Lịch sử phật giáo Việt Nam
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược
Tác giả: Thích Mật Thể
29/10/2554 06:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

II.10 Chương mười: Phật giáo hiện đại

PHẬT GIÁO HIỆN ĐẠI.

Tuy nhiên, ít năm trước ở Bắc cũng có Cụ tổ Vĩnh Nghiêm (Thanh Hanh), sư cụ Tổ Các (Phan Trung Thứ), sư cụ Bằng Sở (Dương Văn Hiển); ở Trung có ngài Tâm Tịnh, ngài Huệ Pháp, ngài Phước Huệ; ở Nam có ngài Khánh Hòa thỉnh thoảng mở trường giảng dạy. Nhờ vậy, đạo pháp cũng còn lưu lại ảnh hưởng chút ít.

Lại cách đây trên 10 năm, nhờ ảnh hưởng chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa mà nước ta lại có phong trào vận động chấn hưng Phật giáo. Những người khởi xướng đầu tiên là ngài Khánh Hòa và sư Thiện Chiếu (sau vì trong công việc vận động phải bị nhiều trở lực, ngài Thiện Chiếu đã tức giận bỏ về tục) cùng các ngài Tăng-già, cư sĩ khác lập thành Nam kỳ nghiên cứu Phật học hội (1931) ở Nam. Rồi lần đến Trung kỳ có ngài Giác Tiên, ông Lê Đình Thám (cư sĩ) ban đầu mở đạo trường ở chùa Trúc Lâm, mời ngài Phước Huệ chùa Thập Tháp - Bình Định làm chủ giảng; sau lần đến nhóm cư sĩ lập thành Phật học hội (1932); ở Bắc có sư Trí Hải cùng cụ Nguyễn Năng Quốc và các ngài Đại đức, cư sĩ khác lập Bắc kỳ Phật giáo Tổng hội (1934).

Ba miền đều có mở đạo trường cả, ở Bắc có trường Tăng ở chùa Quán Sứ, trọng Ni ở chùa Bồ-đề đo Bắc kỳ Phật giáo hội tổ chức; ở Trung có Phật học viện ở chùa Tây Thiên, đầu tiên do các thầy Đại đức và một nhóm thanh niên trong Sơn môn tổ chức, hiện nay đã giao lại cho toàn thể Sơn môn quản cố; lại có Phật học viện ở chùa Báo Quốc do Phật học hội tổ chức, duyên khởi thành lập đầu tiên là thầy Giảng sư Mật Khế, và trường Ni ở chùa Diệu Đức do một nhóm nữ cư sĩ tổ chức; trong Nam thì có Phật học viện do hội Lưỡng Xuyên Phật học Trà Vinh tổ chức.

Ngoài ra, hội nào cũng xuất bản tạp chí để hoằng dương Phật pháp; ở Nam có báo Từ Bi âm, Duy Tân; ở Trung có tạp chí Viên âm; ở Bắc có báo Đuốc Tuệ .v..v Thỉnh thoảng lại có một vài vị sư trí thức và những nhà cư sĩ, học giả ở ngoài cũng viết sách truyền bá Phật lý . . .

Nói tóm lại thì Phật giáo hiện thời đã có phần chấn hưng. Nhưng có một trở lực mà chưa có Hội nào hay một Sơn môn nào giải quyết, là: Cổ động thì hội nào cũng cổ động bằng Quốc văn là nền văn phổ thông, nhưng kho kinh điển triết lý nhà Phật vẫn còn nguyên khối bằng Hán văn .Vả dấu tích đồi bại điêu tàn của ngày qua, hiện nay vẫn còn lưu hành lại rõ rệt và có thế lực. Nên thật ra cả mấy hội Phật học ấy ngoài mấy việc xây hội quán, làm chùa và cổ động một số đông người quy y, còn chưa hội nào làm được việc gì vĩ đại có vẻ đỉnh cách cho nền Phật giáo cả.

Trong lúc này, đại đa số Tăng đồ trong các Sơn môn vẫn đương mơ màng thiêm thiếp, chưa làm một việc gì tỏ rõ là người đã thức tỉnh. Cho nên tuy hiện giờ có phong trào chấn hưng mà kỳ thực mới là chấn hưng hình thức và danh hiệu.

Một nền Phật giáo chỉnh đốn, in tuồng đương đợi một cuộc tổ chức tương lai do một phương pháp cải tạo hoàn toàn chơn chánh.

Chúng tôi rất mong . . .
 
 


Phụ lục

NHỮNG GIÒNG KỆ CỦA CÁC PHÁI

Những giòng kệ của các phái Thuyền tôn hiện hành trong Phật giáo xứ ta (những giòng kệ ấy cũng như những giòng chữ Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh...của bên Hoàng phái vậy) đối với lịch sử Phật giáo không có gì quan hệ lắm, tuy những chữ ấy là để đánh dấu sự truyền thống về mỗi đời. Nhưng xét hiện nay nó vẫn có thế lực nhiều các Tăng đồ, tín đồ khi quy y, thọ ký vẫn lấy đó làm thứ lớp mà đặt pháp danh. Nên nay nhân tiện cũng xin phụ lục ra đây để người đồng đạo xem qua cho biết.

*

Xét ngài Nghĩa Huyền lập tôn Lâm Tế truyền đến đời 21 là ngài Vạn Phong Thời ủy ở chùa Thiên Đồng (Trung Hoa) xuất ra bài kệ :

Tổ đạo giới định tôn,

Phương Quảng chứng viên thông,

Hạnh viên minh thực tế,

Liễu đạt ngộ chân không.

Như nhật quang thường chiếu.

Phổ châu lợi ích đồng

Tín hương sanh phước huệ,

Tương kế chấn từ phong.

Đại ý :

Tông giới đinh tuệ của Tổ đạo

Động lớn chứng viên thông

Hạnh sáng vượt thực tế

Đạt ngộ được chân không.

Như ánh mặt trời thường chiếu sáng

Khắp nơi đều được lợi ích như nhau,

Hương thơm của lòng tin sanh phước huệ

Tương tục làm hưng thịnh ngọn gió từ.

(Nguyên Lệ dịch để tham khảo năm 2004).

Bài kệ này có chỗ chép 4 câu, có chỗ chép cả 8 câu. Có nhiều ngài nói nguyên bài kệ chỉ có 4 câu đầu, còn 4 câu sau là người sau nối thêm, mà có lẽ là ngài Minh Lý chùa Thập Tháp Bình Định (xem lại bản đồ H).

Truyền đến đời 22 là ngài Bảo Tạng cho đến đời 31 là ngài Đạo Mân (ở chùa Thiên Khai, Trung Hoa), ngài xây lại chia ra giòng kệ khác :

Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên,

Minh như hồng nhật lệ trung thiên.

Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ,

Chiếu thể chân đăng vạn cổ huyền.

Đại ý :

Gốc đạo vốn thành Phật, Tổ tiên,

Sáng như mặt trời đỏ rực rỡ giữa không trung,

Nguồn linh thấm rộng, từ phong lan tỏa,

Ngọn đèn chân thật chiếu sáng thế gian vẫn treo cao muôn đời.

(Nguyên Lệ dịch để tham khảo năm 2004).

Ngài này truyền cho ngài Bổn Khao Khoán Viên, ngài Khoán Viên truyền cho ngài Hoán Bích Nguyên Thiều Siêu Bạch, ngài Siêu Bạch truyền cho ngài Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Trí, Minh Hành Tại Toại v.v. . .

Ngài Tử Dung Minh Hoằng truyền cho ngài Thiệt Diệu Liễu Quán (ngài này khai sơn chùa Thuyền Tôn có tục bài kệ - xem truyện ngài ở trước).

Ngài Minh Hải Pháp Bảo người Phúc Kiến, qua An-nam ở tỉnh Quảng Nam khai sơn chùa Chúc Thánh biệt xuất một giòng kệ :

Minh thiệt pháp toàn chương

Ấn chân như thị đồng,

Chúc Thánh thọ thiên cửu,

Kỳ quốc tộ địa trường

Đắc chánh luật vi tuyên,

Tổ đạo hạnh giải thông.

Giác hoa Bồ-đề thọ,

Sung mãn nhơn thiên trung.

Đại ý :

Hiểu thấu pháp chân thật,

Ấn Chân như hiện tiền.

Cầu Thánh quân tuổi thọ,

Chúc đất nước vững bền.

Giới luật nêu trước tiên,

Giải và hạnh nối liền.

Hoa nở cây giác ngộ,

Hương thơm lừng nhân thiên.

(Nguyễn Lang, sđd, tr. 594).

Ngài Minh Vật Nhất Trí truyền cho đời 35 là ngài Thiệt Thoại Tánh Tường, đời 36 ngài Tế Giác Quảng Châu cho đến đời 41 ngài Trí Thắng.

Bích Dung lại biệt xuất giòng kệ :

Trí huệ thanh tịnh,

Đạo đức viên minh.

Chân như tánh hải,

Tịch chiếu phổ thông.

Tâm nguyên quảng tục,

Bổn giác xương long.

Nặng nhơn thánh quả,

Thường diễn khoan hoằng.

Duy truyền pháp ấn,

Chánh ngộ hội dung.

Kiên trì giới hạnh,

Vĩnh kế tổ tông.

Đại ý :

Trí huệ thanh tịnh

Đạo đức viên minh

Bổn tánh của chân như

Lặng chiếu khắp tất cả

Nguồn tâm tiếp tục mở rộng

Gốc giác được hưng thịnh

Thánh quả bậc Năng nhân

Mãi tiếp tục mở rộng

Nhằm truyền pháp ấn

Giác ngộ ngân chánh được dung hội

Kiên trì giới hạnh .

Mãi nối tiếp tổ tông.

(Nguyên Lệ dịch để tham khảo năm 2004).

Ngài Minh Hành Tại Toại ở Nhạn Tháp Bắc kỳ cũng biệt xuất một giòng kệ :

Minh chân như bảo hải,

Kim tường phổ chiếu thông.

Chí đạo thành chánh quả,

Giác ngộ chứng chân không.

Đại ý :

Làm sáng tỏ biển báu của chân như

Điềm lành quí báu chiếu khắp

Đạo rốt ráo thành chánh quả

Giác ngộ chân không.

(Nguyên Lệ dịch để tham khảo năm 2004).

Lại xét ngài Thanh Nguyên Hành Tư Thiền sư học trò ngài Lục Tổ, ngài Thanh Nguyên bắt đầu truyền cho ngài Thạch Đầu Hy Thiên, ngài Hy Thiên truyền cho ngài Tịnh Trì Lương Giới hòa thượng ở Đông sơn lập ra tôn Tào Động, rồi truyền cho ngài Tri Giao Nhất Cú. Ngài Nhất Cú có xuất bài kệ :

Tịnh Trí viên thông tôn từ tánh,

Khoan giác đạo sanh thị chánh tôn.

Mậl hành nhơn đức xưng lương huệ,

Đăng phổ chiếu, hoằng pháp vĩnh trường.

Đại ý :

Trí thanh tịnh viên thông, tánh từ bi cao tột

Sanh vào con đường giác ngộ rộng rãi là tâm chân chánh

Mật hạnh nhân từ gọi là trí tuệ thiện lành

Đèn chiếu khắp nơi, hoằng pháp mãi mãi.

(Nguyên Lệ dịch để tham khảo năm 2004).

Ngài này sau qua An-nam truyền tâm pháp cho ngài Thủy Nguyệt, Thủy Nguyệt truyền cho Tôn Điển v.v...

Và các giòng phái như trên, giòng Lâm Tế truyền ở Trung kỳ rất nhiều; hiện nay khắp ở Trung Nam. Còn giòng Tào Động truyền ở Bắc rất thạnh.

*

Tư liệu nghiên cứu về:[1]

A. Tổ Nguyên Thiều

1. Tiểu sử chùa Quốc ân [2]

Chùa Quốc ân là một Tổ Đình lớn và xưa nhất của Phật giáo Thuận Hóa. Vào cuối thế kỷ thứ XVII, một Thiền sư Trung Quốc từ Quy Ninh ra, vào cửa Tư Dung lên ở chùa Phổ Thành, Hà Trung một thời gian, rồi lại lên tại chân đồi Hòn Thiên cắm tích trượng, dựng thảo am Vĩnh Ân. Vị Thiền sư đó chính là ngài Hoán Bích mà người ta thường gọi là Tổ Nguyên Thiều. Thảo am được dựng trong khoảng 1682 đến 1684. Thời gian này đang ở vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Vào đời chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) niên hiệu Chính Hòa năm thứ 10 (1689) của vua Lê Hy Tông nhà hậu Lê, ngày 27-5 Kỷ Tỵ, chúa đã phê chuẩn một sắc lệnh miễn giảm tất cả thuế đất ruộng cho nhà chùa và đổi hiệu chùa thành “Quốc Ân Tự”, chúa lại phái ngài Nguyên Thiều Hoán Bích sang Trung Quốc thỉnh danh Tăng về lập giới đàn, nhưng ngài Thạch Liêm không qua vào thời gian này. Khi về, Tổ Nguyên Thiều chi thỉnh về được nhiều pháp khí và Phật  tượng...có lẽ sau chuyến này thì ngài được chúa Nguyễn phái về trú trì chùa Hà Trung.

Tổ Nguyên Thiều viên tịch ngày 19-10 Mậu Thân-Tây lịch là ngày 20-1- 1728. Tháp ngài hiện nay ở phía nam Đàn Nam Giao, ấp Thượng Một, thôn Dương Xuân Thượng. Toàn bộ cảnh tháp cổ còn nguyên vẹn. Ở bình phong phía trong cửa tháp dày độ 0m60 và cao hơn lm30, có xây cứng một tấm bia. Đấy là bia của “Đại Việt Quốc Vương” tức chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) ban thụy hiệu cho Tổ là “Hạnh Đoan Thiền sư”. Tên bia là “Sắc tứ Hà Trung Tự Hoán Bích thiền sư tháp Ký Minh”. Lạc khoản: “Bảo Thái thập niên tứ nguyệt sơ bát nhật ban phụng lập". Bảo Thái là niên hiệu thứ hai (1720-1729) của vua Lê Dụ Tông ở Thăng Long-Bắc Hà, các chúa Nguyễn tuy cát cứ phương Nam, song vẫn dùng niên hiệu vua Lê để tỏ ý “phù Lê diệt Trịnh”. Chúa Ninh Vương (viết N) để khỏi lầm với chúa Minh Vương (viết M) là Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Khi Trú trì chùa Quốc Ân, Tổ Nguyên Thiều có xây một tháp Phổ Động tại đây. Nhưng đến đời Tây Sơn, tháp bị đổ nát. Về sau, lúc trùng kiến chùa, người ta không xây lại tháp nữa.

Tại chùa Quốc Ân hiện nay, về phía tay phải sân (đi vào) có tấm bia đá, người ta thường gọi là bia Quốc Ân. Bia này chính là bia ở tháp Tổ được Hòa thượng Liễu Nhơn Từ Hiếu sao chép nguyên văn và cho khắc lại y như nguyên bản cách khắc ở bia tháp cổ. Vào năm 1914, bia còn dựng ở hàng hiên sau chùa. Trong các kỳ trùng tu về sau thì người ta mới đem ra vị trí hiện có hiện nay. Đối diện về phía tây sân chùa là một tấm bia có chạy hoa văn và chạm ở đầu bia nhưng trong lòng không có chữ gì. Bia do Hòa thượng Liễu Nhơn Từ Hiếu trùng khắc cũng đã xưa hơn 100 năm nay, chỉ tiếc là ngài không để ngày tháng trùng khắc, nên có thể tạo sự lầm lẫn cho hậu thế. Hòa thượng Liễu Nhơn Từ Hiếu Trú trì Tổ Đình Quốc Ân từ năm 1882 đến 1890.

2. Sơ lược Tiểu sử Tổ Nguyên Thiều[3]

Tổ Nguyên Thiều, Pháp tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Năm 19 tuổi, ngài xuất gia tại chùa Báo Tư, tu học dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Khoáng Viên[4]. Ngài theo thuyền buôn sang Đại Việt năm 1665 trong đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Ban đầu ngài cư trú tại phủ Quy Ninh (Bình Định bây giờ), sau đó lập chùa Thập Tháp Di Đà. Chùa này tọa lạc ở làng Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn; sau chùa có mười ngôi cổ tháp Chàm cho nên chùa được gọi là chùa Thập Tháp. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí nói rằng chùa này lấp năm 1683, niên đại này có lẽ là niên đại hoàn tất chùa sau nhiều năm xây cất. Năm 1691, chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch và câu đối. Sau đó Tổ Nguyên Thiều lại ra Thuận Hóa dựng chùa Quốc Ân và xây tháp Phổ Đồng. Chùa Quốc Ân tọa lạc tại ấp Phúc Quả. Chùa cũng được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho liễn đối có ghi đạo hiệu của chúa là “Thiên Túng Đạo Nhân”. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí nói rằng tháp Phổ Đồng được xây trước chùa Quốc Ân, sau đó bị binh lửa tàn phá.

Sách Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên nói rằng Tổ Nguyên Thiều có phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Tần sang Quảng Đông rước Hòa thượng Thạch Liêm (Đại Sán) và thỉnh Pháp khí. Bia đá chùa Quốc Ân do chúa Nguyễn Phúc Chu đề năm 1729 cũng nói : “Thiền sư Hoán Bích tự Nguyên Thiều ở chùa Hà Trung vâng lệnh Nghĩa Vương qua Quảng Đông mời Hòa thượng Đại Sán”. Xét kỹ Tổ Nguyên Thiều chưa từng mời Hòa thượng Thạch Liêm; cùng qua Đại Việt với Tổ Nguyên Thiều cũng có những Thiền sư khác nhưng không có mặt Hòa thượng Thạch Liêm. Sách Hải Ngoại Kỷ Sự do ngài Thạch Liêm viết cho biết ngài sang Đại Việt năm 1695 với một người bạn và nhiều đệ tử của ngài chứ không đi với Tổ Nguyên Thiều. Sách kể lại chuyện ngài tới thăm chùa Hà Trung là nơi Tổ Nguyên Thiều Trú trì theo lời thỉnh của chúa Nguyễn. Tại đây ngài không gặp Tổ Nguyên Thiều mà chỉ gặp một vị giám lự mới thọ giới Tỳ-khưu với ông mấy tháng trước đó tại giới đàn Thiền Lâm. Một vị giám tự mới thọ Tỳ-khưu thì chắc chắn không phải là Tổ Nguyên Thiều, người đã khai sơn hai tổ đình lớn là Thập Tháp và Quốc A6n. Điều đó cho ta thấy rằng Tổ Nguyên Thiều đã tịch trước năm 1695, tức là năm Hòa thượng Thạch Liêm tới Đại Việt Niên đại 1729 đề ở bia Quốc Ân chỉ là niên đại dựng bia chứ không phải niên đại nhập diệt của Tổ Nguyên Thiều.[5]

Sách Đại Nam Liệt Truyền Tiền Biên nói Tổ Nguyên Thiều thọ 81 tuổi. Vậy ngài mất vào năm nào và sinh vào năm nào ? Ta biết khi Tổ Nguyên Thiều mất, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho ông thụy hiệu là Hạnh Đoan Thiền Sư. Như vậy ta có thể biết chắc rằng Tổ Nguyên Thiều mất vào khoảng từ năm 1691 tức là năm chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi đến năm 1695 tức là năm qua Đại Việt của Thiền sư Thạch Liêm. Như vậy Tổ sinh vào khoảng 1610 -1614 và qua Đại Việt vào khoảng từ năm 51 đến năm 55 tuổi.

Sách Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên có nhắc đến chuyện chúa Nguyễn Phúc Trăn nhờ Tổ Nguyên Thiều qua Trung Hoa để mời Cao Tăng và thỉnh Pháp tượng, Pháp khí. Thượng tọa Mật Thể trong sách Việt Nam Phật giáo Sử lược[6] có nói rằng sau khi Tổ Nguyên Thiều về Đại Việt, chúa Nguyễn Phúc Trăn có cho tổ chức giới đàn lớn tại chùa Linh Mụ. Chưa thấy có chỗ nào chép như thế. Theo Thượng tọa Mật Thể, chuyến đi của Tổ Nguyên Thiều sang Quảng Đông có mục đích mời một số Cao Tăng sung vào ban Thập sư truyền giới tại giới đàn, đồng thời cũng là để thỉnh những Pháp khí (như tràng phan, chuông, mõ) cần thiết cho giới đàn. Ta nghĩ rằng một chuyến đi như vậy không thể chỉ để thỉnh tượng Phật và Pháp khí và một vài vị Tăng sĩ; cho nên việc lập giới đàn tại chùa Linh Mụ có thể có thực. Dù sao, giới đàn ấy, nếu có, cũng không long trọng bằng giới đàn do ngài Thạch Liêm tổ chức tại chùa Thiền Lâm năm 1695. Chúa Nguyễn Phúc Chu khi tới giới đàn nói sau đã quá khâm phục mà nói : “May có Lão Hòa thượng tới đây mới được thấy pháp môn quảng đại trang nghiêm như vậy”. Như thế có nghĩa là từ đó về trước chưa có giới đàn nào tổ chức lớn như vậy, kể cả những giới đàn do Tổ Nguyên Thiều tổ chức. Chúa Nguyễn Phúc Chu dù còn trẻ chắc cũng đã được đi theo để dự xem giới đàn Linh Mụ tổ chức dưới thời chúa Nguyễn Phúc Trăn. Những vị Cao Tăng nào đã cùng qua Đại Việt với Tổ Nguyên Thiều? Theo tác giả Việt Nam Phật giáo Sử lược thì cùng qua với Tổ Nguyên Thiều có các Thiền sư Minh Hành Tại Tại. Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Trí. Ta không thể biết chắc được tất cả những thiền sư có tên trên đây đã cùng qua với ngài Nguyên thiều hay không. Thiền sư Minh Hành chẳng hạn, như ta đã biết, đã qua Đại Việt trước đó tới gần 60 năm, tới kinh đô Thăng Long vào năm 1633. Vậy ta chỉ có thể nói rằng một số các Thiền sư có lên ở trên đã cùng qua với Tổ Nguyên Thiều, mà chắc chắn nhất là những vị đã lưu trú tại các Tổ đình Thập Tháp và Quốc Ân do ngài Nguyên Thiều khai sơn, như ngài Minh Vật Nhất Trí, Minh Hoàng Định Nhiên. Những vị này có thể là những pháp điệt gọi Tổ Nguyên Thiều bằng sư thúc hay sư bá ; cũng có thể nhiều vị là đệ tử trực tiếp của ngài Nguyên Thiều. Mật Thể không tin như vậy, cho rằng thời gian ở Đại Việt của ngài Nguyên Thiều thì nhiều mà thời gian ở Quảng Đông của ông thì ít, làm sao ông có thể có đệ tử Cao Tăng được. Tuy nhiên, nếu ta biết ngài Nguyên Thiều sang Đại Việt hồi 51-55 tuổi, trở về Quảng Đông lúc trên bảy mươi tuổi thì ta có thể nói rằng trong số các vị gốc Trung Hoa trú trì tại hai chùa Thập Tháp và Quốc Ân, có thể có vị là đệ tử trực tiếp của ngài Nguyên Thiều từ khi ông chưa bỏ nhà Thanh sang Đại Việt. Dù sao, ít nhất cũng là bảy vị Tăng sĩ vừa Hoa vừa Việt đứng sau ông một thế hệ đã được ông nâng đỡ và đặt vào công tác hành đạo. Đó là các vị cư trú tại Bình Định (Thập Tháp) và Thuận Hóa (chùa Quốc Ân)                              : Minh Vật Nhất Trí, Minh Giác Kỳ Phương, Minh Trí Nguyệt Hạnh, Minh Dung Pháp Thông, Minh Lương Nguyệt An, Thành Đăng Minh Yêu và Thành Thiên Pháp Thông. Đó là chưa kể những vị nối nghiệp ngài ở chùa Hà Trung là chùa mà ngài Trú trì vào những năm cuối cùng của đời ngài.

Chùa Hà Trung tọa lạc tại xã Hà Trung, huyện Phú Lộc, có lẽ đã được tạo dựng ngay sau khi chúa Nguyễn Phúc Chu mới lên ngôi. Về chùa Hà Trung, thiền sư Thạch Liêm đã viết:  “Đoái nhìn chùa son điện ngọc, lấp lánh trong bờ biển rừng tùng. Nước mây man mác, trập trùng bóng dương, phảng phất chốn Bồng Lai Lãng Uyển". Và Thạch Liêm có làm ba bài thơ. Đây là bài thứ nhất :

Lục liễu thùy thùy ẩn Phạm Cung

Chung thanh chiêu đệ mãn hà phong

Trúc ly thảo kính phù lam yểm

Thạch hác hà lâu đảo ảnh không

Hầu thực hồng ngư suy thủy thượng

Đề yên túy điểu lạc hoa trung

Vương gia từ miếu âm sum xứ

Hướng hữu linh quang tạ Hải Đông.

(Xanh mấy từng dương ẩn Phật cung

Chuông vàng theo gió thoáng bên song

Rèm tre lối cỏ lên hơi núi

Gành đá lầu mây xuống bóng đồng

Cá đỏ chực mồi ngoi mặt nước

Chim xanh hót nắng đậu giàn bông

Miếu đền vua chúa thanh u quá

Như có hào quang chiếu biển Đông[7]

Trú trì tại chùa Hà Trung không bao lâu thì ngài Nguyên Thiều tịch. Thụy hiệu Hạnh Đoan Thiền Sư là do chúa Nguyễn Phúc Chu tặng sau khi ngài Nguyên Thiều mất. Trước khi tịch, ngài có để lại bài kệ (Xem chương tám, phái Nguyên Thiều)

Tháp Hóa Môn được dựng trên một khu đồi nhỏ xóm Thuận Hóa, làng Dương Xuân Thượng. Bia đá chùa Quốc ân nói về ngài Nguyên Thiều thì mãi đến năm 1725 mới dựng, do chúa Nguyễn Phúc Chu (1725-1738) đề. Chúa Nguyễn Phúc Chu không những ban thụy hiệu cho Tổ Nguyên Thiều mà còn làm một bài minh khắc vào bia để ca tụng đạo đức Thiền sư (xem chương tám, Phái Nguyên Thiều).

3. Văn bia Tổ Nguyên Thiều tại chùa Quốc ân.

Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích Thiền sư tháp ký minh

Dịch nghĩa :

Bài ký và bài minh ở tháp

Thiền sư Hoán Bích chùa Sắc tứ Hà Trung[8]

Ta kính vâng mệnh trời mà đến với trăm họ, gà gáy đã dậy, canh cánh chẳng lúc nào quên cái đạo làm thiện. Ngẫm rằng nước Việt xét từ khi mở nước đến nay lập am dựng miếu, thỉnh Tăng cúng Phật, rộng hành phương tiện, mưu cầu dân nước phồn thịnh, tất thảy đều phải tự mình buông bỏ tất cả, nương vào niệm lực ngõ hầu mới được sinh thuận tử an, tiệm cận cảnh giới Hoá Thành. Ví như Thiền sư Hoán Bích, vào năm Đinh Tỵ Ngài từ Trung Hoa đến, thuở ban đầu trú tích tại phủ Qui Ninh, dựng chùa Thập Tháp Di Đà, rộng mở tượng giáo. Kế đến ngài về núi Phú Xuân dựng chùa Quốc ân và Tháp Phổ Đồng. Tiền triều, sư vâng mệnh đức Thánh Khảo ta trở về Quảng Đông mời Hoà thượng Trường Thọ Thạch lão cùng các tượng Phật, pháp khí, chuyến đi xuôi thuận sư lập được nhiều công tích. Từ đó, sư vâng chỉ Trú trì chùa Hà Trung, từ đấy, trí tuệ bừng khai tỏ rõ tận ngọn nguồn. Luận lẽ nhiệm mầu thông suốt tất cả những gì trước đây mình đã nghe, diệt trừ tà nguỵ tiếp nối nguồn cơn, khai mở cho hàng hậu học thọ Cụ túc giới. Thiền sư quê quán ở huyện Trình Hương, phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông, con nhà họ Tạ, sinh vào giờ Tuất, ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý. Mười chín tuổi từ thân xuất gia với Hoà thượng Khoáng Viên chùa Báo Tư, Pháp danh là Nguyên Thiều, tự Hoán Bích. Kể từ ngày sư xuôi buồm đến đây tính đã hơn 50 năm. Năm Mậu Thân, ngày 19 tháng 10, nhục thân nhuốm bệnh, ngài bèn triệu tập môn đồ tứ chúng luận đến Jẽ nhiệm mầu, di chúc bí ngữ, lúc sắp ra đi cầm bút viết bài kệ rằng:

Lặng lặng gương không bóng

Rực rỡ ngọc không hình

Rành rành vật chẳng vật

Mênh mông không chẳng không.

Viết xong sư đoan nhiên thị tịch, trước sau trải 81 hạ lạp. Quan lại và môn đồ dựng Tháp ở xứ cửa Hoá Đồ chúng và mọi người tha thiết thỉnh cầu ta ban ký minh lưu lại. Ta bèn ban đặt Thụy hiệu là Hạnh Đoan Thiền sư, muốn rằng tất cả mọi người đời đời ngưỡng mộ đạo lành, đặng chứng quả Vô thượng của Như Lai, hưởng phúc thái bình vô lượng, nhân đó làm bài ký cùng tiếp bài minh rằng: 

Trí tuệ sáng ngời

Uy nghi phạm hạnh

Trăng nước ưu nhàn

Giới trì ma phục

Rỗng lặng tịch nhiên

Uy nghiêm cao vọi

Quán thân vốn không

Hoằng giáo lợi vật

Bốn bề mây ấm

Tuệ nhật rộng soi

Ngắm đi xem đi

Thái son cao ngất

Bia lập ngày mồng 8 tháng 4 năm Bảo Thái thứ 10 (… ?)

B. Tổ Liễu Quán

1 Tóm tắt tiểu sử chùa Thiền Tôn.[9]

Ở Huế người ta thường gọi là chùa Thuyền Tôn mà đọc cho đúng biểu hiệu thì phải gọi là chùa “Sắc tứ Thiên Thai Thiền Tông Tự”. Chùa Thiền Tôn là một ngôi Tổ Đình quan trọng không những đối với Phật giáo Thuận Hóa mà còn đối với cả Phật giáo Nam Hà. Nói quan trọng vì chùa có bề dày lịch sử lâu dài và đây là ngôi Tổ Đình do một vị Thiền Tổ người Đại Việt đã khai sơn và khai sáng cả một hệ phái Thiền rất lớn là phái Thiền Tử Dung - Liễu Quán chùa được tổ Liễu Quán khai sơn vào khoảng Vĩnh Thịnh tứ niên (1708), tức là niên hiệu thứ nhất (Vĩnh Thịnh: 1705-1719; Bảo Thái:1720-1729) của vua Lê Dụ Tông ở Thăng Long - Bắc Hà. Mùa thu năm Nhâm Tuất (1742) nhằm năm Cảnh Hưng thứ ba triều nhà Lê ở Bắc Hà, và đời chúa Võ Vương (Nguyễn Phúc Khoát) năm thứ 5 ở Nam Hà, Tổ thị tịch, năm Quý Hợi (1743) nhập tháp. Đến năm CảnhHưng thứ 9 (1748), thì có sư Thiện Kế ở chùa Tang Liên ôn Lăng, tỉnh Phước Kiến, Trung Hoa; nhân cuộc Nam du, đến bái yết tháp Tổ, môn đồ tứ chúng xin sư viết cho bài văn bia theo các sử kiện mà 49 cao đệ tử của Tổ thuật lại. Bia ấy gọi là bia “Sắc tứ Lâm Tế chính tông, đệ tam thập ngũ thế, Liễu Quán Hòa thượng, thụy Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng bi minh”. Bia này hiện còn rất tốt, được gắn chặt vào thành phía đông, mặt nhìn vào tháp Tổ. Tấm bia được chạm trổ rất đẹp và khung để tấm bia vươn cao hơn mặt thành, bên trên trình bày mái giả. Bia bằng đá thanh, viền bia chạm lưỡng long triều nguyệt, bên dưới có đường viền hoa sen hình cánh phượng. Lòng bia khắc 24 chữ đầu đề và 23 chữ lạc khoản; văn bia khắc chữ chân phương, có khoảng một nghìn hai trăm (1200) chữ kể cả bài “Minh” tán thán đạo phong của Tổ. Niên Đại khắc bia là tháng tư năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748). Năm Gia Long thứ 14 (1815) triều nhà Nguyễn, các môn đồ trùng tu tháp Tổ có dựng hai cái bia khắc hai bài thơ và lời dẫn ở hai bên bia cổ nói trên.

Ngoài bia ở tháp tổ Liễu Quán, thì tại phía đông chùa Thiền Tôn, trên một ngọn đồi tròn rất đẹp, còn có tháp Đệ nhị Tăng Thống Giác Nhiên; tại đây, trước tháp có bia khắc hai mặt; mặt trước chữ nho, mặt nhìn vào tháp chữ quốc ngữ. Đó là bia “Việt Nam Phật giáo Thống nhất Giáo hội Tăng Thống bi minh” do Viện Trưởng Viện Hóa Đạo là Hòa thượng Thích Trí Thủ soạn năm Kỷ Mùi, Phật lịch 2522, Dương lịch 1979. Bia bằng đá màu đen láng rất đẹp.

Một bia khác nữa là bia “Thiên Thai Sơn Thiền Tông Tự Sự Lục Bi” do Như Như Đạo Nhân soạn. Lạc khoản: “Thành Thái thập tam niên, tứ nguyệt thập lục nhật” Tây lịch ứng với năm 1901. Bia này nguyên chép trong “Hàm Long Sơn Chí”, mới đem khắc gần đây thôi. Bia này cung cấp rất nhiều sử kiện về lịch sử chùa Thiền Tôn. Theo bia này thì niên đại Khai sơn chùa Thiền Tôn kéo đến năm Quý Dậu (1693). Nhưng theo câu văn ở bia tháp Tổ: “Chí Tân Mùi niên, tứ nhiễm phủ tuế, quy hương chúc tân cung phụ. Nhẫm nhiễm tứ tải, phụ tức tạ thế. Ất Hợi tái chỉ Thuận Đo...” Tân Mùi là năm 1691, Ất Hợi là năm1695. Năm Quý Dậu, 1693 ở giữa thời đoạn 1691-1695 này, lúc đó ngài Liễu Quán đang bận phụng dưỡng cha già ở Phú Yên, làm sao khai sơn thảo am Thiền Tôn ở Thuận Hóa cho được? Vì lý do này mà ở trước chúng tôi viết là thảo am được Tổ khai sơn vào năm Vĩnh Thịnh tứ niên (1708), theo Hòa thượng Mật Thể đã viết trong Việt Nam Phật  Giáo Sử Lược vậy.

2. Văn bia minh tháp Tổ Liễu Quán.

Dịch nghĩa :

Bia minh tháp của Hòa thượng Liễu Quán thuộc dòng Lâm Tế chánh tôn đời thứ 35 được sắc phong là Chánh Giác Viên Ngộ[10]

Ôi, trong giáo pháp Phật đà của ta, việc trọng đại nhất là gì ? Con người sinh ra không từ cửa tử mà đến, chết không vào cửa tử mà đi. Thế nên người xưa nằm non ở tổ, bỏ ngủ quên ăn, chẳng tiếc thân mạng, đều vì việc lớn sinh tử.

Ở thời giáo suy pháp mạt này mà có người vì việc lớn sinh tử như Hòa thượng Liễu Quán, thật là hy hữu.

Sư sinh giờ Thìn, ngày mười tám tháng 11, năm Đinh Mùi (1667) tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay là làng An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Sư họ Lê, húy Thật Diệu, hiệu Liễu Quán; đi tu từ nhỏ. Sư có thiên tư cao lớn, khí vũ siêu quần. Sáu tuổi mồ côi mẹ, chí muốn xuất trần, được thân sinh đưa đến chùa Hội Tôn xin lu học với Hòa thượng Tế Viên; được 7 năm thì Hòa thượng viên tịch. Sư tìm ra Huế đô lễ Giác Phong Lão tổ ở chùa Hàm Long - Báo Quốc. Năm Tân Mùi (1691) xuống tóc xuất gia, vừa tròn một năm lại trở về quê Phú Yên hằng ngày bán củi nuôi chít. Thắm thoắt bốn năm thì cha qua đời. Năm Ất Hợi (1695), Sư trở lại Thuận đô thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm. Hai năm sau, nhằm năm Đinh Sửu ( 1697), thọ giới Cụ túc với Từ Lâm Lão Hòa thượng. Năm Kỷ Mão (1699), Sư tham lễ khắp chốn tòng lâm, cam sống đời đạm bạc, tâm thường suy nghĩ: “Có pháp gì cao siêu nhất ta quyết bỏ thân mạng theo pháp đó tu hành”. Nghe nhiều bậc thiền hòa các nơi nói: “Hòa thượng Tử Dung là vị khéo dạy người niệm Phật, tham thiền nhất”.

Năm Nhâm Ngọ (1701), Sư tìm đến Long Sơn, tham yết Hòa thượng Tử Dung, cầu pháp tham thiền. Hòa thượng dạy tham cứu câu: “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ”- “Muôn pháp về một, một về chỗ nào”. Ngày đêm tham cứu, trải qua tám chín năm mà không ngộ được gì, tâm rất hỗ thẹn. Ngày nọ nhân đọc Truyền Đăng Lục đến câu “Chỉ vật truyền tâm, nhân bật hội xứ” – “Chỉ vật truyền tâm, chỗ người không hiểu” bỗng nhiên ngộ nhập. Song vì biển núi xa cách, không thể trình bày chỗ ngộ với Thầy. Mãi đến xuân Mậu Tý (1708) mới trở lại Long Sơn cầu Hòa thượng Tử Dung chứng minh, đem công phu tham cứu trình xin ấn chứng, đến câu “Chỉ vật truyền tâm, nhân bật hội xứ", Hòa thượng dạy: “Huyền nhai tán thủ, tự khẳn thừa đương; tuyệt hậu tái tô, khi quân bật đắc” "Vực thẳm buông tay, tự mình đương lấy; chết đi sống lại, dối ông sao được”. Thế nào, thế nào, nói xem. Sư vỗ tay cười lớn: Ha ha! Hòa thượng dạy: “chưa nhằm”. Sư thưa: “Bình chùy nguyên thị thiệt" – “Cái cân nguyên là sắt”. Hòa thượng dạy: “Chưa nhằm”.

Hôm sau, Hòa thượng dạy: “Công án ngày qua chưa rồi, nói ai xem”. Sư thưa: “Tảo tri đăng thị hỏa, phạn thục dĩ đa thời - Sớm biết đèn là lửa, cơm chai đã lâu rồi". Hòa thượng rất khen.

Mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), Hòa thượng đến sách tấn rộng rãi toàn viện, Sư trình bài kệ “Dục Phật” (Tắm Phật), Hòa thượng hỏi: "Tổ Tổ tương truyền, Phật Phật thọ thọ, vị thẩm truyền thọ cá thậm ma? - Tổ Tổ truyền cho nhau, Phật Phật trao nhận với nhau, chưa rõ trao nhận cái gì?". Sư đáp: "Thạch quẩn trừu điều trường nhất trượng; quy mao phật tử trọng tam cân - Măng đá nảy cành dài một trượng; phủ phất lông rùa nặng ba cân”. Hòa thượng lại dạy:

"Cao cao sơn thượng hành thuyền, thâm thâm hải để tẩu mã - thuyền đi trên đỉnh núi cao; ngựa chạy dưới đáy biển sâu là thế nào?" Sư thưa: “Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống, một huyền cầm tử tận nhật đàn - Đàn cầm đứt dây rung suốt buổi; trâu đất gãy sừng rống thâu đêm”. Mỗi mỗi nêu ra và vào thất cầu chứng, Hòa thượng xem xong, rất vui, rất bằng lòng ấn khả. Sư gặp cơ hội, lấy trí biện đáp rất thích hợp, như nắp đậy hộp, sữa hòa nước. Cơ duyên rất nhiều, không thể chép hết.

Năm Nhâm Dần (1722), Sư trở lại Huế đô, trú ở Tổ đình luôn trong ba năm Quý Sửu, Giáp Dần và Ất Mão thể theo lời thỉnh cầu của Cư sĩ Tể Quan hộ pháp và các hàng xuất gia tại gia, mở bốn giới đàn lớn. Năm Canh Thân (1740) lại tấn đàn Long Hoa truyền giới rồi trở về Tổ đình.

Bấy giờ chúa Nguyễn quý trọng đạo đức Sư, có tâm ân cần vì pháp đối với đạo vị của Sư nên xuống chiếu sắc mời Sư vào cung, nhưng Sư vốn cao thượng, chí nguyện ở suối rừng mà tạ từ chiếu chỉ, không đến. Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742) lại mở giới đàn ở chùa Viên Thông; đến mùa thu năm ấy nhuốm bệnh nhẹ, giống như không bệnh; đến giữa tháng 10, Sư gọi môn đồ đến dạy rằng: “Duyên ở đời đã hệt, ta sắp đi đây”. Môn đồ khóc lóc, Sư bảo: “Các ngươi khóc cái gì? Chư Phật ra đời còn nhập Niết-bàn, ta nay đến đi rõ ràng, về tật có chỗ, các ông không nên buồn khóc”.

Đến tháng 11 năm ấy, trước khi thị tịch mấy ngày, Sư ngồi ngay thẳng, lấy viết chép kệ từ biệt đời. Kệ rằng :

“Hơn bảy mươi năm trong thế giới,

Không không sắc sắc thảy dung thông,

Ngày nay nguyện mãn về nhà cũ,

Nào phải bôn ba hỏi Tổ tông”.

Tuy nhiên như vậy, câu cuối cùng của Lão tăng hiểu thế nào, hãy nói: “Nguy nguy đường đường, vĩ vĩ hoàng hoàng. Tích nhật giá cá lai, kim triêu giá cá khứ, yếu vấn lai khứ sự nhược hà. Trạm trạm bích thiên thu nguyệt hao, đại thiên sa giới lộ toàn thân - Nguy nguy đường đường, sáng láng rực rỡ. Ngày xưa cái ấy đến, ngày nay cái ấy đi, cần hỏi việc đến đi thế nào. Trời xanh lặng lặng trăng thu sáng, thêm giới đại thiên lộ toàn thân”. Sau khi ta đi, các ông hãy nên nghĩ đến vô thường mau chóng, siêng học Bát-nhã, chớ bỏ qua lời ta. Mỗi người hãy  nên cố gắng.

Vào ngày 22, sáng sớm uống trà, nói chuyện và hành lễ xong, Sư hỏi: « Bây giờ là giờ gì? » Môn đồ đáp: « Giờ Mùi ». Sư an nhiên thị tịch.

Chúa sắc làm bia ký ca ngợi đạo hạnh của Sư, ban thụy hiệu là: CHÁNH GIÁC VIÊN NGỘ HÒA THƯỢNG. 

Sư sinh giờ Thìn ngày mười tám tháng 11 năm Đinh Mùi, thọ 76 tuổi; 43 năm được truyền y, 34 năm thuyết pháp lợi sinh. Đệ tử nối pháp có 49 người. Hàng tại gia, xuất gia được lợi ích nhờ sự hóa đạo của sư có cả ngàn vạn.

Ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi, nhập tháp tại phía nam núi Thiên Thai thuộc xã An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Kế tôi gặp lúc đi đến phương nam hỏi han, nghe nói Sư đạo phong cao lớn, hành hóa ở xứ này, độ người vô số, khế hợp tâm Phật tổ, nối đời xuất gia, công hạnh và kiến giả chân thật, xa gần đều khâm phục. Rất tiếc tôi không kịp được gặp. Nay các môn nhân và đồ chúng nghĩ rằng: Tháp đã làm xong, cần phải dựng bia ký, biết Kế tôi là người trong cuộc, chắc biết việc trong cuộc nên đặc biệt yêu cầu tôi viết bài minh để dựng bia. Kế tôi thẹn mình bút mực sơ sài, đâu dám nhận lãnh. Song kẻ hèn này đã ở trong cửa pháp, tình pháp hữu hẳn khó chối từ; vả lại, khâm phục đạo phong cao khiết, nếu không nêu cao sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của Sư thời đời sau không có ai chép lại.

Ôi, nếu lấy mắt thường xem thời thấy có tướng sinh diệt đi lại; nếu lấy mắt đạo xem thời không phải vậy. Sư tuy tịch diệt mà thật đã chứng cảnh Niết-bàn không sinh không diệt, đâu cần tán dương. Nhưng vì Sư trong lúc ở đời có nhiều công đức, sự nghiệp lớn lao, không thể để cho mai một. Song sự tướng ở đời và nhân duyên vào đạo của Sư sợ chưa được rõ hết, nên tôi soạn lời bia ký này; thí như người mù sờ voi, chỉ ghi lại được đôi phần mà thôi.

Bài minh ghi rằng:

Lờ đờ nước chảy,

Nguồn xa dòng dài

Đèn tuệ nối lửa

Đạo tổ sáng hoài

Cháu con vô số

Như voi như rồng

Núi báu bỗng hiện

Tôn phong siêu lạ

Trí biện dung thông

Cơ thiền nhạy bén

Hóa duyên đã mãn

Ai nấy tôn phong

Bên núi Thiên Thai

Dựng tháp Vô Phùng

Pháp thân hiển lộ

Ở giữa muôn trùng.

Năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), tháng Tư, ngày Tốt, Trung Hoa, Phúc Kiến, Huyện ôn Lăng, chùa Tang Liên, cháu trong đạo là Hòa thượng Thiện Kế soạn.

HT. Thích Thiện Siêu dịch

*

3. Bia chép việc chùa Thiền Tôn núi Thiên Thai

Dịch nghĩa:

Bia chép việc chùa Thiền Tôn núi Thiên Thai

Chùa do Tôn sư Liễu Quán kiến lập năm thứ 3 bản triều Hiếu Minh Hoàng đế (năm Quí dậu, 1693 – Nguyễn Phúc Chu), tọa lạc tại đia phận ấp Ngũ Tây, xã An Cựu, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy. tỉnh Thừa Thiên.

Hoạn quan chưởng thái giám Đoán Tài Hầu Pháp danh Tế Ý làm Hội chủ,  năm thứ 5 (Nhâm Tuất - 1742) Hiếu Võ Hoàng đế (Nguyễn Phúc Khoát), tức năm thứ 3 Lê Cảnh Hưng, Tổ tịch, truyền lại Tổ sư Tế Hiệp. Hải Điện. Năm thứ 10 (Đinh Mão - 1747) Đoán Tài Hầu đúc đại hồng chung. Năm thứ 12 (1749) tạo ruộng thở. Các năm 24 đến 26 (1761 - 1763) soạn đủ  tờ tấu mong được phê chuẩn cấp bằng, năm thứ 9 Hiếu Đinh Hoàng đế (Nguyễn Phúc Thuần - 1773), lại được phê chuẩn miễn thuế năm thứ 11. Hiếu Đinh (1775), Tổ tịch. Truyền lại cho Tôn sư Tế Mẫn Tổ Huấn. Đến năm thứ 13 (1777) sửa sang lại, năm thứ 14 (1778) Tổ tịch, truyền lại cho Hòa thượng Đại Tuệ Chiếu Nhiên.

Đến khi quân Tây Sơn dấy khởi, tich thu hết tự điền, cấm Tăng, phá chùa,  chùa chiền đồ đạc sạch hết, mà Hòa thượng vẫn âm thầm tự tu, dấu kỹ Pháp khí, may giữ lại được giấy tờ. Năm Kỷ Dậu (1789) bỏ cấm, Hòa thượng trở lại tập họp Tăng chúng, giáo pháp tạm hưng.

Tháng 9 năm Qúi Sửu (1793), đại thí chủ bà Đốc Hựu phát nguyện dựng nhà tranh, thiện tín tụ hội, càng ngày càng thịnh. Năm Kỷ Mùi (1799) Hoàng đệ Thái Tể, tuổi vừa hai mươi sáu, nguyện rộng khắp ba ngàn, hết lòng sùng kính, lại còn chẩn thí, ủy cho Đại Tư Mã tái tạo sùng tu, điện nhà trang nghiêm, tuệ quang chiếu sáng.

Tháng 5 năm Tân Dậu (1801). Thế Tôn Cao Hoàng đế thâu phục cố đô, xe và sách về một ngôi, tôn sùng tượng giáo, ưu đãi lễ kính Tăng già. Gia Long nguyên niên (Nhâm tuất 1802) tháng 7, Hòa thượng Chiếu Nhiên tịch, truyền lại cho thuê tòa Đạo Tâm, là Hòa thượng Trung Hậu. Tháng 3 năm sau,  tấu xin lại đại hồng chung, nhận về bổn tự (triều Tây Sơn, hồng chung nầy bị đem  làm tự khí ở Văn Thánh) mong được chuẩn y. Bấy giờ khai đàn u minh 21 ngày, cầu phước đền ân.

Tháng 8, tấu xin ruộng đất Tam bảo, (toa lạc ở các xã ở hai huyện Phú Vang Hương Trà, hơn 70 mẫu) nhận lại để phụng tự luôn luôn  đầu quân Tây Sơn lấy đem cấp cho các nha ở huyện Phú Lộc), nhở có thương thư bộ Hộ Tích Thiện Hầu tấu đạt lên vua, mong được chuẩn y.

Ba gò Huyền Võ của núi Thiên Thai, được vua sắc cấm; giếng xưa bên chùa sửa lại bờ thành, cây hoa trong vườn hồi xuân, đàn na nối gót đi đến, dựng xây nhà ngói, dựng nhà tranh, tứ chúng ngày mỗi đông, huy hoàng trở lại như xưa. Nhưng khái quát xem sông núi mấy độ tang thương không ngờ chỉ  trong 4, 5 năm, ngọc vàng trở lại rực rỡ.

May thay đạo lý tuần hoàn, hoại không rồi thành trụ. Năm thứ 6 (Đinh Mão - 1807) tháng 8, cung tiên đại thí chủ hai vị hoàng công chúa, cùng bộ hạ Lê Nương đồng tâm phát nguyện, dựng nhà phương trượng. Năm thứ 8 (Kỷ Ty - 1809) tứ chúng càng trợ giúp nhiều, Hòa thượng tự nghĩ tài sơ đức bạc, ba lần nhường lại mà không được, mới theo quyết nghị của chúng, trên nhờ hai hoàng công chúa. quạt rộng gió huyền, mười phương tin thí đồng tâm hướng thiện, chọn ngày 16 tháng 12 dựng chánh điện, tiền đường, phạm vũ trở lại nguy nga.

Minh Mạng nguyên niên (1820) tấu chuẩn nạp tô thuế riêng. Năm thứ 15 (1834) Hòa thương tịch. Truyền lại cho Đại sư Tánh Thiện An Cư làm Trú trí bổn tự Thiệu Trì năm thứ 7 (1847), ruộng ở xã Triều Sơn bị quan tịch thu đất để làm gạch. Tự Đức năm thứ 6 (1853), Đại sư đệ đơn trưng đôi nơi khác.

Năm thứ 15 (1862), sư tịch, truyền lại cho đại sư Hải

Nhuận Phước Thiêm. Đồng Khánh nguyên niên (1886) cải sửa tụ vũ. Thành Thái năm thứ 7 (1895), sung làm Tăng Càng chùa Diệu Đế. Năm thứ 10 (1898) sư bệnh xin nghỉ,  giao phó cho các đệ tử Quảng Kế . . . phung phá tự điền tự khí  sạch hết.

Năm thứ 11(1899) tháng 3, các Đại đức chùa quan chùa núi, đồng thương lượng đặc cử Đại sư Tâm Thiền là Pháp tự thứ 7 của Hòa thượng Diệu Giác làm Trú trì Thiền Tôn, vừa khi xã Triều Sơn đệ đơn mách bảo lấy ruộng Tam bảo sung công, Đại sư trình chư sơn phúc bẩm thế nào. Đại sư Tâm Truyền Tăng Cang Diệu Đế ủy tín nữ chùa Báo Quốc là Hồ Thị Diệu Thiện trợ phí, Hồng Thị Tú, Trần Thị Ninh trơ lực, song vì  văn khế lâu ngày mối mọt ăn rách nát, kiện nải rất khó, phai làm đơn xin sửa sang văn khế, việc này trước sau tốn ước 400 đồng. Tuy nhờ sức và của  ba tín nữ nhưng nếu không có trí của Tăng Cang thì không thêm thành tựu.

Tháng 6, sư làm đơn xin do đạc ruộng Tam bảo ở làng Thần Phù. Tháng 8, đổi dời kiến thiết tự vũ trở lại trên nền cũ, cấu tạo hậu điện. Nhờ các Đại đức chùa Báo Quốc, Tường Vân, Từ Hiếu, Khánh Phương tấu lên Tam cung, ân cấp tiền bạc và mười phường tín cúng, chừng một vạn công hoàn thành.

Năm thứ 12 (1900) tháng 5, làm lễ khánh tán, vạn pháp viên mãn, phủ dụ núi sông tin điều tốt đẹp, ham thích sự thành trụ mãi vô cùng. Đức có cạn sâu, danh lam này sở dĩ  ba lần tụ ba lần tán; đạo không có thịnh suy, cỗ sát này cứ một lần bỏ lại một lần hưng, song đâu dễ lấy lẽ tầm thường suy luận, chính cũng tại ở người và với giáo pháp thế nào vậy. Bởi gốc sâu thì nhành tốt, nguồn xa thì dòng sáng, nên việc tài bồi hay ngã nghiêng có mau chậm khác nhau, hẳn không thể nói chuyện hoại không trong một ngày được. Sư đối với Như Như tôi là Pháp thúc (chú trong đạo pháp), đối với Hòa thượng Nhất Định là Pháp tôn (cháu trong đạo pháp), đời thú 6 Pháp phái Tổ sư Liễu Quán. Gốc kia sâu nên cành tốt, ngôn kia xa nên dòng sáng nhu vậy có thêm thấy rõ.

Phẩm hạnh Sư cao siêu, Như tôi ắt không vong cầu thái quá, chỉ nguyện pháp tự của Sư sớm gặp được người tài, pháp tự tiếp pháp tụ, tích trữ pháp khí, thì giang sơn tin tưởng sẽ tốt đẹp, được thành trụ vô cùng vậy.

Thành Thái năm 13 ngày 16 tháng 4 (1901).

Đệ tử Như Như  đạo nhân rửa tay kính soạn.

Hòa thượng Thích Thiện Siêu dịch.

*

4. Tổ đình Thiền Tôn và các thế hệ truyền thừa

a. Lịch sử truyền thừa:

Theo lịch sử Tổ đình Thiền Tôn, từ khi khai sơn cho đến nay khoảng 300 năm, thời gian tuy không nhiều nhưng hoàn cảnh đổi thay, thăng trầm, thuận nghịch không phải ít. Do đó, sự truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác chắc có lẽ không ít thì nhiều cũng có lúc gặp phải khó khăn, bao gồm việc duy trì Tổ đình qui củ, gìn giữ bảo địa già lam, cùng với sự pháp triển tam môn tứ chúng, nhất là việc truyền thừa mạng mạch đạo pháp. Trong kinh số 3 Trung Bộ, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự vật (àmisa). Và nếu các người là những người thừa tự vật, không phải là những người thừa tự pháp, thì không những chỉ các người bị người ta nói: Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp, mà cả ta cũng trở thành người bị người ta nói: Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp. Do vậy, này các Tỳ kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đúng là những người thừa tự vật. Ta đã có lòng thương tưởng các người và ta nghĩ: Làm sao những đệ tử của ta là nhũng người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự vật”. Đây là bức thông điệp vô cùng quan trọng trong sự nghiệp tự lợi-tự tha để hoằng dương Chánh pháp của đức Phật. Sau ngày đức Phật diệt độ, lời dạy này trở thành truyền thống thừa tự Pháp bằng nhiều hình thức biểu tượng khác nhau, vì vậy chư vị Tổ sư quá khứ đã thay nhau từ thế hệ này đến thế hệ khác để duy trì mạng mạch Phật pháp. Một trong chư vị Tổ sư ấy là Tổ Liễu Quán, suốt cuộc đời của người không làm gì hơn là giác ngộ Pháp Phật, thừa tự Pháp Phật, và khuyên người khác thừa tự Pháp Phật. Sau khi Tổ viên tịch, các đệ tử xuất gia cũng như tại gia đã tiếp tục làm tất cả những gì có thể làm được vừa thể hiện đúng tinh thần người con Phật, vừa ghi lại nơi mà Tổ sư đã thừa tự Pháp Phật. Nhận chân được nhiệm mệnh thiêng liêng này, Bảo tháp của Tổ sư và Tổ đình Thiền Tôn được phụng lập như Pháp khí tôn nghiêm, và cũng là nơi cho hàng hậu học trọn đời quy ngưỡng.

Như chúng ta biết, Tổ sư Liễu Quán đã được truyền thừa tự Tổ sư Minh Hoằng -Tử Dung thuộc phái thiền Lâm Tế. Trước thế kỷ thứ 10 Thiền học Phật giáo Trung Hoa gồm có 5 Thiền phái khác nhau với nhiều lý do: 1. Vì đất nước Trung Hoa đất rộng, người đông và ngôn ngữ bất đồng; 2. Để đáp ứng nhu cầu cần thiết của nhiều hạng người tùy theo từng căn cơ và trình độ của từng tiểu quốc như chúng ta thấy bài kệ dưới đây:

Lâm Tế thống khoái

Qui Ngưỡng cẩn nghiêm

Tào Động tế mật

Vân Môn ký cổ

Pháp Nhãn tường minh

Phái thiền do ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867) sáng lập khoảng Thế kỷ thứ 9 nên có tên thiền phái Lâm Tế. Tổ sư Hoàng Bá Hy Vận là thầy truyền pháp cho sư Nghĩa Huyền thông qua sự can thiệp của thiền sư Đại Ngu. Sau khi ngộ đạo với Tổ Hoàng Bá, Ngài Nghĩa Huyền truyền thừa Pháp đã ngộ cho ngài Hưng Hóa Tồn Tưởng, Tam Thánh Huệ Nhiên...Thiền sư Lâm Tế có ghi lại bài kệ thị tịch truyền trao cho người sau thừa tự cũng giống như lời Phật dạy ở trên. Khi sắp Niết-bàn Tổ bảo đồ chúng: “Sau khi ta tịch, các người không được làm diệt mất Chánh pháp nhãn tạng của ta”. Tam Thánh Huệ Nhiên bước ra thưa : “Đâu dám làm diệt mất”. Tổ lại hỏi: “Về sau có người hỏi, ngươi đáp thế nào?”. Bấy giờ Huệ Nhiên “Hét” và không đáp lời nào cả. Tổ bảo: “Ai biết, Chánh pháp nhãn tạng của ta đến bên con lùa mù làm diệt mất”. Tổ mất vào ngày 10 tháng 01 năm Đinh hợi (867).

Trong năm phái Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Quy Ngưỡng và Pháp Nhãn thì Lâm Tế là một phái thiền nổi tiếng và còn truyền đến nay. Nghĩa Huyền là truyền nhân đời thứ sáu kể từ Huệ Năng. Thiền phái Lâm Tế kế tục truyền thừa đến đời thiền sư Vạn Phong Thời ủy thuộc Lâm Tế đời 21 ở chùa Thiên Đồng (Tnmg Quốc) biệt xuất ra bài kệ:

Tổ Đạo Giới Đinh Tôn

Phương Quảng Chứng Viên Thông

Hạnh Siêu Minh Thiệt Tế

Liễu Đạt Ngộ Chơn Không

Như Nhật Quang Thường Chiếu

Phổ Châu Lợi Ích Đồng

Tín Hương Sanh Phước Huệ

Tương Kế Chấn Từ Phong.

Đến đời thứ 30 Lâm Tế là thiền sư Viên Ngộ - Mật Vân có một vị đệ tử nổi tiếng là Thông Thiện - Hoằng Giác đời thứ 31. Thiền sư Thông Thiên - Hoằng Giác lại còn có một pháp danh nữa là Đạo Mân - Mộc Trần (ở chùa Thiên Khai, Trung Quốc) Ngài này lại biệt xuất dòng kệ :

Đạ Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên

Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên

Linh Nguyên Quang Nhuận Từ Phong Phổ

Chiếu Thế Chân Đăng Vạn Cổ Truyền.

Ngài Đạo Mân truyền cho ngài Bổn Khao - Khoán Viên, ngài Khoán Viên lại truyền cho ngài Hoàn Bích - Nguyên Thiều hay Siêu Bạch mà sau khi ngài Nguyên Thiều sang Việt nam và đã khai sơn Tổ đình Quốc Ân - Huế. Trong đời ngài Siêu Bạch còn có một huynh đệ đồng môn đó là Đại Xa - Siêu Trường. Ngài Đại Xa - Siêu Trường lại có đệ tử là Minh Hoằng - Tử Dung, đời thứ 34.

Ngài Minh Hoằng - Tử Dung vào cuối thế kỷ 17 sang Việt Nam khai sơn chùa Ân Tôn tại Thuận Hóa và truyền cho Ngài Thiệt Diệu - Liễu Quán thuộc đời 35 theo bài kệ Tổ đạo giới định... và sau đó ngài Liễu Quán đã biệt xuất một dòng kệ của dòng thiền Lâm Tế của Phật giáo Đàng trong tại Thuận Hóa: Trước giờ phút thị tịch, Tổ sư căn dặn đệ tử: “Tôi sẽ ra đi. Sứ mạng của tôi ở đời này đã làm xong” . Các đệ tử khóc òa. Ngài khuyên bảo: “Tại sao các vị khóc? Chư Phật còn nhập Niết-bàn. Tôi cũng vậy, đến đi rõ ràng, về có nơi chốn. Xin đứng buồn rầu, hãy tinh tấn hơn lên”. Và sau đó biệt xuất bài kệ :

Thiệt Tế Đại Đạo,

Tánh Hai Thanh Trừng

Tâm Nguyên Quảng Nhuận,

Đức Bổn Từ phong

Giới Định Phước Huệ,

Thể Dụng Viên Thông

Vĩnh Siêu Trí Quả

Mật Khế Thành Công

Truyền Trì Diệu Lý,

Diễn Sướng Chánh Tôn

Hạnh Giai Tương Ưng,

Đạt Ngộ Chân Không.

Và chùa Thiền Tôn từ khi thành lập đến nay có 10 đời kế thế trú trì và truyền thừa theo dòng kệ của Ngài Liễu Quán đã 12 đời, tức đến chữ Nhuận.

b. Bảng liệt kê các vị Tổ sư Trú trì:

STT Thời gian Pháp danh Năm sinh Năm tịch

1. 1693 - 1742 Thiệt Diệu - Liễu Quán 1667 1742
2. 1742 - 1775 Tế Hiệp - Hải Điện ? 1775
3. 1775 - 1778 Tế Mẫn - Tổ Huân ? 1778
4. 1778 - 1802 Đại Huệ - Chiếu Nhiên ? 1802
5. 1802 - 1834 Đạo Tâm – Trung Hậu ? 1834
6. 1834 - 1862 Tánh Thiện – An Cư ? 1862
7. 1862 - 1899 Hải nhuận - Phước Thiêm ? ?
8. 1899 -        ? Thanh Liêm – Tâm Thiền ? ?
9. ?       - 1938 Thanh Đức – Tâm Khoan 1874 1938
10. 1938 - 1979 Trừng Thủy – Giác Nhiên 1877 1979
11. 1979 - 2001 Tâm Phật - Thiện Siêu 1921 2001

C. Vài nét về các vị Trú trì:

l) Tổ sư Thiệt Diệu - Liễu Quán: Ngài thuộc đời  thứ 35 Thiền phái Lâm Tế, Ngài họ Lê quê ở làng Bạch Mã huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên. Sinh ngày 18 tháng 11 năm 1667. Ngài viên tịch vào giờ Mùi ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742).

2) Tổ sư Tế Hiệp - Hải Điện: Đệ tử đắc pháp của Tổ Liễu Quán thuộc đời thứ 36 Thiền phái Lâm Tế, kế thế Trú trì chùa Thiền Tôn sau khi Tổ Liễu Quán viên tịch. Ngài Tế Hiệp tịch năm vào 1778 .

3) Tổ sư Tế Mẫn - Tôn Huấn: Đệ tử đắc pháp của Tổ Liễu Quán thuộc đời thứ 36 Thiền phái Lâm Tế, kế thế Trú trì Tổ đình Thiền Tôn sau khi Ngài Tế Hiệp viên tịch. Ngài Tế Mẫn tịch vào năm 1778.

4) Tổ sư Đại Huệ - Chiếu Nhiên: Ngài thuộc đời 37 của Thiền phái Lâm Tế đệ tử ngài Tế Ân - Lưu Quang, kế vị trú trì Tổ đình Thiền Tôn sau khi Tổ sư Tế Mẫn viên tịch. Ngài viên tịch tháng 7 năm 1802 (Nhâm Tuất) .

5) Tổ sư Đạo tâm - Trung Hậu: Ngài thuộc đời thứ 38 của Thiền phái Lâm Tế. Ngài húy Đạo Tâm thế danh là Nguyễn Văn Hậu, có lẽ là đệ tử của thiền sư Đại Huệ - Chiếu Nhiên. Hiện chưa rõ quê quán và năm sinh của ngài, chỉ biết Sư xuất gia từ thuở nhỏ. Sau khi ngài Đại Huệ - Chiếu Nhiên viên tịch truyền lại cho thủ tòa Đạo Tâm - Trung Hậu. Theo Đỗ Bang trong bài Trần Văn Kỷ ở tập I cuốn Danh nhân Bình Trị Thiên tr. 100 thì ngài Trung Hậu có thế danh là Trần Văn Đức được thân phụ là Trần Văn Kỷ sợ bị liên hệ với mình do việc theo Tây Sơn chống đối nhà Nguyên, nên đã ngầm cho con mình vào ở chùa, nhưng vào năm 1801 thì Trần Văn Đức mới 17 tuổi và sau đó đã hoàn tục, theo chúng tôi thì tài liệu nầy không chính xác vì theo sử liệu còn lại tại Tổ đình thì ngài Trung Hậu lên kế vị Trú trì chùa Thiền Tôn sau khi ngài Chiếu Nhiên tịch vào năm 1802 và làm trú trì liên tục đến khi viên tịch năm 1834.

6) Ngài Tánh Thiện - An Cư: Không biết rõ ngày tháng năm sinh cũng như tiểu sử của Ngài. Chỉ biết ngài được truyền lại chức Trú trì bổn tự sau khi Hòa thượng Trung Hậu viên tịch. Ngài tịch vào năm thứ 15 (1862), ngài thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 39.

7) Ngài Hai Nhuận - Phước Thiêm: Ngài thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 40, thế danh là Nguyễn Hữu Thiêm kế thế Trú trì chùa Thiền Tôn năm Đồng Khánh Nguyên niên (1886).

8) Ngài Thanh Liêm - Tâm Thiền: đệ tử nối pháp thứ 7 của ngài Diệu Giác - Hải Thuận, được Bổn sư phú pháp với bài kệ :

Tinh khiết thanh liêm đạo vị nhàn.

Tâm tâm hy hữu ý hà nan.

Trì trung dũng xuất liên hoa đóa,

Pháp vũ ân triêm pháp giới khoan.

- Thế danh của Ngài là Đặng Hy Hữu, húy Thanh Liêm hiệu Tâm Thiền tự là Hy Hữu. Năm Thành Thái thứ 11 (1899) tháng 3 ngài được đặc cử làm Trú trì Tổ đình Thiền Tôn.

9) Hòa thượng Thanh Đức - Tâm Khoan: Sư người thôn Trung Kiên, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sinh năm Giáp Tuất (1874) thế danh là Phạm Gia Khánh, người thôn Trung Kiên tổng Bích La huyện Đăng Xương tỉnh Quảng Trị. Ngài đồng chơn nhập đạo, thọ giáo với Hòa thượng Hải Thuận - Diệu Giác, được bổn sư cho Pháp danh là Thanh Đức hiệu Tâm Khoan tự Gia Khánh. Đến năm 20 tuổi thọ giới Cụ túc tại giới đàn Báo Quốc năm Giáp Tuất (1894) do ngài Hải Thuận làm Đường đầu, sau đó ngài lại dược bổn sư cho bài kệ đắc pháp đại sư:

Thanh nhi Hữu Đức tiến tâm thiền

Gia Khánh hy nhiên đạo vĩnh truyền

Đắc pháp tu bằng vi diệu pháp

Hà lao biệt ngoại pháp tầm huyền.

Sau được Sơn môn bảo cử làm Trú trì chùa Báo Quốc và kế thế ngài Tâm Thiền làm Trú trì Tổ đình Thiền Tôn. Sư là vị đệ tử nối pháp thứ 8 của ngài Diệu Giác- Hải Thuận. Ngài viên tịch năm 1938 trong khi ngài đang kiêm nhiệm Trú trì 3 chùa là Thiền Tôn, Báo Quốc và Kim Tiên. Kim quan của ngài được nhập bảo tháp ở phía Nam cách chùa Thiền Tôn khoảng 500 mét.

10) Hòa thượng Trừg Thủy - Giác Nhiên (1878 - 1979): Hòa thượng Pháp danh Trừng Thủy, tự Chí Thâm, Pháp hiệu Giác Nhiên, thuộc dòng Thiền Lâm Tế, Pháp phái Liễu Quán đời thứ 42.

Ngài thế danh là Võ Chí Thâm, sinh ngày 07 tháng Giêng năm Mậu Dần (1878) tại làng Ái Tư, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Năm 7 tuổi xuất gia ở chùa Tây Thiên Di Đà - Huế, thọ giáo với Hòa thượng Tâm Tịnh . Năm 1910, thọ Cụ túc giới . Ngài đã được bổn sư cho bài kệ đắc pháp Đại sư:

Giác tánh tự thiên nhiên,

Sắc không bất hiện tiền.

Vật ngoại nhàn nhân sụ

Cần tu bổn lý thiền.

Năm 1932, Ngài đã cùng Quý Hòa thượng:  Phước Huệ, Giác Tiên, Tịnh Hạnh và hai cư sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám và Trương Xương thành lập An Nam Phật học hội và ngài được hội cử làm Giám đốc Phật học đường Tây Thiên. Năm 1934, được phong chức Tăng Cang Quốc tự Tánh Duyên, cùng năm đó ngài làm chứng minh cho tạp chí Viên Âm. Năm 1938, được Giáo hội và môn phái suy cử làm Trú trì Tổ đình Thiền Tôn kế thế ngài Tâm Khoan cùng những trách nhiệm khác của Giáo hội giao phó như làm Viện trưởng Phật học viện Hải Đức - Nha Trang, Chánh Hội trưởng Tổng Trị sự hội Phật giáo Trung phần. Ngày 10.3 .1973 , Ngài được suy tôn làm Đệ nhị Tăng Thống GHPGVNTN. Ngày 6 tháng Giêng năm Kỷ Mùi tức ngày 02 tháng 02 năm 1979, Ngài viên tịch, thọ 102 tuổi đời, 69 hạ lạp.

11) Hòa thương Tâm Phật - Thiện Siêu: Hòa thượng người làng Thần Phù, Hương Thuỷ, Thừa Thiên, thế danh là Võ Trọng Tường, sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Dậu (1921), xuất gia năm 1935, đầu sư với Hòa thượng Giác Nhiên. Trú trì chùa Từ Đàm năm 1947, năm 1973 Tổng Thư ký Viện Hóa đạo GHPGVNTN, năm 1979 ngài Giác Nhiên viên tịch, Hòa thượng được môn phái cử làm Trú trì Tổ đình Thiền Tôn, năm 1981 Hòa thượng được Giáo hội cử làm Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni GHPGVN và đến nay Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thưởng trực Hội đồng Trị sự GHPGVN kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni và Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

SÁCH THAM KHẢO

Hán Văn 
Hoàng Việt Địa Dư : Bổn Triều Ngô Chí
Lịch Triều Hiến Chương Chí : Phan Huy Chú
Đại Nam Nhất Thống Chí : Cao Xuân Dục
Kiến Văn Lục : Lê Quí Đôn
Vân đài loại ngữ : Lê Quí Đôn
Khâm Định Việt sử
Thông Giám cương mục 
: Duy Tân Tu Thư Cuộc-Ngô Các
Quốc Triều Chính Biên : Bổn Triều Thành Thái Đình Thần
Quốc Triều Tiền Biên : Bổn Triều Thành Thái Đình Thần
Lịch sử nhân vật chí Đại Việt Sử ký : Lê Văn Hưu
Ấn Độ Phật giáo sử
(Thượng Hải thương vụ ấn thư quán) : Tưởng Duy Kiều
Tây Tạng Phật giáo sử
(Thượng Hải P.H thư cuộc) : Lý Giực Phước
Việt Nam Thiền uyển tập anh
Liệt Tổ truyện
Thống yếu kế đăng lục
Đạo giáo nguyên lưu  : An Thuyền Đại Sư
Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu : Nguyễn Bá Trác
Hàm Long sơn chí (cảo bản) : Điềm Tịnh Cư sĩ
Khóa Hư và các bia ký các chùa : Trần Thái Tôn
Quốc Văn 
Việt Nam Văn Hóa Sử cương : Đào Duy Anh
Việt Nam Sử lược : Trần Trọng Kim
Thế giới sử : Đào Duy Anh
Trung Quốc Phật giáo tiểu sử : Mật Thể dịch
Việt Nam truyền thống thế hệ : Đồ nam Tử (Đuốc Tuệ)
Việt Nam Văn học sử : Ngô Tất Tố
và các báo chí Viên Âm, Nam Phong, Đuốc Tuệ 
Pháp văn 
Le Bouddisme en An nam des origines au XIIIe siècle : H. Maspéro
Esquisse d’une histore du Bouddisme au Tonkin : Trần Văn Giáp
Le premier Annamite consacré superieur de Bonzerie par les Nguyen-Son Tom beau : L. Sogny
Le songe et l’embassade de l’Empereur Minh: H. Maspero
Pagode Quốc Ân par R.P.L. Cadière – Revuedes Amis du Vieux Huế, 1914, 161, & 1915 Pages 305, 318
Pagode Quốc Ân par R.P.L. Cadière – Revuedes Amis du Vieux Huế, 1914, 161, & 1915 Pages 305, 318
Pagode de Thiên Mụ par A. Bonhomme – Revue des Amis du Vieux Huế, Pages 173, 192, 251, 286, 429, 448
 
 
 

[1] Lần tái bản năm 2004.

[2]  Bài tóm tắt của Hà Xuân Liêm.

 [3] Trích “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” Nguyễn Lang, Nxb. Văn học. Hà Nội -2000 

[4] Hòa thượng Bổn Kiểu Khoáng Viên là đệ tử của thiền sư  Đạo Mân đời thứ ba mươi một, đời Lâm Tế, ở chùa Thiền Khai, Quảng Đông. Ngài Đạo Mân có để lại bài kệ Truyền Pháp sau đây :

Đạo bổn Nguyên thành Phật Tổ Tiên.

Minh như hồng nhật lệ trung thiên.

Linh Nguyên quảng nhuận từ phong phổ.

Chiếu thế chân đăng vạn cổ huyền.

 [5] Sách Hải Ngoại Kỷ Sự còn cho biết là trong thời gian chúa Nguyên Phúc Trăn (1687- 1691) trị vì ông cũng đã được chúa mời thỉnh tới hai lần nhưng chưa đi được Lần này ông qua là do chúa Nguyễn Phúc Chu mời. Hai sứ giả được chúa cử sang mời Hòa thượng Thạch liêm là Trần Thiêm Quang và Ngô Từ Quang chứ không phải Tổ Nguyên Thiều. Sách Hải Ngoại Kỷ Sự cũng  không hề đề cập đến Tổ Nguyên Thiều.

 [6] Việt Nam Phật giáo Sử lược, 1943, Hà Nội.

 [7] Thạch Liêm, Hải Ngoại Kỷ Sự 

[8] Tư  liệu do Nguyên Anh cung cấp 

[9] Bài tóm tắt của Hà Xuân Liêm.

 [10] Tư liệu do Nguyên Anh cung cấp.