“Tu” là một tiếng nguồn gốc chữ Hán, dịch nghĩa thông thường là “Sửa”. “Tu” có ba phương diện: tu tâm, tu thân và tu bổ. Nghĩa là sửa tâm cho tốt, sửa thân cho đẹp và sửa nhà cửa ruộng vườn... vv, cho được thạnh lợi.
Nghĩa chữ “Tu” rất rộng, có thể áp dụng cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần, cá nhân lẫn đoàn thể, thông thường lẫn chuyên môn. Đã nói là “Sửa” thì bất luận những cái gì xấu xa hư dở đều phải sửa. Mà ở đời có cái gì là hoàn toàn, không hư không dở? Nhất là đối với bản thân, mỗi chúng ta có biết bao nhiêu điều xấu xa hèn dở, cần phải sửa:
* Sửa cái dở thành hay: Như bỏ cờ bạc, rượu trà, đàng điếm, phóng túng, trở lại lo cho gia đình, xã hội là tu.
* Sửa cái xấu trở lại cái tốt: Như bỏ sát nhơn hại vật, trộm cướp (xéo xắt, cân non, đong thiếu, lấy thừa...) dâm loạn, nói dối (nói lời hung dữ, hổn ẩu, nói cộc cằn thô tục, nói thêm bớt, nói đâm thọc, thèo lẻo, dua nịnh...) trở lại nhơn từ, lễ nghĩa, ngay thẳng, chân thật, bố thí, giúp người, là tu.
* Sửa tà theo chánh: Như bỏ mê tín, dị đoan, xin xăm, bói quẻ, đốt giấy tiền vàng mã, lên đồng, xuống bóng, trở về chánh đạo là tu.
* Sửa quấy trở lại phải: Như bỏ ngổ nghịch với bề trên, bất hiếu với cha mẹ, dâm nộ, hung ác... vv, trở lại thuận hòa, hiếu đạo... vv, là tu.
* Sửa vọng thành chơn: Như bỏ tánh xảo quyệt, dối trá, lường gạt trở lại chơn thật, trung chính là tu.
* Sửa vọng thức thành Bốn trí: Như nhận thấy được vì tám món vọng thức mà chúng sanh phải trầm luân mê muội, và chư Phật được tự tại giải thoát là do chuyển tám thức ấy thành Bốn trí. Nay chúng ta cũng noi theo Phật, chuyển vọng thức thành trí tuệ: sửa thức thứ tám trở lại Đại viên cảnh trí, sửa thức thứ bảy trở lại Bình đẳng tánh trí, sửa thức thứ sáu thành Diệu quán sát trí và sửa năm thức trước trở lại Thành sở tác trí, như thế là tu.
* Sửa phiền não thành Bồ-đề: Như bỏ tham lam, sân hận, si mê, tật đố, thất tình, lục dục trở lại thành Bồ-đề thanh tịnh, là tu.
* Sửa sanh tử trở lại Niết-bàn: Như ngược dòng sông mê sanh tử luân hồi về nguồn Niết-bàn tịch tịnh, là tu.
* Sửa triền phược trở lại thành giải thoát tự tại: Như bỏ thê thằng tử phược, cảnh hồng trần hệ lụy, bước lên đường giải thoát, tự tại như Thái tử Tất-đạt-đa, là tu.
* Sửa phàm thành Thánh: Như bỏ tư tưởng, hành vi và tánh tình ô nhiễm của phàm phu, trở lại trong sạch như thánh hiền, là tu.
* Sửa chúng sanh thành Phật: Như chuyển cái tánh vô thường, chấp ngã, bất tịnh, phiền não thành ra bốn đức Niết-bàn: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, là tu.
Tóm lại, tu là sửa cái hư vọng dối trá trở lại “Chơn”, sửa những cái xấu xa tồi tệ mục nát trở lại “Mỹ”, sửa cái tội ác tàn bạo trở thành “Thiện”. Tu không có cầu kỳ và rất thực tế như vậy, thì ở thời đại nào, xứ sở nào, hạng người nào lại chẳng nên tu?