Lịch sử phật giáo Việt Nam
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
Tác giả: Thích Mật Thể
29/10/2554 06:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

II.3 Chương ba: Phật giáo đời nhà Đinh và đời Tiền Lê

Ngô Vương làm vua được 6 năm thì mất vào năm Giáp Thìn (944), có ủy thác con là Ngô Xương Ngập cho Dương Tam Kha, em của Dương Hậu, Tam Kha cướp quyền cháu, tự xưng làm Bình Vương. Sau em Xương Ngập là Xương Văn cướp ngôi lại và cùng làm  vua, tức Hậu Ngô Vương. Được 4 năm Xương Ngập mất, Xương Văn làm vua được 15 năm cũng bị chết trận vì vua thường phải thân chinh đi dẹp loạn. Bấy giờ là năm Ất Sửu (965). Trong thời Hậu Ngô Vương,  nước ta có cái loạn Thập nhị xứ quân, dân tình rất là khổ sở. 

Sau có Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh nổi lên phục được tất cả các sứ quân và lên ngôi Hoàng Đế, tức là Tiên Hoàng Đế nhà Đinh, lấy niên hiệu là Thái Bình nguyên niên (970). 

Vua sai sứ sang thông hiếu với Tống triều bên Trung Hoa và sửa sang việc nước, trừ diệt hết những sự tham nhũng, định lại việc triều chính.

Nước ta từ lâu đã có Nho giáo, Lão giáo ở Trung Hoa truyền sang, nhưng thật ra hai giáo ấy chưa được phổ cập hết dân chúng bằng Phật giáo, nên thời ấy có thể gọi là thời đại Phật giáo độc tôn. Văn hóa trong lược hình như hầu hết ở trong các Tăng sĩ cả. Nên

khi Tiên Hoàng Đế định giai cấp văn võ, thì ngài triệu tất cả Tăng sĩ lỗi lạc vào hàng Thái miếu và dính phẩm trật cho các Tăng-già. Ngài tặng chức Khuông Việt Thái sư cho Pháp sư Ngô Chân Lưu, Pháp sư Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ và Pháp sư Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân uy nghi.

Phật giáo ở nước ta được triều đình công nhận từ đó và Tăng sĩ có định giai phẩm khi ấy cũng là lần đầu tiên. Phật giáo sử lại thêm được giai đoạn vẽ vang. Và cứ xem một vị Tăng Thống được phong đến chức Thái sư thì đủ đoán được tình hình Phật giáo về đời nhà Đinh lại bắt đầu thạnh hơn trước vậy.

Nhà Đinh mất, nhà Tiền Lê (Lê Đại Hành) lên thay để chống với quân nhà Tống (980). Triều này các Tăng sĩ cũng được biệt đãi. Đại Hành thường triệu các vị Tăng Thống vào triều để hỏi việc nước và Phật giáo.

Niên hiệu ứng Thiên thứ 14 (l008), sau khi nước ta đã hòa với Tống rồi, vua Đại Hành sắc ông Minh Xưởng và ông Hoàng Thành Nhã sang sứ nước Trung Hoa, cống hiến đồ thô sản và xin vua Tống ban cho bộ “Cửu kinh” và “Đại Tạng kinh”. Vua Tống trao cho những bộ ấy và cho sứ giả đưa về. Đó là lần đầu  tiên nước ta cho người sang cầu kinh bên Trung Hoa vậy.

Khuông Việt Thái Sư : Ngài họ Ngô, pháp hiệu là Chân Lưu, quê ở làng Cát Lỵ (?), Trú trì ở chùa Phật Đà. Thuở nhỏ ngài theo Nho học; lớn lên thọ giới với Vân Phong Thiền sư ở chùa Khai Quốc. Từ đó ngài đọc khắp kinh điển nhà Phật, hiểu được mọi lẽ cốt yếu của Thiền Tôn, tiếng tăm lừng lẫy trong nước. Năm ngài 40 tuổi, vua Đinh Tiên Hoàng mời vào hỏi đạo, ngài ứng đối tinh tường. Vua rất lấy làm mến phục, bèn phong làm chức Tăng Thống. Năm sau, niên hiệu Thái Bình thứ 2 (971), vua lại phong là Khuông Việt Thái sư (Khuông Việt nghĩa là giúp đỡ sửa sang nước Việt). 

Đến đời vua Lê Đại Hành, ngài lại càng được kính trọng lắm. Bao nhiêu việc quân việc nước vua thường triệu ngài đến hỏi. 

Năm Thiên Phúc thứ 7 nhà Tiền Lê (986), nhà Tống sai sứ Trung Hoa là Lý Giác sang nước ta, vua Đại Hành liền sắc Khuông Việt Thái sư ra đón tiếp và ứng đối. Khi Lý Giác về Trung Hoa có để lại một bài thơ rằng :

Hạnh ngộ minh thời tán thạnh du,

Nhất thâu lưỡng độ sứ Giao Châu

Đông đô tái biệt tâm vưu luyến,

Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu,

Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,

Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu

Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,

Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.

Dịch :

May gặp minh quân giúp việc làm,

Một mình hai lượt sứ miền Nam.

Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ,

Muôn dặm non sông mắt chữa nhàm.

Ngựa đạp mây bay qua suối đá,

xe vòng núi chạy tới giòng lam,

Ngoài trời lại có trời soi rạng,

Vừng nguyệt trong in ngọn sóng đầm.

Vua Đại Hành đưa bài thơ ấy cho ngài, hỏi xem có ý gì không ? Ngài tâu :

- Câu thứ bảy sứ Trung Hoa có ý tôn Bệ hạ cũng như Vua của họ vậy.

Vua Đại Hành bèn nhờ ngài làm một bài tiễn Lý Giác. Ngài vâng mệnh làm một bài từ theo điệu « Tống vương lang qui » :

Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,

Thần tiên phục đế hương.

Thiên lý vạn lý thiệp thương lảng, (đọc : lương)

Cửu thiên qui lộ trường

Nhân tình thảm thiết đối ly trường.

Phan luyến sứ tinh lang.

Nguyện tương thâm ý vị nam cương,

Phân minh tấu ngã hoàng.

Dịch :

Gió hòa phấp phới chiếc buồm hoa,

Thần tiên trở lại nhà.

Đường muôn nghìn dặm trải phong ba,

Cửa trời nhắm đường xa.

Một chén quan hà dạ thiết tha,

Thương nhớ biệt bao là.

Nỗi niềm xin nhớ cõi Nam Hà,

Bày tỏ với vua ta.

Ngài ở triều được ít lâu thì lấy cớ già yếu xin cáo về, dựng một ngôi chùa ở núi Du hý. Ở đó ngài mở trường giảng học, học trò đến học rất đông; có Đa Bảo Thiền sư là đệ tử thân tín của ngài, sau được truyền tâm pháp.

Ngày 15 tháng 2, niên hiệu Thuận Thiên thứ hai đời nhà Lý, ngài gọi Đa Bảo Thiền sư đến đọc bài kệ rằng :

Mộc trung nguyên hữu hỏa,

Nguyên hỏa phục hoàn sanh.

Nhược vị mộc vô hỏa,

Toàn toại hà do manh ?

Dịch :

Trong cây vốn có lửa,

Tia lửa mới sáng lòa,

Nếu bảo cây không lửa,

Cọ xát sao lại ra ?

Đa Bảo Thiền sư hiểu thâm ý của Sư phụ, liền sụp xuống lạy. Khuông Việt Thái sư chấp tay lại mà tịch. Ngài thọ 81 tuổi[1] Ngài tức là đời pháp truyền thống thứ tư của phái Vô Ngôn Thông Thiền sư vậy:

Pháp Thuận Thiền sư : Ngài giòng họ Đỗ, không rõ quê quán ở đâu, ngài xuất gia thuở nhỏ, thọ giáo với Long Thọ Phù Trì Thiền sư. Khi nhà Tiền Lê mới thành nghiệp, ngài thường được mời vào triều để luận bàn việc chính trị và ngoại giao. Vua Đại Hành thường gọi là Đỗ Pháp Sư chứ không dám gọi chính tên. Năm Thiên Phúc thứ 7 (986), nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang nước ta, vua sắc ngài cải trang làm phu chèo đò cho sứ giả. Tình cờ lúc ấy có hai con ngỗng đi ở mặt nước, Lý Giác liền ngâm rằng :

Nga nga lưỡng nga nga,

Ngưỡng diện hướng thiên nha.

Dịch :

Song song ngỗng một đôi,

Ngửa mặt ngó ven trời.

Pháp sư đang cầm chèo liền đọc tiếp :

Bạch mao phô lục thủy,

Hồng trạo bải thanh ba.

Dịch :

Lông trắng phơi gióng biếc,

Sóng xanh chân hồng bơi.

Lý Giác thán phục lắm.

Vua Đại Hành thường hỏi ngài về ngôi nước dài ngắn thế nào ? Ngài liền đọc bài kệ rằng:

Quốc tộ như đằng lạc, 

Nam thiên lý thái bình, 

Vô vi cư điện các, 

Xứ xứ tức đao binh.

Dịch : 

Ngôi nước như dây quấn, 

Trời Nam mở thái bình, 

Trên điện không sanh sự, 

Đâu đó dứt đao binh. 

Niên hiệu Hưng Thống nhà Tiền Lê năm thứ hai (990), ngài không bịnh mà tịch, thọ 76 tuổi. Ngài có làm quyển “Bồ-tát hiệu sám hối văn”, còn truyền lại. 

Ngài là đời pháp truyền thống thứ mười của phái Tì Ni Đa Lưu Chi vậy.

Đọc hai ngài trên đây, ta đủ rõ về thời ấy, trong nước chỉ có những vị Tăng Thống mới là bậc bác học.

Ngày xưa mỗi khi tiếp sứ Trung Hoa, vua ta thường phải chọn những người lỗi lạc uyên bác ra tiếp, mà khi vị Thiền sư cũng được cử vào việc ấy, đủ biết văn hóa trong nước hầu hết do ở các Tăng sĩ cả. Những Pháp sư ấy lại mở trường giáo hóa Tăng chúng, nên ta có thể đoán thời ấy Phật giáo ở ta dân chúng hiểu biết lắm vậy. Vả thời ấy có thể gọi là thời đại luật giáo thịnh nhất. Vua tin theo, triều đình ủng hộ, lại có sứ đi cầu kinh, tất nhân dân ai ai cũng phải biết.

Nhưng đến cuối đời Tiền Lê, Phật giáo có lẽ mất thế lực vì ông vua bạc nhược và khôi hài : Lê Long Đĩnh (Ngọa Triều : 1005 – l009).

“Long Đĩnh là người bạo ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa. Khi đã giết anh (Lê Trung Tôn con Lê Đại Hành) rồi lên làm vua và thường cứ lấy sự giết người làm  trò chơi : Có khi những tù phạm phải tội hình thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đưa đốt sống; có khi bắt tù trèo lên cây rồi sai người chặt gốc cho cây đổ; có khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông; hoặc bắt các nhà sư rồi lấy mía để lên đầu mà róc vỏ, thỉnh thoảng giả vờ lấy tay bổ dao xuống đầu, trông thấy máu chảy ra thì lấy làm vui cười.

Còn khi ra buổi chầu, có ai tâu sớ điều gì thì cho những người hề nói khôi hài hay là nhái tiếng làm trò.”[2]

Với một ông vua đồi bại như thế, dù có những ngài Tăng Thống dự vào triều chính cũng vị tất đã dám đem những chuyện Phật giáo để cho vua được dịp làm trò.

Cũng may, Ngọa Triều làm vua được có 4 năm thì mất, để Lý Công Uẩn là người của Phật giáo lên làm vua, gây nghiệp nhà Lý và gây cho Phật giáo một thời đại cực thạnh.
 
 
 

[1] Có sách nói ngài thọ 79 hoặc 52 tuổi. Sách « Le Bouddhisme en An-nam » củaTrần Văn Giáp tiên sanh cũng chép ngài thọ 52 tuổi. nhưng cứ tính năm ngài tịch là năm Thuận Thiên thứ hai nhà Lý (1011) trở lại năm Thái Bình thứ hai đời nhà Đinh (971) là 40 năm. Vậy sách nào cũng nói năm Thái bình nguyên niên (970) ngài được phong chức Tăng Thông và năm sau (971) ngài được phongchức Khuông Việt Thái sư (Sách lại nói năm trước ngài 40 tuổi. năm sau tất 41tuổi) vậy phải là ngài thọ 81 tuổi mới đúng (40 + 41 = 81), nếu bảo ngài thọ 51tuổi thì năm lên 10 tuổi ngài đã được phong Thái sư ? Có lẽ nào ?

 [2] Trích “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim