Nhân vật
Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại
Nguyễn Minh Tiến
07/09/2554 19:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

HOẰNG DƯƠNG CHÁNH PHÁP
g. Nam tông Đốn giáo Tối thượng thừa

Một trong những khác biệt của bản Đàn Kinh tìm được ở Đôn Hoàng so với những bản khác là ngay từ đầu có một dòng ghi: “Nam Tông Đốn giáo Tối thượng thừa Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật Kinh, Lục Tổ Đại sư Huệ Năng thí Pháp Đàn Kinh”. Những chi tiết trong dòng tiêu đề này rất đáng quan tâm.

Như chúng ta đã biết, Lục Tổ Đại sư hoằng truyền giáo pháp Đốn ngộ của Thiền tông ở phương Nam, nên người đời sau phân biệt gọi là “Nam Năng, Bắc Tú” để chỉ việc ngài hoằng hoá ở phương Nam còn Đại sư Thần Tú truyền dạy ở phương Bắc. Tuy nhiên, xưa nay vẫn tin rằng việc chia ra Nam, Bắc như trên chỉ là do người đời sau phân biệt mà gọi. Nay căn cứ theo dòng chữ này thì có thể thấy là khái niệm “Nam tông” vốn đã có từ khá sớm, ít nhất cũng là trước khi bản Đàn Kinh Đôn Hoàng được ghi chép, nếu không nói là còn có thể sớm hơn nữa, ngay từ thời Lục tổ Đại sư còn tại thế!

Đàn Kinh nói rằng Lục Tổ Đại sư vâng lời dạy của Ngũ Tổ mà lánh về phương Nam, đi trong vòng 2 tháng thì đến núi Đại Dữu. Trong phần trước lại có nói ngài từ Tân Châu tìm đến Hoàng Mai, không quá 30 ngày đã đến. Như vậy, hành trình lần này của ngài đã đi xa hơn về phía nam đến cả tháng trời. Hay nói khác hơn, chính là đi sâu vào địa phận nước Việt Nam.

Nơi ngài sinh trưởng tuy vẫn thuộc về địa phận nước Việt xưa, nhưng vì nằm trong 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nên xét theo địa phận ngày nay là bên kia biên giới phía Bắc. Với hành trình hơn 2 tháng từ Hoàng Mai đi về hướng nam, chắc chắn ngài đã vượt qua Tân Châu để đi sâu vào địa phận nước Việt, và núi Đại Dữu chắc chắn là một trong những ngọn núi nằm về phía Bắc nước ta.

Trong một phần trước, bằng vào những cứ liệu đáng tin cậy, chúng ta đã chứng minh rằng nơi sinh ra và lớn lên của Lục Tổ chính là đất Việt ngày xưa. Điều này có thể là một bất ngờ khá thú vị đối với những ai lâu nay vẫn nghĩ về Lục Tổ Đại sư chỉ như là một vị Tổ sư của Thiền Trung Hoa mà chưa từng biết đến những mối liên hệ giữa ngài với đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế thì sự kiện này lại không mấy quan trọng khi đứng trên quan điểm Thiền tông nói riêng, Phật giáo nói chung, vốn không có sự phân biệt về chủng tộc, biên giới. Điều quan trọng hơn mà chúng tôi muốn đề cập đến ở đây là, nếu căn cứ vào những gì được ghi lại trong Đàn Kinh thì chính Việt Nam là địa bàn đầu tiên mà Lục Tổ đã chọn để hoằng dương chánh pháp, hay nói theo như trong Đàn Kinh là truyền dạy “Nam tông Đốn giáo Tối thượng thừa”.

Có điều mà chúng ta cần lưu ý là, Đàn Kinh đã không được viết ra như một tập sử liệu. Mục đích chính của tập sách này là ghi lại những lời dạy của Lục Tổ Đại sư. Và những người thực hiện cũng như gìn giữ Đàn Kinh qua nhiều thế hệ đã làm rất tốt công việc này. Nhờ đó, khi so sánh bản Đàn Kinh tìm được ở Đôn Hoàng với tất cả các bản Đàn Kinh khác, chúng ta thấy là nội dung trình bày về giáo pháp không có những sai lệch đáng kể. Những nghi vấn trong Đàn Kinh đối với chúng ta hầu hết là rơi vào những phần nội dung thuật lại các sự kiện, hoặc về thời gian, hoặc về địa danh. Mà những nội dung này có vẻ như không được những người ghi chép Đàn Kinh quan tâm nhiều, bởi như đã nói, đây không phải là mục đích chính của họ.

Về việc Đàn Kinh không quan tâm đến các sự kiện, thời gian và không gian, chúng ta có thể thấy rõ qua việc phân tích chính nội dung của văn bản này. Chẳng hạn, những gì Lục Tổ Đại sư thuật lại trong phẩm Hành Do về thân thế của ngài không nhằm hình thành một tiểu sử hoàn chỉnh, mà chỉ nhằm đưa ra những dữ kiện có giá trị sách tấn việc tu tập của đồ chúng, như trong lời kết của phẩm này có nói rõ:

“Huệ Năng này đắc pháp ở Đông Sơn, từng chịu đủ mùi cay đắng, tánh mạng mong manh như sợi tơ treo. Ngày nay cùng sứ quân và các quan viên, tăng, ni, đạo, tục đồng trong hội này. Nếu các vị chẳng nhờ duyên lành từ nhiều kiếp xa xưa, từng trong quá khứ cúng dường chư Phật, gieo trồng căn lành, làm sao lại được nghe nhân duyên đắc pháp Đốn giáo như ta vừa kể?...” 

Nếu chúng ta xem đây là một bản tiểu sử tự thuật về cuộc đời Lục Tổ Đại sư, chúng ta sẽ không thể hiểu được dụng ý của ngài, cũng như sẽ nảy sinh nhiều nghi vấn về những chi tiết không được đề cập đến hoặc đề cập không rõ ràng.

Lấy ví dụ, Đàn Kinh có nhắc đến sự kiện Lục Tổ Đại sư còn một mẹ già đang sống ở Nam Hải vào lúc ngài lên đường tìm đến Hoàng Mai cầu đạo. Nhưng trong phẩm Hành Do cũng như cho đến trọn quyển Đàn Kinh không thấy nhắc lại một chi tiết nào về người mẹ này! Rốt cùng thì bà còn sống bao lâu sau khi ngài ra đi? Số tiền mà Ngài để lại (10 lượng bạc) làm sao có thể đủ cho bà sinh sống suốt đời, vậy sau đó thì sao? Và nếu bà qua đời, sao không thấy nói đến việc ngài về chịu tang?

Tất cả những điều này đều là rất quan trọng đối với người Trung Hoa cũng như người Việt Nam. Và ngay cả quan điểm về chữ hiếu của đạo Phật cũng xem những việc này là hết sức quan trọng. Đức Phật trong thời gian giáo hoá nơi xa mà nghe tin vua Tịnh Phạn có bệnh cũng phải thân hành về thăm viếng. Khi vua cha mất, ngài tự thân lo việc ma chay, tống táng. Như vậy, người như Lục Tổ Đại sư càng không thể xem nhẹ chữ hiếu, không thể quên hẳn đi người mẹ già còn chờ đợi nơi quê nhà khi ngài lên đường cầu đạo! Nhưng Đàn Kinh không nhắc đến những chi tiết này chỉ vì xem đó là những sự kiện có tính cách cá nhân, chỉ liên quan đến đời tư của Lục Tổ mà không cần thiết cho việc tu tập của đồ chúng. Những chi tiết nào mà Đàn Kinh ghi chép lại đều nhằm lưu truyền giáo pháp mà Lục Tổ Đại sư đã giảng dạy chứ không nhằm kể lại một cách đầy đủ về cuộc đời ngài.

Hiểu được điều này, chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi thấy Đàn Kinh chép rất sơ sài về các sự kiện, thời gian và địa danh. Rất nhiều chi tiết cụ thể chỉ được thêm vào sau này mà không hề có trong lần biên soạn đầu tiên, chẳng hạn như năm sinh của Lục Tổ Đại sư hoặc một số sự kiện chi tiết đã xảy ra trong cuộc đời ngài đều không thấy ghi trong bản Đàn Kinh tìm được ở Đôn Hoàng, nhưng trong những bản sau này thì thấy được thêm vào khá nhiều chi tiết.

Về ngôi chùa mà ngài đã thuyết pháp lần đầu tiên cũng vậy. Chỉ thấy ghi là chùa Đại Phạm ở Thiều Châu nhưng không nói rõ gì thêm về ngôi chùa này. Cứ theo tên gọi này thì ngày nay thật không biết đó là ngôi chùa nào!

Từ điển Phật học của Đinh Phúc Bảo dẫn sách Quảng Đông thông chí, quyển 229, nói rằng: “Chùa này ở phủ Thiều Châu, huyện Khúc Giang, nay thuộc Hà Tây, trước có tên là chùa Báo Ân Quang Hiếu. Đời nhà Đường, niên hiệu Khai Nguyên thứ 2 (714) vua ban sắc tu tạo, lấy tên là chùa Khai Nguyên, sau đổi làm chùa Đại Phạm, là nơi Thứ sử Vi Trụ thỉnh Lục Tổ thuyết giảng Đàn Kinh. Đời nhà Tống, niên hiệu Sùng Ninh thứ 3 (1104) ban chiếu sai các châu xây dựng thành chùa Sùng Ninh, sau đổi thành chùa Thiên Ninh. Đến niên hiệu Thiệu Hưng thứ 3 (1133) cho thờ phụng vua Huy Tông nơi đây, được vua ban tấm biển đề tên chùa là Báo Ân Quang Hiếu.”

Điều thú vị ở đây là, căn cứ sách Quảng Đông thông chí thì tên chùa Đại Phạm chưa có vào thời Lục Tổ Đại sư còn tại thế, mà chỉ có sau năm 714. Như vậy, những ghi chép chi tiết liên quan đến tên chùa này chắc chắn là do người đời sau thêm vào Đàn Kinh! Phần cuối Đàn Kinh có nhắc đến việc Lục Tổ Đại sư cho xây tháp ở chùa Báo Ân tại Tân Châu vào tháng 7 năm 712 càng khẳng định chắc chắn hơn cho nhận xét này. Bởi nếu được biên soạn vào cùng một thời điểm thì không có lý do gì mà những người biên soạn lại dùng hai tên gọi để chỉ cùng một ngôi chùa, vì chùa Báo Ân cũng chính là chùa Đại Phạm, nơi Đại sư đã thuyết pháp lần đầu tiên theo lời thỉnh cầu của quan Thứ sử Thiều Châu lúc bấy giờ là Vi Trụ.

Lại nói về lần thuyết pháp ở chùa Đại Phạm, các bản Đàn Kinh đều chép về số thính chúng là “tăng, ni, đạo, tục có hơn ngàn người”, riêng bản Đôn Hoàng lại nói “Lúc ấy dưới toà có hơn mười ngàn tăng, ni, đạo, tục...” Một ngàn và mười ngàn không phải là sự chênh lệch nhỏ. Nhưng nếu dựa theo số nho sĩ trong pháp hội mà cả bản Đôn Hoàng và các bản khác đều nói là khoảng 30 người thì có thể thấy con số một ngàn người có vẻ hợp lý hơn. Rõ ràng bản Đôn Hoàng cũng không hẳn là luôn chính xác hơn các bản khác!

Trên đây tạm dẫn ra một vài sự kiện để thấy rằng khi tiếp cận với Đàn Kinh chúng ta không nên quá nặng về những sự kiện, chi tiết có tính sử liệu, ngược lại chỉ nên chú ý đến ý nghĩa giáo pháp mà bản kinh này truyền lại. Bây giờ xin trở lại với tiêu đề “Nam tông Đốn giáo Tối thượng thừa” mà chúng ta đã có dịp nhắc đến ở đầu mục này.

Đến đây chúng ta đã thấy rõ việc gọi tên giáo pháp do Lục Tổ Đại sư truyền dạy là “Nam tông” cũng là điều tất nhiên, bởi ngài đã đi sâu vào đất Việt để ẩn cư trong vòng 16 năm rồi bắt đầu thuyết giảng giáo pháp này tại đây, nghĩa là tại phía nam của Trung Hoa vào thời đó. Chùa Đại Phạm, như trên đã nói, khi ấy là chùa Báo Ân, thuộc địa phận Thiều Châu (Quảng Đông) cũng là một trong các quận của Lĩnh Nam thời ấy.

Như vậy, trong số “tăng, ni, đạo, tục” đến nghe Lục Tổ Đại sư thuyết pháp lúc bấy giờ – đông đảo hơn gấp nhiều lần so với số quan viên, nho sĩ – chắc chắn là đã có rất đông người Việt Nam. Hơn thế nữa, sự mến mộ của nhân dân ở đây sau khi nghe ngài thuyết pháp cũng được ghi nhận trong Đàn Kinh, phẩm Phó chúc:

“Đến tháng mười một, quan lại và môn nhân, kẻ tăng, người tục ở ba quận Quảng Châu, Thiều Châu và Tân Châu đều tranh nhau rước chân thân, không giải quyết được.”

Đó là nói việc sau khi Lục Tổ viên tịch, nhân dân ba quận lân cận này đều muốn giành quyền rước nhục thân của ngài về địa phương mình. Điều đó cho thấy họ rất ngưỡng mộ, kính trọng ngài.

Ngược lại, về phía Lục Tổ Đại sư, ngài cũng rất gắn bó với vùng đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Đàn Kinh cho biết là trước khi viên tịch khoảng một năm, vào tháng 7 năm 712, ngài đã cho một số đệ tử về “chùa Báo Ân tại Tân Châu xây tháp”. Đến mùng 8 tháng 7, ngài từ Tào Khê bảo môn đồ chuẩn bị thuyền về Tân Châu. Trước khi đi, đồ chúng hoang mang thưa hỏi ngày trở lại, ngài chỉ trả lời: “Lá rụng về cội”. (Diệp lạc quy căn). Quả thật là một câu nói thấm đượm tinh thần dân tộc Việt Nam, thể hiện rõ tình cảm bao năm gắn bó giữa ngài với vùng đất “mường mán” này.

Sau đó, ngài về chùa Báo Ân và quả nhiên viên tịch tại đây vào ngày mùng 3 tháng 8 năm Quý Sửu (713).

Ngày nay, ở Việt Nam chúng ta không còn tìm được bất cứ văn bản nào đề cập chi tiết đến giai đoạn Lục Tổ Đại sư thuyết pháp tại đây, truyền bá giáo pháp Đốn ngộ của Thiền tông. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả đã hoàn toàn mất dấu. Tuy không có những chứng tích rõ rệt, nhưng một sự kiện trọng đại, lớn lao như sự xuất hiện hoằng hoá của Ngài không thể không để lại những dấu vết liên quan nhất định. Chúng tôi đã quay sang tìm kiếm theo hướng này và bước đầu ghi nhận được một vài kết quả, tuy vẫn còn khá khiêm tốn nhưng đã phần nào khẳng định cách suy nghĩ như trên là hoàn toàn có cơ sở hợp lý.

Trước hết, sách Thiền uyển tập anh, bộ thiền sử gần như duy nhất của nước ta, được soạn vào khoảng thế kỷ 14, có nhắc đến một tập sách nhan đề “Nam tông tự pháp đồ”, đôi khi được gọi tắt là Nam tông đồ hay Nam Tông pháp đồ. Dựa theo nhan đề cũng có thể đoán biết được nội dung sách này là một biểu đồ truyền thừa của Thiền tông, dĩ nhiên là có kèm theo những ghi chép nhất định về từng người được kể ra trong đó. Sách Thiền uyển tập anh cũng cho biết soạn giả của sách Nam tông tự pháp đồ là Thiền sư Thường Chiếu (? – 1203) và nói là sách này “gồm 1 quyển, hiện lưu hành ở đời” (Nhất quyển, hành vu thế). Như vậy, vào thời điểm biên soạn sách Thiền uyển tập anh thì Nam tông tự pháp đồ vẫn đang được lưu hành. Chính soạn giả sách Thiền uyển tập anh cũng đã dựa vào Nam tông tự pháp đồ như một trong các nguồn tư liệu. Không may là quyển Nam tông tự pháp đồ này đến nay đã mất nên chúng ta không thể biết được một cách chính xác nội dung của nó. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi quan tâm đến tên sách này như một trong các yếu tố đặc biệt cần lưu ý.

Thiền tông Việt Nam theo Thiền uyển tập anh ghi lại có 2 dòng chính là phái thiền Tì-ni-đa-lưu-chi và phái thiền Vô Ngôn Thông. Tuy nhiên, trong sách này cũng như trong tất cả những sách khác về sau có đề cập đến Thiền tông Việt Nam, chúng ta chưa từng thấy có sự phân chia “Nam tông, Bắc tông”. Khái niệm này chỉ có thể xuất phát duy nhất từ thực trạng phân chia của Thiền Trung Hoa từ thời “Nam Năng, Bắc Tú”, bởi vì hết thảy sách xưa của nước ta khi nói về những vấn đề chung của cả nước thường dùng các danh xưng như Đại Việt, An Nam, Giao Châu, thậm chí là Lĩnh Nam, chứ không có quyển sách dùng riêng một chữ “Nam”. Theo thông lệ này, một quyển sách nói về thế thứ truyền thừa của các thiền sư Việt Nam lẽ ra phải có những tên đại loại như là “Đại Việt tự pháp đồ” hay “An Nam tự pháp đồ”... Phải chăng việc đặt tên sách cho thấy có ảnh hưởng nhất định của sự truyền thừa từ “Nam tông” của thiền Trung Hoa, mà nói cụ thể hơn là từ sự giáo hoá của Lục Tổ Đại sư?

Kết hợp nhận xét này với những dữ kiện đã cho thấy việc Lục Tổ Đại sư sinh trưởng trên đất Việt, truyền pháp trên đất Việt, thì có lẽ việc liên hệ “Nam tông” trong tên sách này với “Nam tông Đốn giáo Tối thượng thừa” của Lục Tổ Đại sư cũng không phải là điều khiên cưỡng.  

Vấn đề thứ hai mà chúng tôi lưu ý là tại Việt Nam có một ngôi chùa mang tên Lục Tổ, toạ lạc tại làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, nay là làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đại Việt Sử Ký Toàn thư, phần Bản kỷ, quyển 2, khi nói về Thái Tổ Hoàng Đế Lý Công Uẩn có nhắc đến thiền sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ, bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1985-1992) có lời chú rằng: “Chùa Lục Tổ cũng gọi là chùa Cổ Pháp”.

Sách Thiền uyển tập anh đã nhắc đến ngôi chùa này trong phần nói về thiền sư Thường Chiếu, vì vị thiền sư này xuất thân nơi đây.

Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1025) là vị Quốc sư nổi tiếng, có công trong việc gầy dựng vương triều của Lý Công Uẩn. Quê ngài ở làng Cổ Pháp, cũng tức là làng Dịch Bảng hay Đình Bảng ngày nay. Làng này trước có tên là Diên Uẩn. Sách Thiền uyển tập anh chép rằng: “Khi thiền sư Định Không (? – 808) lập chùa Quỳnh Lâm, đào đất đắp nền bỗng được một cái lư hương và 10 cái khánh, sai người mang xuống sông rửa thì một cái lặn mất xuống chạm đất dưới đáy sông mới dừng. Sư giải thích rằng: Chữ thập, chữ khẩu hợp thành chữ cổ; chữ thuỷ, chữ khứ hợp thành chữ pháp; chữ thổ chỉ chỗ ở làng này. Nhân đó liền đổi tên làng thành Cổ Pháp.”

Câu chuyện này gợi lên nghi vấn về những chiếc khánh cổ ở làng này. Phải chăng nơi đây từ xa xưa đã có một ngôi chùa nào đó từng sử dụng loại nhạc khí chuyên dùng trong nghi lễ Phật giáo này? Và nếu vào đầu thế kỷ 9 mà ngôi chùa này đã hoàn toàn mất dấu, chỉ còn lại những chiếc khánh cổ với lư hương nằm sâu trong lòng đất, thì rất có thể nó phải được xây dựng từ trước đó ít nhất cũng hơn một thế kỷ!

Thiền uyển tập anh lại không cho ta biết tên chùa Lục Tổ có tự bao giờ. Chỉ biết thầy của Vạn Hạnh là Thiền Ông (902 - 979), thầy của Thiền Ông là Trưởng lão La Quý (? – ?), thầy của La Quý là Thông Thiện (? – ?), thầy của Thông Thiện là Định Không (? – 808) đều có gắn bó với chùa Lục Tổ. Định Không tuy dựng chùa Quỳnh Lâm nhưng sau khi viên tịch lại được đệ tử là Thông Thiện dựng tháp thờ ở phía tây chùa Lục Tổ.

Một ngôi chùa trong suốt hơn một thế kỷ liên tục đào tạo ra những bậc danh tăng, trong đó có cả thiền sư Vạn Hạnh là bậc Quốc sư có ảnh hưởng rõ rệt đến vương triều nhà Lý, lại mang tên Lục Tổ vào một thời điểm rất sớm! Không biết ông Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã dựa vào tư liệu nào nhưng có ít nhất 2 lần nhắc đến ngôi chùa này với khẳng định đây là “một tổ đình rất xưa của thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi”. Đó là khi ông bàn về soạn giả sách Thiền uyển tập anh và khi nói về Thiền phái Yên Tử đời Trần. Tuy nhiên, ông cũng không cho biết về niên đại của ngôi chùa mà ông gọi là “rất xưa” này.

Thiền sư Định Không viên tịch vào năm 808, và vào thời điểm này thì chùa Lục Tổ đã là một ngôi chùa “rất xưa”. Như vậy, rất có thể nó đã được xây dựng hoặc từ thời Lục Tổ (trước năm 713) hoặc chí ít cũng là sau khi ngài viên tịch không bao lâu. Chúng tôi chưa được biết là có ngôi chùa nào mang tên ngài vào thời điểm đó ở Trung Hoa hay không, nhưng sự xuất hiện của chùa Lục Tổ ở Việt Nam vào thời điểm rất sớm như vậy chắc chắn không thể là một sự ngẫu nhiên.

Việt Nam chỉ có 3 vị Tổ sư được gọi tên theo thế thứ truyền thừa, đó là Tam Tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đời nhà Trần. Trước đó, Thiền uyển tập anh khi ghi chép về các thiền sư chỉ sử dụng pháp hiệu chứ chưa từng gọi theo thứ tự truyền pháp như sơ tổ, nhị tổ, tam tổ... Vì thế, chúng ta có thể yên tâm là danh xưng Lục Tổ ở đây không phải chỉ cho ai khác mà chính là Lục Tổ Đại sư Huệ Năng. Và sự xuất hiện của một ngôi chùa mang tên ngài vào thời điểm đó chắc chắn phải là do những ảnh hưởng tất yếu của giai đoạn ngài giáo hoá tại Việt Nam.

Một chi tiết thú vị khác được sách Thiền uyển tập anh ghi lại có giá trị củng cố thêm cho nhận xét trên. Đó là việc Trưởng lão La Quý tổ chức đúc một pho tượng Lục Tổ bằng vàng, đem chôn giấu đi và dặn đệ tử là khi nào gặp được vị vua anh minh thì đào lên để lấy vàng giúp đỡ.

Một pho tượng bằng vàng với khối lượng dự tính có thể “giúp vua giúp nước”, hẳn không thể là quá nhỏ. Sử sách không ghi chép việc về sau pho tượng ấy có được đào lên hay không, vào thời điểm nào... nhưng ở đây điều chúng ta quan tâm chính là việc chọn hình tượng Lục Tổ để đúc tượng. Điều này cho thấy hình ảnh Lục Tổ Đại sư vào lúc ấy vẫn còn ăn sâu trong tâm thức người Việt, nên họ mới có thể hình dung ra vóc dáng của ngài để đúc thành một pho tượng thờ cụ thể.

Nếu có thể xác định niên đại của chùa Lục Tổ, chắc chắn mọi việc sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, chỉ bằng vào những gì đã trình bày như trên, có lẽ cũng đã quá đủ để chúng ta hình dung ra những ảnh hưởng cụ thể của Lục Tổ Đại sư trong thời gian ngài lưu trú tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoài những ảnh hưởng trực tiếp từ Lục Tổ Đại sư qua những dấu tích trên, “Nam tông Đốn giáo” còn có những nhân duyên sâu đậm khác nữa với người dân Việt từ thời trước đó.

Chúng ta đều biết vị thiền sư mang thiền học đến truyền bá tại Việt Nam được ghi nhận sớm nhất là thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi, là vị Tổ sư khai sáng dòng thiền mang tên ông. Vị này đến nước ta vào tháng 3 năm Canh Tý (580), và trước đó đã đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán tại Trung Hoa. Như vậy, so về thế thứ truyền thừa thì ông là người đắc pháp ngang hàng với Tứ Tổ Đạo Tín tại Trung Hoa.

Năm 594, thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi viên tịch, truyền pháp cho đệ tử người Việt Nam là Pháp Hiền (? – 626). Như vậy, về thế thứ truyền thừa thì thiền sư Pháp Hiền ngang với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, thầy của Lục Tổ Đại sư Huệ Năng.

Theo sách Thiền uyển tập anh thì thiền sư Pháp Hiền khi hoằng hoá tại chùa Chúng Thiện tăng chúng thường đông đến hơn 300 vị. Danh tiếng và đức độ của ngài lan truyền khắp nơi, vua nhà Tuỳ nghe tiếng sai người mang đến ban cho 5 hòm xá-lợi Phật cùng với điệp sắc, bảo ngài dựng tháp cúng dường.

Như vậy thì sự giáo hoá của thiền sư Pháp Hiền ở Việt Nam xem ra cũng không kém Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở Trung Hoa, vì từ một nơi xa xôi biên địa mà danh tiếng và đức độ có thể lan truyền đến tận kinh đô nhà Tuỳ thì đủ biết ảnh hưởng tại Việt Nam của ngài khi ấy đến mức nào.

Thiền uyển tập anh không có thông tin gì về đệ tử nối pháp của ngài Pháp Hiền, trừ ra cho ta biết là chỉ có một người được truyền pháp. Chính vị thiền sư khuyết danh này giữ vị trí truyền thừa tương đương với Lục Tổ Đại sư Huệ Năng!

Vị trí người nối pháp của vị này cũng tiếp tục bị bỏ trống. Tuy nhiên, theo những thông tin tiếp sau đó thì chúng ta có thể đoán được đó là một trong hai vị thiền sư: Pháp Đăng hoặc Huệ Nghiêm. Về cả hai vị này, Thiền uyển tập anh cũng không ghi chép được thông tin gì khác ngoài pháp hiệu và tên ngôi chùa mà họ cư trú. Nhưng đến vị thiền sư thuộc thế hệ kế tiếp là Thanh Biện thì chúng ta có một chi tiết khá lý thú là: vị này chuyên trì kinh Kim Cang, cũng chính là bộ kinh đã giúp Lục Tổ Đại sư ngộ đạo!

Hai vị trí hầu như bị bỏ trống ngay sau thiền sư Pháp Hiền tạo thành một quãng thời gian mà chúng ta không thể biết được về những sự việc gì đã xảy ra. Ngài Pháp Hiền viên tịch năm 626, và ngài Thanh Biện viên tịch năm 686. Trong quãng thời gian 60 năm này, như đã nói, sách Thiền uyển tập anh chỉ cho chúng ta biết được là đã có một thiền sư tên Pháp Đăng trú trì chùa Phổ Quang và một vị khác tên Huệ Nghiêm, trú trì chùa Sùng Nghiệp. Tuy nhiên, trong hai vị này thì ai thực sự được xem là thầy của Thanh Biện, tức là người nối pháp của Pháp Hiền, thì sách này lại không nói rõ.

Thiền sư Thanh Biện theo học với thiền sư Pháp Đăng từ năm 12 tuổi. Sau khi Pháp Đăng viên tịch, ngài chuyên trì kinh Kim Cang, đến 8 năm vẫn chưa đạt ngộ. Nhờ có vị khách đến chùa chỉ ra chỗ vướng mắc của ngài và giới thiệu đến thiền sư Huệ Nghiêm ở chùa Sùng Nghiệp, ngài mới được khai ngộ. Đó là tất cả những gì chúng ta được biết về quãng thời gian từ năm 626 đến năm 686.

Một nghi vấn khác mà chúng tôi cảm thấy vẫn chưa thể giải thích thoả đáng được là khoảng thời gian ẩn cư hơn 15 năm của Lục Tổ Huệ Năng. Đây là một quãng thời gian khá dài, và với quan điểm “vô thường tấn tốc” của một vị thiền sư thì việc tiếp tục sống chung với những người thợ săn trong suốt 15 năm là điều có vẻ như không hợp lý! Ngũ Tổ có đề nghị nên lánh về phương Nam và “đừng vội thuyết pháp”, nhưng không ngăn cấm Huệ Năng tiếp tục công phu tu tập, hành trì. Trong truyền thống Thiền tông, thời gian luôn là yếu tố được xem trọng. Khi Sơ Tổ Đạt-ma chưa gặp được cơ duyên hoá độ, ngài đã dành trọn 9 năm để ngồi tĩnh tu quay mặt vào vách, khiến người thời bấy giờ phải gọi ngài là “Bích quán Bà-la-môn” (ông Bà-la-môn ngó vách). Lục Tổ không thể bỏ phí 15 năm chỉ để ngày ngày đi theo đám thợ săn mà không làm một điều gì đó lợi mình, lợi người.

Nếu chấp nhận nghi vấn này là hợp lý, thì chúng ta có thể liên tưởng ngay đến việc Lục Tổ khi đi sâu vào đất Việt Nam không thể không nghe biết đến việc Pháp Hiền đã từng giáo hoá tại chùa Chúng Thiện và thiền học phương Nam đang được truyền bá rộng khắp. Và nếu điều này thực sự xảy ra, khả năng ngài Huệ Năng tìm đến tham học với một thiền sư nào đó ở phương Nam là rất có thể xảy ra. Chúng ta lưu ý thời gian Lục Tổ lưu trú trên đất Việt Nam là khoảng từ năm 661 đến năm 677, chính là rơi vào giai đoạn mà Thiền uyển tập anh đã ghi lại quá ít thông tin như đã nói: giai đoạn 626 – 686. Vì thế, nếu như Lục Tổ quả thật có tìm đến tham học với một thiền sư Việt Nam nào đó – thầy của Thanh Biện chẳng hạn – thì chúng ta cũng hoàn toàn không biết được.

Như đã nói, Thiền uyển tập anh không xác định giữa hai vị Pháp Đăng và Huệ Nghiêm thì ai là người thuộc dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi, nhưng điều tất nhiên ta có thể hiểu được ở đây là một trong hai người phải thuộc về một dòng thiền khác. Cũng cần lưu ý là thiền phái Vô Ngôn Thông khi ấy còn chưa xuất hiện. Mặt khác, khi ngài Tì-ni-đa-lưu-chi vừa đến Việt Nam, trú ở chùa Pháp Vân thì tại đây đã có Đại sư Quán Duyên đang giảng dạy thiền học, và chính Pháp Hiền ban đầu đến đây là để tham học với vị này. Những chi tiết vừa nêu cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh của thời ấy là thiền học đang phát triển rộng khắp chứ không chỉ giới hạn trong những dòng thiền mà sách Thiền uyển tập anh ghi chép lại. Trong bối cảnh thiền học Việt Nam đang lan rộng như thế, nếu ngài Huệ Năng quả thật lưu trú ở đây 15 năm mà không tiếp xúc với bất cứ vị thiền sư nào thì có thể nói là một điều rất lạ!

Sự kiện thiền sư Thanh Biện chuyên trì tụng kinh Kim Cang và những cái tên như Huệ Nghiêm, Pháp Hiền, Pháp Đăng có vẻ như gợi lên một mối liên hệ nào đó với ngài Huệ Năng. Chỉ riêng trong số các đệ tử đích truyền của Đại sư Huệ Năng, chúng tôi đã tìm thấy ít nhất là 6 vị mang tên có chữ pháp: Đó là các vị Pháp Chơn, Pháp Đạt, Pháp Tịnh, Pháp Hải, Pháp Trân, Pháp Như. Đàn Kinh còn cho biết thiền sư Pháp Hải là người Khúc Giang, Thiều Châu, nghĩa là cũng thuộc địa phận Lĩnh Nam thời ấy.

Những nhận xét trên vẫn còn là khá mơ hồ và có vẻ như chỉ dựa theo cảm tính, nhưng hy vọng rất có thể là một gợi ý bước đầu cho những khảo sát có tính cách chuyên sâu và cụ thể hơn.

Bây giờ, tạm gác lại vấn đề thiền học Nam tông, chúng ta hãy quay về với Đàn Kinh để xem cuộc hành trình về phương Nam của Lục Tổ Đại sư được tiếp tục như thế nào.

Các tin đã đăng: