Lịch sử phật giáo thế giới
Lịch sử Phật giáo Tây Tạng
Tác giả: Pháp sư Thánh Nghiêm - Thích Tâm Trí dịch
29/10/2554 06:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương V: Văn Vật Phật giáo Tây Tạng

TIẾT I:  TÂY TẠNG ĐẠI TẠNG KINH

 

Mục Lục Tạng Kinh. “Tây Tạng Văn Đại Tạng Kinh” tuy đã được hoàn thành vào nhưng năm đầu triều nhà Nguyên, nhưng được khởi sự phiên dịch từ đời nhà Đường. Những kinh luận được dịch ở thời kỳ đầu đều được chép vào “Bàng Đường Mục Lục” (Hphan-thanh dkar-Chag). Đây là “Đệ nhất bộ kinh lục” của Tây Tạng. Đó là căn cứ vào thuyết nói rằng ở thời đại của Tạng vương Mâu Đề Tán phổ (Ma-tig-btsan-pa) vào cuối thế kỷ thứ tám Tây lịch do các vị dịch sư như: Ca-Bạch Phổ Tử kết (ka-ba-dpal-brtsegs) phiên dịch, và Tịnh Xá Ca-Di (Ka-Me) ở địa phương Bàng Đường (Hphan-than) là nơi lưu giữ những kinh Phật sau khi liên tục được dịch hoàn thành. Hiện nay bản Biên-Lục nầy đã bị thất lạc nên không thể biết được nội dung.

   Đến bán thế kỷ thứ chín, do Tạng vương Lại Ba Thiệm dốc toàn lực hộ pháp, nhờ vậy mà việc phiên dịch kinh Phật cực thịnh một thời và dịch được rất nhiều kinh. Những vị dịch sư như: Phổ Tử  Kết (Dpal–brtsegs) v.v. già lam Đăng Cát – Nhĩ Mã (Ldan–dkar-ma) ở Thổ Đường là nơi lưu giữ những kinh Phật sau khi đã chỉnh lý và biên chép thành kinh lục, lấy tên là “Đăng Cát Nhĩ Mã Mục Lục” (Ldan-dkar-madkar-chag). Bản mục lục hiện nay được đưa vào “Đan Châu Điển Tập”. Đây bản kinh lục dựa theo thứ tự của tam tạng Kinh, Luật, Luận mà phân làm mười bảy mục loại sau :

1.Đại thừa kinh gồm có: bộ Kinh Bát Nhã, bộ Kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh Bảo Tích. Bộ Kinh Tập và bộ Kinh Đại Niết Bàn được dịch từ  Hán Văn ra Tạng Văn và v.v…

2.Tiểu thừa kinh gồm có: “Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh” v.v… sau có thêm bộ “Pháp Tập Yếu Tụng”.

3.Bí Mật kinh gồm có: “Bất Không Quyên Sách Đà La Ni” v.v…

4.Từ mục loại thứ 4 đến thứ 7, gồm có: Danh Hiệu, Tán Nguyện, Cát Tường Tụng.

8.Luật Tạng gồm có: Giới Bổn và Tỳ Nại Da v.v…

9.Đại thừa kinh thích gồm có: “Thập Vạn Bát Nhã Đại Sớ”, “Bát Nhã Quảng Trung Lược Sớ”, “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận Thích”.

10.Trung Quán Luận gồm có: “Căn Bản Trung Luận Thích Luận”, “Bát Nhã Đăng Bản Thích”, “Phật Hộ Thích Luận”, “Vô Uý Thích Luận”, “Trung Quán Trang Nghiêm Luận Bản Thích”.

11.Thiền Định Thư  gồm có: “Tu Hành Tam Thứ Đệ”

12.Duy Thức Luận gồm có: “Du Già Sư Địa Luận Bản Thích”, “Nhiếp Đại Thừa Luận Bản Thích”, “Tập Luận Bản Thích”, “Kinh Trang Nghiêm Luận Bản Thích” v.v…

13.Đại Thừa Luật Tập gồm có: “Tập Bồ Tát Học Luận”, “Tập Nhất Thiết Kinh Luận”, “ Bảo Man Luận” v.v…

14.Tiểu Thừa Luận gồm có: “Cu -Xá Luận Bản Thích”, “Cu Xá Sớ” của Nguyệt Xứng và Thắng Hữu v.v…

15.Nhân Minh Luận gồm có: “Quán - Nhân Quả Tương Thuộc Bản Thích”, “Chánh Lý Nhất Đích Luận Bản Thích”v.v…

16.Tạng Thổ Tuyển Thuật gồm có: “Thánh Giáo Chánh Lượng”, “Từ Bi Đại Tán” v.v…

17.Đãi Khảo gồm có: “Lượng Thích Luận Bổn Thích”, “Nhiếp Chân Thực Nghĩa Bản Thích” v.v…

Sự phân ra mười bảy mục loại vừa nêu cho thấy thời kỳ nầy kinh điển Đại thừa được dịch ra Tạng văn gần như đầy đủ, chỉ có Duy Thức học còn thiếu rất nhiều. Về Trung-Quán thì thiếu các sớ giải của Nguyệt-Xứng, về Nhân-Minh thì không thấy “Tập Lượng Luận” của Trần-Na, về Mật bộ chỉ có ba bộ là Tác Mật, Tu Mật, Du Già Mật, chưa có Vô Thượng Du Già Mật. Những thiếu khuyết trên mãi sau nầy mới được bổ sung. Điều đó cho thấy các học giả Tây Tạng ở thời kỳ ấy đa số xuất thân từ Hiển giáo.

Đến đầu triều nhà Nguyên (cuối thế kỷ mười ba Tây lịch), do sự xương thịnh của Phật giáo Hậu truyền cực mạnh nên việc phiên dịch kinh Phật mới được hoàn bị và dẫn đến việc khắc bản Đại Tạng Kinh bằng Tạng văn. Đây là khắc bản lần thứ nhất và có tên gọi là Nại Đường Cổ Bản, hay còn có tên là Cựu Nại Đường Tạng. Tạng bản nầy do ngài Thế Tôn Kiếm (Mchom-Idan-ral-Khri) và người đệ tử là Nhuyến Ngữ Ẩn Phúc (Hjam-nag gan-sis) sưu tập thêm nhiều tư liệu từ đất Hán mang về Tạng thổ và khởi sự khắc bản tại chùa Trát Thập Luân Bố, chùa này tọa lạc ở về phía tây Già lam Nại Đường (Snar-thari) khoảng năm mươi dặm. Thế Tôn Kiếm là người viết mục lục cho lần khắc bản này–và gọi là “Nhật Quang Mục Lục” (Nĩ–mahi hod–jer dkarblo gros). Đấy cũng là bản kinh lục thứ ba.

Ít lâu sau lại có Sách Ba (Tshal-pa) của Kết Bạch La –Cách (Dges-bahi blo gros) tại Tịnh xá Cống Đường (Guri-than) cách Lạp Tát năm mươi dặm về phía đông đứng ra biên lục kinh tạng. Kinh tạng nầy so với  Nại Đường Cổ Bản về nội dung có gia tăng đầy đủ hơn và gọi tên là “Sách Ba Mục Lục” (Tshal-pa dkar-chag). Đây là bộ Kinh lục thứ tư.

Vào hậu bán thế kỷ mười bốn tây lịch, đại sư Bố Đốn hiệu đính Sách Ba Mục Lục và tự ông biên tập một bộ Đại Mục Lục. Bộ Đại Mục Lục nầy bao gồm “Tùng Lạp Lâm Bảo Thiết (Gsun-rab rin-che Cam Châu Nhĩ) Mục Lục” và “Giá Nhỉ Bão Phần Ba (Rgyal-po phren-ba Đan Châu Nhĩ) Mục Lục”. Đây là bộ kinh lục thứ năm và cũng là bộ mục lục được thẩm định đầy đủ nhất của Tây Tạng Đại Tạng Kinh. Thực ra bộ kinh lục nầy chỉ là phụ lục nhằm giúp đại sư Bố Đốn viết bộ Thiện Thệ Giáo Pháp Sử (Bde-gsegs bstan-pahi chos hbyun).

 Đại sư Bố Đốn-người đem toàn bộ Đại Tạng Kinh bằng tiếng Tạng phân ra thành Cam Châu Nhĩ (Bkah-hgyur – hay còn gọi là Giáo Sắc Bộ hoặc Phật bộ) và Đan Châu Nhĩ (Bstan-hgyur, còn gọi Luận Thuật bộ hoặc Tổ bộ) đó là sự phân loại giáo pháp vô cùng đặc biệt và độc đáo của Tây Tạng. Bố Đốn lấy những kinh, luật do Phật thuyết quy về bộ Cam Châu Nhĩ; những thích luận, chú sớ do lịch đại tổ sư trước tác quy thành bộ Đan Châu Nhĩ. Từ đó về sau việc phân loại nầy trở thành định thức của Tạng Văn Đại Tạng Kinh.

Phân Loại Pháp Của Bố Đốn.

-------

Bố–Đốn là một vị đại học vấn của Phật giáo Tây Tạng. Đối với toàn bộ Đại Tạng Kinh được dịch ra Tạng văn Ông đều phân loại và chú thích. Ông hoàn toàn dựa vào khả năng học thuật của mình mà cân nhắc, phán đoán. Hầu hết các học giả Phật giáo Tây Tạng hậu lai đều tuân thủ tư tưởng của ông. Đại sư Tông Khách Ba là người chịu ảnh hưởng nơi ông rất nhiều.

Xin giới thiệu kiến giải về việc phân loại Đại Tạng kinh của Bố Đốn thành hai loại như sau:

I.Phân loại Cam Châu Nhĩ: Bố Đốn đem Cam Châu Nhĩ chia thành Hiển thừa và Mật thừa. Về Hiển thừa, ông lại phân “Nhất đại thuyết giáo” của đức Phật ra làm Sơ –Trung- Hậu tam pháp luân. Sơ pháp luân là thời đức Phật thuyết giảng Tứ -Đế và những  giới luật căn bản tại vườn Lộc Dã. Trung pháp luân là thời đức Phật thuyết giảng pháp vô tướng như Bát Nhã Kinh v.v… tại núi Linh Thứu. Hậu pháp luân là thời đức Phật thuyết giảng phân biệt pháp, như những kinh Pháp Hoa, Bảo Tích v.v…Ở các xứ như thành Tỳ Xá Ly v.v…

II.Phân loại Đan Châu Nhĩ:

Cam Châu Nhĩ là những kinh thuộc Phật bộ, được chia ra ba thời chuyển pháp luân. Đan Châu Nhĩ là sự xiển dương và thích nghĩa của lịch đại Tổ sư đối với những kinh do Phật thuyết. Đan Châu Nhĩ cũng được chia thành ba môn.

1)Những bộ luận thích ở thời Sơ pháp luân được coi là những bộ luận Tiểu thừa.

2) Những bộ luận thích ở thời Trung pháp luân được coi là những bộ như Trung Quán, Bát Nhã.

3) Những bộ luận thích ở thời Hậu pháp luân là những bộ luận về Du Già.

Ông lại đem ba môn này phân ra hai chi là: “Quán” và “Hạnh”.

Bố Đốn đại sư bất đồng về nội dung luận giải trong các bộ luận nên ông phân Đan Châu Nhĩ  làm ba loại:

1.Những luận điển nói về thế tục đế.

2.Những bộ luận thuyết về thắng nghĩa đế.

3.Những luận điển nói về giải thóat đạo đế.

Xin liệt ra cương yếu như sau:

1.Những luận nói về tục đế cũng được chia thành ba:một la, những luận điển đề cập có tính cách thế đạo, như: “Bách Trí Huệ Luận”, “Nhiếp Sanh Luận”v.v…

hai là, những luận điển chuyên nói về lợi tha và được chia thành bốn khoảnh.

a.Nhân Minh: giải thích hiện lượng, tỷ lượng v.v… gồm sáu việc như “Tập Lượng Luận” của Trần Na. Thất Chi Thất Quán, Bát Thành, Thất Trùng Sớ v.v… của Pháp Xứng.

b.Thanh Minh: giải thích chữ Giới, chữ Tượng, ba việc hài hoà như “Ba Nhị Ni Kinh” v.v… lại nữa, cần có luật về âm vận, lời hay và thi ca cũng được đưa vào đây (Thanh Minh).

c.Y Minh: giải thích  về y dược học, như “Bát Kinh Phần Tâm Yếu Luận” v.v…

d.Công xảo minh: giải thích những việc như luyện kim trong “luyện kim luận” v.v…

Ba là, những luận điển nói về lợi  ích tự thân, có một thứ đó là “Nội Minh”, thích nghĩa về tướng của các pháp Uẩn, Xứ, Giới v.v… như Tỳ Đàm và “Tập Đại Thừa Tướng Luận” v.v…

2.Những luận điển nói về Thắng nghĩa đế, tức giải thích Tứ-đế theo nguyên lý “Năng Sở Vô Biệt, Vô Sở Đắc” v.v…như trong “Phân Biệt Nhị Đế Luận”, “Tam Thập Luận” …v.v

3.Những luận điển nói về Đạo giải thóat, như “Bồ Tát Địa” trong Du Già Sư Địa Luận, hay “Nhập Bồ Tát Hạnh Luận” của Tịch Thiên v.v… là lấy phần chính yếu từ “Tập Luận” và “Cu Xá Luận” để sáng tác.

Bản Gốc của Tạng Văn Đại Tạng Kinh

Bản gốc của Đại Tạng Kinh Tây Tạng thì có nhiều; đó là do Phật giáo Tây Tạng kéo dài từ thời Tiền Truyền đến thời Hậu Truyền. Trong khoảng thời gian của hai thời cộng lại có hơn ba trăm năm mươi vị dịch kinh Phật từ Phạn văn và Hán văn ra Tạng văn. Cả trước sau họ dịch được hơn năm nghìn bộ kinh, chưa nói là nội dung các khắc bản giữa các thời cũng có khác nhau.

 Nay xin nêu các danh xưng của các khắc bản qua các thời kỳ.

1- .Cựu Nại Đường Tạng:đầu thế kỷ mười ba Tây lịch, khắc bản nầy là do Thế Tôn Kiếm và đệ tử là Nhuyến Ngữ Ẩn Phúc sưu tập tư liệu ở nội địa Trung Quốc mang về Tây Tạng rồi cùng với các vị dịch sư như: La Tát Nhĩ  Tang Kết Bồng (Blo-gsal sans-rgyas kbum), Toả Nam Hoắc Tài Nhĩ (Bsod –nams hod-jez), Ngân Tước Bách Bồng (Byan –Chuc-hbum) v.v… và còn có nhiều vị dịch sư khác hướng về các địa phương trong nội địa Tây Tạng để sưu tập tất cả những kinh, luật, luận của Hiển và Mật giáo. Họ dịch và khảo chính lại rồi khắc bản in thành bộ Đại Tạng Thư lấy tên là Nại Đường Cổ Bản. Hiện nay cả khắc bản và ấn bản của Đại Tạng Kinh nầy đều không còn.

2.- Lý Đường Tạng: tên ban đầu là Lý Đường Bản (Li-Thari). Khắc bản nầy có được là do các vị như Thích- Ca- Dã- Tán ( Sà-Kya rgyal-mtsyul) v.v… và được khởi công khắc bản tại địa xứ Cần Ưu (Hjan-Yul).

Vào đời nhà Thanh, năm Quang Tự thứ  ba mươi bốn (1908). Quân Thanh sau khi vào Tây Tạng đã thiêu huỷ toàn bộ tạng bản nầy.

3.- Đức Cách Tạng: tên ban đầu là Đức Cách (Sác-dge) bản. Đây là tạng bản được chuẩn bị từ năm Ung Chính thứ bảy, nhà Thanh (1729). Năm sau đó mới khởi sự khắc bản, nhưng mãi đến đời Thanh Cao Tông, năm Càn Long thứ chín (1744) mới hoàn thành, trải mất mười sáu năm. Về nhân lực phải sử dụng đến 320 vạn người vào công cuộc  khắc bản và in ấn. Chiếm đi một nửa dân số của Tây Tạng.

 Một địa xứ như Tây Tạng mà hoàn thành nổi một bộ Tạng Văn Đại Tạng Kinh  như vậy. Nếu sánh với Hán Văn Đại Tạng Kinh của Trung Quốc, thì đấy quả là một sự nghiệp vô cùng vĩ đại! Bởi, nhân lực, vật lực đảm trách công việc khắc bản, in ấn là rất nặng. Nếu so với các khắc bản và in ấn của Hán Văn Đại Tạng Kinh của một nước lớn như Trung Quốc, thì đây đúng là “Thiên Nhưởng Chi Biệt” (điều đặc biệt nhất trong trời đất). Nếu dân Tây Tạng không một dạ kiền thành kính ngưỡng Pháp Bảo, thì sao họ có thể làm nổi việc này! Đây là một Đại Tạng Kinh mà nội dung của nó có sự tham cứu và sử dụng cả bộ phận Cam Châu Nhĩ của Lý Đường Tạng, thêm vào còn có Sắc- La- Xá- Nhĩ- Cang (Sha-lugser-Khan) đưa cả bản gốc của toàn bộ Đan Châu Nhĩ vào. Ngoài ra còn y chiếu bộ kinh lục của Bố Đốn, coi như tất cả đều được tăng bổ vào mà thành bộ Tạng Văn Đại Tạng Kinh. Hiện tại chùa Đức-Cách còn lưu giữ đầy đủ toàn bộ khắc bản của tạng kinh nầy. Đông Dương Văn Khố của Nhật Bản, Huệ Hải Thị Văn Khố của Hà Khẩu và Đại Học Cao-Dã Sơn là những nơi mà hiện nay còn lưu giữ được năm bộ ấn bản của Tạng kinh nầy.

4.- Tân Nại Đường Tạng: ban đầu có tên là Nại Đường Tân Bản. Đây là khắc bản vâng theo giáo sắc của đức Đạt Lai Lạt Ma là Bố Cách Tang Gia Mục Thố mà khởi công khắc bản vào năm Ung Chính thứ tám (1730). Tạng bản nầy lấy Nại Đường Cổ Bản làm bản gốc, đồng thời có tham khảo Sách Ba Mục Lục và Mục lục của Bố Đốn cũng được tăng bổ vào. Khắc bản của tạng kinh nầy hiện được lưu giữ tại Nhật Khách-Tắc cách chùa Nại-Đường năm mươi dặm về hướng tây nam. Đại học Đại Chính của Nhật Bản, Hà Khẩu Huệ Hải Thị Văn Khố, Đại học Kinh Đô Đế Quốc và đại học Đại-Cốc là những nơi còn lưu giữ được năm bộ ấn bản của tạng kinh nầy.

5.- Trác Ni Tạng: tên ban đầu là Trác Ni (CoNe) bản; Trác Ni thuộc địa phương Triệu Châu của tỉnh Cam –Túc, cũng là nơi ngụ cư của đồng bào Tây Tạng hệ An-Đa (trích: Nghiên cứu Tây Tạng-trang 57). Có thuyết cho rằng địa phương Trác Ni thuộc nội cảnh tỉnh Thanh Hải (Phật giáo Đại Từ Điển của Vọng Nguyệt Thị-trang 6318; Đông Á Phật Giáo Sử của Kim Sơn Chánh Hảo-trang 429). Có thuyết nói tạng bản nầy hiện vẫn còn nhưng không rõ là được khởi công khắc bản vào năm nào, có người nói là có sau Đức Cách Tạng Bản.

6.- Bố Na Khắc Tạng: ban đầu có tên là Bố Nã Khắc Bản. Tạng bản nầy hiện còn tại Bố Na Khắc (Punakha) thủ phủ của Bất Đan. Đây là Tạng Văn Đại Tạng Kinh nằm bên ngoài đất nước Tây Tạng, và chỉ có bộ phận Cam Châu Nhĩ.

7.- Kiệt Côn Bành Tạng: tên ban đầu là Kiện Côn Bành (Rjes rku-hbum) Bản. Được khắc bản tại chùa Côn Bành (Rku-hbum) thuộc tỉnh Cam Túc, kinh bản nầy nay đã bị thất lạc và cũng chỉ có bộ phận Cam Châu Nhĩ.

8.- Khước Mổ Đà Tạng: tên gốc là Khước Mổ Đà (Cha-mdo) Bản. Trước còn lưu tại chùa Khước Mổ Đà. Nhưng nay thì kinh bản nầy đã bị mất và cũng chỉ có bộ phận Cam Châu Nhĩ.

9.- Vĩnh Lạc Tạng: tên gốc là Vĩnh Lạc Bản. Đây là khắc bản Tạng Văn Đại Tạng Kinh tại Trung Quốc, vào năm Vĩnh Lạc thứ tám (1410) đời nhà Minh. Khắc bản nầy dựa theo Nại Đường Cổ Bản để khắc bản và chỉ khắc được bộ phận Cam Châu Nhĩ. Kinh bản hiện nay không còn.

10.- Vạn-Lịch Tạng: tên gốc là Vạn-Lịch Bản. Tạng bản nầy lấy bản Vĩnh Lạc làm gốc để khắc bản thêm lần nữa vào năm Vạn Lịch thứ ba mươi (1602), đời vua Minh Thần Tông. Khắc bản hiện đã bị mất, ấn bản thì còn nhưng rất ít.

11.- Bắc Kinh Tạng: tên ban đầu là Bắc Kinh Bản. Khắc bản được khởi công tại Bắc Kinh đời Thanh Thành Tổ, năm Khang Hy hai mươi hai (1602). Tạng bản nầy y cứ theo khắc bản gốc của bộ Cam Châu Nhĩ, và được lưu giữ tại chùa Sắc Lạp; năm Ung Chính thứ hai (1724) có khắc bản thêm bộ Đan Châu Nhĩ. Tiếc là vào năm Quang Tự hai mươi sáu (1900) toàn bộ khắc bản nầy bị nạn binh hoả thiêu cháy tất cả. May là đại học Đại-Cốc ở Kinh đô nước Nhật còn lưu giữa được ấn bản của Tạng Bắc Kinh nầy. Trong những năm gần đây Nhật Bản cho in lại ấn bản của Tạng Bắc Kinh và cho lưu thông. Ở Đài Loan hiện có được ba bộ của tạng kinh nầy. Hai bộ dành cho viện nghiên cứu Trung ương, bộ còn lại sung vào Trung Ương Đồ Thư Quán.

12.- Lạp Tát Tạng: tên ban đầu là Lạp Tát (Lhasa)Bản. Đây là khắc bản do đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười ba cho khởi công khắc bản, nhưng cũng chỉ hoàn hành bộ phận Cam Châu Nhĩ, kinh bản hiện vẫn còn.

   Ngoài những khắc bản vừa nêu, tại địa phương Sài –Hoắc (Sa-hor) thuộc vùng Hạ-Bố-Tạp-Nhĩ (Bshah-pa-rtsal) vào thời đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm cũng có khắc bản tạng kinh Cam Châu Nhĩ. Đồng thời ở Mông Cổ cũng có bộ Tây Tạng Đại Tạng Kinh được dịch ra tiếng Mông-Cổ. Ở Mãn-Châu cũng có bộ Tây Tạng Đại Tạng Kinh được dịch ra tiếng Mãn-Châu. Trong số mười hai khắc bản trên, có sáu khắc bản chỉ có bộ phận Cam Châu Nhĩ; đó là các bộ: Bố Na Khắc, Kiệt Côn Bành, Khước Mổ Đà, Vĩnh-Lạc, Vạn-Lịch và Lạp Tát. Số còn lại đều đủ cả hai là Cam Châu Nhĩ và Đam Châu Nhĩ.

 NỘI DUNG KINH TẠNG:

Điểm đặc biệt của Tạng Kinh Tây Tạng là có hai bộ là Cam Châu Nhĩ và Đan Châu Nhĩ. Tất cả các khắc bản đều nhất trí như thế, nhưng về nội dung thì có nhiều tiểu mục không đồng nhất. Xin nêu ra đây ba khắc bản tiêu biểu cho sự không đồng nhất về phần nội dung.

I.Tạng Đức Cách. Về nội dung, Tạng Đức Cách được chia ra thành hai phần với hai mươi loại.

-Phần Cam Châu Nhĩ thì: 1-Luật bộ có mười ba pho, 2-Bát Nhã bộ có hai mươi mốt pho, 3-Hoa Nghiêm bộ có bốn pho, 4-Bảo Tích bộ có sáu pho, 5- Kinh bộ có ba mươi mốt pho, 6-Bí Mật bộ có hai mươi pho, 7-Tổng Mục Lục có một pho. Về kinh bộ lại phân ra Đại thừa và Tiểu thừa kinh. Về Bí Mật bộ thì chia ra thành mười vạn Đát Đặc La Bộ, Cổ Đát Đặc La Bộ. Còn có thêm chú thích Thời Luân kinh “Đà La Ni Tập”, mỗi thứ hai pho. Tổng cộng có một trăm pho với hơn bảy trăm bộ.

-Phần Đan Châu Nhĩ thì: 1- Tán tụng bộ mật pho, 2-Bí Mật bộ có bảy mươi tám pho, 3-Bát Nhã bộ có mười sáu pho, 4- Trung Quán bộ có mười sáu pho, 4-Trung Quán bộ có mười sáu pho, 5-Kinh Sớ bộ có mười một pho, 6-Duy Thức bộ có mười sáu pho, 7-Cu-Xá bộ có mười một pho, 8-Luật bộ có mười tám pho, 9-Phật truyện (bản sinh) bộ, 10-là Thư Hàm bộ, cả thảy có sáu pho, 11-Nhân Minh bộ có hai mươi pho, 12-Thanh Minh bộ có bốn pho, 13 -Y Minh bộ có một pho, 14-Công Xão Minh bộ có năm pho, 15-Tây Tạng Tuyển Thuật bộ, 16-Bổ Di Kinh Luận bộ có chín pho, 17-Tổng Mục Lục có một pho. Tổng cộng có hai trăm mười ba pho với hơn ba nghìn bốn trăm bộ.

II.Tân Nại Đường Tạng

Nội dung của tạng bản nầy cũng được phân ra  thành bộ.

1.Cam Châu Nhĩ bộ: Cam Châu Nhĩ bộ lại phân thành hai môn:

a.Nhân Thừa Bát Nhã Bộ thì có:1- Mục lục một pho, 2-Giới Luật Bộ mười ba pho, 3-Bát Nhã Bộ hai mươi mốt pho, 4-Hoa Nghiêm Bộ sáu pho, 5-Bảo Tích Bộ sáu pho, 6-Tạp Kinh Bộ ba mươi mốt pho, 7-Niết Bàn Bộ hai pho, tổng cộng là tám chục pho với ba trăm bộ.

b.Quả Thừa Bí Mật Bộ:Bí Mật Bộ cũng chia ra thành Vô Thượng Du Già Bí kinh, Du Già Bí kinh, Tu Bí kinh, Tác Bí kinh cả thảy có bốn thứ, gom cả lại có hai mươi hai pho với ba trăm bộ. Tính luôn hai môn có một trăm lẻ hai pho với hơn sáu trăm bộ.

2.Đan Châu Nhĩ, thì có:1-Tán Tụng Bộ- một pho, 2-Bí Mật Bộ tám mươi bảy pho, 3- Kinh Thích Bộ một trăm ba chục pho, 4-Thanh Minh v.v… năm pho, 5-Mục lục một pho, cả thảy có hai trăm hai mươi bốn pho.

III. Bắc Kinh Tạng

Nội dung tạng kinh nầy cũng phân ra hai bộ là:

1-Cam Châu Nhĩ : 1-Bí Mật Bộ hai mươi lăm pho, 2-Bát Nhã Bộ-hai mươi bốn pho, 3-Bảo Tích Bộ sáu pho, 4-Hoa Nghiêm Bộ sáu pho, 5-Chư Kinh Bộ ba mươi hai pho, 6-Giới Luật Bộ-mười ba pho, tổng cộng có một trăm lẻ tám pho với một ngàn bộ.

2-Đan Châu Nhĩ: Đan Châu Nhĩ được chia ra ba môn: 1- Tán Tụng Bộ nửa pho với sáu mươi tư bộ, 2-Bí Kinh Sớ Bộ, lại chia ra thành Thời Luân v.v… có hai mươi bốn khoảnh với tám mươi sáu pho rưỡi, gồm bốn nghìn ba trăm bộ, 3-Kinh Sớ Bộ lại cũng chia Bát Nhã Bộ ra thành mười hai khoảnh với một trăm hai mươi hai pho rưỡi , gồm tám trăm bộ. Cạnh đó còn thêm vào mười bốn pho rưỡi như: Bổ Du Kinh, Tây Tạng Tuyển Thuật, Nguyện Văn v.v… cả thảy có hai trăm hai mươi bốn pho với hơn năm nghìn một trăm bộ.

Giá Trị Tạng Văn Đại Tạng Kinh.

Hiện nay trên thế giới, đứng về mặt văn tự và khắc bản thì Tạng Kinh Phật giáo tối cổ là tạng kinh tiếng Ba-Li của Ấn Độ. Tạng Ba-Lị được truyền ở các nước như: Tích Lan, Miến Điện v.v… là những nước có nền văn hóa chịu ảnh hưởng Phật giáo Tiểu thừa; tiếp đó là Tam Tạng bằng Phạn văn; Tam Tạng Phạn văn được truyền ở những nước như: Trung Quốc, Tây Tạng v.v… là những nước có nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa. Thứ nữa là Tam Tạng bằng Hán văn do Trung Quốc căn cứ vào Tam tạng Phạn văn của Ấn Độ mà phiên dịch ra Hán ngữ. Tam tạng Hán văn nầy không chỉ là nền tảng văn hóa của Phật giáo Đại thừa tại Trung Quốc mà còn ở Hàn quốc, Nhật Bản v.v…. Sau rốt là Tam tạng của Tây Tạng. Đây là Tạng kinh mà người Tây Tạng dựa vào Tam tạng Phạn văn và Tam tạng Hán ngữ để dịch ra thành Tạng kinh bằng tiếng Tây Tạng. Tạng Văn Đại Tạng Kinh cũng được lưu hành tại Mông Cổ, vì đó là các khu vực chịu ảnh hưởng của Lạt Ma giáo. Trong bốn tạng kinh vừa nêu, thì tạng Phạn văn là thiếu khuyết và bất toàn; Tạng Ba-Li thì chỉ bảo lưu được Tam Tạng của Thượng Tọa Bộ thuộc thời đại Phật Giáo Bộ Phái có liên hệ với “Phân Biệt Thuyết”. Tam tạng Hán văn tuy bao gồm các kinh điển qua các thời kỳ Đại thừa và Tiểu thừa của Phật giáo Ấn Độ, nhưng đối với kinh chú Mật giáo thời Vãn kỳ của Phật giáo Ấn Độ thì chưa dịch được bao nhiêu. Độc nhất chỉ có Tam tạng bằng Tạng văn là đầy đủ các kinh điển của Phật giáo Ấn Độ cả thời Tảo Kỳ cho đến kinh chú Mật giáo thời Vãn kỳ. Do đó, có những kinh mà Hán tạng thì đủ nhưng Tạng văn lại thiếu. Nhưng nếu đem Tam tạng Thánh điển của Hán tạng sánh với Tam tạng Thánh điển của Tạng ngữ, thì tạng của Tạng văn là hoàn bị hơn cả. Cho nên về phương diện di sản văn hóa cũng như về mặt nghiên cứu, thì giá trị của Tạng văn Đại Tạng Kinh có vị trí cực kỳ trọng yếu.

Do đa số dịch bản của Hán tạng có nguồn gốc từ tam tạng Phạn văn, nhưng có nhiều bản Phạn văn hiện không  tìm thấy, trong khi Tạng văn tam tạng cũng được dịch từ những nguyên bản Phạn văn và hiện vẫn còn. Hơn nữa, Tạng văn là do biến cải văn tự Ấn Độ mà thành và, do Tây Tạng có địa lý tiếp giáp với Ấn Độ nên phần lớn kinh văn được dịch là dịch trực tiếp từ Phạn văn, không như lúc dịch ra Hán văn có những ngữ ý và quan niệm bị “cách ngại” nên phải dịch ý chứ không thể trực tiếp dịch văn như trường hợp Tạng văn. Cho nên đối chiếu hai dịch bản Hán, Tạng sẽ giúp giới học giả  tiếp cận và lý giải được nguyên nghĩa của nguyên bản Phạn văn, hoặc tương đương với nguyên nghĩa thì tham khảo kinh tạng Ba-Li, mới may ra khảo sát được diện mạo Phật giáo Ấn Độ về mặt nghiên cứu và lịch sử.

So Sánh Hai Đại Tạng Kinh, Hán và Tạng văn .

Căn cứ theo kinh mục của Bố Đốn đại sư, có thể đối chiếu và so sánh giữa hai đại tạng kinh Hán văn và Tạng văn. Về đại thể mà nói thì Tạng Văn Đại Tạng Kinh có ba nguyên nhân chịu ảnh hưởng thời đại mà cấu thành đặc điểm:

1.Những thánh điển cựu bản đã qua nhiều lần biên đính của hậu thế. Như kinh Bát Nhã, kinh Bảo Tích và các kinh khác v.v…

2.Những thánh điển cựu bản được chú sớ đầy đủ rồi sau mới lưu hành. Như “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” v.v…

3.Có những kinh mà thời trước chưa được phát hiện, mãi đến thời Vãn kỳ mới phát hiện và lưu hành như kinh chú nói về Vô Thượng Du Già của Mật thừa và v.v…

Ba đặc điểm trên, kinh tạng Hán văn không có được. Để phân biệt, có thể sưu tầm mục lục tam tạng của bộ Cam Châu Nhĩ và Đan Châu Nhĩ thuộc tam tạng Tạng văn để đối chiếu với tam tạng Hán văn.

So với bản Hán dịch thì đồng bản có 334 bộ, trong đó có 245 bộ là dịch bản thời Vãn kỳ thuộc đời nhà Đường và nhà Tống; nhưng đa phần thuộc kinh bộ Hiển giáo như: Kinh Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bảo Tích và “Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Luật” v.v… về Mật giáo, bản Hán dịch thiếu đến 331 bộ. Nếu nói về nhiều bản kinh chủ yếu của bốn bộ Mật thừa thì bản Hán dịch mới chỉ là đại khái.

1.-Tác Mật có bốn kinh chú căn bản, nhưng bản Hán dịch chỉ có “Tô Tất Địa Kinh”, bản dịch của Đường Châu Ca Tha La, “Tô Bà Hô Đồng Tử Kinh” do Thiện Vô Úùy đời Đường và Pháp Thiên đời Tống dịch. Còn thiếu “Nhất Thiết Mạn Trà La Bí Mật Chú Kinh” và “Thiền Định Ngoại Thiên Bí Kinh”.

2.-Tu Mật có ba Chú kinh căn bản, nhưng bản Hán dịch mới có một, đó là “Đại Nhật Kinh”, do Thiện Vô Úy đời Đường dịch. Còn thiếu ngoại thiên “Đại Nhật Kinh” và “Kim Cang Thủ  Quán Đảnh Chú Kinh”.

3.-Du Già Mật có hai Chú kinh căn bản, bản Hán dịch chỉ có “Nhiếp Chân Thực Tánh Bí Kinh”, bản dịch của Thi Hộ đời Tống. Còn thiếu “ngoại thiên” của chú kinh nầy.

4.-Vô Thượng Du Già Mật được chia thành hai môn:

a.Phụ Bộ tam loại, thì Thi Hộ đời Tống mới dịch được “Mật Tập” ra Hán văn, còn thiếu “Xích Hắc Dạ Ma Kim Cang Bố Úy” và “Kim Cang Đại A La Lê Chú Kinh”

b.Mẫu Bộ tam loại, Pháp Hộ đời Tống dịch bộ “Hỉ Kim Cang”, còn thiếu bộ “Thắng Lạc” và “Thời Luân”.

Từ các nhân tố trên cho thấy Phật giáo Tây Tạng trực tiếp tiếp nhận học phong và thành quả của thời đại Mật thừa Phật giáo Ấn Độ một cách trọn vẹn và hoàn hảo, trong khi đó kinh điển Mật thừa của Phật giáo Ấn Độ phải đợi đến sau đời nhà Đường Trung Quốc mới biết đến. Vì thể, Thánh điển Bí Mật Thừa của Tạng Văn Đại Tạng Kinh có phần hoàn mỹ hơn Hán Văn Đại Tạng kinh của Trung Quốc.

Biểu đồ 2 cho thấy truyền bản Tây Tạng có cả thảy 670 bộ, trong khi bản Hán dịch chỉ có 75 bộ, trong đó có đến 59 bộ được dịch vào thời nhà Đường và nhà Tống. Vấn đề trên có thể chia làm bốn khoảnh nhằm giải minh những trọng điểm:

1.Hai bộ luận căn bản của Long-Thọ là “Thất Thập Không Tánh Luận” và “Trung Quán Luận”; Nhưng Trung Quốc thì mới dịch bộ Trung Quán Luận. Những chủ sớ của hai đại luận sư là Phật Hộ và Nguyệt Xứng về cái học của Long Thọ thì Trung Quốc chưa thấy có. (Năm 1962, Trung Hoa Dân Quốc có xuất bản bộ “Nhập Trung Luận Giảng Ký” do pháp sư Diễn Bồi dịch của Nguyệt Xứng).

 Từ Thị Ngũ Luận là sở tông của Vô Trước, nhưng Trung Quốc còn thiếu hai bộ (hiện tại còn thiếu một bộ, xin xem chú thứ tư của tiết nầy).

3.Về phương diện Nhân Minh, Trần Na là người kế nghiệp Thế Thân, và luận nầy được truyền vào Tây Tạng cả thảy chín bộ, trong khi Trung Quốc mới dịch được có bốn, là “Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận”, “Nhân Minh Nhập Chánh Môn Luận”, “Quán Sở Duyên Duyên Luận Tụng” và một bộ chú thích ba bộ Luận trên. Hai bộ trước đề là Thương Yết La chủ tạo. Còn về đại gia là luận sư Pháp Xứng, người kế khởi cái học suy diễn của Nhân Minh, thì Hán dịch chưa thấy.

4.Còn về sớ giải Thành Tựu Quyết Nghi Quỹ Thuật Yếu v.v… có quan hệ đến Mật thừa thì bản Hán dịch hãy còn thiếu rất nhiều.

Từ những đối chiếu, so sánh về sự thiếu đủ giữa hai tạng kinh Hán văn và Tạng văn  cho thấy Phật giáo Tây Tạng trực tiếp chịu ảnh hưởng những trước thuật của Phật giáo Ấn Độ vào thời Vãn kỳ là như thế nào. Chỉ riêng Nguyệt Xứng và Pháp Xứng cùng với Vô Thượng Du Già của Mật thừa, thì vào thời nhà Đường, ở Trung Quốc vẫn chưa thấy xuất hiện. Kinh điển Mật thừa nào vừa xuất hiện ở Ấn Độ, thì ngay sau đó được truyền vào Tây Tạng, diều đó tạo nên một nét đặc sắc cho Phật giáo Mật thừa Tây Tạng. Về luận điển của các tác giả Hiển thừa của Ấn Độ được truyền vào Tây Tạng ước có hai mươi bảy nhà (tư liệu dùng trong mục nầy được lấy từ “Tây Tạng Phật Giáo Nguyên Luận”, trang 51-55.

Phần chú giải:

*Chú 1: Bảy bộ luận Tỳ Đàm. Xem “Ấn Độ Phật Giáo Sử”, chương 6, tiết 2. Đơn cử như “Phát Trí”, “Lục Túc” v.v  cả thảy bảy bộ.

*Chú 2: “Đại Thừa Nghi” nguyên nghĩa trong Tạng văn là “Xa Quỹ Khai Cải Giả” chỉ tư tưởng căn bản của các đại sư khai sáng tông phái Đại Thừa. Xưa nay chỉ có hai vị là Long Thọ và Từ Thị, Bố Đốn từng theo học phái của Nha-Quân và Trần Na. Kỳ thực Nha Quân chỉ chú trọng thuyết “Vô tánh vô tướng” và ông không xuất thân trong phạm vi thuyết Trung Quán của Long Thọ; Trần Na-người truyền bá cái học của Vô Trước và ông không lập lại thuyết “Ngoại Cảnh Hữu”. Nhưng ông chính là hậu duệ của Vô Trước. Vì vậy, trong trước tác của Tông Khách Ba “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận Kim Man Sớ”, ông có vẻ phản đối lại thuyết Tứ Nghi của Bố Đốn.

*Chú 3:  Sáu luận của Long Thọ là: Thất Thập Không Tánh Luận, Trung Luận, Lục Thập Như Lý Luận, Hồi Tránh Luận, Quảng Phá Luận, Giả Danh Thành Tựu Luận.(bộ Giả Danh Thành Tựu Luận chưa được truyền vào Tây Tạng, hoặc có thì đó là bộ Bảo Man Luận được thay vào).

*Chú 4: 1-Từ Thị Ngủ Luận là chỉ các bộ luận: Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, Biện Trung Biên Luận, Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận, Biện Pháp Tánh Luận, Tục Thượng Sư Luận. Trong năm bộ luận trên, thì bộ thứ nhất và thứ năm chưa được dịch ra Hán văn, mới đây-năm 1942, Pháp sư Pháp- Tôn có dịch bộ Hiện Quán Trang Nghiêm Luận ra Hán văn .

2-Vô Trước Ngũ Địa, tức năm phần; như: Nhiếp Bổn Địa Phần của Du Già Sư Địa Luận mà bản Hán dịch nói là do Từ Thị truyền, còn Tây Tạng thì cho là do Vô Trước truyền, và gồm có: Căn Bản Chư Địa, Nhiếp Quyết Trạch, Nhiếp Sự, Nhiếp Dị Môn, Nhiếp Thích, còn gọi là Nhị Nhiếp, tức chỉ cho A Tỳ Đàm Đạt Ma Tập Luận và Nhiếp Đại Thừa Luận.

3-Bát Chi của Thế Trần là chỉ đạo cho Duy Thức Tam Thập Luận, Duy Thức Nhị Thập Luận, Ngũ Uẩn Luận, Thích Quỹ Luận, Thành Nghiệp Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Luận Thích, Biện Trung Biên Luận Thích, Duyên Khởi Luân Thích. Cả tám chi nầy Hán và Tạng đều dịch đầy đủ.

*Chú 5: 1-Thất Chi của Pháp Xứng là chỉ: Chính Lý Đệ Nhất Đích Luận, Lượng Quyết Định Luận, Tương Thích Luận, Nhân Luận Nhất Đích Luận, Quán Tường Thuộc Luận, Luận Nghị Chính Lý Phẩm Loại Luận, Thành Tha Tương Thuộc Luận, 2-Thất Quán là chỉ: Quán Sở Duyên Tụng của Trần Na , Quán Tam Thế Tụng cũng của Trần Na, Quán Văn của Thiện Hộ, Quán Vô  Lượng Tụng của Pháp Thắng, Tiểu Bản Quán Lượng Luận ( vốn là một tiết trong Quán Lượng Luận). Quán Phá Tha Tụng đều là của Thiện Hộ, Quán Tương Thuộc Luận Tuỳ Thuận Luận của Thương Yết La Nan Đà.

3-Bát Thành là chỉ Thành Tựu Nhất Thiết Trí Tụng và Thành Tựu Ngoại Nghĩa Tụng của Thiện Hộ, Thành Tựu Phá Khiển Luận của Thương Yết La Nan Đà;Thành Tựu Bĩ Thế Gian Luận của Pháp Thắng, Thành Tựu Sát Na Diệt Luận cũng của Pháp Thắng, Thành Tựu Duy Thức Tánh Luận của Bảo Tác Tịch, Thành Tựu Tương Thuộc Luận của Thươnh Yết La Nan Đà, Thành Tựu Nhân Quả Tánh của Trí Cát Tường Hửu.

4-Thất Trùng Sớ là chỉ cho thích luận của Pháp Xứng đối với Thất Chi; trong đó ngoài Pháp Xứng viết thích luận còn có :Đế Thích Huệ, Thích Ca Huệ, Huệ Tác Hộ, Thắng Giả, Thương Yết La Nan Đà, Nhật Hộ, Dạ Ma Lê, Luận Thiên, Tịch Hộ, Pháp Thắng, Liên Hoa Giới, Thắng Hửu, A Đê Đà v.v..cùng tham gia viết thích luận, một số về Nhân Minh Luận Trung Quốc vẫn chưa dịch và truyền bá.

 

TIẾT II :  Tự Viện Và Pháp Vật Của Phật Giáo Tây Tạng.

Tây Tạng Tự Viện.

Phật giáo vốn dĩ đã trở thành quốc giáo của Tây Tạng. Do đó, số lượng tự viện là rất nhiều. Riêng về những ngôi đại tự nổi tiếng có hơn 3.000. những tự viện bình thường thì không thể kể xiếc. “Chiêu Đề Lan Nhã” không đâu là không có. (xem Phật Tây Tạng và Mông Cổ của Lý Dực Chước-trang29). Lối nói trên có phần khoa đại. Theo “Quản Lý Tây Tạng Tông Giáo Sự Vụ”, do Đại Trọng dịch lời của Nhiên Ba khẩu thuật; thì toàn cảnh Tây Tạng có hơn một nghìn bảy trăm (1.700) ngôi tự viện. Nhân số Lạt ma ước khoảng năm mươi mốt vạn (510.000) người. (Tây Tạng Kỷ Yếu của Ngô Trung Tín–trang 51). Lúc Nhân Dân Giải Phóng Quân tiến vào Tây Tạng, bấy giờ Tây Tạng có 2469 toà tự viện và mười một vạn tăng, ni (Biên Cương Luận Văn Tập-trang 1346).

Kiểu kiến trúc tự viện của Tây Tạng thông thường là từ cao xuống thấp, sao cho cảnh sắc thích nghi với sinh hoạt của tăng nhân. Tiền điện thường quay về hướng đông, tốt nhất là trước mỗi tự viện nên có đầm hay hồ nước. Những ngôi đại tự viện thường có toà tiểu thành, cách bài trí phòng thất thường cao từ hai đến ba tầng. Do Tây Tạng cây rừng rất ít, vì vậy việc xây cất phần lớn là sử dụng đá hoặc gạch nung; một số ngôi chùa được xây theo kiểu mái bằng không có nóc. Các tầng dưới cùng không có cửa sổ, thường được dùng làm kho chứa. Đường dẫn vào tự viện thường treo nhiều tràng phang thành từng dãy dài, nhiều tháp nhỏ và thạch bản có khắc bài minh.

Nay xin giới thiệu tám ngôi đại tự viện trứ danh của đất nước Tây Tạng.

1.-Tang Diên Tự, hoặc có nơi dịch ra Hán tự là Tác-Tang Da Tự. Ngôi đại tự nầy tọa lạc ở bắc ngạn sông Bố Giang, thuộc địa xứ Nhả-Lổ-Tạng cách Lạp-Tát (Lasha) ước khoảng ba mươi dặm Anh về hướng đông nam. Ngôi đại tự viện nầy được kiến tạo vào thời Tạng vương Cật Lật Song Đề Tán; công trình nầy do hai ngài Tịch Hộ và Liên Hoa Sanh chỉ đạo xây dựng. Trong khuôn viên chùa gồm có một tòa đại điện, bốn viện đại học, mỗi học viện có lối kiến trúc riêng. Chung quanh đều có tường cao và dài, giáp vòng khép kín ước có hơn dặm rưỡi Anh. Bên trên tường thành có khoảng một nghìn ba mươi toà tiểu tháp được xây bằng gạch nung, trung tâm chánh điện thờ một tượng Phật cực lớn, cao đến mười thước Anh. Những tượng Phật thờ trong chùa đa phần được đúc bằng vàng ròng, đồng thời lại dùng châu báu trang sức các tượng Phật. Những tự khí dùng để cúng Phật cũng toàn bằng kim ngân tạo thành. Tăng lữ thường trú ước có một nghìn vị. Chùa Tang-Diên nguyên là đạo tràng của Hồng giáo, từ năm Dân quốc hai mươi chín (1940) trở về sau, chùa mới do Hoàng giáo trú trì.

2- Chùa Bố Đạt Lạp: Còn có tên là Bố Đạt Lạp Cung, cung thất nầy vốn là do Tạng vương Tùng Tán Cang Bố (Khí Tông Lộng Tán) kiến lập, nhưng trải qua nhiều biến loạn nên diện mạo của chùa không còn như trước. Chùa Bố Đạt Lạp hiện nay do đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm đứng ra đại trùng tu, nhưng không thể hoàn thành trong đời của Ngài. Bởi nó được khởi công từ đời vua Trang Liệt Đế nhà Minh, năm Sùng Chính mười bốn (1641) kéo dài đến sáu, bảy mươi năm sau mới hoàn tất. Chùa được tạo dựng trên một địa cuộc bằng phẳng, tọa lạc trên một ngọn tiểu phong của dãy núi Bố Đạt Lạp ngay tại Lạp Tát. Nền chùa thóang rộng và chiếm hết nữa quả núi. Do chùa có vô số điện-vũ kết thành và dựa vào thế núi mà kiến trúc, nhờ vậy mà chùa có lầu cao đến mười ba tầng. Ở trung tâm là ba toà kim điện, trước điện có năm ngôi kim tháp. Đỉnh cao nhất của tầng thứ mười ba đo được 900 thước Anh<!--[if !supportFootnotes]-->[1]<!--[endif]-->. Nếu so với Kim Sắc Thập Tự Giá trên đỉnh đại giáo đường thánh Bảo La của La Mã, thì cao hơn bảy chục thước Anh. Điều đó cho thấy một nền kiến trúc bằng tài nguyên đá vô cùng vĩ đại. Vậy, ai dám nghĩ Tây Tạng là một địa khu có nền văn hóa lạc hậu!

3- Chùa Đại-Chiêu:

Tương truyền Tạng vương là Khí Tông Lộng Tán vì công chúa Ba-Lợi-Khố-Cơ của xứ Ni Bạc Nhĩ mà kiến lập chùa nầy nhằm để phụng thờ những kinh, và tượng Phật do công chúa mang đến Tây Tạng. Chùa Đại Chiêu tọa lạc tại kinh đô Lạp Tát(Lasha), lưng quay về hướng đông, tiền diện thuộc hướng tây, chùa có lầu cao bốn tầng, tầng trên cùng có năm toà kim điện, lan can, điện vũ của năm toà kim điện đều có cấu trúc bằng đồng có pha vàng nguyên chất. Toà kim điện trung tâm thờ tượng Phật Thích -Ca-Mâu-Ni, tượng do Văn Thành công chúa thỉnh về từ Trung Quốc. (những kinh và tượng Phật do hai vị công chúa mang về Tây Tạng, đời sau vẫn lưu giữ và phụng thờ). Người dân Tây Tạng còn họa chân dung vua Khí Tông Lộng Tán và hai vị công chúa để thờ.

4- Chùa Tiểu Chiêu

Tương truyền chùa được tạo lập là vì Tạng vương Khí Tông Lộng Tán thương cảm công chúa Văn Thành cứ luôn nhớ về cố hương –nhà Đường. Chùa tọa lạc về phía bắc chùa Đại Chiêu, lưng quay về hướng tây, tiền điện thuộc hướng đông. Chùa có lầu cao ba tầng, tầng trên cùng có một toà kim tháp, chánh điện của chùa thờ tượng phật A- Xúc-Kim-Cang, và tượng Đa La Tôn Nữ, hai tượng nầy do công chúa của Ni Bạc Nhĩ mang về Tây Tạng.

5-  Chùa Cam-Đan

Đây là ngôi đại tự do đại sư Tông Khách Ba kiến tạo. Chùa tọa lạc trên núi Vượng Cổ Nhĩ, cách Lạp Tát khoảng hai mươi lăm dặm Anh về phía đông bắc. Về hình thế, chùa Cam-Đan giống như chùa Bố Đạt Lạp. Điện thờ Phật và tàng kinh các vô cùng trang nghiêm như chùa Đại Chiêu và chùa Tiểu Chiêu. Bên trong nội tự, chùa thờ rất nhiều Thánh tượng trứ danh. Như tượng Ái Nhiễm Minh Vương có hai thân hình, tượng Phật An Lạc, tượng Phật Di Lặc tọa thiền, bên cạnh tượng Phật Di Lặc là tượng Tông Khách Ba được người đời sau điêu khắc thêm vào. Nơi được chiêm ngưỡng nhiều nhất là tháp thờ Xá Lợi của đại sư Tông Khách Ba. Những vị hiến cúng tịnh tài để kiến tạo ngôi chánh điện chùa Cam-Đan là Đại Lý Thạch và Khổng Tước Thạch (tục danh là Tùng Duyên Thạch). Trên chóp đỉnh của chùa được phủ một lớp vàng ròng. Trong chùa cũng có bia bằng vàng ròng. Di thể của đại sư Tông Khách Ba hiện nay vẫn trong tư thế đoan tọa, trên thân phủ ngủ y có Đà La Ni kệ. Ngoài ra chùa còn có tượng Tử Chủ Diêm Ma (Yama Ràja), tức vị thần trông coi về tử vong. Để được kế thế trú trì chùa Cam-Đan, cũng giống như hai ngôi đại tự  là Sắc Lạp và Triết Phong, do ba ngôi đại tự nầy có liên hệ mật thiết với nhau, do đó để trở thành vị trú trì chùa Cam-Đan, vị đó phải được đồ chúng của ba đại tự hợp lại suy tuyển một vị Lạt ma cao đức đứng ra đảm nhiệm, nhưng vị ấy phải là Hô Tất Lặt Hãn chuyển thế (tái sinh). Tăng thường trú của chùa đạt đến con số ba nghìn ba trăm vị.

6.  Chùa Triết Phong

Chùa do đại sư Tông Khách Ba và vị đại đệ tử của ông là Liễm Khâm kiến tạo, chùa ở về phía Nam, cách Lạp Tát ba dặm Anh, lối kiến trúc của chùa là dựa vào thế núi, bốn bên đều có bài trí lầu các, còn kim tháp thì trùng trùng điệp điệp. Đây là ngôi đại tự viện mà thế lực của nó được liệt vào hàng bậc nhất ở Tây Tạng!

Ngày nay, Chùa Triết Phong vẫn là ngôi tăng viện lớn nhất thế giới. Toàn cảnh chùa được chia thành bảy ngôi, mỗi ngôi đều có học viện độc lập. Mỗi học viên được một vị đại Lạt ma Kham Bố (cao đức) đảm trách. Về tài chính của chùa không do chính phủ Tây Tạng tài trợ. Trụ chúng của chùa có đến bảy nghìn bảy trăm vị.

7.  Chùa Sắc Lạp

Đây là ngôi đại danh tự tọa lạc dưới chân triền núi, ở về phía bắc Lạp Tát khoảng ba dặm Anh. Chùa được tạo dựng bởi một vị đại đệ tử của Tông Khách Ba là Liễm Dạng và các môn đệ của ông nầy. Những tầng lầu và phòng ốc đều xây dựng bằng đá nằm so le nhau cao chót vót, vì là tầng nầy xây chồng lên tầng kia và cứ như thế mà xây. Chùa có ba toà đại điện với đỉnh cao vút như ngọn bút cắm thẳng vào không trung và được phủ bằng vàng ròng cực kỳ tráng lệ. Toàn cảnh chùa được chia thành bốn học viện độc lập với nhau. Tăng thường trụ có đến năm nghìn năm trăm vị. Chùa còn lưu giữ một chày Kim Cang dài gần hai mét. Chày có hai đầu, một đầu giống như cây Giản có ba cạnh, đầu kia giống như đầu người. Tương truyền khi chùa đang xây lở dở bổng đâu chày từ bên Thiên Trúc bay đến. Người dân Tây Tạng vừa sợ vừa kính thờ, hằng năm cứ vào tháng chạp (vào khoảng  ngày 27) có tục nghinh thỉnh chày về cung Bố Đạt Lạp, phần có đầu giống đầu người thì do một vị Lạt-ma đội, sau đó thỉnh chày về lại chùa Sắc Lạp và đặt trước sân chùa để bá tánh đến chiêm bái.

8.  Chùa Trát Thập Luân Bố

 Đây là ngôi đại tự được xây dựng ở Hậu Tạng, vị trí của chùa được nối liền từ đông sang tây thuộc thủ phủ Nhật Khách Tắc của Hậu Tạng, gồm nam ngạn sông Bố Giang của Nhã Lỗ Tạng, và giao nhau tại cửa khẩu của sông Sở Niên. Chùa do một vị Đạt Lai Lạt Ma kiến tạo, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra sông, chánh điện cực lớn.Chùa được chia thành bốn học viện, trong đó ba học viện tu học theo giáo nghĩa Hiển thừa, một học viện tấn tu Mật thừa kinh chú. Mỗi học viện lại chia ra bốn cấp học tuần tự từ thấp lên cao. Từ sau vị Đạt Lai đời thứ năm, chùa trở thành hệ thống của Ban Thiền. Chúng thường trụ của chùa có đến ba nghìn tám trăm tăng lữ, vào thời cực thịnh có đến bảy nghìn vị.

Pháp Khí  Phật Giáo Tây Tạng.

Pháp khí là chỉ cho pháp vật, khí cụ bao gồm cúng cụ và dụng cụ. Điều này khi Phật còn tại thế đã có chế định; Tỳ kheo có đủ ba y, bình bát, tọa cụ và đãy lọc nước.

Bồ Tát giới trong kinh Phạm Võng được lưu truyền tại Trung Quốc cũng có qui định những Tỳ kheo đầu đà cần có đủ mười tám thứ. Vì là Phật giáo thời nguyên thủy có tính giản dị phi thường, không như đời sau Mật thừa trọng thị Nghi Quiû phiền phức và đặc định ra nhiều pháp khí để dùng trong đàn tràng tu Mật. Nhân đấy mà Phật giáo Tây Tạng rất coi trọng pháp khí. Tuy nhiên đó cũng là nét đặc sắc của Phật giáo Mật thừa. Sở dĩ vậy, là vì Phật giáo Ấn Độ thời Vãn kỳ hấp thu những vật khả thủ từ Ấn Độ giáo, sau đó truyền vào Tây Tạng. Ngoài ra Phật giáo Mật thừa của Tây Tạng cũng lãnh thọ những khí dụng của Bổng giáo tại bản địa. Xưa nay Phật giáo ở nội địa Trung Quốc đối với việc sử dụng pháp khí cũng có rất nhiều dạng, là do chịu ảnh hưởng của Đạo-giáo và Mật giáo, đặc biệt là từ đời Nguyên trở lui, danh mục pháp khí của Phật giáo Trung Quốc càng lúc càng nhiều thêm.

Danh mục pháp khí của Phật giáo Tây Tạng rất nhiều, nay liệt kê các thứ thường dùng chính yếu như sau; có sáu loại:

I. Các thứ dùng trong lễ bái. (1) Ca Sa giống như Y của Trung Quốc. Về ý nghĩa thì “đồng”, nhưng về hình thức thì “khác”. (2) Quải châu (chuỗi đeo). Châu có nhiều thứ: Bồ đề tử, Kim cang tử, Liên tử, Thuỷ tinh, Trân châu, San hô, Hổ phách, Mã não, Pha lê, Thanh kim, Bạch kim, Mộc hoạn tử, Nhân đầu cốt v.v… tuỳ hành giả tu theo pháp môn nào thì sử dụng loại châu nấy, và thuờng là đeo nơi cổ. (3) Cáp Đạt là cái túi lụa trắng, dài và vuông được làm bằng thứ lụa đặc chế. Trong xã giao, người Tây Tạng cần có cái Cáp Đạt, nó được dùng trong các việc như: lễ tiễn, chào khách, yết kiến Lạt Ma, và trong việc thông tin với bằng hữu. Người ta biếu tặng nhau Cáp-Đạt để biểu lộ sự thành kính. Việc sử dụng Cáp Đạt cũng còn tuỳ theo thân phận mà có sự to nhỏ, dài ngắn, rộng hẹp chứ không thể hỗn tạp.

II. Đồ dùng trong tán tụng: (1) Chuông: chuông có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau.(2) Mỏ: có hai loại là mỏ bằng kim loại và mỏ bằng gỗ. (3) Trống: có trống lớn, trống mang trên lưng, trống mang trên cổ, trống bằng đồng thau.(4) Linh – có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau. (5) Nao-Việt: loại lớn gọi là Nao, loại nhỏ gọi là Việt. (6) Tất: giống như ống tiêu loại nhỏ.(7)Cốt Địch: được chế tác từ xương người chết. (8) Lục huyền cầm v.v…

III. Các đồ dùng cúng dường: (1) Lư hương: Có rất nhiều dạng thức. (2) Đăng đài:cũng có nhiều loại.(3) Thuỷ phồn. (4) Đồ cúng hiến: như bình, mâm, bồn, bát, uyển v.v…, có trường phang, đoản phang, đại và tiểu phang v.v… hình thức giống như buồm của ghe thuyền. (6) Tràng: có nhiều loại như Vũ mao tràng, Bảo hiệp tràng, Ty quyên tràng v.v… hình thức giống như cờ tiết. (7) Hoa Cái: cũng có nhiều loại khác nhau, (8)Anh-Lạc: thứ đội trên đầu gọi là Anh, thứ mang ở thân gọi là Lạc. Cả hai đều dùng châu báu xâu lại mà thành. (9) Hoa Man: có nhiều chủng loại như: dài, tròn, vòng, thêu v.v… dùng các loại như quyển, điều, hoa quí mà tạo thành.(10) Hoa Lung: là loại giỏ dùng đựng hoa, được chế tác từ vàng, bạc, tre, gỗ v.v….

IV. Các đồ dùng để trì nghiệm: (1) Mạn Đồ La: được dùng trong đàn tu Mật pháp. Có ba thứ là vuông, tròn, tam giác. (2). Niệm châu: không như Quải châu (chuỗi đeo) vì hạt có phần nhỏ hơn. Quải châu có 108 hạt, Niệm châu có loại 108 hạt, có loại 1080 hạt. (đây là loại châu mà phái Thấp Bà trong Ấn Độ giáo thường dùng. Phật giáo chỉ dùng loại 108 hạt). (3) KimCang Chữ, có ba loại: loại nhất cổ, loại nhị cổ và loại ngũ cổ. Chất liệu dùng để chế tác có thể là kim cang, hoặc hương mộc. (4) Chữ Linh: cũng có ba loại: nhất cổ, nhị cổ và ngũ cổ. (5) Luân: có nhiều dạng thức. (6) Cổ: có hai thứ là Đại cổ và Kê lâu cổ. (7) Dẫn khánh: khánh của Trung Quốc và Tây Tạng đều sử dụng giống nhau.(8)Mộc-ngư: cách dùng Mộc ngư giữa Trung Quốc và Tây Tạng tương đồng. (9) Quán đảnh hồ, là hồ nước bí mật được các vị Lạt ma sử dụng trong lúc làm phép Quán đảnh cho các đệ tử.

V. Đồ dùng hộ ma (Ma ở đây là danh từ riêng chứ ma không phải là ma quiû): (1) Mạn trà la: có nhiều thứ loại. (2) Lư : có lư vuông, lư tròn và lư hình tam giác, tuỳ theo đàn pháp mà dùng. (3) Hộ Thân Phật là tượng Phật đúc bằng đồng, tượng được đựng trong  hộp bằng kim loại bạc, dùng để đội trên đầu, hoặc đeo trước ngực. (4)Bí Mật Phù Chú Ấn: có ba loại là vuông, tròn, tam giác, lại phân ra có loại dùng để hộ thân, có loại để hộ gia trạch, có loại để hộ quốc, có loại để đuổi tà, để trừ  tai và để tăng phúc v.v…

VI. Đồ dùng để khuyến đạo:(1) Ma Ni Luân (Mani-hkhor), hình dáng giống cái thùng tròn, giữa có một trục để dùng tay cầm mà quay nó sẽ xoay tròn, bên trên có khắc Lục Tự Đại Minh Chú (còn gọi là Lục Tự Quan Âm  Chú, Quan Âm Lục Tự Minh Chú, Lục Tự  Minh Chú). (2) Kỳ Đảo Đồng, hình dáng cũng giống như Ma Ni Luân nhưng lớn hơn đôi chút, nhờ vào sức gió, sức nước hoặc cơ khí mà chuyển động xoay tròn. (4) Kỳ Đão Bích: được khắc vào bảng gỗ sáu chữ Lục Tự Đại Minh Chú, dùng treo trên vách tường. (5) Kỳ Đảo Trạch khắc “Lục Tự Đại Minh Chú” lên phiến đá đặt dưới chân núi, hoặc trí ở giữa đường. Tất cả những pháp khí vừa nêu được dân gian Tây Tạng – người người, nhà nhà đều sử dụng trong sinh hoạt thường nhật.

Phật Giáo Tây Tạng – Trai Tiết và Pháp Hội

Phật giáo Tây Tạng có rất nhiều Pháp hội, xin đơn cử  những Pháp hội chính yếu:

1- Truyền Chiêu Đại Pháp Hội. Đây là Pháp hội được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng hằng năm tại trung tâm của toàn khu Tiền Tạng, có tính cách một Đại Pháp Hội. Từ ngày mùng ba, mùng bốn, chậm lắm không quá ngày mùng năm tháng giêng, toàn thể tăng chúng của ba ngôi đại tự tại Lạp Tát đều vân tập về thị khu Lạp Tát; thứ đến theo định kỳ, giờ ngọ hôm sau toàn thể tăng lữ tại các tự viện thuộc Tiền Tạng đều vân tập về tại chùa Đại Chiêu để sáng hôm sau thực hành các thời khóa, mỗi ngày có bốn thời tụng kinh. Sau thời kinh sáng, tăng chúng được dùng cháo và uống trà, kế tiếp là lễ Bố tát tụng giới. Sau lễ Bố tát là phần mở hội biện luận để khảo thí lấy học vị Cách Tây. Mỗi ngày chỉ lấy một người, tiếp theo là khóa lễ cúng ngọ, sau lễ cúng ngọ tăng chúng chỉ được phép uống trà chứ không thọ thực, tiếp nữa là hội biện luận nhằm  khảo thí những vị kế tiếp để tuyển chọn học vị Cách Tây, biện luận kéo dài đến nửa đêm. Đại Pháp Hội Truyền Chiêu mỗi kỳ tổ chức kéo dài liên tục đến ngày hai mươi tháng giêng mới kết thúc.

2. Tiểu Chiêu Tự Tập Hội:

Pháp hội được cử hành vào tháng hai (âm lịch) hằng năm. Về nghi thức, nhân số, trình tự cũng giống như Pháp hội của chùa Đại Chiêu. Chỉ có điều ở pháp hội nầy các vị Lạt-ma cao đức, tôn quí không tự tham gia mà phải lễ thỉnh. Cũng có khảo thí chọn lấy học vị Cách Tây, nhưng so với học vị Cách Tây của chùa Đại Chiêu thì học vị Cách Tây của chùa Tiểu Chiêu thuộc hàng đệ nhị cấp.

3. Lễ hội tắm Phật

Hằng năm vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, người Tây Tạng cử hành lễ tắm Phật cực kỳ long trọng.

 

 

4. Bảo Bối Phật Niết Bàn Đại Pháp Hội:

Bảo Bối Phật là cách tôn xưng của người Tây Tạng đối với đại sư Tông Khách Ba. Đại sư viên tịch ngày 25 tháng 10, tuy nhiên không tập hợp tăng chúng của các ngôi đại tự về một trú xứ nhất định để tụng kinh, thay vào đó mỗi tự viện đều cử hành đại pháp hội nầy, với tình huống long trọng hơn cả lễ hội tắm Phật. Trong lễ hội nầy, các chùa thuộc phái Hoàng giáo không chùa nào là không tổ chức một cách cực kỳ trang nghiêm và trọng thể. Chùa nào cũng trần thiết đèn dầu hết sức tinh xảo, sáng lạng, được tạo nên bởi các nghệ nhân vô cùng thiện nghệ đến độ không một ngọn đèn nào lại không phóng ra cả nghìn màu sắc! Ngay cả “mọi nhà khắp nơi” trong dân gian Tây Tạng, nhà nào cũng đều treo một ngọn đèn dầu ở vào vị trí cao nhất. Vì thế dân gian Tây Tạng gọi pháp hội nầy là Đăng Tiết.

5. Trai Nguyệt (tháng chay):

Hằng năm, dân gian Tây Tạng lấy tháng giêng và tháng hai làm “Đại trai nguyệt” (tháng tất cả đều ăn chay), lấy ngày tết nguyên đán làm ngày “Khiêu vũ tế”, mùng hai tết là ngày “Phi thằng tế”, mùng ba tết là ngày “Phiên chủ tế”, tất cả đều cử hành tại cung Bố Đạt Lạp. Từ  ngày mùng 6 đến ngày 21 tháng giêng là lễ “Đại thí tế”. Trong lễ nầy, tăng chúng các chùa tại Lạp Tát đều vân tập về chánh điện của bản tự mình để tụng kinh, đồng thời cũng để tiếp nhận phẩm vật cúng dường. Ngày rằm tháng giêng là lễ cúng đèn, ngày 18 tháng giêng là lễ đuổi tà, ngày 20  tháng giêng là lễ duyệt binh, ngày 25 tháng giêng là lễ đua ngựa, ngày 30 tháng giêng là lễ trừ quiû. Tháng hai, ngày 17 là lễ Dậm chân (vũ đạo). Tây Tạng đã là một “Phật quốc”. Do đó, không có bất kỳ lễ chay nào người ta không mời thỉnh tăng lữ và không làm các Phật sự nhiêu ích. Bất luận là nam phụ lão ấu vào tháng chay tịnh không ai là không chí thành niệm tụng Lục Tự Đại Minh Chú. Trên thân thể, không ai là không đeo các Pháp khí như: Phật hộ, Xá lợi, Kinh quyển, Niệm châu, Hộ phù v.v…, tay người nào cũng cầm Ma Ni Luân xoay tròn không ngớt.

*Lục Tự Đại Minh Chú.

Tương truyền khi đức Thế Tôn còn tại thế Ngài có di chúc cho Bồ Tát Quán Thế Âm là hãy cứu độ chúng sinh nơi Núi Tuyết ( tức Tây Tạng). Huyền kỳ nầy được trích từ “ Văn Thù Sư Lợi Chơn Thực Danh Nghĩa Kinh”. Do đó, người Tây Tạng cho rằng đất nước họ là “hóa thổ” của Bồ Tát Quán Thế Âm. Về mặt lịch sử, thì từ khi Phật giáo được truyền vào Tây Tạng đồng thời cũng truyền luôn Lục Tự Đại Minh Chú của đức Bồ Tát Quán Thế Âm vào xứ nầy. Đó là sáu chữ phạn được khắc trên “Bảo Ngọc”.

   Nay xin đem sáu chữ bằng Phạn ngữ, Hán ngữ và Tạng ngữ đối chiếu với biểu đồ sau:

Dạng chữ Phạn và chữ Tạng trong biểu đồ là sự mô phỏng của Lý Dực Chước trong sách “ Phật giáo Tây Tạng và Mông Cổ” –trang 11. Trong kinh tạng Hán văn cũng có một số tự dạng “Lục Tự Minh Vương Kinh”, nhưng không giống tự dạng của Phạn tự và Tạng tự. Vì vậy có thể nói đây là nét đặc sắc của Phật giáo Tây Tạng. Bản Hán văn dịch âm đọc là “Úm ma ni bát di hồng”, đúng ra phải đọc là “Um Ma Ni Bát Đặc Di Hồng”. Ngữ ý của sáu chữ nầy là tỏ sự mong cầu được về Liên Hoa Tạng thế giới của đức Phật. Có học giả người Nhật Bản ví sáu chữ nầy giống như người phương Tây khi cầu nguyện thường đọc “Cha ở trên trời” vậy. Ở Tây Tạng người ta xem sáu chữ nầy là nguyên lí của vạn pháp. Theo họ các pháp thế gian và xuất thế gian, không pháp nào là không lưu xuất từ sáu chữ nầy. Chữ “Úm” là Phật bộ tâm, chữ “Ma-Ni” là Bảo bộ tâm, chữ “Bát-Đặc-Di” là Liên Hoa bộ tâm và chữ “Hồng” là Kim Cang bộ tâm. Vì rằng “ Lục Tự Đại Minh Chú” bao nhiếp toàn bộ hoặc lý sự, hoặc bi trí. Người tu hành muốn “Cụ túc vạn đức, thành tựu vạn hạnh” chỉ cần chuyên niệm Lục Tự Đại Minh Chú sao cho niệm niệm bất tuyệt, lâu dần tâm thể sẽ hiển hiện, khi ấy sẽ chứng nhập vô lượng pháp môn, thành tựu nhất thiết đại công đức tụ. Đây là thần chú lấy ba chữ “Bát Đặc Di” làm tâm chú, Bát Đặc Di hàm ý là Liên Hoa, mà Liên Hoa là “bản nguyên tâm hải” của chúng sinh. Điều đó cho thấy uy đức của Minh Chú là bất khả tư nghì, hàm chứa một triết lý cực thâm. Do đó cho nên tại Tây Tạng đi đến đâu cũng nghe thấy người Tạng luôn miệng đọc tụng Lục Tự Đại Minh Thần Chú. Người dân Tây Tạng không ai là không đọc tụng chú nầy và thường niệm chú nầy. Giống như ở Hán thổ, người người đều niệm danh hiệu Phật A Di Đà .

Mật thừa Tây Tạng coi trọng Chú pháp, vì vậy bình thường người ta vận dụng cách niệm chú vào việc hô hấp như hít vào, ngưng lại rồi thở ra. Cứ mỗi lần như vậy người ta niệm ba chữ Ọm, àh, hùm; ba chữ nầy âm Hán đọc là “Úm ách hồng”, thực thì nên đọc là “Ông A Hồng”. Bởi ba tự âm này có tính cực kỳ thần thánh. Như có người cứ theo sự hô hấp mà niệm tụng không ngưng nghĩ, niệm đến khi không cần vận tâm để niệm mà vẫn cứ tự nhiên niệm, đến lúc giữa niệm và không niệm không còn có sự sai biệt, cả ngày lẫn đêm tuyệt nhiên không gián đoạn, niệm được như vậy gọi là “kim cang niệm tụng”. Kim cang niệm tụng là trong thời gian một ngày đêm có thể niệm đến con số 21.600 lần. Niệm được như vậy sẽ hiệp nhất với “Bản tôn”, khế nhập được với “ Pháp tánh lý thể”. Vì ba chữ nầy là đại biểu cho Bản tôn, mà Bản tôn thì luôn thường tại trong sự hô hấp của chúng ta thông qua hơi thở ra vào, qua lại, tức chúng ta trụ vào pháp thân của Bản tôn và rồi từ đó nhập vào chân lý đệ nhất nghĩa đế.

Trên đây là đơn cử hai Chân Ngôn Chú mà người Tây Tạng lấy đó làm pháp môn phổ biến. Trong khi Phật giáo thuộc hệ Hán văn, tuy không thường dùng hai mật chú trên, những lại đưa vào Diệm Khẩu. Vì thế hai Mật chú nầy cũng chẳng thông dụng ở Trung Quốc, nhưng đồng thời do Trung Quốc cũng hiểu rõ năng lực của hai Mật chú trên nên chỉ ứng dụng vào các đàn tràng Diệm Khẩu. Đó cũng do chịu ảnh hưởng không ít từ Phật giáo Tây Tạng, tuy nhiên điều đó  cũng mới ứng dụng chứ không xưa lắm.

Phật giáo Tây Tạng có rất nhiều nét đặc sắc, tôi xin giới thiệu ở chương sau.

  ---o0o---