Luận tạng Bắc truyền
Dị bộ tôn luân luận
Bồ-tát Thế Hữu tạo Tam Tạng pháp sư Huyền Tráng dịch chữ Hán Nguyên Tuấn dịch và chú thích
26/07/2554 23:43 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Các Quan Điểm Của các Bộ Phái Thuộc Thượng Tọa Bộ

a. Các quan điểm căn bản của phái Nhất thiết hữu bộ
Các quan điểm căn bảncủa phái Nhất thiết hữu bộ cho rằng:
1)            Hữu bộ cho rằng tất cả các pháp đều nằm trong hai loại: danh và sắc.[1]
2)            Quá khứ, vị lai đều có thật thể.
3)            Tất cả các pháp xứ đều là những cái được biết, được nhận thức và được thấu đạt.
4)            Sanh và lão (bệnh tử) là vô thường, thuộc Hành uẩn và không cùng tương ưng với Tâm.
5)            Các pháp hữu vi có 3, vô vi cũng có 3.[2]
6)            Mỗi tướng của 3 pháp hữu vi thứ đều có thật thể riêng biệt.
7)            (Trong tứ đế), 3 đế là hữu vi, còn 1 đế là vô vi.
8)            Bốn thánh đế đều là pháp hiện quán theo thứ tự.
9)            Nương hai chánh định Không và Vô nguyện có thể chứng nhập Chánh tánh ly sanh.[3]
10)        Tư duy các hành ở Dục giới cũng chứng đắc Chánh tánh ly sanh.
11)        Khi chứng nhập Chánh tánh ly sanh, trong 15 tâm đầu gọi là Hành hướng (Tu-đà-hoàn hướng), còn tâm thứ 16 gọi là Trụ quả (Tu-đà-hoàn quả).[4]
12)        Trong một (sát na) tâm của Thế đệ nhất pháp gồm có 3 phẩm.[5]
13)        Pháp thế đệ nhất chắc chắn không còn thối chuyển.
14)        Dự lưu không còn thối chuyển.
15)        Có vị A-la-hán còn bị thối chuyển.[6]
16)        Không phải tất cả các bậc A-la-hán đều chứng được trí vô sanh.
17)        Phàm phu[7] cũng có thể đoạn trừ được tham dục và sân hận.
18)        Ngoại đạo có thể chứng đắc ngũ thông.
19)        Chư thiên cũng có người sống đời phạm hạnh.
20)        Trong bảy Đẳng chí[8] thì giác chi có thể chứng đắc, còn những Đẳng chí khác thì không có.
21)        Tất cả các tĩnh lự đều nằm trong Tứ niệm xứ.
22)        Không nương vào tĩnh lự cũng có thể chứng được Chánh tánh ly sanh, và cũng có thể chứng được quả vị A-la-hán.
23)        Nếu nương vào thân hình[9] ở cõi Sắc và Vô sắc thì tuy có thể chứng đắc A-la-hán nhưng không thể nhập Chánh tánh ly sanh.
24)        Nương vào thân hình ở cõi Dục không chỉ chứng nhập Chánh tánh ly sanh mà còn có thể chứng đắc quả vị A-la-hán.
25)        Con người sống ở Bắc câu lô châu không thể xa lìa cấu nhiễm nên bậc thánh không sanh ở đó cùng cõi trời Vô tưởng.
26)        Bốn quả vị sa môn không nhất định phải chứng đắc lần lượt (từ thấp đến cao).
27)        Nếu đã chứng nhập Chánh tánh ly sanh, nương vào pháp thế gian thì cũng có thể chứng đắc quả vị Tư đà hàm và A na hàm.
28)        Có thể nói Bốn niệm xứ gồm thâu tất cả các pháp.
29)        Tất cả các loại tùy miên là tâm sở, cùng tương ưng với tâm[10] và đều có đối tượng.
30)        Tất cả tùy miên thuộc triền phược, nhưng không phải tất cả triền phược đều thuộc tùy miên.
31)        Tất cả các chi phần của Duyên khởi chính là pháp hữu vi.
32)        Có vị A-la-hán tu tập chuyển hóa tùy theo từng chi phần duyên khởi.[11]
33)        Có vị A-la-hán chuyên tu tập để tăng trưởng phước nghiệp.
34)        Duy chỉ có ở cõi Dục và cõi Sắc là có thân trung ấm.
35)        Các thức của sắc thân như nhãn, nhĩ… vừa nhiễm ô vừa không nhiễm ô. Chúng chỉ có thể nắm giữ tự tướng mà không có khả năng phân biệt.
36)        Tâm và tâm sở pháp đều có thật thể.
37)        Tâm và tâm sở chắc chắn phải có đối tượng (sở duyên).
38)        Tự tánh không tương ưng với tự tánh, tâm không tương ưng với tâm.
39)        Có cái gọi là chánh kiến thế gian.[12]
40)        Có tín căn thế gian.
41)        Có cả pháp vô ký.
42)        Các bậc A-la-hán đều có pháp hữu học và vô học.
43)        Các vị A-la-hán đều được tĩnh lự (định) nhưng không phải lúc nào tĩnh lự cũng hiện tiền (thường hằng).[13]
44)        A-la-hán vẫn còn thọ lãnh nghiệp báo cũ (quá khứ).
45)        Có chúng sanh trụ trong thiện tâm mà chết.
46)        Ở Đẳng dẫn vị chắc chắn không còn mệnh chung.
47)        Sự giải thoát của Phật và Nhị thừa giống nhau, nhưng Thánh đạo của ba thừa mỗi mỗi đều khác biệt.[14]
48)        Lòng từ bi của chư Phật không duyên vào chúng sanh.[15]
49)        Chấp rằng có thật chúng sanh (và ý niệm giải thoát) thì không được giải thoát.
50)        Có thể nói Bồ-tát vẫn còn là chúng sanh, vì chưa đoạn trừ được tất cả các kiết sử.
51)        Nếu chưa chứng nhập Chánh tánh ly sanh mà ở địa vị phàm phu thì chưa được gọi là siêu việt (giải thoát).  
52)        Do bám chấp vào các hiện hữu liên tục nên mới giả lập thành chúng sanh.
53)        Có thể nói tất cả các hành đều chấm dứt trong một sát na.
54)        Chắc chắn không có một pháp nào được di chuyển từ đời trước qua đời sau mà chỉ có Bổ-đặc-già-la thế tục di chuyển mà thôi.[16]
55)        Đang còn sống mà các Hành đã chấm dứt hoàn toàn thì các Uẩn không còn chuyển dịch thay đổi.[17]
56)        Có tĩnh lự (định) xuất thế.
57)        Cũng có Tầm vô lậu.
58)        Có thiện pháp làm nhân (sanh tử trong 3 cõi).
59)        Ở Đẳng dẫn vị thì không còn phát ra ngôn ngữ.
60)        Tám chi thánh đạo là chánh pháp luân, chứ không phải lời nói của Như Lai đều là chuyển pháp luân.
61)        Đức Phật không thể dùng một âm mà nói tất cả các pháp.
62)        Thế Tôn cũng còn nói những lời không như nghĩa.
63)        Không phải tất cả kinh Phật thuyết đều là liễu nghĩa, bởi vì chính đức Phật tự nói có những kinh không liễu nghĩa.
Những điều trên đây được gọi là các quan điểm căn bản của Nhất thiết hữu bộ. Còn những quan điểm dị biệt lại nhiều đến vô biên.
b. Các quan điểm căn bản của phái Tuyết sơn bộ
Các quan điểm căn bảncủa phái Tuyết sơn bộ cho rằng:
1)            Bồ-tát vẫn còn là phàm phu.
2)            Bồ-tát khi vào thai không có khởi tâm tham ái.
3)            Không có kẻ ngoại đạo chứng đắc ngũ thông.
4)            Cũng không có chư thiên sống đời phạm hạnh.
5)            Có bậc A-la-hán vẫn còn bị người khác dẫn dụ, vẫn còn vô tri, tâm còn hoài nghi, lại nhờ người khác mà được ngộ đạo và Thánh đạo nhờ vào tiếng (khổ) mà phát khởi.
Ngoài ra, những luận chấp khác phần nhiều đồng với Thuyết nhất thiết hữu bộ.
c. Các quan điểm căn bản của Độc tử bộ
Các quan điểm căn bảncủa Độc tử bộ cho rằng:
1)            Bổ-đặc-già-la không phải uẩn cũng không phải phi uẩn, do nương sự kết hợp của uẩn xứ giới mà giả đặt tên như thế.
2)            Các hành chỉ tạm tồn tại và hoại diệt trong một sát na nên nếu lìa Bổ-đặc-già-la thì không pháp nào có thể chuyển tiếp từ đời trước sang đời sau, nhưng vì nương vào con người nên mới có sự di chuyển.
3)            Ngoại đạo cũng chứng đắc ngũ thông.
4)            Năm thức vừa nhiễm ô, vừa không nhiễm ô.
5)            Nếu đoạn trừ được những kiết sử thuộc “Tu sở đoạn” (Tu đạo sở đoạn) ở cõi Dục thì gọi là Ly dục chứ không phải là Kiến sở đoạn (Kiến đạo sở phá).[18]
6)            Nhẫn, Danh, Tướng và Thế đệ nhất, bốn pháp này có thể hướng nhập Chánh tánh ly sanh.[19]
7)            Nếu đã chứng đắc Chánh tánh ly sanh thì 12 tâm đầu gọi là Hành hướng, còn tâm thứ 13 mới gọi là Trụ quả.
Những luận điểm như thế có rất nhiều điểm sai biệt khác nhau. Nhân cùng nhau giải thích một bài kệ tụng nhưng không thống nhất với nhau về luận nghĩa trong bài tụng ấy mà từ bộ phái này (Độc tử bộ) đã phát sinh thêm bốn bộ phái nữa, đó là: Pháp thượng bộ, Hiền trụ bộ, Chánh lượng bộ và Mật lâm sơn bộ. Bài tụng đó như sau:
Giải thoát rồi vẫn đọa, Bởi do tham khởi lên.
Đạt vui sướng “an, hỉ”,            “Lạc hạnh” đưa đến lạc.
d. Các quan điểm căn bản của Hóa địa bộ
Các quan điểm căn bảncủa Hóa địa bộ cho rằng:
1)            Quá khứ vị lai thì không có thật, hiện tại và vô vi thì có thật.
2)            Cả Bốn thánh đế đều hiện quán trong một lúc. Thấy được Khổ đế liền thấy tất cả các đế khác, nhưng cần phải thấy được (các thánh đế) rồi mới thấy được như thế.[20]
3)            Tùy miên không phải tâm, không phải tâm sở và cũng không có cảnh sở duyên.
4)            Tùy miên khác với triền phược, vì tự tánh của tùy miên không tương ưng với tâm nhưng tự tánh triền phược lại tương ưng với tâm.
5)            Chúng sanh thì chưa đoạn trừ được tham dục và sân nhuế.
6)            Không có hàng ngoại đạo chứng được ngũ thông.
7)            Cũng không có chư thiên sống đời phạm hạnh.
8)            Chắc chắn không có thân trung ấm.
9)            Không có A-la-hán tăng trưởng phước nghiệp.
10)        Năm thức vừa nhiễm ô vừa không nhiễm ô.
11)        Sáu thức cùng tương ưng với Tầm và Tứ.[21]
12)        Có Tề-thủ-bổ-đặc-già-la.[22]
13)        Có Chánh kiến thế gian.
14)        Không có Tín căn thế gian.
15)        Không có Tĩnh lự xuất thế.
16)        Cũng không có Tầm và Tứ vô lậu.
17)        Thiện pháp không phải là nhân (sanh tử trong 3 cõi).[23]
18)        Dự-lưu cũng có thể thối chuyển.
19)        A-la-hán thì nhất định không còn thối chuyển.
20)        Tám chi phần thánh đạo đều được bao hàm trong Tứ niệm xứ.[24]
21)        Pháp vô vi gồm có 9 loại, gồm: 1) Trạch diệt, 2) Phi trạch diệt, 3) Hư không, 4) Bất động, 5) Thiện pháp chơn như, 6) Bất thiện pháp chơn như, 7) Vô ký pháp chơn như, 8) Đạo chi chơn như, 9) Duyên khởi chơn như.
22)        Từ khi mới nhập bào thai cho đến khi chết thì các đại chủng của sắc căn đều chuyển biến, tâm và tâm sở cũng chuyển biến như thế.
23)        Trong tăng có Phật (hiện hữu), nên cúng dường chư tăng sẽ được phước báo rất lớn chứ không phải chỉ có cúng dường chư Phật mới được.
24)        Chư Phật và hàng Nhị thừa đều đồng một thánh đạo, và đồng một con đường giải thoát.
25)        Tất cả các hành đều chấm dứt trong một sát na nên chắc chắn không có một pháp nào được chuyển biến từ đời trước qua đời sau.
Những điều trên đây chính là quan điểm căn bản của Hóa địa bộ.
e. Các quan điểm dị biệt của Hóa Địa bộ
Còn về quan điểm dị biệt của tông này thì cho rằng:
1)            Quá khứ, vị lai đều có thật thể.
2)            Cũng có thân Trung ấm.
3)            Tất cả các Pháp xứ đều là những pháp được biết, được nhận thức.
4)            Nghiệp chính là Tư.
5)            Không có thân nghiệp và khẩu nghiệp.
6)            Tầm và Tứ tương ưng với nhau.
7)            Đại địa thì tồn tại lâu dài.[25]
8)            Cung kính cúng dường tháp miếu chỉ được phước báo nhỏ.
9)            Tự tánh của Tùy miên thường luôn hiện hữu trong hiện tại.
10)        Các Uẩn xứ giới cũng thường luôn hiện hữu trong hiện tại.
Các quan điểm dị biệt của bộ phái này còn do những kiến giải khác nhau trong lúc cùng giải thích bài kệ tụng sau:
Năm pháp này trói buộc,                      Các khổ từ đó sanh,
Là vô minh, tham, ái,                 Năm kiến và các nghiệp.
f. Các quan điểm căn bản của Pháp tạng bộ
Các quan điểm căn bảncủa Pháp tạng bộ cho rằng:
1)            Phật tuy ở trong tăng nhưng cúng dường riêng cho đức Phật thì được phước báo rộng lớn còn cúng dường cho chư tăng thì không bằng.
2)            Cúng dường tháp miếu sẽ được công đức thật rộng lớn.
3)            Sự giải thoát của Phật và Nhị thừa tuy đồng nhưng Thánh đạo lại khác.
4)            Không có ngoại đạo chứng đắc được ngũ thông.
5)            Thân thể của A-la-hán đều là vô lậu.
Ngoài ra, những luận điểm khác phần nhiều tương đồng với Đại chúng bộ.
g. Các quan điểm căn bản của phái Ẩm quang bộ
Các quan điểm căn bảncủa phái Ẩm quang bộ cho rằng:
1)            Các pháp đã đoạn trừ và đã biến tri thì không có. Còn chưa đoạn trừ và chưa biến tri thì có.[26]
2)            Nếu nghiệp quả đã thành thục thì không, nghiệp quả chưa thành thục thì có.
3)            Có Hành lấy quá khứ làm nhân, nhưng không có Hành nào lấy vị lai làm nhân.[27]
4)            Tất cả các hành đều đoạn diệt trong một sát na.
5)            Tất cả các pháp hữu học đều có quả Dị thục.
Ngoài ra, những luận điểm khác phần nhiều đồng với quan điểm của Pháp Tạng bộ.
h. Các quan điểm căn bản của phái Kinh Lượng bộ
Các quan điểm căn bảncủa phái Kinh Lượng bộ thì cho rằng:
1)            Các Uẩn có thể di chuyển từ đời trước đến đời sau. (Vì thuyết này nên) đặt tên bộ phái này Thuyết Chuyển.
2)            Nếu không lìa thánh đạo thì có thể hoàn toàn chấm dứt các uẩn.
3)            Có cái Uẩn căn biên, và có cái Uẩn một vị.[28]
4)            Trong hàng phàm phu vẫn có thánh pháp.[29]
5)            Có thắng nghĩa Bổ-đặc-già-la.[30]
Ngoài ra, những luận điểm khác phần nhiều đồng nhất với quan điểm của Nhất Thiết Hữu bộ.
Ngài Tam tạng pháp sư Huyền Tráng sau khi phiên dịch bộ luận này xong, vì muốn nói cái ý mà Ngài đã dịch bộ luận này lần thứ hai nên có làm bài kệ:
Tôi đã nghiên cứu rõ,                   Các văn bản phạn văn,
Bộ Dị tông luận này,                    Nay phát tâm dịch lại.
Lời văn tuy cô đọng,                    Nghĩa lý lại không sai,
Hành giả là bậc trí,                       Nên chuyên tâm thọ học.
Luận Dị Bộ Tông Luân, 1 quyển hết.


[1] Tất cả các pháp có hai loại: 1) Pháp nhất thiết: gồm tâm, tâm sở, sắc pháp, tâm bất tương ưng và vô vi, và 2) Thời nhất thiết: gồm cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Các bộ phái khác đều cho rằng sắc có thể thâu nhiếp hết thảy các pháp, tuy nhiên, các sắc uẩn thô lớn thì có thể nhận biết còn bốn uẩn kia cùng vô vi vốn vi tế, kín nhiệm, nếu không nhờ đến danh để hiển bày thì không thể nào biết. Cho nên ở đây mới cho rằng tất cả các pháp đều gồm trong cả danh và sắc.
[2] Hữu vi có 3: theo Thuật Ký của Khuy cơ giải thích thì hữu vi có 3 tức là 3 thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Ngoài ra, 3 pháp hữu vi khác đó chính là: sắc pháp, tâm pháp và phi sắc phi tâm. Vô vi cũng có 3 là: trạch diệt, phi trạch diệt và hư không vô vi.
[3] Không (sunyata) Vô nguyện 無願 (apranihita) là hai trong Ba giải thoát môn (trini vimoksa-mukhani): không, vô tướng và vô nguyện. Không môn: quán tất cả pháp đều không tự tính, do nhân duyên hòa hợp mà sinh, nếu thông đạt như vậy thì được tự tại đối với các pháp. Vô nguyện: nếu biết tất cả pháp vô tướng thì không mong cầu điều gì trong ba cõi, nếu không mong cầu thì không tạo tác các nghiệp sinh tử, nếu không có nghiệp sinh tử thì không có cái khổ quả báo và được tự tại. (còn Vô tướng môn (animitta): đã biết tất cả pháp là không, liền quán các tướng nam, nữ, nhất dị… thật bất khả đắc. Nếu thông đạt được các pháp vô tướng như thế thì lìa tướng sai biệt và được tự tại).
Sở dĩ nói nương vào chánh định này có thể nhập Chánh tánh ly sanh là vì hai chánh định này gồm thâu cả bốn hành tướng của Khổ đế (Khổ, không, vô thường, vô ngã). Không thâu nhiếp cả Vô thường và Không; còn Vô nguyện thâu nhiếp cả Khổ và Vô ngã. Nương nhờ vào Không thì thấy suốt Vô thường và Không, còn nương nhờ vào Vô nguyện thì thấy suốt cả Khổ và Vô ngã, cho nên nói nương nhờ và KhôngVô nguyện thì có thể đắc chánh định là vậy.
[4] Gọi 16 hành tướng của tâm trong pháp quán Tứ đế là vì trong mỗi Đế đều có hai loại: Pháp và Loại. Trong Pháp và Loại lại có Nhẫn và Trí. Ví dụ về Khổ thì có 4 hành tướng: Khổ pháp nhẫn, Khổ pháp trí, Khổ loại nhẫn, khổ loại trí (Tập, Diệt, Đạo cũng như thế), cộng chung lại thành 16 hành tướng. Trong 15 tâm đầu là hướng về Kiến đạo nên gọi là Hành hướng (Chân đế dịch là Tu đà hoàn hướng), còn tâm cuối cùng (16, đạo loại trí) trú vào Kiến đạo nên gọi là Trụ quả (Tu đà hoàn quả).
[5] Thế đệ nhất 世第一法 (Laukikàgradharma) là Gia hành thứ tư trong 4 gia hạnh vị, gồm: noãn, nhẫn, đảnh, thế đệ nhất (theo Duy thức). Câu-xá luận, 23: “vì là hữu lậu nên gọi thế gian; vì là tột đỉnh nên gọi đệ nhất”. Thế đệ nhất pháp là pháp cùng cực, thù thắng bậc nhất trong các pháp hữu lậu thế gian vì nó có khả năng dẫn sinh ra Thánh đạo, chứng đắc đạo quả Niết bàn. Hành giả khi đạt được thế đệ nhất pháp thì nương theo vô gián định phát khởi trí tuệ như thật thượng phẩm, quát sát năng sở thủ đều rỗng không liền chứng được kiến đạo vị, giải thoát sanh tử luân hồi.
Thuật ký (X53n0844):Ba phẩm của Thế đệ nhất pháp chính là vì nương theo ba thừa nên phân chia thành ba phẩm.
[6] Theo Câu-xá luận, 25 thì A-la-hán có sáu thứ: 1) Thối pháp A-la-hán, là vị A-la-hán có thể bị thối chuyển quả chứng xuống quả vị thấp hơn như nhất lai, bất hoàn v.v… do bởi bị ngoại duyên tác động chi phối. 2) Tư pháp A-la-hán, là vị A-la-hán vì sợ thối thất quả A-la-hán nên thường mong kết liễu mạng sống để nhập Vô dư Niết-bàn; 3) Hộ pháp A-la-hán, là vị luôn luôn phòng hộ để khỏi thối thất quả vị A-la-hán; 4) An trú A-la-hán, là vị đã chứng A-la-hán, luôn tránh xa ngoại duyên để không bị thối thất; 5) Kham đạt A-la-hán, là vị có kham năng tu hành để mau chóng chứng đạt đến địa vị Bất động; 6) Bất động A-la-hán, là vị căn tánh lanh lợi, một khi đã chứng đắc quả vị A-la-hán rồi thì không bao giờ bị thối chuyển dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào.
Chính vì quan niệm có sáu loại A-la-hán như thế cho nên ở phần trên mới nói là “có vị A-la-hán còn thối chuyển” là nghĩa như thế. Tuy nhiên, trong luận giải thích là chỉ thối chuyển xuống quả vị thấp hơn như A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn nhưng vẫn có thể tiếp tục tu tập để chứng đạt quả vị cao hơn, và một khi chứng được Bất động A-la-hán thì sẽ không còn thối chuyển, chứ không nói là trở lại làm phàm phu như một chúng sanh thường tình. Đây là vấn đề cần lưu ý.
[7] Trong nguyên văn dùng chữ Dị sanh (異生). Đây là một tên gọi khác của phàm phu. Kinh Đại Nghĩa Sớ, q.1 có nói: “phàm phu đúng ra nên gọi là dị sanh, vì do vô minh theo nghiệp chịu báo nên không được tự tại rơi vào các nẻo sắc tâm, tượng, loại, thảy đều sai biệt cho nên gọi là dị sanh”.
[8] Đẳng chí 等至 còn gọi là Chính thọ hay Chính định hiện tiền, dịch từ chữ Samàpatti là trạng thái dứt hết loạn tưởng, duyên lự, lãnh thọ được cảnh sở quán. Nhờ sức định khiến cho thân tâm an lạc, cũng như gương sáng hiện rõ mọi vật. Luận Câu-xá 28 lấy Tứ thiền và Tứ vô sắc làm Đẳng chí. 
Giác chi 覺支 chính là 7 giác chi trong 37 phẩm trợ đạo. Tông phái này cho rằng chỉ có 7 Đẳng chí (chính là 4 thiền giới và 3 Vô sắc giới) là có giác chi còn đẳng chí thứ tám là Phi tưởng xứ và các Đẳng chí ở Dục giới không có giác chi.
[9] Chân Đế dịch là nương vào Tâm ở cõi Sắc và Vô sắc giới (依色界無色界心).
[10] Bản của Chân Đế cho rằng Tùy miên không tương ưng với tâm (隨眠煩惱是心法。不與心相應).
[11] Có nghĩa rằng các vị A-la-hán đã thấu suốt 12 chi phần Duyên khởi nhưng con đường đi đến giác ngộ giải thoát của các ngài không giống nhau, có vị tu tập qua chi phần này nhưng vị kia lại tu tập qua chi phần khác nên mới nói là “隨 阿羅漢轉” hay “隨阿羅漢多行.
[12] Chánh kiến 正見 (sammà ditthi) là kiến giải đúng về Tứ đế, xa lìa hai thứ Hữu và Vô, là một trong tám món Thánh đạo. Theo luận Đại tỳ-bà-sa, 97 thì Chánh kiến có thể chia làm 2 thứ: Chánh kiến hữu lậu tức là Chánh kiến thế tục, chỉ cho thiện huệ hữu lậu tương ưng với ý thức nhưng hướng về con đường lành nên cảm lấy quả báo lành trong tương lai; Chánh kiến vô lậu hay Chánh kiến xuất thế gian, tức là thiện huệ tương ưng với ý thức, cả trí vô sinh cũng không nhiếp được, như 8 trí vô lậu nhẫn, 8 trí hữu học, Chính kiến vô học.
[13] Giống với điều 22 ở trên.
[14] Chư Phật và thanh văn giống nhau về giải thoát nghĩa là đồng nhau về mặt đoạn đức (Niết bàn) nhưng lại không giống nhau về mặc trí đức (thánh đạo bồ đề).
[15] Lòng từ bi của đức Phật là Vô duyên từ, không có đối tượng. Tùy theo chúng sanh có khổ đau chư Phật liền tùy duyên ứng hiện cứu khổ ban vui, cứu khổ ban vui mà không lấy chúng sanh làm cảnh giới (đối tượng).
[16] Bổ-đặc-già-la 補特伽羅 (S: Pudgala) còn gọi là Phúc-già-la, Phú-đặc-già-la. Dịch là nhân, chúng sanh, sát thủ thú hay chúng số giả. Phật giáo chủ trương Vô ngã nên không thừa nhận có một chủ thể sinh tử, tức là không có cái ngã chân thật (Thắng nghĩa bổ-đặc-già-la) nhưng vì phương tiện để nói nên gọi giả danh của người là giả ngã (Thế tục bổ-đặc-già-la). Mục này được nói lên nhằm pháp chấp ngã và chấp pháp. Các pháp sanh diệt tương tục trong một sát na nên không có thật thể để chuyển tiếp.
[17] Ý nói khi đã chấm dứt hoàn toàn các hành thì các Uẩn không thể di chuyển từ đời trước qua đời sau, do đó không có một pháp nào có thể chuyển tiếp từ đời này qua đời khác. Ở mục 52, bộ phái này đã phá chấp có thật ngã, ở mục này thì lại pháp chấp pháp. Hợp cả hai lại, luận bộ này chủ trương phá cả ngã lẫn pháp rằng không có một cái nào có thực thể.
[18] Kiến sở đoạn 見所斷 (S. Darsana-heya), là những thứ được đoạn trừ nhờ kiến đạo; còn Tu sở đoạn 修所斷 (Bhàvanà-heya) là những thứ được đoạn trừ ở giai đoạn tu đạo. Theo Câu-xá luận 2, Kiến sở đoạn là khi ở giai vị kiến đạo đoạn trừ 88 tùy miên và các pháp câu hữu, tùy hành với nó. Tu sở đoạn là khi ở giai vị tu đạo đoạn trừ 81 phẩm tư hoặc và các pháp câu hữu, tùy hành với nó (còn Phi sở đoạn là người đã chứng quả A-la-hán, không còn lậu hoặc nào để đoạn). Còn theo Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp, 4: Kiến sở đoạn là đoạn trừ Phân biệt hoặc và các Phiền não hoặc nghiệp do Kiến hoặc phát khởi; Tu sở đoạn là đoạn trừ các pháp hữu lậu còn lại, (còn phi sở đoạn là các pháp vô lậu, vô vi, tự tính thanh tịnh).
[19] Nhẫn (Ksànti), Danh (nama), Tướng (laksana), Thế đệ nhất 世第一法 (Laukikàgradharma) là bốn thiện căn để chứng nhập Chánh tánh ly sanh. Nhẫn là nhẫn khả, là giai đoạn ban đầu quán sát tổng tướng của Tứ đế mà có thể kham nhẫn tu tập; Danh là quán Tứ đế; Tướng là quán các thể sở thuyên của Tứ đế; và cuối cùng là Thế đệ nhất pháp, tức là có thể biết được căn bản của các pháp vậy.
[20] Thuật-ký: Cả Bốn thánh đế đều hiện quán trong một lúc: là ở vào giai vị Kiến đạo liền khởi tâm quán sát tướng chung của Không và Vô ngã, khi đã tỏ ngộ Không và Vô ngã liền thấy khắp cả Tứ đế (đây là quán tổng tướng). Thấy được Khổ đế liền thấy tất cả các đế khác là thuộc giai đoạn tu đạo: nếu khởi tâm quán sát tướng riêng biệt của Tứ đế ở trong giai đoạn Tu đạo thì khi thấy được Khổ đế liền có thể thấy cả 3 đế còn lại, như trong một ý thức có thể bao gồm cả 5 uẩn, 10 loại sắc (đây là quán biệt tướng)… Cho nên trong cùng một thời điểm mà có thể thấy biết các tướng sai biệt như thế thì nó thuộc vào giai vị Tu đạo mà không phải là giai vị Kiến đạo. Khi nào hoàn thành được giai vị Kiến đạo (đã thấy được tổng tướng của Tứ đế xong rồi) bước qua giai vị Tu đạo thì mới có thể thấy biết được như thế.
[21] Tầm (Vitarka, P. Vitakka) còn gọi là giác; Tứ (Vicàra) còn gọi là quán. Là 2 trong 5 thiền chi (5 trạng thái trợ giúp cho việc tọa thiền, định tâm, gồm: Tầm (Vitakka) là đem tâm hướng về định tướng, Tứ (Vicara) là bám sát vào định tướng, Hỷ (Pity) là ưa thích định tướng, Lạc (Sukha) là cảm giác an lạc, sung sướng khi tiếp xúc với định tướng, Nhất tâm (Ekaggata) là tập trung tâm về một điểm (đó là định tướng).
Khi chứng đắc Sơ thiền (thuộc Sắc giới) thì 5 thiền chi đều có mặt: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm. Tầm: suy nghĩ hướng về đối tượng, thì dập tắt hôn trầm; Tứ: tư duy trên đối tượng, thì dập tắt nghi; Hỷ thì dập tắt sân; Lạc thì dập tắt trạo cử; Nhất tâm thì dập tắt dục. Từ tầng thiềnthứ 2 (Nhị thiền ở Sắc giới) thì chỉ còn có mặt 3 thiền chi: Hỷ, Lạc, Nhất tâm mà không có Tầm và Tứ. Hai tầng thiền ở sau là Tam thiền chỉ có Lạc, nhất tâm và Tứ thiền chỉ có Xả, Nhất tâm mà không còn có mặt của Tầm Tứ.
[22] Tề thủ bổ-đặc-già-la 齊首補特伽羅 (có chúng sanh đạt đến điểm tận cùng của sự sanh tử)chính là quả vị A-na-hàm (Anàgàmin, dịch là Bất hoàn). Tề thủ (có thể dịch là tới điểm cao nhất, hay đạt đến điểm cuối cùng) chính đầu mối, hay nói khác hơn chính là điểm tận cùng của sinh tử (X53n0844_p0587: 齊首謂生死之首).
Hành giả đã chứng quả A-na-hàm liền sanh lên cõi trời Hữu Đảnh đến khi gần mệnh chung thì các Kiết sử tự diệt liền chứng quả A-la-hán cho đến Niết-bàn mà không còn chịu thân sinh tử, cũng không còn sinh trở lại vào các cảnh giới thấp kém ở bên dưới để tu tập các thánh đạo vô lậu và chứng quả A-la-hán. Vì sinh lên cõi trời Hữu Đảnh, là cảnh giới sau cùng nhất rồi chứng đắc thánh đạo giải thoát mà không còn sinh trở vào bất cứ cảnh giới nào nên gọi là tề-thủ.
Trong triết học Marx có đề cập đến một thuật ngữ là điểm giới hạn hay điểm nút, có nghĩa là các sự vật khi đạt đến điểm giới hạn, là giai đoạn cuối cùng của một chu trình nào đó, thì nó nhất định phải chuyển đổi qua một trạng thái khác mà không còn ở trong trạng thái cũ nữa. Ở đây, chữ tề-thủ cũng có nghĩa tương tự như vậy, tuy không hoàn toàn mang ý nghĩa là “điểm giới hạn” nhưng ý của nó muốn nói là khi chứng đắc quả vị A-na-hàm và sinh lên cõi trời Hữu đảnh thì coi như hành giả đó đã đạt đến điểm tới điểm tận cùng của sự sanh tử. Nhất định chúng sanh ấy sẽ chấm dứt sự sanh tử để bước lên thánh đạo vô lậu cho đến Niết-bàn ngay trong giai đoạn ở cõi trời Hữu đảnh này. Đối chiếu với bản Chân đế ta sẽ thấy rõ nghĩa hơn khi Chân Đế dùng từ “thời đầu” (時頭), có nghĩa là điểm đầu (hay cuối) của chuỗi thời gian sanh tử vậy.
[23] Khuy Cơ giải thích rằng thiện pháp không phải là chánh nhân mà nó chỉ có chức năng hỗ trợ cho bất thiện nghiệp để cảm quả báo thọ thân sanh tử trong ba cõi sáu đường. ngay đến khi sanh lên hai cõi Sắc và Vô sắc thì thiện nghiệp cũng chỉ có chức năng hỗ trợ mà thôi, vì ác nghiệp thông cả cõi Sắc và Vô sắc. Đối lập với điều thứ 52 của phái Hữu bộ.
[24] Tứ Niệm xứ念處hay còn gọi là Tứ niệm trụ (S. Catvàri smrty-upasthànàni), là bốn nơi để trụ tâm, gồm: thân, thọ, tâm, pháp. Đây là 4 phương pháp tập trung tâm niệm vào một điểm, đề phòng và ngăn dứt không cho tạp niệm sinh khởi để đạt được chân lý. 4 pháp này thường được giảng giải rộng trong các kinh điển nguyên thủy, tức là dùng tự tướng, cộng tướng quán thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã để lần lượt đối trị 4 phiền não: tịnh, lạc, thường, ngã của phàm phu.
[25] Đại địa tồn tại lâu dài là muốn giản biệt với hoại diệt trong một sát-na. Đồng với luận giải của Chánh lượng bộ.
[26] Các pháp ở đây chính là phiền não. Nếu phiền não chưa được đoạn trừ và chưa được biến tri thì thể của phiền não trong quá khứ là có nên nói có phiền não; nhưng nếu đã được đoạn trừ, đã được biến tri thì thể của phiền não trong quá khứ là không có thật nên nói phiền não không có vậy.
[27] Lập luận này nhằm đối lại với Tát-bà-đa bộ vì cho rằng các pháp trong hiện tại lấy các pháp trong vị lai làm năng tác nhân, còn các pháp trong vị lai lại lấy các pháp trong vị lai nữa làm năng tác nhân tiếp theo. Cho nên, bộ phái mới đưa ra quan điểm chỉ có một số pháp lấy các pháp trong quá khứ làm nhân sinh ra quả hiện tại, hoặc có một số pháp lấy các pháp trong hiện tại làm nhân sinh ra quả vị lai chứ không có pháp nào lấy các pháp trong vị lai làm nhân để sinh ra quả vị lai tiếp theo. (Chân Đế (Đ. 2033) thì lại cho rằng: 有為法不以過去法為因。以現在及未來法為因 (các pháp hữu vi không lấy các pháp trong quá khứ làm nhân mà chỉ có các pháp trong hiện tại và vị lai làm nhân).)
[28] Uẩn một vị 一味薀 là chỉ cho Tế ý thức. Cái thức này xoay vần tiếp nối tương tục từ quá khứ tới hiện tại mà chưa từng gián đoạn và trong nó luôn bao hàm cả 4 thức kia nên gọi là Uẩn một vị; Uẩn căn biên 根邊薀 là chỉ chung cho tế ý thức và 5 uẩn. Căn chỉ cho Tế ý thức vì thức này làm nhân căn bổn cho sự sanh tử, do căn bổn này mà 5 uẩn khởi lên; còn chữ biên là chỉ cho 5 uẩn vì 5 uẩn này gián đoạn và sinh khởi sau. Hợp cả hai ý này thành chữ Uẩn căn biên.
[29] Nghĩa là phàm phu vẫn có hạt giống vô lậu xuất thế, nhờ đó mà thánh đạo xuất hiện nên nói như thế.
[30] Thắng nghĩa bổ-đặc-già-la 勝義補特伽羅 là Thật ngã vì họ quan niệm rằng luôn có một cái ngã chân thực nhưng rất vi tế, khó có thể trông thấy được để duy trì mạng căn và điều hành các thức hoạt động.

Tiêu điểm: