Sư bảo Hưu rằng: (Do thừa tướng
Bùi Hưu ghi lại)
Chư Phật cùng tất cả chúng sanh
chỉ là một tâm, không có pháp riêng. Tâm nầy từ vô thủy đến nay không từng sanh
không từng diệt, không xanh không vàng, không hình không tướng, không thuộc có
không, không kể mới cũ, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng lớn chẳng nhỏ, vượt qua tất
cả hạn lượng danh ngôn dấu vết đối đãi, chính thẳng đó là phải, động niệm liền
trái. Ví như hư không, không có giới hạn, không thể đo lường. Duy một tâm nầy
tức là Phật. Phật cùng chúng sanh không riêng khác. Chỉ vì chúng sanh chấp
tướng cầu bên ngoài, càng cầu càng mất, khiến Phật đi tìm Phật, đem tâm bắt
tâm, mãn đời cùng kiếp trọn không thể được. Họ chẳng biết, dứt suy nghĩ, quên
toan tính, Phật tự hiện tiền. Tâm nầy tức là Phật, Phật tức là chúng sanh. Khi
làm chúng sanh tâm nầy không giảm, khi làm chư Phật tâm nầy không thêm, cho đến
lục độ vạn hạnh công đức như hà sa tự sẵn đầy đủ, chẳng nhờ tu mà thêm, gặp
duyên liền thi thố, duyên dứt liền vắng lặng. Nếu người không quyết định tin
tâm nầy là Phật, chấp tướng tu hành để cầu được công dụng đều là vọng tưởng,
cùng đạo trái nhau. Tâm nầy tức là Phật lại không có Phật khác, cũng không có
tâm khác.
Tâm nầy
sáng sạch ví như hư không không có một điểm tướng mạo, khởi tâm động niệm liền
trái pháp thể, tức là chấp tướng. Từ vô thủy đến nay không có Phật chấp tướng.
Tu lục độ vạn hạnh muốn cầu thành Phật, tức là thứ lớp. Từ vô thủy đến nay
không có Phật thứ lớp. Chỉ ngộ một tâm lại không có một chút pháp có thể được,
đây tức là chơn Phật. Phật cùng chúng sanh một tâm không khác. Ví như hư không,
không xen lẫn không hư hoại. Như vầng mặt trời soi bốn phương thiên hạ. Khi mặt
trời lên, ánh sáng chiếu khắp cả thiên hạ, hư không không từng sáng; khi mặt
trời lặn, bóng tối che trùm thiên hạ, hư không không từng tối. Cảnh tối sáng tự
đuổi cướp nhau, tánh hư không rỗng lặng chẳng đổi. Phật và chúng sanh tâm cũng
như thế. Nếu xem Phật thấy tướng giải thoát thanh tịnh sáng suốt, xem chúng
sanh thấy tướng nhơ bẩn tối tăm, người thấy biết như vậy trãi qua số kiếp hà sa
cũng không được Bồ Đề, vì chấp tướng vậy.
Chỉ một
tâm nầy, trọn không có pháp bằng hạt bụi nhỏ có thể được, tức tâm là Phật. Như
nay người học đạo không ngộ tâm thể nầy bèn ở trên tâm sanh tâm, hướng ra ngoài
cầu Phật, chấp tướng tu hành đều là pháp ác, chẳng phải đạo Bồ Đề. Cúng dường
chư Phật mười phương không bằng cúng dường một đạo nhơn vô tâm. Tại sao? Vì người
vô tâm là không tất cả tâm, thể như như, trong như cây đá không động không lay,
ngoài như hư không chẳng bít chẳng ngại, không năng sở, không chỗ nơi, không
tướng mạo, không được mất. Người thú hướng mà không dám vào pháp nầy, sợ lạc
vào không, không có chỗ nơi nương tựa, trông thấy mé rồi thối lui.
So sánh
để tìm thấy biết rộng. Sở dĩ người thấy biết như lông, người ngộ đạo như sừng.
Văn Thù xứng lý, Phổ Hiền xứng hạnh. Lý là lý chơn không vô ngại. Hạnh là hạnh
lìa tướng không cùng. Quán Âm xứng đại từ. Thế Chí xứng đại bi. Duy Ma là Tịnh
Danh. Tịnh là tánh, danh là tướng. Tánh tướng không khác nên hiệu là Tịnh Danh.
Các vị đại Bồ tát tiêu biểu nơi người đều sẵn có, không rời một tâm, ngộ đó tức
phải. Nay người học đạo không hướng trong tâm mình mà ngộ, bèn ở ngoài tâm chấp
tướng theo cảnh đều trái với đạo. Cát sông Hằng, Phật nói là cát. Chư Phật, Bồ
tát, Thích phạm, chư Thiên đạp giẫm đi qua, cát cũng chẳng mừng; trâu, dê,
trùng, kiến dày xéo lên trên, cát cũng chẳng giận. Trân bảo thơm tho, cát cũng
chẳng tham; phẩn uế hôi thúi, cát cũng chẳng ghét. Tâm nầy tức tâm mà không
tâm, lìa tất cả tướng, chúng sanh chư Phật không có sai biệt, chỉ hay vô tâm
liền là cứu cánh. Người học đạo nếu không thể thẳng đó vô tâm thì nhiều kiếp tu
hành trọn không thành đạo, bị công hạnh tam thừa ràng buộc không thể được giải
thoát. Nhưng chứng tâm nầy có nhanh chậm. Có người nghe pháp một niệm liền được
vô tâm. Có người đến thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng mới được vô
tâm. Dài hay ngắn được vô tâm mới trụ, lại không có thể tu, không có thể chứng,
thật không sở đắc, chơn thật không dối. Người chỉ một niệm mà được, cùng người
đến thập địa mới được, công dụng tương đương, không có sâu cạn, chỉ là nhiều
kiếp luống chịu khổ nhọc vậy.
Tạo ác,
tạo thiện đều là chấp tướng. Chấp tướng tạo ác luống chịu luân hồi, chấp tướng
tạo thiện luống chịu nhọc nhằn; thảy đều không bằng một câu nói nhận được bổn
pháp. Pháp nầy tức là tâm, ngoài tâm không có pháp. Tâm nầy tức là pháp, ngoài
pháp không có tâm. Tâm tự vô tâm, cũng không vô tâm; đem tâm cầu vô tâm, tâm
trở lại thành hữu (có). Thầm khế hội mà thôi. Dứt các nghĩ bàn, nên nói dứt
đường ngôn ngữ, diệt chỗ tâm hành. Tâm nầy là cội nguồn thanh tịnh. Phật và người
đều có. Các loài bò bay máy cựa cùng chư Phật, Bồ tát một thể không khác. Chỉ
vì vọng tưởng phân biệt tạo các thứ nghiệp. Trên quả Phật sẵn có, thật không
một vật, rỗng suốt vắng lặng sáng sủa, nhiệm mầu an lạc. Phải sâu tự ngộ nhập,
thẳng đó là phải, tròn đầy sẵn đủ không có thiếu sót.
Giả sử người
tinh tấn tu hành trãi qua ba vô số kiếp, qua các địa vị, cùng người do một niệm
chứng được, chỉ là chứng cái sẵn có. Kỳ thật, trên Phật của mình không có thêm
được vật gì, xem lại dụng công nhiều kiếp thảy đều là việc làm trong mộng. Cho
nên, Như Lai nói: “Ta đối với A Nậu Bồ Đề (vô thượng chánh giác) thật không có
sở đắc, nếu có sở đắc, đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta”. Lại nói:
“Pháp ấy bình đẳng không có cao thấp, ấy gọi là Bồ đề”. Tức tâm bản nguyên
thanh tịnh nầy, chúng sanh, chư Phật, núi sông, thế giới, có tướng không tướng,
khắp cả mười phương thế giới, tất cả đều bình đẳng không có tướng ta và kia.
Tâm bản nguyên thanh tịnh nầy thường tự tròn sáng soi khắp, mà người đời không
ngộ, chỉ lấy cái thấy nghe hiểu biết làm tâm, bị cái thấy nghe hiểu biết che
đậy, do đó không thấy được bản thể tinh minh.
Chỉ nên
thẳng đó vô tâm thì bản thể tự hiện. Như vầng mặt trời lên trên hư không soi
sáng khắp mười phương không có chướng ngại. Người học đạo chỉ nhận cái thấy
nghe hiểu biết động tác thi vi; không dẹp cái thấy nghe hiểu biết, tức là con
đường tâm bặt dứt không có lối vào. Chỉ nơi cái thấy nghe hiểu biết nhận bản
tâm. Song bản tâm không thuộc cái thấy nghe hiểu biết, cũng không rời cái thấy
nghe hiểu biết. Cốt yếu là chớ ở trên cái thấy nghe hiểu biết khởi phân biệt,
cũng chớ ở trên cái thấy nghe hiểu biết mà động niệm, cũng chớ lìa cái thấy
nghe hiểu biết mà tìm tâm, cũng chớ bỏ cái thấy nghe hiểu biết mà nhận pháp.
Không tức, không ly, không trụ, không trước, tung hoành tự tại đều là đạo
tràng.
Người
đời nghe nói “chư Phật đều truyền tâm pháp”, cho là trên tâm riêng có một pháp
có thể chứng có thể thủ, bèn đem tâm tìm pháp. Họ không biết tâm tức là pháp,
pháp tức là tâm, không thể đem tâm lại cầu tâm, trãi ngàn muôn kiếp trọn không
có ngày được. Đâu bằng chính nơi đó vô tâm, tức là bổn pháp. Như người lực sĩ
quên hạt châu trên trán, hướng ra ngoài tìm kiếm, chạy khắp mười phương trọn
không thể được. Gặp người trí chỉ cho, liền đó tự thấy bản châu như cũ. Người
học đạo mê bản tâm mình không nhận là Phật, bèn hướng ra ngoài tìm cầu khởi
công dụng hạnh, y thứ lớp chứng, nhiều kiếp cần cầu hằng không thành đạo. Không
bằng thẳng đó vô tâm, quyết định biết tất cả pháp vốn không sở hữu, cũng không
sở đắc, không y không trụ, không năng không sở, không động vọng niệm, liền
chứng Bồ đề. Đến khi chứng đạo, chỉ là chứng bản tâm. Phật nhiều kiếp dụng công
đều là tu suông, như lực sĩ khi được hạt châu, chỉ được hạt châu sẵn trên trán,
không quan hệ gì sức chạy ra ngoài tìm cầu. Cho nên, Phật nói: “Ta đối A Nậu Bồ
Đề thật không sở đắc”. Sợ e người không tin nên dẫn ngũ nhãn đã thấy, năm câu
đã nói, chơn thật không dối là đệ nhất nghĩa đế.
Người
học đạo chớ nghĩ tứ đại làm thân, tứ đại không ngã (không thường còn và không
tự làm chủ), ngã cũng không chủ, cho nên biết thân nầy không ngã cũng không
chủ. Chớ nghĩ năm ấm làm tâm, năm ấm không ngã cũng không chủ, cho nên tâm nầy
không ngã cũng không chủ. Sáu căn, sáu trần, sáu thức hòa hợp sanh diệt cũng lại
như vậy. Mười tám giới đã không thì tất cả đều không, chỉ có bản tâm thênh
thang trong sạch.
Có hai
loại thực (ăn) là thức thực và trí thực. Thân tứ đại là bệnh ghẻ đói, tùy thuận
nuôi dưỡng không sanh tham đắm, gọi là trí thực. Buông lung ý, chấp mùi vị,
vọng sanh phân biệt, chỉ cầu món ngon, không sanh nhàm chán, gọi là thức thực.
Thinh
văn là nhơn tiếng được ngộ, nên gọi là Thinh văn. Bởi không rõ tự tâm, nên trên
lời dạy sanh hiểu biết, hoặc nhơn thần thông, hoặc nhơn tướng tốt, ngôn ngữ vận
động, nghe có Bồ đề Niết bàn tu hành trãi qua ba vô số kiếp mới thành Phật đạo,
đều thuộc đạo Thinh văn, gọi đó là Thinh văn Phật, duy chỉ thẳng chóng rõ tự
tâm xưa nay là Phật, không có một pháp có thể được, không có một hạnh có thể tu,
đây là đạo vô thượng, đây là chơn như Phật.
Người
học đạo chỉ sợ một niệm có, tức cùng đạo ngăn cách, niệm niệm không tướng, niệm
niệm vô vi, tức là Phật. Người học đạo nếu muốn thành Phật thì tất cả Phật pháp
thảy đều không dụng học, chỉ học không cầu, không đắm trước. Không cầu tức tâm
không sanh, không đắm trước tức tâm không diệt, không sanh không diệt tức là
Phật. Tám muôn bốn ngàn pháp môn đối trị tám muôn bốn ngàn phiền não, chỉ là
môn giáo hóa tiếp dẫn. Vốn không tất cả pháp, lìa tức là pháp, người biết lìa
là Phật. Chỉ lìa tất cả phiền não là không pháp có thể được.
Người
học đạo nếu muốn được biết yếu quyết, thì chớ ở trên tâm để một vật gọi là
Phật. Chơn pháp thân ví như hư không. Đây là dụ pháp thân tức hư không, hư
không tức pháp thân. Người thường bảo pháp thân đầy khắp hư không, trong hư
không gồm chứa pháp thân. Họ không biết pháp thân tức hư không, hư không tức
pháp thân. Nếu quyết định nói có hư không thì hư không chẳng phải pháp thân.
Nếu quyết định nói có pháp thân thì pháp thân chẳng phải hư không. Chớ khởi
hiểu hư không thì hư không tức pháp thân. Chớ khởi hiểu pháp thân thì pháp thân
tức hư không. Hư không cùng pháp thân không có tướng khác. Phật cùng chúng sanh
không có tướng khác. Sanh tử cùng niết bàn không có tướng khác. Phiền não cùng
bồ đề không có tướng khác. Lìa tất cả tướng tức là Phật.
Phàm phu
chấp cảnh, đạo nhơn chấp tâm. Tâm cảnh cả hai đều quên, mới là chơn pháp. Quên
cảnh vẫn dễ, quên tâm rất khó. Người không dám quên tâm, sợ rơi vào chỗ không,
không sờ mó đến. Không biết rằng không vốn chẳng không, chỉ một chơn pháp giới.
Tánh linh giác nầy từ vô thủy đến nay tuổi đồng với hư không, chưa từng sanh,
chưa từng diệt, chưa từng có, chưa từng không, chưa từng uế, chưa từng tịnh,
chưa từng ồn náo, chưa từng vắng lặng, chưa từng bé, chưa từng già, không chỗ
nơi, không trong ngoài, không số lượng, không hình tướng, không sắc tượng,
không âm thinh, không thể tìm, không thể cầu, không thể dùng trí huệ mà biết,
không thể dùng ngôn ngữ mà nhận, không thể dùng cảnh vật mà hội, không thể dùng
dụng công mà đến. Chư Phật, Bồ tát cùng tất cả hàm linh xuẩn động đồng tánh đại
niết bàn nầy. Tánh tức là tâm, tâm tức là Phật, Phật tức là pháp. Một niệm lìa
chơn đều là vọng tưởng. Không thể đem tâm lại tìm tâm, không thể đem Phật lại
cầu Phật, không thể đem pháp lại cầu pháp. Người học đạo thẳng đó vô tâm, thầm
khế hội mà thôi.
Nghĩ tâm tức là sai, lấy tâm truyền tâm đây là chánh
kiến. Dè dặt chớ hướng ra ngoài, chạy theo cảnh nhận tâm, duyên cảnh làm tâm là
nhận giặc làm con. Vì có tham sân si nên lập giới định huệ. Vốn không có phiền
não thì đâu có bồ đề. Cho nên Tổ sư nói: “Phật nói tất cả pháp, vì trừ tất cả
tâm, ta không tất cả tâm, đâu dùng tất cả pháp”. Trên bổn nguyên thanh tịnh
Phật, lại không để một vật. Ví như hư không, dù lấy trân bảo vô lượng để trang
nghiêm, trọn không thể được. Phật tánh đồng hư không, dù lấy công đức trí huệ
vô lượng để trang nghiêm, trọn không thể được. Chỉ mê bản tánh bèn không thấy
vậy.