Các
Quan Điểm Của các Bộ Phái Thuộc Đại Chúng Bộ
a. Các quan điểm căn
bản[1] của Đại chúng bộ, Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất
thế bộ và Kê-dận bộ
Các quan điểm căn bản của Đại chúng bộ, Nhất
thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ, Kê-dận bộ đồng cho rằng:
1) Chư Phật
Thế Tôn đều là những bậc siêu xuất thế gian.
2) Tất cả
các đức Như Lai không còn hữu lậu.
3) Lời nói
của chư Như Lai đều là chuyển pháp luân.
4) Đức Phật
dùng một âm thanh nói tất cả pháp.[2]
5) Tất cả
những lời nói của Thế Tôn đều như thật nghĩa.
6) Sắc thân
của Như Lai không có giới hạn.
7) Oai lực
của Như Lai cũng không có giới hạn.
8) Thọ lượng
của Như Lai cũng không có giới hạn.
9) Chư Phật
hóa độ các loài hữu tình khiến sanh lòng tịnh tín nhưng các Ngài không
có tâm chán ngán hoặc thỏa mãn.
10) Đức Phật
không có ngủ và nằm mộng[3].
11) Như Lai vấn
đáp không cần phải đợi suy nghĩ.
12) Đức Phật
không bao giờ nói về danh, cú, văn vì Ngài luôn ở trong định, tuy nhiên
các loài hữu tình cho rằng Ngài có nói danh, cú, văn liền sanh tâm vui
vẻ phấn khởi.[4]
13) Chư Phật
trong một sát na tâm liễu tri tất cả các pháp.
14) Chư Phật
trong một sát na tâm tương ưng với bát nhã biết được tất cả các pháp.
15) Lậu tận trí
và vô sanh trí[5] của Phật Thế Tôn thường luôn hiện hữu (tùy
chuyển) cho đến lúc Niết-bàn.
16) Tất cả các vị
Bồ-tát khi nhập thai đều không chấp thọ các trạng thái: Yết lạt lam,
Át-bộ-đàm, Bế-thi và Kiện-nam[6] của thai nhi làm tự thể.
17) Tất cả Bồ-tát
khi vào thai mẹ đều hiện hình voi trắng.[7]
18) Tất cả Bồ-tát
xuất thai đều bằng hông bên phải.[8]
19) Tất cả Bồ-tát
đều không có khởi tư tưởng tham dục, tư tưởng sân hận, tư tưởng ác hại.
20) Bồ-tát vì
muốn lợi ích cho hữu tình, nguyện sanh vào ác thú liền như ý thọ sanh.
21) Trong một sát
na tâm dùng trí Hiện quán biên[9] biết khắp tất cả các tướng sai biệt của Tứ đế.
22) Năm thức của
thân gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức có nhiễm ô
và lìa nhiễm ô.[10]
23) Ở cõi Sắc và
Vô sắc mỗi thân đều đủ sáu thức.
24) Thể chất của
năm sắc căn là khối thịt nên mắt không thấy sắc, tai chẳng nghe tiếng,
mũi chẳng ngửi mùi, lưỡi chẳng nếm mùi, thân không biết sự xúc chạm.
25) Ở Đẳng dẫn vị[11] vẫn phát ra ngôn ngữ, vẫn có tâm điều phục, có
tác ý thanh tịnh.[12]
26) Mọi việc làm
điều đã hoàn tất,[13] không còn chấp chứa một pháp nào.
27) Các vị Dự-lưu
có thể thấu rõ tự tánh của tâm và tâm sở.
28) Có vị
A-la-hán vẫn còn bị người khác dẫn dụ, vẫn còn vô tri, tâm còn hoài
nghi, lại nhờ người khác được ngộ đạo và nhờ vào tiếng (khổ) mà thánh
đạo phát khởi.
29) Khổ có thể
dẫn dắt vào thánh đạo.
30) Tiếng khổ có
thể trợ giúp (ngộ đạo).
31) Trí tuệ làm
gia hạnh có thể diệt trừ được các khổ, cũng có khả năng đưa đến an lạc.[14]
32) Khổ (thọ)
cũng là thức ăn.
33) Địa thứ 8
cũng được trụ lâu dài.[15]
34) Cho đến Tánh
địa pháp[16] có thể nói vẫn còn thối chuyển.
35) Dự-lưu còn có
thối chuyển.
36) Bậc A-la-hán
thì không thối chuyển.
37) Không có
chánh kiến thế gian.
38) Không có tín
căn thế gian.
39) Cũng không có
pháp vô ký.
40) Khi nhập
Chánh tánh ly sanh mới có thể nói là đoạn trừ tất cả các kiết sử.[17]
41) Các vị Dự-lưu
vẫn còn tạo nghiệp ác chỉ trừ tội vô gián.[18]
42) Các kinh của
đức Phật thuyết đều là liễu nghĩa.
43) Pháp vô vi
gồm có 9 loại: 1) trạch diệt, 2) phi trạch diệt, 3) hư không, 4) không
vô biên xứ, 5) thức vô biên xứ, 6) Vô sở hữu xứ, 7) Phi tưởng phi phi
tưởng xứ, 8) Duyên khởi chi tánh (12 chi phần duyên khởi), 9)
Thánh đạo chi tánh (tám chi phần thánh đạo).
44) Tâm tánh vốn
thanh tịnh nhưng vì bị tạp nhiễm bởi khách trần phiền não nên mới nói
bất tịnh.
45) Tùy miên
chẳng phải tâm, chẳng phải tâm sở, cũng không có đối tượng (sở duyên).[19]
46) Tùy miên khác
với triền phược,[20] triền phược khác với tùy miên. Cho nên mới nói
tùy miên không tương ưng với tâm mà triền phược lại tương ưng với tâm.
47) Quá khứ và vị
lai không có thật thể .
48) Tất cả các
pháp xứ[21] không phải là cái được biết, không phải là cái
được nhận thức suy lường, cũng không phải là cái thông đạt.
49) Cũng không có
thân trung hữu (ấm).[22]
50) Các quả vị
Dự-lưu cũng đạt được tĩnh lự.[23]
Những điều trên đây là những các quan điểm căn
bản.
b. Quan điểm dị biệt của Đại chúng bộ, Nhất
thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ và Kê dận bộ
Còn quan điểm dị biệt của bốn bộ này thì cho
rằng:
1) Như Thánh
đế có các tướng sai biệt, cũng như thế, Hiện quán[24] đều có các tướng sai biệt.
2) Có một số
pháp tự sanh khởi, có một số pháp do cái khác làm ra, có một số pháp do
cả hai cùng làm ra, lại có một số pháp do các duyên sanh ra.
3) Trong
cùng một thời điểm có thể có hai tâm cùng sanh khởi.
4) Thánh đạo
và phiền não đều cùng hiện khởi.[25]
5) Nghiệp và
quả Dị-thục đều cùng lúc chuyển biến.
6) Chủng tử
chính là hạt mầm.[26]
7) 4 đại và 6
sắc căn có chuyển biến (thay đổi) nhưng tâm và tâm sở không chuyển
biến.[27]
8) Tâm bao
trùm khắp cả thân.
9) Tâm tùy
theo căn và cảnh mà có sự co giãn (mở rộng và thu hẹp).[28]
Những điều trên đây là các quan điểm dị biệt của
bốn bộ phái, và cứ tiếp nối như thế (các bộ phái) đã tạo ra vô lượng sai
biệt.
c. Các quan điểm căn bản của Đa Văn bộ
Các quan điểm căn bảncủa Đa văn bộ cho rằng:
1) Năm âm
thanh của đức Phật gồm: Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã và
Niết-bàn-tịch-tĩnh là những giáo lý siêu xuất thế gian vì năm âm thanh
này có khả năng chỉ ra con đường giải thoát; Còn những âm thanh khác của
Như Lai là những giáo lý thế gian.
2) Có vị
A-la-hán bị người khác dẫn dụ, cũng còn vô tri, tâm còn hoài nghi, lại
nhờ người khác được ngộ đạo và thánh đạo nhờ vào tiếng (khổ) mà phát
khởi.
Ngoài ra, những luận điểm khác phần nhiều đồng
với thuyết Nhất thiết hữu bộ.
d. Các quan điểm căn bản của Thuyết giả bộ
Các quan điểm căn bảncủa Thuyết giả bộ cho rằng:
1) Khổ không
phải là Uẩn.
2) Mười hai
xứ không phải thật hữu.
3) Các hành
xoay vần đối đãi hòa hợp nên giả gọi là khổ mà không có sĩ phu dụng.[29]
4) Không có
cái chết phi thời (bất đắc kỳ tử) mà tất cả do nghiệp đời trước mà có.
5) Nghiệp
tăng trưởng làm nhân nên quả Dị-thục chuyển đổi.
6) Chứng đắc
Thánh đạo là nhờ vào phước đức chứ không thể nhờ vào sự tu tập.
7) Thánh đạo
cũng không thể bị hư hoại.
Ngoài ra những vấn đề khác phần nhiều đồng với
luận điểm của Đại chúng bộ.
e. Các quan điểm căn bản của Chế đa sơn, Tây sơn
trụ, Bắc sơn trụ
Các quan điểm căn bảncủa ba bộ phái Chế đa sơn
bộ, Tây sơn trụ bộ và Bắc sơn trụ bộ cho rằng:
1) Bồ-tát
vẫn chưa thoát khỏi ác đạo.[30]
2) Cung kính
cúng dường tháp miếu không được phước báo to lớn.
3) Bậc
A-la-hán còn bị người khác dụ dẫn, cũng còn vô tri, v.v…
Năm điều này cùng với những vấn đề khác phần
nhiều đồng với luận thuyết của Đại chúng bộ.
[1] Thuật ký (X53n0844): Gọi Quan điểm căn bản
(gốc) (本宗同義)có nghĩa là khi mới
bắt đầu tranh luận thành lập giáo nghĩa thì cả bốn bộ: Đại chúng, nhất
thuyết bộ, Thuyết nhất thiết bộ và Kê dận bộ đều đồng nhất quan điểm với
nhau nên mới gọi là Quan điểm căn bản. Thế nhưng, sau
khi đã hình thành những bộ phái riêng biệt thì trong mỗi tông phái lại
thành lập những giáo nghĩa riêng, mà giáo nghĩa ấy lại trái với những
quan niệm ban đầu của nó khi nó mới thành lập (trái với những quan niệm
ban đầu để từ đó nó có mặt) nên mới gọi là quan niệm dị biệt 末宗
異義.Cũng giống như Đa văn bộ được phát sinh từ Đại chúng bộ, thì ngay khi
mới thành lập những quan điểm đó được gọi quan điểm căn bản,
còn sau khi đã hình thành bộ phái riêng biệt mà có những quan điểm được
được đưa ra trái với quan điểm ban đầu thì gọi là quan điểm dị biệt.
Đối chiếu Quan điểm căn
bản (本宗同義) với hai bản dịch của Chân đế thì (Đ.2032): 根本見 hay bản (Đ.2033): 義本 đều có nghĩa là quan
điểm gốc, ban đầu; Và quan niệm dị biệt (末宗異義)với
(Đ.2032): 中
間見 và (Đ.2033):異義 thì đồng có nghĩa là quan điểm về sau
hay quan điểm khác biệt [ với quan điểm ban đầu].
Thông qua ba cách dịch trên
nên ở đây bớt đi phần “đồng nghĩa” và “dị nghĩa” ở trong nguyên
bản và dịch gọn lại “quan điểm căn bản” và “quan điểm dị
biệt” trong suốt bộ luận này để cho dễ hiểu. Và ta sẽ thấy rằng “quan
điểm căn bản” và “Quan điểm dị biệt” đều chỉ chung cho
một tông phái nhưng căn cứ trên thời gian và tính chất khác biệt của hai
quan điểm trước và sau rồi đặt tên chứ không phải chỉ sự khác biệt và
đồng nhất giữa chi phái với bộ phái gốc.
[2] Âm thanh đây chính là Phạm âm. Theo Thuật ký thì
đức Phật trãi qua vô lượng kiếp tu hành, công đức và oai lực của Ngài
không thể nghĩ bàn. Ngài dùng một âm thanh, nói ra một danh từ nào đó
thì chúng sanh tùy theo chủng loại của mình liền tự nhận hiểu mà chấm
dứt được các thứ trần lao phiền não. Luận Đại Tỳ-bà-sa, 79 có
nói:
“Phật dùng một tiếng mà
nói pháp, Chúng sanh theo loại đều được hiểu,
Đều bảo Thế tôn dùng
tiếng mình, Chỉ vì mình mà nói các nghĩa”.
Hữu bộ thì
không chấp nhận như thế, nghĩa là theo họ, đức Phật không thể dùng một
âm thanh mà thuyết pháp, xem luận điểm thứ 61 của Hữu bộ ở sau.
[3] Do tâm tán loạn nên mới có buồn ngủ; do có vọng
tưởng, ái dục và các tư tâm sở nên mộng mị mới khởi lên. Đức Phật luôn
an trụ trong định nên không cần phải ngủ. Ngài cũng đã chấm dứt các vọng
tưởng và ái dục nên không còn mộng mị. Tát-bà-đa cho rằng đức
Phật có ngủ nhưng không nằm mộng, hoặc có bộ phái khác cho rằng đức Phật
có cả ngủ và nằm mộng, vì vậy nên ở đây mới nói đức Phật không ngủ và
không mộng mị.
[4] Luận Câu-xá, 2, 47a-b, nói rằng: danh
thân 名身 (namakaya), cú thân 句身 (padakàya), văn thân 文身
(vyanjana) là tổng thuyết (hợp thể) của ý tưởng, chương cú và
âm tiết. Trong đó, danh thân chỉ các danh từ như sắc (rùpa),
thanh (sabda), v.v… cú thân chỉ thành cú hay mệnh đề như: “ôi,
các hành là vô thường”. Văn thân là chỉ cho các âm tiết như các nguyên
âm và phụ âm: a, à, i, ì, k, p, t,…
Chư Phật tâm thường tại
định nên không cần phải dụng công tư duy để nói những lời lẽ, câu cú và
văn chương bóng bẩy thông thường, mà tất cả những lời thuyết pháp hoàn
toàn do sự nhậm vận tuyên thuyết. Chính sự nhậm vận ấy nên lời nói của
các Ngài lúc nào cũng thù thắng, sáng tỏ và mượt mà, sắc sảo, do đó mà
nếu ai được nghe qua đều sanh tâm hoan hỷ, vui thích mà dõng mãnh phát
tâm tu tập.
[5] Lậu tận trí 盡智(Àsrava-ksaya jnàna) hay còn gọi là Lậu tận
trí chứng minh là trí biết chắc như thật và chứng được lý Tứ đế, đoạn
trừ phiền não hữu lậu trong tam giới, xa lìa sự trói buộc của sinh tử
ngay trong hiện tại nên gọi là Lậu tận trí; còn Vô sanh trí
無生智(Anutpàda jnàna) là trí
biết rõ tất cả các pháp vô sinh. Tức là trí huệ cứu cánh vô lậu, đối với
Tứ đế đã thấy rõ và chứng đạt lại diệt trừ hết phiền não, xa lìa sự
sinh diệt biến hóa, đoạn hết 3 loại lậu hoặc Dục, Hữu và Vô minh mà
không còn sinh khởi các loại kết phược tùy miên ở trong tương lai nên
gọi là Vô sinh trí.
[6] Đây là 4 trong 5 năm giai đoạn (Thai nội ngũ vị,
còn gọi là Kiết thai ngũ vị) của một thai nhi. Phật giáo chia thời gian
266 ngày (38 tuần) của một thai nhi từ khi thụ thai cho đến lúc sinh ra
làm 5 giai đoạn, theo thứ lớp như sau:1) Yết-lạt-lam 羯刺藍(S: Kalala), còn gọi là Ca-la-la, Yết-la-lam, Hán dịch: ngưng hoạt, tạp uế,
là thời gian tuần đầu tiên sau khi thụ thai. 2) Át-bộ-đàm
頞部曇(S: Arbuda), còn gọi là A-bộ-đàm, Hán dịch: Pháp, là thời
gian tuần thứ hai. 3) Bế-thi 閉尸(S: Pesi), còn gọi là Tế-thi, Tì-thi, Hán dịch: ngưng kiết, nhục đoạn, là
thời gian tuần thứ ba. 4) Kiện-nam 鍵南(S: Ghana), còn gọi là Kiện-nam, Yết-nam, Hán dịch: ngưng hậu,
ngạnh nhục, là thời gian tuần thứ tư. 5) Bát-la-xa-khư 撥羅奢厶(S:
Prasakha), Hán dịch: chi
tiết, chi chi, là giai đoạn từ tuần thứ 5 cho đến tuần thứ 38, tức đến
ngày sinh (trong giai đoạn này tay chân bắt đầu hình thành và hài nhi có
đầy đủ hình hài của một con người).
Đối
lại với 5 giai đoạn nằm trong thai là 5 giai đoạn ở ngoài thai (thai
ngoại ngũ vị), gồm: 1) Anh hài: là thời gian từ khi sinh ra đến 6 tuổi.
2) Đồng tử: từ 7 đến 15 tuổi. 3) Thiếu niên: từ 16 đến 30 tuổi. 4) Trung
niên: từ 31 đến 40 tuổi. 5) Lão niên: từ 41 tuổi trở lên cho đến lúc
chết.
[7] Hiện hình voi trắng là biểu
trưng cho sự nhu hòa, thuần thiện, có đại oai lực mà không hiếu chiến,
hung bạo. Các loài khác như sư tử tuy có oai lực mạnh mẽ nhưng tính khí
hung bạo và hiếu sát nên Bồ-tát không hiện.
[8] Sinh ra bằng hông là biểu thị
Trung đạo. Người sinh ra từ đầu là người có phước báo rộng lớn, còn
những hạng người do nghiệp báo thấp kém thì sinh ra theo cách thông
thường của người phụ nữ. Bồ-tát xuất trần, không bám chấp vào bên nào
cho nên thị hiện sinh ra bên hông, biểu thị Trung đạo. Lại nữa, sinh ra
bằng hông là vượt khỏi mọi sự ô nhiễm thường tình như chịu sự ô uế trong
thai mẹ, xuất tinh dịch và khổ đau lúc sinh v.v… còn bên phải
là biểu trưng cho tướng cát tường, vì theo Ấn Độ, bên phải lúc nào cũng
là điềm lành nên Bồ tát thị hiện như thế.
[9] Hiện quán biên 現觀邊 (S: Abhi-samayàntika) Chữ Biên có nghĩa là sau. Hiện quán biên
là loại trí sinh khởi ngay sau khi Kiến đạo mà chỉ trong một sát na có
thể thấy rõ các tướng sai biệt của Tứ đế (Ngay khi kiến đạo cũng có thể
trong một sát na khởi lên Hiện quán trí và biết về Tứ đế nhưng chỉ là
tổng tướng mà thôi vì chỉ mới đoạn hoặc mà chưa có chánh phân biệt). Hữu
bộ và Đại tỳ-bà-sa luận cho Hiện quán biên là loại trí sinh
khởi sau ba loại Khổ, Tập, Diệt trong 16 Hiện quán.
[10] Các Thức ô
nhiễm thì dễ hiểu, còn “lìa nhiễm ô” là ở giai vị Gia hành, khi kiến đạo
thì Thánh đạo khởi lên ngay đó lìa ô nhiễm. Chỉ lìa ô nhiễm chứ không
phải chấm dứt hoàn toàn. Cũng có thể nói là thể của 5 thức thông với vô
lậu nên gọi là lìa nhiễm ô.
[11] Đẳng dẫn 等引, hay Thắng định là
phiên âm từ chữ Samàhita (Tam-ma-hí-đa). Tên của một loại định.
Khi nhập định, cái tính của tâm chuyên chú, thì gọi là Đẳng dẫn. Đẳng
cũng là sự an hòa bình đẳng của thân tâm. Người tu định, nhờ vào định
lực mà dẫn sinh ra nên gọi là Đẳng dẫn.
Theo Câu-Xá luận quang
ký 6 (Đại 41, 124 trung) cho rằng Đẳng dẫn có mặt ở trong cả định,
gồm hữu tâm và vô tâm. Phần nhiều có trong định hữu tâm mà không có mặt
trong “Tán”. Gồm có 3 nghĩa: 1) Xa lìa hôn trầm, trạo cử; 2) Có khả năng
dẫn khởi ra thân tâm bình đẳng; 3) Dẫn phát ra phương tiện bình đẳng. Thành
Duy Thức Luận Thuật Ký, 6 cũng cho rằng Đẳng dẫn ngoài việc ở
trong định hữu tâm và vô tâm thì còn lấy công đức của 5 uẩn hữu lậu và
vô lậu làm thể tính nên phạm vi của Đẳng dẫn rộng lớn hơn so với từ Đẳng
chí.
[12] Khuy Cơ chú là “tránh tác ý” (諍作意)chứ không phải
là tác ý thanh tịnh (tịnh tác ý) rồi giải thích: các cảnh (đối tượng)
loạn động thật là phức tạp và khó điều phục nên gọi là Tránh, tránh có
nghĩa là lỗi lầm vậy.
[13] Chỉ cho quả vị A-la-hán.
[14] Chỉ có trí tuệ làm gia hạnh mới có thể diệt trừ
các khổ và thú hướng đến Niết-bàn còn Giới và Định không có khả năng làm
gia hạnh diệt trừ các khổ như trí tuệ.
[15] Theo Khuy Cơ (Thuật ký, X53n0844) thì Địa
thứ 8 (第八地), là quả vị
Dự-lưu hướng. Nếu tính từ lấy quả vị A-la-hán làm một tính trở lui cho
đến Tu-đà-hoàn hướng thì thành thứ 8. Hành giả ở quả vị này có thể trải
qua các trạng thái thiền định, nhập và xuất quán, đoạn diệt các chướng
hoặc ở trong định v.v chỉ trong một thời gian ngắn. Như câu chuyện
trưởng giả Cấp cô độc dâng thức ăn. Ta cũng có thể dịch là “Địa thứ 8
còn phải trải qua thời gian lâu dài” ý muốn nói Tu-đà-hoàn còn phải trãi
qua 7 lần sanh tử nữa mới đoạn diệt sạch phiền não chứng quả A-la-hán.
Theo 10 địa của Thanh văn
thì địa thứ 8 cũng là quả vị Tư-đà-hàm (Sakrd- Àgàmin), khác
với Bất động địa, là địa thứ 8 trong mười địa của hàng Bồ-tát.
Theo bản Thập Bát Bộ
luận cũng của Chân Đế dịch (Đ.2032) tuy không nói Địa thứ 8 là quả
vị nào nhưng lại cho rằng Địa thứ 8 cũng còn thối chuyển (第八退). Kết hợp với ba luận điểm ở sau, ta
sẽ có một chuỗi 4 luận điểm thống nhất với nhau đồng nói đến sự thối
chuyển hay không của các quả vị Thanh văn thừa. Ta có thể dịch lại như
sau: “Địa thứ 8 còn thối chuyển, cho đến Tánh địa pháp có thể nói là vẫn
còn thối chuyển”. Xin giải thích dài dòng ra đây để mọi người cùng tham
khảo.
[16] Tánh địa pháp 性地法 chính là Thế đệ nhất pháp. Tỳ-bà-sa
q.3 nói cho rằng từ sơ phát tâm cho đến Thế đệ nhất pháp vẫn còn
thối chuyển, bởi Thế đệ nhất pháp là do nhiều niệm phát khởi liên tục
nên có cả thối chuyển và không thối chuyển. Sơ quả có lúc còn thối
chuyển, mà ở đây khẳng định là thối chuyển nên trụ Tánh địa pháp này là
chưa đạt tới Sơ quả.
[17] - Chánh tánh ly
sanh (正性離生)còn gọi là Thánh tánh ly sanh, Chân Đế dịch là
Chánh định (正定),tên khác của Kiến đạo, nghĩa là khi tu đến
giai vị Kiến đạo thì hành giả đạt được chính tính Niết-bàn, tất cả phiền
não đều dứt sạch, xa lìa hẳn sự sinh khởi của phiền não.
Theo
luận Đại-tỳ-bà-sa 3, Sinh là tên khác của phiền não hoặc do
thiện căn chưa thành thục có thể khiến chúng sanh luân hồi sanh tử còn
Chánh tánh tức là Niết-bàn (thánh đạo). Niết-bàn hay vô lậu trí có thể
khiến chúng sanh thoát ly sanh tử nên gọi Chánh tánh ly sanh.
- Kiết
sử 結使 (Bandhana) là chỉ cho những phiền não có khả năng trói buộc chúng sanh vào
cảnh mê, khiến cho không thể thoát khỏi cái khổ sinh tử. Bao gồm chín
thứ: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến, Thủ, Tật và San. Kiết sử cùng
một thể với Phiền não, nghĩa là trói buộc, chỉ khác tên gọi mà thôi.
[18] Vô
gián 無間(Ànantarya)
nghĩa là không ngừng nghỉ, là nghiệp
do phạm tội ngũ nghịch (giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật
ra máu, phá hòa hợp tăng) gây ra khiến phải chịu quả khổ địa ngục vô
gián.
Chữ
vô gián có hai loại: một là Vô gián ngục, nghĩa là người phạm tội ngũ
nghịch sẽ bị đọa vào địa ngục ngày đêm chịu muôn thứ tội khổ khác không
bao giờ chấm dứt nên gọi là Vô gián ngục; hai là Vô gián nghiệp, nghĩa
là người tạo tội cực ác sẽ chiêu cảm lấy nghiệp quả khổ đau trong địa
ngục không hề gián đoạn nên gọi là Vô gián nghiệp. Tên gọi tuy khác
nhưng tính chất đều chỉ cho sự thọ tội khổ không gián đoạn.
[19] Tùy miên 隨眠 (S: Anúsaya, P: Anusaya) hay Tùy miên phiền
não (隨眠煩惱) là phiền não đưa con người vào trạng thái mờ mịt nặng nề,
hoạt động của nó nhỏ nhiệm khó biết, cùng đối cảnh và tâm, tâm sở tương
ưng ảnh hưởng lẫn nhau mà thêm lớn mạnh nên gọi Tùy tăng; bởi nó trói
buộc con người nên gọi là tùy phược. có 6 thứ: tham, sân, mạn, vô minh,
ác kiến và nghi. Đây là sáu món tùy miên hay còn gọi là sáu món căn bản
phiền não. Trong đó tham chia làm 2: Dục tham và Hữu tham thành 7 món
tùy miên; kiến lại chia thành 5 thứ: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến
thủ và giới cấm thủ, thành 10 món Tùy miên. Ngoài ra, mười món này thêm
những phần nhỏ nhiệm vi tế, tạo thành 98 món tùy miên.
Thuật ký (X53n0844):
Tùy miên không phải là tâm có nghĩa là khi ở Vô tâm vị (lúc
tâm không sinh khởi) mà có các thiện pháp khởi lên thì vẫn gọi là phàm
phu, bởi do tùy miên lúc nào cũng có mặt nơi thân, nên nói tùy miên
không phải là tâm; tùy miên cũng không phải là tâm sở
bởi vì nếu là tâm sở thì khi ở Vô tâm vị thì người ấy phải là thánh nhân
vì không còn phiền não, nhưng như trên đã nói là ở Vô tâm vị vẫn là
phàm phu nên tùy miên không phải tâm sở. Tùy miên không có đối
tượng: vì tùy miên chẳng phải là tâm, tâm sở nên cũng không có
đối tượng, nếu có đối tượng thì chính tùy miên là tâm sở rồi.
[20] Triền phược 纏縛(Paryavasthàna) còn gọi là đảo khởi phiền não
(倒起煩惱). Là sự trói buộc làm chướng
ngại sự tu thiện và giác ngộ giải thoát. Nếu nói rộng thì chỉ cho tất cả
triền phược trói buộc chúng sanh trong sanh tử nơi ba cõi, nếu nói gọn
lại thì có 3 triền, 8 triền, 10 triền cho đến 500 triền. Kinh bộ gọi
chủng tử phiền não (ở giai đoạn tiềm ẩn) là tùy miên; trái lại, gọi sự
hiện hành của phiền não (ở giai đoạn hiển lộ) là triền.
[21] Pháp xứ 法處 hay Pháp nhập (dhamrànyatanae), là một trong
12 xứ, chỉ chung cho tất cả cảnh giới mà ý thức nương tựa vào đó. Nếu
phối hợp với 5 uẩn thì Pháp xứ chính là thọ, tưởng và hành, gồm thâu 64
pháp là 46 tâm sở, 14 bất tương ưng hành, vô biểu sắc và 3 vô vi.
[22] Trung hữu 中有(Antara-Bhava), còn gọi là Trung ấm, trung
uẩn…, là thức thân của chúng sanh trong khoảng thời gian từ khi chết cho
đến khi thọ sanh một thân mới khác. Luận Câu-xá, 10 ghi: “Trung hữu là
thời kỳ trong một nháy mắt sau khi thân trước vừa chết (tử hữu)
cho đến trước một sát na thụ sanh thân sau (sinh hữu). Trung
hữu thân này chính là sự tồn tại của “thức thân”, là hóa sinh thân do ý
sanh ra, chẳng phải do các ngoại duyên như tinh huyết… tạo thành, nên
còn gọi là ý sinh thân (S. manomayakaya).
[23] Tĩnh lự 靜慮 là cách dịch mới của chữ Dhyàna (thiền-na),
còn cách dịch cũ là Tư duy tu, giống với từ Thiền định. Tâm chuyên chú
vào một cảnh nhất định và chỉ cần suy nghĩ về cảnh đó nên gọi là Tĩnh
lự. Đó chính là tính chất của tâm ở Sắc giới, không phải cái tâm ở Dục
giới. Xa lìa phiền não ở cõi Dục thì mới chứng đắc thiền định. Tư duy tu
là cái nói đến cái nhân; nhân nhất tâm nên chứng đắc thiền định. Còn
Tĩnh lự là nói về cái thể; Thể của thiền là tịch tĩnh mà cũng có cả cái
dụng thẩm lự nên gọi là Tĩnh lự.
[24] Hiện quán 現觀(S, P: Abhisamaya), cũng còn gọi là Thánh đế
hiện quán. Theo tông Câu-xá, hành giả ở giai đoạn Kiến đạo dùng
trí vô lậu quán cảnh Tứ đế gọi là Thánh đế hiện quán. Cũng trong luận Câu-xá,
23 có nói: Dùng trí tuệ hữu lậu, vô lậu quán chiếu cảnh hiện tiền một
cách rõ ràng khiến cho trí tuệ ấy không thoái chuyển gọi là Hiện quán.
Còn theo luận Duy Thức thì có 6 loại: Tư hiện quán, Tín hiện
quán, Giới hiện quán, Hiện quán trí đế hiện quán, Hiện quán biên trí đế
hiện quán và Cứu cánh hiện quán.
Đại chúng bộ vì cho rằng
trong một sát na, tâm có thể hiện quán Tứ đế nên mới chủ trương “Đốn
hiện quán”; còn Hữu bộ cho rằng hiện quán Tứ thánh đế theo thứ tự 16 sát
na tâm sanh diệt sinh ra 8 nhẫn 8 trí (16 tâm kiến đạo) nên gọi là Tâm
hiện quán.
[25] Thuật ký (X53n0844): học thuyết căn bản cho rằng
Tùy miên có tự thể riêng biệt nên khi Thánh đạo hiện khởi thì chúng
không cùng hiện hữu trong một niệm. Còn ở đây lại cho rằng Tùy miên luôn
luôn hằng hữu nên khi Thánh đạo hiện khởi thì cả hai cùng có mặt, vì
thế mới nói phiền não với thánh đạo cùng hiện khởi vì phiền não và tức
là tùy miên vậy.
[26] Các tông phái khác cho rằng khi chủng tử diệt
thì hạt mầm mới sanh khởi, tuy nhiên ở đây lại cho rằng các sắc khi hình
thành liền có sự sanh diệt cho nên ngay nơi thể của chủng tử đã chuyển
biến thành mầm chứ chẳng phải đợi đến khi chủng tử hoại diệt mới có mầm
sanh khởi.
[27] Thuật ký (X53n0844):Các pháp có hiện hữu thì có
sanh diệt, tuy nhiên bốn đại chủng và sáu sắc căn từ khi hình thành đến
khi hoại diệt cần phải trãi qua thời gian lâu dài nên mới có sự chuyển
biến, thay đổi giống như từ sữa chuyển đổi thành váng sữa, từ váng sữa
thành đề hồ…; còn tâm và tâm sở sanh diệt trong từng sát na nên không có
sự chuyển tiếp từ trước ra sau như các sắc.
[28] Thức phát khởi nhờ nương vào các căn (sở y = nơi
nương tựa) và cảnh (sở duyên = đối tượng). Tuy nương nhờ nhưng chúng
không bị ràng buộc bởi một cảnh hay căn nào cố định nào trước đó mà
chúng luôn thay đổi tùy theo căn và đối tượng. Nếu cảnh (đối tượng) rộng
lớn thì cái thức phải mở rộng theo đối tượng đó nên gọi là “duỗi”
(thư); ngược lại nếu là đối tượng nhỏ thì thức liền thu hẹp lại nên gọi
là “co” (quyện).
[29] Sĩ phu dụng 士夫用(S: Purusakara-phala) hay còn gọi là sĩ dụng
quả, sĩ phu quả… là quả do nhân Câu hữu và Đồng loại đưa đến, do sức
mạnh của nó nên gọi là Sĩ phu dụng. Luận Thành Duy Thức 8 (Đai
31, 42 trung) ghi: “sĩ dụng, nghĩa là tác giả (sĩ) mượn các công cụ
làm ra sự nghiệp”. Thành Duy Thức Luận Thuật ký 8, cho
rằng Sĩ dụng có hai nghĩa: Nói về người là nói đến cái
lực nương vào sức của con người (sĩ) mà hình thành như nông phu đối với
lúa gạo.. và Nói đến pháp là các pháp hình thành nhờ
vào công cụ như thương buôn nhờ vào buôn bán, nông phu nhờ vào cấy lúa…
quả này chỉ chung cho tất cả pháp hữu vi.
Ở đây cho rằng sở dĩ khổ có
mặt là do sự tương tác qua lại (giao thoa) của hành và pháp, mà không có
sự tác động của con người. Ngay như khi chúng ta bị người khác đánh
đập, la mắng v.v… cũng là do các hành đối đãi chứ không phải có con
người tạo ra cái khổ ấy.
[30] Bồ-tát nếu chưa đạt đến Nhẫn vị thì chưa thoát
khỏi phàm phu bởi chưa đạt đến quả vị đó thì chưa đoạn sạch các phiền
não vi tế nên chưa có khả năng thoát khỏi những lỗi lầm và phiền não
trói buộc. Do đó, vị Bồ-tát này cần phải sanh trở vào cảnh giới phàm phu
để tu tập nên mới nói Bồ-tát chưa thoát khỏi ác đạo.