Lịch sử phật giáo thế giới
Đạo Phật xưa và nay
Tác giả: Thích Hạnh Bình
29/10/2554 06:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đời sống người xuất gia dưới thời đức Phật còn tại thế

PHẦN 3

ĐỜI SỐNG NGƯỜI XUẤT GIA

dưới thời đức Phật còn tại thế

 

Là người Phật tử của xã hội ngày nay, bất cứ ai cũng biết trong Phật giáo có nhiều tông phái và nhiều hình thức tu tập khác nhau. Như là thiền tông thì tu thiền định, tịnh độ tông tu pháp môn niệm Phật, mật tong tu pháp môn niệm thần chú.v.v… Bài viết này tôi không giới thiệu thiền tông hay mật tông, cũng không giới thiệu pháp môn niệm Phật của tịnh độ tông, mà giới thiệu về đời sống và phương pháp tu tập của tăng đoàn trong Phật giáo Nguyên thủy.

Phật giáo Nguyên thủy là giai đoạn Phật giáo tính từ khi đức Thế Tôn thành đạo dưới cội cây bồ đề cho đến khi Phật pháp chưa bị phân chia, tăng già còn hòa hợp. Điểm đặc trưng của thời kỳ này: mục đích của người xuất gia là giác ngộ và giải thoát, nội dung giáo lý lấy 37 phẩm trợ đạo làm trung tâm, lấy bốn niệm xứ làm phương tiện tu tập, với đời sống vô gia cư, mang bình bát vào thôn xóm khất thực, và trở về sống trong rừng núi, xa cách thị thành, không bàn luận những vấn đề siêu hình.

Qua đó chúng ta thấy, giữa hệ thống giáo lý, mục đích xuất gia và hoàn cảnh sống của người xuất gia có mối quan hệ biện chứng logic, không giống như Phật giáo ngày nay là cường điệu quan điểm ‘độ sinh’, nhưng vấn đề ‘tự độ’ là cơ sở cho ‘độ sinh’ thì lại buông thả, dẫn đến tình trạng phức tạp trong Phật giáo, đôi lúc có nhiều sinh hoạt không liên hệ gì đến mục đích giác ngộ và giải thoát của Phật giáo.

Với nội dung bài viết này, tác giả muốn gợi ý cho độc giả hiểu được thế nào gọi là tu tập, và nguyên tắc tu tập dưới thời đức Thế Tôn chỉ dạy như thế nào. Chúng ta có thể lấy đó làm cuộc so sánh để hiểu những gì chúng ta đang làm có phù hợp với Phật pháp không. Nói như vậy, không phải ngụ ý rằng chỉ có hình thức này là đúng, hình thức khác là sai mà  chỉ nhằm mục đích ‘ôn cố tri tân’, lấy chuyện xưa để biết chuyện nay, làm thước đo cho chúng ta hiểu được chính mình đang làm gì, và việc làm đó có ý nghĩa gì.

Cuộc sống luôn luôn đổi thay, nhận thức con người cũng theo đó thay đổi, vì vậy không thể có một hình thức tu tập cố định nào làm tiêu chuẩn cho mọi thời đại. Hình thức sinh hoạt cũng như phương pháp tu tập trong Phật giáo mang tính 'tùy thời tùy cơ', có nghĩa là tùy theo thời đại và căn cơ của chúng sanh mà Phật pháp thiết lập hình thức cụ thể để giáo hóa. Điều đó có nghĩa là với thời đại này xã hội này con người này, hình thức sinh hoạt hay phương pháp tu tập này là hợp lý, nhưng với thời đại khác xã hội khác con người khác thì hình thức này chưa chắc đã phù hợp, đôi khi phản tác dụng nữa là khác. Nhưng cho dù hình thức nào, điều quan trọng là trong đó phải ẩn chứa khuynh hướng giác ngộ và giải thoát. Bằng ngược lại, cho dù sinh hoạt dưới hình thức tu tập nào, nhân danh là tông phái nào vẫn là vô ý nghĩa với đạo Phật. Quan điểm này, chúng ta không chỉ thấy trong kinh điển của Phật giáo Đại thừa mà ngay cả trong kinh điển Nikàya[1] hay A Hàm (Àgama)[2]. Do vậy, với nội dung bài viết này, tác giả không có ý phê phán những hình thức sinh hoạt hay pháp tu tập nào trong Phật giáo, mà chỉ muốn nói một điều thử xem những mà mình đang tu tập đó có chứa đựng sự giác ngộ và giải thoát không?

Giới thiệu về “Đời sống người xuất gia dưới thời Phật còn tại thế” là đề tài gợi ý để mỗi người chúng ta tự so sánh, biết được sự dị biệt giữa những gì trong quá khứ và hiện tại, nhằm giúp cho chúng ta hiểu được đâu là tinh thần giáo dục và đâu là hình thức giáo dục của đức Phật, từ đó chúng ta rút ra nhiều bài học quí giá từ quá khứ, đồng thời nó sẽ giúp cho chúng ta vững tâm hình thành một mô hình sinh hoạt, một phương pháp tu tập phù hợp với đời sống hiện tại ở xã hội mà chúng ta đang sống, và cũng từ đó định hướng cho một loại hình sinh hoạt trong tương lai, chúng ta sẽ cảm thấy không bỡ ngỡ trước sự thay đổi hình thức. Có được sự nhận thức như vậy, cuộc sống tu tập hằng ngày của chúng ta mới thật sự có hạnh phúc và an lạc. Với tinh thần đó, tôi sẽ cố gắng giới thiệu về đề tài này ngang qua các kinh điển Nikàya và A Hàm.

 

1.  Mục đích của đời sống phạm hạnh

Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ hai hệ thống kinh điển Nikaya và A Hàm, hai nguồn tư liệu này đều ghi rằng, những người xuất gia trong thời này chỉ có mục tiêu hướng đến là giác ngộ và giải thoát. Quan niệm hoằng pháp độ sanh, nếu có đi chăng nữa cũng rất là mờ nhạt, không phải là yếu tố quan trọng của người xuất gia trong thời kỳ này. Điều đó mang một ý nghĩa đặc thù muốn nói rằng, người xuất gia là những người tự xác định chính mình là những người còn nhiều khổ đau và phiền muộn, do vậy muốn xuất gia để được giác ngộ và giải thoát những khổ đau đó, không phải xuất gia vì mục đích để hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sanh. Nếu có ý nguyện độ sanh đi chăng nữa, nó cũng chỉ xuất hiện sau khi xuất gia, trải qua thời gian tu tập, thành tựu được giới, thành tựu thiền định và trí tuệ xong, vị ấy mới phát nguyện độ sanh, hoặc tối thiểu là vị ấy phải hiểu rõ giáo lý của đức Phật, sau đó mới phát nguyện đem Phật pháp vì người khác giảng dạy. Nếu không có kinh nghiệm tu tập, Phật pháp lại không hiểu làm sao có thể hoằng dương Phật pháp hoặc cứu độ chúng sanh, làm sao có thể giúp đỡ người khác khi mà tự thân mình không có gì để giúp? Nếu không biết cách mà cứ làm thì cách hoằng dương Phật pháp này vô cùng nguy hiểm, không những có hại cho bản thân mà còn làm tổn thương đến Phật pháp.

Thật ra tinh thần ‘lợi tha’ hay ‘giáo hóa chúng sanh của Phật giáo Đại thừa được xây dựng trên nguyên tắc là người đã giác ngộ, tức là các vị Bồ tát (Bodhisattva) phải có lòng từ bi và trí tuệ. Có một số người không nắm được nguyên tắc này, vội vã hành Bồ tát đạo, cho nên trong Phật giáo đã xảy ra những hiện tượng không phù hợp với chánh pháp. Ví dụ có một số người sau khi xuất gia vội vàng thọ giới, nhưng không trải qua thời gian huấn luyện nếp sống của người phạm hạnh, không học tập Phật pháp, vội vã xây dựng cơ sở tôn giáo, hoặc thành lập cơ sở từ thiện xã hội, nhằm thực thi tinh thần 'độ tha', trong khi đó bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia là giác ngộ giải thoát dường như quên mất, thậm chí Phật pháp cũng chẳng biết gì, ngang nhiên tự cho mình là người làm hạnh của người xuất gia, thực thi Bồ tát hạnh, cứu giúp chúng sanh. Thật đáng buồn thay cho tinh thần Bồ tát hạnh của Phật giáo Đại thừa đã và đang bị lạm dụng một cách bữa bãi và vô ý thức. Đây là điểm mà các nhà lãnh đạo Phật giáo cần phải suy nghĩ và tìm cách ngăn chận.

Với mục đích xuất gia, tìm cầu sự giác ngộ và giải thoát, cho nên đức Phật đã hướng dẫn các đệ tử xuất gia của mình sống đời sống vô gia cư, tránh xa nơi thị thành ồn ào náo nhiệt, tìm nơi thanh vắng như là rừng núi, bãi tha ma, hoặc nơi đồng trống để tu tập thiền định, quán chiếu thân này là giả tạm, thế gian là vô thường, đồng thời lấy tinh thần 'thiểu dục tri túc' làm nguyên tắc cho cuộc sống tu tập. Có lẽ chính vì cuộc sống này cho nên đức Phật đã qui định cho một vị xuất gia cần phải có ba điều kiện cơ bản để bảo vệ đời sống: Một là y -là y phục tỷ kheo. Hai là bình bát - là vật dụng cần thiết cho vị tỷ kheo đi khất thực. Ba là đồ lọc nước - là vật dụng cần thiết cho vị tỷ kheo khi sống đời sống di cư trong rừng núi, gặp nước không sạch cần phải thanh lọc cho sạch trước khi uống. Ba điều kiện này có thể nói là ba điều kiện rất hữu ích và hợp lý với đời sống di cư trong rừng núi ở thời đại đức Phật còn tại thế, nhưng nó không còn thích nghi với cuộc sống định cư, nhất là đời sống ở thời đại chúng ta. Cuộc sống này, vốn không phải riêng chỉ có Phật giáo mà hầu hết những người thực thi đời sống xuất gia của các tôn giáo khác cũng đều sống như vậy. Có lẽ đức Phật nhận thấy cuộc sống này thật sự giúp ích cho người xuất gia mau thành đạt mục tiêu giác ngộ và giải thoát, cho nên đức Phật xem đó như là nguyên tắc sống cho người xuất gia trong xã hội thời bấy giờ, vì nó có giá trị huấn luyện cho người mới vừa từ đời sống gia đình sang sống không gia đình, là cuộc sống ly dục. Đời sống tịch mịch trong rừng núi, cách ly gia đình, từ bỏ hưởng thọ những dục lạc thế gian là phương pháp cần thiết và thích đáng cho người mới xuất gia, đã được đức Phật tán thán như ‘Kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm’ (Bhayabheravasutta) số 4[3], ‘Kinh Khu Rừng’ (Vanapatthasutta)[4].v.v...trong “Kinh Trung Bộ”.

Đức Phật cho rằng, sinh hoạt trong rừng núi của người xuất gia, nhằm mục đích giúp cho hành giả mau thành đạt thánh quả, chứ không mang ý nghĩa chỉ có cuộc sống rừng núi mới có sự giác ngộ và giải thoát. Trên nguyên tắc chung, bất cứ cuộc sống nào dù là trong rừng núi hay trong gia đình cũng có thể mang lại giác ngộ và giải thoát, với điều kiện không bị nhiễm ô bởi các dục vọng của thế gian, đoạn trừ vô minh.

Nhưng nếu chúng ta căn cứ bản tánh tham lam của con người thì đời sống rừng núi là điều kiện tốt nhất, giúp ta mau chóng từ bỏ các loại ham mê về vật chất. Có lẽ đó là lý do tại sao trong 'Kinh Thừa Tự Pháp' (Dhammadàyàda sutta) trong "Kinh Trung Bộ" tập 1, đức Phật dạy các Tỷ kheo rằng:

Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ: "Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?". Và này các Tỷ-kheo, nếu các Ngươi là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự Pháp, thì không những các Ngươi trở thành những người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp.[5]

Mặc dù trong thời gian đức Phật còn tại thế, những vật dụng mà chư tăng và đức Phật sở hữu chỉ đơn giản chỉ là y, bát, đồ lọc nước và tọa cụ, nhưng căn cứ lòng tham lam của con người và sự phát triển của Phật giáo, đức Phật dự đoán trong tương lai, khi sinh hoạt của Phật giáo trở thành định cư, những vật dụng cần thiết cho đời sống này cũng tùy theo đó mà tăng trưởng, như vậy thật khó cho vị xuất gia thoát khỏi miếng mồi của vật dục, Phật pháp cũng tùy theo đó mà suy tàn, ánh sáng của chánh pháp cũng vì vậy mà dần dần bị lu mờ, không những làm hại chính mình mà còn làm tổn hại cho đạo pháp, làm thương tổn thanh danh đức Phật. Có lẽ đó chính là lý do tại sao đức Phật đã thuyết giảng bài pháp này.

Ngài Xá lợi Phất (SŒriputta) giải thích Khổ đế trong giáo lý Tứ đế bao gồm 8 loại khổ, ngoài 5 loại khổ đầu là sanh, lão, bệnh, tử, và ngũ ấm xí thạnh khổ là 5 loại khổ tự nhiên của con người, bất cứ ai cũng có, ngay cả người đã chứng đắc thánh quả. Cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ và ái biệt ly khổ là những nỗi khổ thuộc về tâm lý. Nguồn gốc của 3 loại khổ đau này là do vô minh, vì vô minh cho nên con người không biết lại mong cầu những gì vượt ngoài tầm tay. Vì vô minh mà con người không chấp nhận những gì mà con người đang có, vì vô minh mà con người không hài lòng những gì mà nó không còn đủ yếu tố để tồn tại. Cái gì do vô minh tạo thành, cái ấy là nguyên nhân của khổ, muốn diệt trừ cái khổ ấy, phải từ diệt trừ vô minh, có nghĩa là lấy trí tuệ để diệt trừ vô minh, đây là nguyên tắc cơ bản trong đạo Phật.

Điều này mang ý nghĩa khá sâu sắc rằng, đạo Phật nói đến việc cứu giúp chúng sanh thoát ly cảnh khổ là đề cập đến góc độ khổ đau về mặt tâm lý, không phải là sự khổ đau về mặt tự nhiên, tức là giúp cho con người được giàu sang. Nếu như chúng ta đồng ý quan điểm này thì chúng ta nên làm nhiệm vụ, bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia, giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau bằng cách giúp họ; làm sống dậy đặc tính giác ngộ trong mỗi chúng sanh, không phải chỉ là lời an ủi hay cường điệu vấn đề từ thiện, những công việc mang tính giúp đỡ bằng vật chất, đó là lý do tại sao đức Phật khuyên chúng ta nên làm nhiệm vụ chính mình. Nếu chúng ta tự xưng mình là trưởng tử của Như Lai thì chúng ta nên kế thừa sự nghiệp vĩ đại của Ngài là hoằng truyền chánh pháp, không nên là người kế thừa tài vật, là những gì thuộc vật chất của thế gian. Nếu chúng ta không làm như vậy mà làm ngược lại thì đó là nguyên nhân để cho người trong thế gian có sự hiểu lầm chê cười đạo Phật, chê cười đoàn thể trong sáng và thanh tịnh của tăng già, và đó cũng là nhân tố để giáo pháp của đức Phật càng ngày càng xa rời thế gian.

Ở đây, người viết đề cập vấn đề này, không đồng nghĩa với sự phê phán xây dựng cơ sở của Phật giáo mà chỉ muốn nói rằng, sự phát triển cơ sở vật chất cần xét đến nhu cầu thực tế sinh hoạt của Phật giáo và quần chúng Phật tử, không nên có suy nghĩ sự khuếch trương to lớn những cơ sở vật chất của Phật giáo đồng nghĩa với sự hưng thịnh Phật giáo, vì sự hưng thịnh với chùa to Phật đẹp đôi khi không giống nhau. Sự hưng thịnh của đạo Phật được căn cứ từ sự lớn mạnh của tăng già, là một đoàn thể hòa hợp trong sự thanh tịnh, của những nam nữ cư sĩ là những người biết tu tập và biết hộ trì chánh pháp. Đây là điều mà mọi thành viên trong tăng già cần suy nghĩ.

 

2.  Các pháp tác thành vị sa môn

Liên quan đến đời sống phạm hạnh của một vị xuất gia theo 'Đại Kinh Xóm Ngựa' (Mahàssapura- sutta) trong "Kinh Trung Bộ" (Majjhima-Nikàya) tập 1, kinh số 39, đức Phật đã dạy các Tỷ kheo như sau:

Sa-môn! Sa-môn! Này các Tỷ-kheo, dân chúng biết các Ông là vậy. Và nếu các Ông được hỏi: "Các Ông là ai!" Các Ông phải tự nhận: "Chúng tôi là Sa-môn". Này các Tỷ-kheo, các Ông đã được danh xưng như vậy, đã tự nhận là như vậy, thì này, các Tỷ-kheo, các Ông phải tự tu tập như sau: "Chúng ta sẽ thọ trì và thực hành những pháp tác thành Sa-môn, những pháp tác thành Bà-la-môn. Như vậy, danh xưng này của chúng ta mới chân chánh và sự tự nhận này của chúng ta mới như thật. Và những đồ cúng dường mà chúng ta thọ hưởng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh mới có được kết quả lớn, lợi ích lớn cho chúng ta. Và chúng ta xuất gia không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích.[6]

Nội dung và ý nghĩa của đoạn kinh vừa dẫn trên là đoạn kinh đức Phật nói về bổn phận và trách nhiệm của vị xuất gia theo đạo Phật. Ở đây, từ ‘sa môn’ vốn là danh từ chung chỉ cho tất cả những người xuất gia sống đời sống phạm hạnh, không giới hạn chỉ có Phật giáo mà cho cả những tôn giáo khác. Nhưng ở trong kinh này từ này được đức Phật sử dụng là chỉ cho các tỷ kheo và tỷ kheo ni hay nói đúng hơn là những người xuất gia sống theo hạnh giác ngộ và giải thoát. Đức Phật khuyên các vị tỷ kheo, khi chúng ta tự thú nhận mình là sa môn, là đệ tử xuất gia theo đức Phật thì chúng ta phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm, hoàn thành tư cách của vị tỷ kheo là đệ tử của đức Phật.

Đức Phật là người đề cao vai trò trí tuệ, lấy trí tuệ (pa��a) làm sự nghiệp, lấy thiền định làm phương tiện để tiến sâu vào tuệ giác, lấy giới luật làm thước đo cho nếp sống đạo đức. Thế thì chúng ta tự nhận mình là người xuất gia đệ tử của Ngài thì cũng phải học tập và thực hành theo lời dạy của Ngài. Các vị tỷ kheo có làm như vậy thì bổn phận và trách nhiệm của vị tỷ kheo mới hoàn thành, tư cách của vị tỷ kheo cũng từ đó mà có, chúng ta sống trong giáo pháp của Phật cũng không trở thành vô dụng.

Thế thì bổn phận và trách nhiệm gì mà vị tỷ kheo phải làm? Ngoài việc, vị tỷ kheo là người xuất gia sống đời sống vô gia đình, sống độc cư ở những nơi thanh vắng, như rừng núi, nơi đồng trống... ăn một ngày một bữa, lấy hạnh khất thực để nuôi thân, vị ấy còn phải: 1). Thúc liễm thân tâm bằng giới hạnh, 2). Hộ trì các căn, 3). Tiết chế việc ăn uống, 4). Chú tâm cảnh giác, 5). Chánh niệm tỉnh giác, 6). Đoạn trừ 5 triền cái, 7). Thành tựu 4 thiền. Bảy pháp này là những yếu tố cần thiết để tác thành vị tỷ kheo. Tỷ kheo cũng nhờ bảy pháp này thành đạt thánh quả A La Hán. Bảy pháp này sẽ được tuần tự phân tích và giải thích như dưới đây.

 

2.1 Sống có giới hạnh

Thử lội ngược dòng thời gian trở về quá khứ vào những thế kỷ trước công nguyên, tìm hiểu về đời sống xã hội con người, tôi tin rằng, không ai phủ nhận ánh sáng văn minh của khoa học kỹ thuật của thời đó chưa xuất hiện, đời sống con người trong xã hội còn lạc hậu, luật pháp vẫn chưa hình thành rõ ràng, việc quản lý con người còn tùy tiện theo quan điểm của người lãnh đạo. Từ thực trạng xã hội như vậy, mặc nhiên vai trò tôn giáo chiếm vị trí khá quan trọng trong việc giữ gìn đời sống đạo đức trong xã hội. Sự ca ngợi đời sống có đạo đức, biết phục thiện là phương pháp duy nhất để kiềm chế bản tánh tư dục chiếm hữu của con người. Sự tiết chế bản năng ham muốn vật dục của con người trở thành trọng tâm giáo dục, là động cơ để hình thành quan điểm đạo đức của tôn giáo, với mục tiêu mang lại đời sống bình an hạnh phúc cho cá nhân mình và sự công bằng cho cả xã hội.

Quan niệm đạo đức trong Phật giáo không giới hạn chỉ mang tính giải quyết vấn đề xã hội mà còn biểu thị tính đặc thù của đạo Phật là sự giác ngộ và giải thoát. Vì đặc tính đạo đức hay giới luật của Phật giáo có mục đích hướng đến sự giác ngộ và giải thoát, không đơn thuần chỉ mang tính đạo đức của thế gian, cho nên tinh thần đạo đức hay giới luật của Phật giáo phải lấy tính vô tham vô sân và vô si làm cơ sở, không phải là những giới điều. Giới điều trong Phật giáo là những quy định cụ thể, có mối liên hệ thân thiết đến thời gian và không gian nhất định. Như đã được 'Kinh Chánh Tri Kiến' (Sammàditthi sutta) trong "Kinh Trung Bộ" đức Phật giải thích sự khác biệt rõ về hai khái niệm 'thiện' và 'căn bản thiện'; 'bất thiện' và 'căn bản bất thiện' như sau:

Chư Hiền, khi Thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và tuệ tri được căn bổn bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bổn thiện, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này.

Chư Hiền, thế nào là bất thiện, thế nào là căn bổn bất thiện, thế nào là thiện, thế nào là căn bổn thiện? Chư Hiền, sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là bất thiện.

Và chư Hiền, thế nào là căn bổn bất thiện? Tham là căn bổn bất thiện, sân là căn bổn bất thiện, si là căn bổn bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bổn bất thiện.

Và này chư Hiền, thế nào là thiện? Từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù phiếm là thiện, không tham dục là thiện, không sân là thiện, chánh tri kiến là thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là thiện.

Chư Hiền, thế nào là căn bổn thiện? Không tham là căn bổn thiện, không sân là căn bổn thiện, không si là căn bổn thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bổn thiện.[7]

Qua nội dung ý nghĩa của đoạn kinh vừa trích dẫn, nó gợi ý cho chúng ta hiểu rằng, khái niệm 'thiện' hay 'bất thiện' khác với khái niệm 'căn bổn thiện' hay ‘căn bổn bất thiện’. Sự khác biệt này, đức Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy rõ vấn đề khác nhau giữa 'hình thức' và 'tinh thần'. Hình thức là những gì được qui định một cách cụ thể, không phải là trừu tượng. Ví dụ như trong giới luật Phật giáo qui định một vị xuất gia trước khi muốn thọ giới Cụ túc hay còn gọi là thọ giới tỷ kheo, vị ấy phải có 3 điều kiện cơ bản là: y, bát và đãy lọc nước (vật dụng lọc nước). Những qui định cụ thể này được căn cứ vào đời sống thực tế của những tỷ kheo trong thời đức Phật còn tại thế, là cuộc sống vô gia cư, rày đây mai đó trong rừng núi, nuôi thân bằng phương tiện khất thực, không phải là đời sống định cư. Ba điều kiện này trở thành vật không thể thiếu cho vị tỷ kheo sống đời sống vô gia cư trong rừng núi, y áo để mặc, bình bát là vật dụng để đựng vật thực cúng dường, vì tỷ kheo lấy việc khất thực làm phương tiện sống, khác với đời sống định cư như chư tăng ngày nay. Ở đây cũng nên hiểu thêm rằng, theo văn hóa xứ Ấn Độ, khất thực là hành vi cao cả, dành cho người sống đời sống Phạm hạnh, nhưng với văn hóa Trung Quốc khất thực lại có ý nghĩa ngược lại, chỉ cho giới thấp hèn, sống đời sống bằng nghề ăn xin. Do vì văn hóa khác nhau, cho nên Phật giáo truyền đến Trung Quốc, truyền thống này cũng được bỏ đi, thay vào đó bằng sự cúng dường từ tín chúng ở nơi tự viện. Và cuối cùng, đãy lọc nước là vật dụng cần thiết dành cho vị tỷ kheo sống di cư trong rừng núi, khi gặp nước tù đọng, ao, hồ, khe, rạch...khi gặp phải nước không trong sạch, trước khi sử dụng tỷ kheo cần phải được lọc sạch, nhằm phòng ngừa bịnh tật phát sinh, làm chướng ngại cho việc tu tập. Do đó, đức Phật qui định 3 điều kiện này nhằm để bảo vệ về đời sống tốt đẹp và mạnh khoẻ cho vị tỷ kheo, nhằm tiến tu đạo nghiệp, hoàn thành mục đích xuất gia của mình, nó không mang ý nghĩa là điều kiện bắt buộc của tỷ kheo, khi đời sống đã thay đổi, nó chỉ có giá trị khi nào vị tỷ kheo sống đời sống di cư, không nhà cửa, sống lang thang trong rừng núi, thì nó là nhu cầu cần thiết cho vị ấy.

Do vậy, chúng ta không nên có quan niệm cố chấp cho rằng, những tỷ kheo nào ăn bằng bình bát, mang theo mình đãy lọc nước, tỷ kheo ấy có tu tập, vì ý nghĩa chữ tu tập trong Phật giáo không tùy thuộc vào 3 điều kiện này. Tỷ kheo ăn bằng bình bát, nhưng khi tỷ kheo nói năng và hành động với lòng tham lam sân hận và si mê mà không biết, hoặc biết mà không chịu sửa đổi thì tỷ kheo ấy không thể gọi là tỷ kheo có tu tập, và ngược lại bất cứ ai, mặc dù không ăn bằng bình bát, không mang theo đãy lọc nước, nhưng người ấy biết hành vi sai lầm của mình, chấp nhận và sửa sai hành vi ấy, người ấy vẫn được gọi là người có tu tập.

Có người hỏi: căn cứ vào đâu mà đưa ra quan điểm này? Điểm mà chúng ta căn cứ chính là đức Phật giải thích về ‘thiện’ khác với ‘căn bản thiện’. ‘Thiện’ là những giới điều bao gồm 5 giới, 10 giới, 250 giới…là những hình thức được qui định cụ thể, có giá trị theo thời gian và không gian nhất định; ‘Căn bản thiện’ là tính không tham không sân và không si, là tinh thần của giới luật, hay nói một cách khác là mục đích hướng đến của giới luật. Hình thức (giới điều) được thiết lập phải dựa vào tinh thần (không tham, sân và si), hình thức là cái tùy theo thời gian không gian và căn cơ trình độ của chúng sanh mà thiết lập, còn tinh thần là tính cốt lõi xuyên suốt, không bị thời gian và không gian chi phối. Như vậy, hình thức là cái bị giới hạn bởi thời gian và không gian; tinh thần là cái vô hạn, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Cái gì bị giới hạn, cái đó không phải là chân lý; cái gì không bị giới hạn, cái ấy là chân lý. Như vậy, cái gì được hình thành bởi nhân tố đặc thù của xã hội thì hình thức ấy cũng sẽ trở thành vô dụng, không có giá trị khi yếu tố xã hội đó đã bị thay đổi.

Cũng giống như vậy, trong giới luật của nhà Phật có khá nhiều giới điều được thiết lập mang tính tùy thời, tùy nơi, tùy căn cơ. Khi bối cảnh của nó không còn nữa thì hình thức giới điều đó sẽ không còn giá trị, dù chúng ta có quan điểm như thế này hay thế kia, sự thật vẫn là sự thật. Thế nhưng, chúng ta cần chú ý, hình thức của giới điều tuy không còn giá trị nữa, nhưng trong hình thức giới điều đó ẩn chứa tinh thần của giới luật, tinh thần đó có giá trị muôn đời, vì giới điều được thiết lập căn cứ tinh thần giới luật, tức là tính vô tham vô sân và vô si. Đây chính là ý nghĩa câu: ‘Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết’, hay trong kinh điển của Phật giáo Đại thừa đức Phật đã nói: ‘49 năm ta không nói lời nào’. Ba tạng kinh điển do Ngài giảng dạy, tại sao Ngài phủ nhận? Theo người viết, nội dung mà đức Phật chứng ngộ dưới cội cây bồ đề là chân lý, là tinh thần của giáo lý. Kinh điển được viết thành lời, bằng ngôn ngữ, bộ kinh này hay bộ luận khác đều là hình tướng mang tính tùy căn cơ của mỗi loại chúng sanh mà nói, ý tưởng được trình bày trong kinh, luật, luận đó cũng mang tính tùy căn cơ. Do vậy, chúng ta không nên căn cứ vào bất cứ bộ kinh, luật, luận nào mà cho rằng chỉ có đây mới là bộ kinh của Phật, ngoài ra đều không phải là của Phật. Như thế là cố chấp, không phải là tinh thần giải thoát của đạo Phật. Đây là ý nghĩa của câu: ‘Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan’. Thế nhưng, trong mỗi bộ kinh, luật, luận nào cũng đều hàm chứa ý tưởng mà đức Phật muốn khuyên dạy chúng ta, chúng ta muốn hiểu được ý tưởng đó không thể tự mình suy diễn, phải ngang qua kinh điển này để tìm hiểu ý nghĩa đó, từ bỏ kinh điển này không có lời Phật dạy. Đây là ý nghĩa của câu: ‘Ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết’.

Trở lại vấn đề mà chúng ta đang thảo luận. Thế nào gọi là sống có giới hạnh? Theo tinh thần của kinh điển Nikàya, đức Phật giải thích cuộc sống có giới hạnh là cuộc sống biết tàm quí, sống với 3 nghiệp thanh tịnh và mạng sống thanh tịnh. Đây được gọi là đời sống có giới hạnh. Trước hết chúng ta tìm hiểu ý nghĩa 'tàm quí' được đức Phật giải thích như thế nào.

 

2.2. Biết tàm quí

Tàm quí có nghĩa là biết hổ thẹn và sợ người khác chê cười. Khi làm việc gì sai lầm, biết hổ thẹn, sợ người chê cười, có thái độ ăn năn sám hối, sửa đổi tội lỗi. Vì tính chất của nó như vậy, cho nên trong tiến trình tu tập của Phật giáo, đức Phật lấy đức tính ‘tàm quí’ làm điều kiện cơ bản và cần thiết cho pháp tác thành tư cách của một vị xuất gia. Như trong 'Đại Kinh Xóm Ngựa' (Mahà -Assapura-sutta) đức Phật dạy:

Này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp tác thành Sa-môn, và các pháp tác thành Bà-la-môn? "Chúng ta sẽ thành tựu tàm quý", như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông phải tu tập.[8]

Nội dung đoạn kinh này đức Phật cho rằng, nguyên tắc thứ nhất để tác thành sa môn là 'biết tàm quí'. Tại sao đức Phật lại lấy pháp này làm nền tảng cho việc tu tập? Ý nghĩa của pháp tàm quí là 'biết hổ thẹn' những lỗi lầm của mình. Từ ý nghĩa này chúng ta tiến hành phân tích nó liên hệ gì với quá trình tu tập của Phật giáo. Nếu chúng ta đồng ý quan niệm tu tập trong Phật giáo là sự sửa đổi của 3 nghiệp: thân nghiệp khẩu nghiệp và ý nghiệp thì mối quan hệ giữa lòng tàm quí và sửa 3 nghiệp rất mật thiết. Nếu ý nghĩa của khái niệm ‘tu tập’ trong Phật giáo là sự 'sửa sai' thì chúng ta không những chỉ biết đến việc sai là gì mà còn phải biết việc đúng, có như vậy mới thành ý nghĩa ‘tu tập’, có nghĩa là sửa điều sai thành điều đúng. Chúng ta tự cho rằng mình là người tu, nhưng bản thân không biết việc sai và việc đúng thì ý nghĩa tu tập cũng trở thành vô nghĩa, sự tự xưng là trống rỗng. Biết sai chấp nhận sửa sai, cũng có nghĩa là biết hổ thẹn tàm quí với lỗi lầm. Điều đó, gợi ý cho người tu tập hiểu rằng, trước khi chúng ta bước vào giai đoạn 'tu tập', chúng ta cần phải biết Phật pháp, biết ăn năn hối cãi, sau đó mới lấy Phật pháp sửa đổi sai lầm của mình.

Ở đây đức Phật cho rằng pháp tác thành vị sa môn là 'thành tựu tàm quí' hay 'biết tàm quí' có nghĩa là biết việc sai lầm của mình. Khi biết việc sai lầm của mình, nhưng với tâm tư bướng bỉnh hay cố tình che đậy tội lỗi của mình, không biết hổ thẹn xấu xa với việc sai lầm đó và cũng không sợ ai biết được tội lỗi của mình, .như vậy là 'không biết tàm quí'. Thái độ tâm lý không biết hổ thẹn là thái độ không muốn sửa sai lỗi lầm của mình, nó là vật chướng ngại cho các thiện pháp phát sinh, là tâm tư không có những hạt giống thiện pháp chỉ có những mầm mống của tham lam sân hận và si mê, điều đó biểu lộ một tâm hồn không có an lạc và hạnh phúc. Một tâm hồn như vậy là tâm hồn không có 'tu tập', cho dù người ấy hằng ngày niệm Phật hay lạy Phật, cho dù người ấy ngồi thiền bao nhiêu giờ cũng không phải là người tu tập trong đạo Phật.

Ngược lại, người biết hổ thẹn là người không những chỉ biết việc làm sai của mình mà còn có thái độ hổ thẹn sám hối và muốn sửa chữa lỗi lầm của mình. Với tâm tư như vậy, người ấy chắc chắn sẽ tiến bộ, gột sạch pháp bất thiện ra khỏi tâm tư của mình, là điều kiện cho những hạt giống thiện pháp đua nở. Vì tâm tư biết hổ thẹn là bức tường ngăn chận pháp bất thiện xâm nhập vào thân tâm, nó cũng là điều kiện tốt cho hạt giống bồ đề sanh khởi. Tính quan trọng của lòng biết hổ thẹn như vậy, cho nên trong kinh này đức Phật xem ‘lòng tàm quí’ như là nguyên tắc đầu tiên cho tiến trình tu tập hay pháp tác thành vị sa môn. Đó cũng là lý do tại sao đức Phật khuyên Ngài Rahula (La Hầu La):

Này Rahula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rahula, "Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi", này Rahula, Ông phải học tập như vậy.[9].

Lời dạy này, đức Phật cảnh báo cho chúng ta biết rằng, người nào làm việc sai lầm mà tự mình không biết hổ thẹn thì người đó không từ chối bất cứ việc ác nào. Ví như chiếc áo màu đen nhơ nhớp và cũ kỹ, nếu như chiếc áo đó có dính bụi nhơ gì, cũng không vì vậy khiến cho ta cảm thấy khó chịu, lý do vì tâm tư người đó nghĩ rằng, chiếc áo này đã dơ lại cũ, có dính bụi cũng không sao. Như vậy, chiếc áo đó tha hồ để cho bụi dính. Cũng vậy, một người làm việc ác, không biết hổ thẹn về hành vi sai trái của mình, tâm tư suy nghĩ như vậy nhiều lần, và đến một lúc nào đó, trở thành thói quen và sẽ cảm thấy bình thường khi làm việc ác. Một lỗi nhỏ nếu chúng ta cảm thấy bình thường không biết hổ thẹn dần dần sẽ thành thói quen, là nguyên nhân cho người ấy sẽ làm việc ác lớn hơn, và cứ thế tăng dần cho đến việc cực ác. Đó là lý do tại sao đức Phật dạy Rahuala rằng:

Ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm.

Đây chính là ý nghĩa mà đức Phật lấy pháp biết tàm quí làm pháp đầu tiên cho pháp tác thành vị tỷ kheo.

 

2.3. Ba nghiệp thanh tịnh

Pháp thứ ba của pháp tác thành sa môn là ‘Ba nghiệp thanh tịnh’. Trong Phật giáo Đại thừa có câu: Chúng sanh có tám muôn bốn ngàn phiền não, Phật cũng có tám muôn bốn ngàn pháp môn tu tập. Câu nói này mang ý nghĩa, có rất nhiều nguyên nhân gây ra phiền não, Phật pháp cũng có rất nhiều phương pháp đối trị. Phiền não thì có nhiều loại nhưng cũng không ngoài phiền não do thân gây ra, do miệng gây ra và do ý gây ra. Thân, khẩu và ý là 3 nghiệp của con người. Nghiệp bao gồm nghiệp thiện và bất thiện. Nghiệp thiện là nghiệp có chiều hướng đến nhân thiên và giải thoát. Nghiệp ác là nghiệp có xu hướng đọa lạc và mang lại khổ đau. Trong Phật giáo, nói tu tập là nói đến sự sửa đổi hay chuyển hóa 3 nghiệp. Thân nghiệp là những hành vi thuộc về thân; khẩu nghiệp là những hành vi thuộc về miệng; ý nghiệp là những hành nghiệp thuộc về ý thức. Những hành vi trong cuộc sống hằng ngày của con người không vượt ra ngoài 3 nghiệp này, nếu chúng ta không thể hiện bằng thân thì thể hiện bằng miệng và trước khi thể hiện ở nơi thân hoặc miệng thì ý thức đắn đo suy nghĩ tính toán. Ý là chủ nhân gây ra các nghiệp. Việc ác từ đây mà sinh, việc thiện cũng từ đây mà có; khổ đau do nghiệp tạo thành, hạnh phúc cũng do nghiệp mà sanh. Như vậy toàn thể sinh hoạt hằng ngày của chúng ta không việc gì vượt ra ngoài 3 nghiệp. Có lẽ đó chính là lý do tại sao đức Phật khuyên chúng ta nên làm cho 3 nghiệp thanh tịnh.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là công việc đáng phải làm hơn nữa? "Thân hành chúng ta phải được thanh tịnh.... Khẩu hành chúng ta phải được thanh tịnh....Ý hành chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu.[10]

Khái niệm 'thanh tịnh' ở đây, không mang ý nghĩa 'thân' không hoạt động, miệng không nói, ý không suy nghĩ, nó mang ý nghĩa đức Phật khuyên chúng ta thân nên làm việc thiện, miệng nên nói chuyện hợp thời hợp lý[11], và ý nên suy nghĩ theo nguyên tắc 'như lý tác ý'[12], có nghĩa là đạo lý của sự vật như thế nào thì nên suy nghĩ nói năng và hành xử như thế ấy, không phải là sự suy tư bằng tưởng tượng, nói năng sai sự thật và thực hành không phù hợp với qui luật sống của con người trong xã hội.

'Kinh Giáo Giới Rahula' trong "Kinh Trung Bộ" đức Phật phân tích giải thích về phương pháp tu tập 3 nghiệp rất đặc biệt, ở đây chúng ta cần chú ý. Ngài căn cứ vào 3 điểm thời gian là vị lai, hiện tại và quá khứ để phân tích về 3 nghiệp là thân, khẩu và ý. Nội dung và ý nghĩa của kinh này được giải thích như sau.

a.         Đối với thân nghiệp sẽ làm

Trước hết là thân nghiệp muốn làm. Trong ‘Kinh Giáo Giới Rahula’ (Ambalatthikà Ràhulovàda sutta) đức Phật phân tích:

Này Rahula, khi Ông muốn làm một thân nghiệp gì, hãy phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: "Thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ"...Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông nhất định chớ có làm. Này Rahula, nếu sau khi phản tỉnh, ông biết: "Thân nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc". Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông nên làm. [13]

Đức Phật khuyên chúng ta muốn làm (sẽ làm) việc gì thuộc về thân, trước hết hãy xem xét đắn đo suy nghĩ việc ấy thật kỹ lưỡng, sau khi suy nghĩ, nếu cảm thấy việc ấy là việc bất thiện, mang lại khổ đau cho mình cho người cho cả hai thì chúng ta không nên làm việc ấy. Ngược lại, nếu cảm thấy việc mà chúng ta sắp muốn làm là việc thiện, nó mang lại sự an lạc cho mình cho người cho cả hai thì đức Phật khuyên chúng ta nên làm việc ấy.

Theo kinh nghiệm thực tế của cuộc sống cho thấy, những phiền não và âu lo đều phát sinh từ việc làm cẩu thả thiếu suy xét, do thiếu suy tư bồng bột dẫn đến hành động sai lầm, từ đó phát sinh đau khổ. Do vậy, đức Phật khuyên chúng ta muốn làm một việc gì cần phải chín chắn suy tư việc ấy, với mục đích nhằm ngăn chận những nguyên nhân gây ra khổ đau cho con người.

b. Đối với thân nghiệp đang làm

Kế đến là thân nghiệp đang làm. Cũng trong kinh này, đức Phật phân tích như sau:

Này Rahula, khi Ông đang làm một thân nghiệp, Ông cần phải phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: "Thân nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ; đem đến quả báo đau khổ....Này Rahula, ông hãy từ bỏ một thân nghiệp như vậy. Nhưng nếu, này Rahula, trong khi phản tỉnh ông biết như sau: "Thân nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc". Thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông cần phải tiếp tục làm.[14].

Cũng vậy, khi chúng ta đang làm một thân nghiệp gì, cần phải phản tỉnh xem xét việc ấy, sau khi phản tỉnh biết việc ấy là bất thiện, nếu tiếp tục làm, nó sẽ mang lại khổ đau cho mình cho người và cho cả hai, cần phải từ bỏ không tiếp tục làm việc ấy. Ngược lại, sau khi phản tỉnh, biết được việc ấy là việc thiện, nếu làm nó sẽ mang lại sự hạnh phúc an lạc cho mình cho người cho cả hai thì việc ấy chúng ta nên tiếp tục làm.

c. Đối với thân nghiệp đã làm

Tiếp theo là thân nghiệp đã làm. Cũng trong 'Kinh Giáo Giới Rahula' đức Phật giải thích về vấn đề này như sau:

Sau khi Ông làm xong một thân nghiệp, này Rahula, Ông cần phải phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: "Thân nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ".....Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước các vị Ðạo sư, hay trước các vị đồng Phạm hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai. Nếu trong khi phản tỉnh, này Rahula, Ông biết như sau: "Thân nghiệp này ta đã làm. Thân nghiệp này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc". Do vậy, này Rahula, Ông phải an trú trong niềm hoan hỷ tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp.[15]

Đối với việc đã làm xong, cần phải phản tỉnh xem xét việc đã làm ấy, nếu như biết nó đưa đến tự hại, hại người hại cả hai, đó là việc bất thiện. Một thân nghiệp như vậy, chúng ta cần phải đến trước vị đạo sư hay người có trí, trình bày việc sai lầm đã làm của mình và tỏ thái độ thật sự muốn ăn năn sám hối, và thề nguyện không tái phạm. Ngược lại, sau khi phản tỉnh rõ biết việc đã làm không hại mình, hại người và hại cả hai, thân nghiệp đó là thân nghiệp thiện, chúng ta nên hoan hỷ và tiếp tục làm những việc làm như vậy.

Đây là thân nghiệp của 3 thời gian đã được đức Phật giải thích một cách rất tường tận. Kế đến là khẩu nghiệp và ý nghiệp. Theo sự trình bày của kinh này, đức Phật giải thích về khẩu nghiệp và ý nghiệp cũng căn cứ vào ba mốc thời gian là quá khứ hiện tại và vị lai mà khẩu và ý nghiệp dự định sẽ thực hiện; khẩu và ý nghiệp đang thực hiện; và khẩu và ý nghiệp đã thực hiện. Cách giải thích của hai nghiệp này cũng giống như thân nghiệp, chỉ khác ở điểm là thay vào chữ 'thân nghiệp' bằng chữ 'khẩu nghiệp’ hay ‘ý nghiệp'. Để tránh sự trùng lặp, do vậy nơi đây người viết chỉ giải thích.

Qua nội dung và ý nghĩa của việc phản tỉnh 3 nghiệp, nó gợi ý cho chúng ta nhận thức điều quan trọng rằng, phương pháp tu tập trong kinh này rất thực tế và rõ ràng, nó không mang ý nghĩa mơ hồ trừu tượng, bất cứ ai đọc cũng hiểu và bất cứ ai cũng thực hành được. Nếu như các vị tỷ kheo là người xuất gia mỗi ngày sống trong chánh pháp, chính mình thường phản tỉnh về 3 nghiệp, chắc chắn chúng ta sẽ rất rõ 3 nghiệp của mình đã làm đang làm và sẽ làm. Từ sự rõ ràng đó, chúng ta sẽ lựa chọn việc nào nên làm và việc nào không nên làm. Nếu 3 nghiệp được thanh tịnh, như vậy sống đời sống xuất gia không trở thành vô dụng, tư cách của vị tỷ kheo cũng nhờ đây mà thành tựu, làm gương sáng cho đời. Với tư cách như vậy, chắn chắn người thế tục không những không khinh khi mà còn tán dương khen ngợi người xuất gia, Phật pháp cũng nhờ đó càng ngày chói sáng ở thế gian. Không những chính mình gặt hái sự lợi ích mà người trong thế gian cũng nhờ đó được ích lợi từ Phật pháp.

Nếu chúng ta là người cư sĩ tại gia, hằng ngày tu tập bằng cách phản tỉnh 3 nghiệp. Có nghĩa là sửa đổi 3 nghiệp bất thiện thành 3 nghiệp thiện. Tôi tin rằng, người ấy không những là người Phật tử chân chính còn là người mẫu mực, người tốt trong gia đình và xã hội. Đối với công việc làm ăn, chính nhờ sự phản tỉnh thường xuyên, cho nên chúng ta dễ nhận ra những nguyên nhân đưa đến thất bại. Khi biết được nguyên nhân nào đưa đến thất bại đau khổ chúng ta liền có biện pháp ngăn chận; yếu tố nào đưa đến thành công liền thực thi những yếu tố ấy.

Cuộc sống được mọi thành viên trong gia đình thương yêu, được mọi người trong xã hội thương mến, công việc làm ăn thuận duyên, không bị thất bại, mhư vậy, chúng ta là người sống trong an lạc và hạnh phúc, không phải là người sống trong đau khổ. Tôi nghĩ đây là một phương pháp tu tập rất thiết thực và hữu ích cho người Phật tử tại gia.

 

2.4  Mạng sống thanh tịnh

Pháp thứ tư của ‘Pháp tác thành vị sa môn’ là ‘Mạng sống thanh tịnh'. Ở đây, nội dung và ý nghĩa của từ này chỉ cho cách sống của tỷ kheo phải được thanh tịnh. Liên quan đến mạng sống thanh tịnh trong 'Đại Kinh Xóm Ngựa' (Mahà -Assapura-sutta) đức Phật dạy:

 

Này các Tỷ-kheo, thế nào là công việc đáng phải làm hơn nữa? "Sanh mạng chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu.[16]

Theo đức Phật, người xuất gia là người sống có ý thức, nhận thức được cuộc đời là giả tạm và đầy khổ đau, cho nên người ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, với chí nguyện mong cầu thành đạt giác ngộ và giải thoát. Vì muốn thành tựu mục đích cao cả này, đức Phật đã qui định người xuất gia phải có cuộc sống trong sạch, trong kinh này gọi là ‘Mạng sống thanh tịnh’, vì người xuất gia lấy giác ngộ và giải thoát làm mục đích, cho nên cần phải sống bằng đời sống chân chính, lấy tinh thần 'thiểu dục tri túc' làm thước đo cho cuộc sống, và nuôi thân bằng đời sống khất thực, xem việc ăn uống như là sự giữ gìn sức khoẻ để tiến tu đạo nghiệp, không phải vì ngon miệng, vì những mục đích không chính đáng. Thế nhưng, sau khi Thế Tôn nhập diệt, Phật giáo càng ngày càng phát triển, số lượng tăng già càng ngày càng đông, nhất là Phật giáo được sự đồng tình ủng hộ của nhà vua A Dục và những người giàu có. Bấy giờ những người xuất gia với mục đích không chân chính, lợi dụng Phật pháp, trà trộn trong tăng đoàn, sống cuộc sống trụy lạc, lợi dụng hình tướng xuất gia để trục lợi cá nhân, không sống theo đời sống Phạm hạnh, sống bằng các nghề nghiệp bất chính, như là xem bói, xem tướng...Đó là những trường hợp Phật giáo trong ngày xưa, nhưng còn Phật giáo ở ngày nay như thế nào? Theo tôi, còn tồi tệ hơn nữa, bất chấp sự thịnh suy của chánh pháp, xem thường sự thị phi đàm tiếu của người thế tục, làm tổn thương niềm tin của người Phật tử tại gia. Tôi cho rằng, đây là nguyên nhân chủ yếu để làm cho Phật pháp suy đồi.

Thiết nghĩ, đã đến lúc tăng già nên ngồi lại với nhau, tìm ra biện pháp thích đáng để ngăn ngừa những yếu tố xấu làm cản trở sự phát triển đạo pháp.

Là người xuất gia mà sống với nghề nghiệp như vậy, đức Phật gọi đó là 'tà mạng' không chân chính, không thích nghi với đời sống của một người xuất gia, trái với mục đích xuất gia của mình. Không những nó làm chướng ngại cho mục tiêu giác ngộ và giải thoát của chính mình mà còn làm tổn thương đến đạo pháp, làm mất đi lòng tin của người Phật tử tại gia.

 

2.5. Hộ trì các căn

Trong các pháp tác thành vị sa môn, pháp thứ 5 là 'hộ trì các căn'. Liên hệ đến pháp tu tập này, trong kinh điển A Hàm hay Nikàya có rất nhiều kinh đề cập đến pháp tu hộ trì các căn. Ở đây, vì tính chất thống nhất giải thích tiến trình tu tập trong 'Đại Kinh Xóm Ngựa', cho nên tôi căn cứ cách giải thích của bài kinh này, trong khi phân tích nếu có điểm nào chưa rõ chúng ta sẽ vận dụng những kinh khác để làm sáng tỏ vấn đề hơn.

Ý nghĩa 'hộ trì các căn' trong 'Đại Kinh Xóm Ngựa' (Mahà -Assapura-sutta) giải thích như sau:

Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? "Chúng ta phải hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập.[17]

Nội dung và ý nghĩa đoạn kinh vừa dẫn trên, đức Phật khuyên các vị tỷ kheo cần phải hộ trì các căn. Ở đây, từ 'các căn' tức chỉ cho 6 căn, tức là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn. 5 căn đầu là những cơ quan tiếp xúc thế giới bên ngoài, như nhãn căn là cơ quan để tiếp xúc các loại hình sắc, nhĩ căn là cơ quan tiếp xúc các loại âm thanh, tỷ căn là cơ quan tiếp xúc các loại mùi hương, thiệt căn là cơ quan tiếp xúc các vị ngon ngọt, thân căn là cơ quan tiếp xúc các loại cảm xúc của thân, và ý căn là cơ quan tiếp xúc các pháp, là những hình ảnh chụp lại từ 5 trần, là thế giới bên ngoài, trong 12 xứ gọi là ‘pháp xứ’ là đối tượng nhận thức của ý thức.

Ở đây, đức Phật khuyên các vị tỷ kheo: "Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt." Nội dung và ý nghĩa lời dạy này, đức Phật khuyên các vị tỷ kheo cần phải 'hộ trì con mắt'. Ở đây chúng ta nên hiểu rằng, sự hộ trì con mắt không có nghĩa là gìn giữ con mắt không để cho nó bị bịnh, mà nó mang ý nghĩa không để cho tâm sanh khởi lòng sân hận hay tham lam khi chúng ta đối diện với sắc pháp. Vì sắc có hai loại là sắc đẹp và sắc xấu, khi mắt nhìn thấy sắc đẹp, nếu tâm không tu tập, liền sanh tâm tham ái đam mê sắc đẹp ấy, khi tâm đã sanh lòng tham ái thì tâm liền muốn chiếm đoạt sắc đẹp đó thuộc về của riêng mình. Muốn chiếm đoạt mà không chiếm được là khổ đau, bất cứ ai cũng biết, nhưng với trường hợp muốn chiếm đoạt lại chiếm đoạt thành công, trong trường hợp này có sanh khổ đau không? Vẫn có khổ đau, vì tất cả các pháp của thế gian đều mang tính duyên sinh vô thường vô ngã; cái gì vô thường biến hoại mà suy nghĩ của chúng ta cho rằng nó là thường hằng vĩnh cửu thì chính suy nghĩ không đúng ấy sanh đau khổ. Sắc là vô thường, ai chấp trước sắc ấy là thường hằng là của tôi, khi sắc biến hoại sẽ sanh đau khổ. Đó là một định luật.

Ngược lại, nếu mắt của chúng ta nhìn thấy sắc xấu, là những đối tượng không ưa thích, tâm chúng ta không thích chúng, nhưng sự vật không phải vì chúng ta không thích mà nó không hiện hữu. Cái mà chúng ta không muốn nhìn mà nó luôn hiện hữu thì cái ấy sanh đau khổ buồn bực. Như chúng ta không thích người thân trong gia đình hư đốn, nhưng sự kiện ấy vẫn xảy ra là đau khổ. Đây chính là ý nghĩa mà đức Phật khuyên các vị tỷ kheo, không nên nắm giữ tướng chung, tướng riêng, và những nguyên nhân gì khiến cho tham ái khởi lên, chúng ta cần phải chế ngự những nguyên nhân ấy.

Có người đặt nghi vấn, ai sống trên cuộc đời này lại không biết sự vô thường biến đổi của vạn vật, nhưng tại sao họ vẫn đau khổ?

Theo tôi, vấn đề này nên hiểu rằng, chúng ta hiểu sự vô thường biến đổi là chúng ta hiểu nó qua sự vô thường của người khác, nhưng chúng ta không hiểu sự vô thường của chính mình. Ví dụ, người bạn của mình có người thân qua đời, do vậy người bạn thương tiếc và khổ đau vô cùng. Bấy giờ mình bèn khuyên người bạn rằng: Này bạn ơi! bạn không nghe đức Phật dạy cuộc đời là vô thường, có sanh thì có diệt không, do vậy bạn không nên buồn đau. Thế nhưng vài hôm sau sự kiện đau buồn ấy lại đến với chính mình, một người thân của mình cũng ra đi, sự khổ đau đó lại xuất hiện với chính mình, dường như không chịu nổi.

Ở đây chúng ta thử phân tích hai trường hợp này, tại sao hai việc giống nhau, nhưng việc xảy ra với người bạn thì mình không khổ đau, nhưng xảy ra chính mình thì vẫn bị khổ đau? Thật ra hai sự kiện này hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ là mình và người. Chúng ta chỉ chấp nhận lẽ vô thường xảy ra ở người khác, nhưng lại không chấp nhận sự vô thường xảy ra ở chính mình. Do vậy, khi vô thường xảy ra với người thì mình không khổ đau, nhưng nó xảy ra nơi mình thì mình sanh khổ đau. Như vậy, chúng ta có lời giải đáp cho câu hỏi trên là: Chúng ta chỉ biết vô thường ở người mà không biết sự vô thường ở chính mình.

Ngoài ra, khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm các vị, thân cảm xúc các loại cứng mềm cũng mang ý nghĩa như vậy.

Thế thì chúng ta bằng cách nào để ngăn chận lòng tham ái khi gặp đối tượng mà mình ưa thích, cũng như lòng sân hận khi gặp đối tượng không thích? Phải chăng chúng ta không nhìn sắc, không nghe tiếng, không ngửi mùi vị, không nếm các vị, thân không xúc chạm? Với vị trí là con người mà là con người bình thường, không bị bịnh tâm thần thì bất cứ ai cũng muốn sống, sống vui sống đẹp, khi đã muốn sống thì sáu căn của người ấy phải hoạt động, phải tiếp xúc với sáu trần. Tiếp xúc là tất yếu, nhưng tiếp xúc như thế nào mới là vấn đề. Đây chính là sự khác nhau giữa người hiểu biết và không hiểu biết, hay nói theo từ chuyên môn của nhà Phật gọi là có trí tuệ và không có trí tuệ. Người có trí tuệ là người khi tiếp xúc với 6 trần tâm không bị dao động bởi 6 trần, và ngược lại người không có trí tuệ là người khi tiếp xúc với 6 trần tâm bị lôi cuốn và dao động. Như vậy vấn đề chính ở đây chính là có trí tuệ hoặc không có trí tuệ. Thế thì như thế nào gọi là trí tuệ? Để trả lời câu hỏi này, ở đây chúng ta mượn lời vấn đáp giữa đức Phật và Aggivessana để làm sáng tỏ vấn đề:

- Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

- Vô thường, Tôn giả Gotama

- Cái gì vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

- Là khổ, Tôn giả Gotama.

- Cái gì vô thường, khổ, biến hoại; có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

- Thưa không, Tôn giả Gotama.

- Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Thọ... (như trên)... tưởng... (như trên)... các hành... (như trên)... Này Aggivessana, Ông nghĩ thế nào? Thức là thường hay vô thường?

- Vô thường, Tôn giả Gotama.

- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

- Là khổ, Tôn giả Gotama.

- Cái gì vô thường, khổ, biến hoại; có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

- Thưa không, Tôn giả Gotama.[18]

Qua nội dung lời vấn đáp này, nó gợi ý cho chúng ta nhận thức, bản chất của các sắc pháp, âm thanh, mùi vị, hương thơm, cảm xúc và các pháp vốn là vô thường sanh diệt. Không một pháp nào không sanh diệt, vì sự hình thành của chúng vốn là do nhân duyên hòa hợp, nhân duyên đầy đủ thì các pháp sanh khởi, nhân duyên không còn thì chúng tan rã. Như vậy, khi nhân duyên của các pháp chưa mất, dù ý thức của chúng ta không muốn nó tồn tại thì nó vẫn tồn tại, ngược lại, khi yếu tố nhân duyên không còn, ý thức chúng ta muốn chúng tồn tại, cũng không vì sự mong muốn ấy mà chúng tồn tại. Cái gì mà chúng ta muốn mà không được thì sanh ra khổ, và cái gì chúng ta không thích mà nó vẫn tồn tại cũng sanh ra khổ. Chúng ta muốn dứt trừ những khổ đau này, chỉ có cách duy nhất chúng ta phải nhận thức đúng đắn bản chất của sự vật, là duyên khởi là vô thường, và chấp nhận định luật vô thường. Nếu chúng ta có được sự nhận thức như vậy, khi đối diện với đối tượng đẹp, tâm của chúng ta sẽ không vì sắc đẹp quyến rũ, dao động, và khi chúng ta đối diện với sắc xấu cũng không vì vậy mà tâm sanh giận hờn. Đây chính là ý nghĩa của pháp thứ 5 là ‘hộ trì các căn’ đã được đức Phật trình bày trong kinh này.

 

2.6 Tiết chế việc ăn uống

Pháp thứ 6 tác thành vị sa môn là sự 'Tiết chế việc ăn uống'. Liên quan đến vấn đề này theo 'Đại Kinh Xóm Ngựa' (Mahà -Assapura-sutta) được đức Phật giải thích như sau:

Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? Chúng ta phải biết tiết độ trong ăn uống, với chánh tư duy, chúng ta thọ thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh.... Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập.[19]

Nội dung và ý nghĩa đoạn kinh này, đức Phật khuyên các vị tỷ kheo cần phải tiết chế việc ăn uống. Theo tôi có mấy nguyên nhân khiến cho đức Phật khuyên các vị tỷ kheo cần phải tiết chế việc ăn uống. Thứ nhất, phương pháp tu tập của chư tăng lúc bấy giờ là tu tập thiền định, nếu như ban chiều ăn quá no sẽ gây chướng ngại cho việc ngồi thiền, dễ sanh hôn trầm, tức buồn ngủ. Thứ hai, đời sống tăng già lúc Phật còn tại thế là đời sống trong rừng núi, cách xa làng xóm, do vậy việc khất thực rất bất tiện. Thứ ba, vì xã hội đương thời không phải là một xã hội có đời sống kinh tế cao, mà là đời sống nông nghiệp lạc hậu, hơn nữa đời sống tăng già hoàn toàn đều nương nhờ vào sự cúng dường của thí chủ, cho nên các vị tỷ kheo cần tiết chế việc ăn uống, tránh bớt sự phiền hà cho người Phật tử tại gia, cho nên người xuất gia chỉ ăn một ngày một bữa vào giữa trưa. Hơn nữa, Phật giáo xem vấn đề ăn uống rất nhẹ nhàng, xem việc ăn uống như là việc uống thuốc, để duy trì thân mạng, vì thân mạng được ví như chiếc thuyền để vượt qua sông mê, đến bến bờ giác ngộ, do vậy việc ăn uống của người xuất gia không giống như là người thế tục, không phải vì đam mê, vì bổ dưỡng...mà ăn uống là để sống để tu tập.

Đời sống xuất gia trong thời đức Phật, so với đời sống bây giờ có khác đi nhiều, trong những yếu tố khuyên người xuất gia, việc tiết chế ăn uống trong đó có yếu tố vì đời sống kinh tế xã hội còn thấp, tất nhiên với yếu tố này so với thời đại chúng ta thì ngược lại, nhất là đời sống ở những nước giàu có như các nước Phương tây, có nghĩa là chúng ta không nên quá cố chấp vào hình thức. Thế nhưng, ở thời đại ngày nay, vật chất quá dư thừa, phát sinh một số vấn đề. Cái khổ của con người ngày nay không phải là thiếu ăn mà là vấn đề dư thừa vật thực. Vật thực quá thừa thãi, ăn uống quá nhiều, cơ thể sanh nhiều bịnh tật, trong đó có những chứng bịnh phát sinh từ việc ăn uống, như bịnh tiểu đường là một ví dụ điển hình. Qua những thực tế từ xã hội, chúng ta thấy, lời khuyên của đức Phật về sự tiết chế việc ăn uống không phải là không có lý.

Ở trong thời đại ngày nay, nếu như người xuất gia nào biết tiết chế ăn uống, vị ấy chắc chắn giảm nhiều bịnh tật từ ăn uống. Người có thân thể khoẻ mạnh tu tập và thực thi nhiệm vụ hoằng dương Phật pháp tốt hơn là người có bịnh tật. Người Phật tử tại gia nếu biết tiết chế việc ăn uống thì thân thể sẽ mạnh khoẻ, tu tập cũng sẽ thuận duyên tinh tấn hơn.

 

2.7. Chú tâm cảnh giác

Pháp tác thành vị sa môn thứ 7 là 'Chú tâm cảnh giác'. Pháp này nhằm mục đích giúp hành giả rèn luyện cho tâm luôn chú ý đến mọi hành vi cử chỉ của mình, và cảnh giác không cho những pháp bất thiện xâm nhập làm ô nhiễm thân tâm. Nhờ có chú tâm cảnh giác, hành giả mới có thể tiến thêm một bước nữa là 'Chánh niệm tỉnh giác', với mục đích để dễ dàng nhập vào 4 cõi thiền định. Liên quan đến 'Chú tâm cảnh giác', trong 'Đại Kinh Xóm Ngựa' (Mahà -Assapura-sutta), đức Phật giải thích như sau:

Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? Chúng ta phải chú tâm cảnh giác. Ban ngày khi đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh một khi đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh giữa, chúng ta phải nằm dáng nằm con sư tử, nghiêng bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến lúc thức dậy lại. Ban đêm canh đầu thức dậy, đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập.[20]

Trong kinh này đức Phật mô tả về trạng thái 'Chú tâm cảnh giác' là: Bất luận ban ngày hay ban đêm, khi vị Tỷ kheo đi kinh hành, trong lúc ngồi hay trong lúc nằm tâm tư cần phải chú tâm cảnh giác, ngăn chận không để cho các pháp bất thiện khởi lên, các pháp chướng ngại nào khởi lên cần phải ngăn chận đoạn trừ, giữ tâm luôn luôn được thanh tịnh.

Có thể nói đây là một trong những biện pháp cơ bản để huấn luyện cho vị Tỷ kheo tu tập thiền định. Vì khi tu tập thiền định là lúc năm giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân của hành giả tạm ngưng không hoạt động, chỉ còn ý căn hoạt động, cho nên nó hoạt động rất mạnh, giống như giòng thác nước đang tuôn chảy, tất cả những hình ảnh gì trước đây được lưu giữ lại trong tâm, nó tuôn trào xuất hiện, làm cho tâm tán loạn, cản trở tâm không được chuyên chú, do vì trong cuộc sống hằng ngày của tỷ kheo ấy không được huấn luyện, làm cho tâm có sự chú ý. Hành giả khi ngồi thiền muốn cho tâm không bị tán loạn hoặc dong ruỗi theo sáu trần, biện pháp tốt nhất hằng ngày phải huấn luyện tâm, có nghĩa là không phải đợi đến lúc tọa thiền mà trước tiên phải huấn luyện cho tâm có sự chú ý. Trong cuộc sống hằng ngày tâm đã được huấn luyện thuần thục, khi ngồi thiền sẽ dễ dàng định tâm hơn. Đây là ý nghĩa của pháp 'chú tâm cảnh giác'.

 

2.8. Chánh niệm tỉnh giác

Pháp tác thành sa môn thứ 5 là 'Chánh niệm tỉnh giác'. Pháp này nhằm mục đích giúp cho vị tỷ kheo luôn luôn ở trong chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm là ý niệm chân chánh, không liên hệ đến dục vọng, làm ô nhiễm tâm; tỉnh giác là sự tỉnh thức cảnh tỉnh nhắc nhở. Nhờ hai pháp này mà tỷ kheo dễ tiến vào thiền định. Pháp này được 'Đại Kinh Xóm Ngựa’ giải thích như sau:

Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? Chúng ta phải chánh niệm tỉnh giác, khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác, khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi đứng, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập.[21]

Nếu như pháp 'Chú tâm cảnh giác' là pháp giúp cho hành giả luôn luôn sống trong trạng thái chú tâm và cảnh giác, theo dõi và kiểm soát tâm, nếu thấy tâm xuất hiện những pháp bất thiện nào liền tẩy trừ ngay pháp ấy. Ở đây pháp 'chánh niệm tỉnh giác' chủ yếu giúp cho hành giả luôn luôn sống trong chánh niệm và tỉnh giác. Thế nào là chánh niệm tỉnh giác? Khái niệm 'chánh niệm' ngoài ý nghĩa sống trong ý niệm chơn chánh, liên hệ với tâm không tham lam sân hận và si mê, nó còn mang ý nghĩa cột chặt tâm tư vào một đối tượng nào đó, không để tâm tán loạn, hành vi không để tâm tán loạn này là 'tỉnh giác', có nghĩa là làm việc gì biết rõ việc ấy, cho nên trong kinh mô tả là khi đi đứng nằm ngồi, nhìn tới, nhìn lui, khi co tay duỗi tay...đều tỉnh giác. Vì mục đính của pháp chánh niệm tỉnh giác là giúp cho hành giả tiến sâu vào thiền định và có xu hướng làm cho hành giả triển khai trí tuệ, giác ngộ thật tướng của các pháp, hay nói một cách khác là khiến cho hành giả sống trong 'như lý tác ý', để thành đạt sự giác ngộ và giải thoát.

 Nếu tỷ kheo nào thực hành pháp 'chánh niệm tỉnh giác' vị ấy chắc chắn sống với tâm sáng suốt và việc làm rất minh chính, Phật pháp cũng nhờ vậy mà không bị lu mờ. Nếu là Phật tử tại gia sống trong gia đình hành pháp này, vị ấy chắc chắc được nhiều lợi ích, không những trong tâm tư vị ấy được an lạc mà còn làm cho cuộc sống gia đình càng thêm hạnh phúc, có niềm tin.

 

2.9. Đoạn trừ 5 triền cái

Pháp tác thành vị sa môn thứ 6 là 'Đoạn trừ 5 triền cái', là những pháp làm chướng ngại hành giả tu tập thiền định, đó là 1. tham lam, 2. sân hận, 3. hôn trầm thuỵ miên, 4. trạo cử, 5. nghi ngờ. 5 pháp này được 'Đại Kinh Xóm Ngựa' giải thích như sau:

Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối tiếc, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.[22]

Sau khi tỷ kheo đã thành tựu 'chú tâm cảnh giác', 'chánh niệm tỉnh giác', trước nhất tTỷ kheo cần phải tìm nơi thật thanh vắng, tịch mịch, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời hay đống rơm...Tại sao vị tỷ kheo cần phải lựa nơi thanh vắng như vậy? Lý do vì 5 giác quan là mắt, tai mũi, lưỡi, thân của chúng ta thường dong ruỗi theo 5 cảnh là sắc, thinh, hương, vị và xúc. Sự dong ruỗi này trở thành một tập quán xấu, thiếu sự kiềm chế, do vậy rất khó cho hành giả sống nơi ồn ào tu tập thiền định, tâm tư dễ bị tán loạn khó nhiếp phục. Đó là lý do tại sao đức Phật khuyên hành giả tu thiền cần phải tìm nơi vắng vẻ, vì nơi đó hoàn cảnh vắng lặng, không có tiếng ồn, rất dễ cho hành giả nhiếp tâm, và khi hành giả ở trong thiền định cũng không vì tiếng ồn ào làm cho tâm của vị ấy bị khuấy nhiễu sanh tâm tán loạn.

Sau khi tìm chỗ thích hợp thanh vắng xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng, và an trú chánh niệm trước mặt. Có thể nói, đây là tư thế tọa thiền tốt nhất trong Phật giáo. Kiết già là một tư thế ngồi thiền tương đối ổn định nhất trong các tư thế, hai chân bắt tréo lên nhau, như hai sợi dây mây bện lại với nhau, trông rất vững, máu huyết cũng dễ dàng lưu thông. Lưng thẳng, đầu hơi nghiêng cúi xuống với đôi mắt lim dim nửa nhắm nửa mở, và cột niệm trước mặt. Đây là cách ngồi thiền để cho thân không mỏi mệt, tránh bệnh tật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tâm an trú trong thiền định được lâu dài.

Sau khi lựa nơi thanh vắng, ngồi kiết già và an trú chánh niệm trước mặt xong, vị ấy tiến sâu vào thiền định, quán chiếu thấy được thật tướng của con người và thế gian là vô thường và vô ngã, cho nên tâm của vị ấy từ bỏ triền cái thứ nhất là lòng tham ái, sống với tâm không tham ái. Từ bỏ sân hận, sống với tâm không sân hận, ngược lại có lòng từ mẫn đối với tất cả chúng hữu tình. Từ bỏ trạng thái hôn trầm thụy miên, sống không hôn trầm và thụy miên, ngược lại có chánh niệm tỉnh giác. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối tiếc, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối quá. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống không nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp. Như vậy là vị ấy đã đoạn trừ năm triền cái, đây là điều kiện duy nhất để hành giả có thể chứng đắc bốn thiền.

 

2.10. Chứng đắc bốn thiền

Thiền định là pháp tu tập của Phật giáo, nhưng phương pháp tu tập thiền của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa khác nhau. Thiền của Phật giáo Nguyên thủy gọi là Tứ Niệm Xứ, được gọi là Như Lai thiền, tức là phương pháp tu tập của đức Phật. Thiền của Phật giáo Đại thừa gọi là Tổ sư thiền, là những phương pháp tu tập của các thiền sư ở Trung Quốc. Theo Phật giáo Nguyên thủy kết quả tu tập pháp Tứ Niệm Xứ hành giả chứng được 4 thiền, tức là 4 trạng thái chứng đắc thiền định từ thấp lên cao, tức thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba và thiền thứ tư. Dưới đây chúng ta lần lượt tìm hiểu bốn cõi thiền này.

 

a.       Thiền thứ nhất

Theo 'Đại Kinh Xóm Ngựa' trạng thái thiền thứ nhất được giải thích như sau:

Sau khi đã đoạn trừ năm triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly ác, bất thiện pháp chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.[23]

Vị tỷ kheo sau khi hoàn thành các pháp tác thành vị sa môn là sống có giới hạnh, hộ trì các căn, tiết chế việc ăn uống, chú tâm cảnh giác và chánh niệm tỉnh giác xong, vị ấy lựa nơi thanh vắng, an trú chánh niệm trước mặt, nhờ vậy mà vị ấy đoạn trừ 5 triền cái và chứng được cõi thiền thứ nhất. Cõi thiền thứ nhất được kinh này cũng như các kinh khác nhất quán định nghĩa là:

Ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc, do ly dục sanh, có tầm và tứ.

Có nghĩa là trạng thái thiền thứ nhất là trạng thái sau khi tỷ kheo đã từ bỏ những pháp gì thuộc về dục vọng và những hành vi bất thiện. Nhờ sự từ bỏ này mà tâm tư của vị ấy xuất hiện trạng thái hỷ lạc, ở cõi thiền này vẫn còn có tầm và tứ. Tầm và tứ là trạng thái truy đuổi của tâm nắm bắt đối tượng của tâm, vì tâm của hành giả chưa thuần thuật nhu nhuyễn nên phải nắm bắt đối tượng đã định sẵn, mới có thể từ bỏ các pháp bất thiện. Sự từ bỏ này làm cho tâm cảm nhận được sự hạnh phúc.

 

b.      Thiền thứ hai

Cũng theo kinh này, đức Phật đã giải thích cảnh giới thiền thứ hai được mô tả như sau:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.[24]

Dựa vào cơ sở chứng đắc của thiền thứ nhất là ly dục ly bất thiện pháp, hành giả tiếp tục nỗ lực tu tập và chứng thiền thứ hai. Với trạng thái của cõi thiền này, trước tiên hành giả phải từ bỏ tầm và tứ, đồng thời cũng từ bỏ trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh của thiền thứ nhất, để chứng đắc trạng thái hỷ lạc do thiền định sanh, không có tầm và tứ, với nội tâm chuyên nhất, không tán loạn. Đây là trạng thái thiền thứ hai.

c.      Thiền thứ ba

Kế đến là thiền thứ ba, là cõi thiền tương đối cao. Cõi thiền này được 'Đại Kinh Xóm Ngựa' giải thích như sau:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm lạc trú", chứng và trú Thiền thứ ba.[25]

Hoàn toàn không giống như hai cõi thiền trước, ở cõi thiền này, hành giả phải từ bỏ không những chỉ có trạng thái hỷ lạc của thiền thứ nhất, là hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh mà còn từ bỏ cả trạng thái lạc của cõi thiền thứ hai là lạc do định sanh, từ thái độ xả này, thân tâm vị ấy cảm thọ một loại lạc được gọi là 'xả niệm lạc trú'. Đây là trạng thái thiền thứ ba được trình bày trong kinh này.

d.      Thiền thứ tư

Trong bốn cõi thiền, cõi thiền thứ tư là cao nhất, khi hành giả chứng đắc cõi thiền này, 3 minh liền xuất hiện, và tâm sanh khởi tứ vô lượng tâm là từ bi hỷ và xả. Theo 'Đại Kinh Xóm Ngựa' giải thích cõi thiền như sau:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.[26].

Nếu như cõi thiền thứ nhất có niềm hỷ lạc do ly dục ly bất thiện pháp, thiền thứ hai lại có trạng thái hỷ lạc do tu tập thiền định, thì cõi thiền thứ ba lại phải từ bỏ hai loại lạc này, an trú trong trạng thái 'xả' của tâm. Nhưng đến cõi thiền thứ 4 hành giả không những chỉ có xả lạc xả khổ, xả hỷ, xả ưu mà ngay cả trạng thái lạc do xả của cõi thiền thứ ba cũng xả luôn, vị ấy ở trong trạng thái này được gọi là 'không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh'. Đây là trạng thái thiền định của cõi thiền thứ tư như đã được ghi lại trong kinh này.

Thiết nghĩ, nếu như người nào đã trải qua tu tập thiền định có thể hiểu biết tường tận hơn. Trong phạm vi của ngôn từ thật khó mô tả cho trọn vẹn những trạng thái tâm lý của thiền định, chúng ta không thể vay mượn những niềm vui của thế gian để mô tả về những niềm vui của thiền định. Muốn thấu hiểu trạng thái hỷ lạc của thiền định như thế nào không cách nào tốt hơn là tự chúng ta thực nghiệm để hiểu về nó.

Qua nội dung và ý nghĩa của cõi thiền thứ tư, gợi ý cho chúng ta hiểu thêm rằng, hệ tư tưởng Kinh Bát nhã của Phật giáo Đại thừa nhấn mạnh trạng thái 'xả' và 'vô phân biệt tâm'. Thiết nghĩ, nó được xây dựng trên tinh thần 'xả' của cõi thiền thứ tư được các kinh Nguyên thủy trình bày. Điều đó có ý nghĩa tư tưởng của Phật giáo Đại Thừa có mối quan hệ thân thiết với tư tưởng Phật giáo nguyên thủy, chẳng qua cách trình bày khác nhau.

 

3. Kết luận

Sau khi đức Phật nhập diệt, cuộc sống của tăng già cũng theo thời gian và không gian thay đổi, do vì thay đổi về phương cách sống dẫn đến sự bất đồng ý kiến về giới luật. Giáo pháp mà đức Phật giảng dạy cũng được lý giải khác nhau theo từng cách nhìn. Sự bất đồng này là nhân tố dẫn đến Phật giáo chia rẽ, hình thành hai trường phái lớn của Phật giáo là Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Đại diện cho phái Thượng Tọa Bộ là những bậc Thượng tọa lớn tuổi, mang tư tưởng bảo thủ; Đại Chúng Bộ là những thanh niên tăng có tinh thần phóng khoáng cải cách. Những bản kinh Nikàya và A Hàm là những bản kinh được kết tập thành văn sớm nhất trong Phật giáo, là những bản kinh của phái Thượng tọa bộ.

Mặc dù những bộ kinh này là những bộ kinh được kiết tập dưới thời vua A Dục (Asoka), là những bộ kinh của các bộ phái, không phải là Nguyên thủy, nhưng ngang qua những bản kinh này, chúng ta có thể khôi phục lại đời sống tăng già dưới thời đức Phật còn tại thế. Theo tinh thần 'Đại Kinh Xóm Ngựa' trong "Kinh Trung Bộ" ghi lại, khi nào chúng ta tự xưng ta là người xuất gia, sống đời sống Phạm hạnh thì chúng ta phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia: Thứ nhất là chúng ta phải sống có giới hạnh. Thứ hai, biết tàm quí.Thứ ba, 3 nghiệp thanh tịnh. Thứ tư, mạng sống thanh tịnh. Thứ năm, hộ trì các căn. Thứ sáu, tiết chế việc ăn uống. Thứ bảy, chú tâm cảnh giác. Thứ tám, chánh niệm tỉnh giác. Thứ chín, đoạn trừ 5 triền cái. Thứ mười, thành tựu 4 thiền.

Qua những phương pháp tu tập này ta có thể hiểu rằng, dưới thời đức Phật còn tại thế, mục đích người xuất gia là tìm cầu sự giác ngộ và giải thoát, vì thế những hình thức tu tập mà đã được Ngài giảng dạy trong kinh này luôn luôn gắn liền với mục đích xuất gia, có xu hướng làm tăng trưởng trí tuệ, đoạn trừ phiền não, giảm thiểu những hình thức sinh hoạt vô ích.

Nội dung và ý nghĩa của bài viết này không ngoài tinh thần 'ôn cố tri tân'. Với tinh thần đó, trước nhất người viết căn cứ những kinh điển Nikàya giới thiệu 'Đời sống của người xuất gia trong thời đức Phật còn tại thế', hay nói đúng hơn nhằm đề cập đến tinh thần biết bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia. Bất cứ ai sống trong xã hội đều phải có bổn phận và trách nhiệm của mình, dù người đó là nhỏ hay lớn, già hay trẻ, người xuất gia cũng thế, phải biết bổn phận và trách nhiệm của mình. Bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia là giác ngộ giải thoát. Chúng ta muốn hoàn thành mục đích này, trước tiên chúng ta cần phải hiểu rõ lời Phật dạy, lấy đó làm kim chỉ nam hướng dẫn con đường tu tập và công việc hoằng dương Phật pháp. Nếu như không am tường thì việc tu tập hay hoằng pháp lợi sinh là việc làm mơ hồ ảo tưởng.

Cũng qua nội dung bài viết này, nó gợi ý cho chúng ta hiểu được 10 pháp tác thành vị sa môn này cũng là hình thức và phương pháp tu tập của vị xuất gia dưới thời đức Phật còn tại thế. Ở bối cảnh xã hội của thời đại chúng ta mặc dù có nhiều sự thay đổi, không những chỉ thay đổi về mặt thời gian mà ngay cả không gian, kinh tế khoa học kỹ thuật cũng thay đổi đã ảnh hưởng đến đời sống và cách tư duy của con người, nhu cầu sống của con người cũng khác nhau, do vậy chúng ta không nhất thiết phải rập khuôn làm theo những hình thức sống của tăng già dưới thời đức Phật, mà cần phải thay vào đó một hình thức sống thích nghi với con người và xã hội ngày nay hơn. Nhưng cho dù thay đổi như thế nào đi nữa, hình thức sinh hoạt đó cũng phải được thiết lập trên tinh thần 'giác ngộ' và 'giải thoát' của đạo Phật. Đi quá xa mục tiêu này là mầm mống để cho Phật pháp suy tàn.

 

SÁCH THAM KHẢO

 

1. HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992.

2. HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 2, Viện NCPHVN ấn hành 2000.

3. HT. Thiện Siêu và Thanh Từ dịch, “Kinh Tạp A Hàm tập 1 Viện NCPHVN ấn hành, 1993.

4. HT. Thiện Siêu và Thanh Từ dịch, “Kinh Tạp A Hàm” tập 2 Viện NCPHVN ấn hành, 1994.


 

[1] Bao gồm: 1. “Kinh Tương Ưng Bộ”, 2. “Kinh Trung Bộ”, 3. “Kinh Trường Bộ”, 4. “Kinh Tăng Chi Bộ”, 5. “Kinh Tiểu Bộ”.

[2] Bao gồm 4 bộ: 1. “Kinh T ạp A hàm”, 2. “Kinh Trung A hàm”, 3. “Kinh Trường A hàm”, “Kinh Tăng Nhất A hàm”.

[3] HT Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ" tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 41~58.

[4] HT Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ" tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 239~246.

[5] HT Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ" tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 31~32.

[6] HT. Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ", tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 593~594.

[7] HT.Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ", tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 112~113.

[8] Sđd trang 594.

[9] HT.Minh Châu dịch, 'Kinh Giáo Giới Rahula Trong Rừng Ambala' trong "Kinh Trung Bộ", tập 2, Viện NCPHVN ấn hành 2000, trang 174.

[10] HT. Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ" tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 595~596.

[11] Tham khảo phần 'Lời nói'.

[12] Tham khảo HT. Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ" tập 1, 'Kinh Tất Cả Lậu Hoặc' trang 19~20 ghi: "Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt".

[13] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 2, Viện NCPHVN ấn hành 2000, trang 174~175.

[14] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 2, Viện NCPHVN ấn hành 2000, trang 175~176.

[15] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 2, Viện NCPHVN ấn hành 2000, trang 176~177.

[16] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 596.

[17] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 597.

[18] HT. Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ" tập 1, 'Tiểu Kinh Saccaka' Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 510~ 511.

[19] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 598.

 

[20] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 599.

[21] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 600.

[22] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 600~601.

[23] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 603..

[24] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 604.

[25] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 605..

[26] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 606.