Châu Hoằng đại sư, tự
Phật Huệ, hiệu Liên Trì, người đời Minh, con nhà họ Trầm, ở xứ Nhân Hòa tại
Hàng Châu. Năm mười bảy tuổi ngài đã được bổ làm Giáo thọ, nổi tiếng là người
học hạnh kiêm toàn.
Láng giềng có bà lão,
mỗi ngày niệm Phật vài ngàn câu lấy làm thường khóa. Nhân lúc rỗi rảnh sang
chơi, ngài hỏi duyên cớ, bà đáp: "Ông nhà tôi lúc sanh tiền chuyên lo niệm
Phật đến khi sắp chết, không đau bịnh chi, vui vẻ vòng tay cáo từ mọi người mà
qua đời. Do đó, tôi biết công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn!" Ngài nghe
nói cảm động, từ đó hằng để ý đến pháp môn Tịnh Ðộ. Lại viết bốn chữ:
"Sống chết việc lớn" dán nơi vách đầu bàn để tự răn nhắc.
Năm ba mươi hai tuổi, ngài xuất gia, rồi đi tham phỏng các bậc danh đức. Sau
cùng đến học đạo với Tiếu Nham Nguyệt Tâm thiền sư, tham câu "Niệm Phật là
ai?" Một hôm, đang đi tham cứu bỗng chợt tỉnh ngộ, làm bài kệ rằng:
Hai chục năm qua việc đáng nghi
Ngoài ba ngàn dặm gặp sao kỳ!
Ðốt hương, liệng kích dường như mộng
Ma, Phật, tranh suông thị lẫn phi!
Niên hiệu Long Khánh
thứ năm, Ðại Sư đi khất thực ngang qua đỉnh Vân Thê, thấy cảnh nước non cực kỳ
u nhã, quyết ý cất am ở tu. Trong núi ấy có nhiều cọp, ngài hành phép Du Già
Thí Thực, từ đó các loài thú dữ không còn khuấy hại nữa. Mấy năm sau, gặp lúc
nắng hạn lâu, cư dân quanh vùng đến am cầu xin đảo võ. Ngài đáp: "Tôi chỉ
biết niệm Phật, không có tài chi khác!" Mọi người vẫn nài nỉ cố thỉnh. Ðại
Sư cảm lòng thành của dân chúng, ra thảo am gõ mõ đi dọc theo bờ ruộng mà niệm
Phật. Bước chân của ngài đi đến đâu, mưa lớn rơi theo đến đó. Nhân dân vui mừng
kính đức, cùng nhau hiệp sức xây cất điện chùa. Tăng chúng các nơi lần lượt
nương về, không bao lâu chỗ ấy thành cảnh đại tòng lâm trang nghiêm thanh
tịnh.
Ðại Sư tuy đã tỏ
thiền cơ, nhưng xét thấy căn lực người thời mạt pháp kém yếu, kẻ nói lý thì
nhiều song ngộ lý thật rất ít. Vì muốn lợi mình và người nên ngài chủ trương
Tịnh Ðộ, cực lực bác bỏ Cuồng Thiền. Bộ Phật Thuyết A Di Ðà Kinh Sớ Sao do ngài
trứ tác, dung hòa cả sự lý gồm nhiếp khắp ba căn, lời dẫn giải rất là uyên áo.
Về trước, các bậc tôn đức trong Phật giáo tuy hoằng truyền Tịnh Ðộ, những vẫn
không bỏ Thiền tông. Ðến phiên Ðại Sư là người được chánh truyền tâm ấn từ ngài
Tiếu Nham thuộc dòng Lâm Tế lại chỉ hoằng dương Tịnh Ðộ. Vì thế, các nhà Thiền
học đương thời rất không bằng lòng. Ông Tào Lỗ Xuyên, một vị học Phật, hai phen
gởi thơ đến Vân Thê gạn hỏi. Ngài cũng hai phen phúc đáp mà vài đoạn có liên
quan đến Tịnh Ðộ, sẽ được trích thuật ở phần sau.
Ðại Sư bình thời cũng
tu các công đức để phụ trợ Tịnh nghiệp, như truyền giới pháp, khai những ao
phóng sanh. Ngài lại thẩm định nghi Thủy Lục, hành Du Già Diệm Khẩu để cứu khổ
u minh, truyền bá văn giới sát, khiến người quy hóa làm lành rất nhiều.
Năm Vạn Lịch thứ bốn
mươi, cuối tháng 6, Ðại Sư vào thành từ biệt các đệ tử và những người cố cựu,
nói: "Tôi sắp đi nơi khác!" Rồi ngài trở về chùa thiết tiệc trà từ
giã đại chúng. Mọi người không hiểu là duyên cớ gì. Ðến chiều mùng một tháng
Bảy, ngài vào tăng đường bảo: "Mai này tôi sẽ đi".
Qua chiều hôm sau,
Ðại Sư kêu mệt rồi vào tư thất ngồi kiết già nhắm mắt. Chư Tăng, các đệ tử tại
gia và những người cố cựu trong thành đều hội đến. Ngài mở mắt ra nhìn mọi
người nói: "Các vị nên chân thật niệm Phật, đừng làm điều chi khác lạ và
chớ phá hoại quy củ của tôi". Nói xong, hướng về Tây chắp tay niệm Phật mà
qua đời. Thọ được tám mươi mốt tuổi.
Phụ Vấn Ðáp
(Lược trích)
Thơ hỏi: Kẻ hèn này
từ lâu giữ miền Ðông Lỗ, đối với các kinh điển Nho và Phật, đã làm con mọt sách
từ bốn mươi năm qua. Lại thường phụng giáo với những hàng thức giả, cũng uẩn
súc được một đôi phần. Nay nhân sư Ðoạn Phàm đến Vân Thê, xin gởi mấy lời để
mong sự hiệu chính nơi ngài là bậc thiện tri thức.
1. Trong Phật pháp có
ba tạng, mười hai phần giáo, đức Thế Tôn khi xưa đã giăng nhiều thứ lưới nơi bể
sanh tử sâu rộng để tùy phần vớt các loài cá nhơn thiên lớn nhỏ đưa lên bờ Niết
Bàn. Nhưng nên nói lớn để gồm nhỏ, đâu thể cử một mà bỏ nhiều! Gần đây, tôi
nghe có kẻ bảo: nhiều kiếp thành Phật tất là Tiệm chớ không phải Ðốn. Vả Tiệm
giáo cũng là Phật dạy, chưa từng không đúng, song dùng Tiệm để bỏ Ðốn giáo,
phải chăng thật đã sai lầm?
Tôn Giả bên trong ẩn
giấu sự tỏ ngộ đốn viên, ngài thì hiển bày pháp môn Tịnh Ðộ. Việc này chư Phật
cũng có như thế, không đủ để hiềm nghi. Nhưng học chúng của ngài lại chỉ trọng
một đức A Di Ðà mà bỏ hết mười lăm vì Vương tử, muốn tôn một kinh Tịnh Ðộ mà bỏ
hết ba tạng mười hai phần kinh. Ðó là điều kẻ hèn này không muốn nghe! Hiện nay
tuy nhằm thời mạt pháp, song con người há chỉ có độn tánh mà không lợi căn? Như
đức Thích Tôn vì Ca Diếp, Kiều Trần Như thì nói pháp này; vì Thiện Tài, Long Nữ
lại nói pháp khác. Chỗ thuyết giáo của Phật tùy cơ biến đổi, thật tròn trặn như
trên mặt nước lăn trái hồ lô, nếu như cắm cọc đóng đinh, giữ cây chờ thỏ, làm
sao lợi ích hàng nhơn thiên được? Rất mong Tôn Giả tùy cơ thuyết pháp, khi gặp
hàng lợi căn nên vì nói thượng thừa, để họ ngộ lý viên dung không còn thiên trệ
khiến cho đại bàng cùng chim én đều được thích nghe. Như thế há chẳng là điều
rất lành rất tốt ư?
2. Kinh Hoa Nghiêm là
Nhứt Thừa Viên Giáo, là vua trong các kinh. Trong bộ Di Ðà Sớ Sao, Tôn Giả lại
đem kinh Di Ðà sánh với Hoa Nghiêm, điểm ấy tợ hồ chưa thỏa đáng. Ðã thế, có
người lại còn nhân đó mà làm luận đưa cao Tịnh Ðộ, đè nén Hoa Nghiêm, khiến cho
màu tím, sắc chu thành ra lẫn lộn! Mong Tôn Giả vì căn Tịnh Ðộ nói Tịnh Ðộ, với
cơ Hoa Nghiêm nói Hoa Nghiêm, đừng chê nhau cũng chớ lạm nhau, mới thật là lưu
thông Phật pháp.
Thơ đáp: Tiếp được tờ
mây, biết cư sĩ đại lượng bao la muốn đem hết chúng sanh trong pháp giới đưa vào
biển tánh Nhứt Thừa. Ðó là nguyện lớn của đức Phổ Hiền, riêng lòng thật lấy làm
kính ngưỡng!
1. Theo lời cư sĩ
bảo: Tôi nên tùy cơ diễn giáo, đó là ý kiến rất hay! Nhưng tùy muôn cơ mà dẫn
dạy, đó là việc của chư Phật ra đời. Ðiều ấy kẻ hèn này chưa làm được. Như khi
xưa Lục Tổ ở Tào Khê ngài không thông các giáo pháp khác? Và như Viễn Công ở Lô
Sơn riêng mở Bạch Liên Xã, gồm các bậc cao Tăng, danh sĩ, há chỉ tiếp độ kẻ độn
căn? Ðến như năm tông: Vân Môn, Pháp Nhãn, Tào Ðộng, Quy Ngưỡng, Lâm Tế, tuy đồng
ra một nguồn, nhưng sự tiếp độ của mỗi tông đều có phần sai khác. Những điều
trên là sự thi thiết riêng của chi phái môn đình, đó cũng là lẽ tất nhiên,
chẳng lấy chi làm lạ! Chư Tổ Sư khi xưa đều như thế, huống nữa là kẻ phàm
thường này ư? Nếu không tự lượng bắt chước theo Phật, nay nói pháp này, mai
diễn pháp khác thì thành ra mờ mịt chẳng có sư thừa. Ðó tuy nói là lợi người,
kỳ thật làm cho người lầm lạc. Tại sao thế? Bởi Phật là đấng Pháp Vương, đối
với các pháp đều tự tại. Còn kẻ dân thường mà tiếm xưng Thiên Tử là điều nguy
hiểm, há chẳng nên kiêng dè ư?
2. Kinh Hoa Nghiêm
đúng là Nhứt Thừa Viên Giáo, gồm vô lượng môn; cầu sanh Tịnh Ðộ là một trong vô
lượng môn của Hoa Nghiêm. Theo căn cơ thời nay nên do một Tịnh Ðộ mà vào Hoa
Nghiêm, không phải nêu Tịnh Ðộ mà bỏ Hoa Nghiêm. Cư sĩ bảo do tôi đem kinh Di
Ðà sánh với Hoa Nghiêm, nên mới có kẻ làm luận đưa cao Tịnh Ðộ, đè nén Hoa
Nghiêm. Xin hỏi bộ luận ấy ở đâu, do ai trứ tác? Nhưng tôi cũng chưa từng đem
kinh Di Ðà sánh ngang với Hoa Nghiêm. Trong văn Sớ Sao của tôi chỉ nói:
"Kinh Hoa Nghiêm cực viên, kinh Di Ðà được một ít phần viên". Ðó là
bảo kinh Di Ðà chỉ thuộc môt phần pháp quyến của Hoa Nghiêm, có chi gọi rằng
đồng bậc? Vả lại khi nói Hoa Nghiêm, đã gồm Tịnh Ðộ và nói Tịnh Ðộ cũng thông
với Hoa Nghiêm. Thế thì kẻ diễn Hoa Nghiêm tự nói Hoa Nghiêm, người nói Tịnh Ðộ
tự diễn Tịnh Ðộ, vẫn đồng hành mà không trái nhau. Người thời nay chỉ biết Hoa
Nghiêm rộng hơn Cực Lạc, song không rõ đức Di Ðà chính là Phật Giá Na. Ngài
Long Thọ truyền bá kinh Hoa Nghiêm mà nguyện sanh Cực Lạc. Ðức Văn Thù, Phổ
Hiền đồng phụ tá Phật Tỳ Lô Giá Na, hiệu là Hoa Nghiêm Tam Thánh, cũng phát
nguyện về cõi Liên Bang. Cư sĩ khuyên tôi vì căn Tịnh Ðộ nói Tịnh Ðộ, với cơ
Hoa Nghiêm nói Hoa Nghiêm. Xin hỏi các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Long Thọ là bậc
người nào? Những vị Bồ Tát ấy niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, là căn Tịnh Ðộ hay
Hoa Nghiêm? Cư sĩ lâu nay vẫn truyền dương kinh Hoa Nghiêm, mà trái với đức Văn
Thù, Phổ Hiền, Long Thọ là điều tôi chưa hiểu nổi!
Thật ra, cư sĩ với
tôi đều là bạn lành trong Hoa Tạng thế giới. Nay lão hủ lại muốn mời cư sĩ cùng
làm huynh đệ ở Liên Bang. Mong cư sĩ xét suy, đừng xem tôi là người bên ngoài
vậy.
Thơ hỏi: Ðại đức Ðoạn
Phàm có đem thơ phú đáp của Tôn Giả. Duyệt xem thấy lời và ý ân cần, thật rất
cảm lòng chiếu cố! Nhưng nỗi riêng chưa tỏ hết, còn xin có mấy điểm trình
bày:
1. Kinh Pháp Hoa,
trong phần khen công đức thọ trì có dẫn: "Nếu người nữ nào thọ trì phẩm
này sẽ thoát hẳn nữ thân, sanh về Cực Lạc". Như thế sự vãng sanh Tịnh Ðộ,
phải chăng là nhân quả của nữ nhơn? Lại nữa, kinh Lăng Nghiêm, trong phần tuyển
lựa viên thông, đức Văn Thù đã bác môn Niệm Phật của ngài Thế Chí là vô thường,
sanh diệt. Vậy ý Tôn Giả nghĩ như thế nào?
2. Tể Kỷ thiền sư,
khi các học giả đọc đến hai câu kệ của ngài Thiện Ðaọ: "Duy có đường tắt
tu hành. Chỉ niệm A Di Ðà Phật" đã quát to: "Vẫn còn quanh lối cũ,
niệm được cái gì?" Thiền sư lại bảo: "Y như trước bỏ cha trốn đi, lưu
lạc tha phương, khổ thay A Di Ðà Phật!" Lời của một bậc ngộ đạo nói như
vậy, há không có ý vị ư?
3. Bởi thế bậc thức
đạt đã bảo: "Trải nhiều kiếp cần khổ tu hành không bằng một niệm ngộ Vô
Sanh Pháp Nhẫn". Người trí cần phải vượt khỏi môn quyền học Tam Thừa,
không còn ngã và ngã sở. Nay sự vãng sanh Tịnh Ðộ, ta là người hay sanh, Cực
Lạc là chỗ sanh về thì năng, sở, người cảnh còn phân biệt rõ ràng, đâu gọi là
cứu cánh?
4. Nếu như nói:
"Hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh". Ðây tất phải đợi sau khi vãng sanh
thấy đức Di Ðà mới được ngộ đạo, phải chăng là quá chậm trễ xa vời?
5. Trong thơ trước,
tôi đã khuyên Tôn Giả: "Vì căn Tịnh Ðộ nói Tịnh Ðộ, với cơ Hoa Nghiêm nói
Hoa Nghiêm" thật đã vì ngài mà tỏ bày hết tâm não. Tôn Giả lại không lưu
ý, nên vừa rồi thính chúng nơi pháp hội của ngài từ Hàng Châu sang đất Tô, vị
nào cũng nôn nao cầu về chín phẩm. Nhân khi cùng nói chuyện, tôi vừa đề cập đến
Thượng Thừa thì họ đều sửng mắt, kinh lòng! Ðó là lỗi của thầy hay của hàng đệ
tử? Ðấng đại trượng phu khí lượng phải xung thiên, nay ngài đã ra ứng thế, mở
pháp đường, lên giảng tọa, sao không đủ tác lược của bậc đại nhơn, mà chỉ bắt
chước hành động những ông già bà cả ăn chay ở đầu làng ngõ xóm? Nếu một mai bị
bậc lanh lợi thông suốt hỏi đến, sẽ toan ẩn mình trên sao Bắc Ðẩu, hay chui
thân vào núi Thiết Vi ư?
6. Thế thì việc Tôn
Giả muốn vời tôi cùng làm bạn sen nơi Cực Lạc, khác nào bảo kẻ này gánh gai bỏ
vàng, đuổi theo vật mà chạy vào mê lộ? Há chẳng nghe nói: Nếu là chim đại bàng
kim súy, mới giương cánh đã vượt cao chín tầng mây; ngựa nhiếp ảnh thần câu vừa
cất vó đã lướt ra ngoài vạn dặm. Hạng này không còn theo lớp mà ăn uống, cũng
không tùy tiện chịu vùi thân. Người xưa bảo: "Nếu muốn cứu cánh việc ấy,
phải đứng trên chót vót đỉnh non cao, đi sâu tận lòng đáy biển thẳm. Như chưa
bỏ được sự êm ấm của khuê phòng thì có chỗ nào dùng được!".
Cho nên, Phật pháp là việc lớn, không phải phàm thường. Mong ngài nghĩ
lại!
Thơ đáp: Mấy điều huệ
cố của cư sĩ, lời hay lẽ diệu, luận biện điệp trùng, thật là đáng ngợi khen,
đáng ngưỡng vọng. Nhưng trộm nghĩ: "Lòng thương tôi tuy sâu, song tiếc đã
lắm lời phí uổng!"
Nếu cư sĩ quả muốn tuyên dương Thiền tông, ức chế Tịnh Ðộ thì không cần nói chi
nhiều. Sao chẳng bảo: "Chư Phật trong ba đời bị miệng ta nuốt mất hết cả.
Một đức Phật còn chẳng lập, có ai là A Di Ðà?" Lại sao không bảo:
"Nếu người biết được tâm, đại địa không tấc đất. Một tấc đất đã không, nơi
nào là cõi Cực Lạc?" Chỉ dùng hai lời ấy thôi, đủ gồm nhiếp hết những điều
cư sĩ muốn nói. Nay nghĩ nếu mỗi mỗi đều thù đáp, e phạm lỗi đấu tranh. Nếu hẳn
không trả lời, vì đạo pháp có tương quan, lại chẳng thể im lặng. Vậy xin tỏ bày
ước lược như sau:
1. Cư sĩ dẫn kinh
Pháp Hoa, nói sự vãng sanh Tịnh Ðộ là nhân quả của người nữ. Thế thì việc Long
Nữ thành Phật, cũng là nhân quả của người nữ ư? Lại dẫn kinh Lăng Nghiêm nói:
Ðức Văn Thù bác Niệm Phật là vô thường, sanh diệt, không viên thông. Thế tại
sao ngài Kiều Trần Như tỏ ngộ hai chữ KHÁCH TRẦN có thể gọi là suốt lý vô
thường, hợp lẽ bất sanh diệt, lại chẳng được chọn là pháp viên thông? Nếu quả
thật: Ðức Quán Âm đỗ cao, ngài Thế Chí thi rớt thì sao cư sĩ chẳng nghe biết
điều thí dụ: "Cửa rồng chạm trán" là lời của kẻ quê mùa miền Ðông Dã
ở nước Tề?
2. Về những điều của
Tể Kỷ thiền sư bảo, cư sĩ đã học Thiền, sao chẳng biết đó là các nhà Tông Sư vì
người cởi chấp mở trói, ý ở ngoài lời, lại cứ theo văn tự hiểu thành sự thật mà
chịu chết dưới câu nói như thế? Nếu quả vậy thì cổ đức bảo: "Ðạp trên đỉnh
đầu Phật Tỳ Lô mà đi" cũng là đạp thật sự hay sao? Những cơ phong ấy trong
các Ngữ Lục có đến ngàn muôn ức. Lão hủ bốn mươi năm về trước cũng đã từng dùng
đến để cho lời nói cao siêu xuất cách, câu văn mạnh mẽ hùng hào. Về sau xét lại
biết hổ thẹn, không còn dám theo lề lối cũ, nay chợt nghĩ đến hãy còn đỏ mặt.
Như Tề Kỷ thiền sư nói: "Y như trước bỏ cha trốn đi, lưu lạc tha phương
khổ thay A Di Ðà Phật!" Xin cũng dùng chuyển ngữ đối đáp: "Nay chính
thật như con nhớ mẹ, trở lại quê xưa, vui thay A Di Ðà Phật!" Thử đem cân
lường câu nói này với lời ngài Tể Kỷ, xem bên nào ít nhiều nặng nhẹ, và có bao
khoảng cách xa?
3. Trong thơ lại dẫn
lời cổ nhơn bảo: "Trải nhiều kiếp cần khổ tu hành, không bằng một niệm ngộ
Vô Sanh Pháp Nhẫn". Xin hỏi: "Cư sĩ đã chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn
chưa?" Nếu chứng được thì không nên cho rằng: Ta là người hay sanh, Tịnh
Ðộ là chỗ sanh về. Tại sao? Bởi tâm tức là cảnh, ai là người hay sanh? Cảnh tức
là tâm, đâu là chỗ được sanh? Vì không còn thấy năng sở, nên tuy vãng sanh mà
chưa từng có sanh. Ðó mới thật là chân vô sanh. Nếu cho không sanh về đâu mới
là vô sanh thì thành ra lỗi đoạn diệt, thiên không vậy.
4. Cư sĩ bảo: Nếu đợi
hoa nở thấy Phật mới ngộ vô sanh là chậm trễ xa vời. Kẻ hiểu Thiền tông sao
chẳng biết: từ mê được ngộ như giấc chiêm bao dài mới thức tỉnh? Người ngiệm
Phật tùy theo căn cơ, có vị trong hiện đời đã kiến tánh. Ðó là hoa sen nở trong
giây phút. Có kẻ sau khi vãng sanh mới kiến tánh. Ðó là hoa nở về lâu. Bởi căn
cơ có sáng tối, công phu có trễ siêng, nên hoa nở mới có sớm muộn, đâu được
nhất khái cho là sai chậm ư?
5. Trong thơ còn đề
cập đến mấy vị Tăng ở núi hoang nào đó khi hỏi tới Thượng Thừa thì đều sửng mắt
kinh lòng! Cư sĩ khuyên tôi với căn Hoa Nghiêm thì nói Hoa Nghiêm, với cơ Tịnh
Ðộ thì đàm Tịnh Ðộ. Nay những kẻ ấy thuộc về hàng độn căn, chính nên giảng Tịnh
Ðộ, sao cư sĩ không tùy bịnh cho thuốc, lại luận Thượng Thừa với họ làm
chi?
Cư sĩ lại bảo tôi đã
ra ứng thế, mở pháp đường, lên giảng tọa, mà không đủ tác lược của bậc đại
nhơn. Lão hủ chưa từng dám đương với danh dự ra ứng thế, nên tự ưng không có
tác lược của bậc đại nhơn. Ðiều này hãy tạm gác qua, không cần bàn luận. Nhưng
nếu bỉ người tu Tịnh Ðộ là hạng ông già bà cả ăn chay quê mùa, thật ra không
phải chê các vị đó đâu, mà chính là bỉ đức Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ
vậy! Ðâu riêng gì những vị Bồ Tát ấy, mà chư Tổ như Huệ Viễn, Thiện Ðạo, Thiên
Thai, Vĩnh Minh, chư đại thiện tri thức, các hàng danh nhơn niệm Phật, theo cư
sĩ, cũng là hạng quê mùa cả ư? Song hạng quê mùa nếu niệm Phật được vãng sanh,
sẽ lên ngôi Bất Thối Chuyển, cũng đâu nên xem rẻ khinh chê? Những ông già bà cả
ăn chay niệm Phật cũng dáng khen là họ biết giữ theo quy củ quê mùa của chính
mình. Còn hạng thông minh tài biện, ăn thịt uống rượu, vọng nói Bát Nhã, hôm
sớm cứ tìm chư Tăng gạn Thiền nói đạo thì thế nào?
Ðến như việc các ông
già bà cả khi bị kẻ lanh lợi thông suốt hỏi đến thì chẳng cần lên sao Bắc Ðẩu,
vào núi Thiết Vi làm chi cho cao xa. Họ chỉ cần đặt giường nằm nơi cổ họng,
trải tòa ngồi trên đôi mắt của các vị lanh lợi thông suốt ấy. Làm như thế để
chi? Ðể chúng hãy tạm đóng môn tam muội nơi cửa miệng, biết nhắm mắt hồi quang
phản chiếu xét trở lại chính mình đó thôi!
6. Cư sĩ cho rằng việc khuyên niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ là điên đảo, đuổi theo
vật vào mê lộ, là gánh gai bỏ vàng, làm khuất nhục đến mình. Nhưng các thí dụ
ấy còn chưa thân thiết. Nay lão hủ xin đem một thí dụ khác thay thế:
Có một lão nông chân thật
gởi thiếp vào cửa vị phú trưởng giả, mời đến nhà ở đồng ruộng của mình viếng
cảnh. Mọi người nghe nói đều cười. Lão nông lại quét dọn đường sá sạch sẽ, đến
mời thỉnh lần nữa. Người gác cửa nhà phú trưởng giả cười bảo: "Chủ nhơn
lần trước không quở trách ông là may lắm rồi. Ông định làm mặt dày hay
sao?" Lão ông đáp: "Tôi thấy trong các nhà giàu, có kẻ làm giàu mà
bất nhơn. Có người ngoài giàu nhưng trong nghèo. Có kẻ chưa giàu song tỏ ra
kiêu mạn trước. Có người chỉ giữ kho, giữ sổ sách ở nhà giàu, mà tự cho là mình
giàu. Vả lại cảnh giàu sanh như Kim Cốc, Mỵ Ổ, nay còn đâu ư? Tôi là một lão
già ở đồng ruộng, an hưởng sự vui thái bình nên quên phận thấp kém của mình,
mới thương xót mà mời thỉnh. Thôi từ nay cũng xin tự biết lỗi rồi!” Nói xong
cùng nhau cười rộ mà chia tay.