l. Viên tịch
Lục Tổ Đại sư một ngày kia biết mình sắp viên tịch, liền gọi hết môn đồ
như các vị Pháp Hải, Chí Thành, Pháp Đạt, Thần Hội, Trí Thường, Trí
Thông, Chí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân, Pháp Như... đến mà dạy rằng:
“Các ông chẳng phải như những người khác, sau khi ta diệt độ rồi, mỗi
người đều phải làm thầy một phương mà thuyết pháp, giáo hoá.”
Rồi Đại sư ân cần dặn dò, chỉ bảo những chỗ pháp yếu trong việc khai
thị, giáo hoá đồ chúng sau này.
Tháng bảy năm Nhâm Tý (712), Đại sư bảo môn đồ qua chùa Báo Ân tại Tân
Châu xây tháp, hối thúc thợ làm nhanh, qua cuối mùa hạ năm sau làm lễ
khánh thành.
Mùng một tháng bảy năm Quý Sửu, Đại sư nhóm đồ chúng, dạy rằng:
“Đến tháng tám này, ta muốn lìa khỏi thế gian. Các ông có điều nghi nên
hỏi sớm đi, ta phá nghi cho, khiến các ông hết mê. Sau khi ta đi rồi,
không có người dạy các ông.”
Pháp Hải cùng các môn đồ khác nghe lời này thảy đều sa nước mắt khóc.
Duy chỉ có Thần Hội là thần sắc không thay đổi, chẳng khóc. Đại sư nói:
“Tiểu sư Thần Hội đạt được chỗ thiện, bất thiện như nhau, chê khen chẳng
động, buồn vui chẳng sinh, còn những người khác chẳng được gì cả. Vậy
bao năm nay ở chùa, các ông tu pháp chi? Nay các ông bi lụy, ấy là vì ai
mà lo? Nếu lo vì ta chẳng biết nơi đi, thì ta tự biết nơi đi. Nếu ta
chẳng biết nơi đi, thì đã chẳng báo trước với các ông. Các ông bi lụy,
thật là vì chẳng biết chỗ ta đi. Nếu biết chỗ ta đi, ắt chẳng nên bi
lụy. Pháp tánh vốn không có sanh diệt, đến đi. Y theo đó mà tu hành, sẽ
chẳng mất tông chỉ.”
Khi ấy, biết là Đại sư chẳng còn trụ lâu ở đời, Pháp Hải liền lên tòa,
lạy hai lạy, hỏi rằng:
“Sau khi Hòa thượng nhập diệt, y pháp nên truyền cho người nào?”
Đại sư đáp rằng: “Những điều ta thuyết giảng từ khi ở chùa Đại Phạm cho
tới nay, hãy ghi chép lại mà cho lưu hành, đề tựa là Kinh Pháp Bảo Đàn.
Các ông hãy giữ gìn, truyền trao cho nhau, độ khắp quần sanh. Chỉ y theo
đó, gọi là chánh pháp. Nay ta vì mọi người mà thuyết pháp, chứ chẳng
truyền y. Vì lòng tin của các ông đã thuần thục, quyết định không còn
nghi ngờ, có thể nhận nổi việc lớn. Lại theo ý Tổ Đạt-ma truyền kệ, thì
y chẳng nên truyền. Kệ như thế này:
Pháp ta truyền đến xứ này,
Độ người mê muội, cứu người ngu si.
Một hoa năm cánh đúng kỳ,
Tự nhiên hưng thịnh Thiền quy rộng truyền.
Sư thuyết kệ rồi, lại dạy rằng: “Pháp chẳng phân hai, tâm cũng như vậy.
Đạo vốn thanh tịnh, cũng không có các tướng. Các ông cẩn thận, chớ rơi
vào chỗ quán tịnh hoặc cố làm trống không tâm mình. Tâm này vốn tịnh,
không thể lấy, không thể bỏ. Mỗi người nên tự mình gắng sức, khéo tùy
duyên mà đi đi.”
Khi ấy, đồ chúng đều làm lễ và lui ra.
Ngày mùng tám tháng bảy, Đại sư bất ngờ bảo đồ chúng rằng: “Ta muốn về
Tân Châu, các ông mau chuẩn bị thuyền.”
Đại chúng buồn thảm, thiết tha cầm lại, Đại sư nói:
“Chư Phật ra đời còn thị hiện Niết-bàn. Có đến tất có đi cũng là lẽ
đương nhiên. Hình hài này của ta ắt có chỗ về.”
Đại chúng thưa hỏi: “Đại sư đi lần này, liệu có trở lại chăng?”
Đại sư nói: “Lá rụng về cội.”
Rồi không hẹn ngày trở lại.
Đại chúng lại thưa hỏi: “Chánh pháp nhãn tạng truyền cho ai?”
Đại sư đáp: “Ai có đạo thì được, ai vô tâm thì thông hiểu.”
Đại chúng lại hỏi: “Về sau có nạn gì chăng?”
Đại sư nói: “Sau khi ta tịch diệt khoảng năm, sáu năm, sẽ có một người
đến lấy đầu ta.” Rồi đọc kệ rằng:
Đầu thờ cha mẹ,
Miệng cần miếng ăn.
Gặp nạn tên Mãn,
Dương, Liễu là quan.
Đại sư lại nói: “Sau khi ta nhập diệt bảy mươi năm, sẽ có hai vị Bồ Tát
từ phương Đông lại, một vị xuất gia, một vị tại gia, đồng thời chấn
hưng, giáo hóa, gây dựng lại tông phái, xây dựng lại chùa tháp, làm cho
hưng thạnh đạo pháp.”
Đại chúng lại thưa hỏi: “Từ Phật tổ ứng hiện đến nay truyền trao đã bao
nhiêu đời, xin chỉ bảo cho biết.”
Đại sư đáp: “Phật xưa ứng thế nhiều vô số, không thể tính đếm, kể hết.
Nay chỉ lấy bảy vị làm đầu. Đời quá khứ Trang nghiêm Kiếp có Phật
Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù. Về Hiền Kiếp này có Phật
Câu-lưu-tôn, Phật Câu na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp và Phật Thích-ca. Đó
là bảy vị Phật.
“Phật Thích-ca bắt đầu truyền cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp là Tổ thứ nhất.
“Tổ thứ hai là Tôn giả A-nan, Tổ thứ ba là Tôn giả Thương-na Hòa-tu, Tổ
thứ tư là Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa, Tổ thứ năm là Tôn giả Đề-đa-ca, Tổ thứ
sáu là Tôn giả Di-giá-ca, Tổ thứ bảy là Tôn giả Bà-tu-mật-đa, Tổ thứ tám
là Tôn giả Phật-đà Nan-đề, Tổ thứ chín là Tôn giả Phục-đà Mật-đa, Tổ thứ
mười là Tôn giả Hiếp, Tổ thứ mười một là Tôn giả Phú-na Dạ-xa, Tổ thứ
mười hai là Đại sĩ Mã Minh, Tổ thứ mười ba là Tôn giả Ca-tỳ Ma-la, Tổ
thứ mười bốn là Đại sĩ Long-thọ, Tổ thứ mười lăm là Tôn giả Ca-na-đề-bà,
Tổ thứ mười sáu là Tôn giả La-hầu-la-đa, Tổ thứ mười bảy là Tôn giả
Tăng-già Nan-đề, Tổ thứ mười tám là Tôn giả Già-da Xá-đa, Tổ thứ mười
chín là Tôn giả Cưu-ma-la-đa, Tổ thứ hai mươi là Tôn giả Xà-da-đa, Tổ
thứ hai mươi mốt là Tôn giả Bà-tu Bàn-đầu, Tổ thứ hai mươi hai là Tôn
giả Ma-nô-la, Tổ thứ hai mươi ba là Tôn giả Hạc-lặc-na, Tổ thứ hai mươi
bốn là Tôn giả Sư Tử, Tổ thứ hai mươi lăm là Tôn giả Bà-xá Tư-đa, Tổ thứ
hai mươi sáu là Tôn giả Bất-như Mật-đa, Tổ thứ hai mươi bảy là Tôn giả
Bát-nhã Đa-la, Tổ thứ hai mươi tám là Tôn giả Bồ-đề Đạt-ma, Tổ thứ hai
mươi chín là Đại sư Huệ Khả, Tổ thứ ba mươi là Đại sư Tăng Xán, Tổ thứ
ba mươi mốt là Đại sư Đạo Tín, Tổ thứ ba mươi hai là Đại sư Hoằng Nhẫn.
Huệ Năng này là Tổ thứ ba mươi ba.
“Các vị Tổ trên đây đều có sự truyền nối rõ ràng. Các ông về sau, đời
này lưu truyền đời kia, cũng đừng để cho lầm lạc.”
Đại chúng nghe xong, tin nhận lời Tổ, làm lễ lui ra.
Ngày mùng 3 tháng 8 năm Quí Sửu (713), Đại sư dùng bữa ở chùa Báo Ân
xong rồi, bảo đồ chúng rằng: “Các ông theo thứ tự mà ngồi, ta từ biệt
các ông.”
Pháp Hải bạch rằng: “Hòa thượng lưu lại giáo pháp chi khiến cho người mê
đời sau thấy được Phật tánh?”
Đại sư nói: “Các ông hãy lắng nghe đây. Người mê đời sau nếu nhận biết
chúng sanh, tức là Phật tánh. Nếu chẳng nhận biết chúng sanh, dù muôn
kiếp tìm Phật cũng khó gặp. Nay ta dạy các ông nhận biết chúng sanh nơi
tự tâm, thấy tánh Phật nơi tự tâm. Muốn cầu thấy Phật, chỉ cần nhận biết
chúng sanh. Chỉ vì chúng sanh làm mê tánh Phật, chẳng phải tánh Phật làm
mê chúng sanh. Tự tánh giác ngộ, chúng sanh là Phật; tự tánh ngu mê,
Phật là chúng sanh. Tự tánh bình đẳng, chúng sanh là Phật; tự tánh tà
hiểm, Phật là chúng sanh. Các ông nếu trong tâm hiểm sâu tà vạy, tức là
Phật bị che lấp trong chúng sanh. Một niệm công bằng chánh trực, tức
chúng sanh thành Phật. Trong tâm ta tự có Phật. Phật tự tâm mới thật là
Phật. Nếu tự mình không có tâm Phật, thì cầu Phật ở đâu? Tự tâm của các
ông là Phật, đừng hồ nghi nữa. Bên ngoài không một vật gì có thể kiến
lập được, chỉ đều là tự bản tâm sanh ra muôn pháp. Cho nên kinh nói
rằng: ‘Tâm sanh, các pháp đều sanh; tâm diệt, các pháp đều diệt.’”
Đại sư lại dạy rằng: “Các ông nên khéo giữ gìn. Sau khi ta diệt độ, chớ
theo thường tình thế tục bi lụy khóc lóc, mặc đồ tang, bày chuyện điếu
vãn. Làm như vậy chẳng phải đệ tử ta, cũng chẳng hợp chánh pháp. Chỉ tự
nhận biết bản tâm, tự thấy bản tánh, không động không tĩnh, không sanh
không diệt, không qua không lại, không phải không quấy, không trụ không
đi. Sợ rằng các ông tâm mê chẳng hiểu ý ta, nay dặn dò lại các ông lần
nữa, khiến cho được thấy tánh. Sau khi ta diệt độ, y như vậy tu hành,
như ta vẫn còn. Nếu trái lời dạy của ta, thì dầu ta còn tại thế cũng
chẳng ích gì.”
Lại thuyết kệ rằng:
Sừng sững chẳng tu lành,
Trơ trơ không tạo ác.
Lặng lặng dứt thấy nghe,
Làu làu tâm vô trước.
Sư thuyết kệ rồi, ngồi ngay ngắn cho tới canh ba, thình lình bảo môn
nhân rằng: “Ta đi đây”. Rồi an nhiên thị tịch. Lúc đó, mùi hương lạ đầy
nhà, xuất hiện cầu vồng màu trắng nối từ trời xuống đất, cây rừng biến
sang màu trắng, chim muông kêu tiếng thảm thương!
Đến tháng mười một, quan lại và môn nhân, kẻ tăng, người tục ở ba quận
Quảng Châu, Thiều Châu và Tân Châu đều tranh nhau rước chân thân, không
giải quyết được. Mọi người bèn đốt hương mà khấn rằng: “Khói hương bay
hướng nào là Sư về nơi đó.” Khấn xong, khói hương bay về hướng Tào Khê.
Ngày 13 tháng 11, dời linh cửu và y bát của Đại sư truyền lại, rước về
Tào Khê. Ngày 25 tháng 7 năm sau, mở áo quan ra. Đệ tử là Phương Biện
dùng bột hương nhão phết lên cúng dường. Môn nhân nhớ lại lời sấm “lấy
đầu”, bèn dùng lá sắt, vải sơn bao quanh cổ Đại sư, rồi mới rước vào
tháp. Thình lình, trong tháp có hào quang màu trắng hiện ra, xông thẳng
lên trời, ba ngày sau mới tan. Quan Thứ sử Thiều Châu tâu việc ấy lên
triều đình. Vua ban chiếu sai lập bia ghi đạo hạnh của Đại sư.
Đại sư thọ 76 tuổi, năm 24 tuổi được truyền y, 39 tuổi xuống tóc, thuyết
pháp độ sanh 37 năm. Kẻ nắm được tông chỉ nối pháp Đại sư có 43 người,
còn kẻ ngộ đạo siêu phàm thì chẳng biết bao nhiêu mà kể. Tấm y làm tin
từ Tổ Đạt-ma truyền lại, cà-sa ma-nạp với bình bát quý của vua Trung
Tông dâng cúng, và tượng của Đại sư do Phương Biện đắp, cùng các đồ đạo
cụ khác đều giao cho vị thị giả chủ tháp trông coi, giữ hoài ở đạo tràng
Bảo Lâm. Lại lưu truyền bộ Đàn Kinh để nói rõ tông chỉ.
Sau khi Sư nhập tháp, vào niên hiệu Khai Nguyên thứ 10 (722), nửa đêm
ngày mùng 3 tháng 8, thình lình nghe trong tháp như có tiếng kéo dây
sắt. Chúng tăng giựt mình thức dậy, thấy có một người mặc đồ trắng từ
trong tháp chạy ra. Tìm thấy có vết thương nơi cổ Đại sư, liền đem
chuyện kẻ trộm trình lên châu, huyện. Quan Huyện lệnh là Dương Khản,
quan Thứ sử là Liễu Vô Thiểm nhận được tin, sai quân đi tầm nã rất khẩn.
Ngày thứ năm, bắt được tội phạm tại thôn Thạch Giác, giải về Thiều Châu
tra hỏi, khai ra rằng: “Họ Trương, tên Tịnh Mãn, người huyện Lương thuộc
Nhữ Châu. Tại chùa Khai Nguyên nơi Hồng Châu có nhận hai chục ngàn quan
tiền của một vị tăng xứ Tân La (Triều Tiên) là Kim Đại Bi để lấy đầu của
Lục Tổ Đại sư, đưa cho vị ấy đem về xứ Hải Đông cúng dường.” Quan Thú họ
Liễu nghe lời khai, chưa vội gia hình. Bèn đích thân đến Tào Khê, hỏi
môn đồ bậc cao của Sư là Lịnh Thao rằng: “Việc này xử đoán thế nào?”
Thao đáp: “Nếu luận theo phép nước, thời lẽ nên giết. Nhưng lấy nghĩa từ
bi của Phật giáo, thì coi oán thù với thân thích như nhau. Huống chi kẻ
kia muốn cầu để cúng dường, nên tha thứ.”
Quan Thứ sử họ Liễu khen rằng: “Mới hay cửa Phật quảng đại!” Liền tha
tội cho.
Năm đầu niên hiệu Thượng Nguyên (756), vua Túc Tông sai sứ tới thỉnh y
bát của Sư đem về nội cung cúng dường. Qua năm đầu niên hiệu Vĩnh Thái
(763), ngày mồng năm tháng năm, vua Đại Tông nằm mộng thấy Lục Tổ Đại sư
đến thỉnh y bát. Ngày mùng bảy, vua giáng sắc cho viên Thứ sử Dương Giam
rằng: “Trẫm mộng thấy Năng Thiền sư xin đem truyền y, cà-sa trở về Tào
Khê. Nay sai Trấn quốc Đại tướng quân Lưu Sùng Cảnh đội đầu mà đưa đến.
Trẫm xem là đồ quốc bảo. Nhà ngươi nên theo như phép tắc, đặt yên tại
chùa ấy, khiến cho tăng chúng thân thừa tông chỉ, thủ hộ nghiêm ngặt,
đừng để mất đi.”
Về sau, cũng có khi bị người lấy trộm, đều tìm kiếm chẳng xa mà bắt lại
được. Như vậy có đến ba bốn lần.
Vua Hiến Tông ban thụy hiệu cho Đại sư là Đại Giám Thiền sư, đề tên tháp
là Nguyên Hòa Linh Chiếu. Còn những sự tích khác, hiện chép tại các bài
văn bia của quan Thượng thư Vương Duy, quan Thứ sử Liễu Tông Nguyên,
quan Thứ sử Lưu Vũ Tích đời nhà Đường.