Ý
nghĩa chữ xả trong đạo Phật
PHẦN 5
Ý NGHĨA CHỮ XẢ TRONG ĐẠO PHẬT
Xả là một trong 4 pháp vô
lượng tâm: Từ bi hỷ và xả. Bốn trạng thái tâm này là kết quả của
quá trình tu tập 37 phẩm trợ đạo. Nói một cách khác, nó là kết quả
của hành giả sau khi đã thành tựu giới định và tuệ. Tức là sau khi
thấy rõ thực tướng của các pháp là vô thường, khổ, không và vô ngã,
từ đó trạng thái hỷ xả của tâm mới xuất hiện, do vậy khái niệm xả
trong đạo Phật không mang ý nghĩa bình thường, nó luôn luôn liên hệ
với trí tuệ. Có nghĩa là nếu không có trí tuệ thì trạng thái xả ấy
không phải là loại xả trong đạo Phật, dù là đạo Phật thuộc Thượng
Tọa Bộ hay Phật giáo Đại thừa.
Sự khác biệt
về quan niệm ‘xả’ giữa hai phái chỉ là sự khác biệt trong cách mô
tả về trí tuệ. Theo Thượng Tọa Bộ, trí tuệ (pa��ā) chỉ xuất hiện khi nào có sự phân biệt,
so sánh đối tượng, kết quả của sự phân biệt cho chúng ta có sự nhận
thức đúng về sự vật, cái đó là trí tuệ. Ngược lại, Đại thừa mô tả về
trí tuệ bằng từ pra-jnparmit,
pra là trước, trước khi; jn là
nhận thức và parmita là đến bờ bên kia, tức là giác ngộ, từ
này bổ nghĩa cho khái niệm jn, có nghĩa là sự nhận thức của bậc đã giải
thoát, không phải là kẻ phàm phu. Như vậy từ pra-jnparmit là sự nhận thức trước khi có sự so sánh
phân biệt về đối tượng. Có thể nói đây là cách giải thích không đồng
giữa hai trường phái về tuệ giác của Phật. Thế nhưng dù gì đi nữa,
cả hai khái niệm này đều cùng có chung nguồn gốc, xuất phát từ sự
hiểu biết, là trí tuệ. Do vậy, khái niệm ‘xả’ trong Phật giáo không
đồng nghĩa với khái niệm ‘xả thọ’ trong ba thọ, cũng như ‘vô ký
tánh’ trong tam tánh, ngay cả khái niệm ‘vô tri’, vì cả ba khái niệm
này xuất phát từ vô minh; ngược lại khái niệm xả trong Tứ vô lượng
tâm được xây dựng từ trí tuệ. Có nghĩa là nhờ trí tuệ thấy được bản
chất của các pháp là do nhân duyên sinh, bản chất của chúng là vô
thường, cho nên đối với pháp đẹp, ưa thích không có tâm chiếm đoạt,
đối với pháp không đẹp không thích cũng không sanh tâm thù hận. Cả
hai trạng thái không chiếm đoạt cũng như không thù hận này được gọi
là xả.
Từ ý nghĩa
này, gợi ý cho chúng ta hiểu rằng, khái niệm ‘xả’ trong Phật giáo
nhấn mạnh hai điểm là sự xả bỏ hay chấp nhận sự chuyển biến của sự
vật thuộc về vật chất và tư tưởng thuộc về tinh thần. Chỉ có sự chấp
nhận này mới mang lại cho chúng ta cuộc sống an vui và hạnh phúc,
thoát khỏi sự mâu thuẫn giữa nhận thức và thực tại. Với thái độ chấp
nhận như vậy, đó là biểu thị tâm tư giải thoát không còn sự chấp
trước, thoát khỏi sự dao động khuấy nhiễu của 6 trần. Đây chính là
nội dung và ý nghĩa của chữ xả mà chúng ta sẽ thảo luận trong bài
viết này.
1. Mối quan hệ giữa xả và trí tuệ
Theo truyền
thống kinh tạng Pàli hay Àgama mô tả, khái niệm ‘xả’ là một trong
‘Bốn vô lượng tâm’: Từ, bi, hỷ và xả. Bốn pháp vô lượng tâm này
không nằm trong 37 phẩm trợ đạo: 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý
túc, 5 căn, 5 lực, 7 bồ đề phần và 8 chánh đạo[1].
Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là những phương pháp tu tập của Phật giáo
Nguyên thủy, 4 vô lượng tâm là kết quả của sự tu tập 37 phẩm trợ đạo
đó. Liên quan đến quan điểm này trong “Kinh Trung Bộ”
(Majjhima-Nikàya) 'Kinh Bát Thành' (Atthakanàgara-sutta)[2]
ghi rằng, sau khi vị tỷ kheo đoạn trừ 5 triền cái, thành tựu 4
thiền, tâm được giải thoát. Lúc bấy giờ tâm của vị Tỷ kheo ấy liền
xuất hiện lòng từ bi hỷ xả đối với mọi loài chúng sanh. Như vậy, tâm
xả này phải có liên hệ đến trí tuệ hay nói một cách khác, trạng thái
tâm xả này phải do giới định tuệ hình thành, không phải do tâm ngu
muội không có giới định và tuệ. Cái gì do giới định tuệ tạo thành
thì cái ấy được gọi là Phật pháp, và ngược lại cái gì không do ba
yếu tố này hình thành thì cái ấy không thể gọi là Phật pháp. Cũng
vậy, loại xả nào do trí tuệ tạo thành thì xả ấy có liên hệ với Phật
pháp. Ngược lại loại xả nào do vô tri vô minh tạo thành thì loại xả
ấy không liên hệ với Phật pháp.
Thế thì giữa
xả và trí tuệ có mối liên hệ như thế nào? Liên quan câu hỏi này,
trước hết chúng ta căn cứ kinh điển Pàli, "Kinh Trung Bộ"
tập 1, 'Kinh Tất Cả Lậu Hoặc' (Sabbàsava-sutta) đức Phật
giải thích như sau:
Này các
Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người
thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này
các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết,
cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các
Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh
khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do
như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu
hoặc đã sanh được trừ diệt.[3]
Ở đây, từ
‘lậu hoặc’ tức chỉ cho những phiền não hay là những loại khổ đau
trong đời sống của con người. Trên thực tế, khổ đau có nhiều loại,
nhưng không ngoài hai loại chính là khổ đau về thể xác và khổ đau về
tinh thần. Loại khổ đau về thể xác là loại khổ đau tự nhiên, là con
người không ai tránh khỏi, dù chúng ta có tu hay không tu, giàu hay
nghèo...thì vẫn phải chịu loại khổ đau này, như hiện tượng bịnh
hoạn là một điển hình cụ thể. Mục đích giáo dục của Phật giáo không
nhằm giải quyết nỗi khổ đau này, vấn đề chính mà Phật giáo muốn giải
quyết chính là những loại khổ đau về tinh thần.
Qua nội dung
và ý nghĩa chính của bài kinh trên, đức Phật chỉ cho chúng ta thấy
rõ nguyên nhân khổ đau là ‘thiếu sự hiểu biết’, như vậy nếu chúng ta
muốn trừ diệt những nỗi khổ đau này, phải lấy sự hiểu biết đoạn
trừ, đó là lý do tại sao đức Phật nói đoạn kinh này:
Ta giảng
sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải
cho người không biết, cho người không thấy.
Thế nào gọi
là thấy và biết? Ở đây đức Phật gọi người thấy và biết là người có
‘như lý tác ý’ và gọi người không biết không thấy là người ‘không
như lý tác ý’. Ý nghĩa của từ ‘như lý tác ý’ là đạo lý hay bản thân
của sự vật như thế nào thì chúng ta suy nghĩ như thế ấy, không phải
sự suy nghĩ xuất phát từ sự tưởng tượng, mang tính mơ hồ không có
thật. Như vậy cái gì xuất phát từ ‘không như lý tác ý’ thì cái ấy
sanh đau khổ; ngược lại cái gì được hướng dẫn bởi ‘như lý tác ý’ thì
cái ấy sẽ mang lại hạnh phúc và an lạc. Tại sao hành vi nào có ‘như
lý tác ý’ lại mang lại hạnh phúc an lạc? Vì ‘như lý tác ý’ chính là
vai trò của trí tuệ. Việc gì được trí tuệ phán xét thì việc ấy được
rõ ràng. Việc gì mà chúng ta thấu rõ yếu tố sanh và diệt của nó,
khi sự việc ấy sanh diệt, người đó không bao giờ có thái độ nuối
tiếc hay giận hờn khi sự kiện ấy sanh hay diệt. Thái độ không nuối
tiếc, chính là tâm xả trong tứ vô lượng tâm, là trạng thái xả của sự
giải thoát, tâm này chỉ xuất hiện khi nào có trí tuệ. Cũng vậy, "Bát
Nhã Tâm Kinh" thuộc hệ kinh điển Phật giáo Đại Thừa cũng
cùng chung quan điểm cho rằng:
Bồ tát
Quán Tự Tại bằng trí tuệ thấy rõ bản chất của năm uẩn là không, nhờ
vậy mà không còn bất cứ loại đau khổ nào.
Nội dung và ý
nghĩa của câu kinh này nhấn mạnh, nhờ trí tuệ quán chiếu thấy được
bản chất của năm uẩn (pa�ca-skandha)
là không. Do thấy rõ năm uẩn (Sắc, thọ tưởng, hành thức) là không,
cho nên không còn chấp thủ năm uẩn, cho nên, đoạn trừ tất cả phiền
não. Phiền não chỉ được đoạn trừ, khi có trí tuệ xuất hiện; khi trí
tuệ xuất hiện thì tâm xả mới xuất hiện. Từ ý nghĩa này, gợi ý cho
chúng ta nhận thức rằng, tâm xả luôn luôn liên hệ đến trí tuệ, hay
nói một cách khác tâm xả là kết quả của trí tuệ, tuệ là nhân của xả,
xả là quả của tuệ, nhờ trí tuệ mà thấy rõ thực tướng các pháp. Đây
là ý nghĩa chữ xả trong Phật giáo, không nên hiểu chữ xả liên hệ đến
vô minh.
2. Xả là sự chấp nhận sự chuyển biến của sự
vật
Nguồn gốc
của khổ đau là vô minh. Vô minh thể hiện bằng hai loại tâm, thứ nhất
là tham lam với những đối tượng khả ái; thứ hai là lòng sân hận với
những đối tượng bất khả ái. Tham mà không được cho nên khổ, ghét mà
cứ xuất hiện trước mắt cho nên khổ. Nói một cách khác hai loại khổ
này là do sự ‘chấp trước’ mà có. Thế nào gọi là chấp trước? Chấp
trước là sự không chấp nhận thực tại không ưa thích, có nghĩa là
thực tại là như thế mà chúng ta không muốn nó như thế, muốn nó tồn
tại theo sự suy nghĩ chủ quan của mình, sự không chấp nhận này được
gọi là chấp trước. Ví dụ người yêu của mình không còn thương yêu
mình nữa, cô ta đã ra đi, thế nhưng ý thức không chấp nhận sự kiện
này, do vậy khổ sanh. Sự khổ đau này do không chấp nhận thực tại mà
có, nếu chúng ta chấp nhận thì khổ không sanh. Như vậy khái niệm
không chấp trước của Phật giáo mang ý nghĩa khuyên chúng ta nên chấp
nhận sự thật, mặc dù sự thật đó có ảnh hưởng xấu với chúng ta, vì
thực tại là như thế chúng ta phải suy nghĩ và hành động như thế,
không thể suy nghĩ khác đi được. Đây chính là ý nghĩa của câu ‘như
lý tác ý’ mà đức Phật đã dạy. Từ ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu
rằng, không chấp trước không có nghĩa là không nên phân biệt hình
tướng đúng sai, nam nữ, thiện ác…như chúng ta thường dùng trong cuộc
sống, chúng ta cần thận trọng khi sử dụng những khái niệm này trong
kinh điển của Phật giáo Đại thừa, vì bản thân những khái niệm này
đều mang ý nghĩa đặc trưng riêng của nó. Chúng ta không nên tách nó
ra khỏi bối cảnh của nó mà lý giải, hoặc vay mượn một loại ngôn ngữ
khái niệm khác giải thích về nó, vì điều đó dễ sanh sự ngộ nhận. Nói
một cách khác, chúng ta không nên vay mượn bất cứ một khái niệm
triết học nào hay bất cứ khái niệm trong tôn giáo nào để thay thế
hay giải thích khái niệm trong Phật học, vì Phật học không tương
đồng với khái niệm của triết học hay tôn giáo, đây là điều mà người
làm công tác nghiên cứu Phật học cần chú ý.
Từ ý nghĩa
của khái niệm xả mà chúng ta vừa trình bày trên, nếu nghiên cứu một
cách nghiêm túc về khái niệm xả được mô tả trong các kinh điển của
Phật giáo thì chúng ta thấy khái niệm xả tâm được mô tả dưới hai góc
độ, một là xả đối với vật chất và hai là xả đối với mặt tri kiến
hay quan niệm. Trong phần này chúng ta tìm hiểu trạng thái xả tâm
đối với vật chất.
Như chúng ta
đã biết, pháp mà đức Phật chứng ngộ dưới cội cây bồ đề là giáo lý
Duyên khởi (pratìya- samutpàda). Giáo lý này cho chúng ta nhận thức
rằng, sự hình thành mọi sự mọi vật trên thế gian này là đều do nhiều
nhân nhiều duyên kết hợp lại mà thành, trong đó ngay cả con người
chúng ta cũng thế, là một tập thể bao gồm sắc (rùpa), thọ (vedanà),
tưởng (samj�a), hành (samskàra) và thức (vij�àna) hay gọi là ngũ uẩn (pa�ca-skandha). Vì bản chất của các pháp là
duyên khởi, cho nên đặc tính của nó là vô thường. Vì đặc tính của
các pháp là vô thường cho nên nó cũng vận hành theo quy luật tự
nhiên của nó, cái gì vận hành theo quy luật tự nhiên thì nó không
thể tùy thuộc vào ý chí của chúng ta, đó là lý do tại sao đức Phật
gọi các pháp là vô ngã (anàtman). Như vậy là sự mâu thuẫn giữa nhận
thức và sự hiện hữu của sự vật, vì ý thức chúng ta mong muốn sự vật
như thế này, nhưng trên thực tế sự vật lại vận hành như thế khác.
Như chúng ta muốn người thân của ta không già bịnh và chết, nhưng
không một người thân nào của chúng ta không trải qua hiện trạng này.
Sự mâu thuẫn này dẫn đến sự khổ đau, vì chúng ta không chấp nhận sự
vật vô thường. Đây chính là điểm mà đức Phật khuyên chúng ta nên
nhìn thẳng vào bản chất của con người, để chúng ta hiểu được nó,
tránh khỏi sự khổ đau. Như rất nhiều kinh trong kinh điển A Hàm hay
Nikàya đức Phật đã trình bày, ví dụ ‘Kinh Tạp A Hàm”, kinh số 33 đức
Phật đã phân tích thân ngũ uẩn như sau:
Sắc
không phải là ngã. Nếu sắc là ngã thì không thể có bịnh, khổ sanh
nơi sắc, và cũng không nên đối với sắc ước muốn khiến nó như thế
này, hay không muốn khiến nó như thế kia, vì sắc là vô ngã, cho nên
có bịnh, khổ sanh ra nơi sắc, và cũng được muốn khiến đối với sắc là
như vậy, hay đừng là như vậy. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng
lại như vậy.
- Này
các Tỷ kheo, ý thầy nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?
- Tỷ
kheo bạch Phật: Vô thường, bạch Thế Tôn.
- Này
các Tỷ kheo, nếu là vô thường, có phải là khổ không?
- Bạch
đức Thế Tôn, là khổ.
- Này
các Tỷ kheo, nếu sắc là vô thường, là khổ. Là pháp biến dịch. Như
vậy vị đa văn thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy là ngã, khác ngã,
hoặc ngã ở trong nhau chăng?
- Tỷ
kheo bạch Phật: Không nên bạch Thế Tôn.
Đối với
thọ, tưởng, hành, thức cũng quán như vậy.”[4]
Qua đoạn
kinh vừa dẫn trên cho ta nhận thức rằng, cái mà chúng ta gọi là
‘thân của ta’, thật ra thân đó được kết hợp bởi năm yếu tố mà thành,
tức là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Điều đó đồng nghĩa là thân
này do duyên khởi mà sanh, khi nó không còn đủ duyên thì nó phải vận
hành theo luật tự nhiên của nó là ‘chuyển biến’ từ thanh xuân cho
đến già hay từ già cho đến chết.Bất cứ ai với thân thể là con người
thì phải chịu qui luật chung này, không ai thoát khỏi, dù cho có tu
hay không tu, dù cho là phàm phu hay thánh nhân. Đây là định luật
vận hành của con người hay vũ trụ. Thế nhưng phàm phu chúng sanh
không rõ về định luật này, cho nên có thái độ không chấp nhận định
luật vô thường chuyển biến này, do vậy mà sanh khổ. Nguyên nhân nỗi
khổ này phát sinh chính là thực tại thì chuyển biến mà ý thức thì
muốn nó không chuyển biến, chính sự mâu thuẫn giữa sự nhận thức và
thực tại cho nên phát sanh khổ. Như vậy chúng ta muốn chấm dứt nỗi
khổ này chỉ có cách duy nhất là chấp nhận qui luật vô thường này.
Đây chính là ý nghĩa mà đức Phật khuyên chúng ta nên nhận thức một
cách rõ ràng rằng, sắc, thọ, tưởng, hành và thức là vô thường, cái
gì vô thường là khổ, do vậy chúng ta không nên chấp trước nó là tôi,
là của tôi, là tự ngã của tôi. Sự chấp nhận sự vô thường chuyển
biến của mọi sự mọi vật và ngay cả con người chính là tâm xả, trạng
thái tâm xả này xuất hiện chỉ khi nào chúng ta nhận thức đúng đắn về
bản chất của con người. Đây cũng chính là ý nghĩa của câu: ‘Khi Bồ
tát Quán Tự Tại thực hành sâu xa tuệ quán, liền thấy năm uẩn đều
không cho nên không còn đau khổ.’ Có nghĩa là do vì thấy rõ thật
tướng của năm uẩn là vô thường, nhờ vậy mà không còn chấp năm uẩn là
thật có, vì không chấp thủ cho nên khổ không do đâu mà sanh. Ở đây,
thái độ không chấp thủ là tâm xả trong bốn vô lượng tâm hay loại xả
cõi thiền thứ tư trong bốn thiền.
3. Xả là sự chấp nhận sự biến đổi về tư tưởng
Loại khổ thứ
hai là loại khổ về tư tưởng. Loại khổ này được xuất hiện do sự cố
chấp về mặt tư tưởng, có nghĩa là quan điểm tư tưởng không đúng hoặc
không còn phù hợp với thực tế nữa, nhưng vẫn khư khư cố chấp cho nó
là đúng, giữ vững lập trường quan điểm tư tưởng của mình, chính sự
cố chấp này đã tạo thành nỗi khổ không những cho chính mình mà còn
gây nỗi khổ cho kẻ khác, nếu như quan điểm đó có liên quan đến người
khác. Ở đây chúng ta có thể đơn cử một ví dụ đơn giản và dễ hiểu mà
trong cuộc sống chúng ta thường gặp như quan điểm về việc hôn nhân
cho rằng, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Ở xã hội ngày nay, nhất là
những xã hội của những nước Âu Mỹ, nếu như cha làm mẹ nào vẫn còn
giữ quan điểm này, bắt con cái phải chấp nhận tuân lệnh cha mẹ, điều
đó không những chính người ấy chuốc lấy phiền não khổ đau mà còn
làm cho người con khổ đau nữa, không những thế mà còn trái với luật
pháp. Vì sao? Vì quan niệm hôn nhân của thời đại ngày nay, hoàn toàn
không còn giống như thời đại của cha ông chúng ta trước đây. Đôi
nam nữ cần phải có thời gian tối thiểu để tìm hiểu lẫn nhau về tánh
tình, quan niệm sống, quan niệm gia đình, chủng tộc, tôn giáo… trước
khi chấp nhận cưới nhau. Điều đó trái hẳn với quan niệm hôn nhân
ngày xưa, cha mẹ cưới gả cho ai thì con phải chấp nhận. Bất cứ quan
niệm nào không còn giá trị trong cuộc sống, có nghĩa là nó đã bị đào
thải ra khỏi xã hội, nếu như ai đó vẫn cố chấp thì sẽ bị xã hội cô
lập. Như vậy người đó tự chuốc lấy khổ đau và phiền muộn. Thái độ cố
chấp này bắt nguồn từ sự thiếu tri thức, trong Phật pháp gọi là
thiếu trí tuệ, do vì thiếu trí tuệ cho nên người ấy không chịu sửa
đổi nhận thức sai lầm của mình, cho nên sanh đau khổ. Hành vi không
chịu sửa sai chính là thái độ cố chấp, vì cố chấp cho nên không xả
bỏ pháp bất thiện, quan điểm bất chính.
Liên quan
đến khái niệm xả về quan điểm tư tưởng, chúng ta thấy trong kinh
điển Phật giáo có khá nhiều kinh được đề cập. Trước nhất là “Kinh
Tạp A Hàm”, kinh số 262, đức Phật dạy rằng:
Người
thế gian điên đảo nương vào hai bên: hoặc ‘có’ hoặc ‘không’. Họ bám
lấy các cảnh giới, tâm liền chấp trước. Này Ca Chiên Diên…lúc cái
khổ này sanh là khổ sanh, lúc cái khổ này diệt là khổ diệt. Đối với
điều này không nghi, không mê lầm, không do người khác mà có thể tự
biết. Đó gọi là chánh kiến mà Như Lai đã nói. Vì cớ sao? Này Ca
Chiên Diên ai hay chánh quán như thật về thế gian tập thì không sanh
kiến chấp cho thế gian là ‘không’, ai hay chánh quán như thật về
thế gian diệt, thì không sanh kiến chấp cho thế gian là ‘có’. Này Ca
Chiên Diên, Như Lai xa lìa nhị biên, nói trung đạo, nghĩa là: Cái
này có cho nên cái kia có, cái này sanh cho nên cái kia sanh. Nghĩa
là duyên vô minh có hành, cho đến sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi,
khổ, não tập. Cái này không cho nên cái kia không, cái này diệt cho
nên cái kia diệt, nghĩa là vô minh diệt thì hành diệt….khổ não diệt.[5]
Qua đoạn
kinh trên, đức Phật cho chúng ta nhận thức, đức Phật không chủ
trương cuộc đời này là thật có hay thật không, vì ‘có’ hay ‘không’
là hai khái niệm tương đối, đứng từ hai góc độ ‘sanh’ hay ‘diệt’
khác nhau của cùng một sự kiện. Nếu ta đứng từ góc độ sự vật đang
trong quá trình hình thành thì chúng ta không thể gọi nó là ‘không’,
vì nó đang hình thành có nghĩa là nó đang hiện hữu; ngược lại, nếu
chúng ta đứng từ góc độ sự vật đang trong quá trình biến hoại thì
chúng ta không thể gọi sự vật là ‘có’, vì nó đang chuyển biến từ có
đến không. Nếu chúng ta không đứng từ hai góc độ này nhìn về sự vật
thì sự vật ấy không thể gọi là có hay không, là sanh hay diệt, vì có
hay không, sanh hay diệt chỉ là một hiện tượng trong quá trình tồn
tại của sự vật. Do vậy chúng ta không thể gọi nó là không hay có.
Đây chính là ý nghĩa của câu:
Ai hay
chánh quán như thật về thế gian tập thì không sanh kiến chấp cho thế
gian là ‘không’, ai hay chánh quán như thật về thế gian diệt, thì
không sanh kiến chấp cho thế gian là ‘có’.
Có và không
là hai mặt của một vấn đề, lìa có không có khái niệm ‘không’, lìa
không cũng không có khái niệm ‘có’, bất tức cũng bất ly. Cái khổ của
chúng sanh là đứng bên này hay bên kia, một là ‘có’ hai là ‘không’.
Mang quan điểm là ‘có’, khi thấy sự vật biến hoại, tạo thành tâm lý
hốt hoảng, sợ chúng không còn, do vậy lo âu phiền muộn cũng theo đó
mà sanh. Khi có quan điểm là ‘không’ thì lại cho rằng, không có
nhân không có quả, không có thiện cũng không có ác, không có tội
cũng không có phước. Từ quan niệm sai lầm này đã dẫn đến cá nhân chủ
nghĩa, có tư tưởng tận hưởng dục lạc, không sợ tội phước. Đây là
nguyên nhân của mọi khổ đau cho con người. Muốn thoát khỏi sự khổ
đau này, con người cần phải từ bỏ những quan điểm sai lầm hoặc không
còn phù hợp với cuộc sống. Sự từ bỏ này chính là ý nghĩa khái niệm
‘xả’ trong đạo Phật.
Từ ý nghĩa
của đoạn kinh vừa dẫn cũng gợi ý cho chúng ta hiểu rằng, xả không
mang ý nghĩa cái gì cũng xả bỏ, ngay cả những nhu cầu cần thiết
trong đời sống hằng ngày của con người. Đức Phật dạy chúng ta biết
hỷ xả là sự xả bỏ hợp lý, tức là cái gì không còn giá trị, không
liên hệ với cuộc sống chúng ta nữa, hay nói đúng hơn nó không giúp
ích cho ta trong sự nghiệp đoạn trừ phiền não, thành đạt an lạc và
hạnh phúc thì cái ấy cần phải xả bỏ, cho dù cái ấy được mệnh danh là
gì đi nữa. Như trong “Kinh Kim Cang” nói rằng: “Chánh pháp còn
phải bỏ đi huống là phi pháp”. Câu kinh này là một chứng minh
cụ thể cho chúng ta thấy rằng, tinh thần xả trong đạo Phật rất khách
quan, nói lên tính trong sáng, tôn trọng sự thật của đạo Phật. Dù
đó là những lời giảng dạy của Phật, nhưng khi nó không còn thiết
thực liên quan giúp ích cho sự giác ngộ và giải thoát nữa thì lời
kinh đó chúng ta cũng cần phải bỏ đi, không nên nắm giữ.
Để tránh
trường hợp ngộ nhận về ý nghĩa của câu kinh này, chúng ta cần giải
tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của nó như thế nào. Thật ra câu kinh
này được xuất phát từ ‘Kinh Ví Dụ Con Rắn’ (Alaggadùpamasutta)
trong “Kinh Trung Bộ” với nội dung và ý nghĩa như
sau:
Này các
Tỷ kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các ông, ví như chiếc bè để vượt qua,
không phải để giữ lấy. Hãy nghe và khéo tác ý…
Này các
Tỷ kheo, ví như có người đi trên con đường lớn dài, đến vùng nước
rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không
kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua
từ bờ bên này đến bờ bên kia…Chư Tỷ kheo rồi người đó thâu góp cỏ,
cây, nhành, lá kết thành chiếc bè, và dựa trên chiếc bè này, tinh
tấn dùng tay chân vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Khi đến bờ
bên kia rồi, người đó suy nghĩ: Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta,
nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân qua bờ bên kia một cách
an toàn. Nay ta hãy đội chiếc bè này trên đầu hay vác nó trên vai,
và đi đến chỗ nào ta muốn. Chư Tỷ kheo, nếu người đó làm như vậy có
đúng không?
- Bạch
Thế Tôn, không.
- Chư Tỷ
kheo, người đó phải làm thế nào cho đúng sở dụng của chiếc bè? Ở
đây, chư Tỷ kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy
nghĩ: Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này mà ta qua
được bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta kéo chiếc bè này lên bờ đất
khô, hay nhận chìm xuống nước và đi đến chỗ nào ta muốn. Chư Tỷ
kheo, làm như vậy, người đó làm đúng sở dụng chiếc bè ấy. Cũng vậy
này Tỷ kheo, ta thuyết pháp như chiếc be để vượt qua, không phải để
nắm giữ lấy. Chư Tỷ kheo, các ông cần hiểu ví dụ chiếc bè…Chánh pháp
còn phải bỏ đi, huống là phi pháp.”[6]
Qua nội dung
và ý nghĩa của đoạn kinh vừa dẫn trên, nó gợi ý cho chúng ta hiểu
về ý nghĩa của khái niệm xả rằng, trước hết đức Phật khẳng định giáo
pháp của Ngài nói ra giống như chiếc bè để vượt qua sông, không
phải để nắm giữ. Có nghĩa là lời của Ngài giảng dạy chỉ mang tính
đối cơ, giúp cho hành giả đạt đến sự giải thoát, khi hành giả căn cơ
chưa đủ, không thể lãnh hội giáo pháp của Ngài thì không nên lấy đó
làm phương pháp tu tập; hoặc là hình thức mà Ngài giảng dạy không
còn phù hợp với con người và xã hội ngày nay, thì chúng ta cũng chỉ
nên học tập tinh thần giảng dạy, không nên bám lấy hình thức giảng
dạy tạo thành chướng ngại cho con đường tu tập, tìm cầu sự giải
thoát giác ngộ; hoặc giả khi chúng ta đã thành đạt giải thoát, cũng
không nên bám lấy chấp chặt vào lời giảng dạy. Đây chính là ý nghĩa
của câu: Ta thuyết giảng giáo pháp như chiếc bè để vượt qua, không
phải để nắm giữ. Từ đó đức Phật đi đến kết luận: ‘Chánh pháp còn
phải bỏ đi huống là phi pháp’. Lời dạy này có phải chăng đức Phật
khuyên chúng ta nên buông xả tất cả ngay cả lời Phật dạy không? Nếu
chúng ta không nắm rõ ý nghĩa của tinh thần xả của kinh này, rất dễ
dàng rơi vào sự ngộ nhận, dẫn đến hành động sai lầm, phát ngôn bừa
bãi, thiện ác bất phân, đúng sai như một, não loạn tâm người, ảnh
hưởng xấu đến cuộc sống của đạo Phật.
Thế thì xả
như thế nào mới đúng tinh thần đức Phật dạy? Nếu chúng ta căn cứ vào
đoạn kinh vừa dẫn, nó cho chúng ta một ý nghĩa khá rõ ràng: Tỷ kheo
cảm thấy bờ bên này là nguy hiểm khổ đau, bờ bên kia thì an toàn và
hạnh phúc. Điều đó xác định niềm tin và sự hiểu biết về chánh pháp,
tất nhiên thấy rõ cuộc đời là khổ đau và cuộc sống xuất gia tu tập
là giải thoát. Thứ đến, tự mình lấy cỏ, cây, cành, lá kết thành
chiếc bè và sau đó tự mình chèo qua sông. Lời dạy này mang ý nghĩa
chúng ta có được giác ngộ giải thoát hay không là do sự nỗ lực tu
tập của chính mình, không phải ai cho, cũng không phải chỉ ngồi đó
cầu nguyện. Lại một điểm nữa, trong kinh xác định vị tỷ kheo đã đến
bờ bên kia (paramita), đến bờ giải thoát, nhưng thái độ khác nhau về
chiếc bè. Trường hợp thứ nhất tỷ kheo sau khi qua sông vì lòng tri
ân, cho nên cứ ôm giữ chiếc bè, không chịu buông bỏ để được giải
thoát; Trường hợp thứ hai, tỷ kheo sau khi đến bờ bên kia, bỏ chiếc
bè tại dòng sông và tự do đi nơi nào mình muốn. Trong hai trường hợp
này, đức Phật chê trách trường hợp thứ nhất có thái độ nắm giữ,
không xả bỏ, và tán đồng trường hợp thứ hai là người đã làm đúng với
cách sử dụng chiếc bè, thực thi tinh thần xả bỏ đúng lúc. Giáo pháp
của Phật cũng thế, nó có giá trị giúp chúng sanh hiểu rõ đâu là
thiện đâu là bất thiện, đâu là hạnh phúc đâu là khổ đau, để cho
chúng sanh hiểu rõ tránh làm việc bất thiện, nên làm việc thiện, ngõ
hầu thành đạt sự giác ngộ và giải thoát; nó không phải là những vật
chỉ để cho chúng ta kính lễ đọc tụng hằng ngày mà ý nghĩa trong đó
chúng ta không hề hay biết. Giới luật của Phật nhằm giúp cho thân
tâm thanh tịnh, đời sống hòa vui, không phải là những giới điều để
chúng ta phiền trách người khác, hay để tụng đọc vào mỗi nửa tháng.
Như vậy,
tinh thần xả trong đạo Phật được xác định, khi đã đến bờ bên kia
muốn được tự do đi lại thì nên quên thuyền, nhưng khi chưa đến thì
thuyền vẫn là phương tiện tốt cho ta qua sông. Cũng vậy, người đã
được giác ngộ không nên vì hình thức giáo dục trong kinh điển mà bận
lòng, chướng ngại cho sự giải thoát. Nhưng nếu như chúng ta chưa
giác ngộ, lời Phật dạy kinh sách vẫn là kim chỉ nam để hướng dẫn
chúng sanh đến bờ giải thoát. Đến được bờ sông bên kia chỉ nhờ
thuyền bè, cũng vậy chúng sanh muốn vào cảnh giải thoát của chư Phật
không thể không nương vào Phật pháp. Như vậy, khi nào chúng ta đã
giác ngộ thì lúc ấy chúng ta mới có thể xả bỏ chánh pháp để được
giải thoát, nhưng khi chưa giác ngộ lời Phật dạy luôn luôn là chiếc
bè tốt để cho chúng ta đến bờ giác.
4. Kết luận
Nếu như 37
phẩm trợ đạo là những phương pháp tu tập trong Phật giáo Thượng Tọa
Bộ thì kết quả của việc tu tập đó là bốn vô lượng tâm — từ, bi, hỷ
và xả. Nói cách khác, lòng từ bi hỷ xả trong Phật giáo phải được
huấn luyện thông qua quá trình tu tập của giới định và tuệ. Từ, bi,
hỷ, xả mà không được trí tuệ hướng dẫn, nó đồng nghĩa với lòng
thương yêu và sự xả bỏ của kẻ vô minh phàm phu.
Tinh thần
‘xả’ trong đạo Phật là thái độ ‘xả’ luôn luôn gắn liền với trí tuệ,
gắn liền với ‘như lý tác ý’, là trạng thái thấy biết đúng như sự
thật, lúc bây giờ tâm xả mới bắt đầu xuất hiện, vì đã thấy được bản
chất của các pháp, cho nên không còn chấp trước nữa. Thái độ không
còn chấp trước là thái độ xả trong Phật giáo, không mang ý nghĩa
bình thường mà chúng ta thường sử dụng.
Có hai loại
xả: Một là xả về mặt vật thể và hai là xả về mặt tri kiến. Xả về mặt
vật thể là xả bỏ hay chấp nhận sự biến hoại tự nhiên của các vật
thể, như sự đau bịnh và tử vong của con người, hay sự hoại diệt của
cái mà chúng ta thường gọi là vật sở hữu. Xả chỉ xuất hiện khi nào
chúng ta thấy rõ bản thân của mọi vật là vô thường vì sự hiện hữu
của chúng do duyên khởi. Khi nào chúng ta như thật tuệ tri như vậy,
chúng ta mới chấp nhận sự biến đổi của chúng. Sự chấp nhận biến đổi
là ý nghĩa của chữ xả trong đạo Phật.
Kế đến, xả
về mặt tri kiến là sự chấp nhận sửa đổi quan niệm sai lầm của mình.
Quan điểm sai lầm được xuất hiện từ sự tư duy không chính xác, trong
kinh điển thường dùng là ‘không như lý tác ý’. Do đó, hình thành
quan điểm không đúng là nguyên nhân của mọi khổ đau. Trong cuộc sống
sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường vấp phải lỗi lầm này, từ việc
làm ăn cho đến tôn giáo tín ngưỡng, chúng ta cố chấp không chịu sửa
sai cho nên chúng ta khổ. Muốn chấm dứt sự khổ đau này, chúng ta cần
phải có trí tuệ, tư duy chín chắn và khách quan, từ đó chúng ta mới
sửa đổi những sai lầm của mình. Thái độ chấp nhận sửa đổi quan điểm
sai lầm là tinh thần xả trong đạo Phật.
Taipei, ngày
06/09/2005
SÁCH
THAM KHẢO
1. HT Thiện Siêu và Thanh Từ dịch, "Kinh
Tạp A Hàm" tập 2, Viện NCPHVN ấn hành 1994.
2. HT. Thiện Siêu và Thanh Từ dịch, “Kinh
Tạp A Hàm” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1993.
3. HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ”
tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1992.
4. HT Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ”
tập 2, Viện NCPHVN ấn hành 2000.
[1]
HT Thiện Siêu và Thanh Từ dịch, "Kinh Tạp A hàm" tập 2, Viện
NCPHVN ấn hành 1994, trang 598.
[2]
HT Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ" tập 2, Viện NCPHVN ấn hành
2000, trang 29~37.
[3]
HT Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ" tập 1, Viện NCPHVN ấn hành
1992, trang 19~20.
[4]
HT. Thiện Siêu và ThanhTừ dịch, “Kinh Tạp A hàm” tập 1, Viện
NCPHVN ấn hành 1993, trang 68~69.
[5]
HT. Thiện Siêu và Thanh Từ dịch, “Kinh Tạp A hàm”
tập 1, Viện NCPHVN ấn hành 1993, trang 511~512.
[6]
HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành
1992, trạng~307