THAY LỜI TỰA
Đại sư Huệ Năng ra đời năm 638, là vị Tổ sư đời thứ sáu (Lục Tổ) của
Thiền tông Trung Hoa, và là một trong những vị Tổ sư được nhiều người
biết đến nhất. Vai trò của ngài cũng đặc biệt quan trọng đối với người
Việt Nam, bởi vì có những mối liên hệ và ảnh hưởng trực tiếp cũng như
gián tiếp của ngài đối với Thiền tông Việt Nam mà chúng tôi sẽ cố gắng
trình bày một phần trong tập sách này, và bởi vì hầu hết những người học
thiền hầu như không ai là không biết đến quyển Pháp Bảo Đàn Kinh do ngài
truyền lại.
Tương tự như chuyện kể về hầu hết các vị thánh nhân của thời xa xưa,
những gì ngày nay chúng ta được biết về Lục Tổ Huệ Năng là một sự pha
lẫn kỳ thú giữa vô vàn những yếu tố sử liệu xen lẫn với huyền thoại,
giữa những điều rất thật xen lẫn với những điều hư ảo, kỳ bí... Nhưng
bao trùm lên tất cả vẫn là một nhân cách siêu việt toả sáng muôn đời của
một bậc chân tu giác ngộ. Cho dù sự toả sáng ấy có thể được hậu thế mô
tả, ca ngợi theo những cách khác nhau, nhưng điều tất yếu là không nên
vì thế mà làm sai lệch đi những gì vốn có về con người thật của ngài.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp khảo sát những yếu tố không xác
thực, chúng tôi vẫn cố gắng để có thể một phần nào đó phân tách, chắt
lọc được những yếu tố thật tiềm ẩn bên trong lớp vỏ huyền thoại, kỳ bí,
bằng cách nhìn nhận mọi vấn đề với một góc độ khách quan và luôn được
soi sáng một cách nhất quán bởi những gì phù hợp với tinh thần Phật giáo
nói chung, Thiền tông nói riêng.
Như vậy, tập sách này không nhằm mục đích trình bày về Lục Tổ Đại Sư từ
góc độ của các nhà sử học. Chúng tôi không có khả năng và cũng không có
dự tính làm điều đó. Sau khi thu thập tư liệu, chúng tôi đã chọn lọc và
trình bày sách này theo cách mà chúng tôi tin là phù hợp với những gì mà
chính Lục Tổ Đại sư đã từng truyền dạy. Các nhà sử học có thể cho rằng
như vậy là thiếu tính khách quan, và chúng tôi xin nhận lời phê phán đó.
Nhưng về phần mình, chúng tôi có những lý do nhất định để làm như vậy.
Chỉ riêng việc Lục Tổ Đại sư là một vị Tổ sư tiêu biểu trong Phật giáo
cũng đã là một yếu tố hoàn toàn khách quan cho phép chúng tôi đánh giá
và loại bỏ những gì không phù hợp với yếu tố đó.
Ví như một người con xa gia đình đã lâu, nghe rất nhiều người đến nói
khác nhau về cha mình. Vì sự ngăn cách về không gian và thời gian nên
tất cả những gì được nghe đều không đủ tính xác thực. Tuy nhiên, người
con vì đã hiểu được tâm ý của cha mình nên sau khi nghe xong có thể dựa
vào sự phán đoán chủ quan của mình để đánh giá và biết được những gì là
hợp lý hay không hợp lý.
Tâm trạng của chúng tôi khi biên soạn tập sách này cũng tương tự như
thế. Từ nhỏ chúng tôi đã được nghe rất nhiều chuyện kể về Lục Tổ Đại sư.
Sau nhiều năm may mắn được học hỏi Phật pháp, được đọc qua kinh Pháp Bảo
Đàn do ngài truyền lại, chúng tôi chợt nhận ra là những gì đã được nghe
qua có cả những điều hợp lý và không hợp lý.
Vì thế, chúng tôi thừa nhận tính chủ quan khi biên soạn tập sách này.
Bởi vì cho dù chúng tôi đã cố gắng trung thực khi thu thập các nguồn tư
liệu, nhưng những phân tích và nhận xét trong sách này lại là những ý
kiến hoàn toàn chủ quan của chúng tôi, nên điều tất nhiên là độc giả có
thể tán đồng hoặc không tán đồng với những ý kiến đó.
Qua cách làm này, chúng tôi mong muốn phác hoạ phần nào chân dung Lục Tổ
Đại sư đúng thật như một vị Tổ sư của Thiền tông nói riêng, và như một
bậc chân sư của Phật giáo nói chung. Tuy nhiên, việc độc giả có nhận ra
được điều đó hay không, hoặc nhận ra đến mức độ nào tất nhiên là còn tuỳ
thuộc vào sự khéo léo hay vụng về của chúng tôi trong công việc.
Tuy nhiên, cho dù tự biết sự vụng về của mình, chúng tôi vẫn mạnh dạn
thực hiện công việc vì thiết nghĩ rằng, chỉ cần nêu rõ tâm nguyện của
mình nơi đây thì chắc chắn sẽ có được sự đồng cảm từ nhiều độc giả gần
xa, và do đó cũng chắc chắn sẽ nhận được những sự góp ý của bạn đọc cũng
như sự chỉ giáo của các bậc tôn túc, trưởng thượng. Được như thế thì đây
chẳng qua cũng chỉ là viên gạch lót đường đầu tiên, lo gì không có những
người khác trong tương lai sẽ tiếp tục làm tốt hơn công việc này!
Trân trọng
NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN