BÀI 15.
SỞ HỮU TỊNH HẢO
Sobhanacetasika
Sở hữu
tịnh hảo là những sở hữu trong sạch, tốt đẹp, tinh khiết; những sở hữu này chỉ
hợp với tâm tịnh hảo. Gồm 25 sở hữu, chia làm 4 loại.
I. Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành
(Sobhanasadhāranā)
Là những sở hữu xuất hiện với tất cả các tâm tịnh
hảo. Gồm có 19 sở hữu:
1) Tín (Saddha):
Từ ngữ căn Sam: tốt, khéo + Dah: đặt xuống, để
xuống, nghĩa là đặt lòng tin tưởng hoàn toàn vào tam bảo; đức tin trong sạch,
đứng đắn. Ðặc tánh của Tín là khiến các sở hữu tâm đồng sinh trở nên trong sạch
và hướng dẩn, kích thích chúng hướng đến một địa vị cao hơn. Khi có lòng tin
thì các phiền não, nghi ngờ tiêu sạch. Khi có lòng tin thì có sự kích thích
muốn tiến tới quả đích cao hơn. Như một người lội qua một khúc sông khó lội để
những người khác tin tưởng và lội theo.
Saddha hay Tín thuộc thành phần tịnh hảo, tốt đẹp
(Sobhana) nên phải có Chánh Tín: Tin Nghiệp (Kamassaddha), Tin Quả
(Vipakassaddha), Tin Tư Nghiệp (Nghiệp riêng của mỗi cá nhân – Kammassakatā) và
tin vào sự giác ngộ của Ðức Thế Tôn. Chú ý: Tín ở đây không phải là cuồng tín.
Vì vậy, đối tượng duy nhất của Tín phải là Tam Bảo.
Nếu tin vào Tam Bảo mà tin một cách sai lầm (mê tín, cuồng tín) thì cũng không
được coi là Chánh Tín, đừng nói tới tin vào những điều trái với Tam Bảo.
Vậy nếu một người không phải là Phật tử, nhưng họ
tin tưởng tuyệt đối vào lời dạy của các bậc đạo sư thì đó không phải là chánh
tín hay sao ? cụ thể hơn nếu những người theo Thiên Chúa giáo, họ tin tưởng vào
lời dạy của Chúa trọn đời làm việc thiện để sau khi mản phần họ được Chúa rước
về Thiên Ðàng, ngự bên cạnh chúa thì niềm tin đó có khác gì với sở hữu Tín
trong tâm thiện tịnh hảo đâu ?.
Câu trả lời chắc chắn là không giống, bộ
Māhāpatthāna có giải thích: bố thí, trì giới với lòng tham ái, mong tạo các
việc thiện để được hưởng phước nhơn thiên thì gọi là "Pháp thiện trợ pháp
bất thiện bằng cảnh duyên = Kusalo dhammo akusalassa dhammassa
arammanapaccayena paccayo", và ở đây sẽ có câu hỏi nếu vậy người Phật tử
thuần thành, khi làm việc thiện để mong cầu đạo quả Niết-Bàn thì có phải cũng
là một tâm tham bất thiện hay chăng ? – không, bởi sự mong đắc chứng Niết-Bàn
là mong thoát ly thú vui dục lạc của nhơn thiên chứ không phải là mong thụ
hưởng nên không phải là tâm tham bất thiện.
- Chơn tướng của sở hữu Tín là
cách tin Tam Bảo và luật nghiệp báo.
- Phận sự của sở hữu Tín là làm
cho tâm tín ngưỡng.
- Sự thành tựu của sở hữu Tín là
làm tâm không bị nhơ bẩn vì mê tín.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tín
là Tam Bảo.
2) Niệm (Sati):
Từ ngữ căn Sar: nhớ đến. Nhớ đến ở đây không phải
là sự hồi tưởng lại hay trí nhớ mà là sự tỉnh thức, nhận thức rõ ràng
những hành vi, động niệm của mình trong thời điểm hiện tại, đối tượng của Sở
Hữu Niệm là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Sati nếu khéo luyện tập sẽ đưa đến Túc Mạng
Minh. Ðặc tánh của Niệm là gìn giữ không cho các ác pháp sinh khởi, gìn giữ không
cho các thiện pháp bị bỏ quên và để các thiện pháp luôn luôn có mặt. Niệm như
người lính gát cửa, chỉ cho những người tốt đi vào còn những người xấu thì chặn
lại.
- Chơn tướng của sở hữu Niệm là
cách tỉnh thức, không sơ ý.
- Phận sự của sở hữu Niệm là ghi
nhớ, làm cho không quên.
- Sự thành tựu của sở hữu Niệm
là trau dồi tâm khắn khít với cảnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Niệm
là biết vững chắc.
3) Tàm (Hiri):
Là hổ thẹn, không thể làm chuyện tội lỗi. Tàm là sự
hổ thẹn đối với lương tâm của chính mình. Một người có lòng Tàm sẽ thối lui
trước các pháp bất thiện như không dám rờ tay vào những vật dơ bẩn.
- Chơn tướng của sở hữu Tàm là
cách hổ thẹn tội lỗi.
- Phận sự của sở hữu Tàm là
không làm chuyện tội lỗi.
- Sự thành tựu của sở hữu Tàm là
cách lui sụt trước ác pháp.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tàm
là biết tự trọng.
4) Úy (Ottappa):
Là ghê sợ tội lỗi xấu xa. Từ ngữ căn Na + ava +
tapp: bị đau khổ, bứt rứt. Otappa là sự sợ hải khi làm điều ác, sợ kết quả của
các điều ác. Người có tâm Úy sẽ thấy sợ hải trước ác pháp như không dám đặt tay
vào lửa, biết tự hối khi có sự chỉ trích của người khác.
- Chơn tướng của sở hữu Úy là
cách ghê sợ tội lỗi (hổ thẹn).
- Phận sự của sở hữu Úy là không
làm chuyện tội lỗi.
- Sự thành tựu của sở hữu Úy là
cách lui sụt trước ác pháp.
- Nhân cần thiết của sở hữu Úy
là sợ người cười chê và sợ hậu quả của ác pháp.
Tàm và Úy thường đi đôi với nhau, Tàm dựa trên lòng
hổ thẹn, Úy dựa trên lòng sợ hải, đó là hai yếu tố cần thiết trong các thiện
tâm
5) Vô Tham (Alobha):
Là không ham muốn ngủ dục, không luyến ái ngủ trần,
không dính mắc đối tượng như lá sen không lưu nước sau một đám mưa. Vô Tham còn
hàm nghĩa bố thí (Dāna), một thái độ vị tha tích cực.
- Chơn tướng của sở hữu Vô Tham
là không đắm nhiểm trong ngũ dục.
- Phận sự của sở hữu Vô Tham là
không chấp trước.
- Sự thành tựu của sở hữu Vô
Tham là không nhiểm đắm trước cảnh ưa thích.
- Nhân cần thiết của sở hữu Vô
Tham là khéo dụng tâm, khéo tác ý.
6) Vô Sân (Adosa):
Vô Sân đồng nghĩa với tâm Từ (Mettā). Ðặc
tánh của Vô Sân là sự vắng mặt của hờn giận, bất bình, thù oán; làm cho các
Danh Pháp đồng sanh được êm dịu, mát mẽ.
- Chơn tướng của sở hữu Vô Sân
là không độc ác.
- Phận sự của sở hữu Vô Sân là
tránh xa sự sát hại.
- Sự thành tựu của sở hữu Vô Sân
là sự mát mẽ.
- Nhân cần thiết của sở hữu Vô
Sân là khéo dụng tâm, khéo tác ý.
7) Hành Xã (Tatra Majjhattatā):
Là trung tánh, vô tư đối với các pháp tương ưng.
Ðặc tánh của sở hữu Hành Xã là vô tư, không thiên lệch như người đánh xe điều
khiển cặp song mả một cách đồng đẳng. Ðôi khi Hành Xã còn đồng nghĩa với Xã (Uppekkhā)
trong Tứ Vô Lượng tâm. Hành Xã cũng có thể đồng khởi với Xã (Uppekkhā)
trong các tâm thiện nhưng không thể đồng khởi với Xã (Uppekkhā) trong
các tâm bất thiện và tâm vô nhân.
- Chơn tướng của sở hữu Hành Xã
là dung hòa các pháp đồng sanh cho bằng nhau.
- Phận sự của sở hữu Hành Xã là
làm cho các pháp đồng khởi không thái quá cũng không bất cập.
- Sự thành tựu của sở hữu Hành
Xã là tâm vô tư đối với cảnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Hành
Xã là phải có các pháp tương ưng.
8) Tịnh Thân và Tịnh Tâm (Kāyapassaddhi –
Cittapassaddhi):
Từ ngữ căn Pa + sambh: an tịnh. Ðặc tánh của hai sở
hữu tâm này là diệt trừ hay làm dịu xuống sự nóng bỏng của vật dục phiền não
(Kilesadaratha – vūpasaṃ), cũng như bóng mát của cây đối với người đang bị mặt
trời thiêu đốt. Tịnh (Passaddhi) phản nghĩa với Phóng Dật (Uddhacca). Kāya:
Thân, ở đây không phải nói về cơ thể mà ám chỉ một tổng hợp các sở hữu tâm.
Citta chỉ cho tâm.
- Chơn tướng của hai sở hữu Tịnh
Thân và Tịnh Tâm là sự an tịnh, lìa xa sự sôi nổi (phiền não) của tâm và các sở
hữu tâm.
- Phận sự của hai sở hữu Tịnh
Thân và Tịnh Tâm là làm êm dịu sự sôi nổi.
- Sự thành tựu của hai sở hữu
Tịnh Thân và Tịnh Tâm là tâm êm dịu, mát mẻ đối với cảnh.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu
Tịnh Thân và Tịnh Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
9) Khinh Thân và Khinh Tâm (Kāyalahutā –
Cittalahutā):
Từ ngữ căn Laghu: nhẹ, mau. Ðặc tánh của hai tâm sở
này là diệt trừ sự nặng nề của tâm và các sở hữu tâm giống như một người đặt
một gánh nặng xuống. Khinh (Lahutā) đối trị với Hôn Trầm (Thīna) và Thụy Miên
(Middha).
- Chơn tướng của hai sở hữu
Khinh Thân và Khinh Tâm là cách lìa bỏ sự nặng nề của tâm và các sở hữu tâm.
- Phận sự của hai sở hữu Khinh
Thân và Khinh Tâm là phá sự nặng nề của tâm và các sở hữu tâm.
- Sự thành tựu của hai sở hữu
Khinh Thân và Khinh Tâm là làm tâm và các sở hữu tâm được nhẹ nhàng.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu
Khinh Thân và Khinh Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
10) Nhu Thân và Nhu Tâm (Kāyamuditā – Cittamuditā):
Là sự dịu mềm của tâm và các sở hữu tâm. Ðặc tánh
của hai sở hữu tâm này là diệt trừ sự thô cứng và chống đối. Như một miếng da
thô cứng sau khi được thoa dầu hay ngâm nước sẽ trở nên nhu nhuyến (mềm dịu).
Nhu (Muditā) đối trị với Tà Kiến (Diṭṭhā) và Ngã Mạn (Māna).
- Chơn tướng của hai sở hữu Nhu
Thân và Nhu Tâm là sự dịu mềm của tâm và các sở hữu tâm.
- Phận sự của hai sở hữu Nhu
Thân và Nhu Tâm là hạn chế sự thô cứng của tâm và các sở hữu tâm.
- Sự thành tựu của hai sở hữu
Nhu Thân và Nhu Tâm là làm tâm và các sở hữu tâm bắt cảnh dể dàng.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu
Nhu Thân và Nhu Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
11) Thích Thân và Thích Tâm (Kāyakammaññatā –
Cittakammaññatā):
Từ ngữ căn Kamma + Tā: thích ứng. Thích hợp với mọi
hoàn cảnh. Như một cục sắt bị nung đỏ có thể làm thành bất cứ vật gì.
- Chơn tướng của hai sở hữu
Thích Thân và Thích Tâm là cách lìa sự không thích hợp với công việc.
- Phận sự của hai sở hữu Thích
Thân và Thích Tâm là diệt sự cứng ngắt của tâm và các sở hữu tâm.
- Sự thành tựu của hai sở hữu
Thích Thân và Thích Tâm là cách thích hợp với công việc của tâm và sở hữu tâm
khi tiếp thâu đối tượng.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu
Thích Thân và Thích Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
12) Thuần Thân và Thuần Tâm (Kāyapaguññatā –
Cittapaguññatā):
Là sự tinh luyện thông thạo hay thuần thục của tâm
và sở hữu tâm. Ðặc tánh của hai sở hữu tâm này là diệt trừ sự đình trệ (bệnh
hoạn) của tâm và sở hữu tâm. Như một người thợ rành nghề có thể làm được tất cả
các công việc trong lảnh vực nghề nghiệp của mình.
- Chơn tướng của hai sở hữu
Thuần Thân và Thuần Tâm là sự không đình trệ của tâm và các sở hữu tâm.
- Phận sự của hai sở hữu Thuần
Thân và Thuần Tâm là diệt trừ sự đình trệ của tâm và các sở hữu tâm.
- Sự thành tựu của hai sở hữu
Thuần Thân và Thuần Tâm là cách xa lìa lỗi lầm.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu
Thuần Thân và Thuần Tâm là cách thích hợp với công việc của tâm và các sở hữu
tâm.
13) Chánh Thân và Chánh Tâm (Kāyujjukatā –
Cittujjukatā):
Là sự chánh trực của tâm và sở hữu tâm. Ðặc tánh
của hai sở hữu này là đối trị với sự quanh co tà vạy của tâm và các sở hữu đồng
sanh để chúng trở thành chơn chánh. Như kim chỉ nam giúp người khách lữ hành
khỏi lạc hướng.
- Chơn tướng của hai sở hữu
Chánh Thân và Chánh Tâm là cách chơn chánh, ngay thẳng.
- Phận sự của hai sở hữu Chánh
Thân và Chánh Tâm là đối trị sự tà vạy.
- Sự thành tựu của hai sở hữu
Chánh Thân và Chánh Tâm là được chơn chánh không tà vạy.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu
Chánh Thân và Chánh Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
II. Sở Hữu Giới Phần (Viratiyo)
Là những sở hữu tâm ngăn ngừa và sát trừ các ác
nghiệp do thân và khẩu gây ra. Các sở hữu nầy khi hợp với các tâm Ðại Thiện thì
ngăn các ác nghiệp đang sanh (vừa sanh) và ngừa các ác nghiệp sẽ sanh. Khi hợp
với tâm Siêu Thế thì sát tuyệt các ác nghiệp. Gồm có ba sở hữu tâm:
1) Chánh Ngữ: (Sammā Vācā):
Là lời nói chơn chánh, không vọng ngữ, không nói
dối, không nói lời đâm thọc, không nói hai lưỡi, không nói lời ác độc, không
nói ỹ ngữ.
2) Chánh Nghiệp: (Sammā Kammantā):
Là hành nghề chơn chánh, không sát sanh, không trộm
cắp, không tà dâm.
3) Chánh Mạng: (Sammā Ājiva):
Là nuôi mạng sống một cách chơn chánh, không bán
thuốc độc, rượu, võ khí, nô lệ và các loài vật để sát sanh. Tức là không nuôi
mạng do thân và khẩu ác.
- Chơn tướng của ba sở hữu Chánh
Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là không tạo thân và khẩu ác.
- Phận sự của ba sở hữu Chánh
Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là ngăn ngừa hoặc đối trị thân và khẩu ác.
- Sự thành tựu ba sở hữu Chánh
Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là thân và khẩu không tạo ác.
- Nhân cần thiết của ba sở hữu
Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là công đức của Tín, Niệm, Tàm, Úy và
thiểu dục.
III. Sở Hữu Vô Lượng Phần (Appamaññā)
Là những sở hữu xem chúng sanh đồng đẳng (do đó,
còn gọi là Sở Hữu Ðẳng Phần), không phân biệt kẻ thân, người thù; cũng gọi là
Vô lượng tâm vì các sở hữu này lấy vô lượng chúng sanh làm đối tượng. Ðúng ra
có tất cả là bốn sở hữu: Từ (Mettā), Bi (Karunā), Hỷ (Muditā) và Xã (Upekkhā);
nhưng phần trước đã bàn đến Vô Sân tương đương với Từ và Hành Xã tương đương
với Xã nên ở đây chỉ nói đến Bi và Hỷ mà thôi. 2 Sở Hữu Tâm này không bao giờ
xuất hiện cùng lúc.
1) Bi (Karunā):
Từ ngữ căn Kar + unā nghĩa là làm cho tâm của người
thiện rung động trước sự đau khổ của chúng sanh. Ðặc tánh của Bi là sự cầu mong
diệt trừ sự đau khổ của mọi người (Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ).
- Chơn tướng của sở hữu Bi là
cách muốn bài trừ sự đau khổ của chúng sanh.
- Phận sự của sở hữu Bi là không
thể làm ngơ trước sự đau khổ của người khác.
- Sự thành tựu của sở hữu Bi là
không ép uổng chúng sanh khác.
- Nhân cần thiết của sở hữu Bi
là nhận thấy chúng sanh bị khổ.
2) Hỷ (Tùy Hỷ: Muditā):
Từ ngữ căn Mud là sự hoan hỷ, vui theo nhân thiện
và quả phúc lợi lộc của chúng sanh khác.
- Chơn tướng của sở hữu Hỷ là
vui theo quả phúc của chúng sanh.
- Phận sự của sở hữu Hỷ là không
ganh tỵ với người khác.
- Sự thành tựu của sở hữu Hỷ là
vừa lòng với sự tiến hóa của chúng sanh khác.
- Nhân cần thiết của sở hữu Hỷ
là nhận thấy chúng sanh tạo và hưởng hạnh phúc.
IV. Sở Hữu Trí Tuệ (Tuệ Quyền)
(Paññindriya)
Là sự sáng suốt, hiểu biết sự vật đúng với lẽ thật
(chơn lý). Từ ngữ căn Pa: đứng đắn + ñà: biết. Tức là biết một cách đứng đắn.
Ðặc tánh của Tuệ quyền là hiểu biết đúng như thật. Vì trí tuệ chế ngự vô minh
và chiếm địa vị ưu thắng trong sự hiểu biết nên gọi là Tuệ Quyền. Theo Thắng
pháp (Abhidhamma) thì Trí (Ñāna), Huệ (Paññā) và Vô Si (Amoha)
đồng nghĩa với nhau.
Tuệ quyền có mặt trong các tâm hợp Trí và là một
trong bốn phương tiện để chứng Thần Túc Thông (Iddhipāda), Trí Tuệ được gọi là
Suy tìm (Vīmamsā). Khi được Ðịnh (Samādhi) làm cho trong sạch, Trí Tuệ được gọi
là Diệu Trí (Abhiññā). Trí Tuệ cũng là một trong Thất Giác Chi (Sattabojjhanga)
với danh hiệu là Trạch Pháp (Dhammavicaya) và là Chánh Kiến (Sammādiṭṭhi) trong
Ðạo Ðế (Magganga). Sự tột cùng của Trí Tuệ là sự giác ngộ của Ðức Phật. Trí tuệ
theo nghĩa tuyệt đối là hiểu biết sự vật như thật theo đúng lý Vô Thường
(Anicca), Khổ Não (Dukkha) và Vô Ngã (Anatta).
- Chơn tướng của sở hữu Trí Tuệ
là hiểu biết thấu tột chơn tướng của các pháp.
- Phận sự của sở hữu Trí Tuệ là
bài trừ sự tối tăm, biết rõ ràng, rành mạch.
- Sự thành tựu của sở hữu Trí
Tuệ là không mê mờ, không nhiễm đắm cảnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Trí
Tuệ là Tịnh (Passadhi), khéo Tác ý và tục sanh bằng tâm tam nhân.