c. Câu hỏi chưa có lời đáp
Không một tài liệu mang tính chính sử nào ghi chép về Lục Tổ Đại sư, dù
là rất ít. Điều này cho thấy là đương thời ngài không phải một bậc thầy
nổi tiếng khắp nơi. Những kẻ biết đến ngài chỉ là giới hạn trong số
những người quanh vùng được nghe ngài thuyết pháp hoặc từ xa tìm đến học
đạo với ngài. Thiền sư Huyền Giác là một người tinh thông kinh luận, học
rộng biết nhiều, nhưng không hề biết đến Lục Tổ, phải đợi khi tình cờ
được Huyền Sách giới thiệu mới biết để tìm đến học đạo. Sự kiện này cho
thấy là Lục Tổ Đại sư vào thời đó quả thật không được nhiều người biết
đến, khác với Đại sư Thần Tú chính thức được thừa nhận là bậc Quốc sư,
thầy dạy của vua, với số môn đồ theo học lúc nào cũng đông đảo. Và vì
thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy không có tư liệu đương thời nào
ghi chép về ngài.
Mặc dù khách quan đánh giá về tình hình văn bản, sử liệu là như thế,
nhưng vấn đề thật ra cũng không phải hoàn toàn bi quan, mờ mịt. Trong số
những dữ kiện ít ỏi mà chúng ta hiện có được, vẫn có rất nhiều đầu mối
khá quan trọng giúp ta có thể thông qua đó mà tìm biết được phần nào về
những gì liên quan đến Lục Tổ Đại sư.
Trước hết, về quê quán của Lục Tổ Đại sư, tất cả các bản Đàn Kinh đều
chép giống nhau, rằng cha ngài quê ở Phạm Dương, trước làm quan, sau bị
giáng chức đày ra Tân Châu, Lĩnh Nam. Và vì cha mất sớm, ngài cùng với
mẹ già phải lưu lạc đến Nam Hải để sống bằng nghề bán củi.
Như vậy, Phạm Dương (có người nói thuộc tỉnh Hà Bắc) là quê nội của
ngài, nhưng ngài đã không được sinh ra và lớn lên ở đó. Nơi sinh trưởng
của ngài là ở các vùng Tân Châu, Lĩnh Nam và Nam Hải. Nói rằng cha ngài
mất sớm, nên chúng ta có thể tạm hình dung ngài đã phải phiêu dạt từ nhỏ
đến những nơi này chứ không đợi đến tuổi trưởng thành. Vào thế kỷ 7,
nước ta vẫn còn đang trong thời kỳ Bắc thuộc, và những địa danh Tân
Châu, Lĩnh Nam, Nam Hải đều rất quen thuộc với người Việt thời đó.
Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim nói Tân Châu thuộc Liễu Châu,
tỉnh Quảng Tây ngày nay. Nhưng ngày xưa thì Tân Châu là một phần của
vùng Lĩnh Nam. Theo sách Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ (soạn vào năm
1775) thì Lĩnh Nam là vùng đất kể từ 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây chạy
về phía nam. Đây cũng chính là cương giới của nước Việt thời xưa. Chính
vì thế mà ta có tập truyện “Lĩnh Nam chích quái” ghi chép những chuyện
lạ lùng, kỳ quái trên đất Việt. Đại Việt Sử ký toàn thư (bản khắc gỗ in
năm 1697), phần Ngoại kỷ, quyển 2, tờ 18a có đoạn chép rằng: “... Trưng
Nữ Vương tuy lấy được Lĩnh Nam... ...mà các triều Đinh, Lê, Lý, Trần chỉ
có đất từ Giao Châu trở về nam thôi, không khôi phục được đất cũ của
Triệu Vũ Đế...”
“Đất cũ của Triệu Vũ Đế” chính là các vùng Quảng Đông, Quảng Tây, trước
đó vốn thuộc Lĩnh Nam nhưng về sau không còn nữa, vì biên giới bị thu
hẹp về phía nam. Như vậy, có thể xác định nơi mà gia đình Lục Tổ vì “có
tội bị đày ra” chính là thuộc địa phận nước Việt ta xưa kia.
Nam Hải cũng là một địa danh thuộc nước Việt xưa. Sách Đại Việt sử lược,
một trong những bộ sử sớm nhất của nước ta, có thể đã được biên soạn vào
khoảng những năm 1377 – 1388, chép rằng vào đời Tần Nhị Thế (sau Tần
Thuỷ Hoàng), quan Ký quận Nam Hải là Triệu Đà mang quân đánh chiếm các
quận Quế Lâm và Tượng Quận rồi lập thành nước Nam Việt, tự xưng là Nam
Việt Vương. Sách này cũng cho biết là Nam Việt Vương khéo phục lòng dân,
được dân các xứ Âu Lạc, Mân Việt đều quy phục, đất đai mở rộng đông tây
có hơn muôn dặm...
Như vậy, rõ ràng Nam Hải ngày xưa cũng là một địa danh thuộc nước Việt
ta. Hơn thế nữa, quận này cũng nằm lân cận với Tân Châu chứ không xa
lắm. Vì thế, khi mưu sinh khó khăn thì Lục Tổ cùng với mẹ già đã từ Tân
Châu sang ngụ ở Nam Hải. Vậy nơi mà Lục Tổ và mẹ ngài sinh sống cũng
thuộc địa phận nước ta thời ấy.
Điều này càng được khẳng định hơn nữa khi tất cả các bản Đàn Kinh đều
chép giống nhau ở chi tiết Ngũ Tổ gọi ngài Huệ Năng khi mới gặp là “man
di mọi rợ” (cát liêu). Đây chính là quan điểm của người Trung Hoa xưa
kia đối với người Việt cũng như tất cả các dân tộc láng giềng của họ. Về
phía tây là “mọi Tây” (Tây di), về phía nam là “rợ Nam” (Nam man), và
nói chung tất cả đều là man di mọi rợ, chỉ trừ người “Trung Quốc” được
xem là “ở giữa” và là “có văn minh”!
Như đã nói, những chi tiết này cũng được xác định trong nội dung bia ký
của thi hào Vương Duy, dựng năm 740. Như vậy, chúng ta có thể chắc chắn
rằng nơi sinh ra và lớn lên của Lục Tổ chính là đất Việt ngày xưa.
Vậy nếu như Lục Tổ là người sinh trưởng trên đất Việt Nam, liệu có thể
tìm được cứ liệu nào liên quan đến ngài ở nước ta hay chăng? Chúng tôi
đã thử quay sang tìm kiếm theo hướng này và phát hiện được một vài điểm
đáng lưu ý.
Bản Đàn Kinh tìm được ở Đôn Hoàng không nói rõ về thân thế gia đình Lục
Tổ, ngoài những gì chúng ta đã nhắc đến ở trên. Nhưng trong bài tựa được
ghi là do ngài Pháp Hải soạn (được thêm vào ở các bản Đàn Kinh khác) có
thêm một số chi tiết rõ hơn. Chẳng hạn, qua bài tựa này chúng ta biết
ngài sinh năm Trinh Quán thứ 12 (738) và cha ngài họ Lư, tên huý là Hành
Thao.
Sách An Nam chí lược của Lê Tắc soạn vào thế kỷ 14 có nhắc đến một người
Trung Hoa họ Lư liên quan đến nước ta là Lư Tàng Dụng. Lai lịch người
này có những chi tiết khiến ta ngờ rằng có một mối quan hệ nào đó với
thân thế của Lục Tổ Đại sư.
Sách này chép về Lư Tàng Dụng như sau:
“Lư Tàng Dụng tự là Sĩ Thanh, người Do Châu, thi tiến sĩ không đỗ... ...
Võ Hậu dùng làm Hoàng Môn Thị Lang. Vì tội phụ giúp Thái Bình Công chúa,
Huyền Tông lúc đầu muốn xử trảm, sau bớt giận bèn đày đi Tân Châu...”
Dựa theo ghi chép này thì các chi tiết về tên họ, sự kiện làm quan bị
giáng chức, đày ra Tân Châu đều trùng hợp một cách đáng ngờ! Nhưng xét
về thời gian có mấy điểm không phù hợp. Nếu là Võ Hậu dùng ông này làm
Hoàng Môn Thị Lang, vậy phải là trong thời gian bà nắm quyền bính. Sử
Trung Hoa cho biết bà được lập làm hoàng hậu năm 655 và chính thức tham
gia triều chính từ năm 660, cho đến năm 684 xưng làm Hoàng đế và nắm
quyền đến năm 705. Còn vua Huyền Tông lên ngôi năm 713, sau khi Võ Hậu
đã mất, và trị vì đến năm 755. Sự kiện công chúa Thái Bình xảy ra đương
thời Võ Hậu, nên e rằng việc nhắc đến vua Huyền Tông ở đây là có gì đó
nhầm lẫn.
Theo bài tựa Đàn Kinh thì Lục Tổ sinh năm 638, sớm hơn so với thời gian
Võ Hậu cầm quyền. Nhưng tính chính xác của bài tựa Đàn Kinh cũng cần
được xét lại. Bản Đàn Kinh tìm được ở Đôn Hoàng không có bài tựa này.
Như vậy, có phần chắc chắn là nó không phải do ngài Pháp Hải viết ra.
Bởi nếu là do Pháp Hải soạn thì nó phải có mặt ngay trong lần in đầu
tiên chứ không thể mãi về sau mới được thêm vào!
Và nếu là do người đời sau soạn, thì những chi tiết có thể đã được ghi
theo trí nhớ từ những lời truyền miệng qua nhiều thế hệ.
Dĩ nhiên là vẫn còn chưa đủ cơ sở để khẳng định, nhưng chúng tôi thử đặt
ra một giả thuyết là có sự sai lệch khi bài tựa Đàn Kinh ghi lại năm
sinh của Lục Tổ. Nếu như đó không phải là năm 638, mà là một năm nào
khác trong khoảng gần hơn so với năm 660, nghĩa là năm mà Võ Hậu đã bắt
đầu có những quyết định chi phối việc triều chính; và nếu như ghi chép
của An Nam chí lược là chính xác, thì Lư Tàng Dụng có làm quan trong
thời Võ Hậu, sau bị tội đày ra Tân Châu. Trong thời gian bị đày đến ở
Tân Châu, Lĩnh Nam, phải chăng chính gia đình họ Lư này đã sinh ra được
người con là Lục Tổ? Hoặc cũng có thể vào thời điểm gia đình bị lưu đày
thì ngài đã ra đời nhưng vẫn còn là một đứa trẻ?
Nói một cách cụ thể hơn, nếu chúng ta giả định rằng ngài ra đời vào
khoảng năm 648 hoặc muộn hơn, vào bất cứ thời điểm nào sau năm 660 nhưng
trước năm 705 thì vấn đề sẽ trở nên hợp lý hơn. Bởi vì nếu như ngài sinh
năm 648 và gia đình ngài bị lưu đày ngay trong năm đầu Võ Hậu cầm quyền,
thì lúc đó ngài sẽ là một cậu bé mới 12 tuổi. Tuy nhiên, khả năng này có
thể xem là kém thuyết phục, vì như trong một phần sau nữa chúng tôi sẽ
chứng minh rằng ngài rất có thể đã sinh ra và lớn lên tại Tân Châu, Lĩnh
Nam.
Tất cả những điều nói trên có lẽ đều là những nghi vấn rất đáng nêu lên
để các nhà sử học tiếp tục quan tâm làm rõ.
Nhưng chúng ta hãy tạm gác lại nghi vấn này để chờ đợi may ra sẽ có thêm
những chứng cứ, những tư liệu mới có thể giúp giải quyết được vấn đề.
Bây giờ, quay sang với bài tựa của Đàn Kinh, chúng ta sẽ tìm hiểu xem
người xưa đã xây dựng những huyền thoại gì quanh sự ra đời của Lục Tổ
Đại sư trên đất nước Việt Nam.