Triết học
Con đường dẫn đến giác ngộ Đại thừa Khởi Tín Luận
Tác giả: MÃ MINH - Dịch & giải: Chân Hiền Tâm
09/03/2553 08:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phần lợi ích và khuyên tu

Đã nói về phần Tu Hành Tín Tâm, giờ nói về phần Lợi Ích Và Khuyên Tu.  Như vậy tôi đã nói toàn bộ về Đại thừa, bí tàng của chư Phật. 

ĐÃ NÓI … là kết phần trước, giới thiệu phần này. BÍ TÀNG là kho tàng bí mật của chư Phật, chính là Đại thừa. Đây là lời tổng kết của Luận chủ. Những gì là bí tàng của Như Lai ngài đã nói tất cả nên nói NÓI TOÀN BỘ. 

Nếu có chúng sanh muốn vào cảnh giới thậm thâm của Như Lai, được sanh chánh tín, xa lìa phỉ báng, bước vào con đường Đại thừa thì phải trì luận này, tư lương, tu tập. Cuối cùng sẽ đạt được đạo vô thượng.

Đây là điều kiện để bước vào cảnh giới thậm thậm của chư Phật. CẢNH GIỚI THẬM THÂM ấy là chân tâm diệu minh của mỗi chúng sanh, là chỗ thâm sâu tối cùng của Đại thừa. TRÌ là giữ gìn, nắm chặt. TRÌ LUẬN NÀY là muốn nói đến việc nhận lãnh, thọ trì quyển luận. TƯ LƯƠNG là tư duy, suy nghĩ. TU TẬP là thực hành những điều đã tư duy ấy. Ngài Hám Sơn nói “Trì tức là văn tuệ, tư lương tức là tư tuệ, tu tập tức là tu tuệ”. Đầy đủ 3 điều ấy thì ĐƯỢC ĐẠO VÔ THƯỢNG, chính là cảnh giới thậm thâm của Như Lai nói trên. 

Nếu người nghe pháp này rồi mà chẳng sanh khiếp nhược thì phải biết, người này quyết định nối tiếp dòng giống Phật,  tất được chư Phật thọ ký.

Đây hiển bày lợi ích của văn tuệ. NGHE PHÁP NÀY, là nghe về pháp Đại thừa. Pháp này cũng có thể hiểu là bản thân quyển luận đây, với đầy đủ 2 phần LÝ và SỰ ... Nghe cả LÝ và SỰ như thế mà không sợ hãi thì người này quyết định nối tiếp dòng giống Phật và được chư Phật thọ ký.

KINH SỢ là thế này, như có vị nghiên cứu Phật pháp rất lâu, tánh không duyên khởi luận cũng rất dữ, đời sống khi nào cũng nói tùy duyên, nhưng vừa nghe đến việc buông vọng tưởng, giữ giới cấm của Như Lai đề ra, [42] liền quảy gót dời chân. Nghĩa là, nghe cái ngoài da của Đại thừa thì kham được, mà nhắc đến cái ruột rà của Đại thừa thì thối thân. Song không có cái ruột ấy thì lấy gì làm THỪA để mà nói ĐẠI? Đó là một dạng kinh sợ gọi là … vi tế. Ngoài ra, không thấy sợ hãi nhưng nghe đến pháp này mà vội né xa, dửng dưng, hoặc mới nghe đi chùa, tu hành, ăn chay, niệm Phật mà mặt đổi sắc … Những dạng như thế đều thể hiện cho cái kinh sợ này. 

Song vì sao lại kinh sợ? Vì pháp này là chỗ khó tin khó nhận, vượt quá những suy nghĩ thường tình của người đời. Vì nói đến pháp này là nói đến việc hành trì tu tập bất kể thời gian và trải dài sanh tử không nhàm mỏi để bạt khổ cho chúng sanh. Không phải là người có túc căn sâu dày thì không thể không sợ hãi. Thành câu nói thấy thì đơn giản nhưng nghĩa lý của nó rất sâu. Nó nói lên quá trình huân tập sâu dày của người tu, không phải là chuyện một ngày một bữa. Cho nên, KHÔNG SỢ HÃI PHÁP NÀY thì biết chắc chắn sẽ NỐI TIẾP DÒNG GIỐNG PHẬT vậy. 

Giả sử có người giáo hóa chúng sanh đầy cả tam thiên đại thiên thế giới, khiến họ hành thập thiện, chẳng bằng có người trong khoảng một bữa ăn suy nghĩ chín chắn pháp này. Công đức của người này vượt hơn người trước chẳng thể lấy gì ví dụ.

Đây là công đức của người để tâm tư duy về pháp này. Dạy người hành thập thiện không bằng để tâm suy nghĩ chín chắn pháp này vì Thập thiện thuộc phúc báu trời người, còn suy nghĩ chín chắn pháp này tức đang gieo cái nhân để có cái quả là công đức pháp tánh. Công đức pháp tánh thì vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, nên nói “CÔNG ĐỨC CỦA người này vượt hơn người trước chẳng thể lấy gì ví dụ”. 

Chưa tu tập mà chỉ mới suy nghĩ chín chắn về pháp này, công đức đã hơn hẳn bậc thiện tri thức dạy người hành thập thiện. Người hành thập thiện thì công đức sao bằng bậc thiện tri thức dạy người? Huống là chưa hành được thập thiện mà chỉ mới làm phúc, bố thí? Song ai cũng thích làm phúc, bố thí hơn là suy nghĩ chín chắn pháp này trong khoảng một bữa ăn. Vì làm phúc bố thí thì dễ mà vui, đọc kinh đọc luận thì khó thành ngán. Chẳng qua là vì làm phúc bố thí thuận với cái động của tâm. Tập trung suy nghĩ chín chắn pháp này là phải gom cái động ấy vào một chỗ. Song không lẽ nói khó rồi mình chỉ lấy việc làm phúc, bố thí hay công quả làm kế sinh nhai cho vạn kiếp về sau?

Không có thứ gì bước vào mà làm được ngay. Phải có thời gian huân tập. Phải nắm được ý nghĩa và tác dụng của từ HUÂN TẬP mà luận đã nói đây. Như ngồi thiền, lúc đầu ngồi liền 30 phút hay 1 tiếng thì không thể ngồi được. Nhưng nếu ngồi 5 hoặc 10 phút thì không phải chuyện khó làm. Chỉ cần có quyết tâm là làm được. Ngày nào cũng cố gắng như vậy. Quen rồi thì từ từ lên 20 phút, 30 phút v.v... Cũng chỉ tập trung theo dõi hơi thở cho nhuần nhuyễn thì chưa có gì khó khăn ... Huân tập một ngày một ít như thế thì thứ gì cũng thành dễ dàng. Ngồi được 2 tiếng lúc nào không hay. Đó là nói về ngồi thiền, khó hơn việc suy nghĩ chín chắn nói đây. SUY NGHĨ CHÍN CHẮN là ngồi đọc từng lời từng chữ của Tổ dạy một cách cặn kẽ, ngẫm cho được nghĩa lý của Như Lai nói. Ngẫm chưa ra thì để đó, từ từ lấy sự tu tập làm phương tiện sáng tâm rồi ngẫm tiếp. Phần nào dễ như Tu Hành Tín Tâm, Nhân Duyên tạo luận hay Lợi Ích và Khuyên Tu thì đọc trước, phần nào khó để đó đọc sau. Đọc kinh luận thì không thể như đọc tiểu thuyết của Quỳnh Dao hay kiếm hiệp của Kim Dung, nên cũng phải áp dụng như phương pháp ngồi thiền trên. Lúc đầu chỉ cần đọc 1/2 trang là đủ. Đọc 1/2 trang dễ rồi thì đọc lên 1 trang. Cứ vậy mà tập trung đọc từ từ và bắt đầu áp dụng tu tập. Hiện tại làm ít mà công đức nhiều. Tương lai còn được cái vui rốt ráo.

Thấy khó mà không huân tập thì cứ ngang đến mức làm phúc, bố thí hay công quả là hết. Phúc dù đầy đủ bao nhiêu mà không đủ chánh kiến thì chưa chắc đã lên được cõi trời. Khi chết mà bốc đồng lại rơi vào hoàn cảnh chú voi nhà giàu thời đức Phật. Song được phúc cõi trời cũng chưa hẳn tốt, vì ở đó mình không có cơ hội làm phúc tiếp tục để có lương thực cho những kiếp về sau. Hết phúc lại chui vào đường dữ. Không bằng suy nghĩ pháp này, một ngày vài dòng, rồi lên một ngày vài trang … cứ vậy mà huân tập dần. Động bao nhiêu dần dần sẽ thành tịnh. Khó bao nhiêu dần dần cũng thành dễ. Kiếp này huân tập được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Có huân tập thì kiếp sau sẽ có đà huân tập tiếp. Giờ thấy khó bỏ mặc thì không bao giờ có thể chín chắn suy nghĩ pháp này.

Lại nữa, nếu người thọ trì luận này, quán sát tu hành trong một ngày một đêm thì có vô lượng vô biên công đức chẳng thể nói được. Giả như tất cả chư Phật ở mười phương đều tán thán công đức của người này trong vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp cũng chẳng thể hết. Vì sao? Vì công đức pháp tánh thì vô tận. Công đức của người ấy cũng lại như thế, không có bờ mé. 

Đây là công đức của người thực hành tu tập pháp này. Nêu một ngày là để thấy công đức ấy to lớn thế nào nếu chúng ta thực hành tu tập trong vô lượng vô biên kiếp. Công đức ấy không có bờ mé.

Có chúng sanh nào, đối với luận này, hủy báng chẳng tin, sẽ bị tội báo qua vô lượng kiếp, chịu vô vàn khổ não. Cho nên, chúng sanh chỉ nên kính tin, chẳng nên hủy báng. Vì chỉ hại mình cũng hại cả người, đoạn tuyệt tất cả hạt giống Tam bảo. Bởi tất cả Như Lai đều nương pháp này mà được niết bàn, tất cả Bồ tát nhơn đây tu hành mà được nhập Phật trí. 

Nghe, suy nghĩ, thực hành có công đức vô lượng thì không nghe, không suy nghĩ, không thực hành sẽ không có công đức. Nếu thêm cái tật HỦY BÁNG CHẲNG TIN thì sẽ chịu tội báo qua vô lượng kiếp, chịu vô vàn khổ não. Vì thiện nghiệp tùy thuận với pháp tánh chân như. Nếu hủy báng chẳng tin thì chẳng hành thiện nghiệp, không hành thiện nghiệp thì quả báo ở 3 đường dữ không tránh khỏi, nên nói “HỦY BÁNG CHẲNG TIN sẽ chịu tội báo qua vô lượng kiếp, chịu vô vàn khổ não”. 

Kinh là lời Phật nói, luận là lời Tổ nói … nếu chẳng tin, tức không tin vào Tam bảo, nên nói “ĐOẠN TUYỆT tất cả hạt giống Tam bảo”. Vì những cái hại nêu trên mà “Chúng sanh chỉ nên kính tin, chẳng nên hủy báng”. Nói chung, những gì mà chư Phật Tổ đã nói thì dù chưa tin, mình cũng không nên phỉ báng. KHÔNG NÊN PHỈ BÁNG, vì cái thấy của mình hiện nay bị hạn chế rất nhiều chứ không phải những điều ấy không có. Như kẻ mù không thể thấy mặt trời, không phải là mặt trời không có. Cho nên “Chỉ nên kính tin, chẳng nên hủy báng”. 

Phải biết, Bồ tát quá khứ đã y pháp này mà được thành tịnh tín. Bồ tát hiện tại cũng y pháp này mà được thành tịnh tín. Bồ tát vị lai sẽ y pháp này mà được thành tịnh tín. Vì vậy, chúng sanh cần nên tu học.

PHẢI BIẾT… là nhấn mạnh lại tác dụng của pháp Đại thừa - cũng như chính quyển luận này - để thấy vì sao chúng sanh cần phải tu học. Vì không có pháp nào ngoài pháp này có thể khiến chúng sanh thoát khổ thành Phật. Nên Bồ tát trong 3 thời đều phải nương pháp này đến đất Như Lai. TỊNH TÍN là niềm tin thanh tịnh, chỉ cho nhân Phật tánh, là nhân để có quả là niết bàn Phật.

Nghĩa lý thậm thâm quảng đại của chư Phật
Nay tôi tùy thuận tổng trì thuyết 
Hồi hướng công đức như pháp tánh này
Lợi ích khắp tất cả cõi giới chúng sanh

NGHĨA LÝ THẬM THÂM QUẢNG ĐẠI là những gì đã được nói trong phần Lập Nghĩa và Giải Thích. TỔNG TRÌ, tiếng Phạn là Đà la ni, là niệm tuệ lực có khả năng chấp trì vô lượng Phật pháp không để mất. Nay Tổ tùy thuận niệm tuệ lực ấy mà lập ra quyển luận này. Nói cách khác, quyển luận này là giáo pháp được lưu xuất từ pháp tánh chân như. Công đức có được đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh ở khắp các cõi. 


Đại Thừa Khởi Tín Luận 
Hết phần II 

Sách tham khảo 

1. Đại Thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Ký của ngài Hiền Thủ.
2. Đại Thừa Khởi Tín Luận Trực Giải của ngài Hám Sơn.
3. Đại Thừa Khởi Tín Luận Giảng Ký của H.T Ấn Thuận.
4. Lăng Già Tâm Ấn - Bản dịch của H.T Thanh Từ.
5. Thập Nhị Môn Luận - Bản dịch của H.T Thanh Từ.
6. Luận Tọa Thiền - Bản dịch của H.T Nhật Quang.
7. Thủ Lăng Nghiêm - Bản dịch của T.T Phước Hảo.
8. Thành Duy Thức Luận - Bản dịch của H.T Thiện Siêu.
9. Luận Tân Duy Thức - Bản dịch của H.T Thiện Siêu. 
10. Từ Điển Phật Học Hán Việt - Viện Nghiên Cứu Phật Học.
11. Từ Điển Phật Học Huệ Quang - tập I. 

CHÚ THÍCH

01 6 vị còn lại là Long Thọ, Đỗ Thuận, Trí Nghiễm, Pháp Tạng, Trừng Quán, Tông Mật. 
02 Lời của ngài Hám Sơn. 
03 Kinh Hoa Nghiêm.
04 ‘Kho vô lượng công đức’ đây có vị cho nó thuộc về ‘Bậc như thật tu hành’. Song ‘Bậc như thật tu hành’ có đến 10 địa. Công đức theo đó mà bị hạn cuộc khi nhiễm chưa hoàn tịnh hoàn toàn. Nên đây giải thích ‘kho vô lượng công đức’ thuộc phần ‘pháp tánh chân như’. 
05 Phần này sẽ được khai triển rộng trong phần Tu Hành Tín Tâm. 
06 Lời của ngài Hám Sơn.
07 Cũng là dụng mà dụng của nghiệp lực, không phải dụng chân như. 
08 Đều được khai triển rộng ở phần Thập Địa sau.
09 Luận Thành Duy Thức. Bản dịch của H.T Thiện Siêu. Phần ghi chú.
10 Thành Duy Thức Luận. 
11 Nên cái định của các vị có tên là “Diệt thọ tưởng định”. Thọ và tưởng thuộc về hành. Phần chân thức không có duyên để khởi thành tưởng như không, nhưng không phải không. Rất nhiều người đã lập luận rằng “Hành không thì thức không”. Lập luận như vậy là trái với tinh thần NHÂN QUẢ của nhà Phật. Trong điều kiện không gian và thời gian thứ lớp rõ ràng thế này thì NHÂN diệt QUẢ mới diệt, chứ QUẢ diệt chưa chắc NHÂN đã diệt. Như đốn gốc thì phần cây lá chắc chắn chết theo. Nhưng chỉ đốn phần cây lá thì chưa chắc gốc rễ đã chết. THỨC không thì chắc chắc HÀNH không, nhưng HÀNH không thì THỨC chưa hẳn không. Cho nên, trong kinh Trung Bộ, với vòng hoàn diệt khi nào Phật cũng nói “Vô minh diệt nên thức diệt, thức diệt nên hành diệt …”. Không có bài pháp nào là “Hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên vô minh diệt …” cả. 
12 Gọi là tế vì so với cái thô ở đây. Còn luận đây đều gọi 2 tướng TRÍ và KẾ này là phân biệt thô. Để phân biệt, phần này có thêm tướng CHẤP TRƯỚC. Cái thấy “Có sanh tử đáng lìa, niết bàn đáng nhập” của Nhị thừa là biểu hiện cho phần Trí Tướng này. 
13 Tương tục này, kinh Lăng Già phân thành 11 loại, thuộc sở tri chướng.
14 Sở giác là “chỗ bị giác” tức chỉ cho tướng trụ, tướng dị, tướng diệt. Năng giác chính là giác. 
15 Lời của ngài Hiền Thủ.
16 Vì thế, Trung Quán Luận Phá Nhân Duyên, Nhân Quả để hiển tinh thần Duyên Khởi giữa Nhân và Duyên, giữa Nhân và Quả. 
17 Mượn công đức thiện căn làm lương thực giúp mình đạt thánh quả gọi là TƯ LƯƠNG. Tư lương này có 2 : Phúc đức tư lương và Trí đức tư lương, tương đương với phước huệ song tu. Phương tiện để đạt được những thiện căn đó gọi là GIA HẠNH. Không gọi phương tiện mà gọi là gia hạnh vì những phương tiện ấy chưa phải là phương tiện thiện xảo của Phật quả. 
18 Giác tam muội : là loại thiền định giúp người đạt được quả Phật. 
19 DIỆU PHÁP nói trên là chỉ cho giáo pháp của Như Lai, thuộc phần Tục đế. DIỆU PHÁP THÂM SÂU này là chỉ cho việc chứng ngộ bản tâm, thuộc Đệ nhất nghĩa đế. 
20 Tích ngài Văn Thù Sư Lợi hóa thân thành người đàn bà bụng mang dạ chửa, cùng 2 con nhỏ và chú chó đến xin ăn tại một đàn tràng bố thí nọ, giúp vị Hòa thượng phá đi tâm phân biệt trong việc bố thí. 
21 Do tính chất này của bản giác mà chư Phật Tổ đã dạy người bất động với ngoại cảnh, để thuận dần với tâm chân thật của mình. 
22 Kinh Lăng Nghiêm nói “Giác không phải sở minh. Nhơn minh lập sở. Sở đã vọng lập liền sanh cái vọng năng của ông”. Sở là sở minh. Vọng năng là chỉ cho Năng Kiến. Nói vậy, in tuồng như năng trước sở sau. Thật ra là muốn nhấn mạnh sở minh là nhân để biết vọng năng đã xuất hiện, như y Năng Kiến mà có Cảnh Giới Tướng vậy. 
23 Kinh Lăng Nghiêm – Ma sự thuộc thức ấm
24 Thủ Lăng Nghiêm, thiền sư Hàm Thị trực giải.
25 Kinh Lăng Già cũng phân thành 2 loại : Một là sự tương tục của dòng vọng niệm. Một là sự tương tục của sanh tử.
26 Alaida có 2 phần là giác và bất giác.
27 Sở kiến : Chỉ cho Cảnh Giới Tướng
28 Thành Duy Thức Luận – Bản dịch của H.T Thiện Siêu, trang 322.
29 Duy Thức Học gọi loại cảnh được nhận biết y như chính nó này là TÁNH CẢNH, là loại cảnh không bị ý thức làm biến dạng thành đẹp, xấu, vui, buồn hay biến thành những vật bị đóng khung bởi sự so sánh. Loại tánh cảnh này được gọi là HỮU CHẤT TÁNH CẢNH. Còn một loại tánh cảnh nữa là VÔ CHẤT TÁNH CẢNH, chỉ cho thật tánh chân như. 
30 Đây là khoảnh khắc mà cái thấy chưa bị trí phân biệt chi phối. Sát na đầu này là chỗ hành giả tu thiền cần trực nhận, rồi y cứ đó mà tu để bỏ dần trí phân biệt khi đối duyên xúc cảnh. Cảnh được trực nhận ngay sát na đầu ấy chính là loại HỮU CHẤT TÁNH CẢNH nói trên. 
31 Loại phim khoa học giả tưởng hiện nay là một điển hình. Những cảnh thuộc nhớ và tưởng được nói đây, Duy Thức gọi chung là “Độc ảnh cảnh”.
32 Như nhìn anh A rồi khởi lên ý niệm “Anh A mập ra”. Có niệm “mập” ấy là do lấy cái “ốm” của anh A trước đây làm nền tảng để so sánh. Đây là chỗ mà kinh nói “Thấy biết dựa trên thấy biết là gốc của vô minh”. 
33 Bất cứ những gì hiện lên trong tâm, biết mà buông là đang phá dần vào phần ý thức này. 
34 3 tánh : biến kế, y tha và viên thành.
35 Thành Duy Thức Luận.
36 LÂU XA, có thể chỉ trong một kiếp mà cũng có thể là vô số kiếp về sau. Đây là tùy theo chủng tánh tu hành được huân tập trước đây của mỗi người. 
37 Phần này đã được giải thích rõ ở 9 tướng bất giác.
38 Phần nói của ngài Hám Sơn đây không để trong dấu ngoặc kép vì đã được sắp xếp, tóm những ý cần thiết để người đọc dễ nhận hiểu vấn đề, nhưng ý thì hoàn toàn không khác. 
39 Chóng được bất thối giải thích ở đây là thấy được nhân Phật tánh mà gọi là bất thối. Còn căn cứ theo địa vị bất thối đang nói đây - chỉ cho việc nhập chánh định tụ tương ưng với địa vị cuối Thập Tín sang Thập Trụ - thì câu trên phải hiểu là “Do tâm được trụ mà tùy thuận được với chân như tam muội, dẹp sâu phiền não. Do tâm được trụ mà tín tâm tăng trưởng, chóng được bất thối”. 
40 Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới.
41 Chỉ tình trạng lùng bùng, nặng nề hay hơi thở không thông … Đây là do nhiếp tâm vọng động vào một niệm A Di Đà mà ra.
42 Kinh Lăng Nghiêm nêu 3 giới cấm chính là chẳng sát, chẳng đạo, chẳng dâm và khuyên giữ gìn chay tịnh.