc cách mạng tin học hiện nay.
Trên tinh thần này, chúng tôi
xin trân trọng giới thiệu dịch phẩm này đến với quý độc giả.
Giác Ngộ, ngày 30-10-2003
Kính ghi, Đại đức Thích Nhật Từ
TÁC GIẢ
Sinh tại
Croydon, nước Anh, năm 1957, ANDREW SKILTON đã bắt đầu quan tâm đến Phật giáo
nhiều năm trước khi ông được thụ giới để trở thành một Tỳ khưu của Phật giáo
Phương Đông năm 1979, và nhận Pháp danh Sthiramati. Ông đã hoạt động nhiều năm
trong việc phát triển một trung tâm Phật giáo ở Croydon, trước khi ông đến
Briston và khởi xướng những hoạt động của trung tâm Phật giáo Briston năm 1980.
Ngày càng được lôi kéo nhiều hơn vào việc nghiên cứu giáo lý và lịch sử Phật
giáo, ông miệt mài học tập và năm 1988 ông tốt nghiệp Cử nhân Thần học và Tôn giáo
tại Đại học Bristol. Sau khi bắt đầu học tiếng Phạn và tiếng Pāli tại đây, ông
đã dành ba năm để nghiên cứu riêng, dịch và viết sách, trước khi ông đến Oxford
năm 1991 để bắt đầu nghiên cứu chuẩn bị cho một luận án về kinh Samādhirāja
Sūtra.
Hiện ông đang là một nghiên cứu
sinh tại Học viện College, Oxford, và là thành viên của Hội Hoàng gia về châu
Á. Cộng tác với Kate Crosby, ông vừa hoàn thành một bản dịch và nghiên cứu về
tác phẩm Bodhicaryāvatāra của Śāntideva, được Oxford University Press xuất bản
năm 1995 trong bộ sách Các Tác Phẩm Cổ Điển của Thế Giới.
CÁCH PHÁT ÂM CHỮ
PHẠN
Trong
sách này, các thuật ngữ chuyên môn thường được trích dẫn bằng tiếng Phạn thay
vì tiếng Pali, trừ khi trích trực tiếp từ bản văn gốc Pali. Tất cả các tham
chiếu về kinh điển Pali đều dựa trên các ấn bản của Hội Pali Text. Khi số tham
chiếu nói về cả một kinh Sutta, thì chỉ ghi số của kinh Sutta đó. Khi tham
chiếu nói về một đoạn trích trong một kinh, thì có ghi cả số quyển và số trang
của bản văn Pali (theo lối thực hành quy ước). Trong các bản dịch tiếng Anh do
Hội Pali Text xuất bản, những số này thường được in ở đầu trang, phần lề phía
trong.
Việc dùng các thuật ngữ bằng chữ
Phạn và Pali trong sách này là không thể tránh được. Chúng được in với các dấu
phụ (âm tiết, trọng âm) được sử dụng để chuyển âm 48 chữ cái của tiếng Phạn
sang 25 chữ cái của tiếng Latinh. Những bạn độc giả không biết tiếng Phạn và
tiếng Pali có thể thấy rắc rối, nhưng hướng dẫn dưới đây sẽ cho các bạn những
âm xấp xỉ tương đương với các âm tiếng Việt. Các nguyên âm "ngắn" (a,
i, u) được phát âm ngắn hơn các nguyên âm "dài" (ā, ī, ū).
Dấu trọng âm thường rơi vào âm tiết áp chót của một từ, trừ khi âm tiết này có
một nguyên âm ngắn theo sau là một phụ âm, trong trường hợp này dấu nhấn được
chuyển ngược trở về phía trước tới một âm tiết không có những đặc tính đó. Ví
dụ, trọng âm được đặt ở âm tiết đầu tiên trong từ sāsana. Mỗi khi có
thể, các thuật ngữ kép được gạch nối để giúp dễ đọc.
Dưới đây là một ít hướng dẫn về
cách phát âm:
Nguyên âm:
a giống như a trong cát
ā giống như a trong cam
i giống như i trong ít
ī giống như i trong chim
u giống như u trong út
ū giống như u trong thun
e giống như ê trong tê
o giống như ô trong ô tô
ai giống như ai trong hai
au giống như ao trong sao
Phụ âm:
g giống như g trong ga
c giống như ch trong chào
j giống như d trong dao
ś và ş giống như s trong sang
d đọc như đ trong tiếng Việt.
t đọc như t trong tiếng Việt.
Các âm mũi: ṅ, ñ, ṇ, n, và m:
Trước một phụ âm, đọc giọng mũi
bình thường kèm theo phụ âm đi liền nó:
ṅk đọc như
ngk
ṅg đọc như ng
ñc đọc như ngch
ñj đọc như ngd
ṇ đọc như n
m đọc giống m tiếng Việt
Trước một nguyên âm: ñ
giống như nh trong nhà
Các phụ âm có tiếng gió như: gh,
ch, th,. . . . đọc giống trong tiếng Việt.
Các phụ âm đôi đọc đầy đủ cả hai
phụ âm: sadda đọc là xáđ-đa
LỜI TỰA
Có thể
nói về Phật giáo bằng nhiều cách khác nhau. Trong số những thuật ngữ xấp xỉ
đồng nghĩa với nhau, tôi thấy gama là một thuật ngữ có ý nghĩa đặc biệt phong
phú. Nó dùng để nói về một di sản kinh điển được lưu truyền từ đời nọ sang đời
kia, đặc biệt là những bài giảng của Đức Phật, cũng được gọi là gama trong
những trường phái Phật giáo Ấn Độ sử dụng tiếng Phạn làm ngôn ngữ viết. Hiểu
theo nghĩa hẹp hơn, thuật ngữ này có nghĩa là "cái gì đến" theo nghĩa
là một cái gì được lưu truyền tới chúng ta bằng một truyền thống có sẵn, và vì
vậy, theo tôi, nó không chỉ nói về một sưu tập các văn bản, mà còn bao gồm
những phương pháp đã được công nhận trong việc chú giải, hiểu, và áp dụng những
bản văn đó - rồi đến lượt những phương pháp này lại được chấp nhận và làm giàu
thêm bởi những tổ chức của Phật giáo. Chính vì những hàm ý rộng lớn này mà tôi
thấy thuật ngữ gama giàu ý nghĩa nhất, vì nó nhấn mạnh rằng Phật giáo là một
cái gì được để lại, được lưu truyền lại qua các thế hệ Phật tử nối tiếp nhau
trong suốt 25 thế kỷ qua.
Tuy có sự nối tiếp liên tục này,
truyền thống Phật giáo lại vô cùng khác biệt, và đây là lý do chính thúc đẩy
tôi viết ra cuốn sách thuộc loại này. Cách đây khoảng 18 năm, khi tôi thực sự
tiếp xúc với Phật giáo lần đầu tiên, tôi mang một cảm giác ngạc nhiên, sửng
sốt, thất vọng, và hoang mang vì sự khác biệt này - nhưng ở đây tôi không muốn
xác định cảm giác nào là mạnh hơn. Chủ yếu lần sơ ngộ đó đã cho tôi một nguồn
cảm hứng để cố gắng tìm ra những lý tưởng nòng cốt của Phật giáo, nhưng cũng
còn có cảm giác vui khóai, thích thú, và đôi khi bán tín bán nghi đối với một
số điều mâu thuẫn bề ngoài hay thực sự của nó. Dần dà, nó đã tạo cho tôi một sự
tò mò không thể nào dập tắt.
Tôi không phải người đầu tiên
cảm nghiệm sự tò mò này, vì truyền thống Phật giáo đã có biết bao thế hệ sử gia
trước thế hệ của chúng ta rồi. Tôi càng không phải người duy nhất ở thế kỷ này
đã chứng kiến sự đua nở của vô số các cố gắng nhằm tháo gỡ những nút thắt của
các truyền thống địa phương, để đan kết lại thành một lịch sử duy nhất về Phật
giáo. Tôi luôn luôn tự đặt ra những câu hỏi về truyền thống, những câu hỏi mà
đôi khi hình như không có câu trả lời đầy đủ hay không phù hợp với đầu óc hoài
nghi của tôi. Tôi không nghi ngờ cuốn sách này phản ánh sự thôi thúc đó, nhưng
tôi luôn xác tín rằng mang tâm trạng hoài nghi không phải là vô đạo, cũng không
phải là thiếu đức tin. Dù sao, nó cũng có những nguy hiểm, đặc biệt nếu chúng
ta để mình rơi vào thái độ ngạo mạn hay bất cần đời, và tôi hi vọng tôi đã
tránh được cả hai mối nguy hiểm này khi viết về truyền thống Phật giáo trong
cuốn sách này.
Tôi có nhiều tham vọng khi viết
cuốn "lịch sử" này. Nó được bắt đầu do lời yêu cầu của Dharmacri
Lokamitra, để đáp ứng những nhu cầu của một chương trình nghiên cứu của trường
Trailokya Bauddha Mahsangha Sahayak Gana. Tuy nhiên, nó cũng được viết cho một
thành phần độc giả rộng hơn, với hi vọng rằng, tuy ngắn gọn, nó có thể mang lại
lợi ích cho bất cứ ai muốn có một hình ảnh toàn diện về lịch sử phát triển của
Phật giáo.
Tôi hi vọng quyển sách này sẽ
cung cấp một cái nhìn tổng thể về lịch sử Phật giáo để làm cơ sở nghiên cứu xa
hơn, dù là về Giáo pháp hay về lịch sử. Tôi tin rằng cuốn sách này có thể hữu
ích cả cho những người muốn tìm hiểu Phật giáo lẫn những tín đồ Phật giáo, cả
hai có lẽ đều đã có một số hiểu biết về Phật giáo rồi, nhưng muốn có một cái
nhìn tổng thể để có thể đi sâu hơn và chuyên môn hơn, hay để làm bối cảnh đối
chiếu các kinh nghiệm của bản thân họ về Giáo pháp.
Tôi xác định tôi đã dành phần
lớn cuốn sách này để nói về lịch sử Phật giáo Ấn Độ, và chỉ trình bày lịch sử
này cho tới thế kỷ XIX mà thôi. Việc mô tả lịch sử Phật giáo hiện đại không
phải là mục tiêu tôi đề ra cho mình khi đặt bút viết cuốn sách này, và tôi mừng
vì đã trung thành với sự giới hạn này. Tuy nhiên, tôi hi vọng tác phẩm này có
thể giúp độc giả có một cái nhìn quân bình hơn về sự phát triển của Phật giáo
trong thế giới ngày nay, và có thể đạt được một sự hiểu biết tận ngọn nguồn
những hình thức Phật giáo mà chúng ta sẽ gặp trong cuộc sống của thế giới hiện
đại.
Có thể một số Phật tử cảm thấy
chướng tai khi nghe nói đến một lịch sử Phật giáo, vì họ vẫn coi lịch sử này
chỉ như là những tia sáng chợt loé lên rồi vụt tắt và chỉ là một thứ trang sức
không cần thiết cho công việc chủ yếu là thành thạo giáo thuyết và thực hành.
Tôi cũng nhìn nhận rằng cốt tuỷ của Phật pháp là phi lịch sử, theo nghĩa nó nói
về những chân lý phổ quát và nhắm vào thân phận phổ quát của con người, nhưng
lịch sử của Giáo pháp cũng tỏ lộ cho chúng ta thấy những cố gắng mà các bậc
tiền bối của chúng ta đã làm để thể hiện giáo lý và thực hành trong đời sống xã
hội, và để khắc phục được cản trở to lớn nhất trong việc đạt mục tiêu ấy - đó
là bản tính con người. Là những Phật tử thời nay, chúng ta sẽ rơi vào nguy hiểm
nếu chúng ta bỏ qua những bài học lịch sử của mình.
ANDREW SKILTON
(Dharmacari Sthiramati)