Thiền học
Thiền Niệm Xứ
Tác giả: Thích Thông Huệ
17/03/2553 21:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẦN III: ÁP DỤNG VÀO CÔNG PHU

1. Những tư tưởng chủ đạo trong Kinh Niệm Xứ.

Như chúng ta đã biết, Thiền Kinh Niệm Xứ là một bài kinh có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống kinh điển Nguyên Thủy. Ngài Đạt-Ma-Nan-Đề đời Đông Tấn khi dịch ra Hán văn, dùng đề tựa “Nhất nhập đạo”, có nghĩa là con đường vào duy nhất. Khi kết thúc lời giảng, Đức Phật bảo đây là con đường độc nhất giúp chúng sanh vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Như vậy, nếu muốn giác ngộ và giải thoát, nhất định chúng ta phải đi theo con đường Phật dạy trong Thiền Kinh Niệm Xứ.

Chúng ta cũng đã khảo sát toàn bộ nội dung bản kinh, và phần nào thấm nhuần được tinh thần Phật muốn truyền trao. Từ bây giờ trở về sau, tất cả đều là công việc của chúng ta: Bắt đầu tiến bước theo lộ trình Đức Bổn Sư đã vạch sẵn. Nhưng vì con đường này rất dài, lại nhiều chông gai hiểm trở, nên trước khi khởi hành, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo mọi tư lương, trong đó đáng kể nhất là niềm tin vững chắc, ý chí kiên định và nắm vững pháp tu. Vì lẽ đó, trước khi đi vào thực hành, chúng ta một lần nữa cần quán triệt những tư tưởng chủ đạo trong Thiền Kinh Niệm Xứ.

Một số nhà nghiên cứu về Phật học thường đánh giá một cách đơn giản rằng Kinh Niệm Xứ là một bài kinh Tiểu thừa, với nội dung có thể tóm tắt trong một câu “Quán thân bất tịnh, Quán thọ thị khổ, Quán tâm vô thường, Quán pháp vô ngã”. Thật ra, Kinh Niệm Xứ tràn đầy ý nghĩa sâu mầu uyên áo của tinh thần Tối thượng thừa thiền. Chúng ta không chỉ đọc bài kinh trên văn tự mà còn đọc ở phía dưới của từng con chữ và ở giữa các hàng chữ kinh, nơi chỉ có giấy trắng. Lúc ấy, chúng ta có thể hiểu được một đôi phần thâm ý của Đức Phật, để làm hành trang trên đường xa vạn dặm, đầy dẫy gian truân và thử thách này.

Điều quan trọng thứ nhất Đức Phật muốn truyền trao, là thực hiện Chánh niệm. Có thể nói, điểm cốt yếu của việc tu học là làm sao cho tâm mình luôn có mặt trong giờ phút hiện tại. Chúng ta lúc đầu tập chánh niệm trên từng hơi thở và trên thân hành của mình, sau đó chánh niệm đối với tâm thức để thấy rõ những vọng tưởng sinh diệt, rồi nhận rõ tất cả sự vật xảy ra xung quanh chúng ta. Cả thân, tâm và cảnh đều biến đổi trong từng sát na, nhưng người thực hiện chánh niệm là trở về thực tại, sống với thực tại và cuối cùng hòa nhập với thực tại.

Việc duy trì chánh niệm không hạn cuộc vào hoàn cảnh, vào nề nếp sinh hoạt của hành giả, nên có thể áp dụng cho tất cả mọi người, vào bất cứ lúc nào và ở đâu. Nếu vĩnh viễn sống với thực tại đang là, thì dù trải qua vô lượng kiếp trong quá khứ hay sẽ còn luân hồi sinh tử trong tương lai, thì cũng chỉ là một sát na vĩnh hằng của “tại-đây-và-bây-giờ. Đây là ý nghĩa huyền diệu của một câu nói quen thuộc trong nhà Thiền “Nhất niệm vạn niên”, mà phải trải qua công phu thiền tập dài lâu, chúng ta mới có thể hiểu được đôi phần.

Một vài điều chúng ta cần lưu ý: Thắp sáng chánh niệm trên mọi sự vật là để hiểu rõ tất cả các pháp như tự thân của chúng, chứ chúng ta không can thiệp vào sự chuyển dịch của các pháp. Nếu cưỡng ép các pháp theo ý mình, đó là chúng ta đã làm trái qui luật tự nhiên của vạn vật, là trò chơi nguy hiểm của ý thức. Muốn có chánh niệm, tâm ta luôn an trú trong giờ phút hiện tại chứ không dong ruổi về quá khứ hay mơ màng đến tương lai; không mang một thành kiến hay quan điểm có sẵn mà phải hoàn toàn khách quan; như thế mới có thể nắm bắt được thực tại trong tận cùng uyên nguyên của chúng. Ngoài ra, chúng ta không nên lầm lẫn giữa chánh niệm với diệt niệm hay dung túng niệm. Cả hai đều là những cực đoan, không phù hợp với đường lối trung đạo của Phật giáo. Phàm phu tưởng lầm vọng niệm là mình nên dung niệm, chạy theo niệm, từ đó mãi chịu trầm luân sinh tử. Nhị thừa sợ cảnh làm chướng ngại, tìm chỗ vắng vẻ để tránh duyên, tu theo cách đè nén diệt trừ vọng niệm, vô tình trở thành tiêu cực. Đây là lối thiền tiêu nha bại chủng, theo kiểu trầm không trệ tịch.

Tư tưởng chủ đạo thứ hai trong Kinh Niệm Xứ là thực hành Quán niệm trên bốn lĩnh vực Thân-Thọ-Tâm-Pháp. Khi đã có chánh niệm, tâm đã an định vào giờ phút hiện tại, chúng ta quán sát một cách sâu sắc vào trong tự thân của các pháp phát sinh trí tuệ. Đây là tinh thần của Quán niệm. Như vậy, muốn quán niệm có kết quả, phải thành tựu chánh niệm trước. Nếu quán các pháp mà tâm còn loạn tưởng, thì chỉ thấy một cách hời hợt, thấy ở ngoài rìa, ở bề mặt của sự thật: đây là cái thấy của ý thức. Người có chánh niệm, khi quán sát sự vật, sẽ phóng chiếu trí giác đi thẳng vào trong tự thân của sự vật mà không qua trung gian của hiểu biết phân biệt nhị nguyên. Lúc ấy, thực tại mới vén mở cho ta thấy tất cả sự nhiệm mầu của nó, trong đó không có người thấy và đối tượng được thấy.

Tư tưởng thứ ba, được xem như sợi chỉ sỏ xuyên suốt toàn bộ bản kinh, được Đức Phật nhắc đi nhắc lại bằng hai từ “Tuệ tri”. Tuệ tri được hiểu ngắn gọn là cái biết bằng trí tuệ, không qua ý thức phân tích suy luận. Nhưng nếu thông hiểu được ý nghĩa thâm sâu diệu mầu của nó, chúng ta sẽ thấy bản ý của Đức Phật muốn gởi gắm cho chúng ta điều gì. Chúng ta cũng sẽ thấy tính nhất quán của tất cả các kinh điển trong mười hai phần giáo, mà lâu nay bị phân chia thành Tiểu thừa, Đại thừa... Thật ra, lời Phật dạy chung quy chỉ có một mục đích duy nhất: giúp chúng ta phương pháp tìm lại con người thật xưa nay của chính mình, con người mà tất cả chúng sanh đều có, không khác một mảy may so với con người thật của chư Phật - Bồ tát mười phương.

Ở đây, chúng ta cũng cần nhận định, trí tuệ được sử dụng để “tuệ tri” có khác gì với trí tuệ theo nghĩa thông thường? Nhờ học hỏi qua sách báo, qua sự dạy dỗ của thầy cô ở trường học, trường đạo và cả trường đời, chúng ta từng ngày tích lũy kiến thức và phát sinh trí tuệ. Đây là Trí hữu sư, nhờ thầy mới có, nên chỉ là vốn tom góp được từ bên ngoài, là công năng của chất xám. Nhà Phật gọi là Văn huệ và Tư huệ, chỉ là hai bước khởi đầu của cuộc hành trình đưa đến giác ngộ và giải thoát. Mục đích của người con Phật là làm sao phát khởi Trí vô sư, tức trí huệ nhờ công phu tu tập (Tu huệ). Vậy, điều kiện để phát khởi Trí vô sư là gì?

Một cây đèn dầu, nếu không có bóng, khi để trước gió thì ngọn lửa cứ chao đảo, ánh sáng sẽ không rõ. Nếu có bóng đèn, ngọn lửa đứng yên, ánh sáng phát ra mạnh hơn giúp ta nhìn rõ mọi vật. Cũng vậy, nếu tâm ta cứ tán loạn, quay cuồng theo các pháp, dong ruổi theo dòng chảy của thời gian, ta sẽ không biết một cách thấu thể về chính bản thân mình và về mọi sự vật quanh ta. Nhà Nho thường nói: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị”. Nếu tâm không có mặt ngay thời điểm hiện tại, ta sẽ nhìn mà không thấy, nghe mà không thấu, ăn mà không biết mùi vị. Như vậy, muốn có chiếu soi, đồng thời phải có an định; tâm an định tức có soi sáng. Đây là tinh thần Định - Huệ đồng thời mà Lục Tổ Huệ Năng đã dạy rõ trong Pháp Bảo Đàn Kinh. Vũ trụ luôn luôn vận hành, thân ta luôn luôn thay đổi, vọng niệm thì luôn luôn sinh diệt, không ngừng lại dù một sát na. Nhưng do có chánh niệm, nên tâm ta bám sát theo sự vận hành ấy để hòa nhập vào thế giới đại đồng.

2. Phương pháp công phu.

Lời Phật dạy như ngón tay chỉ mặt trăng. Muốn thấy mặt trăng chân lý, chúng ta không nhận lầm ngón tay là mặt trăng, nhưng cũng phải nương theo ngón tay chỉ. Toàn bộ bài Kinh Niệm Xứ cũng là những lý luận để chúng ta có khái niệm về chân lý, còn muốn thâm nhập và thấu triệt, phải có công phu tu tập. Đạo Phật ít chú trọng đến kiến giải mà chú trọng ở hành trì, vì người tu Phật không chỉ là học giả mà còn là hành giả. Đối với nhà Thiền, việc hành trì được xem là quan trọng bậc nhất, là bước quyết định đạt được giác ngộ và giải thoát. Bản chất của Thiền không phải là kiến thức mà là sự sống; còn sự thông minh uyên bác thế gian chỉ là cái vay mượn hời hợt bên ngoài, và không theo kịp đà vận hành của vũ trụ vạn hữu. Cho nên, sống Thiền là đi vào thực nghiệm thực chứng, khi công phu thành tựu thì tự mỗi người sẽ phát minh ra việc lớn, chứ không ai có thể làm thay cho ai. Ngay việc lớn ấy, Phật và chư Tổ cũng không thể nói rõ, vì ngôn từ đến đây đã trở thành bất lực. Đức Phật đã bảo: “Mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp”. Chánh pháp ta đã biết, vấn đề ở chỗ chúng ta phải thắp lên như thế nào và đi làm sao để đến đích. Đây là công việc quan trọng và thiết yếu của mỗi người.

a) Tư thế và thời gian công phu.

Theo nguyên tắc, tu thiền là tu trong mọi tư thế đi đứng nằm ngồi và trong mọi hoàn cảnh, lúc tĩnh cũng như lúc động. Nhưng đối với người sơ cơ, để thực hiện được chánh niệm, thì tọa thiền và thiền hành là hai tư thế thích hợp và có kết quả nhất.

Đối với tọa thiền, tùy theo tuổi tác và sức khỏe mà ta có thể ngồi theo nhiều cách khác nhau. Nếu còn trẻ tuổi, các khớp sống lưng và chân không có vấn đề, nên tập ngồi kiết già, vì đây là cách ngồi ưu thắng hơn cả, do máu huyết không bị ngưng trệ, có thể ngồi được lâu. Nhưng nếu đã lớn tuổi, hoặc có bệnh ở thân thuộc dạng xương khớp mãn tính, chúng ta có thể ngồi bán già hay xếp bằng bình thường, hoặc ngồi trên ghế... Lưng thẳng, mắt khép hờ hay nhắm, bàn tay phải để trên bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau. Thời gian tọa thiền thường là ba mươi phút đến một giờ, có thể đến hai giờ hoặc hơn như chủ trương của Hòa Thượng Trúc Lâm, để thiền sinh bước đầu làm chủ được thân mình, sau mới làm chủ được tâm. Mỗi ngày tọa thiền, một đến ba lần tùy công việc và hoàn cảnh của mỗi người, nhưng tốt nhất là nên sắp xếp để có thể tọa thiền vào ba giờ đến năm giờ (3 giờ - 5 giờ) và mười chín giờ đến hai mươi mốt giờ (19 giờ - 21 giờ) mỗi ngày.

Thiền hành thì có nhiều cách, nhưng nguyên tắc chung là đi một cách tự nhiên, không gò bó, không quá nhanh cũng không quá chậm. Hai tay đánh đàng xa nhẹ nhàng và thong thả. Có thể đi vòng quanh sân nhà hay trên đường vắng. Sau khi tọa thiền hay đang lúc tọa thiền mà không điều phục được buồn ngủ, ta nên đi kinh hành trong thiền thất. Lúc ấy đi chậm rãi, hai tay chắp búp sen hay đặt tay trên tay dưới, trước bụng.

b) Phương pháp hành trì.

Những điều Phật dạy trong Thiền Kinh Niệm Xứ, chúng ta có thể thực hành trong đời sống hàng ngày. Chủ ý của Đức Phật, cũng là nguyên tắc cơ bản của hành giả tu thiền, như trên đã nói, đó là thực hiện chánh niệm trong mọi thời điểm, mọi nơi chốn. Tất cả các phương pháp chúng ta đã khảo sát trong kinh đều tuân theo nguyên tắc: luôn đặt tâm an trú vào giờ phút hiện tại. Khi chánh niệm có mặt, chúng ta mới để tâm quán sát về thân, thọ, tâm và pháp một cách thấu thể. Đây là giai đoạn quán niệm. Quán niệm thành tựu, chúng ta tuệ tri được muôn sự muôn vật bên ngoài và cả bên trong, đến tận cùng uyên nguyên của cuộc sống. Đến chỗ này không đủ lời để diễn tả, Đức Phật chỉ gọi là “Thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn”.

Áp dụng vào thực tế, do chúng ta có quá nhiều bận rộn trong cuộc sống, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, nên việc thiền tập cũng tùy thuộc vào thời điểm và nơi chốn sao cho uyển chuyển, phù hợp. Điều cần lưu ý là khi chánh niệm hay quán niệm, chỉ chú trọng đến một trong bốn lĩnh vực (thân, thọ, tâm hay pháp). Không phải tu một lần cả bốn lĩnh vực, vì như thế sẽ trở thành hỗn loạn.

Lúc thiền hành, thường chúng ta nên an trú trong từng bước đi: Theo dõi sát sao từng động tác nhỏ của chân và bàn chân, khi bàn chân giở lên, co cổ chân rồi khớp gối... mọi cử động ta đều biết rõ. Cũng có thể ta áp dụng phương pháp tùy tức, theo dõi hơi thở vào và ra. Hoặc nếu thiền hành ngoài trời thoáng đãng, chúng ta có thể nhìn nghe các pháp; chỉ cần nghe hay nhìn mà không khởi niệm phân biệt đẹp - xấu, hay - dở, thì không sai trái. Từ hơi thở đến cách đi và cách nhìn nghe mọi vật, chúng ta biết rõ tất cả mọi điều, biết một cách tự nhiên mà không xâm phạm các pháp, không bắt buộc các pháp theo ý mình. Thực hiện chánh niệm như thế, ta sẽ thấy cuộc sống thêm đẹp thêm tươi, ta sẽ có tự do trong mọi hành động ngôn ngữ mà vẫn không rời đạo lý.

Trong tư thế tọa thiền, chúng ta có thể áp dụng các phương pháp chánh niệm và quán niệm Đức Phật đã dạy trong kinh. Lúc này, các duyên bên ngoài đã dứt, chúng ta dễ thực hiện chánh niệm hơn. Người sơ cơ nên theo dõi hơi thở, mục đích chú tâm vào hơi thở và giúp chúng ta ý thức được mạng sống của mình rất mong manh, một hơi thở ra không hít vào là không còn tồn tạị. Như thế, không có gì đáng đắm luyến ở thân này. Cần chú ý là, chúng ta chỉ theo dõi để biết hơi thở vào ra dài ngắn, chứ không bắt buộc hơi thở phải dài hay ngắn theo ý mình. Một số người than, tùy tức một thời gian sao thấy mệt hoặc khó thở, tức ngực, đó là vì đấu tranh với hơi thở, không phù hợp với chủ trương bất bạo động của đạo Phật và cả với hiện tượng sinh lý bình thường.

Tọa thiền một thời gian, chúng ta có thể thấy nóng bức khó chịu, nhất là đau tê ở chân. Đây là cơ hội để chúng ta quán niệm các cảm thọ. Ánh sáng chánh niệm soi sáng cảm thọ khổ ở thân, nhận diện và cuối cùng chuyển hóa nó. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, tọa thiền là để tạo cho mình một niềm an lạc thanh lương, chứ không phải để biến chúng ta thành một chiến sĩ có sức chịu đựng cao. Có người ngồi thiền với vẻ mặt rất đau khổ hoặc bặm môi nhăn mặt như đang chiến đấu mãnh liệt với một kẻ thù nào đó; có người lại tính giờ, xem ai ngồi lâu hơn. Thật ra, nếu chỉ ngồi ba mươi (30) phút mà tâm an định thì tốt hơn người ngồi hai đến ba giờ mà không biết cách tu. Không ai chịu đựng được những nỗi khổ ở thân bằng Đức Phật, trong 6 năm khổ hạnh rừng già, nhưng chính Ngài cũng đã từ bỏ con đường bạo động ấy.

Chúng ta có thể theo dõi mười sáu loại tâm hành sanh diệt, theo lời Phật dạy trong phần “Quán tâm trên tâm”. Đây cũng là phương pháp hành trì để được an tâm mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã dạy cho ngài Thần Quang thuở trước; và cũng là phương pháp “Biết vọng không theo” của Hòa thượng Trúc Lâm hiện giờ. Khi một niệm khởi lên, ta biết đó là vọng, không chạy theo nó, nó liền biến mất; ngay đó tâm được an. Phương pháp này rất nhẹ nhàng mà kết quả vô cùng to lớn, chỉ cần biết rõ, mọi tâm hành mà lâu nay chúng ta lầm là thật mình, đều là hư dối như hoa đốm giữa hư không. Như vậy là tỉnh giác. Có đôi khi, chúng ta thắc mắc vì sao bình thường ta thấy ít có niệm khởi, nhưng khi ngồi thiền lại thấy vọng tưởng lẫy lừng. Thật ra, lúc đang làm việc, nói năng, vọng vẫn khởi rất nhiều nhưng ta không nhận thấy; khi tọa thiền, nhờ sức tỉnh giác nên có vọng ta liền biết. Nhà Thiền có câu “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”; niệm nào khởi lên ta đều biết thì đó đã là giác rồi. Khi thấy được mọi chuyển biến của tâm niệm ở mọi thời mọi lúc, cái thấy biết đó không bị hạn cuộc bởi thời gian và không gian, không qua phân tích suy luận lưỡng phân; đây là cái thấy biết của Trí.

Khi chúng ta làm việc hay đang hoạt động, nói năng, phải công phu như thế nào? Chúng ta có thể thực hiện chánh niệm qua bốn oai nghi hay chánh niệm qua các hành tướng của thân. Tất cả các phương pháp đều không ngoài nguyên tắc “Làm việc gì chỉ biết việc đó”. Khi ánh sáng mặt trời lan tỏa, chỉ có tác dụng sưởi ấm mọi vật. Nếu chúng ta dùng một thấu kính hội tụ đặt ra ngoài nắng, chùm tia sáng mặt trời được hội tụ có thể đốt cháy tờ giấy để trước thấu kính. Sức tập trung nhờ chánh niệm cũng có những hiệu quả đáng ngạc nhiên như thế. Một Bác sĩ khi khám cho bệnh nhân, nếu có chánh niệm sẽ chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị rất hợp lý; một thầy giáo nếu giảng bài trong chánh niệm, sẽ giảng rất sinh động và truyền đạt được tất cả những gì mình muốn nói với học sinh. Ngay cả khi tiếp khách, nếu chúng ta tiếp trong chánh niệm, người khách sẽ thấy rõ sự chân thành, nồng nhiệt của ta, cho nên người có công phu thiền tập sống rất có tình nghĩa, đạo lý.

Phần đông, chúng ta đều biết bài thơ “Con cóc”, lâu nay dùng để chế nhạo những người làm thơ quá dở mà lại thích làm:

Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra

Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó

Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi.

Đứng trên góc độ của người tu Thiền, bài thơ này hay không kém thơ Haiku của Nhật bản. Vì sao dám nói như vậy? - Vì đây là cái nhìn vô tâm trên một thực tại sống động. Con cóc ở trong hang, nhảy ra, ngồi đó, rồi nhảy đi; người thấy những hình ảnh này một cách trọn vẹn, nguyên hình, bằng một cái thấy không có ý thức phân biệt nhị nguyên. Cái thấy này chính là “Đối cảnh vô tâm”, ngay đây đã là Thiền!

3. Kết quả công phu.

Thiền Kinh Niệm Xứ dạy chúng ta công phu theo tinh thần Chánh niệm và Quán niệm để Tuệ tri qua bốn lĩnh vực Thân-Thọ-Tâm-Pháp. Kết quả công phu sẽ đạt được tùy thuộc chúng ta đang ở giai đoạn nào của cuộc hành trình. Trên thực tế, sự tiến bộ tâm linh không phải được phân biệt rạch ròi và theo một chiều từ thấp lên cao, vì tâm chúng sanh vốn rất phức tạp và vô thường, nên quá trình tu hành cũng khi tiến khi lùi, lại có lúc đi vào ngả rẽ. Tuy vậy, chúng ta cần biết những kết quả chủ yếu theo từng cấp độ, được phân chia một cách tương đối, xem như những cột mốc bên đường để người bộ hành thấy rõ mình đã tiến được bao xa trên con đường vạn dặm. Các cấp độ giác ngộ sau đây, hành giả có thể trải qua, theo sự mô tả của Hòa thượng Trúc Lâm trong quyển “Thiền Tông Việt Nam cuối thể kỷ 20; chúng ta cần y cứ theo để đối chiếu.

a) Giác ngộ hạ: Vô ngã.

Trên cả 4 lĩnh vực Thân-Thọ-Tâm-Pháp, Đức Phật đều dạy chúng ta chánh niệm để nhận diện một cách thấu thể bản chất thật sự của chúng. Quán sát tường tận tất cả hoạt động và cấu tạo của thân khi sống cũng như lúc chết, tất cả chín loại cảm thọ và mười sáu loại tâm hành sanh diệt, chúng ta thấm thía đến tận cùng lý vô thường và duyên sinh của thân và tâm. Từ vô thủy, chúng ta lầm chấp thân tứ đại giả hợp này và những vọng niệm lăng xăng này là thật mình, nên bỏ tất cả công sức để bồi đắp cho thân ta, cho những sở hữu của ta; để bảo vệ cho những tư tưởng tình cảm của ta. Từ đó, chúng ta liên tục tạo nghiệp, bị nghiệp dẫn lôi nên mãi chìm đắm trong luân hồi sinh tử. Giờ đây, phản quan tự kỷ, chúng ta thấy rõ thân tâm này thật sự không có chủ tể; không đồng nhất vì nó do duyên sinh; và thật sự nó luôn biến đổi, vì vậy nó không bất biến.

Hành giả phá được si mê chấp ngã về thân và tâm là đạt được giác ngộ bậc hạ. Vị ấy sẽ không nương tựa và chấp trước một vật gì trên đời, nên không còn bị sầu bi khổ ưu não trói buộc. Vì sao được như thế? Vì thân tâm ta không thật, thì những gì thuộc về thân lại càng không thật; ngã không có giá trị gì thì ngã sở lại càng không đáng kể. Từ đó, mọi thăng trầm vinh nhục của cuộc sống, mọi khen chê của thế gian đối với chúng ta đều vô nghĩa. Chúng ta sẽ tự tại, đi trong dòng đời nhưng không bị dòng đời làm phiền não; chúng ta sẽ bước từng bước an lạc thảnh thơi và vững chãi trong cuộc sống. Chúng ta vẫn hoạt động, vẫn làm việc như mọi người, nhưng làm với tinh thần vô trú, vô trước, vô nhiễm. Khi ăn uống, chúng ta vẫn rõ biết mùi vị thức ăn, nhưng không vì ngon mà tham, không vì dở mà sanh sân hận. Chúng ta có quyền thỏa mãn những nhu cầu bức thiết của thân, nhưng không đam mê ái luyến với bất cứ dục lạc nào của trần thế. Cho nên, người tu không phải ghê sợ, chối bỏ hay phá hoại các pháp, mà phải thắp sáng chánh niệm lên tự thân các pháp để nhận diện, theo dõi và cuối cùng chuyển hóa.

b) Giác ngộ trung: Vô niệm.

Khi còn đang công phu, có lúc chúng ta an trú tâm vào hiện tại, tức có chánh niệm; nhưng cũng có lúc tâm dong ruổi theo ngoại duyên, ấy là thất niệm. Khi chánh niệm thành tựu, tâm đã đạt được sự thuần nhất, không còn khởi niệm phân biệt lúc đối duyên xúc cảnh, ấy là vô niệm, còn gọi là Chánh định. Như vậy, vô niệm không phải là diệt niệm, càng không phải là không còn biết gì hết. Chính vì biết niệm khởi chỉ là vọng tưởng không thật, nên chúng ta đã giác, nên ngay trong niệm mà vô niệm. Có thể nói, chánh niệm là tỉnh giác trong đương niệm, là bí yếu để nắm bắt được thực tại ngay trong dòng sinh diệt của đương niệm, cho nên nó phù hợp với dòng lưu chuyển sinh diệt của các pháp. Các pháp luôn luôn biến đổi vô thường, nếu chúng ta tỉnh giác trong đương niệm là hòa nhập với sự sinh diệt của các pháp; như thế không phá hoại các pháp mà vẫn ở trong định: đây là chánh định, là thường định, là chơn định.

Lĩnh vực thứ tư trong bài kinh là quán pháp trên các pháp. Hành giả quán xét tất cả các pháp từ hữu hình đến vô tướng, từ bên trong thân tâm đến mọi sự vật bên ngoài, từ pháp thế gian đến pháp xuất thế... Quán xét đến tận cùng nguồn cội của vũ trụ vạn hữu, hành giả thấy rõ tất cả đều do duyên hợp, nên tánh nó là không. “Không” ở đây chẳng phải không ngơ, vì là duyên hợp nên giả có. Tất cả chúng sanh, tất cả các pháp đều bình đẳng ở tự tánh Không này - Không, nhưng chẳng phải là không, nên mới gọi “Chân không”. Đây là tinh thần của “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” trong bài Tâm Kinh Bát Nhã, và cũng là cổng vào của nhà Thiền!

Có một vị Tăng đọc bài kệ của Thiền sư Ngọa Luân:

“Ngọa Luân có tài khéo                

Hay đoạn trăm tư tưởng

Đối cảnh tâm không sanh

Bồ đề ngày càng lớn”.

Câu cuối khiến ta liên tưởng đến bài kệ trình kiến giải của Giáo thọ Thần Tú, trong đó có câu “Thân như cây Bồ đề”. Nhưng Bồ đề là giác, làm gì có hình tướng mà bảo lớn hay nhỏ? Thêm nữa, Ngọa Luân cho tư tưởng là thật nên tìm cách diệt trừ, khi đối cảnh cũng dùng lối đè nén không cho khởi niệm. Đây là lối tu diệt niệm, không đúng đường lối của Tổ Sư Thiền. Do vậy, Lục Tổ đọc lại bài kệ:

“Huệ Năng không tài khéo

Không đoạn trăm tư tưởng

Đối cảnh tâm thường sanh

Bồ đề làm gì lớn”

Chính đây là tinh thần của “Xưa nay không một vật”, vì không phải một vật nên không có bụi nào làm ô nhiễm. Thấu triệt được sự bình đẳng nơi tự tánh Không của tất cả các pháp, chúng ta sẽ phát tâm đồng thể đại bi. Vì ta và chúng sanh muôn loài đều cùng một tự thể, nên tự nhiên ta có một tình thương vô hạn đối với tất cả chúng sanh đang còn đắm mình trong vòng tục lụy, chỉ biết tìm an ủi trong những thú vui tạm bợ thế gian mà không biết sự an lạc vĩnh cửu xuất thế. Một người mắc bệnh phong, lúc cơn ngứa ngáy nổi lên hành hạ, phải dùng lửa than rừng thật nóng để hơ khắp người mới đỡ ngứa. Khi được điều trị khỏi, cũng chính người ấy không chịu được sức nóng của hố than lửa kia. Và khi thấy người khác đang trải qua những nỗi thống khổ tương tự như mình trước đây, người ấy có một sự đồng cảm và tình thương vô bờ đối với họ. Chư Phật và Bồ tát cũng vậy, các Ngài thương tất cả chúng sanh vô minh đang quay cuồng trong ngũ dục mà không biết lửa vô thường luôn luôn thiêu đốt. Vì thế, các Ngài phát đại nguyện lăn lộn trong ba cõi sáu đường, độ tận chúng sanh khỏi cảnh trầm luân sinh tử.

c) Giác ngộ thương: Tri hữu.

Con người thường tự hào cho mình là chúa tể của muôn loài muôn vật, tự hào với kiến thức uyên bác thế gian. Nhưng nếu biết rõ ràng mọi sự việc bên ngoài, kể cả những bí mật của vũ trụ bao la, mà không biết được con người thật của chính mình, thì sự hiểu biết ấy chưa phải là rốt ráo. Mục đích cuối cùng của Thiền Kinh Niệm Xứ, cũng như của tất cả lời dạy của Đức Phật và chư Tổ, là giúp chúng sanh phát hiện được cái chân thật trong thân tâm giả tạm, cái chân thường trong vô thường, cái vô sanh trong sanh diệt, và cái minh triết tối thượng trong vô minh. Muốn đạt được mục đích ấy, không phải chạy tìm cầu bên ngoài, mà chúng ta phải xoay lại nhìn một cách thấu thể chính bản thân mình. Đây là con đường nội nhiếp, là ý nghĩa của hai chữ “Tuệ tri” mà chúng ta đã khảo sát ở trên.

Trong suốt toàn bộ bản kinh, chúng ta thấy Đức Phật rất chú trọng cái BIẾT của chánh niệm tỉnh giác, qua mọi khía cạnh của Thân-Thọ-Tâm-Pháp. Thực tập chánh niệm là Thiền, thành tựu chánh niệm là Định. Thiền như một diễn trình, Định là kết quả của diễn trình đó. Tâm an định sẽ thấu biết tận cùng bản thể của muôn sự muôn vật; đây là cái biết trùm khắp và hằng hữu, không lệ thuộc thời gian và không gian. Có Định tức có Huệ nên Định - Huệ đồng thời, rất phù hợp với tư tưởng của Lục Tổ, và cũng là yếu chỉ của Thiền Tông. Một lần nữa, chúng ta lại thấy, cốt lõi của bài kinh này có khác gì tinh thần của pháp môn Thiền Đốn ngộ?

Khi vua Lý Thái Tông hỏi thiền sư Thiền Lão, trụ ở núi này đã bao lâu. Ngài trả lời vua bằng hai câu thơ:        

“Đản tri kim nhật nguyệt

Thùy thức cựu xuân thu”.

(Chỉ biết ngày tháng này

Ai rành xuân thu trước)

Vua hỏi tiếp: “Hằng ngày Hòa thượng làm gì?” Ngài đọc tiếp hai câu:

“Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân”.

(Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong mây bạc hiện toàn Chân).

Có chánh niệm, luôn luôn an trú tâm vào giờ phút hiện tại, Thiền sư đâu cần biết gì đến xuân thu trước. Và chánh niệm thành tựu là có chánh định, tự dưng trí huệ phát sinh. Do tâm thanh tịnh sáng suốt nên Thiền sư nhìn mọi cảnh vật đều thấy tự thể chân thật của chúng, vì tâm chân nên vạn pháp đều chân. Lúc ấy, tất cả tiếng đều là tiếng Phật, tất cả pháp là pháp Phật.

Khi thực sự sống trọn vẹn với chân tâm thường trụ của chính mình, hành giả sẽ luôn luôn sinh động để nắm bắt thực tại ngay trong cuộc vận hành của các pháp, như một cái gương sáng chiếu soi một cách tự nhiên tất cả sự vật ở trước nó. Sự hiện diện của các vị đã chứng ngộ, dù thuận hay nghịch hạnh, cũng làm cuộc sống có nhiều sinh khí, nhiều màu sắc. Các Ngài tung hoành tự tại, làm ngược làm xuôi nhưng vẫn ở trong đạo lý, sử dụng nhiều phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sanh. Đây là diệu dụng của tự tánh. Các Ngài không diệt vọng mà liễu vọng, nên mới vận dụng được vọng niệm trở thành đại cơ đại dụng; vì thế mới có Đơn Hà đốt tượng Phật, Nam Tuyền chém mèo... để khai thị chân lý Thiền. Các Ngài tùy cảm tùy ứng, gặp việc thì làm nhưng không thấy có người làm, không có việc để làm và không có đối tượng của việc làm; chính là Tam luân không tịch. Tinh thần Ba-la-mật là ở chỗ ấy và cũng là tinh thần Như huyễn của Phật giáo Đại thừa: Dùng thân như huyễn, thị hiện vào các cõi như huyễn, thực hiện các phương tiện như huyễn, độ chúng sanh như huyễn; cuối cùng thành Phật như huyễn. Các Ngài không còn bị sanh tử chi phối nhưng vẫn ra vào sanh tử, vì không thấy có phiền não để thoát ra, có Niết-bàn để đạt đến. Nếu chúng ta biết một cách thấu thể và trở thành một với tất cả các pháp, nếu chúng ta có thể uyển chuyển theo dòng sinh diệt của vũ trụ, tức “Tuệ tri”, từ ngữ của bài kinh này, ta cũng sẽ thấy, phiền não tức khắc trở thành Bồ đề, bởi vì thể tánh của muôn pháp đều bình đẳng, không hai không khác.

4. Kết luận.

Thiền Kinh Niệm Xứ là con đường độc nhất giúp chúng ta trở về quê nhà muôn thuở của chính mình. Trọng tâm của bài kinh là Chánh niệm và Quán niệm. Chánh niệm là luôn an trú trong giờ phút hiện tại; Quán niệm là quán sát một cách thấu thể về tất cả các lĩnh vực Thân-Thọ-Tâm-Pháp. Muốn có chánh niệm và quán niệm, chúng ta phải có đời sống Thiền tập.

Nhà Thiền đã nói “Đạo tại nhãn tiền”. Đạo ở ngay trước mắt, đạo ở trong tất cả mọi sự mọi vật nhưng lâu nay chúng ta không thấy, vì tâm mãi dong ruổi theo trần cảnh ngoại duyên. Nếu có chánh niệm, lắng sâu tâm thức vào giờ phút hiện tại, chúng ta sẽ nghe tất cả các pháp cất tiếng vi diệu nhiệm mầu. Mọi bí mật của vạn hữu sẽ mở toang cho chúng ta hiểu rõ được tận cùng uyên nguyên của chúng. Có chánh niệm, chúng ta sẽ đi trong cuộc đời một cách vững chãi thảnh thơi, tự tại trước bao thăng trầm vinh nhục của cuộc sống; chúng ta sẽ thấy giải thoát là một điều rất tự nhiên và có sẵn ngay trong trần thế, chứ không cần tìm ở một nơi chốn nào xa xôi. Có chánh niệm, tất cả mọi việc làm hàng ngày của chúng ta là những hành động của Thượng đế; niềm an lạc của chúng ta sẽ tương đồng với niềm vui vĩnh cửu của chư Phật - Bồ tát mười phương.

Luôn đặt tâm vào giờ phút hiện tại, chúng ta sẽ nhận ra trong vô thường có cái chân thường, trong bình thường có cái phi thường, nên đời sống lý tưởng cũng nằm ngay trong thế giới hiện thực khổ đau này. Mười phương chư Phật ba đời cũng chỉ ở tại đây và bây giờ. Đức Phật Thích Ca hiện vẫn còn đang thuyết pháp nơi hội Linh Sơn. Chúng ta sẽ thẩm thấu được ý nghĩa “Nhất niệm vạn niên” hay “Núi Tu di nằm trong hạt cải”. Luôn đặt tâm vào giờ phút hiện tại, chúng ta sẽ biết rõ ta là ai, cuộc sống là gì; chúng ta sẽ có sức sống rạt rào và có ý thức hiến dâng, biết sống trọn vẹn cho mình và cho mọi người. Trí huệ thường đi kèm với Từ bi, do đó phát sinh Hạnh nguyện. Có hiểu mới có thương; vì chúng ta đã có sự hiểu biết thâm sâu trong tận cùng tâm tư và tình cảm của người khác, nên chúng ta sẽ có lòng thương bình đẳng và bao dung đối với tất cả mọi người còn lặn hụp trong biển khổ sinh tử, dù người ấy đang ở địa vị cao sang tột bực hay tận cùng sự nghèo hèn trong xã hội. Đây chính là Vô duyên từ của các bậc Bồ tát.

Một điều cần nói thêm: Một học sinh miệt mài trên sách vở, là muốn sau này đỗ đạt thành tài và tìm được việc làm thích hợp. Thường thì học sinh ấy không biết rằng, khi đang học là mình đã có tri kiến ngay trong giờ phút hiện tại, đã có niềm vui khi hiểu biết được điều gì mới lạ. Chính niềm vui ấy kích thích cho mình say mê học tập nghiên cứu. Cũng vậy, một hành giả đang công phu, cũng phải xây đắp niềm an lạc ngay bây giờ và ở đây. Thế giới Cực Lạc không phải hiện diện trong cõi chết, mà có mặt ngay trong giờ phút này, khi chúng ta có chánh niệm. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ khuếch đại tự do ngay trong cuộc sống đau khổ, đầy dẫy phiền não vô minh.

Nhà Thiền rất chú trọng đến “cái bây giờ tuyệt đối”, tức cái “đang là”. Chúng ta là thiền sinh, cần nghiên cứu kỹ lời Phật dạy rồi áp dụng vào công phu; chúng ta sẽ khám phá được nhiều điều mới mẻ mà quyển sách này không chuyển tải được hết. Bởi vì Thiền không do người khác trao cho, cũng không do ý thức mà hiểu biết. Thiền là phải thể nhập vào thực tại, sống trọn vẹn với thực tại, để chính mình có thể hòa với vũ trụ vạn hữu thành một thể nhất như.

Xin nguyện cầu cho tất cả chúng ta và muôn loài chúng sanh, đều được hưởng sự bình an vĩnh cửu trong thế giới đại đồng ấy của chư Phật - Bồ tát./.

Các tin đã đăng: