Triết học
Lịch Sử Tư Tưởng và Triết Học Tánh Không
Tác giả: Thích Tâm Thiện
27/02/2553 11:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời Dẫn

LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG

VÀ TRIẾT HỌC TÁNH KHÔNG

Thích Tâm Thiện

Nhà Xuất Bản TP. Hồ chí Minh 1999

---------o0o------

Có thể nói rằng "Tánh Không luận" là một hệ thống triết học đặc thù của Phật giáo trong thời kỳ phát triển. Sự xuất hiện của nó như là một dấu ngoặc vĩ đại, mở ra trang sử-tư tưởng mới cho các hệ thống triết học Phật giáo Ðại thừa, mà khúc dạo đầu chính là hệ thống kinh tạng Bát Nhã ; rồi sau đó, Long Thọ, qua triết học Trung Quán, đã dệt nên chương "khải hoàn" cho tiến trình lịch sử tư tưởng và triết học Tánh Không. Ðây chính là một bước chuyển y (Paràvrtti) kỳ vĩ và hết sức táo bạo trong lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Ðộ, kể từ thế kỷ thứ II. TL sau Phật diệt độ mãi cho đến thế kỷ thứ VII, khi Nguyệt Xứng (Candrakìrti) hoàn thành hệ thống triết học Trung Quán.

Sự ra đời của Tánh Không luận đã đánh đỗ mọi học thuyết đương thời qua tiền đề "Nhất thiết pháp không" (Sarvadharma Sùnyatà) của nó, một thứ tiền đề được mang tên là Phủ định biện chứng, Phủ định liên hổi, Phủ định cái phủ định ; và cuối cùng, là phủ định luôn cả sự hiện hữu của chính nó.

Ðối diện với Tánh Không luận, độc giả hoặc là bị cuốn hút vào thế giới của hư vô không tận, nơi mà mỗi mỗi hiện hữu đều là không, tất cả đều là không, cái không bao trùm lên tất cả từ thế giới ý niệm cho đến thế giới hiện thực, như một miền vĩnh tịch cô liêu ; hoặc là sẽ một phen thể nhập vào dòng trôi chảy của thực tại, một thứ thực tại bất khả thuyết bởi ngôn ngữ, đang nở nụ trưng bày giữa lòng hiện hữu - đấy là "thực tại-Tánh Không".

Nhưng trái lại, cái kỳ vĩ của Tánh Không luận không phải là động lực đẩy đưa đến một sự diệt tận hay phủ quyết sạch trơn, mà là khả tính năng động, vô biên và nhiệm mầu của nó. Nói theo ngôn ngữ của Long Thọ : "Tất cả đều hợp lý vì hợp lý với Tánh Không, tất cả không hợp lý vì không hợp lý với Tánh Không". Cái "hợp lý" ở đây chính là lý do hiện hữu (raison d'être) của nhất thiết pháp. Nếu không có nó, thì mọi thứ cơ đổ của trần gian này từ các loài vô tình cho đến hữu tình đều trở nên trơ lì, thụ động và không còn khả năng vận hành, như sự trôi chảy tương tục của dòng sông. Như thế, nếu phủ nhận Tánh Không, là phủ nhận khả tính sinh khởi và vận hành của thế giới thực tại khách quan-hiện hữu với/giữa muôn ngàn sai biệt đa thù. Nhưng nếu thừa nhận Tánh Không như một định tính cố hữu, đích thực, thì thế giới tương quan duyên khởi này bỗng phút chốc hóa thành lầu đài xây trên bãi cát. Và như thế, sẽ không có bất kỳ một khả thể nào có thể được hình thành, cho đến mọi vấn đề thiện ác, nhân quả cũng băng tiêu, và không còn được bàn đến nữa.

Vậy, "Tánh Không luận" sẽ xuất hiện như thế nào để khả dĩ được chấp nhận trong một bối cảnh đa đoan lý luận mà không hề chối từ mọi đức lý thiện ác trong cái cơ cấu tương quan của tri thức thường nghiệm, để rồi sau đó, nó vực dậy và làm cho sống động mọi tư tưởng-triết học đang bị héo hắt và phai tàn theo thời gian sau Phật diệt độ cả nghìn năm ? Một câu hỏi như thế có thể được đặt ra không những trên bình diện lịch sử của hiện thực, mà còn trên cả bình diện giả thiết của lịch sử tư tưởng triết học và tôn giáo. 

Khoảng những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ này, tôi đã lần đầu nghiên cứu về Tánh Không luận qua tác phẩm "Thiền luận" của Ðại sư Daisetz Teitaro Suzuki, rổi kế đó là một số tác phẩm viết về Tánh Không luận của các học giả có thẩm quyền chuyên môn như : T.R.V.Murti, Ed.Conze, J.May, Stcherbatsky, J.Takakusu... Tôi đã nhận được sự nhiệt tình khích lệ của bạn bè, song tôi luôn luôn ngần ngại viết về Tánh Không luận, mặc dù trong tác phẩm "Tìm hiểu nhân sinh quan Phật giáo", tôi có đề cập khái quát về Táánh Không thông qua kinh Bát Nhã. Mãi cho đến gần mười năm sau, các bạn bè của tôi ở Ðại học Temple, bang Philadelphia, đã gửi cho tôi một số tài liệu về Tánh Không luận, đặc biệt là tác phẩm "Trung Quán luận" của Long Thọ với nhiều bản dịch và chú giải khác nhau. Từ đó, tôi bắt đầu khởi sự nghiên cứu về triết học Trung Quán một cách nghiêm túc, mà khởi đầu là sự đối chiếu, so sánh và dịch lại "Trung luận". Và sau đó, tôi làm một vài nghiên cứu nhỏ có liên hệ trực tiếp đến Trung luận qua chủ đề lịch sử-tư tưởng và triết họcTáánh Không. Công việc này được hoàn tất vào tháng đầu mùa Thu năm 1998 với sự giúp đỡ chân thành của các cộng sự trong việc đối chiếu và hiệu đính lại bản dịch Trung luận của tôi.

Trong quá trình nghiên cứu và phiên dịch, tôi luôn tự nhủ rằng với tri thức nông cạn, lại còn bị buộc chặt bởi các phiền não, nghiệp chướng thì làm sao có thể thông đạt trọn vẹn giáo huấn của các vị luận sư, huống nữa là diễn đạt lại ý nghĩa thâm sâu và uyên áo của nó. Vì thế, nội dung của tập sách này ắt hẳn không thể tránh khỏi những lỗi lầm, sai sót. Nơi đây, tôi xin thành kính được đón nhận sự chỉ giáo của các bậc thượng nhân, quý độc giả và bằng hữu, và xin chân thành giới thiệu tác phẩm này cùng quý vị.

Sài Gòn, mùa Thu '98

Tác giả

Nguồn: Thư Viện Hoa Sen