Lịch sử phật giáo thế giới
Đạo Phật xưa và nay
Tác giả: Thích Hạnh Bình
29/10/2554 06:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Niềm tin trong đạo Phật

PHẦN 3

NIỀM TIN TRONG ĐẠO PHẬT 

 

Niềm tin hay đức tin là trạng thái tâm lý, nó thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống của mọi người, không phải chỉ giới hạn ở những người có niềm tin đối với tôn giáo. Như chúng ta nói, tôi tin tưởng sẽ đậu vào kỳ thi tới, tôi tin tưởng vào khả năng của bạn, tôi tin tưởng công việc làm ăn này, tôi tin tưởng đất nước sẽ phát triển.v.v… đây là những câu nói rất bình thường và thường xuất hiện trong đời sống hằng ngày của mọi người chúng ta, nó hoàn toàn không mang ý nghĩa xấu, và nó luôn luôn gắn chặt với đời sống con người, khi nào con người chưa đủ yếu tố để xác định kết quả của sự việc ở tương lai thì niềm tin xuất hiện, nó làm cơ sở để thúc đẩy thực thi công việc. Như vậy, niềm tin luôn luôn có mặt ở trong mọi người, không chỉ giới hạn trong tôn giáo.

Thế nhưng, có một số người hiểu nhầm cho rằng, lòng tin chỉ có ở trong tôn giáo, và được hiểu nó như là sự trở ngại cho sự tiến bộ xã hội,để rồi có cái nhìn không mấy thiện cảm với tôn giáo, điều đó có thể tạo thành sự xung đột giữa gia đình và xã hội. Trên thực tế, bất cứ ai cũng có niềm tin, dù bạn là ai trong xã hội, nếu con người không có đức tin với cuộc sống và tôn giáo thì đó là căn nguyên của mọi tệ nạn xã hội. Chúng ta cũng thừa nhận rằng, trong hoạt động của tôn giáo có những hiện tượng mê tín dị đoan, nhưng không phải vì thấy một vài hiện tượng mê tín mang lại hậu quả xấu, từ đó vội vã đi đến kết luận cho rằng tôn giáo là mê tín, là xấu xa. Tôi cho rằng, đây là cách suy nghĩ một chiều và duy ý chí, thiếu thiện cảm.

Dù trong sinh hoạt của Phật giáo có những hiện tượng này, nhưng bản thân của nền giáo lý Phật giáo không như vậy, luôn luôn đề cao vai trò chánh tri chánh kiến, nhất là Phật giáo Nguyên thủy.

Mặt khác, niềm tin hay đức tin vốn là đặc tính tốt của con người, là biểu hiện niềm hy vọng và ước mơ của con người, là động lực thúc đẩy con người vươn tới một cuộc sống tốt đẹp, muốn thay đổi cuộc sống không như ý của mình. Nếu con người đánh mất niềm tin, điều đó đồng nghĩa đánh mất sự nỗ lực ý chí và hy vọng, khi niềm tin và hy vọng không còn nữa, tâm lý bi quan chán đời xuất hiện. Có thể nói đó là sự nguy hiểm, nó có thể dẫn đến sự tự sát, hoặc là nguyên nhân gây bất an cho gia đình và những hiện tượng xấu cho xã hội.

Tôi cũng xin xác nhận rằng, không một vấn đề gì không có mặt trái của nó. Ở đây, mặt trái của niềm tin là sự ‘mê mờ’, trong trường hợp này chúng ta gọi là ‘mê tín’, tức là niềm tin không có cơ sở.

Như vậy, nguồn gốc của niềm tin xuất hiện từ đâu? Để vấn đề được dễ hiểu, ở đây chúng ta lấy một trường hợp cụ thể thường xảy ra trong cuộc sống làm đối tượng để tìm hiểu. Như có người đến rủ bạn hùn vốn làm một công việc gì đó, người đó trình bày kế hoạch làm ăn theo một phương thức nào đó. Căn cứ những dữ liệu được trình bày, cộng thêm sự đánh giá riêng của mình, bạn chính là người quyết định nên hay không nên hợp tác. Sự quyết định đó hoàn toàn dựa vào suy luận phán đoán của cá nhân, đơn thuần chỉ là sự suy diễn của lý trí, chưa chắc gì đúng với thực tế. Sự không chắc chắn này, chúng ta chỉ có thể nói: tôi quyết định hợp tác với bạn, vì tôi tin rằng kế hoạch làm ăn của chúng ta tốt. Thật ra, trong lúc nói những lời này, công việc làm vẫn chưa có kết quả thực tế, do vậy niềm tin xuất hiện và làm động lực thúc đẩy công việc. Qua câu chuyện này, gợi ý cho chúng ta thấy rõ nguyên nhân và sự hình thành của niềm tin chính là trạng thái tâm lý được hình thành xuất phát từ những dữ kiện mà nó nắm bắt được trong hiện tại, để quyết đoán một vấn đề thuộc về tương lai, như vậy là sự quyết đoán không mấy chắc chắn, vì nhân ở hiện tại mà quả của nó lại ở tương lai, cho nên niềm tin xuất hiện chỉ có nhiệm vụ thúc đẩy công việc.

Như vậy, mặt phải của niềm tin là sự cổ vũ tinh thần, là sự trợ lực hữu ích cho cuộc sống, nó là chất liệu tạo sự ổn định tâm lý, khi con người phải đối đầu với những công việc vượt ngoài tầm kiểm soát của chính mình. Ví dụ, một em bé muốn qua chiếc cầu tre, nếu như bên cạnh em có mẹ hay người thân, em cảm thấy rất an toàn, không sợ hãi khi qua cầu. Nhưng nếu như không có mẹ bên cạnh, em sẽ cảm thấy sợ hãi khi qua cầu. Tại sao thế? Trên thực tế, người mẹ không giúp gì cho em, em vẫn tự đi một mình, nhưng tại sao lòng em lại xuất hiện hai sự kiện trái ngược nhau? Ở đây, câu trả lời đơn giản là có niềm tin hay không có niềm tin. Sự hiện diện của mẹ tạo cho em có niềm tin hơn, do vậy cảm thấy không có cảm giác sợ hãi, và ngược lại, vì không có mẹ do vậy em cảm thấy mất niềm tin chính mình, tâm lý sợ hãi xuất phát từ thiếu niềm tin. Một ví dụ khác, khi cầu thủ trên sân cỏ nghe trên cầu trường vang dậy tiếng vỗ tay cỗ vũ, tự nhiên các cầu thủ trở nên thi đấu hào hứng và hay hơn, và ngược lại cũng thế. Trên thực tế, khán giả không giúp ích gì cho cầu thủ, chỉ là những tiếng vỗ tay cổ vũ tinh thần từ trên khán đài, nhưng tại sao cách thi đấu lại bình tĩnh hơn và tốt hơn? Đó chính là cầu thủ đã lấy lại niềm tin chính mình. Sự cổ vũ xuất hiện dẫn đến niềm tin xuất hiện, niềm tin xuất hiện là điều kiện tốt nhất cho mọi sự thành công. Tất nhiên sự thành công bắt nguồn từ niềm tin có cơ sở, không phải là sự mê tín. Ở đây tôi gọi niềm tin có cơ sở là niềm tin được xuất phát từ những sự kiện có thật, không phải là sự mơ hồ hay ảo tưởng, không thể tin vào bình vôi ông táo có thể cho ta tiền bạc hay hạnh phúc, hoặc chúng ta sống với cuộc sống lười biếng buông thả thiếu hiểu biết, nhưng lại tin tưởng vào đấng thần linh, Thượng đế (God) hay Phật (Buddha), từ đó mong muốn có được hạnh phúc và giàu có. Điều đó thật khó xảy ra, hay nói đúng hơn là không thể có được, vì hạnh phúc chỉ đến khi nào chúng ta có hiểu biết, giàu sang chỉ đến khi nào hội đủ điều kiện của nó. Niềm tin như vậy, được gọi là niềm tin xuất phát từ sự mơ hồ ảo tưởng hay còn gọi là mê tín. Bất cứ niềm tin nào xuất phát từ sự tối tăm, thiếu hiểu biết, niềm tin đó đạo Phật không khích lệ, ngược lại thường bị đức Phật quở trách.

Đề cập niềm tin trong đạo Phật là đề cập đến một niềm tin trong sáng, có xu thế hướng về đời sống giác ngộ và an lạc, đây là mục đích đức Phật xây dựng niềm tin. Chúng ta không nên tùy tiện giải thích niềm tin trong đạo Phật theo cảm tính, không căn cứ vào Phật pháp, chúng ta cũng không nên vì mục đích riêng tư hay sự giới hạn về sự hiểu biết của mình, bóp méo niềm tin trong sáng đã được đức Phật trình bày trong các kinh điển, điều đó́ không những có sự nguy hại đến bản thân mình mà còn nguy hại cho người khác. Để tránh trường hợp này, ở đây theo tôi cách làm hay nhất, trước hết chúng ta nên căn cứ vào lời Phật dạy từ trong các kinh điển, sau đó chúng ta tiến hành giải thích và phân tích để tìm hiểu ý nghĩa niềm tin trong đạo Phật đã được đức Phật giải thích như thế nào.

Như chúng ta được biết trong Kinh điển A hàm (àgama) hay Niàya, đức Phật thường đề cập và nhắc nhở các vị Tỷ kheo cần phải tu tập 37 phẩm trợ đạo, và nó được xem như là phương pháp tu tập cơ bản của đạo Phật Nguyên thủy hoặc khuyên các vị cư sĩ tại gia tin Tam bảo: Phật Pháp và Tăng. 37 phẩm trợ đạo, bao gồm: 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi (Bồ đề phần) và 8 thánh đạo. Trong đó, 5 căn là tiến trình tu tập có liên quan đến lòng tin. Tiến trình đó bao gồm: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Tiến trình tu tập này gồm 5 giai đoạn, tín căn là giai đoạn đầu tiên. Như vậy tín căn có ý nghĩa gì trong quá trình tu tập này?

Trước khi tìm hiểu chữ ‘tín’ hay ‘tín căn’ trong Phật giáo, chúng ta cần xác định một vấn đề cơ bản là niềm tin được đức Phật đặt nó trong quá trình tu tập bao gồm 5 căn, không phải nói trong trường hợp đơn lẻ, chỉ có tin. Nói một cách dễ hiểu hơn, đức Phật khuyên mọi người nên xây dựng niềm tin là muốn nói đến sự giác ngộ và giải thoát, vì sự giác ngộ và giải thoát này không phải là cái tự nhiên có, hay một đấng thần linh nào ban bố cho, cũng không thể nói mình là đệ tử xuất gia hay tại gia của Ngài, do vậy ngài sẽ cho sự giải thoát giác ngộ đó. Nói một cách chính xác, sự giải thoát giác ngộ có được bắt nguồn từ vai trò của ‘trí tuệ’; Trí tuệ có được nhờ sự tu tập Thiền định. Thiền định phát sinh nhờ cuộc sống có chánh niệm. Niệm có được nhờ sự nỗ lực (tinh tấn). Thành tựu sự nỗ lực nhờ vào cuộc sống có niềm tin. Như vậy, ‘tín’ là cơ sở để hình thành tinh tấn, chánh niệm, thiền định và trí tuệ, nếu không có tín thì tinh tấn cũng không có, niệm, định và tuệ cũng không có. Tiến trình này gợi ý cho chúng ta khẳng định ý nghĩa chữ tín trong Phật giáo, chỉ có giá trị làm nền tảng cho sự giải thoát giác ngộ, luôn mang ý nghĩa hướng hành động đến trí tuệ, do vậy, chúng ta không nên tách chữ tín ra khỏi quá trình tu tập này giải thích. Ngược lại, nếu ta hiểu chữ tín một cách đơn lẻ, chữ tín mang ý nghĩa như là sự phó thác. Khái niệm đó không đồng nghĩa niềm tin mà đã được đức Phật đề cập trong kinh điển, ngược lại nó trở thành một khái niệm mang ý nghĩa ‘mê tín’. Để xác minh về ý nghĩa này, chúng ta cần nắm rõ câu kinh được đức Phật giảng trong “Kinh Tăng Chi Bộ” như sau:

Này các Tỷ kheo, có hai hạng người xuyên tạc Như lai. Thế nào là hai? Người độc ác với tâm đầy sân hận hay người có lòng tin với tà kiến. Đây là hai hạng người xuyên tạc Như lai.[1]

Qua nội dung và ý nghĩa của đoạn kinh vừa dẫn trên, thật rõ ràng cho chúng ta thấy, đức Phật xác định: Niềm tin được xây dựng với tâm tà kiến là sự nhận thức không đúng, đó là sự xuyên tạc, không phải là tán thán Như Lai. Đây chính là ý nghĩa câu: ‘Tin ta mà không hiểu ta là hủy báng ta’. Tại sao tin tưởng đức Phật lại trở thành người hủy báng đức Phật? Chính là niềm tin được xây dựng trên tà kiến, là sự hiểu biết không đúng về Ngài. Như đức Phật khuyên chúng ta nên dùng tâm của chính mình ‘niệm Phật’ để dứt trừ các phiền não, không phải chỉ dừng lại ở miệng niệm danh hiệu Phật mà tâm thì xấu xa độc ác. ‘Niệm Phật’ là nghĩ nhớ đến tính giác ngộ của Phật, muốn trở lại sống với sự giác ngộ đó. Niệm Phật còn có ý nghĩa, xem Ngài như là tấm gương sáng để nhắc nhở chúng ta sống trong sự giác ngộ, tránh xa những hành vi sai lầm tội ác, niệm Phật không phải chỉ có ý nghĩa tay lần tràng hạt, miệng niệm danh hiệu Phật là đủ. Như vậy, ý nghĩa pháp môn niệm Phật là sống trong sự giác ngộ, có ý nghĩa rất trong sáng, giúp cho con người sống có hạnh phúc và an lạc. Từ ý nghĩa này, pháp môn niệm Phật không làm cản trở cho công việc làm hằng ngày của chúng ta mà nó còn giúp cho kết quả công việc có hiệu quả hơn.

Không hiểu ý nghĩa lời Phật dạy, nhưng chúng ta lại làm công tác gọi là ‘hoằng dương Phật pháp’, vô tình chúng ta giới thiệu sai về ngài, như vậy chúng ta là người hủy báng xuyên tạc đức Phật. Ngược lại, nếu chúng ta tin đức Phật ngang qua sự hiểu biết và thấy rõ giá trị lời giảng dạy có lợi ích của Ngài, sau khi thấy rõ, chúng ta tin và thực tập theo, niềm tin này được xuất phát từ sự hiểu biết không phải là không biết, từ chuyên môn trong nhà Phật thường dùng là 'tịnh tín' là niềm tin trong sạch. Như vậy, ý nghĩa chữ ‘tín’ trong đạo Phật không mang ý nghĩa mê tín.

Liên quan đến ý nghĩa chữ tín, trong “Kinh Trung Bộ” bài ‘Kinh Sư Tử Hống’[2] đức Phật đã phân tích sự khác biệt giữa niềm tin giữa đạo Phật và ngoại đạo rất rõ ràng.

Này các Tỷ kheo, nếu dị đạo cũng lại hỏi: 'Này chư hiền, chúng tôi cũng tin đấng Tôn sư, tức Tôn sư của chúng tôi; tin pháp tức pháp chúng tôi...Này chư Hiền, giữa hai lời nói này của Sa môn Cù đàm và chúng tôi có hơn gì? Có ý gì? Có sai khác gì chăng?

Này các Tỷ kheo, các thầy nên hỏi dị đạo như thế vầy: 'Này chư Hiền, cứu cánh chỉ có một hay cứu cánh có nhiều?

Này các Tỷ kheo, nếu dị đạo trả lời như vầy: 'Này chư Hiền, cứu cánh chỉ có một, cứu cánh không có nhiều'.

Này các Tỷ kheo, các thầy hỏi tiếp dị đạo: 'Này chư Hiền, người có dục (có sân, có si) mà được cứu cánh, hay người không có dục (không có sân, không có si) mới được cứu cánh?'

Này các Tỷ kheo, nếu dị đạo trả lời như vầy: 'Này chư Hiền, người không có dục (không có sân, không có si) mới được cứu cánh, không phải người có dục (có sân, có si) mà được cứu cánh"[3].

Qua đoạn kinh vừa dẫn trên, chúng ta thấy điểm trọng tâm mà đức Phật đề cập là lòng tin có mục đích, hướng đến sự giác ngộ và giải thoát, tức là niềm tin có mối quan hệ thân thiết đến sự đoạn trừ tham sân và si, không phải là niềm tin làm tăng trưởng lòng ngu si. Nếu như chúng ta cho rằng mục đích của mọi tôn giáo là mang lại sự bình an và giải thoát cho con người, thì như vậy các tôn giáo cùng có chung một mục đích. Nhưng ở đây chúng ta cần chú ý điểm quan trọng, đức Phật cho rằng, sự bình an và giải thoát chỉ xuất hiện từ lòng không tham không sân và không si, không phải là lòng có tham, có sân và có si. Nếu như chúng ta chấp nhận quan điểm này là đúng thì đạo Phật là tôn giáo mang lại bình an và giải thoát, vì quan điểm của đức Phật chủ trương diệt trừ tham sân và si. Còn các tôn giáo khác có chủ trương như thế nào? Câu trả lời xin nhường lại cho giới chuyên môn của các tôn giáo ấy. Nếu như các tôn giáo có quan niệm đức tin không giống với đạo Phật thì đây chính là sự khác biệt giữa đạo Phật và các tôn giáo khác về ‘niềm tin’. Đây chính là quan điểm cơ bản về niềm tin trong đạo Phật.

Từ ý nghĩa này, gợi ý cho chúng ta thấy rằng trước khi chúng ta làm việc gì, hay tin vào việc gì, điều quan trọng nên tìm hiểu vấn đề đó có giúp ích gì cho cuộc sống của chính bản thân mình và xã hội không, nếu như có ích lợi thì đó là việc cần phải làm[4] và cần được tin tưởng. Ngược lại, nếu nó không giúp ích gì cho bản thân, còn cản trở cho công ăn việc làm hằng ngày, gây phiền não cho gia đình và xã hội, thì đó là việc mà đức Phật khuyên chúng ta không nên làm[5], không nên tin tưởng vào việc ấy. Có lẽ đây chính là lý do đức Phật mạnh dạn phê phán những niềm tin không hợp lý của người dân Ấn độ lúc bấy giờ. Như trong “Kinh Tăng Chi Bộ” đức Phật cặn kẽ giải thích như sau:

Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì nghe theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì đúng theo lập luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này Kàlàmà khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện, các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh và khổ đau, thời này Kàlàmà hãy từ bỏ chúng.[6]

đây, chúng ta thử đặt vấn đề, tại sao đức Phật nêu ra những trường hợp này? Để cho vấn đề được rõ ràng, chúng ta cần phải lội ngược dòng lịch sử, đến thời kỳ của đức Phật, cách đây hơn 2.500 năm về trước để tìm hiểu về nền văn hóa Ấn Độ, tôn giáo như thế nào, từ đó chúng ta mới có cơ sở để tìm hiểu phân tích vấn đề mà chúng ta đang thảo luận.

Ấn Độ là một đất nước huyền bí, đa thần giáo, là nơi sản sinh nhiều tôn giáo lớn. Phật giáo cũng được xuất hiện từ đất nước này. Nhưng quan điểm tư tưởng cũng như phương pháp tu tập của Phật giáo nhất là Phật giáo Nguyên thủy không giống như những tôn giáo khác. Phật giáo không đặt nặng về niềm tin, với chủ trương lấy trí tuệ (pañña) làm ngọn đuốc soi đường, lấy từ bi làm phương tiện độ sinh. Nếu Phật giáo có đề cập đến niềm tin đi chăng nữa, Phật giáo xem niềm tin như là cửa ngõ vào đạo, là phương tiện giúp cho con người thành đạt sự giác ngộ và giải thoát, không xem niềm tin như là sự cứu cánh. Một điển hình cụ thể là trong kinh tạng Pàli hay A Hàm, trong đó có rất nhiều kinh đức Phật bác bỏ những tập tục tế tự, tín ngưỡng vô ích[7], nêu cao tinh thần chánh tri chánh kiến. Phải chăng đó là lý do Phật giáo không được đại đa số người dân Ấn Độ mến chuộng? Phải chăng đây chính là lý do Phật giáo Tiểu thừa dần dần chuyển thành Phật giáo Đại thừa, vì nếu chúng ta nghiên cứu hệ thống kinh điển Phật giáo Đại thừa, thì chúng ta thấy ở trong đó Phật giáo Đại thừa đã vay mượn khá nhiều những hình thức tín ngưỡng văn hóa truyền thống của Ấn độ, với mục đích để truyền tải tư tưởng của đức Phật đến với xã hội[8]? Theo tôi, đây là điểm đáng chú ý và nghiên cứu.

Trở lại vấn đề mà chúng ta đang thảo luận trong bối cảnh của một xã hội đa thần giáo, nặng nề về nghi thức và tín ngưỡng của người dân Ấn, những người Bà la môn đã lý giải những vấn đề con người và thế giới mà con người đang sống, bằng những câu chuyện thần thoại, vượt qua sự hiểu biết của con người. Cách giải thích này, vô tình đã tạo thành thói quen, có ảnh hưởng đến đời sống xã hội, nó là yếu tố cơ bản để hình thành bản sắc của người dân, làm mất đi đặc tính suy tư đắn đo suy nghĩ vốn có của con người. Thế thì, khi con người đứng trước một xã hội phức tạp, trong thiên nhiên có nhiều hiện tượng bí ẩn, ngược lại lúc bấy giờ ánh sáng văn minh của khoa học kỹ thuật lại chưa phát triển, con người tự mình đánh mất khả năng suy tư phán đoán, bên cạnh đó truyền thống tôn giáo của Ấn Độ lại đề cao thần thánh, khi đó con người chỉ biết tin theo và làm theo tiếng nói của tôn giáo, đó là những niềm tin xuất phát từ ‘truyền thuyết’, ‘truyền thống’, ‘lời đồn’,̀ ‘kinh điển truyền tụng’ hay là những loại ‘lý luận siêu hình’.v.v…như đã được đề cập, họ không cần suy nghĩ những gì mà họ tin tưởng và làm theo đó sự lợi ích gì cho bản thân họ, cứ ngoan ngoãn tin theo và làm theo, bất chấp tất cả. Thật ra thái độ ‘bất chấp’ là một thái độ sai lầm, vì đặc tính chung của con người là tham sống sợ chết, ham vui tránh khổ. Thế thì ở đây có vấn đề mâu thuẫn, luật nhân quả cho chúng ta thấy, nhân như thế nào thì quả như thế ấy. Có nghĩa là cái nhân mà chúng ta tạo ra là vô minh, tức là tin theo những điều mà chúng ta hoàn toàn không biết gì về kết quả của nó, thì cái quả của nó không thể mang lại cho ta niềm vui và hạnh phúc mà phải là sự khổ đau. Nếu như quan điểm này là đúng, thái độ ‘bất chấp’ không cần biết về điều mà mình tin tưởng đó, nếu chúng ta kiểm tra và xem xét lại động cơ chúng ta đến với tôn giáo, phải chăng là sự mâu thuẫn. Đây chính là lý do tại sao đức Phật khuyên, trước khi chúng ta tin theo và làm theo điều gì, điều trước tiên và quan trọng hơn cả là chúng ta cần xem xét điều mà mình tin mình sắp làm đó có mang lại sự bình an và hạnh phúc cho chúng ta ở hiện tại và tương lai hay không. Nếu như điều mà ta tin đó có gì đó còn mù mờ thì chúng ta cần tìm hiểu, không nên vội vàng tin theo hay chê bai một cách vô lý.

Tại sao đạo Phật là một tôn giáo nhưng đạo Phật lại không đề cao vai trò của niềm tin? Trước nhất, ở đây chúng ta nên hiểu rằng, đạo Phật không khích lệ người Phật tử có niềm tin mù quáng, không phải đạo Phật bài xích niềm tin, vì đạo Phật xem niềm tin như là sự trợ lực, là phương tiện để thành đạt sự cứu cánh - giải thoát. Nhưng ở đây, chúng ta cần hiểu  rằng mục đích của phương tiện là để đưa đến cứu cánh, không phải lấy phương tiện để đạt đến phương tiện, hay lấy niềm tin làm phương tiện để bào chữa hay ngụy biện những suy tư bất hợp lý lẩn quẩn của mình.

Đạo Phật đề cao vai trò chánh tri chánh kiến, vì đạo Phật cho rằng, nguồn gốc khổ đau của con người là do vô tri hay còn gọi là vô minh. Như vậy, con người muốn có đời sống giác ngộ và giải thoát (bình an và hạnh phúc), chỉ có con đường duy nhất, tự con người phải làm sống dậy đời sống hiểu biết, tôn trọng vai trò suy tư và nhận thức của con người, đỉnh cao của sự hiểu biết, suy tư là trí tuệ, chính nó mới có thể chặt đứt tất cả phiền não. Đó là lý tại sao đạo Phật đề cao vai trò trí tuệ, xem niềm tin như là phương tiện đưa chúng sanh đến giác ngộ và giải thoát.

Taipei, ngày 20/11/2004


 

[1] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ” tập 1, VNCPHVN ấn hành, 1996, trang 114.

[2] Kinh này tương đồng với “Kinh Trung Bộ” ‘Tiểu Kinh Sư Tử Hống’.

[3] Viện Cao Đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang dịch “Kinh Trung A Hàm”, VNCPHVN ấn hành 1992, trang 621~623.

[4] HT. Minh Châu dịch “Kinh Trung Bộ” tập 2, ‘Kinh Giáo Giới Rahula ở Rừng Am-ba-la’ đức Phật dạy: ‘Này Rahula nếu sau khi phản tỉnh, ông biết: Thân nghiệp (khẩu nghiệp, ý nghiệp) này ta muốn làm, không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp (khẩu nghiệp, ý nghiệp) này là thiện, đưa đến an lạc, đưa đến quả báo an lạc. Một thân nghiệp (khẩu nghiệp, ý nghiệp) như vậy, ông nên làm. (trang 175).

[5] ‘Kinh Giáo Giới Rahula ở Rừng Am-ba-la’ đức Phật dạy: ‘Này Rahula nếu sau khi phản tỉnh, ông biết: Thân nghiệp (khẩu nghiệp, ý nghiệp) này ta muốn làm, đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp (khẩu nghiệp, ý nghiệp) này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ….. Một thân nghiệp (khẩu nghiệp, ý nghiệp) như vậy, ông nhất định chớ có làm. (trang 174~175)

[6] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ” tập 1, VNCPHVN ấn hành, 1996, trang 338.

[7] Xin tham khảo, HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập I, ‘Tương ưng Bà-la-môn. Phẩm Cư sĩ’, trang 401~403. Hay xem “Kinh Tạp A hàm” kinh số 54, 89, 90, 93, 837, 1039~1040, 1123~1125, 1135, 1241.

[8] Xin tham khảo, Thích Hạnh Bình “Đạo Phật xưa và nay”, được đăng tải trên trang Website: www.chuaquocteonline.net/thuvien