Phật học cơ bản
Phật pháp cho sinh viên
Buddhadasa Bhikkhu - Thiện Nhựt phỏng dịch
14/03/2554 03:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Quyển sách nầy bàn về một số lớn các vấn đề thường bị lãng quên hoặc bị làm cho rối mờ, mặc dầu các vấn đề ấy thật ra là cốt tủy tinh túy mà Phật giáo đang cống hiến.

Phật pháp cho sinh viên
Mục lục


PHẬT PHÁP CHO SINH VIÊN
(BUDDHA DHAMMA FOR STUDENTS)

Tỳ kheo Phật Lệ
(Buddhadasa Bhikkhu)
Thiện Nhựt phỏng dịch

Nguyên tác Thái ngữ: "Lak Dhamma Samrab Nak Seuksa",
Bản dịch Anh ngữ: "Buddha Dhamma For Students", của Rod Bucknell


Mục Lục

Dẫn nhập

Phần 1

01.- Ðức Phật đã dạy về đề tài nào?
02.- Ðức Phật dạy đặc biệt điều gì?
03.- Xin nói vắn tắt, thông điệp của Phật giáo là gì?
04.- Làm thế nào để chẳng chụp nắm và bám niú?
05.- Nơi nào chúng ta tu học được?
06.- Chánh pháp được so sánh với điều gì?
07.- Người Phật tử tại gia cần tu học những gì?
08.- Amatadhamma, Vô sanh pháp, là gì ?
09.- Pháp nào vượt được sự chết?
10.- Trong Kinh Pali, điểm nào được Phật nhấn mạnh?
11.- Ðức Phật dạy ta phải tin điều gì và tin ai?
12.- Tâm người thường và Tâm Phật tử khác thế nào?
13.- Ðường tu nào thông thường, đường nào ngắn nhứt?
14.- Nghiệp lực có vai trò nào trong Phật học?

Phần 2

15.- Cần nghe chính Phật giảng, mới hết khổ, phải không?
16.- Làm cách nào để giải quyết khi nghi rằng một giáo lý chẳng phải do Phật giảng?
17.- Ðức Phật phê phán dân chúng đời sau ra sao?
18.- Ðức Phật kinh lễ những ai?
19.- Tìm thấy Phật ở nơi nào?
20.- Ðức Phật có hiện hữu vào giờ phút nầy không?
21.- Ðức Phật có chấm dứt nghiệp lực của Ngài không?
22.- Ðời sống nội tâm của Ðức Phật như thế nào?
23.- Tại sao thế giới nầy lại rỗng vắng?
24.- Tại sao một tâm trạng hiểu biết sự rỗng vắng được mô tả như một tâm trạng giải thoát?
25.- Việc gì xảy ra khi có sự rỗng vắng hoàn toàn?
26.- Niết bàn là gì?
27.- Có nên gọi thoả thích Niết bàn là ham thích không?
28.- Chứng đắc Niết bàn sau khi chết hay còn sống?
29.- Thú vật thấp kém có đắc Niết bàn không?
30.- Ðiều gì tốt lành tột bực cho nhơn loại?
31.- Thời nầy, có được bực A la hán không?
32.- Sống chơn chánh là nghĩa làm sao?
33.- Muốn trở thành A la hán, khó hay dễ?
34.- Nếu gặp một bực A la hán, ta có nhận ra không?
35.- Tìm gặp ở đâu ra một vị A la hán?
36.- Thường nhơn có thể trở thành A la hán chăng?
37.- Một kẻ sát nhơn mà thành A la hán được sao?
38.- Thế giới hiện tràn đầy những gì?

Phần 3

39.- Ðiều gì lại nhiều phước, điều gì đem lại ít?
40.- Phước đức to lớn nhứt tìm thấy ở đâu?
41.- Tìm ở đâu mà gặp được hạnh phước?
42.- Nên quan tâm đến mức nào về thần thông?
43.- Hạnh phước và đau khổ bắt nguồn từ đâu?
44.- Tại nơi nào ta có thể chấm dứt được đau khổ?
45.- Khi gọi là "thật sự biết rõ", thì biết rõ đến mức nào?
46.- Thế nào là Nhập Lưu?
47.- Ý nghĩa của Bốn Cảnh giới Thảm ác là gì?
48.- Lời giáo huấn cuối cùng của Ðức Phật là gì?

Kết luận

Tham chiếu Kinh điển
Vài nét về tác giả
Vài nét về dịch giả
Vài lời xin thưa thêm

* * *

TỰA

"Phật Pháp Cho Sinh viên" là kết quả của hai buổi nói chuyện đạo của Ajahn Buddhadàsa vào tháng Giêng năm 1966 với các sinh viên viện Ðại học Thammasat ở Bangkok. Kể từ dạo ấy và các năm về sau, nhiều thanh niên Thái đã quay về với Phật giáo để tìm cầu các giải đáp và triển vọng mà nền học vấn hiện đại của họ theo kiễu Tây phương còn chưa cung ứng thoả đáng. Trước các sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, nhiều lúc gần đưa đến sự xáo trộn, họ mong tìm ra một giải pháp bất bạo động cho các vấn đề và các bất công đương thời. Sự quan tâm của họ rất đáng khen ngợi nhưng còn cần được dìu dắt. Ứng dụng một cách mù mờ và sai lầm các lý thuyết Phật giáo vào tình trạng rối loạn và tranh chấp ở xã hội, cũng chẳng đem lại lợi điểm nào. Do đó, Ajahn Buddhadàsa mới nỗ lực đưa, cả già lẫn trẻ, theo đúng con đường mà Phật giáo đã chỉ dạy. Người thực hiện công tác ấy bằng cách quay về với các nguyên lý nguyên thủy đã được Ðức Phật nêu lên, rồi Người giải thích các nguyên lý ấy một cách giản dị và trực tiếp, cùng nêu rõ tánh cách thích đáng của các nguyên lý nầy vượt cả thời gian. Chơn lý lúc nào cũng thích đáng và có thể đem ứng dụng cho nước Ấn độ thời xưa cũng như ở Thái lan ngày nay, và ngay cả tại các nước phát triển vượt bực ở Tây phương nữa.

Các buổi nói chuyện đạo nầy được đặt tên là "Lak Dhamma Samrab Nak Seuksa" ("Các nguyên lý Phật pháp dành cho Sinh viên"). Hãy nhìn vào nghĩa của các chữ trong tiêu đề trên, và ta sẽ thấy rõ ràng mục đích của quyển sách nầy.

Trước tiên, chúng ta phải hiểu nghĩa chữ "seuksa" (seuksa - đọc là xực-xả - vốn được vay mượn từ tiếng Phạn và chữ sikkhà với nghĩa tương đương trong tiếng Pali). Người Thái thường dùng chữ seuksa để phiên dịch danh từ Anh ngữ "study" và "education", nhưng sự thông dụng ngày nay đã làm giảm bớt ý nghĩa của chữ ấy so với nghĩa nguyên thủy. Nghĩa của Seuksa còn đi xa hơn là sự thu thập các kiến thức và kỹ thuật chuyên nghiệp của chúng ta ngày nay. Nó có nghĩa là học tập về các sự vật thật sự thích đáng cho đời sống và ứng dụng vào sự tự huấn luyện chính mình đúng theo các kiến thức đó. Nó là "sự học tập" đi sâu vào tâm khảm, đúng như chữ sikkhà được phân tách ra thành "sa" (bởi, dành cho và nơi chính mình) và "ikkhà" (nhìn) -- "mình nhìn vào chính mình".

Nak (đọc là nắc) nghĩa là "kẻ đang làm công tác, người khéo léo hay một bực chuyên viên" khi nói về một hoạt động đặc biệt nào. Một nak seuksa là một sinh viên, nhưng chẳng phải chỉ vì đã ghi tên học tại một trường, mang đồng phục, hay ôm nhiều sách vở. Một người sinh viên thật sự phải seuksa đúng với mọi ý nghĩa, mọi phương diện và mọi cấp bực của chữ seuksa nầy, cho đến khi trở thành một chuyên viên giỏi dắn về seuksa. Chẳng có học viện nào, thời khoá nào, học trình nào có thể dung chứa được một người sinh viên chính hiệu. Là sinh viên, đó chính là một phận sự căn bản của mọi người, mọi chúng sanh, suốt trong thời gian mà họ còn đang thở.

Lak (đọc là lặc) nghĩa là "nguyên lý, tiêu chuẩn, cột trụ, thành lũy, móc cắm". Một lak là một vật chi mà ta có thể bám dựa vào -- một cách khôn ngoan -- để giữ cho được ổn định vá an toàn. Người sinh viên khôn ngoan biết bắt đầu sự khảo sát của mình về các điều căn bản cho đến khi nào thấy mình đã hoàn toàn thấm nhuần vào các nguyên lý, rồi bấy giờ mới tiến lên đi xa hơn nữa. Thật vậy, các điều thật sự căn bản thường cũng là đủ rồi. Bước đầu tiên là phát hiện và nhận chân các nguyên lý nhờ đó mà ta đi sâu vào cốt tủy của đề tài đang nghiên cứu. Cẩn thận suy tư về các nguyên lý đó dẫn đến sự thông suốt. Nhưng chỉ riêng khi nào biết hội nhập chúng vào đời sống của chúng ta qua sự thực hành, bấy giờ các nguyên lý ấy mới thật sự trở thành các thành lũy vững chắc đáng được tin cậy.

Chữ Dhamma (đọc là thăm-má) thật khó cho ta phiên dịch [Buddha Dhamma có nghĩa là Giáo pháp của Ðức Phật, được chính Bực Ðại Giác giảng dạy]. Dhamma là cốt lõi của mọi cố gắng về tâm linh và của mọi đời sống, kể cả các lối sông cìn trong vòng thế tục nhứt. Chữ Dhamma vừa có nghĩa là "sự vật". "Giáo lý", vừa là "Chơn lý tối thượng. Ở đây, để khởi đầu một cách thực tiễn, chúng ta có thể nhấn mạnh đến bốn nghĩa thiết yếu của chữ Dhamma:

1.- "Thiên nhiên" (pháp giới) -- tất cả mọi sự vật, kể cả nhơn loại, và tất cả những gì chúng ta làm, cùng bản chất của các sự vật đó;

2.- "Ðịnh luật" -- định luật thiên nhiên hàm tàng và đang chi phối tất cả mọi sự vật đó;

3.- "Bổn phận" -- lối sống mà mọi người, mọi chúng sanh phải noi theo, ngay cả trong khi thở và vào mọi cơ duyên, chiếu đúng theo định luật thiên nhiên đó;

4.- "Quả" -- kết quả của bổn phận đã thi hành đứng đắn tuân theo định luật thiên nhiên.

Bốn nghĩa đó chính là căn bản mà người sinh viên học hỏi về chơn lý của đời sống cần phải ghi nhận thật thâm sâu vào các nguyên lý của mình. Và đấy là chính cái thực tại mà mọi sự nghiên cứu cần phải hướng đến.

Samrab có nghĩa là "dành cho". Các nguyên lý giáo pháp chẳng phải đang trôi lơ lửng trong bóng mờ của siêu hình học hay triết học. Chúng có một mục đích rõ ràng và một giá trị thực tiễn. Chúng là nguồn cảm hứng phong phú cho các sinh viên. Chúng dành cho những người thắc mắc tìm hiểu về cuộc đời, muốn thấu rõ những gì chúng ta hiện đang theo đuổi ở đây và chúng ta sẽ phải đi về đâu, và họ đang chán ngấy trước sự vị kỷ và khổ não. Tuy nhiên, các nguyên lý ấy chẳng phải để dùng làm những giáo điều cần được sùng tín, ghi nhớ trong ký ức và đọc tụng lên cốt để làm thoả mãn tình cảm trong một ảo tưởng được an ninh. Các nguyên lý ấy phải được dành cho chúng ta học hỏi, nghiên cứu, thực nghiệm như là một phương tiện cho đời sống nhơn loại.

Quyển sách nầy bàn về một số lớn các vấn đề thường bị lãng quên hoặc bị làm cho rối mờ, mặc dầu các vấn đề ấy thật ra là cốt tủy tinh túy mà Phật giáo đang cống hiến. Khi mà những vấn đề như đau khổ, tánh không, bị đẩy lui vào bóng mờ khó nhận rõ của sự hàm hồ do các cuộc đàm luận đầy tính chất kinh viện rất thường thấy nơi các môn phái Phật giáo hiện đại, thì Ajahn Buddhadàsa đang cố gắng giúp chúng ta nhận chân được chúng ngay trong hơi thở của chúng ta, ngay trong đời sống hiện tại của chúng ta. Nơi mà các ông "hàn lâm kiểu cách", cả ở Ðông phương và Tây phương, chỉ nhìn thấy lý thuyết và triết học, chính nơi đó Ajahn Buddhadàsa đã nhận ra được những khí cụ cho đời sống trong hoà bình và chơn lý. Lối nhìn và lời chỉ dạy của Người thật rõ ràng và ngắn gọn: chúng tôi hi vọng rằng khi cố pghiên dịch ra Anh ngữ, chúng tôi đang đền đáp được phần nhỏ nào ân nghĩa đối với Người và với các Sư phụ của Người -- Ðức Phật, Chánh Pháp, Ðời sống và Ðau khổ.

Nơi đây ta tìm thấy các câu hỏi mà mọi người biết vun bồi Chánh pháp thường tự hỏi lấy mình, vào một lúc nào đó trong cuộc đời. Những kẻ khác chắc cũng hỏi chúng ta về các vấn đề đó. Do đó, kể cũng tiện lợi, lúc cần đến, ta đã có sẵn những câu trả lời trong suốt và gọn ghẽ. Hơn thế nữa, các câu trả lời ấy lại được trích dẫn từ các lời nói của chính Ðức Phật. Và tốt đẹp nhứt là lối Người đề cập đến các vấn đề một cách thực tiễn, dễ hiểu, dẹp qua một bên các điều thần bí, các chuyện thần thoại, mà chúng ta thường đễ duôi mê thích trong sự xao lãng. Theo đuổi sự khảo sát -- trong quyển sách nầy và ngay cả trong đời sống của chúng ta -- một cách thực tiễn, xác thật và ngay thẳng chẳng dấu diếm hay lẫn tránh, đó là cách loại trừ các sự hiểu lầm, giải thích sai và nhẹ dạ tin lầm, thường thấy nhan nhản trong các tôn giáo. Ðối chiếu các chơn lý đó với đời sống hằng ngày sẽ phát hiện được sự cao thâm của các chơn lý đó và đồng thời giải thoát chúng ta ra khỏi nỗi khổ đau và nguyên nhơn của nó là vô minh.

Quyển sách nhỏ nầy được in lại vài lần kể từ khi Tỳ kheo Ariyananda (Rod Bucknell) phiên dịch lần đầu tiên. Kỳ xuất bản nầy, tuy nhiên, đã được tôi sửa chữa và sau đó có sự giúp đỡ của Rod. Chúng tôi có sửa lại vài chỗ sai lầm nho nhỏ và các lỗi về ấn loát, nhằm giúp cho quyển sách dễ đọc hơn, nhưng chẳng có sự thay đổi nào quan trọng. Nhiều quí khách của chúng tôi đến thăm tu viện Suan Mokkh có đưa thêm nhiều đề nghị và tiếp tay đọc giúp bản in trong khi chuẩn bị việc ấn loát. Rất tiếc là danh tánh qúi vị nầy rất đông, nên chẳng thể nêu lên hết được. Sau cùng, Tỳ kheo Dusadee Metamkura, Chao Assava và các thân hữu trong Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Giáo pháp (The Dhamma Study & Practice Group) đã trông nom việc xuất bản. Sự nhiệt tâm và hảo ý của qúi vị để phổ biến rất nhiều quyển sách có giá trị về Chánh pháp rất đáng được tri ân, tán thán và hỗ trợ.

Nguyện cầu nỗ lực của các Ðạo hữu nghiền ngẫm quyển sách nầy được tăng phần thanh lương và trí huệ, cùng với tất cả các bạn khác trên khắp thế giới. Nguyện cầu quyển sách nhỏ nầy được đọc đi đọc lại cẩn thận để cho các chơn lý chứa đựng trong đây có dịp bắt rễ sâu vào tâm thức của chúng ta. Nguyện cầu tất cả chúng ta đều học tập và sống hoà điệu với các chơn lý đó, để dập tắt hết mọi tàn tích của sự hiểu lầm, ích kỷ và đau khổ.

Tỳ kheo Santikaro
Suan Mokkhabalàràma
Muà An cư kết hạ, 1988

Source: daophatngaynay.com