Lời
nói đầu
Sau khi xuất bản tác
phẩm “Tìm hiểu đạo Phật nguyên thủy”, có một số người thắc mắc hỏi
tại sao tôi là người xuất gia tu học theo truyền thống Phật giáo Đại
thừa, nhưng lại nghiên cứu Phật giáo Tiểu thừa (Nguyên thủy)? Trước
nhất, xin xác nhận rằng, tôi xuất gia trong truyền thống Phật giáo
Đại thừa, là đệ tử của cố Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Tân (Chùa
Thiền Lâm), pháp đệ của cố HT. Thích Đổng Minh. Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa, tôi không được
nghiên cứu Phật giáo Tiểu thừa. Đứng
về mặt nghiên cứu, tìm hiểu lời Phật dạy, với tôi không có sự phân
biệt Đại hay Tiểu, tất cả đều là Phật pháp, chẳng qua là ngang qua dòng thời gian và không gian, mỗi giai đoạn lịch sử có những yêu cầu khác
nhau, có điểm đặc thù riêng
của nó, vì để đáp ứng con người và thời đại đó, cho nên Phật giáo hình thành các hệ tư tưởng Tiểu
thừa hay Đại thừa, tông phái khác
nhau. Sự dị biệt của các tông
phái chỉ mang ý nghĩa, đứng từ một góc độ khác để lý giải về giáo pháp của Phật, vì
mục đích thích ứng giải quết những vấn đề mà con người xã hội đó yêu cầu quan tâm, nhưng tinh
thần giáo dục của Phật vẫn không khác. Điều đó biểu thị qua
nội dung và hình thức trình bày
của một bản kinh, luật hay luận, nó phản ảnh cách suy tư lý
giải của con người trong xã hội đó. Như vậy ý nghĩa của
những tác phẩm này luôn gắn liền với bối cảnh cụ thể của xã hội đó.
Hơn nữa, đề cập đến
Phật giáo Ấn Độ là đề cập đến cả quá trình phát triển của đạo Phật ở
Ấn Độ, nghĩa là khi đạo Phật xuất hiện cho đến khi đạo Phật bị mai
một ở Ấn Độ. Trong quá trình diễn biến đó, chúng ta không nên cắt
xén, lấy một giai đoạn lịch sử nào hay một hình thái sinh hoạt nào,
để rồi vội vã đi đến kết luận Phật giáo Ấn Độ phải như
thế này, không phải như thế kia.
Càng buồn cười hơn nữa, đôi khi
chúng ta lấy một quan điểm nào đó không liên hệ gì đến Phật giáo Ấn
Độ, lại tự cho rằng đó là lời Phật dạy. Theo tôi, muốn tìm hiểu Phật
giáo Ấn Độ là gì, trước tiên chúng ta cần phải tìm hiểu toàn bộ quá
trình phát triển tư tưởng của Phật giáo ở Ấn Độ. Nếu không như vậy sẽ
rơi vào trường hợp ngộ nhận, thiếu khách quan.
Theo lịch sử phát triển
tư tưởng của Phật giáo ở Ấn Độ, Phật giáo bắt nguồn từ Phật giáo
Nguyên thủy, kế đến là Phật giáo Bộ phái và sau đó là Phật giáo Đại
thừa, đó là ba giai đoạn Phật giáo mang tư tưởng khác nhau của Phật
giáo Ấn Độ, nếu chúng ta không muốn nói, đôi khi có sự xung đột thậm chí phủ nhận lẫn nhau. Điều đó gợi ý cho chúng
ta hiểu rằng, tư tưởng Phật giáo Ấn Độ phát triển theo quá trình từ
trước đến sau, từ Phật giáo
Nguyên thủy đến Phật Giáo Đại thừa, hay nói một cách khác nó phát triển theo một qui luật của
nó. Sự xuất hiện và hình thành tư tưởng nào trong xã hội là nhu cầu
thực tế mang tính tất yếu, nhằm giải quyết nhu cầu cụ thể của xã hội
đó, không phải là vấn đề mang tính thần thoại như chúng ta đã hiểu.
Trên thực tế, những
diễn biến xã hội và sự suy tư của con người có mối quan hệ thiết
thân. Sự đổi thay từ hoàn cảnh xã hội có ảnh hưởng đến cách suy tư
của con người hay ngược lại. Cũng vậy, khi xã hội phát triển đổi
thay, Phật giáo muốn tồn tại và phát triển cũng phải theo đó thay đổi
hình thức sinh hoạt, ngay cả cách suy tư. Đây chính là nhân tố
làm cho Phật giáo tự mình hình thành tư tưởng Tiểu thừa, Đại thừa,
tông phái khác nhau. Điều chúng ta cần chú ý là, bất cứ giải pháp nào
dù hay đến đâu, nó cũng chỉ có giá trị khi nó được gắn liền với sự
kiện cụ thể của lịch sử, và sẽ trở nên vô nghĩa khi bối cảnh lịch sử
của nó không còn nữa. Điều đó cho chúng ta nhận thức, mối quan hệ thiết thân giữa tư tưởng và bối cảnh lịch sử, không thể tách rời nhau, và
sự hình thành giữa tư tưởng này với tư tưởng khác cũng có mối quan hệ
sâu sắc và chằng chịt, thậm chí là quan hệ đối kháng. Từ đó chúng ta
suy ra, sự xuất hiện tư tưởng của Phật giáo Đại thừa không thể tự
nhiên mà có, nó phải bắt nguồn từ Phật giáo trước đó, là tư tưởng của
Phật giáo Bộ phái, cụ thể là Hữu Bộ. Như vậy, nếu chúng ta muốn thấu
rõ và xiển dương tư tưởng Phật giáo Đại thừa, điều trước tiên chúng
ta cần phải hiểu rõ thế nào là tư tưởng của Phật giáo Bộ phái. Thử
hỏi, nếu chúng ta không hiểu nguyên nhân tại sao xuất hiện tư tưởng
Phật giáo Đại thừa, vì sao Phật giáo Đại thừa phản bác tư tưởng Tiểu
thừa và phản đối điều gì; nếu chúng ta không đọc kinh sách Tiểu thừa
thì bằng cách nào chúng ta hiểu được tư tưởng của Phật giáo Đại thừa?
Cũng vậy, nếu muốn nắm rõ tư tưởng Phật giáo Bộ phái, chúng ta cũng
không thể bỏ qua không tìm hiểu tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy, tức
là hai hệ kinh điển Nikāya và A-hàm (Āgama). Đây chính là lý do tại
sao tác phẩm "Tìm hiểu đạo Phật Nguyên thủy” cũng như
tác phẩm này ra đời. Thật ra, hai tác phẩm này chỉ là những tuyển tập
của những bài viết ngắn, nhằm gợi ý và lý giải một số vấn đề tư
tưởng trong Phật giáo Nguyên
thủy. Nó sẽ là những cơ sở lý
giải cho công việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ trong
tương lai của tác giả.
Hy vọng phương pháp
nghiên cứu này, giúp cho người
làm công tác nghiên cứu Phật học
phát hiện nhiều điều mới lạ thú vị hơn, trong sự nghiệp nghiên cứu
Phật giáo ở Ấn Độ.
Tác phẩm “Đạo
Phật xưa và nay” là tuyển tập với nhiều chủ đề khác nhau, là
những chuyên đề nghiên cứu Phật học Ấn Độ, một số bài đã được đăng
tải trên các website và một số tập san Phật giáo. Nội dung những bài
viết này, tác giả căn cứ vào những kinh điển A-hàm và Nikàya để giới
thiệu những quan niệm cơ bản về Phật học. Qua đó, nó
cũng biểu hiện sự dị đồng giữa Phật giáo Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng
Bộ hay Đại thừa và Tiểu thừa.
Phật giáo luôn luôn
lấy con người làm đối tượng giáo dục, do đó giáo lý của đức Phật luôn
luôn gắn liền với con người, những ưu tư của con người chính là ưu
tư của đức Thế Tôn cách đây hơn 2500 năm. Tinh thần giáo dục của Ngài
vẫn còn đó và có giá trị tuyệt đối, vượt lên trên cả về mặt thời
gian và không gian.
Về mặt hình thức, Phật
giáo ở Ấn Độ được phân chia Đại thừa và Tiểu thừa, nhưng xét cho cùng
trong hai hệ thống giáo lý của hai trường phái lớn này, không một
bản kinh luật luận nào lại không đề cập đến yếu tố “Giác ngộ và giải
thoát”. Giác ngộ là sự hiểu biết đúng như thật; giải thoát là
sự chấm dứt mọi phiền não khổ đau. Chỉ có sự hiểu đúng,
biết đúng mới có sự an lạc và hạnh phúc, tức là sự giải thoát. Đó là
mục tiêu, là tinh thần cốt lõi của Phật giáo, nếu Phật giáo thiếu hai
yếu tố này không còn là Phật giáo. Như vậy, trong Phật giáo có
những hình thức Đại thừa hay Tiểu thừa, Thiền tông hay Tịnh độ
tông… chỉ là hai hình thức giáo dục khác nhau cùng chỉ chung một điểm
giác ngộ và giải thoát trong đạo Phật, do vì con người và xã hội
không đồng cho nên Phật giáo phải vay mượn nhiều hình thức khác nhau
để giáo hóa chúng sanh, nó không phải là sự mâu thuẫn trong giáo lý
của Ngài.
Trong lần tái bản, tôi đã sửa lại đôi chỗ, nhưng
cũng khó hoàn thiện, rất mong độc giả chỉ điểm. Xin chân thành tri ân.
Tác
giả cẩn bút,
Thích Hạnh Bình