Lịch sử phật giáo Việt Nam
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
Tác giả: Thích Mật Thể
29/10/2554 06:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

II.8 Chương tám: Phật giáo ở thời đại Nam Bắc phân tranh

Chương tám

PHẬT GIÁO Ở THỜI ĐẠI NAM BẮC PHÂN TRANH
(1528 - 1802)

Nhà Hậu Lê làm vua đến đời vua Chiêu Tôn, Cung Hoành (1516 - 1527) thì bị Mạc Đăng Dung thoán đoạt. Nhà Lê tuy mất ngôi, nhưng lòng người còn tưởng nhớ đến công đức của Thái Tổ, Thánh Tôn, cho nên nhiều người lại theo phò con cháu nhà Lê Trung Hưng lên ở phía Nam, lập ra triều đình riêng ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An để chống nhau với nhà Mạc, thành ra Nam triều và Bắc triều hai bên đánh nhau năm, sáu mươi năm trời.

Nhà Hậu Lê nhờ họ Trịnh giúp, dứt được nhà Mạc, tưởng giang san lại thống nhất như cũ, ai ngờ họ Trịnh với họ Nguyễn lại sanh lòng ganh ghét, gây nên mối thù oán, rồi mỗi họ hùng cứ một phương, chia nước ra làm hai mảnh : họ Nguyễn ở Nam, họ Trịnh ở Bắc.

Nhà Hậu Lê từ khi Trung Hưng lên, con cháu vẫn giữ ngôi vua, nhưng quyền chính trị ở cả họ Trịnh.

Xét Phật giáo đến cuối đời Lê đã suy đồi như trên nhưng đến thời đại này lại có cơ phục hưng. Trong Nam ngoài Bắc lại thêm mấy phái Thiền Tôn mới nữa.

Vào khoảng đời Lê Thế Tôn (1573 - 1599),ở Bắc có phái gọi là Tào Động, cũng là chi phái của phái Bồ đề Đạt-ma bên Trung Hoa[1] phái ấy truyền vào bởi nhà sư Tàu Tri Giác Nhất Cú; sau ngài Nhất Cú truyền cho ngài Thủy Nguyệt, ngài Thủy Nguyệt truyền cho ngài Tôn Điền.v.v .. . Những nhà sư Trú trì ở các chùa  Hòa Giai, Hàm Long, Chấn Quốc ở Hà Nội bây giờ là theo phái Tào Động.

Vào khoảng đời vua Lê Hy Tôn (1676 - 1705), ở Bắc lại có phái gọi là phái Liên Tôn, do một vị Vương công nhà họ Trịnh là Lân Giác Thiền sư lập ra ở chùa Liên Phái (Bạch Mai - Hà nội). Đồng thời sư Nguyệt Quang cũng lập phái ấy ở Kiến An. Ngài Lân Giác với ngài Nguyệt Quang cùng là đệ tử của ngài Chính Giác, ngài Chính Giác là đệ tử của ngài Minh Lương, ngài Minh Lương là đệ tử của ngài Chuyết Công (người Trung Hoa) tức là chi phái của phái Lâm Tế (hiện nay những chi phái của chùa Hàm Long ở Bắc Ninh, chùa Nguyệt Quang ở Kiến An đều là chi phái của phái Liên Tôn. Vậy ở Hà Nội bây giờ có hai phái Phật giáo : Một ở chùa Bà Đá là chi phái của Lâm Tế, một nữa ở chùa Hòa Giai là chi phái Tào Động).

Từ năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719 - Dũ Tôn) đến năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737: Ý Tôn), chỉ thấy các chúa làm chùa.

Năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1779) , chúa Trịnh Cương sức dân ba huyện Gia Định, Lương Tài, Quế Dương trùng tu chùa Phúc Long, làm xong miễn thuế một năm cho ba huyện ấy. Chùa Phúc Long ở về làng Lãng Ngâm, huyện Gia Định (Gia Bình), chúa Trịnh Tráng dựng ra từ năm Phúc Thái thứ tám (1648). Năm Bảo Thái thứ 8 (1727), chúa Trịnh Cương cho các nội giá lập chùa Thiên Tây (ở làng Sơn Đình, huyện Tam Dương về địa phận núi Tam Đảo) và chùa Độc Tôn (ở làng Cát Nô, huyện Phổ An, tỉnh Thái Nguyên) và cho ra nghỉ ở đó.

Năm Vĩnh Khánh thứ hai (1730), chúa Trịnh Giang sức dân ba huyện Đông Triều, Thủy Đường và Chí Linh trùng tu chùa Quỳnh Lâm và chùa Sùng Nghiên. Dân phu 6000 người làm luôn đêm ngày đến một năm mới xong.

Năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736), chúa Trịnh Giang sức dân các huyện Đông Triều, Kim Thành, Giáp Sơn, Thủy Đường dựng chùa Hồ Thiên (ở trên chóp núi thuộc huyện Bảo Lộc, trấn Kinh Bắc, tức Bắc Giang bây giờ) và chùa Hương Hải (ở làng Phụ Vệ, huyện Chí Linh).

Năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737), chúa Trịnh Giang dựng tượng Phật lớn để thờ ở chùa Quỳnh Lâm sắc cho quan thay phiên đến làm lễ. Cũng trong khoảng niên hiệuVĩnh Hựu (1735 - 1739), ngài Trạm Công vâng sắc vua qua nước Đại Minh, non Đỉnh Hồ, tham yết ngài Kim Quang Hòa thượng và sau thỉnh được nhiều kinh điển đem về để tại chùa Càn An.

Đến năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740: Lê Hiến Tôn), chúa Trịnh Giang lại tịch thu chuông các chùa để đúc binh khí.

Năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771), dựng chùa Tiên Tích ở ngoài cửa Đại Hưng (thuộc làng Nam Ngư), huyện Thọ Xương, Hà Nội, nay là phố Hàng Bột).

Năm Chiêu Thống nguyên niên (1787), lại tịch thu các đồ đồng ở chùa để đúc tiền

*

Trong đời Hậu Lê cũng có một vài vị Cao Tăng như Huệ Đồng Thiền sư, Lục Hồ Viên Cảnh Thiền sư, Đại Thâm Viên Khoan Thiền sư, Hương Hải Thiền sư.v.v . Những vị Thiền sư trên, không thấy sử chép rõ ràng, chỉ có Hương Hải Thiền sư có tiểu truyện trong sách Kiến văn lục của ông Lê Quí Đôn.

Hương Hải Thiền sư : Vốn gióng thế phiệt, ông cha từng làm đến Quận công và phong làm Công thần trong đời chúa Nguyễn. Mười tám tuổi đậu Hương cống (Cử nhân), được kén vào phủ chúa Nguyễn rồi bổ ra làm tri phủ Triệu Phong. Bấy giờ ngài mới có 25 tuổi, mà rất hâm mộ đạo Phật; thường đàm luận với các Danh Tăng, rất thâm hiểu đạo lý. Cách ba năm, ngài xin từ quan xuất gia tu đạo. Ngài ra chơi ở núi Tiên Bút La ngoài Nam Hải rồi lập am ở lại đó tu trì Đạo hạnh ngài rất cao, quan dân xa gần thảy đều cảm mộ. Chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Chu: 1691-1725) sai người ra hải đảo mời về; khi về đến nội địa, chúa Nguyễn thân ra đón tiếp, rồi lập Thiền Tĩnh Viện ở núi Qui Cảnh mời ngài ở đó. Sau có người dèm với chúa, nói ngài với Gia Quận công âm mưu trở về Bắc với chúa Trịnh. Chúa Nguyễn đem việc xét hỏi thì không có cớ gì, bèn truyền cho ngài phải vào Quảng Nam. Bởi vậy, ngài mới quyết chí ra Bắc thật. Ngài sắm một chiếc thuyền cùng 50 đồ đệ vượt bể về đến trấn Nghệ An, vào yết kiến quan trấn thủ là Trịnh Na. Trịnh Na liền tâu về triều, chúa Trịnh cho thuyền vào đón về kinh, triệu vào phủ hỏi han mọi việc. Được ít lúc ngài lập am tu trì ở trần Sơn Nam. Ngài có dịch và chú giải các kinh ra chữ nôm được 30 thiên.

Vua Dũ Tôn (1706 - 1729) vì hiếm hoi về phần con cái nên thường mời ngài vào kinh để lập đàn cầu tự. Bấy giờ ngài đã 80 tuổi, vua rất kính trọng.

Môt khi vua hỏi ngài rằng: “Trẫm nghe Thiền sư học rộng nhớ nhiều, vậy xin Thiền sư thuyết pháp cho nghe, để Trẫm hiểu được đạo.”

Ngài tâu rằng : Bần Tăng có bốn câu kệ này, xin Bệ hạ để tâm, suy nghĩ :

Phản văn tự kỷ mỗi thường quan,

Thẩm sát tư duy tử tế khan.

Mạc giáo mộng trung tầm tri thức,

Đương lai diện thượng đỗ sư nhan.

Dịch:

Nghe lại điều mình thấy những ngày,

Suy đi nghĩ lại kỹ càng hay.

Chớ tìm tri thức trong cơn mộng

Có thế mới hay nhận được thầy?[2]

Vua hỏi : “Thế nào là ý của Phật?”

Ngài thưa :

Nhạn quá trường không,

ảnh trầm hàn thủy.

Nhạn vô di tích chi ý,

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Dịch :

Nhạn liệng giữa không,

Bóng chìm dưới nước.

Nhạn không để dấu ở lại,

Nước chẳng lưu bóng làm chi.

Ngài thường đọc những câu kệ để dạy Tăng chúng như câu :

Tầm ngưu tu phỏng tích,

Học đạo, quý vô tâm.

Tích tại ngưu hoàn tại,

Vô tâm đạo dị tầm.

Dịch:

Tìm trâu tìm dấu chân trâu,

Dâú còn trâu chẳng mất đâu bao giờ.

Nllững người học đạo chớ ngờ,

Vô tâm thì đạo có cơ dễ tìm.

Ngài thường làm thơ, dưới đây là một bài thơ trong các bài thơ của ngài :

Thành thị du lai ngụ tự triền,

Tùy cơ ứng biến mỗi thời nhiên.

Song chiêu nguyệt đáo thuyền sàn mật,

Tùng tiếu phong xuy tịnh khách miên.

Sắc ưởng lâu đài minh sắc diệu,

Thanh truyền chung cổ diễn thanh huyền.

Nguyên lai tam giáo đồng nhất thể,

Nhậm vận hà tằng ý hữu thiên.

Dịch :

Chán cảnh phồn hoa mến cảnh thiền,

Tùy thời mới hiệp lẽ đương nhiên.

Trăng dòm song mở giường kê sát,

Gió thổi tùng reo giấc ngủ yên.

Lóng lánh lâu đài màu huyền diệu,

Nhịp nhàng chuông trống tiếng u huyền.

Cho hay nhất thể đồng tam giáo,

Đạo cả chưa từng lệch một bên.

Đọc bài thơ này, ta thấy không những ngài không quên mình là nhà Nho tu Phật, mà lại muốn cho hai đạo học ấy ảnh hưởng với nhau, cho cả hai càng thêm sáng suốt.

Nhưng không sao tránh khỏi nhược điểm của hai giáo ấy trong thời này: Phật giáo về thời này tuy có cơ hưng thạnh, nhưng sự thật đã yếu thế nhiều, nên phải xướng thuyết “nhất thể” để cầu thân với Nho, Lão. Và đồng thời đẳng cấp Nho giáo lúc này cũng đã bướcvào tình thế suy lạc, nên lại phải mượn Phật giáo làm chỗ an ủi. Bởi vậy, thời này rất có nhiều vị Nho sĩ đầu Thiền. Mà ngài là người đại biểu.

Lại cũng trong thời này, ông Trịnh Huệ cũng xướng thuyết “Nhất thể” làm sách “Tam giáo nhất nguyên thuyết”, để giải rõ ba giáo vốn đồng một gốc. Sách tuy có lợi cho những người muốn tham học cả ba giáo, sự thật điều đó càng giúp cho ta chứng rõ hướng ấy.

Phật giáo ở ngoài (Bắc) đến đó lại lâm vào thời kỳ đình đốn. Trong sử không thấy chép việc gì quan hệ Phật giáo nữa. Cũng bởi từ đó tình thế trong nước rối ren, việc chinh chiến xảy ra luôn luôn

*

Trong lúc Phật giáo ở ngoài Bắc được phục hưng, đồng thời trong Nam cũng có cơ xương thạnh. Nhất là khi ngoài Bắc bị đình đốn, trong Nam lại phát đạt thêm nhiều

Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, thì miền Nam được mở mang mọi phương diện. Trong hơn 200 năm, họ Nguyễn đối với Phật giáo hết lòng sùng thượng, nào dựng chùa, nào đúc tượng, đúc chuông rất nhiều
 
 
 
 
 

Bấy giờ có những ngài Tế Viên Hòa thượng, Giác Phong Lão tổ, v.v...đều là người Trung Hoa đem Phật giáo qua truyền bá ở An-nam.

Năm Ất Tỵ (1665), Dũng Quận công Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) (sau truy tôn là Thái Tôn hoàng đế) lại có một vị Thiền sư người Trung Hoa đem An-nam, ban đầu trác tích ở phủ Qui Ninh (Bình sinh) lập chùa Thập Tháp Di Đà, sau ra Thuận Hóa lập chùa Quốc ân truyền chánh phái Lâm Tế ở nước ta; ấy là ngài Thọ Tôn Hòa thượng, húy Nguyên Thiều.

PHÁI NGUYÊN THIỀU

Ngài họ Tạ, quê ở Trình Hương Triều Châu, Quảng Đông, xuất gia năm 19 tuổi, tu ở chùa Báo Tư thọ giáo với ngài Bổn Khao Khoán Viên Hòa thượng. Niên hiệu Cảnh Trị năm thứ ba đời Lê Huyền Tôn (năm ất Tỵ thứ 17 đời chúa Nguyễn Phúc Tần: 1665), ngài đi theo thuyền buôn qua An-nam, trú ở phủ Qui Ninh (Bình Định) lập chùa Thập Tháp Di Đà, mở trường truyền dạy; sau ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung (thuộc huyện Phú Lộc nay hãy còn), rồi lên Xuân Kinh (Huế) lập chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Đồng (?).

Sau ngài lại phụng mệnh đức Anh Tôn (Nguyễn Phúc Trăng: 1687-1691) trở về Trung Quốc, tìm mời các Danh Tăng và cung thỉnh pháp tượng, pháp khí.

Ngài về Quảng Đông mời được Thạch Liêm Hòa thượng và các Danh Tăng khác, cùng thỉnh được nhiều kinh điển tượng khí đem về. Chúa Nguyễn liền sắc mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ. Sau đó chúa Nguyễn sắc ban ngài chức Trú trì chùa Hà Trung.

Một hôm ngài lâm bệnh, họp môn đồ lại dặn dò mọi việc và ngài truyền cho bài kệ rằng :

Tịch tịch kỉnh vô ảnh,

Minh minh châu bất dung.

Đường đường vật phi vật,

Liêu liêu không vật không.

Đại ý:

Lặng lẽ gương không chiếu bóng

Sáng trưng ngọc chẳng thâu hình

Rõ ràng vật không phải vật

Minh mông không chẳng là không.

(Nguyễn Lang, VNPGSL, tr.590) 

(Diễn ra văn xuôi là ngài muốn khai thị cho trong Chúng biết : Thể pháp thân thanh tịnh sáng suốt, như bức gương sáng sạch không bụi, như ngọc minh châu trong sáng, bóng ngời, tuy hiện tiền sự sự vật vật sai khác, nhưng đều là thể pháp thân biểu hiện thể pháp thân thường vắng lặng mà không phải là không, tức là lý “chân không diệu hữư”).

Ngài viết xong bài kệ vừa ngồi yên lặng mà tịch.

Ngài mất ngày 19 tháng 10 niên hiệu Bảo Thái thứ 10 nhà Lê, đồ chúng cùng các tể quan thọ giới đệ tử làm tháp Hóa Môn để chôn cất hài cốt (tháp này bên đồi nhỏ xóm Thuận Hóa làng Dương Xuân Thượng)

Hiến Tôn Hoàng đế ban thụy hiệu là: “HẠNH ĐOAN THIỀN SƯ”, và có làm bài minh khắc vào bia để tán thán đạo đức của ngài:

Ưu ưu Bát-nhã,

Đường đường phạm thất,

Thủy nguyệt ưu du,

Giới trì chiến lật.

Trạm tịch cô kiên

Trác lập khả tất

Quán thân bổn không

Hoằng pháp lợi vật,

Biến phú từ vân

Phổ chiếu huệ nhật

Chiêm chi nghiêm chi

Thái sơn ngật ngật.

Đại ý:

Cao vút trí tuệ

Phạm hạnh vun trồng

Giới đao một lưỡi

Trăng nướng thung dung.

Ngồi đứng một thân,

Trong lặng kiên cường,

Hoằng pháp lợi người

Quán thân vốn không

Mây từ che khắp

Trời tuệ chiếu cùng,

Ngắm đi ngắm đi,

Thái sơn oai hùng.

Ngài là vị Tổ truyền phái Lâm Tế đầu tiên ở Trung kỳ. Các đệ tử được ngài truyền pháp cho, hoặc các ngài dưới ngài cùng ngài truyền giòng Lâm Tế, như ngài Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Tri v.v...

Xét trong “Lịch Truyện Tổ đồ” thì ngài Nguyên Thiều đứng về đời 69, xét về chánh thống phái Lâm Tế thì ngài đứng về đời 33, mà truyền phái Lâm Tế ở Trung kỳ thì ngài là Sơ tổ (xem bản đồ H).

Xét Lịch sử Phật giáo ở Việt Nam ta về khoảng này, có đời chỗ mơ hồ, cần phải biện minh không thể bỏ qua được, ấy là nói về lối truyền thống của phái Lâm Tế do sau khi ngài Nguyên Thiều truyền sang.

Đành rằng ngài là vị Tổ đầu tiên truyền phái Lâm Tế ở ta, nhưng trước tiên ngài đã kế thừa nơi một ngài nào ? Và sau, những ai là người được truyền thọ pháp ấy ? Muốn trả lời những dấu hỏi ấy không phải chuyện dễ .

Nguyên do bởi ngài đã mang lấy hai danh hiệu: Nguyên Thiều, Siêu Bạch.

Kể Phật giáo sau khi truyền qua Trung Hoa, vì phân chia tôn phái có nhiều, nhất là về phái ThiềnTôn lại có chia ra nhiều nhánh khác nhau. Nên các ngài về sau lại sinh ra tư tưởng đặt những giòng kệ để chấm dấu về thống hệ của mình. Như phái Thiền Tôn truyền đời ngài Nghĩa Huyền, ngài lại lập ra nhánh gọi là Lâm Tế. Lâm Tế truyền đến đời 21 là ngài Vạn Phong Thời Ủy ở chùa Thiên Đồng (Trung Hoa) xuất ra bài kệ : Tổ, Đạo, Giới[3] truyền đến đời 31 là ngài Đạo Mân lại xuất một giòng kệ khác : Đạo, Bổn, Nguyên, Thành…[4]

Như trên đã nói : ngài đã mang lấy hai danh hiệu: Nguyên Thiều và Siêu Bạch. Xét danh hiệu Nguyên Thiều là thuộc về giòng kệ của ngài Đạo Mân, tức là sư tổ của ngài mới lập ra Siêu Bạch là thuộc về giòng kệ của ngài Vạn Phong , tức là Tổ II đời của ngài truyền xuống. Do đó, người ta bảo ngài đã thọ giáo cả hai bên. Bên giòng kệ của ngài Vạn Phong thì ngài được hiệu là Siêu Bạch; bên giòng kệ của ngài Đạo Mân thì ngài được hiệu là Nguyên Thiều. Lẽ đó xét có phần đúng.

Nhưng lại thấy có chỗ chép ngài Đạo Minh Huệ Nhật ở chùa Thiên Khai (Trung Hoa) xuất ra giòng kệ: Đạo, Bổn, Nguyên ... ấy, sau khi vừa mới thừa truyền theo giòng kệ Tổ, Đạo, Giới... của ngài Vạn Phong chỉ có một đời. Bởi vậy rất sai vì nếu nói ngài Đạo Minh xuất giòng kệ ấy thì chữ “Nguyên” của ngài Nguyên Thiều không phải là chữ “Nguyên”  trong giòng  kệ đó . Vì đem những chữ trong hai giòng kệ kia ra mà đối chiếu thì từ chữ “Nguyên” – Nguyên Thiều đến chữ “Siêu” - Siêu Bạch - cách nhau đến 8 – 9 chữ (tức là 8 - 9 đời) làm sao mà gặp nhau ở nơi một người được ?

Có giải quyết được điều này, tức đối vấn đề : Vì sao ngài lại truyền xuống cả hai giòng kệ ấy (hiện nay chùa Quốc ân (Huế) thì theo giòng kệ chữ “Nguyên”, tức là giòng của ngài Đạo Mân; chùa Thập Tháp (Bình Định) thì theo giòng kệ chữ “Siêu” tức là giòng của ngài  Vạn Phong) (?) Và trong hàng chữ “Minh” và chữ “Thành” (Sau chữ Nguyên, chữ Siêu một chữ) ai là đệ tử của ngài ?

Như trên nói ngài đã thọ giáo cả hai bên. Nên ở đây có thể nói: Một bên ngài muốn truyền xuống giòng kệ chữ “Siêu” của Tổ Vạn Phong. Một bên ngài muốn truyền xuống giòng kệ chữ “Nguyên” của sư tổ mình. Bản ý đều muốn làm cho phái diễn của tổ tiên khỏi phải đứt đoạn.

Chứng thật cho ý kiến này, ta nhận thấy bất kỳ ở chùa Thập Tháp hay Quốc Ân, dưới ngài đều có những ngài hoặc chữ “Minh” hoặc chữ “Thành” xen lẫn nằm trong thế hệ.

Vậy còn ai là đệ tử của ngài Nguyên Thiều? Theo thế hệ truyền thống ở chùa Thập Tháp và Quốc Ân thì dưới ngài Nguyên Thiều, Siêu Bạch, phần nhiều là những ngài nằm về chữ Minh cả. Như ngài Minh Vật Nhất Tri, Minh Hoàng Định Nhiên, Minh Giác Kỳ Phương, Minh Dung Pháp Thông, Minh Dương Nguyệt Ân v.v... và có xen lẫn một đôi ngài nằm về chữ "Thành" như ngài Thành Đẳng Minh Yêu, Thành Nhiên Pháp Thông, v.v... Ngài các ngài ấy lại có những ngài cũng là chữ ‘Minh” như ngài Minh Hoằng Tử Dung (khai sơn chùa Từ Đàm- Huế), Minh Hành Tại Toại (ở Nhạn Tháp Sơn - Bắc Kỳ),

Minh Hải Pháp Bảo (khai sơn chùa Chúc Thánh, Quảng Nam) v.v...

Theo tương truyền xưa nay thì các ngài vừa mới kể trên đều là đệ tử của ngài Nguyên Thiều cả (Vả xét theo thế hệ của hai giòng kệ thì dù ngài chữ “Minh” hay chữ “Thành” cũng đều nằm dưới ngài Nguyên Thiều một chữ cả). Nhưng nếu đứng ra ngoài tín ngưỡng tập truyền, dùng quan điểm của nhà sử học mà dò xét, thì không thể bảo các ngài đó đều là đệ tử của ngài Nguyên Thiều cả.

Xét trong bài bia ký dựng ở chùa Quốc Ân thì thấy chép: Ngài 19 tuổi xuất gia tu ở chùa Báo Tư, thọ giới với ngài Khoáng Viên Hòa thượng ... Vậy sau khi ngài xuất gia, còn phải tu học 5, 7 năm đã chứ! Lại trong bài bia ấy chép: “Niên hiệu Cảnh Trị năm thứ ba đời Lê Hiến Tôn (năm Ất Tỵ thứ 7 đời chúa Nguyễn Phúc Tần:1665), ngài qua An-nam lập chùa Thập Tháp (xem lại truyện ngài Nguyên Thiều)”.Thế thì khi ngài qua An-nam đại khái cũng trên 30 tuổi. Ngài qua, trước hết ở phủ Quy Ninh lập chùa Thập Tháp; từ khi qua đến khi lập thành chùa Thập Tháp, ít nữa cũng phải trải qua thời gian mươi năm. Rồi sau ra Thuận Hóa ở chùa Hà Trung, lên Xuân Kinh lập chùa Quốc Ân cũng phải mất hết thời gian chừng trên 10 năm nữa: Cho đến khi phụng mệnh đức Anh Tôn (1687-1691) trở về Trung Quốc, tìm thỉnh các Danh Tăng về khai giới đàn tại chùa Thiên Mụ. Chỉ thấy trong sử chép ngài Thạch Liêm cùng ngài qua lúc này. Nhưng theo tương truyền xưa nay thì cùng qua với ngài, ngoài ngài Thạch Liêm còn có các ngài khác nữa, như ngài Tổ khai sơn chùa Thuyền Lâm (Huế) v.v. . . với các ngài Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo . . . (xét về thời đại của các ngài qua cũng nhằm lúc ấy). Đến đây, hãy trở lại với vấn đề : Vậy các ngài chữ “Minh” đồng qua với ngài lúc này, có thể bảo đều là đệ tử của ngài NguyênThiều cả không ? E không thể bảo được. Bởi thời gian ở Trung Hoa của ngài rất ít, mà thời gian ở An-nam thì nhiều, làm gì đã có đệ tử xứng đức, xứng vị để cùng qua với ngài ngồi trong địa vị Thập sư trên giới đàn ? Và trong sử chép ngài vâng mệnh vua về thỉnh các Danh Tăng; nếu ngài chỉ bảo đệ tử của ngài qua (giả sử ngài đã có đệ tử ở Trung Hoa), thế thì ngài đã hẹp hòi và tỏ khinh thường hai chữ “Danh Tăng” lắm ru ! Nên dù cho trong khi ngài qua cũng có những vị đệ tử hoặc mới theo lúc ngài trở về, hoặc đã theo lúc ngài chưa qua An-nam, nhưng thiết tưởng những vị ấy cũng chỉ theo để hầu thầy chứ chưa có thể ngồi ngang một ghế Thập sư trong giới đàn được, mà dù có cũng chỉ được đôi ba vị thôi.

Vậy ta có thể bảo những ngài Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Hành Tại Toại ...chỉ là những ngài nằm dưới ngài Nguyên Thiều một chữ, gọi ngài là sư thúc hoặc sư bá gì chớ chưa hẳn là đệ tử của ngài cả.

Trong tấm bia đá dựng ở chùa Chúc Thánh và trong quyển “Liệt Tổ truyện”, có nói đến lược sử của ngài Minh Hoằng cùng ngài Minh Hải, nhưng chỉ nói qua ngài người Đại Thanh, qua An-nam, trác tích Thuận Hóa, lập chùa Ấn Tôn (Từ Đàm); vô ở Quảng Nam lập chùa Chúc Thánh, chớ không nói đến hai ngài đó là đệ tử của ngài nào. Vậy căn cứ vào đây, ta có thể cho lời bàn trên là đúng chăng (?)

Có thể, sau khi giới đàn xong, ngài Minh Hoằng mới tự do lập chùa Ấn Tôn ở Huế, ngài Minh Hải lập chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam và ngài Minh Hành ra ở Nhạn Tháp Sơn, Bắc Kỳ. Trái lại nếu quả là đệ tử, thì tình thầy trò đâu có rã rời gấp gáp đến thế.

Tiếc rằng về những sử liệu này, sau một thời kỳ biến loạn Tây Sơn, những cái có quan hệ đến lịch sử như giấy má, bia ký đều bị thất lạc, không đủ giúp cho ta khảo xét thêm được rõ ràng, chắc chắn hơn nữa.

Thạch Liêm Hòa thượng : Ngài quê ở Giang Tây nước Trung Hoa, học vấn uyên bác, bao nhiêu món thiên văn, địa dư, toán số, cho đến nghề viết, nghề vẽ, không thứ gì ngài không tinh xảo, lại có sở trường về thơ phú. Cuối đời nhà Minh, nhà Mãn Thanh làm chủ Trung Quốc, ngài không chịu ra làm quan, bái từ mẹ già, cắt tóc đi tu, rồi vân du khắp nơi. Khi Thọ Tôn Hòa thượng (Nguyên Thiều) vâng mệnh chúa Nguyễn về Quảng Đông tìm các bậc Cao Tăng, có nghe tiếng ngài liền đến mời ngài Trú trì ở chùa Thiên Mụ để dạy đệ tử và thường mời vào cung đàm đạo; sau ngài có lập chùa Khánh Vân gần chùa Thiên Mụ. Ở được ít năm, ngài xin trở về Trung Hoa không qua nữa.

Sau nhân có tàu buôn qua, ngài có gởi dâng chúa Nguyễn một bức thơ xích độc và một bài thi :

XÍCH ĐỘC

Nhất giang yên lãng, đạo cách trùng vân,

Bát độ xuân quang, tuyết thiêm hoa mấn.

Sổ nhơn gian chi hạ lạp,

Ức thiên ngoại chi nhơn duyên;

Diêu tri cam điện bồ đoàn,

Dĩ chứng huỳnh mai tiêu tức.

Viên khiển độ giang chi vĩ,

Thiểu thân súc địa chi hoài.

Dạ nguyệt thông triều, trì lai viễn tín,

Tân thi ký tặng, quí phạp trường ngôn.

Dịch :

Trời bể muôn trùng,

Nước mây cách trở.

Xuân về mấy độ,

Làn tóc nửa sương.

Bấm tay nghĩ chuyện nhân gian,

Chạnh nhớ mối tình thiên ngoại.

Tưởng chừng dưới chiếc bồ đoàn,

Đã tỏ huỳnh mai lối cũ.

Thuyền lan tiện gió,

Thâu chỗ nhớ nhung.

Sóng vỗ trăng ghềnh

Mây đưa tình nhạn

Mấy lời quê cạn,

Tỏ chút u hoài.

THI VIẾT :

Đông phong tân lãng mãn giang tần,

Tưởng kiến hồ sơn vũ lộ tân.

Tự thị dương hòa qui thảo mộc,

Thái bình nhân túy hải thiên xuân.

THƠ RẰNG :

Sóng rởn hoa tần phất gió đông,

Đỉnh hồ tưởng thấy hạt mưa nhuần.

Cỏ cây vui dưới trời êm diu,

Người ngắm thăng bình tắm bể xuân.

Ngài có làm tập “Ly Lục Đường thi”, tập “Hải ngoại ký sự” và bộ “Kim Cang trực sớ” còn lưu hành.

Thời ấy chúa Nguyễn đang trấn ở Thanh Hóa; phần nhiều là người Chàm. Hai ngài này : Nguyên Thiều và Thạch Liêm - là người rất có công đem văn hóa và học thuật Trung Quốc khai hóa cho dân ta xứ này.

Tử Dung Minh Hoằng : Không rõ ngài tên họ là gì chỉ biết ngài là đời thứ 34 Lâm Tế; quê ở Quảng Đông theo ngài Nguyên Thiều qua An-nam ở Thuận Hóa có lập chùa Ân Tôn (tức chùa Từ Đàm, Hội Quán hội Phật học bây giờ).

PHÁI LIỄU QUÁN

Liễu Quán Hòa thượng : Ngài họ Lê, húy Thiệt Diệu, người làng Đạo Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (Sông Cầu bây giờ). Lúc 6 tuổi, mồ côi mẹ, cha đem đến chùa Hội Tôn thọ giới với ngài Tế Viên Hòa thượng[5].Được bảy năm thì Hòa thượng tịch, ngài ra Thuận Hóa xin học với Giác Phong Lão tổ[6] chùa Báo Quốc. Sau đó một năm, năm Tân Mùi(1691), ngài phải về phụng dưỡng cha già, lấy nghề kiếm củi độ nhật. Bốn năm sau phụ thân mất, năm Ất Hợi (1695) ngài lại trở ra Thuận Hóa thọ Sa-di giới với ngài Thạch Liêm Hòa thượng. Năm Đinh Sửu (1697) ngài lại thọ Cụ túc giới với ngài Từ Lâm Lão Hòa thượng (cũng là người Trung Hoa, một ngài nay còn ở chùa Từ Lâm gần nhà máy nước ở Huế).

Bắt đầu năm Kỷ Mão (1699), ngài đi tham lễ khắp thiền lâm, chịu biết bao điều khó khăn, đạm bạc. Đến năm Nhâm ngọ (1702) ngài đến Long Sơn vào bái Yết Tử Dung Hòa thượng cầu dạy pháp tham thiền. Hòa thượng dạy ngài tham câu :

« Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ ? »

(Muôn pháp về một, một về chỗ nào ?)

Ngài ngày đêm tham cứu 8, 9 năm mà chưa lãnh hội, trong lòng tự lấy làm hổ thẹn.

Một hôm, nhơn đọc truyện Truyền đăng lục đến câu : “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ?” thoạt nhiên ngài được tỏ ngộ. Nhưng vì núi sông cách trở, ngài không thể đến ngài Tử Dung để trình ngộ được.

Đến năm Mậu Tý (1708), mùa xuân ngài mới trở ra Long Sơn, cầu Hòa thượng ấn chứng. Khi ấy ngài đem chỗ công phu của mình, mỗi mỗi trình bày, đoạn ngài nói đến câu “chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”. Hòa thượng liền nói :

Huyền nhai tán thủ, tự khẳng thừa đương,

Tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc.

(Phải bước ra bờ vỡ mà buông tay, chết sông tự mình chịu lấy, ngất đi mà sống lại mới khỏi bị người dối gạt). Liền đó ngài vỗ tay cười ha ha...

Hòa thượng nói :

- Chưa nhằm

Ngài Liễu Quán nói :

Bình thùy nguyên thị thiết.

(Trái cân vốn là sắt)

Hòa thượng nói :

- Chưa nhằm.

Mai lại, Hòa thượng gọi ngài đến bảo : Chuyện ngày qua chưa xong, nói lại xem!

Ngài Liễu Quán nói :

Tảo tri đăng thị hỏa, phạn thục dĩ đa thì

(Sớm biết đèn là lửa, cơm chai đã lâu rồi !)

Bấy giờ Hòa thượng rất khen ngợi.

Năm Nhâm Thìn (1712), mùa hạ, Hòa thượng vào Quảng Nam dự lễ Toàn Viện (?), ngài đem trình bày kệ dục Phật.

Hòa thượng liền hỏi :

- Tổ Tổ tương truyền Phật Phật thọ thọ,

Vị thẩm truyền thọ cá thậm ma ?

(Các vị Tổ nói truyền cho nhau, đức Phật này trao cho đức Phật khác, chẳng hay truyền thọ nhữngcái gì ?)

Ngài Liễu Quán nói : 

- Thạch duẫn trừu điều trường nhất trượng,

Qui mao phất tử trọng tam cân.

(Búp măng trên đá dài một trượng,

phủ phất lông rùa nặng mấy cân).

Hòa thượng nói theo :

- Cao cao sơn thượng hành thuyền

Thâm thâm hải để tẩu mã

(Lung linh  nước chảy trên đèo,

Ngựa đua dưới biển, thuyền chèo trên non)[7]

Ngài tiếp theo nói :

- Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống,

Một huyền cầm tử tận nhật đờn.

(Dây đứt đờn cầm rung suốt buổi,

Gảy sừng trâu đất rống thâu đêm).

Ngài biện tài lanh lẹ, lâm cơ ứng biến, như nước và sữa rất là phù hợp. Hòa thượng rất lấy làm vui mừng , ấn khả .

Lại chỗ hóa duyên của ngài rất rộng, ngài thường ra vào Huế - Phú Yên để hóa đạo luôn luôn, không nề khó nhọc.

Năm Quí Sửu (1733), Giáp Dần (1734) và Ất Mão (1735), ngài chịu lời thỉnh cầu của các ngài trong Tôn môn, cùng các bậc tể quan, cư sĩ ở Huế, dự bốn lễ lớn về đại giới đàn.Qua năm Canh Thân (1740) ngài tấn đàn Long Hoa phóng giới, rồi đó ngài trở về chùa Thiền tôn.[8]

Thời ấy Nguyễn Chúa Ninh Vương rất yêu mến đạo đức của ngài, thường mời ngài vào cung để đàm đạo, nhưng ngài vẫn từ chối không vào.

Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742), ngài lại dự lễ giới đàn ở chùa Viên Thông. Cuối mùa thu năm ấy ngài thị bịnh, gọi môn đồ đến mà dạy rằng : "Nhân duyên đã hết, ta sắp chết vậy.” Khi ấy môn đồ đều khóc, ngài dạy rằng : “Các người khóc mà làm gì ? Các đức Phật ra đời còn nhập Niết-bàn; ta nay đi lại rõ ràng, về tất có chỗ, các người không nên khóc và đừng nên buồn thảm lắm.”

Cuối tháng 2, trước khi tịch mấy ngày, ngài ngồi dậy vững vàng, tự cầm bút viết bài kệ từ biệt rằng :

Thất thập dư niên thế giới trung,

Không không sắc sắc duyệt dung thông.

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý,

Hà tất bôn man vấn tổ tông. 

Dịch :

Ngoài bảy mươi năm trong thế giới,

Không không sắc sắc thảy dung thông.

Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ,

Nào phải ân cần hỏi tổ tông.

Sau khi ngài viết bài kệ xong, ngài bảo môn đồ rằng : “Sau khi ta đi, các người phải nghĩ cơn vô thường nhanh chóng, cần phải siêng năng tu học trí tuệ, các người hãy nên gắng tới, chớ bỏ quên lời ta.”

Đến ngày 22 tháng 2 ta, buổi mai, sau khi dùng nước trà và các đồ đệ hầu chuyện cùng làm lễ xong, ngài hỏi đến giờ, các đồ đệ thưa : giờ Mùi. Thế rồi...ngài vui vẻ thị tịch.
 
 
 
 
 
 

Vua nghe tin, sắc ban bia ký, và tứ hiệu là “ĐạoHạnh Thụy Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng” .

Ngài là đời thứ 35 giòng Lâm Tế chánh tôn, khai sơn chùa Thiên Thai Thiền Tôn ở Huế.

Ngài có tục bài kệ về Pháp phái rằng :

Thiệt tế đại đạo, tánh hải thanh trừng.

Tâm nguyên quảng nhuận, đức bổn từ phong.

Giới định phước huệ, thể dụng viên thông.

Vĩnh siêu trí quả, mật khế thành công.

Truyền trì diệu lý, diễn sướng chánh tôn.

Hạnh giải tương ưng, đạt ngộ chơn không.

Dịch :

Đường lớn thực tại, biển thể tính trong,

Nguồn tâm thấm khắp, gốc đức vun trồng.

Giới định cùng tuệ, thể dụng viên thông,

Quả trí siêu việt, hiểu thấu nên công.

Truyền giữ lý mầu, tuyên dương chính tông

Hành giải song song, đạt ngộ chân không.

(Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử lược, tr. 603)

Ngày nay, Tăng đồ tín đồ ở Trung kỳ và Nam kỳ hầu hết là thuộc về giòng Lâm Tế, mà ngài là ngườicó công khai hóa hơn hết, hiện đã thành ra một nhánh lớn gọi là Liễu Quán.

Kể ra Phật giáo về thời chúa Nguyễn này, ngoài mấy ngài chép trên, còn có nhiều bậc Cao Tăng khác nữa, chẳng qua phải một thời gian biến loạn Tây Sơn,chùa chiền hư nát; những cái có thể lưu lại làm sử liệu cho ngày nay, đều bị tiêu tan mất hết. Nên bây giờ người nghiên cứu lịch sử tìm được dấu tích để ghi lại phương danh và thế hệ của các ngài cũng đã khó, huống tìm cho rõ tiểu truyện của mỗi ngài lại càng khó hơn nữa. Mà cái điều sau này ta có thể nói: chỉ là sự may mắn của lịch sử. Hai ngài dưới này cũng là Danh Tăng trong thời Nguyễn Chúa:

Trung Đình Hòa thượng:  Ngài không biết người ở đâu, tên gì vì thường trú ở trong đình, nên người ta gọi tên ấy. Ngài thường đi khất thực các làng, trong mình thường đeo ba cái bị. Một cái nếu ai cho cá thịt gì cũng lấy bỏ vào đó rồi cho kẻ ăn xin khác; một cái đựng món ăn chay ngài dùng; còn một cái lớn để không, hễ tới đâu thì ngài treo lên mái đình mà ngồi vào. Đêm thì trì tụng, ngày thì lang thang khắp nơitrông hình dung nhớp nhúa, tóc xù, áo quần không có phải đóng khố, trẻ con trông thấy đều sợ hãi (cái danh từ “ông ba bị” để dọa trẻ con có từ thời ấy - khoảng đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777).

Khi tu hành đã đắc đạo, ngài tâu xin lập hỏa đàn ở chùa Thiên Mụ, bố cáo cho thiên hạ biết. Khi mọi người xin ngài lưu lại cho một chút di thể, thì ngài đưa lên một ngón tay. Khi đốt, lửa bốc theo gió lệch cái mũ Quan âm của ngài đội do vua ban, ngài lấy tay sửa lại, miệng luôn luôn tụng kinh. Người đi xem đông như kiến, giành nhau lấy trầm hương liệng vào hỏa đàn. Thiêu xong, quả nhiên còn một ngón tay không cháy. Người ta nhặt tro ấy xây tháp thờ ở bên chùa Thiên Mụ .

Bấy giờ ngài Pháp Vân Hòa thượng có tặng ngài bài thơ rằng :

Kỷ niên y bát ký phong trần,

Đốn ngộ thuyền cơ nguyện hóa thân.

Mộng huyễn hình hài túng liệt diệm,

Sắc không tâm sự phú yên vân.

Thần thê Tây độ niên niên tại,

Danh bá thuyền môn nhật nhật tân.

Kim cổ nhàn khan đàm tiếu lý,

Bất tri như thử hữu hà nhân ?

Dịch :

Phong trần lẫn bấy nhiêu năm,

Ngộ được cơ thuyền chết cũng cam.

Ngọn lửa đột tàn thân ảo mộng,

Làn mây bay với niệm từ đam.

Tinh thần phảng phất miền Tây độ,

Danh tiếng vang lừng đất Việt Nam.

Dở chuyện xưa nay xem lại thử,

Những người như thế có bao lăm ?

Bùi Đăng Tường: Ngài người tỉnh Quảng Nghĩa, huyện Bình Sơn; năm 12 tuổi đầu thuyền tại chùa Phổ Phước. Ngài tu hành rất chân chánh, trì giới rất tinh nghiêm. Vua tặng chức Hòa thượng và ban pháp hiệu là Long Kỳ Đại Sư.

Khoảng năm Quý Tỵ (1773) đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777) (sau truy tôn Duệ Tôn Hoàng Đế), bị giặc Tây Sơn xướng loạn, ngài bèn lén vào kinh sư chịu mật chỉ về nhóm họp các Tăng đồ, chiêu mộ nghĩa dõng, đồng lòng dẹp giặc. Vua phong cho ngài làm chức « Khâm Sai Vệ Quốc Soái ». Sau ngài cùng với giặc đánh nhau tại Quảng Nam vừa mất.

Dưới đây là những việc làm của Nguyễn chúa trong thời này :

Năm Tân Sửu thứ 14 (1601) đời chúa Nguyễn Hoàng (sau truy tôn Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế) dựng nên chùa Thiên Mụ[9] .Tục truyền : « Trước đó dân quanh vùng có thấy một bà già mặc áo đỏ, ngồi trên cái đồi đất ấy, nói rằng: rồi đây sẽ có một vị chân chủ đến cai trị, lập chùa ở đây để cho tụ linh khí, vững bền long mạch. »  Nói xong, bà già biến mất. Sau chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, nhân dân thường gọi là chúa Tiên, nghe chuyện ấy liền lập chùa và đặt tên là Thiên Mụ (nghĩa là bà già linh thiêng ở trên trời).

Năm ất Tỵ (1665), năm thứ 17 đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) (sau truy tôn Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Đế), sắc sùng tu chùa Thiên Mụ. Nhưng nhất là đến đời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) (sau truy tôn Hiền Tôn Hiếu Minh Hoàng đế), chùa Thiên Mụ mới hoàn thành.

Vua là người rất sốt sắng cùng đạo Phật, trong một thời gian dài ở ngôi, biết bao nhiêu chùa tháp bởi vua dựng nên hay sửa lại. Sử chép về khoảng vua sùng tu chùa Thiên Mụ rằng :

“Năm Canh Dần thứ 19 (1710), đời chúa Nguyễn Minh Vương, mùa hạ tháng tư, sau khi trùng tu chùa Thiên Mụ xong rồi, vua sắc đúc một quả chuông lớn nặng 3.285 cân. Chuông ấy hiện nay hãy còn, khắc đề năm Canh Dần (1710) vào khoảng Vĩnh Thạnh (1705-1719 ) đời vua Lê Dũ Tôn năm thứ 6 (1710) .

Năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Thạnh Lê Dũ Tôn, vua Nguyễn Minh Vương lại gởi mua bên Trung Hoa ba Tạng Kinh, Luật, Luận, đem về để ở chùa.

Vào khoảng năm 1738-1744, Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt sắc trùng tu chùa Thiên Mụ rất là tráng lệ và sai người qua Trung Hoa thỉnh Đại Tạng kinh hơn 1.000 bộ về để tại chùa. Võ Vương là người mộ đạo, ngài tự hiệu là “Thiên Túng đạo nhân”.

Xem vậy đủ thấy Phật giáo ở thời này lại có cơ phục hưng. Lại nhận thấy một điều: trước ngài Liễu Quán thì phần nhiều các Thiền sư ở đàng trong là người Trung Hoa cả. Xét ngay sử Trung Hoa thì bấy giờ (đời chúa Nguyễn Phúc Hoạt) (1738 - 1765) vua Trung Hoa là Thanh Cao Tôn (tức Càn Long) (1736 -1785).

Lại xét Phật giáo sử của Trung Quốc thấy chép: “Một đời nhà Thanh, vua Thái Tổ, vua Cao Tôn hết sức phục hưng Nho giáo, đối với Phật giáo tuy có ý bảo hộ, nhưng không được chu đáo lắm. Còn về Lạt Ma giáo thì giữ theo chánh sách nhà Nguyễn.” Lại chép: « Đương thời tuy vẫn có các tôn: Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Mật, Thiền, Pháp tướng, Tịnh độ v.v...nhưng thật Tăng đồ ít ai thấu hiểu đốn giáo lý, vì Phật giáo đã tới thời đại suy đồi rồi » [10].

Phật giáo ở Trung Quốc bấy giờ suy đồi cũng là bởi trong nước không yên, suốt một đời vua Càn Long, chẳng mấy lúc được thái bình. Những bậc Cao Tăng thấy Tăng đồ trong nước ngày một suy đồi, nên mới đi sang nước ta để giáo hóa.

Cứ xem khắp giải Trung kỳ ngày nay, có bao nhiêu chùa còn di tích, rất nhiều là của các Thiền sư người Trung Hoa lập ra, thời đủ biết tình hình Phật giáo thời ấy.

Trong triều Nguyễn chúa, lại có mấy lần đi cầu kinh, đều không đủ Ba tạng, nhưng cũng còn bù được chút ít vào số kinh sách đã bị nhà Minh tịch thu.
 

[1] Xem bản đồ A

[2] Chữ  thầy đây là chỉ cho Đạo.

 [3] Xem phụ lục ở sau.

 [4]  Như trên.

 [5]  Người Trung Hoa.

 [6] Cũng người Trung Hoa, ở chùa Báo Quốc

 [7] Của người trước dịch sẵn

 [8] Chùa này do ngài khai sơn, nhưng hiện nay không biết rõ là bắt đầu từ năm nào, chỉ thâý nơi bức biển chùa và nơi đại hồng chung đều đề là Cảnh Hưng bát niên (niên hiệu Cảnh Hưng thứ tám). Nhưng xét ra năm ấy không phải là năm bắt đầu gây dựng chùa Thiền Tôn. Mà có lẽ đâu khoảng Vĩnh Thạnh từ niên (niên hiệu Vĩnh thạnh thứ tư đời vua Lê Dụ Tôn – l708) sau khi ngài ra Long Sơn cầu Hòa thượng ấn chứng. Bấy giờ chỉ là một cái am nhỏ vừa để ẩn tu rồi sau dần dần mới trở về một ngôi chùa to lớn có đại hồng chung, có biển sắc Tứ . Sự chứng cớ rõ ràng là ngài tịch vào năm Cảnh Hưng tam niêm (1742). Như vậy ta đủ thấy khởi nguyên chùa Thiền Tôn không phải bắt đầu từ năm ấy (Cảnh Hưng bát niên )

 [9] Trong bộ « Quốc Triều tiên biến toát yếu » quyển 1 trang 10 chép năm Tân Sửu thứ  44 đức Triệu Tổ Tịnh Hoàng đế dựng chùa Thiên Mụ. Nhưng xét đời Triệu Tổ chưa hề vào trấn đất này, lấy đâu mà lập chùa Thiên Mụ ? Và năm Tân Sửu thứ 44, thuộc về đời chúa Nguyễn Hoàng, phải đâu là Triệu Tổ.

 [10] Xem đoạn Phật giáo ở Trung Quốc