CHƯƠNG MỘT
TỔNG LUẬN VỀ YẾT MA
TIẾT 1. YẾT-MA TRONG SINH HOẠT CỦA CỘNG ĐỒNG
TĂNG LỮ
1. KHÁI
NIỆM TỔNG QUÁT VỀ CỘNG ĐỒNG TĂNG LỮ
Tăng hay nói đủ là Tăng-già,
là phiên âm từ saṅgha của tiếng
Phan [1]. Nó có nghĩa là một chúng hội, một cộng đồng mà các thành
viên
của nó được ràng buộc lẫn nhau trong một mục đích duy nhất. Trong
đời sống
tập quần xã hội, bất cứ một cộng đồng nào mà các thành viên của nó
cùng
sống và cùng sinh hoạt dưới sự chi phối của một số nguyến tắc của
nội qui
và kỷ luật tập thể, cùng có những quan hệ bình đẳng hợp lý về các
nghĩa vụ
và quyền lợi, cùng hướng đến một mục đích chung, đều có thể được
gọi là
Tăng cả. Tuy nhiên khi từ này được áp dụng cho cộng đồng đệ tử
xuất gia
của Phật thì tiếng Tăng-già có nội dung vượt ngoài các ý nghĩa
quán lệ như
thế. Nó không đơn giản là một cộng đồng hòa hiệp, mặc dù tinh thần
hòa
hiệp là sinh mạng của bất cứ cộng đồng nào trong xã hội loài
người. Nó
cũng không đơn giản là một cộng đồng gồm những người có cùng chung
một mục
đích, một lý tưởng, mặc dù đó là động lực cơ bản cho bất cứ sự
đoàn kết và
hòa hiệp nào của mọi ccộng đồng xã hội. Tăng-già, cộng đồng đệ tử
xuất gia
của Phật, trong ý nghĩa mà đức Phật thiết lập, phải là mảnh đất
tốt cho sự
Tăng trưởng của thiện pháp, là nền tảng cho tất cả mọi tiến bộ tâm
linh,
tức là những phát triển của nhận thức chân chính về sự thật của
đới sống.
Vì chỉ có nhận thức bằng trí tuệ vô lậu ấy mới có thể giải thoát
những đau
khổ của con người. Chính vì thế mà Tăng-già được đặt vào trong
hàng Tam
bảo, làm nơi nương tựa an ổn cho thế gian. Do vậy, sự tồn tại của
Tăng-già
có nghĩa là sự tồn tại của Phật Pháp; tất nhiên phải tồn tại trong
ý nghĩa
chân chính mà đức Phật thiết lập.
Như thế,
tinh thần hòa hiệp của Tăng-già không phải là sự ngẫu hợp của
những người cùng sống cho một mục đích; và lại càng không phải là
sự ngẩu
hợp của những người có những quyền lợi chung, cần phải đoàn kết
thành một
khối để đấu tranh cho các quyền lợi được đòi hỏi ấy. Cho nên, dù
tất cả
mọi công dân trong một nước cùng đoàn kết thành một khối thuần
nhất, cùng
chia xẻ bình đẳng hợp lý các nghĩa vụ và quyền lợi, cùng hướng đến
một mục
đích lý tưởng chung, nhưng không phải vì thế mà đủ để gọi là
Tăng-già.
Đương nhiên
tiếng saṅgha hay Tăng-già, không phải là từ ngữ do đức phật
đặt ra để gọi riêng cộng đồng các đệ tử xuất gia của Ngài. Nó là
tiếng có
sẵn trong ngôn ngữ đương thời. Các nhóm cộng đồng xuất gia khác
cũng tự
gọi họ là một saṅgha [2]. Thế thì sự khác biệt không phải do ở nội
dung
quán lệ của danh từ, mà do chính sinh hoạt thực tiễn mang đến. Nếu
các đệ
tử xuất gia của Phật mặc dù sống đoàn kết và hòa hiệp, nhưng tinh
thần hòa
hiệp ấy không phản ảnh sinh động những giáo pháp cơ bản của Phật,
thì cộng
đồng xuất gia như thế cũng chưa thể gọi là Tăng được. Nó có thể có
nghĩa
là gì? Nói một cách nghiêm xác theo tinh thần của Luật tạng, nếu
sinh hoạt
của các tỳ-kheo không đúng theo các lý tắc cơ bản của pháp yết-ma
thì dù
có hòa hiệp, vẫn được gọi là hòa hiệp trong phi pháp, và như vậy
không đủ
khả năng làm nền tảng cho sự phát sinh của các pháp vô lậu. Nghĩa
là bản
thể của Tăng-già không thành tựu.
2. THÀNH
PHẦN CỦA TĂNG
Trên đây là
nói về Tăng-già trong ý nghĩa tuyệt đối của nó tức thắng
nghĩa Tăng [3]. Tăng-già mà nói theo ý nghĩa tuyệt đối như vậy thì
thành
phần của Tăng tất nhiên phải gồm các tỳ-kheo đã chứng đắc đạo quả
Niết-bàn
[4]. Nhưng trong ý nghĩa ước lệ thì từ bốn vị tỳ-kheo trở lên cùng
sống
trong một trú xứ, cùng thanh tịnh và hòa hiệp thì chỉ chừng mức ấy
cũng đủ
để gọi là Tăng. Dù trong hiện tại các vị ấy chưa chứng đắc đạo quả
Niết-bàn gì cả nhưng đời sống của các vị ấy có một hướng đi duy
nhất là
phải đạt thành mục đích ấy. Như vậy, căn cứ trên nhân mà được gọi
là Tăng.
Chính trong ý nghĩa ước lệ này mà các pháp yết-ma có hiệu lực để
tạo thành
bản thể sinh động của Tăng.
Thành phần
nguyên thủy và căn bản của Tăng là các tỳ-kheo đã thọ giới
cụ túc. Thế nào là một tỳ-kheo đắc giới cụ túc? Đó là người mà bản
thể
tỳ-kheo đã thành tựu. Bản thể của tỳ-kheo được thành tựu hoặc do
sự chứng
đắc quả vị cứu cánh của Niết-bàn, tức các Thánh giả vô học; hoặc
do sự thọ
giới hợp pháp. Các trường hợp đắc giới này sẽ được nói rõ trong
chương thọ
giới (chương III sau).
Về sau, có
vấn đề nữ giới được phép gia nhập Tăng đoàn với nền tảng là
tám kỉnh pháp, thì ngoài số tỳ-kheo Tăng, còn có tỳ-kheo-ni Tăng
nữa.
Như vậy,
thành phần của Tăng gồm các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni đã đắc giới
cụ túc. Tuy nhiên, trong quá trình hành đạo, học tập các bổn phận
căn bản
một tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni, chúng đệ tử xuất gia của Phật còn có
những
thành phần dự bị là sa-di, sa-di-ni và thức-xoa-ma-na [5]. Những
vị này do
chưa hội đủ điều kiện để đắc giới cụ túc, cần phải trải qua một
thời gian
học tập. Mặc dù cũng là thành phần xuất gia, nhưng không được dự
vào hàng
Tăng chúng, do đó các vị này không có liên hệ hay ràng buộc gì với
các
pháp yết-ma cả.
3. PHÂN
LOẠI TĂNG
Tổng quát,
có ba phân loại chính yếu về Tăng: 1. Phân loại theo túc số;
2. Phân loại theo tính phái, và 3. Phân loại theo trú xứ.
i.
Phân loại theo túc số
Mặc dù mỗi
tỳ-kheo hay tỳ ni là một thành phần của Tăng, nhưng trong
các sinh hoạt thuộc phạm vi tập thể, tùy theo Tăng sự, phải hội đu
túc số
tối thiểu thì bản thể của Tăng mới thành tựu. Trong phân loại này,
có bốn
trường hợp để túc số Tăng [6].
a. Tăng gồm bốn người: Đây
là túc số tối thiểu, dưới con số này
không thể gọi là Tăng. Với túc số này, Tăng có thể tác pháp yết-ma
cho
những sinh hoạt thông thường như thuyết giới v.v….Nghĩa là trừ tự
tứ, thọ
cụ túc, xuất tội Tăng tàn còn lại các yết-ma khác đều có thể được
tác pháp
với túc số 4 người này.
b. Tăng gồm năm người:
Đây là túc số Tăng tác pháp yết-ma truyền
giới cụ túc tại những địa phương mà số tỳ-kheo ở đó quá ít. Ngoài
ra, như
việc yết-ma tự tứ cũng cần hội đủ túc số này. Nghĩa là trừ việc
truyền thọ
cụ túc tại các đô thị, và xuất tội Tăng tàn, còn lại các yết-ma
khác đều
có thể được tác pháp với túc số năm người này.
c. Tăng gồm mười
người: Trừ xuất tội Tăng tàn, còn lại các
yết-ma khác có thể làm với túc số 10 người này.
d. Tăng gồm hai mươi
người: Túc số cần thiết để xuất tội
Tăng tàn, và tất cả cho pháp yết-ma khác.
Từ túc số
hai mươi người này, có thể thực hiện bất cứ Tăng sự nào.
ii.
Phân loại theo tính phái
Do sự khác
biệt tính phái, trên đại thể, Tăng-già được chia làm hai bộ:
tỳ-kheo Tăng và tỳ-kheo-ni Tăng. Tuy vậy, để phân biệt rõ ràng
hơn, tại
Trung quốc người ta thường gọi cộng đồng các tỳ-kheo-ni là á Tăng,
cách
gọi này thiệt ra không chính xác. Cả hai bộ tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni
đều được
gọi chung là Tăng cả. Cho nên, trong các văn tác pháp yết-ma, danh
từ á
Tăng không bao giờ được áp dụng.
iii.
Phân loại theo trú xứ
Phân loại
chung về trú xứ thì có hai hạng Tăng: chiêu đề Tăng [7] và
thường trú Tăng. Trong lịch sử phát triển của Tăng đoàn, ở giai
đoạn
nguyên thủy, các tỳ-kheo không thường trú tại bất cứ trú xứ nào.
Tăng đoàn
đầu tiên xuất hiện trong lịch sử gồm năm vị A-la-hán, tức nhóm
A-nhã
Kiều-trần-như [8]. Tiếp theo đó, Ngài lại hóa độ nhóm Da-xá và
thân hữu
cộng tất cả 55 người [9]. Sau khi họ chứng đắc địa vị Thánh giả vô
học,
đức Phật khiến họ lên đường đi hoằng hóa, và Ngài nói: Mỗi người
đi mỗi
hướng, không nên đi chung [10]. Và đấy là hình thức cộng đồng
chiêu-đề
Tăng đầu tiên. Về sau các tinh xá được dựng lên do sự phát tâm của
các đệ
tử tại gia, các tỳ-kheo thường ở lâu tại một trú xứ, và từ đó, sự
phân
biệt giữa chiêu-đề Tăng và thường trú Tăng được thành hình. Do sự
phát
triển của cộng đồng thường trú Tăng này mà Tăng đoàn về sau càng
được chia
nhỏ theo từng địa phương, và cũng chính do sự thành hình các Tăng
đoàn địa
phương này mà các bộ phái khác nhau xuất hiện và các Luật tạng
khác nhau
giữa các bộ phái cũng được thành lập dần dần.
4. CÁC
NGUYÊN TẮC CHI PHỐI ĐỜI SỐNG CỦA TĂNG
i. Bảy
pháp bất thối
Vào khoảng
thời gian cuối cùng trong cuộc đời hoằng hóa của đức Phật,
xu hướng định cư của tỳ-kheo càng lúc càng phát triển mạnh, và sự
sống
chung trong một trú xứ như vậy sẽ phát sinh nhiều sự kiện phức
tạp, cho
nên đức Phật đã thiết lập một số nguyên tắc chi phối đời sống của
cộng
đồng Tăng lữ.
Trên con
đường từ Ma-kiệt-đà [11] để đi về Câu-thi-na [12], nơi Ngài sẽ
nhập Đại Niết-bàn, nhân vị đại thần của vua A-xà-thế [13] đến tham
vấn ý
kiến Phật về việc vua nước Ma-kiệt-đà này muốn chinh phục dân
chúng Bạt-kỳ
[14], đức Phật đã giảng cho các tỳ-kheo bảy nguyên tắc bất thối để
duy trì
sự hòa hiệp của Tăng [15]. Bảy nguyên tắc ấy như sau:
1. Các
tỳ-kheo cần phải thường xuyên tập họp, và tập họp đông đảo, để
giảng luận chính pháp, khiến cho có sự hòa thuận trên dưới của các
tỳ-kheo.
2. Các
tỳ-kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hiệp, giải tán trong
tinh thần hòa hiệp, và chấp hành Tăng sự trong tinh thần đoàn kết.
3. Chúng
tỳ-kheo không ban hành những luật lệ không thích hợp, những
luật lệ không đáng được ban hành, và cũng không bãi bỏ những luật
lệ đã
được ban hành từ trước; sống đúng những gì đã được quy định bởi
cộng đồng
Tăng lữ.
4. Các
tỳ-kheo luôn luôn phải kính trọng, phục vụ các tỳ-kheo trưởng
lão, những vị có nhiều kinh nghiệm tu tập trong Chính Pháp Luật,
sẵn sàng
nghe theo những lời khuyên dạy của các bậc trưởng thượng như thế.
5. Các
tỳ-kheo sống không bị lôi cuốn bởi những tham ái.
6. Trú xứ
cộng đồng các tỳ-kheo luôn luôn là những trú xứ nhàn tịnh.
7. Các
tỳ-kheo sống an trú trên chính niệm tạo thành một cộng đồng sinh
động, khiến cho các bạn đồng tu từ những phương khác nếu chưa đến
thì muốn
đến, và đã đến thì muốn cùng sống và cùng tu tập trong sự an lạc.
Bảy nguyên
tắc được đức Phật nêu lên đó bao gồm những điều khoản đời
sống cộng đồng, và một số điều khoản cần thiết cho sự tiến bộ đời
sống
tinh thần, vốn là nội dung phong phú của sự hòa hiệp. Các nguyên
tắc chi
phối cộng đồng là các nguyên tắc dân chủ và bình đẳng; chính trên
nền tảng
này mà hệ thống Luật tạng của tất cả các bộ phái được xây dựng.
Chúng cũng
là những nguyên tắc chỉ đạo cho tất cả mọi thủ tục tác pháp
yết-ma.
Rồi tiếp tục
hành trình đi về Câu-thi-na, hướng đến sa la song thọ, đức
Phật dừng chân tại sinh địa của bộ tộc Ma-la. Tại đây, tin tức về
việc
Ni-kiền Thân Tử [16] tạ thế, và các đệ tử của Ni-kiền Tử đã bắt
đầu tranh
chấp nhau kịch liệt khiến một số các Trưởng lão lo ngại sự kiện
như thế có
thể xảy ra giữa các đệ tử Phật. Do thế, ngài Xá-lợi-phất tập họp
các
tỳ-kheo để nhắc lại tất cả những điểm chính yếu trong giáo pháp
của đức
Phật để về sau khi đức Thế Tôn không còn tại thế gian các tỳ-kheo
sẽ không
khởi lên dị kiến để đi đến chỗ tranh chấp nhau về các vấn đề giáo
lý [17]
.
ii.
Bảy pháp diệt tránh
Mặt khác,
khi A-nan được vị Sa-di Chu-na [18] báo tin cho biết việc
tranh chấp dữ dội của các đệ tử Ni-kiền Tử, Ngài cảm thấy «lo sợ
đến dựng
tóc gáy,» và cùng Chu-na đến trình bày với Phật, thỉnh cầu Phật
quy định
cụ thể các nguyên tắc đưa đến sự hòa hiệp giữa các tỳ-kheo. Nhân
dịp này,
đức Phật giảng rộng các nguyên nhân đưa đến sự tranh chấp giữa
Tăng, và
tiếp theo đó, ngài nêu lên bảy pháp diệt tránh, là các biện pháp
để chấm
dứt sự tranh chấp giữa Tăng, và với sáu pháp khả ý, cũng gọi là
sáu pháp
hòa kỉnh, để cho các tỳ-kheo cùng sống chung trong tinh thần hòa
hiệp, nếu
các nguyên tắc này được tuân thủ nghiêm chỉnh [19].
1. Diện tiền
(hay hiện tiền) chỉ tránh luật, điều luật đình chỉ đấu
tranh bằng sự hiện diện. Khi Tăng thảo luận và quyết định một vấn
đề gì
liên hệ đên một tỳ-kheo, phải có sự hiện diện của tỳ-kheo ấy.
2. Ức (hay
ức niệm) chỉ tránh luật, đình chỉ đấu tranh bằng nhớ lại.
Sau khi Tăng đã phán quyết tính vô tội của một tỳ-kheo bị cử tội;
cac
tỳ-kheo khac sau đó không được phép chất vấn tỳ kheo bi cử tội ấy.
Nói
cách khác, một tỳ-kheo chỉ được coi là phạm giới chỉ khi nào coa
phán
quyết của Tăng.
3. Bất si
chỉ tránh luật, luật đình chỉ đấu tranh bằng sự không si
cuồng. Tăng không thể xử lý một tỳ-kheo khi vị ấy đang bị bệnh tâm
thần,
không đủ năng lực để nhận thức sự viêc mình đã làm.
4. Phát lồ
chỉ tránh luật, hay tự ngôn trị; luật chấm dứt đấu tranh
bằng sự tự thú nhận. Tăng chỉ có thể phán quyết sự phạm giới của
một
tỳ-kheo chỉ khi nào tỳ-kheo ấy xác nhận việc mình đã làm.
5. Quân chỉ
tranh luật, cũng gọi là tội xứ sở, hay tội tự tính; luật
chấm dứt đấu tranh bằng chín đương nhơn. Khi tỳ-kheo phạm tội,
Tăng đã có
đủ yếu tố để phán ưuyết, nhưng tỳ-kheo ấy chối tội quanh co, không
chịu
xác nhận, Tăng ấp dụng biện phá chế tài, cấm tỳ-kheo làm mốt việc
và không
được hương một số quuyền lợi, cho đên khi nào chịu khuất phục.
6. Triển
chuyển chỉ tránh luật, hay đa nhân ngữ, hay đa nhân mích tội;
luật chấm dứt đấu tranh bằng sự diển tiến. Một tỳ-kheo bị cử tội,
nhưng có
những bất đồng giữa các tỳ-kheo vê phán quyết của Tăng, vì vậy,
cần phải
bỏ phiếu. Tăng căn cứ theo đa số phiếu mà quyết định
7. Như khí
phấn tảo chỉ tranh luật, hay như thảo phú địa; luật chấm dứt
đấu tranh như quăng bỏ dẻ rách, hay như rải cỏ che lấp chỗ đất dơ
[20].
iii.
Sáu pháp khả hỷ
Sáu pháp khả
hỷ, thường gọi là sáu pháp hoà kỉnh, tức sáu nguyên tắc để
một tỳ-kheo sống chung hòa thuận trong tinh thần tương trợ, và
tương thân
tương ái với các tỳ-kheo khác. Nghĩa là những nguyên tắc mà mỗi cá
nhân
tỳ-kheo cần phải thể hiện đối với tập thể.
1. Thân hoà
đông trú, hay thân nghiệp từ hoà, tức cử chỉ khiêm cung và
từ ái, đối với các đồng phạm hạnh.
2. Khẩu hòa
vô tránh, hay ý nghiệp từ hoà.; Sự nói năng cần phải từ
tốn, hoà nhã, không đưa đến tranh chấp.
3. Ý hòa
đồng duyệt, hay ý nghiệp từ hoà, tâm ý luôn luôn hoan hỷ với
các đồng phạm hạnh
4. Lợi hoà
đồng quân, có những lợi dương vật chất cá nhân nhưng luôn
luôn cùng chia xẻ với các đồng phạm hạnh khác.
5. Giới hoà
đồng tu, cùng chấp hành các điều khoản giới luật chung;
không tự ý đăt các luật lệ riêng cho mình.
6. Kiến hoà
đồng giải; cùng học tập, chia xẻ nhận thức giáo lý với các
đồng phạm hạnh, không tự ý tạo lập thuyết lý riêng biệt.
Sáu pháp hoà
kỉnh hay khả hỷ này như đã thấy có tính cách lý tưởng
nhiều hơn là thực tế. Tức chỉ được thực hiện với tinh thần tự
giác. Nhưng,
trong tác động của tâm lý phàm phu, khó có thể yêu cầu tính tự
giác nơi
mỗi cá nhân sống trong một tập thể. Tuy vậy, nếu sáu pháp hoà kỉnh
không
được thể thể hiện trong sinh hoạt thường nhật của một tỳ-kheo đối
với các
tỳ-kheo khác, thì Tăng ở đó đang có dấu hiệu bị vỡ. Các pháp
yết-ma là
nhưng cụ thể hoá sáu pháp hoà kỉnh này.
Trước hết,
về cơ bản, sáu hoà kỉnh chỉ có thể thể hiện với đời sống
không tư hữu. Nhưng không thẻ hiểu ý nghĩa không tư hữu một cách
đơn giản
là không có sở hữu riêng. Ở đây không thể trình bày chi tiết những
vấn đề
kiên quan ý niệm tư hữu. Điều nên biêt là, ý niệm tư hữu chịu
nhiều thay
đổi theo điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời đại khác nhau và
trong
từng quốc độ khác nhau. Do đó, trong Luật tạng, không có một định
nghĩa cụ
thể nào về y niệm này. Nhưng thông qua các pháp yết-ma thì có thể
thấy
được ý nghĩa của nó.
Để thể hiện ý
nghĩa thân hoà đồng trú, các pháp yết-ma liên hệ viêc ấn
đinh cương giới, và đồng thời cũng quy đinh tỳ-kheo đợc làm gì hay
hay
không được làm gì bên trong hay bên ngoài các cương giới được cộng
đồng
tỳ-kheo ấn định.
Để thể hiện
khẩu hoà vô tránh, các thủ tục tác pháp yết-ma được quy
định cụ thể, và cũng quy đinh nghĩa vụ mà mỗi tỳ-kheo phải chấp
hành đối
với các pháp yết-ma của Tăng.
Cac yết-ma
phân vật, ấn định việc phân phối và sử dụng phõng ốc, ấn
định tài sản nào thuộc thường trú Tăng, tài sản nào thuộc chiêu-đề
Tăng;
là nhưng cụ thể hoá nguyên tác lợi hoà đồng quân. Các yết-ma đợc
thực hiện
trên cỏ sở bảy pháp diêt tránh, và nhiều yết-ma khác nữa, thể hiện
hiên
cac nguyên tắc ý hoà và kiến hoà.
Nói một cách
tổng quát theo như những gì vừa được khái quát trên, thì
nền tảng cho sự tồn tại của Tăng là thanh tịnh và hòa hiệp. Chủ
đích của
các pháp yết-ma là tạo sự thanh tịnh cho các tỳ-kheo. Người nào
phạm tội,
cần phải sám hối và sám hối như thế nào là như pháp để không có sự
cơ hiềm
cho các tỳ-kheo khác. Mối liên hệ giữa các tỳ-kheo, trong sự hỗ
tương quan
hệ về các bổn phận và quyền lợi cần được xử lý như thế nào để cho
không có
sự tranh chấp giữa các tỳ-kheo ấy là công dụng của pháp yết-ma.
Vậy, yết-ma
là gì?
TIẾT 2. PHÂN TÍCH NỘI DUNG CỦA YẾT MA
1. YẾT MA
LÀ GÌ?
Yết-ma là
phiên âm từ karman [21] của tiếng Phạn. Hán dịch là «biện sự
tác pháp» [22], và thường được các luật sư Trung quốc giải thích
rằng «Vạn
sự do tư thành biện cố.» Nghĩa là tất cả công việc của Tăng đều do
nó mà
được thành tựu mỹ mãn. Đây là dịch và giải thích theo chức năng
của
yết-ma. Trong nghĩa đen của tiếng Phạn, karman hay «yết-ma» có
nghĩa là
hành động hay hành vi. Có hành động thuộc cá nhân mà cũng có hành
động
thuộc tập thể. Để phân biệt rõ hai phạm vi trách nhiệm như thế,
trong
thuật ngữ Hán dịch ngữ nghiệp luôn luôn được dùng để chỉ cho hành
động
thuộc cá nhân, và cá nhân ấy hoàn toàn chịu trách nhiệm về những
hậu quả
mà nó đã làm. Trái lại, phiên âm yết-ma chỉ dùng cho các hành vi
tập thể
[23].
Trong giáo
lý căn bản của Phật, không có hành động nào với sự cố ý mà
không đưa đến hậu quả tương xứng nhất định. Động lực của hành vi
luôn luôn
là ý chí, tức điều mà thuật ngữ của Luận tạng gọi là tư [24]. Hoạt
động
của ý chí ngang qua sự biểu hiện của thân và ngữ. Khi ý chí đạt
đến mục
đích mà nó mong muốn, bấy giờ nghiệp đạo căn bản được thành tựu.
Nhưng quá
trình của bất cứ hành vi nào thuộc thân hay thuộc ngữ, bao giờ
cũng phải
đi qua ba giai đoạn [25]. Giai đoạn thứ nhất gọi là gia hành của
nghiệp
đạo, tức giai đọan chuẩn bị cho hành động. Giai đoạn thứ hai là
căn bản
của nghiệp đạo, lúc mà hành vi đạt đến mục đích mong muốn. Và sau
cùng là
hậu khởi của nghiệp đạo, sự tiếp diễn của hành động sau khi căn
bản nghiệp
đạo đã thành tựu. Sự phân biệt này không chỉ áp dụng cho các hành
vi cá
nhân, mà cả trong các hành vi tập thể. Thí dụ trường hợp thọ giới
cụ túc
[26]. Sự thành tựu của giới cụ túc, nghĩa là giới tử đắc giới hay
nói rõ
hơn, giới thể vô biểu [27] đã phát sinh trong thân và tâm của giới
tử,
khiến cho bản chất tỳ-kheo hiện hữu nơi giới tử, sự thành tựu này
là hành
vi tập thể, tức do tác pháp yết-ma như pháp mà được thành tựu. Căn
bản
nghiệp đạo được thành tựu, tức giới thể vô biểu phát sinh nơi giới
tử, chỉ
khi nào Tăng đã hoàn tất tác pháp yết-ma lần thứ ba. Tất cả các
giai đoạn
trước, kể từ khi giới tử phát sinh tâm niệm cầu thọ cụ túc giới,
được dẫn
vào trước Tăng, thành khẩn nói những lời cầu thỉnh giới sư v.v…
cho đến
Tăng đã thực hiện một lần tác bạch và ba lần yết-ma, tất cả những
diễn
tiến này đều được gọi là gia hành của nghiệp đạo. Sau khi Tăng đã
hoàn tất
bạch tứ yết-ma, giới thể vô biểu đã phát sinh nơi giới tử, bấy giờ
căn bản
của nghiệp đạo được thành tựu. Từ đó trở đi, những việc như truyền
trao
pháp tứ y, tứ khí, và các sự giáo giới của Tăng đối với vị tân
tỳ-kheo đều
được gọi là hậu khởi của nghiệp đạo.
Như vậy,
trên nền tảng, không có sự phân biệt giữa nghiệp cá nhân và
nghiệp tập thể. Nguyên lý áp dụng cho một kẻ sát nhân thành tựu
hành vi
sát hại của nó qua các giai đoạn gia hành nghiệp đạo, căn bản
nghiệp đạo,
và hậu khởi nghiệp đạo như thế nào, thì nguyên lý ấy cũng áp dụng
cho tác
pháp yết-ma của Tăng. Đây là nguyên lý cơ bản để xác định tác pháp
yết-ma
của Tăng được thành tựu hay không thành tựu. Bởi vì, như một người
khởi
tâm muốn sát hại, và chuẩn bị tất cả điều kiện cần thiết để hoàn
tất sự
sát hại, nhưng tội sát có thể không thành tựu vì căn bản nghiệp
đạo không
đủ yếu tố để phát sinh, và cứ theo đó mà người ta xác định các
trường hợp
khinh trọng của tội sát. Hành sự của Tăng cũng vậy, yết-ma thành
hay không
thành tựu đều được chi phối bởi nhiều điều kiện.
Xác định tầm
mức khinh trọng của một hành động cá nhân cố nhiên không
phải đơn giản, do sự diễn tiến phức tạp của hành vi, nhưng nếu so
với việc
xác định giá trị thành hay hoại của hành vi tập thể thì sự phức
tạp ấy vẫn
còn tương đối đơn giản. Bởi vì, trong giáo lý của Phật, động lực
của
nghiệp hay hành vi là ý chí. Nếu là ý chí cá nhân, thì chỉ giới
hạn trong
trạng thái do dự hay cương quyết. Nhưng nếu là ý chí tập thể, thì
sự thống
nhất ý chí trong tinh thần tuyệt đối hòa hiệp phải được đặt lên
hàng đầu.
Tất nhiên, một tập thể không phải là một bản thể trừu tượng, mà nó
là một
hợp thể của nhiều cá thể. Thái độ do dự của một cá thể là sự nứt
rạn của
tập thể. một tập thể bị nứt rạn thì chẳng khác nào một con người
bệnh
hoạn, thương tích, bại liệt, không thể hoàn tất sự việc gì đáng
kể. Cho
nên, yếu tố căn bản của tất cả mọi pháp yết-ma là sự thanh tịnh và
hòa
hiệp của Tăng.
Trong phạm
vi hành động tập thể như vừa nói, để phân biệt với hành động
cá nhân, từ karman thay vì dịch là nghiệp thì Hán văn chỉ phiên âm
là
yết-ma. Nhưng nếu nói cho đủ, cho rõ ràng hơn phải nói là tăng-già
yết-ma,
tức tiếng Phạn nói saṅghakarman – hành vi của Tăng. Cần phải nói
đủ như
vậy mới có thể phân biệt hành vi của các tập thể thế gian khác với
hành vi
tập thể của Tăng-già, là cộng đồng các tỳ-kheo. Trong các tập thể
khác của
thế gian, khi người ta cần có một quyết định chung thì những người
tham dự
quyết định cần phải hội đủ những điều kiện cần thiết để xác định
tư cách
của mỗi thành viên; nhưng tư cách này chỉ cần căn cứ trên chức
năng của cá
nhân ấy trong quan hệ tập thể. Trong phạm vi của Tăng, mà thành
phần là
các tỳ-kheo, yếu tố để xác định tư cách không chỉ là chức năng, mà
còn là
bản chất. Cho nên sự thanh tịnh của mỗi tỳ-kheo trong việc giữ gìn
các
điều học của giới bổn là bản chất của Tăng mà cũng là sự thanh
tịnh của
Tăng.
Nói tóm lại,
yết-ma, hay nói đủ là Tăng-già yết-ma, là hành sự
của Tăng, căn cứ trên nền tảng là sự thanh tịnh và hòa hiệp của
Tăng, gồm
những nguyên tắc đòi hỏi phải tuyệt đối tuân theo được áp dụng tùy
theo
đối tượng của hành sự.
2. ĐỐI
TƯỢNG CỦA YẾT MA
Trong tư
tưởng triết học của đạo Phật, tiêu chuẩn sau đây được nhắc đến
khi cần xác định tính hiện thực của một sự hũu: «Cái gì hiện thực,
cái đó
có tác dụng, và ngược lại cái gì có tác dụng, cái đó hiện thực.»
Tác dụng
được nói đến đó là một khía cạnh khác của nghiệp hay hành động.
Trên nền
tảng lý tính duyên khởi, không có tác dụng nào phát sinh từ hư vô,
mà phát
sinh trong điều kiện quan hệ hỗ tương. Cho nên, khi phân tích sự
thành tựu
của căn bản nghiệp đạo, các luận sư của Luận tạng đã không thể bỏ
sót
không đề cập y xứ của nghiệp đạo. Y xứ tức đối tượng; sự thành tựu
của mỗi
nghiệp đạo chỉ có thể được xác định chỉ khi nào xác định được y xứ
của nó
[28]. Thí dụ, trường hợp một người phát nguyện thọ trì giới cấm
không sát
sinh. Động lực của hành vi hay nghiệp đạo này là tư niệm hay ý
chí. Bản
chất của nghiệp đạo này, khi đã thành tựu, là không sát hại bất cứ
một
sinh vật nào. Cho nên, toàn thể sinh vật trên thế gian đều là y xứ
của
nghiệp đạo không sát sinh. Y xứ này là đối tượng mà tư niệm duyên
đến làm
động lực cho các quá trình của nghiệp đạo là gia hành, căn bản và
hậu
khởi. Nếu tư niệm không bao trùm được toàn thể sinh vật trên thế
gian, tức
y xứ bị khuyết, thì dù tư niệm luôn luôn có mặt trong suốt giai
đoạn gia
hành, nhưng nó không đưa đến căn bản nghiệp đạo, tức giới thể vô
biểu của
bất sát không phát sinh nơi người thọ giới. Y xứ như vậy gồm đối
tượng,
tức toàn thể sinh vật và không gian, toàn thể sinh vật trên thế
gian không
trừ địa vực nào, và trong tất cả thời gian [29]. Tất nhiên, căn cứ
theo
bản chất, mỗi loại giơi có nhưng y xứ riêng biệt. Thí dụ, giới sát
sinh
của cận sự (u-bà-tắc/di) không thể hạn định theo năm tháng, mà
phải là cả
đời; nhưng trong giới cận trụ, thời hiệu chỉ tồn tại một ngày một
đêm.
Cũng như mỗi
nghiệp đạo thành tựu hay không thành tựu với các trường
hợp trọng hay khinh là tùy theo y xứ của nó toàn hay khuyết; cũng
vậy,
yết-ma của Tăng thành hay không thành cần phải được cân nhắc theo
từng đối
tượng hay y xứ.
Trong lịch
sử truyền luật tại Trung quốc, các luật sư phân biệt có ba
đối tượng của yết-ma. Đó là Nhân, Pháp và Sự.
i.
Nhân
Nhân, tức
nhân cách hay cá nhân. Tăng tác yết-ma với đối tượng là một
cá nhân nào đó, như các loại yết-ma truyền giới cụ túc, yết-ma trị
phạt
v.v… Thí dụ trong trường hợp yết-ma truyền giới cụ túc. Trước khi
tác
pháp, Tăng phải kiểm nghiệm tất cả điều kiện cần thiết của giới tử
tỳ-kheo. Người muốn được Tăng tác pháp yết-ma để trao giới cụ túc
phải
không có các già nạn, tuổi đủ hai mươi, ba y và bình bát phải đủ
[30]. Tất
cả điều kiện này tác thành nhân cách thành tựu của một giới tử
tỳ-kheo.
Tăng-già yết-ma trong trường hợp này chỉ có hiệu lực đối với một
nhân cách
thành tựu như thế. Nếu có điều kiện nào còn thiếu, nhân cách không
thành
tựu, và như vậy yết-ma cũng không thành tựu. Đấy là sự quan hệ mật
thiết
giữa yết-ma và y xứ của yết-ma. Cũng tương tợ, như trường hợp Tăng
tác
pháp yết-ma cho một tỳ-kheo sám hối Tăng tàn. Chỉ khi nào Tăng xét
nghiệm
thỏa mãn tất cả điều kiện tác thành một tỳ-kheo Tăng tàn, thì
tỳ-kheo ấy
mới trở thành y xứ của một loại yết mà này. Pháp Tăng tàn chỉ hiện
diện
nơi bản thân một người đã thọ giới cụ túc đúng như pháp; nếu trái
lại thì
dù người đó có hội đủ tất cả điều kiện tương xứng tội Tăng tàn,
cũng không
thể được gọi là tỳ-kheo Tăng tàn. Yết-ma sám Tăng tàn chỉ có hiệu
lực đối
với y xứ là một tỳ-kheo phạm Tăng tàn, chứ không thể đối với sa-di
hay các
hạng người khác.
ii.
Pháp
Pháp, hay
bỉnh pháp [31], chỉ có các sinh hoạt tập thể của Tăng mà Phật
đã quy định, như việc thuyết giới mỗi nửa tháng, hay tự tứ v.v…
Mục đích
của việc thuyết giới là duy trì và phát huy sự thanh tịnh và hòa
hiệp của
Tăng [32]. Như vậy, y xứ của yết-ma thuyết giới là cộng đồng các
tỳ-kheo
thanh tịnh và hòa hiệp cùng sống chung trong một trú xứ. Trong sự
xét
nghiệm các điều kiện để thỏa mãn y xứ này, trước hết là bản vị của
cộng
đồng, đó là sự hiện diện của các tỳ-kheo trong phạm vi đại giới
của trú
xứ. Nếu trong lúc Tăng đang tác pháp yết-ma, có một tỳ-kheo nào đó
không
tham dự vào giới trường thuyết giới cũng không có gởi dục đúng
pháp, mặc
dù tỳ-kheo ấy đang ở trong phạm vi của đại giới; như vậy y xứ này
bị
khuyết và yết-ma không thành tựu. Mặt khác, như đã nói, mục đích
thuyết
giới là củng cố và phát triển sự thanh tịnh và hòa hiệp giữa các
tỳ-kheo,
nếu lúc Tăng tác pháp yết-ma thuyết giới mà trong phạm vi của giới
trường
có sự hiện diện của một tỳ-kheo không thanh tịnh, tức tỳ-kheo có
phạm tội,
nhưng chưa sám hối đúng pháp; như vậy y xứ này cũng bị khuyết. Vả
lại việc
thuyết giới là một Tăng sự có định kỳ; nếu Tăng tác pháp yết-ma
này mà
triển hạn định kỳ không đúng pháp, thì y xứ cũng bị khuyết. Bất cứ
y xứ bị
khuyết trong trường hợp nào, yết-ma thuyết giới cũng đều bất
thành.
iii.
Sự
Sự, tức là
sự thể hay sự vật. Nói rõ hơn y xứ của yết-ma trong các
trường hợp này là những vật thể hữu hình, như việc kết đại giới,
tiểu
giới, việc phân chia Tăng phòng, Tăng vật v.v… mỗi loại đối tượng
có một
sắc thái tác thành bản chất của nó. Thí du, đại giới thì phải có
mốc rõ
rệt của các đường ranh; Tăng vật thì có những vật dụng thuộc sở
hữu của
chiêu-đề Tăng, hay của thường trú Tăng. Như việc phân chia bình
bát giữa
Tăng, nếu các bình bát này không được chế tạo đúng theo qui luật,
nó không
thể là y xứ toàn vẹn của yết-ma. Và nếu đối tượng để phân chia là
thường
trú Tăng trong một trú xứ, nhưng các tỳ-kheo không tập họp đúng
pháp như
vậy thì y xứ cũng bị khuyết.
Nói tóm lại,
bất cứ y xứ của yết-ma là loại nào, mỗi loại đều có một số
đặc tính hay điều kiện để tác thành bản thể của nó. Khi các đặc
tính không
hội đủ, các điều kiện còn thiếu sót, thì y xứ của yết-ma sẽ bị
khuyết một
phần hay hư hoại toàn bộ. Như một người tàn khuyết chỉ có thể
thích hợp
cho hành vi này mà không thể thích hợp cho các hành vi khác; đương
nhiên
nó không thể hoàn tất hành vi mà nó không thích hợp. Cũng vậy, sự
cân nhắc
tính chất toàn khuyết của các y xứ tùy theo loại để tương xứng với
tác
pháp yết-ma là điều không thể coi nhẹ được.
3. PHÂN
LOẠI YẾT MA
Nếu dựa trên
tác nhân để phân chia thì tổng quát có ba loại yết-ma: tâm
niệm, đối thú [33] và Tăng pháp. Tâm niệm là tự mình nghĩ và nói
lên lời
mà không cần có người thứ hai để nghe. Như tâm niệm bố-tát hay tâm
niệm tự
tứ chẳng hạn. Đối thú là sự tác pháp giữa hai hay ba người. Một
người nói,
một hay hai người khác nghe. Cả hai pháp này thực chất không phải
là
yết-ma, nhưng sự tác pháp là tuân theo những gì là Tăng đã qui
định, duy
chỉ có điều là không hội đủ túc số để thành Tăng pháp.
Riêng về
Tăng pháp yết-ma, căn cứ trên pháp thức, thì chủ yếu có ba
loại: đơn bạch, bạch nhị và bạch tứ [34]. Đơn bạch là chỉ một lần
tác bạch
giữa Tăng, tức thì Tăng pháp được thành tựu. Bạch nhị là một lần
bạch và
một lần yết-ma. Bạch tứ là một lần bạch và ba lần yết-ma. Ngoài ba
loại
Tăng pháp yết-ma chủ yếu này, căn cứ theo luật Tăng kỳ thì
có thể
thêm một trường hợp nữa: cầu thính yết-ma [35]. Cầu thính là tác
bạch giữa
Tăng để cầu thỉnh Tăng thực hiện một pháp yết-ma nào đó. Thực chất
điều
này cũng không phải là pháp yết-ma, nhưng vì là sự cáo tri sự việc
giữa
Tăng, mà những gì được làm giữa Tăng đều gọi là yết-ma, theo nghĩa
rộng
rãi nhất, vì thế nó cũng được gọi là yết-ma.
Ở trên đã
nói, nghĩa đen của yết-ma là nghiệp hay hành động, hành vi.
Trong phạm vi cá nhân, thân và khẩu đều là biểu hiện của nghiệp.
Bất cứ
hành vi nào của thân và ngữ, nếu hội đủ yếu tố để sẽ đưa đến hậu
quả nhất
định, đều được gọi là nghiệp cả. Trong trường hợp Tăng-già yết-ma,
sự
thống nhất ý chí phải được biểu hiện bằng lời, và chỉ có sự biểu
hiện này
mới đưa đến hậu quả nhất định vì nó có đủ hiệu lực để chi phối tất
cả hành
động khác của mỗi cá nhân trong một tập thể. Nói cách khác, trong
các hành
sự của Tăng, thân nghiệp không đủ năng lực để thành tựu căn bản
nghiệp
đạo, mà duy chỉ có ngữ nghiệp. Cho nên bất cứ hành vi nào được
thực hiện
giữa Tăng đều phải được biểu hiện bằng lời nói. Lời nói phải rõ
ràng, mạch
lạc, tất cả mọi người đều nghe và hiểu, như thế yết-ma mới thành
tựu.
Như vậy,
trong sự diễn tiến của tác pháp yết-ma, gia hành nghiệp đạo
của yết-ma có thể được thực hiện bằng các động tác của thân và
ngữ, như lễ
bái, cầu thỉnh v.v… nhưng căn bản nghiệp đạo của yết-ma chỉ có thể
thành
tựu bằng nghiệp ngữ, tức bằng lời nói. Không phải tất cả các
tỳ-kheo trong
Tăng đều cùng nói một lượt để xác định một vấn đề. Nhưng một
tỳ-kheo trong
Tăng biết rõ các pháp thức yết-ma, đại diện Tăng tác pháp. Lời nói
của vị
này trong khi tác pháp là lời nói cá nhân, nhưng thể tính của căn
bản
nghiệp đạo ở đây là cộng nghiệp. Cũng như trong các sinh hoạt tập
thể của
thế gian, khi một mệnh lệnh được ban hành hay một quyết định được
thông
báo, thì chỉ có thể phát xuất từ lời nói của một người có tư cách
đại diện
cho tập thể. Nếu trong lúc đó cả hai người cùng nói thì không thể
thành
lệnh được. Pháp nhĩ như thị, bản chất của ngữ nghiệp là như vậy.
Cho nên,
trong khi Tăng tác pháp yết-ma, chỉ một tỳ-kheo hội đủ điều kiện
đại diện
Tăng nói lời tác bạch và yết-ma, chứ không thể hai tỳ-kheo cùng
nói một
lần. Nếu cả hai người cùng nói, mặc dù cùng văn cú như nhau, nhưng
như vậy
là thành hai quyết định của Tăng dù nội dung đồng nhất [36].
Trong ba
loại yết-ma chủ yếu được phân loại theo pháp thức vừa kể trên,
tùy theo đối tượng của yết-ma mỗi loại được thực hiện cho tương
xứng.
Theo thống
kê tổng quát [37] của Yết-ma chỉ nam, có tất cả 44
pháp thuộc đơn bạch yết-ma. Tăng sự trong các trường hợp này vốn
đơn giản,
chỉ cần một lần tác bạch cho Tăng biết là đủ.
Về bạch nhị
yết-ma, tổng quát có tất cả 78 pháp, Tăng sự trong các
trường hợp này có tầm quan trọng hơn các Tăng sự thuộc loại đơn
bạch
yết-ma. Do đó, sau khi tác bạch cho Tăng biết sự việc mà Tăng cần
phải
quyết định, rồi bấy giờ hỏi xem các tỳ-kheo đang hiện diện giữa
Tăng có ai
phản đối hay không. Nếu tất cả đều im lặng, không tỳ-kheo nào nói
lời phản
đối, hay phủ quyết, thì quyết định của Tăng có hiệu lực. Nói cách
khác,
bạch nhị yết-ma tức là một lần tác bạch và một lần biểu quyết.
Về bạch tứ
yết-ma, tổng quát có 39 pháp. Một lần bạch và ba lần yết-ma,
tức một lần tác bạch cho Tăng biết Tăng sự cần làm rồi ba lần lấy
biểu
quyết. Đây là trường hợp của những Tăng sự quan trọng nhất. Căn
bản nghiệp
đạo của các Tăng sự này chỉ có thể thành tựu sau khi ba lần hỏi và
ba lần
toàn thể Tăng đều đồng ý chấp thuận bằng cách im lặng.
Yết-ma thành
tựu có nghĩa là căn bản nghiệp đạo của Tăng sự thành tựu.
Cũng như trong trường hợp nghiệp đạo cá nhân, chỉ khi nào căn bản
của
nghiệp đạo thành tựu, thì mới có thể đưa đến hậu quả tốt hoặc xấu
tương
xứng. Cũng vậy, căn bản nghiệp đạo của Tăng sự có thành tựu thì
quyết định
của Tăng mới có hiệu lực chi phối toàn thể các tỳ-kheo trong Tăng.
Sau khi
yết-ma thành tựu như vậy, nếu có tỳ-kheo nào làm khác đi điều mà
Tăng đã
chấp thuận và quyết định, tỳ-kheo đó phạm tội, khinh hay trọng tùy
theo
loại Tăng sự.
161 pháp
yết-ma kể trên không phải là con số cố định. Tăng sự khinh hay
trọng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, môi trường xã hội các
thứ.
Nhưng điều căn bản cần nắm vững là ba loại pháp thức yết-ma ấy.
Mỗi khi có
sự việc gì xảy ra giữa Tăng, cần phải cân nhắc y xứ để theo đó mà
áp dụng
một pháp thức yết-ma nào cho tương xứng. Điều này sẽ được nói rõ ở
các
chương sau.
4. CÁC
GIAI ĐOẠN TIẾN HÀNH CỦA YẾT MA
Cũng như quá
trình diễn tiến của nghiệp đạo, cũng vậy, có ba giai đoạn
chủ yếu của yết-ma: gia hành của yết-ma, cũng gọi là tiền phương
tiện; căn
bản của yết-ma tức giai đoạn yết-ma thành tựu, và từ đó trở đi cho
đến khi
Tăng giải tán gọi là hậu khởi của yết-ma.
Như đã nói,
bản chất của yết-ma là ngữ nghiệp, do đó tất cả ba giai
đoạn của yết-ma đều lấy ngữ nghiệp làm cơ sở. Những lời được nói
giữa
Tăng, vì là những lời có tính chất cộng nghiệp, cần theo một qui
tắc văn
cú và văn mạch qui định sẵn, chứ không thể tùy tiện nói sao thì
nói.
i.
Tiền phương tiện
Gia hành hay
tiền phương tiện của yết-ma bắt đầu sau khi các tỳ-kheo đã
ổn định vị trí giữa Tăng, tập họp đúng theo nguyên lý căn bản là
thanh
tịnh và hòa hiệp [38]. Tất cả các loại yết-ma, từ đơn bạch cho đến
bạch
tứ, đều có tiền phương tiện giống nhau, với lời văn như sau: Một
tỳ-kheo
thượng tọa đại diện Tăng tác pháp yết-ma, bắt đầu hỏi; một tỳ-kheo
khác,
gọi là vị duy-na [39] của Tăng, đại diện Tăng trả lời; hỏi và trả
lời lần
lượt diễn ra như sau:
Vấn đáp 1:
Hỏi:
Tăng đã họp chưa?
Đáp: Tăng đã họp.
Vấn đáp 2:
Hỏi:
Hòa hiệp không?
Đáp: Hòa hiệp.
Vấn đáp 3:
Hỏi:
Người chưa thọ cụ túc đã ra chưa?
Đáp: Đã ra (hoặc nói: Trong đây không có người chưa thọ
cụ túc).
Vấn đáp 4:
Hỏi:
các tỳ-kheo không đến có thuyết dục không? [40]
Đáp: Không (nếu không có ai gởi dục. Có thì đáp là có và
thuyết
dục)
Vấn đáp 5:
Hỏi:
Tăng nay hòa hiệp để làm gì?
Đáp: (nói Tăng sự) yết-ma.
Các vấn đáp
trên có mục đích biểu hiện cụ thể sự thanh tịnh và hòa hiệp
của Tăng qua ngữ nghiệp. Tăng có thanh tịnh và hòa hiệp thì căn
bản nghiệp
đạo của yết-ma mới có thể thành tựu.
Vấn đáp 1, có mục đích
xác nhận sự tập hợp của Tăng là đúng pháp.
Tăng tập họp đúng pháp lá Tăng túc số. Mỗi loại yết-ma đều có yêu
cầu túc
số tối thiểu nhất định, tương xứng với đối tượng của yết-ma. Vấn
đề túc số
Tăng sẽ được nói sau.
Vấn đáp 2, xác nhận sự
hòa hiệp của Tăng. Trong cùng một giới, nếu
Tăng không được xác nhận là hòa hiệp thì yết-ma của Tăng bất
thành.
Vấn đáp 3, kiểm điểm
thành phần của Tăng. Những người chưa thọ cụ
túc, nghĩa là chưa đắc giới để thành tựu bản thể của tỳ-kheo,
không phải
là thành phần của Tăng không được tham dự yết-ma của Tăng.
Vấn đáp 4, có một vài
thay đổi tùy theo loại yết-ma. Như các yết-ma
kết tiểu hay đại giới, không tỳ-kheo nào được vắng mặt dù bất cứ
lý do
nào, do đó hoàn toàn không cho phép thuyết dục và như vậy vấn đáp
này được
bỏ qua [41]. Trong trường hợp thuyết giới, các tỳ-kheo đang có mặt
trong
đại giới, nhưng có duyên sự chính đáng được phép không tập họp
trong giới
trường thuyết giới thì phải gởi dục và thanh tịnh. Gởi dục là gởi ý
chí
tùy thuận Tăng, sẽ chấp hành bất cứ một quyết định nào của Tăng.
Và cũng
phải báo cáo cho Tăng biết là đối với các học xứ của tỳ-kheo mình
hoàn
toàn thanh tịnh [42]. Như vậy, trong trường hợp tác pháp thuyết
giới, vấn
đáp này cần nói đủ như sau:
- Các
tỳ-kheo không đến có thuyết dục và thanh tịnh không?
Nếu có thì
đáp có, nếu không thì đáp không. Chi tiết của các việc này
sẽ được nói rõ trong chương thuyết giới [43].
- Có ai sai tỳ-kheo-ni đến thỉnh giáo giới hay không?
Cũng trường hợp tác pháp thuyết
giới, vì theo điều Phật chế, tỳ-kheo-ni
Tăng mỗi nữa tháng phải đến Tăng cầu thỉnh giáo thọ sư, là một
trong Tám
kỉnh pháp của tỳ-kheo-ni, do đó, sau vấn đáp 4, còn có thêm vấn
đáp này
nữa.
Vấn đáp 5, xác định mục
đích mà Tăng tập họp để tác pháp. Như nếu
tập họp để thuyết giới, thì đáp lá: yết-ma thuyết giới, nếu để kết
đại
giới thì đáp: yết-ma kết đại giới; v.v….
Trên đây là
văn tiền phương tiện của yết-ma. Nhưng pháp thức yết-ma có
đơn có kép khác nhau, do đó trong một lần tác pháp, có trường hợp
chỉ có
một tiền phương tiện cho nhiều tác pháp yết-ma, nhưng cũng có
trường hợp
phải có mỗi tiền phương tiện cho mỗi tác pháp yết-ma. Thí dụ
trường hợp tự
tứ hay thuyết giới. Trong trường hợp tự tứ, tác pháp chủ yếu là
đơn bạch
yết-ma. Nhưng vì Tăng đông, cần phải sai ngườihành xá-la hay hành
trù [44]
để kiểm điểm Tăng số, thì có thêm bạch nhị yết-ma để Tăng sai
người hành
xá-la. Hoặc cần có người nhận sự tự tứ của các tỳ-kheo, thì có
thêm bạch
nhị yết-ma để Tăng sai tỳ-kheo làm người nhận tự tứ. Tất cả các
yết-ma này
đều là gia hành của yết-ma tự tứ. Do đó, trong vấn đáp 5, câu trả
lời vẫn
phải nói là yết-ma tự tứ. Mặc dù tiếp theo đó bạch nhị Tăng sai
tỳ-kheo
hành trù hay nhận tự tứ rồi mới đến đơn bạch tác pháp tự tứ sau
cùng. Như
vậy, trong một lần tập Tăng, cùng một tiền phương tiện gồm vấn đáp
1, 2,
3, 4, mà tác pháp nhiều loại yết-ma, lời văn vấn đáp 5 thay đổi
theo từng
việc.
Trường hợp
khác, như giải và kết đại giới hay tiểu giới. Sau khi tác
tiền phương tiện để tác pháp yết-ma giải giới, lại cần có tiền
phương tiện
khác để yết-ma kết giới. Mặc dù thời gian của kết giới và giải
giới được
tiến hành liên tục, nhưng bản chất của hai loại yết-ma khác nhau,
do đó
không thể cùng chung một tiền phương tiện. Tức là, bắt đầu từ vấn
đáp một
cho đến sau cùng hỏi và đáp:
- Tăng
nay hòa hiệp để làm gì?
- Yết-ma giải đại giới.
Sau khi xong
tác pháp giải giới, lại tác tiền phương tiện khác, cũng
bắt đầu với vấn đáp 1 cho đến sau cùng hỏi:
- Tăng
nay hòa hiệp để làm gì?
- Yết-ma kết đại giới.
Như thế gọi
là tác pháp đơn. Nghĩa là một tiền phương tiện cho một tác
pháp duy nhất chứ không được phép kiêm cả hai.
Có trường
hợp nhất định đơn, như yết-ma kết và giải giới v.v… có trường
hợp nhất định kép, như truyền thọ cụ túc v.v…, có trường hợp bất
định, như
thuyết giới hay tự tứ v.v…. nếu tiền phương tiện không được thực
hiện đúng
theo các tác pháp đơn hay kép hay bất định như thế thì yết-ma của
Tăng bất
thành.
ii.
Căn bản và hậu khởi của yết-ma
Sau khi tiền
phương tiện, tức gia hành của yết-ma, được thành tựu, bây
giờ tùy theo loại yết-ma, hoặc đơn bạch, hoặc bạch nhị, hoặc bạch
tứ, cần
phải đúng pháp mà thực hiện để cho căn bản nghiệp đạo của yết-ma
được phát
sinh, và do thế yết-ma của Tăng được thành tựu. Văn của mỗi loại
yết-ma
này sẽ được nói trong các chương liên hệ.
Sau khi căn
bản nghiệp đạo của yết-ma đã thành tựu, từ đó là hậu khởi
của yết-ma. Thí dụ, sau đơn bạch thuyết giới, thì việc tụng đọc
các học xứ
trong giới kinh, từ bài tựa cho đến các bài kệ thất Phật và cuối
cùng là
các kệ tán giới v.v… cho đến cuối cùng các tỳ-kheo đều ra khỏi
giới trường
thuyết giới, trọn cả giai đoạn này gọi là hậu khởi của yết-ma. Hậu
khởi
cũng phải được tiến hành như pháp. Thí dụ, nếu là yết-ma thuyết
giới, thì
phải đọc trọn giới kinh từ đầu đến cuối. Nếu vì nạn duyên không
thể đọc
trọn, thì trường hợp nào có thể đọc đến điều khoản nào cũng phải
như pháp
chứ không thể tùy tiện muốn đọc đến đâu và muốn nghỉ ở đâu. Hoặc
trong
yết-ma tự tứ cũng vậy. Sau đơn bạch tự tứ, các tỳ-kheo bắt đầu lần
lượt
nói tam sự tự tứ, cho đến tỳ-kheo cuối cùng. Nếu còn một tỳ-kheo
nào chưa
kịp nói tam sự tự tứ mà Tăng đã giải tán, thì hậu khởi bị đứt
ngang, dù
tác pháp yết-ma có thành tựu đúng pháp, nhưng hiệu lực của yết-ma
bị giảm
sút.
Do vậy,
trong khi tác pháp yết-ma, phải thực hiện cho hoàn tất đúng
pháp cả ba giai đoạn của yết-ma, không thể tự tiện thêm bớt.
5. CÁC
YẾU TỐ ĐỂ THÀNH TỰU YẾT MA
Tùy theo,
mỗi loại yết-ma cần hội đủ một số yếu tố nhất định mới thành
tựu. Thí dụ, yết-ma truyền giới cụ túc, gồm 4 yếu tố thành tựu: 1)
Nhân
thành tựu, tư cách giới tử đầy đủ. 2) Tăng thành tựu, Tăng
đủ
số, gồm năm hay mười tỳ-kheo tùy địa phương. 3) Giới thành tựu,
giới trường hay tiểu giới đã được tác pháp ấn định như pháp. 4) Yết-ma
thành tựu, các giai đoạn của yết-ma, gia hành, căn bản và hậu
khởi
được thực hiện đầy đủ như pháp.
Tổng quát có
4 yếu tố căn bản để yết-ma được thành tựu: y xứ, giới, túc
số và pháp thức.
i. Y
xứ - Y xứ, hay đối tượng của yết-ma, như đã nói rõ ở
trên.
ii.
Giới - Giới, hay cương giới, sẽ được nói rõ trong
chương tiếp theo (Chương II)
iii.
Túc số - Mỗi loại yết-ma được thực hiện với một túc
số tối thiểu. Có 4 trường hợp túc số Tăng, tức cũng là bốn phân
loại Tăng
theo túc số như đã nói ở trên. Nhưng túc số ở đây không phải kể
theo đầu
người, mà là kể theo phẩm tính, tức là người đã thọ cụ túc, hoàn
toàn
thanh tịnh; nếu có phạm tội thì đã sám hối như pháp, và phải cùng
hiện
diện trong một cương giới. Nếu đứng ngoài các đường ranh của cương
giới,
hay dù ở trong cương giới nhưng bay lên khỏi mặt đất, thảy đều
không được
kể là túc số.
Ở đây cũng
nên nói thêm một số chi tiết về túc số Tăng bốn người. Nếu
có bốn tỳ-kheo trở lên cùng tập hợp trong phạm vi một cương giới
thì đủ để
thành Tăng thể và có thể tác pháp cho các Tăng sự như thuyết giới.
Tuy
nhiên, trong trường hợp tự tứ, nếu cần có tỳ-kheo Tăng sai, thì
người thọ
sai ấy là đối tượng của yết-ma, không thể kể trong túc số bốn
người. Các
trường hợp tương tự khác, như phân chia vật dụng giữa Tăng. Cần có
người
thọ sai vì là đối tượng của yết-ma Tăng sai do đó cũng không được
kể trong
túc số bốn người. Nói tóm lại, trong các trường hợp tương tự như
thế, túc
số Tăng phải kể là năm người, mặc dù tự bản chất, các loại yết-ma
này có
thể được tác pháp với túc số Tăng bốn người.
Ngoài ra,
trong các loại yết-ma, có các trường hợp cộng và bất cộng
khác nhau. Bất cộng là tỳ-kheo Tăng và tỳ-kheo-ni Tăng không được
tác pháp
chung. Như vậy, trong túc số tỳ-kheo không thể kể tỳ-kheo-ni vào
và ngược
lại cũng vậy.
iv. Pháp
thức - Pháp thức thành tựu hay yết-ma thành tựu là các
quá trình diễn tiến của yết-ma được thực hiện như pháp, theo thứ
tự mạch
lạc. Chi tiết của quá trình này đã được nói trên.
6. GIÀ
YẾT MA [45]
Tăng-già
yết-ma là biểu hiện tuyệt đối của sự thống nhất ý chí của
Tăng. Do đó, khi Tăng tác pháp, nếu có người đủ tứ cách phủ quyết
nói lên
lời không chấp thuận Tăng sự đang được tác pháp, thì yết-ma bất
thành.
Không có trường hợp đa số áp đảo thiểu số mà luôn luôn phải là sự
thuần
nhất. Già yết-ma tức là Tăng sự bị phủ quyết. Nhưng ai có tư cách
phủ
quyết này? có bốn trường hợp [46]:
a. Người
được kể trong túc số Tăng nhưng không được phép ngăn yết-ma
(tức phủ quyết Tăng sự): đó là những người đang là đối tượng của
yết-ma ha
trách, yết-ma tẩn xuất, yết-ma y chỉ, yết-ma cấm không cho đến nhà
bạch y
b. Người
không được kể trong túc số Tăng nhưng có quyền ngăn yết-ma: đó
là người đang cầu thọ cụ túc [47].
c. Người
không được kể là túc số và cũng không có quyền ngăn yết-ma:
như khi tỳ-kheo Tăng tác pháp, thì tỳ-kheo-ni không được kể trong
túc số
và cũng không được phép ngăn. Những người khác chưa thọ cụ túc,
những
người phạm biên tội, những người tặc tâm thọ giới, hoàng môn, ngũ
nghịch,
tỳ-kheo đã bị tác pháp diệt tẩn, biệt trụ trong khi sám Tăng tàn,
tỳ-kheo
không cùng trú xứ, tỳ-kheo đang hiện thần thông bay cách mặt đất,
tỳ-kheo
ở ngoài tầm thấy và nghe khi Tăng tác pháp, cùng những người đang
là đối
tượng của yết-ma. Tất cả các hạng người vừa nêu, không được kể
trong túc
số Tăng cũng không được phép ngăn Tăng tác pháp yết-ma.
d. Ngoài các
hạng người kể trên, tỳ-kheo thanh tịnh hiện diện được kể
trong túc số và có quyền ngăn yết-ma. Trong trường hợp bị ngăn như
vậy,
yết-ma bất thành.
7. PHI
TƯỚNG CỦA YẾT MA
Trên đây đã
nói về ba y xứ và bốn yếu tố thành tựu của yết-ma và cũng
đã nói rằng thể tính của Tăng yết-ma là ngữ nghiệp. Tất cả những
điều đó
là những điều kiện cần nghiệm xét và cần hội đủ để yết-ma của Tăng
được
thành tựu và có hiệu lực. Ở đây sẽ nói đến các phi tướng của
yết-ma, tức
những dấu hiệu cho biết yết-ma không thể thành tựu. Các dấu hiệu
này căn
cứ trên hai yếu tố để nhận biết. Đó là nhân và pháp. Nhân hay nhân
cách là
thẩm quyền của một tỳ-kheo trong túc số Tăng, hay toàn thể Tăng,
có thể
được sử dụng trong một giới hạn nào đó. Pháp, tức qui tắc tác
pháp. Chức
năng của hai yếu tố này là kết hợp tất cả điều kiện cần có của
Yết-ma
thành một chỉnh thể thống nhất. Một trong hai nếu không toàn vẹn,
dấu hiệu
bất thành của yết-ma sẽ được nhận thấy.
Có bảy phi
tướng của yết-ma.
i. Phi
pháp phi tì-ni:
Trong ba
loại yết-ma đơn bạch, bạch nhị và bạch tứ, tùy theo tầm mức
quan trọng của từng Tăng sự mà áp dụng. Với Tăng sự chỉ cần đơn
bạch là
đủ, nhưng Tăng lại tác pháp bạch nhị hay bạch tứ. Hoặc bạch yết-ma
không
theo thứ tự mạch lạc, như yết-ma trước rồi bạch sau. Tất cả những
trường
hợp như vậy gọi là phi pháp, nghĩa là tác pháp không đúng pháp
thức. Mặt
khác, hoặc một người, cho đến hai hay ba người, chưa đủ Tăng số mà
tác
pháp để cử tội một người, cho đến hai hay ba người, hay cử tội
Tăng [48].
Những trường hợp như vậy gọi là phi tì-ni, vì nhân cách vượt ngoài
thẩm
quyền mà luật đã qui định.
ii. Phi pháp
biệt chúng:
Tác pháp
không đúng pháp thức và Tăng không được hòa hiệp, đây gọi là
phi tướng của yết-ma do phi pháp và biệt chúng. Phi pháp ở đây
cũng giống
như đã nói ở trên. Biệt chúng là do sự tập họp Tăng không đúng qui
tắc.
Thí dụ trong trường hợp tự tứ hay thuyết giới; theo qui tắc thì
tất cả
Tăng đang có mặt trong cùng cương giới của trú xứ đã được ẩn định
đều phải
tập họp toàn bộ. Nếu không tập họp toàn bộ, và những người do
duyên sự Tam
bảo được phép không đến nhưng lại không gởi dục, hoặc gởi dục
không đúng
pháp, như vậy, Tăng có thể bị chia thành hai chúng không hòa hợp,
do đó
gọi là biệt chúng [49]. Hoặc trong trường hợp truyền giới cụ túc,
túc số
tối thiểu phải mười vị tỳ-kheo cùng tập họp trong phạm vi của giới
trường,
nhưng cùng trong giới trường mà kẻ đứng người ngồi không đồng
nhất, thì
đây cũng gọi là biệt chúng.
iii.
Phi pháp hòa hiệp:
Tăng hòa
hiệp, nghĩa là không có biệt chúng, nhưng các loại yết-ma được
áp dụng lại không đúng tầm mức quan trọng của các Tăng sự.
iv.
Như pháp biệt chúng:
Trái với các
trường hợp phi pháp đã nói trên tức là như pháp. Dù yết-ma
như pháp, nhưng chúng không hòa hiệp, cũng là phi tướng của
yết-ma.
v.
Pháp tương tự biệt chúng:
Các loại
yết-ma đơn bạch, bạch nhị hay bạch tứ được áp dụng đúng cách
theo tầm mức quan trọng của Tăng sự, nhưng khi tác pháp thì không
đúng qui
tắc, nghĩa là không theo thứ tự tác bạch trước rồi yết-ma (lấy
biểu quyết)
sau mà lại yết-ma trước tác bạch sau. Loại yết-ma không đúng như
thứ tự
tác pháp điên đảo như vậy, gọi là tác pháp tương tự. Biệt chúng
thì như đã
nói trên.
vi.
Pháp tương tự hòa hiệp:
Trái với
biệt chúng là hòa hiệp. Pháp tương tự thì giống như điều 5 vừa
nói.
vii. Bị ngăn
mà không đình chỉ:
Yết-ma bị
ngăn cản đúng pháp, nghĩa là người ngăn đủ tư cách đề ngăn,
và ngăn đúng cách. Dù bị ngăn, tức bị phủ quyết, nhưng Tăng vẫn cứ
tiến
hành tác pháp, như thế cũng là phi tướng của yết-ma.
Nói tóm lại,
nếu phạm một trong bảy phi tướng kể trên, thì yết-ma của
Tăng bất thành, và quyết định cua Tăng không thể có hiệu lực.
KẾT LUẬN
Sự tồn tại
của Tăng là sinh mạng của Phật Pháp. Thanh tịnh và hòa hiệp
là yếu tố nền tảng tạo thành sinh mạng của Tăng. Cũng như bất cứ
sự tồn
tại của một cộng đồng xã hội nào trong thế gian đều phải đặt trên
nền tảng
là sự thống nhất ý chí và hành động; mà biểu hiện của sự thống
nhất này là
sự thống nhất quyết định và mệnh lệnh được ban hành. Cũng vậy,
Tăng có
được sự hoà hiệp là do sự thống nhất quyết định; và quyết định ấy
được ban
hành bằng mệnh lệnh mà tất cả thành phần của Tăng phải tuân theo.
Làm thế
nào để có sự thống nhất ấy, là chức năng của yết-ma.
Tuy nhiên,
tổ chức Tăng-già, tức cộng đồng xuất gia của chúng đệ tử của
Phật, không giống như bất cứ tổ chức nào của thế gian, cho nên các
pháp
yết-ma của Tăng có những sắc thái và nội dung riêng biệt.
Như đã nói,
Tăng-già yết-ma là một hình thái khác của cộng nghiệp, hay
hành vi tập thể. Trong các cộng đồng của thế gian, vì mỗi tổ chức
có một
hay nhiều mục tiêu khác nhau, và do đó, quan niệm về bản chất và
sắc thái
hành động để đạt đến mục đích đó cũng khác nhau. Trong Phật pháp,
mục đích
tối thượng là giải thoát, là đạt đến đạo quả của Niết-bàn. Do sự
chi phối
của nghiệp lực, con người có thể bị đoạ lạc hay được thăng tiến,
trở nên
thấp hèn hay cao thượng. Sự chuyển hướng của hành động là sự
chuyển hướng
bản chất của con người, thay đổi xu hướng đọa lạc thành xu hướng
siêu
việt; đưa con người từ chỗ thấp hèn lên đến chỗ cao thượng. Vì vậy
quan
niệm về bản chất và biểu hiện của nghiệp trong giáo pháp của Phật
không
giống như các quan điểm về triết lý hành động của thế gian. Chính
do điểm
này mà các yết-ma của Tăng, mặc dù xét trên hình thức thì đại khái
cũng
giống như các nguyên tắc sinh hoạt trong các cộng đồng xã hội, dù
vậy, bản
chất và sắc thái yết-ma của Tăng lại hoàn toàn khác hẳn. Nếu nắm
vững giáo
lý về nghiệp, gồm cả biệt nghiệp và cộng nghiệp, mà đức Phật đã
giảng dạy,
thì có thể nắm vững được những điểm tinh yếu của Tăng-già yết-ma.
Nguyên lý
căn bản của nghiệp trong Phật pháp có thể được phát biểu tóm
tắt như vầy: «Sống là hành động» nếu muốn nói theo ngôn ngữ thông
thường.
Hoặc hói: «Cái gì hiện thực, cái đó có tác dụng và ngược lại cái
gì có tác
dụng, cái đó hiện thực,» đó là muốn nói theo ngôn ngữ triết lý. Dù
muốn
nói theo cách nào, nói là hành động, hay nói là tác dụng, thảy đều
là
những cách nói khác về nghiệp. Yết-ma là dấu hiệu cho sự tồn tại
hay tan
vỡ của Tăng. Với tính chất quan trọng như vậy, việc nghiên cứu các
pháp
yết-ma là phận sự không thể nào xao lãng đối với tỳ-kheo.
Chú thích:
[1] Skt. = Pali:
Saṅgha, phiên âm là Tăng-già và phổ
thông dịch là chúng, chúng hội, hòa hiệp chúng.
[2] Thí dụ, khi nói về Tông chủ của một học phái thời
Phât, văn Pali nói: ayaṃ... saṅghī c’eva gaṇī ca gaṇācariyo...,
«Vị ấy là
chủ của một Tăng đoàn, chủ của một chúng hội, là bậc Thầy của
chúng hội.»
Cf. D.i. tr. 48.
[3] Tăng theo nghĩa chân chính, định cú Pali thường
nói: Supaṭipanno Bhagavato sāvaka-Saṃgho, uju-paṭipanno Bhagavato
sāvaka-Saṃgho, ñāya-paṭipanno Bhagavato sāvaka-Saṃgho,
sāmīci-paṭipanno
Bhagavato sāvaka-Saṃgho yadidam cattāri purisa-yugāni aṭṭha
purisa-puggalā, eso Bhagavato sāvaka-saṃgho āhuneyyo pāhuneyyo
dakkhiṇeyyo
añjali-kāraṇīyo anuttaraṃ puñña-kkhettaṃ lokassāti, (D.33.
Saṅgīti, tr.
227). Đối chiếu Hán dịch của Huyền Trang, Cf. Tập dị môn 7 (Đại
26,
tr.393b): Phật đệ tử cụ túc diệu hành, chất trực hành, như lý hành
pháp
tùy pháp hành, hoà kính hành tùy pháp hành. Trong Tăng ấy, có Dự
lưu
hướng, có Dự lưu quả, có Nhất lai hướng, có Nhất lai quả, có Bất
hoàn
hướng, có Bất hoàn quả, có A-la-hán hướng, có A-la-hán quả. Như
thế tổng
thể có bốn đôi tám lẻ bổ-đặc-già-la. Chúng để tử của Phật có giới
cụ túc,
định cụ túc, tuệ cụ túc, giải thoát cụ túc, giải thoát tri kiến cụ
túc; là
những vị xứng đáng được thỉnh mời (ưng thỉnh), xứng đáng được cúi
chào
(ưng khuất) , xứng đáng được cung kính (ưng cung kính), là phước
điền vô
thượng.»
[4] Thập tụng luật 1 (Đại 23, tr.2a): có bốn hạng
tỳ-kheo: 1. Danh tự tỳ-kheo, 2. Tự xưng tỳ-kheo, 3. Hành khất
tỳ-kheo, 4.
Phá phiền não tỳ-kheo. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da
(Đại 23,
tr.629c-630a) có năm hạng tỳ-kheo: 1. Danh tự tỳ-kheo, 2. Tự ngôn
tỳ-kheo,
3. Hành khất tỳ-kheo, 4. Phá phiền não tỳ-kheo, 5. Bạch tứ yết-ma
cụ túc
tỳ-kheo. Tứ phần luật 1 (Đại 22, tr 571a) có 8 hạng tỳ-kheo: 1.
Danh tự
tỳ-kheo, 2. Tương tợ tỳ-kheo, 3. Tự xưng tỳ-kheo, 4. Thiện lai
tỳ-kheo, 5.
Hành khất tỳ-kheo, 6. Trước cát triệt y tỳ-kheo, 7. Phá kết sử
tỳ-kheo. 8.
Thọ Đại giới bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu đắc xứ sở tỳ-kheo.
[5] Xem chương 4.
[6] Xem Tứ phần luật 44, «Chiêm ba kiền độ» (Đại 22,
tr. 886a).
[7] Chiêu-đề, hay chiêu-đề-xá, Skt. catur-diśa (Pl.
catu-disa); Hán: tứ phương. Chiêu-đề-tăng, chỉ cộng đồng tỳ-kheo
không
định cư lâu dài tại bất cứ trú xứ nào.
[8] A-nhã Kiều-trần-như; Skt. Ajña-Kauṇḍinya (Pl.
Aññā-Koṇḍañña).
[9] Da-xá, hay Da-thâu-già; Skt. Yaśa hay Yaśodha; Tứ
Phần luật 32 (Đại 22, tr.789b). Pali, Mahāvagga I, Vn.i. tr. 1.
[10] Theo Luật tạng Pàli, Mahāvagga I, Vn.i. tr. 21
(Đại phẩm, Chương I ): Caratha, bhikkhave, cārikaṃ bahujanahitāya
bahujanasukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya
devamanussanāṃ. Mā
ekena dve agamittha, «Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy đi, vì sự lợi
ích, vì
sự an lạc của nhiều người; vì lòng thương tưởng thế gian; vì sự
ích lợi,
sự an lạc của chư thiên và nhân loại. Chớ đi với hai người cùng
một
đường.»
[11] Ma-kiệt-đà; Skt. (=Pl.) Magadha, một trong 16 nước
lớn thời Phât. Cf. Trường A-hàm 2 «Kinh Du hành» Đại 1, tr. 11tt.;
Trung
A-hàm 35, «kinh 142 Vũ thế» Đại 1, tr. 647. Tham chiếu Pali,
Mahāparinibbāna (D.ii. tr. 4).
[12] Câu-thi-na; Skt. Kuśinagara (Pl.
Kusinagara/Kusinārā), thủ phủ của bộ tộc Malla (Mạt-la); Cf. D.ii.
tr. 146
[13] A-xà-thế, hay Vị Sinh Oán; Skt. Ajātaśatru (Pl.
Ajātasattu), Quốc vương nước Magadha.
[14] Bạt-kỳ, hay Bạt-xà; Pl. Vajji, tên một bộ tộc,
cũng là Vương quôc, thời Phật.
[15] Trường A hàm (Đại 1, tr. 11a), Trung A-hàm 35 (Đại
1, tr.648), Tăng nhất a hàm 34 (Đại 2, tr. 738b); Pl. A.vii. 20.
Vassakāra, D.16. Mahāparinibbāna.Bất thối pháp不退法;
Pali: aparihāniya-dhamma, không suy thoái. Trong kinh này, có hai
loại bảy
pháp bất thối: bảy bất thối của quốc vương
(rājā-aparihāniya-damma) và bảy
bất thối của tỳ-kheoTỳ-kheo (bhikkhu-aparihāniya-dhamma)
[16] Ni-kiền Thân Tử, hay Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử: Skt.
Nigrantha-Jtiputra (Pl.Nigaṇṭha-Nātaputta), được xem là Giáo tổ
Kỳ-na giáo
(Jainism); một trong sáu Tôn sư ngoại đạo thời Phât; học thuyết,
xem kinh
Sa-môn quả, Trường A-hàm 17 (Đại 1, tr. 107); Pali,
Sāmaññaphala-sutta,
D.i. tr. 57.
[17] Trường A hàm 8 (kinh Chúng tập, Đại 1, tr. 49b).
Cf. Tập dị môn, Đại 26, tr. 367. Pali, D. i. tr. 207, 33. Saṅgīti,
[18] Sa-di Châu-na. Pali: Cunda samaṇuddesa. Được đồng
nhất với Mahā-Cuṇda em ruột ngài Sāriputta và đắc quả A-na-hàm
trong lúc
là sa-di.
[19] Trung A hàm 52 (kinh Chu-na Đại 1, tr. 752c). Cf.
Pali : M.103. Sāmagāmasuttā. Hán, biệt dịch No 85 Phật thuyết Tức
tranh
nhân duyên kinh, Tống Thi Hộ dịch. Đại 1, No 85, tr.904. Về 7 pháp
diệt
tránh trong Luật tạng, Ngũ phần luật 23, Đại 22, tr. 153tt.; Tứ
phần luật
47- 48, Đại 22 tr. 913tt.; Thập tụng luật 20, Đại 23, tr. 141tt.
[20] Thuật ngữ theo Luật Tứ phần: 1. hiện tiền tì-ni
(Pali: sammukhāvinaya), 2. ức niệm tì-ni (sativinaya), 3. bất si
tì-ni
(amūḷhavinaya), 4. tự ngôn trị (paṭiññayā kāretabbaṃ), 5. tha nhân
ngữ
(yebhuyyasikā), 6. tội xứ sở (tassapāyikā), 7. như thảo phú địa
(tiṇavatthāraka).
[21] Skt. nói đủ: karmavācanā (Pl. kammavācā), Hán:
yết-ma ngữ; dịch: biện sự tác pháp.
[22] Cf. Hành sự sao (Đại 40, tr. 11a), «Thiên 5. Thông
biện yết-ma,» phụ chú: «Minh liễu luận sớ phiên là nghiệp. Nghiệp
là sở
tác (phận sự cần làm). Cũng phiên là sở tác. Bách luận nói là sự.
Theo ý
nghĩa mà nói, thì phiên là biện sự. Tức là, nhưng việc cần làm đều
phù hợp
pháp (được quy định), cho nên có công dụng giúp thành tựu.»
[23] Cũng có dịch giả không muốn phân biệt hai trường
hợp như thế, nên đều dịch là nghiệp cả Như Tăng-già Đề Bà, Trung A
hàm 52
(Kinh Ưu ba li, Đại 1, tr. 755c).
[24] Skt. (=Pl.) cetanā: ý chí, ý hướng, cố ý. Cf. A.
iii., tr. 45: cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi, cetayitvā kammaṃ
karoti
kāyena vācāya manasā, «Này các Tỳ-kheo, Ta nói nghiệp là tư (ý
chí). Sau
khi tư duy, nó tạo nghiệp bằng thân, miệng và ý.» Xem Trung A hàm
27 (Kinh
Đạt phạm hạnh, Đại 1, tr. 600a). Xem thêm Câu xá luận 13 (Đại 29,
tr.
67b): thế biệt do nghiệp sinh, tư cập tư sở tác. Kośa iv. 1:
karmajaṃ
lokavaicitryaṃ, cetanā tatkṛtaṃ ca tat.
[25] Cf. Ba giai đoạn của nghiêp: gia hành nghiệp đạo,
Skt. prayoga-karmapatha (hay tiền phương tiện, Skt. sāmantaka),
căn bản
nghiệp đạo, Skt. maula-karmapatha; hậu khởi nghiệp đạo, Skt.
pṛṣṭha-karmapatha. Cf. Tì-bà-sa 113 (Đại 27, tr.583b).
[26] Giải thich của Câu xá 16 (Đại 29, tr. 840, 86a).
[27] Skt. avijñapti. Ht.: vô biểu; Cđ.: vô giáo. Chi
tiết, xem Câu-xá 13, Ch. iv, tụng 3d. Cf. Câu-xá 16, nt.: «Sau khi
yết-ma
lân thứ ba, biểu và vô biểu nghiêp trong một sát na này được gọi
là căn
bản nghiệp đạo (Skt. maula-karmapatha). Đây gọi là giới thể vô
biểu (hay
vô tác, La-thập).Vê vô biểu, Câu-xá 1, tr. 3a: «Vô biểu, tuy tự
thể là săc
pháp như hữu biểu, nhưng không biểu thị cho người khac biết, nên
nói là vô
biểu..» Hữu bộ quan niệm tự thể của vô biểu là thực hữu. Kinh bộ
cho là
giả hũu. Cf. Câu-xá 13, tr. 67c.
[28] Câu xá luận 15 (Đại 29, tr. 78a.tt.). Cf. Tì-bà-sa
120 (Đại 27, tr.626b): Chỉ đắc giới đói với các loại hữu tình mà
hành vi
củạ minh có thể gay ảnh hưởng (sở năng xứ hữu tình).
[29] Cf. Câu-xá 15 (Đại 29, tr. 78b), 5 điều hạn định
không đắc giới: 1.Hữu tình định, chỉ không giêt hại môt số sinh
vật nào
đó. 2. Chi định, chỉ giữ một số điều khoản hạn chế. 3.Xứ định, chỉ
giữ
giới trong địa phương nào đó. 4.Thời định, chỉ giữ giới trong thời
gian
hạn định. 5. Duyên định , chỉ giữ trong điều kiện (phương tiện)
nhất định
( thí dụ, không giết bằng dao, nhưng giết bằng thuốc).
[30] Xem chương III, đoạn sau.
[31] Hán: bỉnh pháp, danh từ luật học, chỉ sự chấp hành
pháp.
[32] Xem chương V đoạn sau.
[33] Hán: đối thú; hoẳc đọc là đối thủ.
[34] Ma ha Tăng kỳ luật 24 (Đại 22, tr. 422a) gọi là
đơn bạch, bạch nhất và bạch tam.
[35] Cầu thính yết-ma; Cf. Ma-ha Tăng-kỳ luật 24 (Đại
22, tr. 422b).
[36] Cũng nên lưu ý rằng, theo thông lệ tác pháp yết-ma
ở nước ta, sau tác bạch của tỳ-kheo tác pháp, có thêm câu hỏi:
«Tác bạch
có thành không?» Và toàn thể Tăng đồng thanh đáp:«Thành.» Và sau
mỗi lần
yết-ma, tức lấy biểu quyết, cũng có thêm câu hỏi: «Yết-ma có thành
không?»
Toàn thể Tăng đáp: «Thành.» Co ý kiến cho rằng thủ tục hỏi như vậy
trái
vơi bản chất của yết-ma. Nhưng cũng có giả thích noi răng, điều
này không
có nghĩa là quyết định của Tăng được nói bởi nhiều người cùng một
lúc, mà
chỉ là xác nhận của toàn thể Tăng về sự thành tựu của yết-ma như
pháp.
Nghĩa là văn cú của người tác pháp được phát biểu đúng pháp.
[37] Tùy cơ yết-ma (Đại 40, tr. 492b: 1.Tăng pháp
yết-ma có 134 pháp. Trong đó, a) đơn bạch: 39 pháp; b) bạch nhị:
57 pháp;
c) bạch tứ: 38 pháp. 2. Đối thủ: 28 pháp. 3. Tâm niệm: 7 pháp.
[38] Câu-xá 16 (Đại 29, tr. 86a): «Thí dụ, khi một
sa-di thọ tỳ-kheo. Từ khi được đưa vào giới thiệu giưa Tăng, cho
đến tác
yết-ma lần thứ hai xong; tất cả đều thuộc gia hành của nghiêp
đạo.»
[39] Hán: duy na. Bách Trượng thanh quy 4, «Chương
Lưỡng tự» (Đại 48, tr. ): «Duy na, là người giỡ giềng mối (cương
duy) của
Tăng; điều hoà mọi khuc mắc...» Theo đây, duy là cương duy. Na là
phiên âm
tiêng Phan: karma-dāna, người thọ sự của Tăng.. Tứ phần hành sự
sao,(Đại
40, tr. 6b), dẫn Thập tụng: «Bấy giơ, trong Tăng phường, không có
ai thông
tri thời hạn, không ai báo giơ và đánh kiền chuỳ...Khi chúng ồn ào
không
có ai ngăn. Phật dạy lập Duy na.»
[40] Tứ phần hành sự sao I (Đại 40, tr. 9c), dẫn
Ma-đắc-lặc-già:«Thế nào gọi là dục? Vui vẻ tùy hỷ đối với sự việc
cần làm,
cùng nhất trí với Tăng sự như pháp.» Cf. Thập tụng luật 56 (Đại
23, tr.
415): «Dục, chỉ cho sự phát tâm.. Đối với Tăng sự như pháp, tùy
theo Tăng
pháp mà gởi dục (dữ dục)...Pháp gởi dục; tỳ-kheo không đến, phải
gởi
dục...Thuyết dục; tỳ-kheo nhận sự gởi dục, phải đến trươc Tăng
trình sự
gởi dục..» Hán: dữ dục 與欲
Pali: chandadāna, Mahāvagga , n.i. tr.121
[41] Xem chương II.
[42] Xem chương V.
[43] Xem chương V.
[44] Hán: hành trù, hay hành xá-la; Skt. śalākagrāhaṇa
(Pl. salāhagāha). Ngũ phần luật 18 (Đại 22, tr. 123a):
«Bố-tát...Có
tỳ-kheo khách đên mà không biết. Phật dạy đếm số. Các tỳ-kheo đếm
số,
nhưng rồi quên. Phật dạy hành trù, dùng thẻ để đếm số (kiểm điểm
số tỳ
kheo dự bố-tát).»
[45] Tham khảo, Tứ phần luật 46, «Già kiền-đô.» (Đại
22, tr. 906); Tát-bà-đa bộ tì-ni ma-đắc-lặc-già 3, «Già-bố-tát
sự,» Đại
23, tr. 581c.
[46] Tứ phần luật 44, Chiêm ba kiền độ (Đại 22, tr.
885c).
[47] Truyền giới là làm theo thỉnh cầu của giới tử,
nhưng có thể nửa chừng, giới tử thối ý không muốn thọ, bèn bạch
Tăng xin
thôi đừng tác pháp nữa.
[48] Theo nguyên lý, Tăng không bao giờ trở thành đối
tượng của yết-ma, nghĩa là không được làm yết-ma cho 4 người một
lần. Chỉ
được yết-ma cho 3 người như cách truyền giới cụ túc.
[49] Ở đây chỉ biệt chúng tức chia nhóm chư không phải
là phá Tăng; nghĩa là bản thể Tăng chưa bị vỡ.
-ooOoo-