e. Bản Đàn Kinh ở Đôn Hoàng
Bản Đàn Kinh tìm được ở Đôn Hoàng không có bài tựa nói trên, nghĩa là
không có những chi tiết cụ thể cũng như những huyền thoại về sự ra đời
của Lục Tổ Đại sư. Bài tựa cho chúng ta nhiều chi tiết hơn, nhưng đồng
thời tính xác thực của nó cũng kém hơn so với những gì được ghi trong
phần chính văn của Đàn Kinh.
Trong các bản Đàn Kinh khác, bài tựa này được in đầu sách và ghi rõ là
do Pháp Hải soạn vào đời nhà Đường. Pháp Hải đúng là một trong mười đệ
tử được Lục Tổ Đại sư giao phó trách nhiệm lưu truyền Đàn Kinh. Trong
bản Đàn Kinh ở Đôn Hoàng cũng có đoạn nói rằng chính Pháp Hải là người
biên tập Đàn Kinh. Phân đoạn 55 trong bản Đôn Hoàng viết:
“Đàn Kinh này là do Thượng Toạ Pháp Hải biên tập. Lúc mất, Thượng Toạ
giao lại cho người bạn đồng học là Đạo Xán. Lúc Đạo Xán qua đời lại giao
cho người đệ tử là Ngộ Chơn. Ngộ Chơn hiện giờ đang truyền thọ giáo pháp
này ở chùa Pháp Hưng, núi Tào Khê, thuộc Lĩnh Nam.”
Theo như đoạn văn này thì Đàn Kinh được ghi chép ngay sau khi Lục Tổ Đại
sư viên tịch, và đệ tử của ngài là Pháp Hải đã chủ trì thực hiện việc
ghi chép. Nhưng không thấy có bài tựa do Pháp Hải viết như các bản sau
này. Trong khi đó, các bản Đàn Kinh khác đều có thêm bài tựa ở đầu sách.
Tất cả các bản đều nói rất rõ là ngài viên tịch ngày mùng 3 tháng 8 năm
Quý Sửu (713).
Như vậy, Pháp Hải sau đó đã giao lại bản Đàn Kinh này cho một người bạn
đồng học là Đạo Xán. Chúng ta không biết Pháp Hải viên tịch năm nào, nên
tạm ước chừng là trong khoảng 30 năm sau khi Lục Tổ Đại sư viên tịch.
Đạo Xán là bạn đồng học, nên có lẽ không chênh lệch tuổi tác quá nhiều
so với Pháp Hải. Ông này đã tiếp tục giữ gìn bản Đàn Kinh cho đến khi
mất và thời gian này có lẽ cũng không quá 20 năm. Khi ấy, Đạo Xán giao
Đàn Kinh lại cho Ngộ Chơn. Có khả năng chính vị này là người ghi thêm
phân đoạn 55 và 2 phân đoạn sau đó nữa vào bản Đàn Kinh. Bởi vì trong
đoạn văn nói “Ngộ Chơn hiện giờ đang... ...ở chùa Pháp Hưng, núi Tào
Khê...”, như vậy có nghĩa là khi viết đoạn văn này vào Đàn Kinh thì Ngộ
Chơn vẫn còn đang sống. Và thời điểm này có thể ít nhất đã cách thời
điểm Lục Tổ Đại sư viên tịch vào khoảng 50 năm. Và nếu những ước đoán
của chúng ta không sai lệch lắm thì bản Đàn Kinh được hoàn chỉnh đến
những dòng cuối cùng như trên vào lúc này, khoảng năm 763.
Giáo sư Akira Fujieda của Đại Học Tokyo đã thực hiện việc giảo nghiệm
lối viết chữ để xác định niên đại của bản Đàn Kinh tìm được ở Đôn Hoàng
và kết luận là bản này được chép sớm nhất cũng phải vào năm 830, muộn
nhất không quá năm 860. Nếu kết luận này là đáng tin cậy, thì từ khi
được định hình hoàn chỉnh như trên đến thời điểm văn bản Đôn Hoàng được
thực hiện đã có khoảng cách thời gian gần 100 năm! Điều này cho thấy là
sau khi Lục Tổ Đại sư viên tịch cho đến khoảng hơn một thế kỷ sau đó thì
Đàn Kinh vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Và chính vì thế mà ngày nay
chúng ta mới không tìm được bản Đàn Kinh nào ra đời từ thời đó.
Trong một tập sách bằng Anh ngữ nhan đề “The Zen Doctrine of No-Mind”
(Samuel Weiser, Inc, 1972), D. T. Suzuki có đề cập đến một quyển tiểu sử
Lục Tổ Đại sư do một thiền sư Nhật Bản là Tối Trừng (người sáng lập tông
Thiên Thai ở Nhật Bản) mang về Nhật vào năm 803, khi vị này sang Trung
Hoa để tham học Phật pháp. Như vậy, tập sách này chắc chắn ra đời trước
năm 803, nếu không nói là sớm hơn nhiều, vì D. T. Suzuki hẳn có đủ cơ sở
nên mới tin rằng nó được biên soạn ngay sau khi Lục Tổ Đại sư viên tịch
vào năm 713. Và nếu quả đúng vậy thì đây có thể xem là tư liệu đáng tin
cậy nhất về Lục Tổ Đại sư.
Chúng tôi hiện không có trong tay tài liệu này, nhưng theo D. T. Suzuki
trong sách đã dẫn trên thì tài liệu này cho biết ngài Huệ Năng đã tìm
đến Ngũ Tổ vào năm 34 tuổi, trong khi bài tựa Đàn Kinh chúng ta vừa nhắc
đến lại nói là 24 tuổi!
Ngoài ra, sách này cũng cho biết thêm một chi tiết thú vị nữa là ngay
sau khi Lục Tổ Đại sư nhận y bát và rời đi không bao lâu thì Ngũ Tổ
Hoằng Nhẫn viên tịch. Chi tiết này hoàn toàn không có trong bản Đàn Kinh
tìm được ở Đôn Hoàng, và trong các bản sau này thì được thêm vào bằng
một câu khá mơ hồ, qua lời Ngũ Tổ dự báo rằng “Ông đi rồi thì 3
năm sau ta sẽ bỏ cõi thế”, nhưng sau đó lại không có đoạn nào xác nhận
là thật ra thì Ngũ Tổ có viên tịch đúng 3 năm sau hay không? Nếu tài
liệu được Suzuki dẫn trên là chính xác, nghĩa là Ngũ Tổ viên tịch ngay
sau khi Lục Tổ ra đi về phương Nam, thì xem ra điều này khá phù hợp để
giải thích việc truyền y bát có vẻ như hơi vội vàng của Ngũ Tổ, vào lúc
mà chàng thanh niên Huệ Năng đến chùa chưa bao lâu cũng như chưa được
truyền thọ Cụ túc giới để chính thức trở thành một vị tăng.
Tuy nhiên, nếu loại bỏ những yếu tố khác biệt chỉ mang tính sự kiện như
vừa nêu trên, thì các bản Đàn Kinh nói chung không khác nhau mấy trong
phần chính văn khi trình bày về giáo pháp Đốn ngộ mà Lục tổ Đại sư
thuyết giảng. Điều này cho thấy các vị đệ tử đã gìn giữ rất tốt những
lời dạy của thầy. Còn những sai lệch như nêu trên có thể chỉ là do họ đã
không quan tâm đúng mức trong việc ghi chép sự kiện, cũng như do về sau
– có thể là bắt đầu từ lần in năm 967 – đã có nhiều sự thêm thắt vào mỗi
lần khắc in, làm cho bản Đàn Kinh ngày càng dài ra hơn và có thêm nhiều
chi tiết hơn.
Tuy nhiên, có một điều dễ nhận ra và rất đáng trân trọng là những bản
Đàn Kinh ra đời muộn hơn về sau, nhất là bản Tông Bảo đời Minh (1291),
đều đã được nhuận sắc rất kỹ lưỡng, nên câu văn trở nên mạch lạc, rõ
ràng và dễ hiểu hơn nhiều khi so sánh với bản Đôn Hoàng. Để làm được
điều đó mà không sai lệch đi ý nghĩa kinh văn, những người nhuận sắc
chắc chắn đã phải dày công khảo cứu cũng như phải nắm vững được những
lời dạy trong giáo pháp này.
Như vậy, việc tìm được cổ bản Đôn Hoàng thật ra chỉ có ý nghĩa về mặt
khảo cứu nhiều hơn, vì so ra nó không làm thay đổi mấy những gì đã được
nhận hiểu từ các bản Đàn Kinh đang lưu hành, nhất là bản Tông Bảo. Có
chăng là nó đã giúp tạo thêm niềm tin chắc chắn vào độ chính xác của
những lời giảng dạy về giáo pháp được ghi lại trong Đàn Kinh, bởi vì cho
dù có sự thay đổi, trau chuốt văn từ, nhưng khi so sánh thì người ta vẫn
thấy ý nghĩa không có gì sai lệch!