Lịch sử phật giáo thế giới
Đạo Phật xưa và nay
Tác giả: Thích Hạnh Bình
29/10/2554 06:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nói năng như Chánh Pháp

PHẦN 7

NÓI NĂNG NHƯ CHÁNH PHÁP

 

Một trong những vấn đề quan trọng mà đức Phật thường khuyên chúng ta, cần nên thận trọng đối với vấn đề nói năng. Nói như thế nào có lợi và nói như thế nào không lợi là một vấn đề cho chúng ta nghiền ngẫm suy tư. Tục ngữ người Trung hoa có câu: ‘bịnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất’ có nghĩa là bịnh do ăn uống mà sinh, tai họa do nói năng mà có.

Từ thực tế cuộc sống cho thấy, lời nói không phải là lưỡi dao, nhưng nó có khả năng giết mạng người bằng cách nói những lời độc ác khiến cho người khác phải tự vận hoặc sống trong sự hận thù và đau khổ. Ngược lại, lời nói cũng không phải là liều thuốc bổ dưỡng, nhưng nó có thể là những chất liệu khiến cho người nghe cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Có lẽ đó là lý do tại sao đức Phật khi giải thích nguồn gốc sinh của khổ đau lại đề cập đến ba nghiệp: thân, khẩu và ý nghiệp. Thân và khẩu nghiệp là hai cửa ngõ biểu hiện ý nghiệp. Trong đó khẩu nghiệp là một cửa ngõ rất quan trọng, là nơi thực thi ý chí để buông ra những lời nói xấu xa hay tốt đẹp. Tất nhiên, nói với lời nói xấu xa là một trong những nguyên nhân mang lại cho mình hay người khổ đau mất hạnh phúc; ngược lại, nói lời nói tốt đẹp hài hòa, nó không những làm cho người khác cảm thấy thoải mái vui lòng mà còn làm cho chính mình cũng cảm thấy vui theo. Có lẽ đó chính là lý do đức Phật chế định người Phật tử ‘không được nói láo’, vì lời nói láo không những hại người mà còn hại cho bản thân mình.

 Thế nhưng, có một số trường hợp ngoại lệ, không thể nói thẳng nói thật, vì sự thành thật đôi khi có hại cho mình hoặc người khác. Ví dụ kẻ cướp tìm người để cướp đoạt tài sản, mình biết người đó đang trốn chỗ này hay chỗ kia, nhưng không thể thành thật chỉ điểm người đó cho kẻ cướp, đây là một ví dụ điển hình, thật ra trong cuộc sống còn không biết bao nhiêu chuyện trái ngang. Nếu thế thì theo đạo Phật, thế nào gọi là nói láo? Dựa vào tiêu chuẩn nào để không rơi vào tội nói láo? Hay nói một cách khác, thế nào gọi là lời nói có ích lợi và thế nào là lời nói không có ích lợi?

Đây cũng chính là lời cật vấn mà ngoại đạo Nigantha Nataputta, thuộc giáo phái Kỳ-na-giáo đã xúi giục vương tử Abhaya nạn vấn Thế Tôn, nhằm hạ nhục Thế Tôn bằng câu hỏi hai móc, được ghi lại trong ‘Kinh Vương tử Abhaya’ (Abhayarajakumarasuttam)[1] số 56, như sau:

Này Vương tử, hãy đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy nói với Sa-môn Gotama như sau: ‘Bạch Thế Tôn, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy, những người khác không ưa, không thích chăng?’ Nếu như Sa-môn Gotama thừa nhận có nói những lời nói như vậy, thì vương tử hãy đặt vấn đề với Sa-môn Gotama: ‘Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn xử sự như vậy, thời có gì sai khác gì giữa kẻ phàm phu với Ngài? vì kẻ phàm phu nói lời nói khiến người khác không ưa, không thích. Nếu như Sa-môn Gotama trả lời Ngài không nói những lời nói như vậy, thì cật vấn với Sa-môn Gotama: Thế thì tại sao Devadatta phẫn nộ, không hoan hỷ với lời dạy của Thế Tôn?

Này Vương tử, Sa-môn Gotama, khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không thể nhả ra, cũng không thể nuốt vào. Vì như một móc sắt bị mắc vào cổ họng của một người nào, người ấy không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào được. Cũng vậy, này Vương tử, Sa-môn Gotama, khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào.

Qua sự kiện này, nó gợi ý cho chúng ta thấy, tuy rằng giáo pháp mà đức Phật nói ra là chân lý của sự sống, tuy nhiên nó là những gì ngược lại với sự suy nghĩ của người dân Ấn đương thời, nhất là những người mang tư tưởng tôn thờ sùng kính Bà-la-môn hay các trường phái triết học khác. Do vì quá sùng kính tôn giáo của mình cho nên những lời giảng dạy của đức Phật trở thành đối tượng phê phán hay chỉ trích của ngoại đạo, vì Ngài là người nói lên sự thật của cuộc sống. Sự thật đó vô tình đã làm tổn thương đến sự tồn vong đến hệ thống giáo lý của họ. Thật ra lời dạy của Ngài không nhằm mục đích công kích hay đả phá bất cứ tôn giáo nào, cũng không nhằm mục đích thâu tóm tín đồ hay trục lợi cá nhân, giáo lý của Ngài là giáo lý nói lên chân lý của cuộc sống, phải chăng đó là ý nghĩa của câu nói:

Ta không tranh luận với bất cứ ai trong thế gian, chỉ có người trong thế gian tranh luận với ta.[2]

 

Thật vậy, trong suốt cuộc đời hoằng hóa của Ngài, Ngài không có ác ý muốn làm tổn thương sự sống của bất cứ ai, luôn luôn lấy lòng bao dung đối xử với tất cả mọi người. Nhưng trong khi Ngài giảng dạy, trình bày về chân lý không làm sao tránh khỏi sự không hài lòng của người không cùng quan điểm. Nhưng ở đây có một điểm mà chúng ta cần lưu ý và thông cảm là, tư tưởng và cuộc sống của đức Phật quá tuyệt vời, có sự lôi cuốn và hấp dẫn đối với giới trí thức và vua chúa, là những người có tiền của, những người này trở thành đệ tử của đức Phật, ủng hộ Phật và tăng đoàn, đó là lý do tại sao người ngoại đạo ganh tị với đạo Phật. Họ muốn tồn tại và giữ uy tín, không có con đường nào khác bằng cách đả phá hay làm giảm uy tín đức Phật, bằng cách vạch lá tìm sâu tranh luận với Ngài. Sự kiện Nigantha Nataputta xúi giục vương tử Abhaya đến tranh luận với Thế Tôn là một điển hình cụ thể. Thế nhưng, ước mơ đó có được thành tựu hay không, điều đó không tùy thuộc vào sự mong muốn của mình mà hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng và chân lý. Kết quả của cuộc tranh luận như thế nào, chúng ta lắng nghe đức Phật trả lời:

-Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Nếu đứa con nít này, do sự vô ý của Vương tử, hay do sự vô ý của người vú hầu, thọc một cây gậy hay nuốt một hòn đá vào trong miệng, vậy Vương tử phải làm gì?

- Bạch Thế Tôn, con phải móc cho ra. Bạch Thế Tôn, nếu con không thể móc ra lập tức, thời với tay trái con nắm đầu nó lại, với tay mặt lấy ngón tay làm như cái móc, con sẽ móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì con có lòng thương tưởng đứa trẻ”.

Đức Phật không trả lời trực tiếp câu hỏi của vương tử Abhaya, mà đức Phật trả lời bằng câu hỏi ngược lại. Có nghĩa là lấy câu trả lời của đối phương làm câu trả lời cho mình, đây là cách mà đức Phật thường sử dụng khi đối phương có ý tranh luận và bắt bẻ, có lẽ đó là cách trả lời thuyết phục nhất và không mất thì giờ phải tranh luận dài dòng. Ở đây, nếu như Abhaya muốn bắt bí đức Phật bằng câu hỏi hai móc, có nghĩa là trả lời như thế nào cũng rơi vào bẫy của đối phương. Thế nhưng ở đây chúng ta thấy đức Phật không rơi vào cái bẫy này, bằng sự thiện xảo của mình, Ngài lại hỏi một vấn đề khác cũng tương tự để cho đối phương trả lời. Điều đó đồng nghĩa đối phương trả lời như thế nào, đó cũng chính là câu trả lời của đức Phật.

Ở đây, chính vương tử Abhaya phải trả lời câu hỏi: Nếu như một đứa bé nuốt một vật hay hòn đá vào miệng thì người vú nuôi hay người cha mẹ phải cư xử như thế nào trước hành động đó? Nên đè em bé đó, dùng tay móc vật nguy hiểm đó ra hay vì sợ em bé khóc phản đối, để em bé nuốt vật nguy hiểm đó vào bụng? Với câu hỏi này, vương tử Abhaya chỉ có câu trả lời duy nhất là, chấp nhận cho em bé khóc để móc vật nguy hiểm ra. Câu trả lời này đồng nghĩa sự chấp nhận quan điểm với đức Phật, đôi lúc Ngài nói pháp, có những lời nói khiến người nghe không bằng lòng điều đó cũng không có gì là không hợp lý, vì đôi lúc người nghe là người mê tín hay là người thành kiến hay là trình độ còn non kém, thì người ấy chắc chắn không đồng tình với lời dạy của Ngài, do vậy sự không đồng tình quan điểm của đức Phật cũng là chuyện thường. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là lời nói không có giá trị hay với ác ý. Sự kiện đức Phật nói những lời nói khiến cho người khác không vui là vì mục đích làm lợi ích cho người đó, còn chúng sanh làm cho người khác không vui thì với tâm ngược lại. Với ý nghĩa này, đức Phật đã phân tích một cách tường tận về những trường hợp nói hay không nói của mình như sau:

Cũng vậy, này Vương tử, (1)Lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy.(2). Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy. (3).Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai ở đây biết thời giải thích lời nói ấy. (4).Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như Lại không nói lời nói ấy. (5).Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không nói lời nói ấy. (6).Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, ở đây, Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy. Vì sao vậy? Này Vương tử, Như Lai có lòng thương tưởng đối với các loài hữu tình”.

Qua nội dung và ý nghĩa của đoạn kinh vừa dẫn trên cho chúng ta thấy, lời đức Phật nói bao giờ cũng dựa vào ba nguyên tắc: Thứ nhất là sự thật; thứ hai là mục đích (tức việc mà mình muốn nói đó có liên hệ đến sự giác ngộ và giải thoát hay không); và thứ ba là người nghe có ưa thích hay không. Căn cứ vào ba điều kiện này, đức Phật tiếp tục phân tích, có bốn trường hợp đức Phật không nói, chỉ có hai trường hợp đức Phật nói, nhưng phải lựa lời. Bốn trường hợp đức Phật không nói là:

 

1. Lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai không nói lời nói ấy.

Ở trường hợp thứ nhất, đức Phật không nói vì nó không đúng với sự thật, không liên hệ đến sự giác ngộ và giải thoát và người nghe cũng không ưa không thích.

2. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai không nói lời nói ấy.

Ở trường hợp 2, đức Phật không nói, lý do vì nó không liên hệ đến sự giác ngộ giải thoát, đồng thời người nghe cũng không thích, cho nên đức Phật không nói.

3. Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như Lại không nói lời nói ấy.

Ở trường hợp này, đức Phật không nói, vì lý do, nó không đúng với sự thật, không có liên hệ đến sự giác ngộ và giải thoát, tuy rằng nó rất được người ta ưa thích. Ví dụ như với lời ngọt ngào khen ngợi với mục đích trục lợi.

4. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không nói lời nói ấy.

Trong trường hợp này, đức Phật không nói, vì lý do, nó không có liên quan đến sự giác ngộ giải thoát, tuy rằng nó đúng là sự thật mà lại được người khác ưa thích, nhưng vẫn không được đức Phật nói. Ví dụ người thợ săn hỏi: có con nai chạy vào hướng này không? Nếu như có đi nữa thì đức Phật khuyên chúng ta không nên nói thật về trường hợp này.

Ngoài ra, có hai trường hợp được đức Phật nói:

1. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai ở đây biết thời giải thích lời nói ấy.

2. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, ở đây, Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy.

Trong hai trường hợp này, trường hợp thứ hai thì không có gì để bàn cãi, nhưng ở trường hợp thứ nhất thì chúng ta cần giải thích để vấn đề được dễ hiểu hơn. Ở trường hợp thứ nhất này, dẫu rằng nó không được người khác ưa thích, nhưng nó là sự thật, hơn nữa có liên hệ đến sự giác ngộ giải thoát cho nên đức Phật lựa lời mà nói sự thật đó. Đây chính là trường hợp đức Phật nói lên sự thật của thế gian đã khiến cho những người ngoại đạo không thích, nhưng không thể vì vậy mà đức Phật không nói lên chân lý của thế gian.

Nói tóm lại, trong bốn trong trường hợp mà đức Phật nhất định không nói, yếu tố chính là nó không có liên hệ đến sự giác ngộ và giải thoát. Ngược lại, cũng vậy, hai trường hợp mà đức Phật nói, nguyên nhân chính là nó có liên hệ đến mục đích. Như vậy, từ đó chúng ta có thể đưa đến kết luận là vấn đề nào có liên quan đến sự giác ngộ và giải thoát thì vấn đề đó được đức Phật nói và ngược lại, sẽ không được đức Phật bàn luận.

Căn cứ từ ý nghĩa này, chúng ta có thể xác định, lời nói nào không có liên hệ đến sự giác ngộ và giải thoát thì lời nói ấy được xem là lời nói láo, hay nói đúng hơn là lời nói không có ích lợi, lời nói ấy đức Phật khuyên người Phật tử không nên nói; và ngược lại, những lời nói nào có liên hệ đến sự tu tập, giúp ích cho sự giác ngộ và giải thoát thì lời nói ấy được xem là lời nói chân thật, lời nói có lợi ích. Đức Phật khuyên chúng ta nên nói những lời nói ấy, cho dù người nghe không ưa không thích.


 

[1] HT Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 2, VNCPHVN ấn hành 2000, trang 127~136.

[2] HT. Thiện Siêu và Thanh Từ dịch, “Kinh Tạp A hàm” tập 1, VNCPHVN ấn hành 1993, trang.76.