Lịch sử phật giáo Việt Nam
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
Tác giả: Thích Mật Thể
29/10/2554 06:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

I.4 Chương tư: IV. Tôn phái truyền vào Việt Nam

Như chương trước đã nói, sau khi Phật Niết-bàn, Phật giáo ở ấn Độ lần lượt chia thành 20 bộ phái, đến khi truyền qua Trung Hoa, vì chỗ xu hướng của lòng người và sự phát triển của dân trí về mỗi thời đại có khác, nên các ngài cũng tùy theo đó mà lập thành các tôn.

Xét Phật giáo ở Việt Nam ta sau thời đại du nhập, rất chịu ảnh hưởng Phật giáo của Trung Hoa, nên những kinh điển, tôn phái đều do ở Trung Hoa truyền sang. Nhưng trong các tôn Phật giáo ở Trung Hoa, Việt Nam ta chỉ đắc truyền có một Thiền tôn, tuy kinh điển vẫn truyền đủ. Nói vậy chừng có hơi nghiêm khắc quá. Nghĩa là tôi muốn nói thêm : ngoài ra trong các thời đại cũng có người tu về Tịnh độ tôn, Mật tôn chứ không phải không không, nhưng thiết tưởng đó chỉ là học thấy trong kinh điển rồi làm theo, đâu có truyền thống rõ rệt.

Nói về khởi điểm của Thiền tôn : Bắt đầu Phật ở trong hội Linh Sơn, cầm Hoa sen khai thị cho trong chúng, bấy giờ chỉ có ngài Ca Diếp ngộ được chân lý của Phật, mĩm cười, Phật liền bảo : “Ta có Chánh  pháp, Nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, pháp môn vi  diệu, thật tướng vô tướng, nay đem phú chúc cho Ma- ha Ca Diếp”[1] 

Ấy là nguồn gốc phát khởi của Thiền Tôn. Sau  ngài Ca Diếp truyền cho ngài A-nan, rồi lần lượt  truyền đến đời Tổ thứ 28 là Bồ-đề Đạt-ma tôn giả.  Về đời vua Lương Võ Đế (TL. 528), ngài Đạt-ma từ Tây Trúc qua Trung Hoa truyền pháp. Ấy là vị Tổ đầu tiên về phái Thiền Tôn ở Trung Hoa. Ngài Huệ Khả kế thừa làm Tổ thứ hai, ngài Tăng Xáng là Tổ thứ ba, ngài Đạo Tín là Tổ thứ tư. Đồng thời với ngài Đạo Tín có ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi, sau qua truyền pháp làm Tổ thứ nhất về phái Thiền Tôn ở Việt Nam. Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền cho ngài Pháp Hiền lập thành một phái Thiền Tôn. 

Đến đời thuộc Đường (820) lại có ngài Vô Ngôn Thông người Trung Hoa qua truyền pháp, lập thành phái Thiền Tôn thứ hai. Rồi lần hồi đến phái Thảo Đường, Tào Động, Lâm Tế v.v . . . truớc sau nước ta chỉ thấy có một tôn phái Thiền Tôn. 

Gần đây, nhơn phong trào Phật giáo chấn hưng, và dân trí Việt Nam ngày nay đã có chiều hướng muốn tham bác về các học thuật, nên đối với các tôn Phật giáo ở Trung Hoa, Tăng đồ Phật giáo Việt Nam ta đã có người lưu tâm nghiên cứu, chắc rằng tương lai tinh thần giáo nghĩa của Phật giáo sẽ được mở mang ở ta nhiều.
 
 
 

[1] Trong kinh Phạn vương vấn Phật quyết nghi