BÀI THỨ TÁM
NÓI VỀ 10 DUYÊN, 4 NHÂN VÀ 5 QUẢ
(CÓ 3 ĐOẠN)
HỎI: Các pháp, mỗi pháp đều có chủng tử (hạt giống) riêng, tại sao không sanh khởi một lượt; lại có cái sanh trước cái sanh sau, ẩn và hiện sai khác như thế?
ĐÁP: Vì các pháp không những có “nhân” mới sanh ra quả, mà còn phải nhờ các “duyên” chung quanh giúp đỡ mới sanh ra quả được. Nay phương tiện nói 10 nhân, 4 duyên và 5 quả.
I. NÓI VỀ 10 NHÂN
Sao gọi là Nhân? – Như trước đã nói: “Chủng tử với hiện hành, cùng nhau làm nhân”. Nay y theo tánh chất sai khác của nhân, tóm lại chia làm 10 nhân.
1. Tùy thuyết nhân. – Tất cả các pháp đều có danh tự (tên) cho nên người ta mới nhớ tưởng cái tên của nó và kêu đó là vật gì. Như nhân cái tên lúa bắp v.v… người ta mới kêu gọi đó là lúa bắp. Bởi nhân theo danh tự mà kêu gọi, nên gọi là “Tùy thuyết nhân”.
2. Quán đãi nhân. – Nhân quán sát và chờ đợi công dụng của sự vật. Như quán sát cái tay có công dụng cầm nắm nên người ta tạo ra cái ý chờ đợi cái công dụng cầm nắm, khi thấy hay nghĩ đến cái tay: nên gọi là “Quán đãi nhân”.
3. Khiên dẫn nhân. - Tất cả các pháp, ở nơi chủng tử của nó sẵn có cái động lực kéo dẫn, làm cho phát sanh ra quả về sau, nên gọi là “Khiên dẫn nhân”.
4. Nhiếp thọ nhân. – Nhân thâu nhiếp nạp thọ. Tức là trừ chủng tử ra, còn bao nhiêu các duyên trợ giúp, làm cho chủng tử sanh khởi, thì gọi là “Nhiếp thọ nhân”.
5. Sanhkhởi nhân. – Như từ hạt giống sanh khởi ra mộng, chồi v.v…
6. Dẫn phát nân. – Như từ mộng chồi, dẫn sanh ra nhánh lá, từ nhánh lá dẫn sanh ra hoa trái cho đến khi già và chín.
7. Định biệt nhân. – Giống loại này nhất định khác với giống loại kia. Như giống khác với lúa, đậu khác với mè v.v…
8. Đồng sự nhân. _ Từ nhân thứ 2 là “Quán đải”, nhân thứ 3 là “Khiên dẫn”, thứ 4 là “Nhiếp thọ”, thứ 5 là “Sanh khởi”, thứ 6 là “Dẫn phát” và thứ 7 là “Định biệt”, tất cả có 6 nhân. Vì 6 nhân này chung làm một việc, nên gọi là “Đồng sự nhân”.
9. Tương vi nhân. – Đây là các nghịch duyên làm chướng ngại những vật đương phát sinh. Như lúa mạ đang tốt lại gặp nắng hạn khô khan v.v…
10. Bất tương vi nhân. – Đây là những thuận duyên giúp thêm, làm cho các vật được mau phát triển. Như mưa phùn gió bấc, làm cho lúa mạ thêm tốt.
Trong 10 Nhân này, tóm lại phân làm hai loại:
1. Năng sanh nhân. – Tức là nhân thứ 3 (khiên dẫn nhân) và nhân thứ 5 (sanh khởi nhân). Vì hai nhân này có công năng hay sanh khởi, nên gọi chung là “Năng sanh nhân”.
2. Phương tiện nhân. – Những phương tiện phụ giúp làm cho chủng tử khởi sanh. Trong 10 Nhân trên, trừ ra “khiên dẫn” và “sanh khởi” hai nhân, còn lại tám nhân, chung gọi là “Phương tiện nhân”.
(Xem biểu sau đây)
1-Khiên dẫn nhân (nhân thứ ba) 2 nhơn này, chung gọi là
2-Sanh khởi nhân (nhân thứ 5) “Năng sanh nhân”.
3-Tùy thuyết nhân (nhân thứ 1)
4-Quán đãi nhân (nhân thứ 2)
5-Nhiếp thọ nhân (nhân thứ 4)
6-Dẫn phát nhân (nhân thứ 6)
7-Định biệt nhân (nhân thứ 7) 8 nhân này, chung gọi là
8-Đồng sự nhân (nhân thứ 8) “Phương tiện nhân”.
9-Tương vi nhân (nhân thứ 9)
10-Bất tương vi nhân (nhân thứ 10)
1- Quán đãi nhân
2- Khiên dẫn nhân
3- Nhiếp thọ nhân 6 nhân này, chung gọi là
4- Sanh khởi nhân “Đồng sự nhân”.
5- Dẫn phát nhân
6- Định biệt nhân
II NÓI VỀ 4 DUYÊN
1. Nhân duyên (cái duyên thuộc về duyên). Tất cả các pháp, từ chủng tử khởi ra hiện hành, hoặc từ hiện hành huân trở lại thành chủng tử, đều do chủng tử làm nhân, rồi trực tiếp sanh ra quả. Như hạt giống bắp sanh ra cây bắp, hạt giống đậu sanh ra cây đậu v.v… gọi hạt giống đó là “Nhân duyên”.
2. Đẳng vô gián duyên (cái duyên bình đẳng tương tục không gián đoạn). Đây là nói tám Thức hiện hành cùng với các Tâm sở, mỗi niệm sanh diệt luôn luôn không có gián đoạn. Hình trạng sanh diệt của nó: khi niệm trước vừa diệt, thì nó tránh đường để dẫn dắt niệm sau sanh ra. Vì sanh diệt tương tục như vậy, trước sau bình đẳng, không có vật gì chen vào làm gián đoạn, nên gọi là “Đẳng vô gián duyên”.
3. Sở duyên duyên (cái duyên thuộc về sở duyên). Nói một cách tóm gọn là: mỗi Thức, khi kiến phần duyên qua tướng phần, thì gọi kiến phần là “năng duyên”, tướng phần là “sở duyên”. Hiệp lại hai phần này, kêu là “sở duyên duyên”. –Nếu y theo sách vở Duy thức nói, thì phải những vật gì có thật thể, như Tâm vương và Tâm sở, nó cập hợp cái tướng phần của nó, có sở lự (bị phân biệt) và nơi gá nương (sở thác) để phát sanh, mới gọi là “Sở duyên duyên”.
Như Nhãn thức duyên (thấy) cái hoa giữa hư không; tuy có cập tướng phần của hoa, như thế cũng gọi là có “sở lự”. Nhưng cái hoa giữa hư không không có “thật thể”, nên không có chỗ gá nương để cho Nhãn thức phát sanh (không có sở thác); cho nên có thể kêu là “duyên” mà không thể gọi là “Sở duyên”.
Trái lại, như cái gương chiếu cảnh vật, trong gương có bóng cảnh vật; như thế là có cập cái “tướng phần” và cũng có thể gá nương nơi đó (tướng phần) phát sanh phân biệt (có sở thác). Nhưng, cái gương không có phân biệt (duyên lự) nên không thể phân biệt được vật gì cả.Bởi thế nên có thể gọi là “sở duyên”, mà không thể gọi là “duyên”. Phải đủ cả hai nghĩa: 1-bị phân biệt (sở lự) và 2-nơi gá nương (sở thác) mới kêu là “Sở duyên duyên”.
Nay nói một tỷ dụ để chỉ rõ nghĩa “Sở duyên duyên”. Như cái bình hoa trên bàn đây là vật có thật thể; khi Nhãn thức xem cái bình hoa, thì Tâm vương và Tâm sở của Nhãn thức đều có cập cái tướng bình hoa, như thế kêu là thấy bình hoa. Khi đó hình tướng của bình hoa, nó làm chỗ cho Nhãn thức nương nơi đó mà phát sanh phân biệt, và cũng làm cái chỗ phân biệt (sở lự) của Nhãn thức; nên gọi cái bình hoa này là “Sở duyên duyên” của Nhãn thức.
Song “Sở duyên duyên” này có hai loại:
a) Thân sở duyên duyên –Như mỗi Thức, tự lấy kiến phần duyên qua tướng phần bên trong của nó; bởi duyên trực tiếp như vậy, nên gọi là “Thân sở duyên duyên”.
b) Sơ sở duyên duyên -Như Thức kia biến, rồi thức này nương nơi bản chất đó duyên lại. Dụ như Tạng thức biến ra tướng phần là sơn hà đại địa; rồi Nhãn thức duyên nơi tướng phần của Tạng thức làm bản chất, trở lại biến ra cái tướng phần để duyên, như thế là Nhãn thức gián tiếp duyên tướng phần của Tạng thức, nên tướng phần của Tạng thức là “Sơ sở duyên duyên” của Nhãn thức.
4. Tăng thượng duyên. –Phàm những pháp có thật thể, không thuộc về ba duyên trước, thì thuộc về Tăng thượng duyên. Tăng thượng duyên là những duyên phụ trợ tăng thêm.
Có hai lọai:
a) Thuận tăng thượng duyên. - Như lúa mạ v.v… từ hạt giống của nó sanh ra, lại nhờ phân nước v.v… giúp thêm, làm cho lúa mạ kia được tươi tốt; thì phân nước đó là “Thuận tăng thượng duyên” của lúa mạ.
b) Nghịch tăng thượng duyên. – Như nắng hạn nước khô, làm cho lúa mạ không lớn nỗi, thì nắng hạn nước khô là “Nghịch tăng thượng duyên” của lúa mạ.
III. NÓI VỀ NĂM QUẢ
1. Dị thục quả. – Như đời trước tạo nghiệp nhân lành hay dữ, khi chết rồi Thức A lại da đi lãnh thọ thân quả báo đời sau. Thân quả báo này gọi là “Di thục quả”, tánh nó thuộc về vô ký. (Không nhứt định thiện hay ác).
2. Đẳng lưu quả. – Như đời trước tạo nghiệp lành hay dữ, đời nay ở trên báo thân này, phải chịu qủa khổ hay vui; vì bình đẳng lưu xuất như vậy, nên gọi là “Đẳng lưu quả”.
3. Ly hệ quả. – Do y theo Phật pháp tu hành mà được xa lìa phiền não ràng buộc, nên gọi là “Ly hệ quả”.
4. Sĩ dụng quả. – Những nghề nghiệp như nông, công, thương v.v…do kẻ sĩ phu dụng công phát minh, mới được kết quả là tài lợi; nên gọi là “Sĩ dụng quả”.
5. Tăng thượng quả. – Các trợ duyên tăng thêm. Như Nhãn căn làm “Tăng thượng duyên” phát sanh ra Nhãn thức; thì kêu Nhãn căn (con mắt) là “Tăng thượng quả” của Nhãn thức. Cho đến Ý căn làm “Tăng thượng quả” của Ý thức và thân thể của chúng sanh không hư hoại, là “Tăng thượng quả” của Mạng căn.
BÀI THỨ CHÍN
NÓI VỀ BA LƯỢNG VÀ BA CẢNH
(CÓ BA ĐOẠN)
Phàm khi nào Thức khởi hiện hành, thì đều có hai phần:
1- Phần thấy (kiến phần).
2- Phần bị thấy(tướng phần)
Bởi phần thấy (kiến phần) có sai khác nhau, cho nên chia ra làm ba “lượng”. Bởi phần bị thấy(tướng phần) tánh chất không đồng, nên cũng có thể phân làm ba “cảnh”.
I. NÓI VỀ BA LƯỢNG
A. Hiện lượng (trực giác). Như khi Nhãn thức v.v… duyên sắc trần v.v…chỉ duyên một cách trực giác, không phân biệt cái sắc đó là tên gì và chủng loại nào, như thế gọi là “hiện lượng”.
B. Tỷ lượng (so sánh phân biệt). Như ở xa thấy khói, so sánh biết có lửa, cách vách thấy có sừng trâu, so sánh biết có trâu. Vì so sánh mà biết nên gọi là “Tỷ lượng”.
C. Phi lượng (phân biệt sai lầm). Như Tâm vương và Tâm sở khi duyên cảnh, phân biệt một cách lầm lạc hay so sánh chẳng đúng, thì gọi là “Phi lượng”.
II. NÓI VỀ BA CẢNH
A. Tánh cảnh (thật cảnh). Cảnh này có thật thể và thật dụng, từ chủng tử sanh Kiến phần năng duyên, duyên được cái “tướng” của nó (thật cảnh). Có hai loại Tánh cảnh:
1. Vô bản chất tánh cảnh. – Như Tạng thức của chúng ta biến ra “tướng phần” là cảnh ngũ trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc), rồi Tạng thức lấy Kiến phần duyên qua tướng phần; như thế gọi là “Vô bản chất tánh cảnh”.
2. Hữu bản chất tánh cảnh. – Như năm Thức trước, hoặc “Hiện lượng” của Ngũ câu ý thức, mỗi Thức tự duyên cảnh tướng phần của mình; như thế gọi là “Hữu bản chất tánh cảnh”.
B. Độc ảnh cảnh (cái bóng đơn độc). Cảnh này không có thật thể, dụng và cũng không từ nơi thật chủng tử sanh; chỉ có ảnh hưởng đơn độc, cho nên gọi là “Độc ảnh cảnh”. Có hai loại Độc ảnh cảnh:
1- Hữu bản chất độc ảnh cảnh (ảnh tượng đơn độc và có bản chất). Như Ý thức khi duyên năm căn và duyên Tâm vương, Tâm sở của người khác, cố nhiên nó phải gá nương cái cảnh đó làm bản chất, rồi tự biến trở lại ảnh tượng để duyên, như thế gọi là “Hữu bản chất độc ảnh”.
2- Vô bản chất độc ảnh cảnh (cái cảnh ảnh tượng đơn độc và không bản chất). Như Thức thứ sáu duyên lông rùa, sừng thỏ hay hoa đóm giữa hư không, hoặc những cảnh quá khứ vị lai. Vì lông rùa, sừng thỏ hay hoa đóm v.v… không có bản chất để cho Thức gá nương, nên kêu là “Vô bản chất độc ảnh cảnh”.
C. Đới chất cảnh (cảnh có liên đới bản chất). Như Tâm năng duyên khi duyên cảnh sở duyên, tuy rằng có gá nương cảnh kia làm bản chất, nhưng mà không có duyên đặng tự tướng của cảnh kia. Có hai loại Đới chất cảnh:
2- Chơn đới chất (thật có liên đới bản chất). Như đệ thất Thức, duyên kiến phần của đệ bát Thức chấp làm ngã, thì cái tướng phần (ngã) này, là do liên đới giữa hai kiến phần của Đệ thất và Đệ bát Thức chung sinh, nên gọi là “Chơn đới chất”.
2- Tợ đới chất (in như có kèm bản chất). Như Ý thức duyên những hình tướng, dài, ngắn, vuông, tròn của năm trần; tuy rằng có gá nương các trần cảnh làm bản chất, để biến trở lại tướng phần vuông, tròn v.v…, nhưng cái tướng phần này, chỉ do một mình Ý thức sanh thôi, nên gọi “Tợ đới chất cảnh”.
III. DÙNG THÍ DỤ ĐỂ GIẢI RÕ BA CẢNH
Trên đã nói ba cảnh, cũng nên lập một thí dụ để giải thiách rõ thêm.
1. Vô bản chất tánh cảnh. -Dụ như ông thầy giáo, viết ra chữ “son” để cho đứa học trò đồ. Chữ son này tự tay ông Thầy viết ra, chứ không có nương đâu cả, nên dụ cho “Vô bản chất tánh cảnh”.
2. Hữu bản chất tánh cảnh. –Dụ như đứa học trò nương trên chữ son đó rồi đồ lại chữ mực. Chữ mực này là nương bản chất của chữ son mà đồ lại, nên dụ cho “Hữu bản chất tánh cảnh”.
Cả hai loại này, đều do Thức trực tiếp duyên đặng tự tướng của cảnh; vì cảnh này có thật thể và thật dụng, nên gọi là “Tánh cảnh”.
3. Chơn đới chất cảnh. –Dụ như ông thầy giáo viết chữ mực (thiếp) bảo đứa học trò trải tờ giấy trắng lên trên tờ thiếp, rồi ông thầy cầm tay đứa học trò đồ lại trên thiếp; do cái công của thầy lẫn trò, hai người mới viết ra chữ, nên dụ cho “Chơn đới chất cảnh”.
4. Tợ đới chất cảnh. –Như đứa học trò tự nó lấy giấy trắng trải lên chữ thiếp rồi đồ lại, tuy rằng có gá nương chữ của ông thầy làm bản chất, nhưng chỉ do sức của một mình đứa học trò viết ra, nên dụ cho “Tợ đới chất”.
5. Hữu chất độc ảnh. –Như đứa học trò tự tay nó viết ra chữ, nhưng còn phải xem theo chữ thiếp của ông thầy.
6. Vô chất độc ảnh. -Như đứa học trò tự ý nó viết ra chữ, không cần phải xem chữ trong thiếp.
BÀI THỨ 10
NÓI VỀ TƯỚNG TẠNG CỦA THỨC BIẾN
NĂNG BIẾN
(CÓ 6 ĐOẠN)
Các Thức đều có cái tác dụng hay biến hiện ra các pháp. Cho nên trong Kinh nói: “Ba cõi đều duy Tâm tạo, muôn pháp đều duy Thức biến v.v… “. Nay xét thứ lớp của các Thức năng biến (hay biến), cũng có thể phân làm ba loại:
1- Thức năng biến thứ nhứt, tên A lại da (Trung Hoa dịch là Tàng thức).
2- Thức năng biến thứ nhì, tên là Mạt na (Trung Hoa dịch là Ý).
3- Thức năng biến thứ ba, lại phân làm Thức là: nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý.
Trước hết nói về Thức năng biến thứ nhứt, tức là A lại da. Thức này có ba tướng: 1. Tự tướng. 2. Quả tướng. 3. Nhân tướng.
I. NÓI VỀ TỰ TƯỚNG CỦA TÀNG THỨC (A LẠI DA)
Sao gọi là Tự tướng? – Nghĩa là: cái hình tướng sẵn có của nó. Thức này đã gọi là “Tàng thức” (thức chứa), vậy chữ :Tàng” nghĩalà gì? – Nó có ba nghĩa như sau:
1- Năng tàng (có khả năng chứa đựng). Nghĩa là Thức này chứa đựng được tất cả hạt giống của các pháp trong thế gian.
2- Sở tàng (chỗ để chứa). Nghĩa là Thức này là chỗ để chứa đựng tất cả các pháp lành và dữ v.v…
3- Ngã ái chấp tàng (chấp ngã). Nghĩa là Thức này là cái chỗ để chúng sanh luôn luôn chấp đó là mình (ta).
Cái “Tàng thức” này khó nhận, nên tôi xin dẫn một tỷ dụ để giải thích. Như ngày thường chúng ta đọc qua các sách vở, khi đọc rồi thì thôi, không cần nghĩ nhớ đến, cứ lo làm các công việc khác, làm rồi bỏ qua cũng không cần nhớ đến. Mặc dù trải qua mấy năm, nếu không nghĩ đến thì thôi, khi một phen chúng ta nghĩ đến thì vẫn nhớ lại được. Như thế, thời quyết định phải có chỗ để chứa các nghĩa lý trong sách vở đã học và các việc đã làm.
Những lúc không nghĩ đến nghĩa lý trong các sách vở đã đọc, thì in như cái kho bị đóng cửa, chúng ta không thể thấy đồ vật. Đến khi nghĩ nhớ lại, thì như cái kho được mở cửa, chúng ta thấy các đồ vật một cách rõ ràng.
Người nước ta thưở xưa, nói sự “ghi nhớ” này là do tác dụng của trái tim. Còn các nhà Tâm lý học đời nay lại cho là công dụng của bộ óc. Nhiếu thuyết lăng xăng, không thuyết nào phải cả.
Theo học thuyết xưa nói “trái tim”, học thuyết nay nói “bộ óc”, đều thuộc về vật chất (sắc pháp). Do bốn chất (tứ đại) đất, nước, gió, lửa tạo ra, cho nên nó không thể chứa những sự “nghĩ nhớ” được. Nếu vật chất mà hay chứa những sự “ghi nhớ”ù được, thì những kho lẩm ở thế gian cũng có thể đọc sách hay ghi nhớ các việc được. Thế nên phải biết: “cái khả năng chứa đựng” nhưng sự vật được ghi nhớ đó, theo nhà Duy Thức học nói, thì quyết định phải là Thức A lại da.
“Trái tim” hay “Bộ óc” chẳng qua là cái chỗ để cho Thức du hành (nương) mà thôi. Nó chỉ làm cơ quan để phát khởi tác dụng của Thức. Người thường chỉ biết “tim” hay “óc” là cơ quan phát sanh ra sự hay biết chớ không biết bên trong của cơ quan này, phải còn có Thức điều khiển cơ quan đó chíng là Thức A lại da, Trung Hoa dịch là Tàng thức – Thức chứa.
HỎI: “Ghi nhớ là tác dụng của Niệm Tâm sở” trong năm món Biệt cảnh, nay lại nói “ghi nhớ” lá Thức A lại da. Vậy nên xác nhận lại coi cái nào ghi nhớ”.
ĐÁP: A lại da là cái kho chứa sự “ghi nhớ”, còn “Niệm Tâm sở” là người mở kho phát ra các việc được ghi nhớ. Bởi thế nên chữ “Tàng” (kho) có ba nghĩa:
1- Năng tàng (hay chứa). – Chúng ta ở đời, khi ra làm các công việc, như cày ruộng hay buôn bán; có những lúc du ngoạn sơn thủy v.v… suốt cả đời trải qua không biết bao nhiêu việc, tất cả những điều thấy, nghe, hay, biết, Thức này đều hay chứa tất cả.
2- Sở tàng (chổ chứa). – Đây là chỗ chứa đựng hạt giống của các pháp. Đợi đến khi cần dùng thì “Niệm Tâm sở” mới mở cửa kho đưa ra.
3- Ngã ái chấp tàng. – Thức thứ Bảy tham mến cái kho báu này (tàng thức), chấp cho là Ta (ngã).
II.NÓI VỀ QUẢ TƯỚNG CỦA TÀNG THỨC
Sao gọi là Quả tướng? – Đây là nói cái tướng của quả báo của Thức này. Thức này khi ở thân đời trước, tạo ra các nghiệp lành dữ, đến khi thân đời trước chết rồi, thì nó đi đầu thaithọ thân đời này. Vì nó làm chủ động đi lãnh thọ thân quả báo, cho nên gọi là “Quả báo thức”.
Sao gọi là Quả tướng? – Đây là nói cái tướng quả báo của Thức này.Thức này khi ở thân đời trước, tạo ra các nghiệp lành dữ, đến khi thân đời trước chết rồi, thì nó đi đầu thai thọ thân đời này. Vì nó làm chủ động đi lãnh thọ thân quả báo, cho nên gọi là “Quả báo thức”.
Nhưng chỉ lạ một điều là Thức này khi ở về nhân (đời trước tạo nghiệp) thì có thiện ác rõ ràng, mà đến lúc quả báo thuần thục rồi, quả đời này thì không thể nói thiện hay ác, mà chỉ gọi là Vô ký tánh; nghĩa là không phải thiện, không phải ác. Bởi nhân thì thiện ác, mà quả lại phi thiện ác (Vô ký), tánh chất khác nhau, cho nên Thức này cũng gọi là Dị Thục thức.
Dị Thục có ba nghĩa:
1- Dị thời nhi thục – Nghĩa là từ khi tạo nhân, cho đến khi quả báo thuần thục, thời gian khác nhau.
2- Dị loại nhi thục – Nghĩa là từ khi sanh (nhân) cho đến khi chín (quả), tánh chất không đồng nhau.
3- Biến dị nhi thục – Nghĩa là từ nhân sanh ra quả, nó trải qua nhiều từng biến đổi khác lạ.
Vì Thức thứ Tám, ở về nhân thì có thiện ác, mà trên quả lại vô ký; cho nên lấy cái nghĩa đặc biệt là “Dị loại nhị thục” làm chánh, còn lấy cái nghĩa thông dụng là “Dị thời nhi thục” và “Biến dị nhi thục” làm phụ.
HỎI: Thức Dị thục, nếu nhân của nó là thiện ác mà quả lại vô ký, thì nhân quả khác nhau. Như thế làm sao thành lập cái thuyết “nhân quả kh6ong sai khác được”.
ĐÁP: Cái tứong quả báo của Thức A lại da này, là do hai món: nghiệp chủng tử và thức chủng tử hợp thành. – Nói về “nghiệp chủng tử” thì có thiện và ác, tạo thành quả khổ và vui trên dị thục quả (báo thân). – Còn nói về “thức chủng tử” thì nguyên không có thiện ác, nên nó tạo thành quả vô ký (báo thân) cũng không phải thiện và ác.
Bởi “thức chủng” là đối với Thức mà nói, còn “nghiệp chủng” là đối với quả báo mà luận, nên nhân nào quả nấy, y nguyên chẳng sai khác.
Dị thục:1- Thức chủng – Nhân vô ký – Quả dị thục thức.
2- Nghiệp chủng – Nhân thiện ác – Quả khổ và vui.
Thức này tuy luân chuyển trong năm thú, nhưng tánh chất của nó không biến đổi, nên trong Tâm Kinh nói: “Không tăng không giảm, không cấu không tịnh, không sanh không diệt v.v…”.
Quả Dị thục này là hoàn toàn do các nghiệp nhân thiện và ác đời trước tạo ra. Bởi căn cứ trên quả Dị thục thức phi thiện phi ác ở đời này, đối chiếu với nghiệp nhân lành dữ đời trước mà nói, cho nên mới nói “trong nhân có thiện ác, mà trên quả Dị thục lại là vô ký”.
Nếu căn cứ trên sự giàu nghèo, sang hèn trên quả báo Dị thục này, là do đời trước đã tạo các nghiệp nhân lành dữ mà có, thì gọi là “Đẵng lưu quả” (bình đẳng lưu xuất). Bởi thế, nên trên Dị thục thể (Dị thục thân) lại có hai món quả là “Dị thục quả” và “Đẳng lưu quả”.
Dị thục thể: Dị thục quả: Nhân: Tạo nghiệp thiện ác.
Quả: Thức vô ký.
Đẳng lưu quả: Nhân: Tạo nghiệp thiện ác.
Quả: Khổ và vui.
III. NÓI VỀ “NHÂN TƯỚNG” CỦA TÀNG THỨC
Sao gọi là Nhơn tướng? – Nhân là cái tướng về nhân. Nghĩa là: Tàng thức này làm nhân sanh ra quả của các pháp. Bởi vì Thức này hàm chứa những công năng (chủng tử) sanh ra các pháp. Tuy không có hình tướng gì có thể thấy được, song tất cả các pháp đều từ đó sanh ra cho nên gọi cái công năng vô hình này là chủng tử.
Cũng như hạt giống của đậu, bắp v.v… ẩn ở trong đất; tuy không thể thấy được, nhưng nó có công năng làm cho đậu bắp mọc lên, khỏi mặt đất, sanh ra nhánh lá hoa trái, nên gọi hạt giống này là cái “nhân” của cây đậu và cây bắp.
Cái “Nhân tướng” này có hai món:
1- Từ chủng tử khởi tác dụng, sanh ra hình trạng của các pháp. Theo Duy Thức học thì gọi là “hiện hành”. Ý nói: Do chủng tử vô hình này, hiện ra hành động, sanh các pháp hữu hình, nên gọi chủng tử này là “nhân” của hiện hành. Đây là cái “nhân tướng” thứ nhất.
Cũng như trẻ con khi mới sanh, không ai dạy khóc, mà nó vẫn biết khóc oa! oa!. Vì trong Thức A lại da đã chứa sẵn cái nhân (chủng tử) khóc, cho nên mới khởi ra quả (hiện hành) là biết khóc.
Ít ngày nó lại biết bú, cũng bởi trong Tàng thức sẵn có cái nhân (giống) bú, cho nên mới khởi ra quả là biết bú. Rồi lần hồi biết cười và biết nói: cũng vì trong Tàng thức đã chứa sẵn cái nhân cười và nói, cho nên mới khởi ra quả (hiện hành) được.
Tuy biết rằng: trẻ con biết nói năng, cũng nhờ có cha mẹ dạy bảo. Nhưng cha mẹ làm trợ duyên mà thôi. Thật ra đều do cái nhân (chủng tử) đã chứa sẵn trong Tàng thức, rồi nhờ ngoại duyên, mới phát sanh được hiện hành (quả).
Bởi thế nên nói: Tất cả các pháp đã hiện ra trong thế gian này, mỗi mỗi đều do chủng tử của nó chứa trong Tàng thức, tùy loại nào gặp đủ duyên trước thì nó hiện khởi ra trước.
2- Những pháp đã hiện hành, trở lại huân tập thành hạt giống ở trong Tàng thức. Dụ như trái đậu và bắp, đến khi già rồi trở lại rớt hột trong đất, khi gặp thời tiết thuận tiện nó lại sanh ra, nên gọi là pháp hiện hành này là cái “nhân” để làm chủng tử. Đây là cái “nhân tướng” thứ hai.
Nhơn tướng
1- Chủng tử (chủng sanh hiện).
2- Hiện hành (hiện huân chủng).
IV. TƯỚNG “NGÔ MÀ THỨC MẠT NA CHẤP
Cái “Năng biến” thứ hai là Thức “Mạt na”. Trung Hoa dịch là “Ý”. Thức này (ý) làm “căn bản” cho Ý thức thứ sáu nương đó phát sanh, mà không phải là “Ý thức”. – Vì sợ người lầm lộn Thức này (thứ 7) với Ý thức (thứ 6), cho nên Thức này chỉ gọi là “Ý” mà không kêu là “Thức”.
Sở dĩ không kêu là “Thức” là vì muốn chỉ rõ Thức này (thứ 7) tức là “Ý”: chú trọng về phần “suy nghĩ so đo” (tư lương). Bởi “bản tánh” và “hành tướng năng duyên” của Thức này (thứ 7) đều “suy nghĩ so đo” cho nên trong Duy Thức Tam Thập tụng có câu “Tư lương vi tánh tướng”. Nghĩa là: bản tánh và hành tướng của Thức này đều hay “suy nghĩ so đo”.
Lại nữa,Thức Mạt na này là từ nơi Thức A lại da sanh ra, rồi trở lại duyên “kiến phần” của Thức A lại da chấp làm ngã (ta), cho nên trong Duy Thức Tam Thập tụng có câu “Y bỉ chuyển duyên bỉ”. Nghĩa là: nương nơi kia sanh, rồi trở lại duyên nơi kia.
Thức Mạt na tự lấy “kiến phần” của mình duyên qua “kiến phần” của Thức A lại da; khi đó không những nó (Mạt na) chấp kiến phần A lại da làm thật ngã (ta), mà cũng chấp đó (kiến phần A lại da) là thật pháp (thật vật).
Chữ “Ngã” nghĩa là “chủ tể”. Chữ “chủ” có nghĩa là “ tự tại làm chủ”; như ông vua tự tại làm chủ trong một nước. – Chữ “tể” có nghĩa “phán đoán sai khiến các việc”; như ông quan (Tể tướng) giúp vua phán đoán các việc. – Vì chữ “ngã” có nghĩa: 1- Tự tại làm chủ. 2- Phán đoán các việc, cho nên định nghĩa là “chủ tể”.
Chữ “Pháp” có hai nghĩa:
1- Giữ gìn cái hình thể của nó không mất (nhậm trì tự tánh).
2- Làm cho người ta trông đến thì biết đó là vật gì (quỉ sanh vật giải).
- Phàm vật gì đủ cả hai nghĩa: 1- Giữ gìn tự thể. 2- Làm cho người ta hiểu biết được nó, thì gọi là “Pháp”.
Nay Thức A lại da này, do từ quá khứ tạo nhân thiện ác, đến đời hiện tại kết thành quả báo dị thục; từ nhân đến quả mỗi phần biến đổi luôn luôn và mỗi sát na (tic tăc) sanh diệt mãi mãi.
Các chủng tử chứa trong Thức A lại da này, tuy có thiện ác và vô ký không đồng, nhưng khi ở về quá khứ, chưa khởi hiện hành, thì nó cùng với bản thể của Thức A lại da đồng tánh vô ký, không phải khác với Thức A lại da mà cũng không phải một. – Song đến khi chủng tử khởi ra hiện hành (quả) thì lại không đồng tánh vô ký với Thức A lại da, mà mỗi nghiệp nhân lại sanh ra mỗi quả hiện tại, hoặc xấu tốt, hay không xấu tốt khác nhau. Vì thế, nên trong Kinh Giải Thâm Mật có câu:
A đà na thức thậm thâm tế.
Nhứt thiết chủng tử như bộc lưu
Nghĩa là:
Thức A đà na rất thậm thâm và tinh tế, các chủng tử chứa trong Thức này biến chuyển sanh diệt luôn luôn, như dòng nước thác.
Trong Kinh Lăng Già cũng nói:
Như hải ngộ phong duyên,
Khởi chủng chủng ba lăng!
Nghĩa là:
Như biển bị gió xao,
Nhấp nhô sóng nổi dậy!
Kinh Giải Thâm Mật nói về Pháp (Thức A lại da), Kinh Lăng Già nói về Dụ (như biển bị gió xao…). Đại ý hai kinh đều chỉ rõ Thức này từ vô thỉ đến giờ, mỗi tic tăc quả sanh nhân diệt, không phải thường và không phải đoạn.
Bởi thế, nên quyết định Thức này không phải “thật ngã”, vì nó không thật có nghĩa “chủ tể”, như ông vua (chủ) được tự tại hay ông quan (tể tướng) có quyền xử đoán. Và quyết định Thức này cũng không phải “thật pháp”, vì nó không thật có cái nghĩa: 1- Giữ gìn hình thể của nó, 2- Làm cho người biết nó có cái gì!
Thức Mạt na không bao giờ thấy được nội dung của Thức A lại da, chẳng qua nó vọng chấp mà thôi. Cũng như người đi ban đêm, thấy bóng cây mập mờ, nghi là ma quỷ (chấp ngã), vì thấy hình như có điệu bộ muốn chụp bắt người, hay thấy sợi dây mờ mờ, nghi là rắn rít (chấp pháp), vì thấy nó in như có cái khả năng hại người. Thật ra “bóng cây” chớ nào phải quỷ, “sợi dây” đâu phải rắn độc, chẳng qua vì mê lầm vọng chấp là “quỷ” hay “rắn” đó thôi.
Bởi thế, nên Thức A lại da tuy bị Thức Mat na chấp làm thật ngã, thật pháp, nhưng Thức A lại da, chẳng những nó không phải “thật ngã thật pháp”, mà Thức Mạt na cũng không bao giờ chấp đến bàn thể của Thức A lại da được.
Khi Thức Mạt na khởi lên vọng chấp, thì nó chỉ nương “kiến phần” của Thức A lại da làm bản chất, rồi trên “kiến phần” của nó (Mạt na) trở lại biến ra cái hình tướng tương tợ Thức A lại da, mà chấp đó là “thật ngã”.
Cũng như anh thợ vẽ (đơn thanh) nghe người ta nói ông vua kia oai hùng v.v… rồi anh tưởng tượng vẽ lại trên giấy. Lúc bấy giờ anh ta trở lại cung kính chấp cho đó là thật ông vua kia. Đâu biết rằng: ông vua kia là ông vua kia, còn hình vẽ là hình vẽ, hai bên không quan hệ gì với nhau cả.
Bởi Thức Mạt na nương “kiến phần” của Thức A lại da làm bản chất, rồi trên “kiến phần” của nó (Mạt na) biến ra cái “cảnh giới tướng phần”, trở lại chấp cho đó là “thật ngã, thật pháp”; nên nhà Duy Thức kêu là “cảnh chơn đới chất”. Nghĩa là Thức Mạt na nương kiến phần của Thức A lại da làm bản chất, rồi biến lại cái :tướng phần ảnh tượng” ở nơi đó. Cái “tướng phần” này, một đầu là do “kiến phần” của Thức A lại da, một đầu là do “kiến phần” của Thức Mạt na, hai bên đều khởi một phần tác dụng, biến ra cái “tướng phần” giữa hai Thức. Cũng như hai cây đèn đốt để gần nhau, hai đầu chiếu sáng, chính giữa có cái bóng hơi tối, đó là dụ cho “tướng phần chơn đới chất”. Vì thế nên ngài Huyền Trang Pháp sư làm bài tụng có hai câu rằng:
Dĩ tâm duyên tâm chơn đới chất
Trung gian tướng phần lưỡng đầu sanh.
Nghĩa là:
Đệ thất Thức dùng “kiến phần” duyên qua “kiến phần” của Đệ bát Thức, rồi nó biến ra cái “tướng phần”, gọi đó là “Chơn đới chất”. Cái tướng phần chơn đới chất ở trung gian đây là do hai đầu (Thức thứ 7 và Thức thứ 8) mà sanh.
Kiến phần của Thức A lại da và kiến phần của Thức Mạt na đều là “tâm pháp”; hai bên kết hợp lại, sanh ra tướng phần là “sắc pháp”. Song cái “tướng phần” này không phải thuộc về Thức A lại da và cũng không phải thuộc về Thức Mạt na, chẳng qua do hai Thức cùng nhau biến sanh ra cái ảnh tượng (tướng phần) rồi vọng chấp cho đó là thật ngã, thật pháp mà thôi.
Bởi chấp là “thật ngã’, nên lúc nào cũng quý trọng cái ngã của mình, mà bài xích khinh miệt những cái không phải của mình (phi ngã). Bởi thế nên sanh ra các “phiền não chướng”. Vì chấp là “thật pháp”, nên lúc nào cũng quý trọng cho là hơn hết, mặc dù pháp ấy hư vọng. Trái lại, chê bai các pháp khác, mặc dù pháp ấy chơn thật. Bởi thế nên sanh ra các “sở tri chướng”.
Phiền não và sở tri hai chướng, bắt đầu từ ngã chấp và pháp chấp mà sanh ra như vậy.
V. NÓI VỀ TƯỚNG TRẠNG CỦA 6 THỨC TRƯỚC
Hỏi: Cái: “Năng biến” thứ ba là 6 Thức trước, làm sao sanh khởi?
Đáp: Việc này phải dùng 3 điều mới giải rõ được:
a) Sáu căn: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn. Năm căn trước (trừ ý căn) do nhục chất (thịt) tạo thành. Nó có hình tướng hiện lộ ra ngoài, ai ai cũng đều thấy được, nên gọi là năm căn phù trần (trần tướng phô thù). Lại có năm căn rất tế nhị, nương ẩn bên trong 5 căn phô thù này, chúng ta không thể thấy được, gọi là 5 căn Thắng nghĩa.
Còn căn thứ 6 (Ý căn), tức là Mạt na (Thức thứ 7) thuộc về Tâm, nên không có căn phù trần, chỉ có căn thắng nghĩa mà thôi. Bởi Thức Mạt na làm chỗ nương dựa cho Thức thứ 6, nên gọi là Ý căn. Cũng như năm căn trước làm chỗ nương dựa cho năm Thức trước vậy.
b) Sáu trần: Sắc trần, Thing trần, Hương trần, Vị trần, Xúc trần, Pháp trần. Bởi sáu món này đều do các vi trần chứa nhóm làm thành, cho nên gọi là trần.
c) Sáu thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức , Ý thức.
Hỏi: Ba móm này quan hệ cùng nhau như thế nào?
Đáp: Phàm khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, thì mỗi căn đều có một tác dụng phát sanh ra mỗi món phân biệt. Như Nhãn căn đối với Sắc trần, sanh ra một món tác dụng phân biệt về sắc, thì gọi là Nhãn thức. Khi Nhĩ căn đối với Thinh trần, khởi ra tác dụng phân biệt về tiếng, thì gọi là Nhĩ thức. Khi Tỹ căn đối với Hương trần, phát sanh ra tác dụng phân biệt về mùi, thì gọi là Tỹ thức. Khi Thiệt căn đối với Vị trần, phát sanh ra tác dụng phân biệt về vị, thì gọi là Thiệt thức. Khi Thân căn đối với Xúc trần, phát sanh ra tác dụng về phân biệt về xúc, thì gọi là Thân thức. Khi Ý căn đối với Pháp trần, phát sanh ra tác dụng phân biệt về Pháp, thì gọi là Ý thức.
Hỏi: Căn, Trần, Thức, ba món này từ đâu mà có?
Đáp: Trước tôi không nói sao! Từ Thức A lại da chứa chủng tử (hạt giống) của tất cả pháp. Bởi trong Tàng thức đã chứa chủng tử của 6 căn, nên khởi ra hiện hành 6 căn là Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý. Bởi trong Tàng chứa chủng tử của 6 trần, nên khởi ra hiện hành của 6 trần là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Bởi trong Tàng thức chứa chủng tử của 6 Thức, nên phát sanh ra hiện hành 6 Thức là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức.
Sáu căn, sáu trần, sáu thức cộng lại là 18 pháp; mỗi pháp đều có chủng tử riêng và phát sanh ra hiện hành của nó, cho nên Phật gọi 18 pháp này là 18 Giới.
Chữ “giới” tức là nghĩa “chủng tử”. Những người mê muội không biết, nghe nói “thức y nơi căn phát sanh”, rồi nghi rằng: căn tức là chủng tử của Thức. Kỳ thật không phải, tuy rằng Thức y nơi căn phát sanh, nhưng Thức do chủng tử của Thức khởi ra hiện hành; chẳng qua chủng tử của Thức chỉ nương nhờ nơi căn mà phát khởi thôi. Cũng như hạt giống của đậu bắp, nó tự sanh ra cây bắp và cây đậu nhưng phải nhờ có đất, nước, phân, tro mới khởi ra hiện hành được.
Cái quan hệ về phần phụ giúp này, gọi là “Tăng thượng duyên”; không phải như cái nghĩa “thân nhân duyên là chủng tử sanh hiện hành hay hiện hành huân chủng tử” có thể so sánh được.
Trong Đạo phật, hàng Tiểu thừa vì chưa nghe đến Kinh giáo nói về Thức A lại da, nên họ không hiểu được nghĩa “chủng tử, hiện hành, huân sanh, huân trưởng”, nên không biết cái giới hạn của căn và Thức. Vì thế, ngài Huyền Trang Pháp sư làm bài tụng “BátThức Quy Củ” có câu rằng:”…Ngu giả nan phân thức dữ căn” (người ngu khó phân Thức và căn).
BÀI THỨ MƯỜI MỘT
NÓI VỀ TƯỚNG “SỞ BIẾN” (BỊ BIẾN) CỦA CÁC THỨC
(CÓ BA ĐOẠN)
Hỏi: Như trên đã lược thuật ba tướng “Năng biến” của Thức, còn tướng “Sở biến” của Thức thì như thế nào?
Đáp: Những tướng sở biến (bị biến) của Thức năng biến thứ nhứt, có ba:
1- Chủng tử.
2- Căn thân.
3- Khí thế gian.
Nay trước nói về “Chủng tử”
I. CHỦNG TỬ, THỨC BIẾN VÀ DUYÊN
Phàm chủng tử khi chưa khởi hiện hành, thì 7 Thức trước đều không thể duyên được. Như chúng ta không thể dùng mắt thấy được chủng tử hay lấy tai nghe hoặc mũi ngữi, miệng nếm hay tay rờ mó được chủng tử, duy Đệ bát thức mới hay duyên được chủng tử.
Hỏi: Lấy cái gì làm bằng chứng?
Đáp: Trong Thành Duy Thức Luận nói: “Chủng tử tức là “tướng phần” của Tạng thức, chớ không phải cái gì khác”.
Phàm cái tánh của kiến phần thì quyết định phải duyên tướng phần, nên biết “kiến phần” của Đệ bát thức quyết định duyên chủng tử.
Hỏi: Tại sao biết Thức Mạt na không thể duyên được chủng tử?
Đáp: Như trước đã nói: “Thức mạt na, chỉ thường duyên “kiến phần hiện hành” của Đệ bát thức, chấp làm thật ngã và thật pháp mà thôi; ngoài ra các vật khác nó còn không thể duyên được, huống chi là chủng tử”.
Hỏi: Năm Thức trước không thể duyên được chủng tử, việc đó rất dễ hiểu; còn Đệ lục Ý thức thì vẫn duyên được tất cả các pháp, tại sao không thể duyên được chủng tử? Vả như chúng ta bây giờ đây, dùng Ý thức mình tưởng ra hình tướng của một chủng tử, có khó gì mà chẳng được?
Đáp: Tuy do ý mình tưởng ra hình tướng của một chủng tử, nhưng Ý thức cũng phải nương cái chủng tử của Đệ bát thức làm bản chất, rồi tự biến lại cái “tướng phần ảnh tượng” mà duyên đó, chớ không thể trực tiếp thân duyên đựơc chủng tử. Duy có Đệ bát thức dùng kiến phần của nó, mới có thể trực tiếp thân duyên được chủng tử tướng phần của nó.
Sau đây nói về Căn thân và khí thế gian.
II. NÓI VỀ CĂN THÂN, KHÍ THẾ GIAN, THỨC BIẾN VÀ DUYÊN
Nếu như sáu căn thắng nghĩa, năm căn phù trần (cũng tên là chỗ căn nương) và sơn hà đại địa v.v… trong thế gian làm bản chất, chỉ do Thức tự biến ra rồi tự duyên, chớ không nương chủng tử khác làm bàn chất để biến lại và duyên, thì cái bản chất đó tức là tướng phần của nó. Khi Thức duyên cũng không duyên cái gì khác, nó chỉ tự lấy kiến phần duyên qua tướng phần của nó mà thôi, cho nên cũng gọi cái cảnh ấy là “Vô bản chất cảnh”. Lại nữa, vì nó tự lấy kiến phần của nó duyên qua tướng phần của nó, duyên như thế là chơn thật chứ không phải hư dối, cho nên cũng gọi là “Tánh cảnh”. Chữ “tánh cảnh” tức là “cảnh thật”.
Chúng ta hiện tiền thấy những núi, sông, đất, nước v.v… thật ra không phải thấy được cái bản chất tướng phấn của Thức A lại da biến, mà chính do Nhãn thức nương tướng phần của Thức A lại da làm bản chất, tự biến trở lại cái tướng phần, rồi tự dùng kiến phần của nó duyên đó. Cũng như có người treo mặt gương đối trước một cái cây, rồi người ấy trở lại xem lại gương, thế là họ chỉ thấy được cái bóng cây trong gương mà thôi, chớ không thể thấy được cái “cây bản chất” ở ngoài gương.
Căn cứ theo lý này mà luận, thì thế giới chúng ta hiện ở đây, chính là thế giới ảnh tượng, như bóng trong gương. Thế mà chúng ta cũng đối trên thế giới này, lại khởi ra các món tham cầu, tạo các nghiệp dữ v.v… không khác gì người bẻ hoa trong gương, mò trăng dưới nước mà thôi, không bao giờ tìm được hoa thật và trăng thật.
Đời nay các nhà khoa học reo vang hô hào, khoe khoang khoa học có vạn năng, chấp vật chất thật có, suốt đời nghiên cứu tìm tòi. Thử nghĩ, thế giới của chúng ta ở đây, còn như cái bóng hoa trong gương, huống chi trên thế gian mộng huyển này, mà họ đề cao tài năng của khoa học, tham cấu văn minh của vật chất, không khác nào người muốn vun tưới bóng cây trong gương, trông mong cho nó ra hoa đậu trái vậy.
Trên đây chỉ đem Nhãn thức tỷ dụ; còn Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân và Ý, năm Thức này gá nương bản chất biến ra ảnh tượng cũng vậy.
Hỏi: Lấy cái gì để chứng minh 6 Thức trước quyết định không thể duyên đến cái bản chất thế giới của chúng ta hiện ở?
Đáp: Tướng phần hiện hành của Thức A lại da, hiện ra bản chất thế giới. Cái tướng phần này trong từng sát na (tic tac) sanh diệt, biến hiện ra từng phần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp (sáu trần).
Không luận đối với vật gì, chúng ta không thể cùng một lúc mà quán sát hết toàn thể của vật ấy được. Tất nhiên, chúng ta phải dùng cả sáu Thức: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý; mỗi Thức quan sát mỗi trần: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Khi mỗi Thức quan sát rõ ràng từng bộ phận, rồi tổng hợp lại thành một tướng hòa hiệp, lúc bấy giờ chúng ta mới hay hiểu biết được toàn diện của một vật. Ngặt vì mỗi khi bàn qua thế giới, chúng ta chỉ lấy một khía cạnh của Nhãn thức quan sát mà bàn, nên không thể biết đặng toàn thể của thế giới.
Xin lấy một vật tầm thường tỷ dụ: như trái quít để trên bàn đây, chúng ta trước dùng Nhãn thức xem thấy sắc vàng của nó, sau dùng Nhĩ thức nghe tiếng lột quít, tiếp dùng Tỹ thức ngửi mùi thơm của nó, kế dùng Thiệt thức nếm vị chua, ngọt, rồi dùng Thân thức biết nó trơn mềm, rốt sau lấy Ý thức phân biệt tổng hợp các pháp trần, nào sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Như thế, mới hiểu biết được hoàn toàn trái quít. Thử nghĩ chúng ta biết được một trái quít còn phải trải qua sáu tầng biến hóa và chỉ biết được bóng dáng 6 trần của trái quít, chớ đâu phải trực tiếp duyên được cái bản chất của 6 trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp kia ư.
Như chúng ta hiện nay, thấy biết được thế giới, chẳng qua do chúng ta dùng 6 Căn, 6 Thức, duyên cái bản chất thế giới của 6 Trần hiện tại, rồi biến hệin ra huyễn ảnh của thế giới 6 Trần mà duyên lại, chớ không thể trực tiếp duyên đặng cái bản chất thế giới 6 Trần do Thức A lại da đã biến khi tối sơ. Bởi thế , nên thế giới 6 Trần, nó thướng lừa bịp chúng ta không thể suy lường.
II. THỨC, CẢNH VÀ DUYÊN
Năm Thức trước chỉ nương tướng phần sắc pháp của TànIg thức làm bản chất mà duyên, duyên như thế là “dùng tâm duyên sắc”, nên gọi là “cảnh tợ đới chất”. Dụ như đốt một ngọn đèn chiếu vào vách; điểm tiếp xúc giữa tia sáng phát ra từ ngọn đèn và bức vách, đây là dụ cho “cảnh tợ đới chất”.
Năm Thức trước, khi duyên tướng phần Tắc pháp của Tàng thức thì cũng chỉ từ kiến phấn của Thức mình, biến ta cảnh tướng phần mà duyên, chớ đối với tướng phần bản chất của Thức A lại da, thì xa cách, cho nên gọi là “cảnh tợ đới chất”.
Cảnh sở duyên của đệ lục Ý thức lá tất cả pháp, vì không có một pháp nào mà Ý thức chẳng duyên được. Xét lại, năm Thức trước chỉ duyên được tự cảnh. Như Nhãn thức chỉ thấy sắc mà không thể nghe tiếng v.v… Nhĩ thức chỉ nghe tiếng mà không thể thấy sắc. Tỹ, Thiệt, Thân v.v… chỉ duyên tự cảnh cũng vậy.
Lại nữa, năm Thức trước chỉ duyên được cảnh hiện tại, còn cảnh quá khứ và vị lại thì không duyên được. Cũng như cái hoa đã tàn, hay chưa sanh thì Nhãn thức không thể thấy được. Trái lại, Ý thức thì duyên được tất cả những cảnh mà năm Thức trước duyên và những cảnh mà 5 Thức trước không thể duyên được. Nó lại duyên suốt những pháp trong thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai. Như cái hoa chưa nở, Ý thức có thể tưởng tượng hình trạng cái hoa đã nở hoặc cái hoa đã tàn. Ý thức có thể tưởng tượng hình trạng cái hoa đương nở. Ý thức duyên hết các pháp 3 đời, nên cảnh sở duyên của nó rất rộng.
Nếu như khi Ý thức duyên tướng phần bản chất của Thức A lại da là căn thân và khí thế giới, mà nó không chấp là ở ngoài tâm, mà đồng như Tàng thức tự biến tự duyên, thì gọi đó là “Tánh cảnh”. Song, hiềm vì Ý thức của người thường, không ai là chẳng chấp rằng khí thế gian là vật ở ngoài tâm, cho nên không nhận được tánh cảnh của Ý thức.
Khi Ý thức chấp khí thế gian là vật ngoài tâm, mà cùng với Nhãn thức v.v… đồng duyên ngoại cảnh, rồi nương cái tướng phần của Nhãn thức v.v… làm bản chất, trở lại biến ra tướng phần riêng của nó để duyên, như thế là dùng :tâm duyên sắc”, cho nên gọi là “cảnh tợ đới chất”.
Song, Nhãn thức trực tiếp gá nương tướng phần của Tàng thức làm bản chất, trở lại biến ra tướng phần của nó để duyên, đây chỉ cách có một lớp. Đến như Ý thức thì gián tiếp nương tướng phần, của Nhãn thức làm bản chất, rồi trở biến ra tướng phần của nó để duyên, thành ra phải cách đến hai lớp. Bời thế nên cảnh “đới chất” tuy đồng, nhưng “thật” và “giả” rất khác nhau. Nếu dùng cái “chất” mà suy xét, thì đây kêu là “Độc ảnh cảnh”, nghĩa là cái ảnh tượng sanh khởi đơn độc vậy.
Độc ảnh cảnh cũng có “Hữu chất độc ảnh” và “ Vô chất độc ảnh”. Món “đới chất” này, cũng kêu là “Hữu chất độc ảnh cảnh”. Nếu như Ýù thức không nương bản chất để duyên, chỉ vọng tưởng lông con rùa hay sừng con thỏ, như thế kêu là: “Vô chất độc ảnh cảnh”.
Cảnh độc ảnh của Ý thức, có thể phân làm hai phần:
1- Vô chất độc ảnh.
2- Hữu chất độc ảnh.
- Về “Vô chất độc ảnh” cũng có hai:
a) Như duyên lông rùa, sừng thỏ.
b) Như duyên những pháp trong quá khứ và vị lai.
“Hữu chất độc ảnh” cũng có hai:
a) Ý thức duyên cảnh vật hiện tiền như núi, sông v.v…
b) Như Ý thức tự tưởng tượng ra hình trạng núi, sông v.v… để duyên.
Vì thế nên Ý thức duyên suốt cả ba cảnh, biến hóa không cùng.
BÀI THỨ MƯỜI HAI
NÓI VỀ HAI “ĐẾ” VÀ BA “TÁNH”
(CÓ BA ĐOẠN)
Học Duy thức không gì lớn bằng “dụng” cái “dụng” cũng không gì lớn bằng “biến”. Cho nên Duy Thức học cũng kêu là “biến học” hoặc gọi là “dụng học”.
Cái đại dụng của “biến”, như trước đã nói “ba tướng năng biến” và “các tướng sở biến”. – ở sách khác nói: “Buông ra thì nó trùm khắp cả sáu cõi, còn cuốn lại thì nó kín nhiệm vô cùng. Nói “nhỏ” thì không thể chẻ được nó, nói “lớn” thì không có cái gì chở nổi. Tất cả những sự nghiệp không thể nghĩ bàn, đều do nó sanh”. – Bởi thế, nên những kẻ sơ học trông vào lý này, cũng như người đi biển cả mà không có buồm, lái, băn khoăn lo lắng không biết trôi về đâu!
Vì thương xót cái tệ này, nên Phật nói ra “hai Đế, ba Tánh và ba món Vô tánh”. Cứ y theo hai đế và ba tánh này, chúng ta có thể phân biệt cùng tột được sự biến hoá của tất cả pháp, cái nào chơn cái nào vọng. Cũng như người thợ mộc làm các đồ vật mà trong tay có mực thước.
Nay xin tuần tự nói trước hai đế. Đế nghĩa là sự thật và cũng có nghĩa là lời nói đúng với sự thật ấy. Đế có hai thứ là: 1- Chơn đế. 2- Tục đế. Mỗi đế lại chia làm bốn lớp. Chơn đế và Tục đế hợp lại thành ra tám lớp, hay cũng gọi là “hai đế, bốn lớp”.
I. HAI ĐẾ MỖI ĐẾ CÓ BỐN LỚP
a) Thế tục đế, có bốn lớp:
1. Thế gian thế tục đế, cũng gọi là “Giả danh vô thật đế”. Như cái bình, cái bàn v.v… chỉ có giả danh mà không có thật thể.
2. Đạo lý thế tục đế, cũng gọi là “Tùy sự sai biệt đế”. Như 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới v.v…do tùy theo các vật đó mà lập.
3. Chứng đắc thế tục đế, cũng gọi là “Chứng đắc an lập đế”. Như Khổ, Tập, Diệt, Đạo, do chứng đặng đạo lý mà an lập vậy.
4. Thắng nghĩa thế tục đế, cũng gọi là “Giả danh, phi an lập đế”. Như hai món quán Không – Chơn như. Do y pháp môn “quán giả” và “quán không” mà nói “Chơn tánh”. Vì “Chơn tánh” là cái cảnh của Nội trí tự chứng, chớ không thể nói ra được, nên hai món “Quán Không – Chơn như” là giả đặt ra cái tên mà thôi.
Ba đế trên, còn có thể tính toán luận bàn, đến như món Đế thứ tư, thì chỉ tạm đặt cái “giả danh” để kêu gọi mà thôi.
b) Chơn đế hay Thắng nghĩa đế, có bốn lớp:
1. Thế gian thắng nghĩa, cũng gọi là “Thể dụng hiển hiện đế”. Như 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới đều có thật thể tánh. Vì nó thù thắng hơn món “thế gian thế tục” cho nên gọi là “thắng nghĩa”. Vì tùy theo sự sai khác của năm uẩn và 12 xứ v.v… cho nên gọi rằng “hiển hiện”.
2. Đạo lý thắng nghĩa, cũng gọi là “Nhân quả sai biệt đế”. Như Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Hành giả biết Khổ đoạn Tập, tu Đạo chứng diệt, nhân và quả sai khác. Vì hơn “Đạo lý thế tục” cho nên gọi là “thắng nghĩa”.
3. Chứng đắc thắng nghĩa, cũng gọi là “Y môn hiển thật đế”. Như lý “nhị không”. Vì hơn “chứng đắc thế tục” cho nên gọi là “thắng nghĩa”. Do y pháp “quán không” mà chứng được đạo quả, hiển bày cái “thật”, cho nên gọi là “Y môn hiển thật đế”.
4. Thắng nghĩa – thắng nghĩa, cũng gọi là “Phế thuyên đàm chỉ đế”. Như cái Thể của “Nhứt, thật, như” rất mầu nhiệm, không thể nói bàn đựơc. Vì cái thắng nghĩa này thù thắng hơn cái thắng nghĩa của thế tục, cho nên nói rằng “thắng nghĩa thắng nghĩa”. Vì “diệu chỉ” của nó không thể luận bàn được, nên gọi là “Phế thuyên đàm chỉ”.
c) “Hai đế” hiệp với “Ba tánh”
Trong bốn món tục đế, về món đầu tiên là “thế gian thế tục” chỉ có giả danh chớ không có thật thể. Vì không có cái gì thù thắng, cho nên chẳng gọi là “chơn” mà chỉ gọi là “tục”. Đối trong ba tánh, nó thuộc về “Tánh biến kế sở chấp”.
Trong bốn món Chơn đế sau, về món thứ tư là “thắng nghĩa thắng nghĩa” vì nó là “chơn” chớ không phải “tục” nên chúng ta không thể nói bàn được. Đối trong ba tánh thì nó là “Tánh viên thành thật”.
Trong Chơn đế mà ba đế trước, thì tương đương với ba món tục đế sau. Vì có cả chơn và tục, nên đối trong ba tánh, thì nó thuộc về “Tánh y tha khởi”.
CÁI BIỂU “HAI ĐẾ” HIỆP VỚI “BA TÁNH”
Tục đế: Thế gian thế tục: - Như bình, bàn v.v…
- Thuộc “biến kế sở chấp tánh”.
Đạo lý thế tục: - Như 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới v.v…
Chứng đắc thế tục – Như Khổ, Tập v.v…
Thắng nghĩa thế tục – Như hai món Chơn như
Chơn đế: Thế gian thắng nghĩa – Như năm uẩn, 12 xứ, 18 giới v.v…
Đạo lý thắng nghĩa – Như Khổ, Tập v.v…
Chứng đắc thắng nghĩa – Như hai món Chơn như.
Thắng nghĩa thắng nghĩa – Như “nhứt, thật, như”. – Thuộc “Viên thành thật tánh”.
Như vậy ba đế, có thể tóm tắt lại thành bốn câu:
1. Có tục không phải chơn: Món tục đế đầu tiên.
2. Có chơn không phải tục: Món Chơn đế tối hậu.
3. Cả tục và cả chơn: 3 món tục đế sau và 3 món Chơn đế trước.
4. Không chơn và không tục.
II. BA MÓN TỰ TÁNH
Ba món Tự tánh là:
1. Biến kế sở chấp tự tánh (mê muội vọng chấp, không đúng sự thật).
2. Y tha khởi tự tánh (các pháp hữu vi do các duyên sanh khởi).
3. Viên thành thật tự tánh (hiểu biết đúng đắn, chơn thật).
Tất cả pháp hữu vi đều do các duyên hòa hợp mà sanh, vốn không có thật tánh. Vì nó y các duyên kia sanh ra, như huyễn như hóa, không thật, nên kêu là “Y tha khởi tự tánh”.
Nếu như kiến phần của Thức, duyên các pháp do nhân duyên hòa hợp kia, rồi vọng chấp cho là thật có, như thế gọi là “Biến kế sở chấp tự tánh”.
Nếu người tu Thánh đạo, cứ y nơi các pháp do nhân duyên hòa hợp kia (Y tha khởi tánh) mà xa lìa các vọng chấp mê lầm ấy (Biến kế sở chấp tự tánh) lúc bấy giờ Chơn như thật tánh hiển hiện, nên gọi là “Viên thành thật tự tánh”.
Trên “Y tha khởi tự tánh”: - Khởi mê lầm vọng chấp, thì gọi “Biến kế sở chấp tự tánh”.
- Xa lìa được mê lầm, thì gọi “Viên thành tự tánh”.
Nay đemTạng thức ra tỷ dụ, để giải rõ ba tánh này. Như Tạng thức hàm chứa tất cả hạt giống hữu lậu và vô lậu. Các hạt giống này sanh diệt nối nhau chuyển biến trong từng tíc tắc (sát na) đó là “Y tha khởi tánh”.
Rồi Thức Mạt na thứ bảy, khởi mê vọng chấp cho là thật ngã, nên các hạt giống “hữu lậu” được xuất hiện, trở lại che ngăn hạt giống “vô lậu”, nên gọi là “Biến kế sở chấp tự tánh”.
Nếu Ý thức thứ sáu, tu hai pháp quán không (nhơn vô ngã và pháp vô ngã), khiến cho cái ngã bị chấp của Thức Mạt na kia đổi lại thành “vô ngã”, lúc bấy giờ những hạt giống hữu lậu trong Tạng thức bị tiêu diệt, chỉ còn hoàn toàn hạt giống “vô lậu”, thì gọi là “Viên thành thật tự tánh”.
Trong ba món tự tánh này, về món “Biến kế sở chấp” thì “giả”, như lông rùa sừng thou, không có thật thể. Còn “Y tha khởi tánh” tuy có, nhưng cũng là hư vọng, chứ không phải chơn thật. Duy có “Viên thành thật tự tánh” mới có thật thể, không phải vọng hiện.
Nhưng có những người mê muội, nghe Phật nói “ba món tự tánh” rồi lầm chấp cho ngoài Thức, thật có “ba món tự tánh”. Bởi thế, nên Phật y ba món tự tánh này, mà mật ý nói ra ba món “vô tánh” để phá cái chấp ấy.
III. NÓI VỀ BA MÓN VÔ TÁNH
1. Tướng vô tánh (các vọng tướng không có thật tánh). Nghĩa là: Phật y “Biến kế sở chấp tự tánh” lập ra “tướng vô tự tánh”. (Phật y cái tướng vọng chấp của chúng sanh, mà chỉ ra cái tướng vọng chấp ấy không có), bởi cái thể tướng của “Biến kế sở chấp” kia, rốt ráo không có, như hoa đốm giữa hư không v.v…
2. Sanh vô tánh (do nhân duyên sanh, không có thật tánh). Nghĩa là: Phật y cái “Y tha khởi tự tánh”, lập ra “sanh vô thật tánh” (Phật y các pháp do nhân duyên sanh, mà chỉ rõ các pháp ấy, không có thật tánh). Bởi những pháp y các duyên kia sanh ra, nên hư huyễn, không có thật thể; chẳng qua do những kẻ mê muội, vọng chấp cho là tự nhiên sanh. Vì phá cái vọng chấp này, nên Phật nói: “Các pháp duyên danh, không có thật tánh”, chớ chẳng phải hoàn toàn không có tánh.
3. Thắng nghĩa vô tánh (Viên thành thật không có thật tánh). Nghĩa là: Phật y “Viên thành thật tự tánh” mà lập ra “thắng nghĩa vô tánh”. Bởi xa lìa cái vọng chấp ngã pháp do Tánh biến kế trước, mới đặng “Viên thành thật” nên “Viên thành thật” cũng vô tánh. “Viên thành thật” tức là “Thắng nghĩa”.
Vì phá các vọng chấp của người, cho nên Phật giả nói “Viên thành thật vô tánh”, chớ không phải Viên thành thật hhoàn toàn không. Cũng như hư không tuy bao trùm hết các vật, mà các vật không có nêu bày tánh hư không được.
Bởi thế nên nói Duy Thức Tánh, tóm có hai món:
1- Tánh hư vọng, tức là “Biến kế sở chấp”.
2- Tánh chơn thật, tức là “Viên thành thật”.
Lại có hai món:
a) Thế tục, tức là “Ytha khởi tánh”.
b) Thắng nghĩa, tức là “Viên thành thật tánh”.
Trong ba món vô tánh này, về tánh “biến kế sở chấp” có thể nói hoàn toàn không, còn tánh “y tha khởi” và tánh “viên thành thật”, vì phá vọng chấp, nên Phật phương tiện mật ý nói “không”; chớ chẳng phải hoàn toàn không, mà cũng không thể nói “có”.
Bởi thế, nên Phật nói “ba món vô tánh” này, là chẳng phải “có”, chẳng phải “không” chẳng phải “cũng có cũng không” và cũng chẳng phải “chẳng có chẳng không”. Trong Duy Thức nói về nghĩa “Trung đạo thứ nhứt” tức nơi ở lý này vậy.
Ba món vô tánh:
*Hoàn toàn không: +Tánh biến kế không (tướng vô tánh).
*Chẳng phải có, chẳng phải không: +Tánh y tha khởi không (sanh vô tánh).
+Tánh viên thành thật không (thắng nghĩa vô tánh).
Gần đây, các học thuyết bên Thái Tây nêu lên danh từ Chơn, Thiện, Mỹ còn các nhà khoa học thì kheo khoang vain năng, hô hào những sự thực nghiệm. Các nhà Triết học cũng đua nhau cổ vũ nào là: kinh nghiệm, thật lợi và duy thật v.v… Nhưng, nếu chúng ta chín chắn xét kỹ những điều mà họ gọi là thực nghiệm hay kinh nghiệm v.v…đó, chẳng qua như cái bình, cái bàn v.v… thuộc về “thế gian thế tục” trong tục đế trước đã nói.
Cũng như thế, trong Duy Thức Tam Thập Tụng có nói: “Do các vọng chấp kia, vọng chấp tất cả vật. Các món vọng chấp đó, tánh nó không thật có”.
Do do bỉ bỉ biến kế,
Biến kế chủng chủng vật.
Thử biến kế sở chấp,
Tự tánh vô sở hữu.
Đến như “Đạo lý thế tục” hay “Thế gian thắng nghĩa”, đem so sánh với học thuyết “thuần lý phê phán” của ông Khương Đức v.v… thì có phần giống nhau.
Qua đến “Chứng đắc thế tục” hay “Đạo lý thắng nghĩa” thì các nhà học giả trên, họ mờ mịt trông theo không kịp, như người ở sau xa trông bụi mù trước.
Nói đến “Thắng nghĩa thế tục” hay “Chứng đắc thắng nghĩa” thì ôi thôi! Mặc tình họ công kích, bài bác cho là nói hư huyền.
Nếu nói đến Thắng nghĩa thắng nghĩa” hay “Nhứt chơn pháp giới”, thì các nhà họ giả ấy lại càng tuyệt vọng, như cái bánh xe ở phương Nam, mà cái trục xe lại ở phương Bắc, không bao giờ gặp được.
Cái mà các học thuyết kia tin và nói là “chơn thật”, chẳng những là “giả”, mà cái “Thiện và Mỹ” của các học thuyết kia khen ngợi đó, cũng là “xấu hèn” mà thôi.
Than ôi! Phải hay chăng đảo loan (điên đảo) thành ra đại loạn. Chúng ta là kẻ tìm học, cầu những chỗ chơn thật, vậy không thể không phản tỉnh, xét lại cho thấu đáo ư!
BÀI THỨ MƯỜI BA
DẪN SÁCH THẾ TỤC ĐỂ SO SÁNH
Cổ nhơn nói: “Tâm và tâm ấn chứng nhau” (tâm tâm tướng ấn).
Cổ nhơn lại nói: “Biển Đông có vị Thánh nhơn, cái “Tâm” đồng và cái “lý” cũng đồng. Biển Tây có vị Thánh nhơn, cái “Tâm” đồng và cái “lý” cũng đồng. (Đông hải hữu Thánh nhơn, kỳ tâm đồng, kỳ lý đồng. Tây hải hữu Thánh nhơn, kỳ tâm đồng, kỳ lý đồng).
Sách nho tuỳ thuộc thế pháp, nói về Nhơn thừa, nhưng có khi bàn đến “tâm lý” thì phần nhiều hợp với Phật pháp. Nay chúng ta nói Duy Thức, cũng tạm dẫn vài chỗ để so sánh. Vậy học giả chớ nên cố chấp một bean, mà cần phải dung hội.
Trong Hệ Từ truyện dẫn Kinh Dịch, nói: “Đạo lý Dịch không thể xa được, vì nó hằng dời đổi, biến động không ở một chỗ, chân lưu sáu cõi, trên dưới không thường, “cang” và “nhu” đổi nhau, không thể cố định chỉ biến thì thông”, (Dịch chi vị thơ giả, bất khả viễn, vị đạo giả lụ thiên, biến động bất cư, châu lưu lục hư, thượng hạ vô thường, cang nhu tương dịch, bất khả vi điển yếu, duy biến sở thông)
Bên Duy Thức nói về “lý”, cũng dựa trên những việc mắt thấy tai nghe, thường gặp gỡ xung quanh mà bàn, chớ không phải tìm cầu đâu xa vậy (tả hữu phùng nguyên, bất khả viễn cầu). Song, bên Duy Thức nói về “dụng” là ở nơi chủng tử khởi hiện hành; hiện hành thì sát nasanh diệt, cũng như bên kinh Dịch nói cái nghĩa: “…Hằng dời đổi, biến động không ở một chỗ…” (Lụ thiên, biến động bất cư).
Bên Duy Thức nói: “Chủng tử tuy chứa trong A lại da thức, mà thật ra khắp giáp cả pháp giới”, Kinh Dịch cũng nói: “Châu lưu sáu cõi, trên dưới không thường” (Châu lưu lục hư, thượng hạ vô thường), cũng hiệp với kinh Phật nói cái nghĩa: “Khắp giáp cả pháp giới, trên dưới sáu phương” – “Thức” là pháp y tha duyên sanh, cho nên cũng đồng với nghĩa “vô thường” của kinh Dịch.
Bên Duy Thức nói: “Chủng tử thì lặng đứng”, tương tợ như bên kinh Dịch nói “đức Nhu” (chủng tử tịnh chỉ tợ nhu). –Bên Duy Thức nói: “Hiện hành thì phát động”, tương tợ bên kinh Dịch nói: “đức Cang” (hiện hành phát động tợ cang). –Bên Duy Thức nói: “Chủng tử và hiện hành huân nhau, bèn thành ra các vật biến hóa, chẳng nên lầm chấp làm thật pháp” cũng như bên kinh Dịch nói “Cang và nhu đổi nhau, không thể cố định, chỉ biến thì thông” (cang nhu tương dịch, bất khả vi điển yếu, duy biến sở thông).
Bên Duy Thức nói: “Chủng tử”; tương tợ các nhà Triết học cận đại nói “bản thể”. Bên Duy Thức nói “hiện hành”; tương tợ các nhà Triết học nói “hiện tượng”. Bản thể thì yên tịnh, nên không thể thấy, còn “hiện tượng” thì động nên hiển hiện. Cũng in như trong kinh Dịch nói: “Khôn là thuận, còn Kiền là kiện” (khôn thuận, kiền kiện – “Khôn” thuộc âm, thuận sanh muôn vật. “Kiền” là dương, thuộc về tánh hỏa).
Bên Duy Thức nói: “Cùng tột pháp giới, tất cả các pháp không ngoài chủng tử và hiện hành”. Đồng một ý, chương Hệ từ nói: Kiền Khôn là sự uẩn áo của Dịch vậy! (Kiền Khôn kỳ dịch chi uẩn da).
Bên Duy Thức nói: “Chủng tử và hiện hành sanh nhau, thì pháp giới hiện”. Trong kinh Dịch cũng nói: “Kiền Khôn thành rồi thì đạo dịch lưu hành ở trong vậy” (Kiền Khôn thành liệt, nhi Dịch hành hồ kỳ trung hỹ).
Bên Duy Thức nói: “Chủng tử diệt thì không hiện hành, lúc bấy giờ cũng không có pháp giới”, cũng như bên kinh Dịch nói: “Bỏ Kiền Khôn đi, thời không thấy được Dịch” (Kiền Khôn huỷ, tắc vô dĩ kiến Dịch).
Bên sách Phật nói: “Không có pháp giới, thời không có chủng tử và hiện hành, lúc bấy giờ thế gian cũng không”. Kinh Dịch cũng nói: “Đạo Dịch không hiển hiện được, thì Kiền Khôn cơ hồ như nghỉ vậy” (Dịch bất khả kiến, tắc Kiền Khôn hoặc cơ hồ tức hỹ).
Trong kinh Dịch nói: “trên cõi hữu hình, gọi đó là Đạo” (hình nhi thượng giả vị chi đạo). Tương đương trong kinh Phật nói: “Chơn như vô vi, vô lậu” – Trong kinh Dịch nói: “Từ cõi hữu hình trở xuống, gọi đó là sự vật” (hình nhi hạ giả vị chi khí). Tương đương trong kinh Phật nói: “Những pháp sanh diệt, thuộc về hữu vi hữu lậu”.
Trong kinh Phật nói: “Diệt sanh diệt, mà chứng Chơn như vô vi”. Kinh Dịch cũng nói: “Vật biến, là hóa đi để thành vật khác” (hóa nhi tài chi chi biến). –Kinh Phật nói: “Y Chơn như mà khởi ra pháp hữu vi sanh diệt”, cũng như trong kinh Dịch nói: “suy mà làm theo đó, thì không” (suy nhi hành chi chi thông).
Kinh Phật nói: “Chúng sinh y lưu chuyển Chơn như mà tạo ra tất cả nghiệp lành dữ trong thế gian”, bên kinh Dịch nói: “Sắp đặt dân trong thiên hạ, gọi đó là sự nghiệp” (cử nhi thố chi thiên hạ chi dân, vị chi sự nghiệp).
Kinh Dịch nói: “Đạo Dịch vô tư vô lự, là đạo vô vi tịch nhiên không động”. (Dịch vô tư giả vô vi giả, tịch nhiên bất động), cũng như trong kinh Phật khi nói về trạng thái: “Chủng tử chưa khởi hiện hành”. – Kinh Dịch nói: “Có cảm ứng thì mới thông cái cớ trong thiên hạ” (cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố), cũng như Kinh Phật khi nói về trạng thái: “Chủng tử đã khởi hiện hành”.
Bên kinh Phật nói: “Duy chủng tử mới khởi ra được hiện hành, song quyết phải nhờ các duyên”, giống như bên kinh Dịch nói: “Có cảm thì mới thông, không cảm thì không thông vậy” (cảm nhi thông, vị bất cảm tắc bất năng thông hỷ).
Kinh Phật nói: “Chủng tử được chứa trong thức A lại da, lẳng lặng vậy không động”, tương đương bên kinh Dịch nói: “Không có nghĩa là đóng” (Hạt hộ, vi chi khôn). – Kinh Phật nói: “Chủng tử gặp duyên, thì từ trong Tàng thức khởi ra hiện hành” giống như trong kinh Dịch nói: “Kiền, có nghĩa là mở” (Tịch hộ, vị chi kiền).
Kinh Phật nói: “Đồng thời nương cái Thể của Tàng thức và đồng thời làm chủng tử, nhưng khi gặp duyên thì nó thoạt vậy hiện khởi ra”, cũng như trong kinh Dịch nói: “Một đóng một mở gọi là biến” (nhứt hạt nhứt tịch, vị chi biến).
Kinh Phật nói: “Chủng tử và hiện hành thông nhau biến hóa qua lại, qua lại không cùng”. Đồng bên kinh Dịch: “Vãng lai không cùng gọi đó là thông”. (vãng lai bất cùng vị chi thông).
Kinh Phật nói: “Hiện hành thì thấy vạn tượng sum la”, cũng như bên kinh Dịch nói: “Những vật thấy được, gọi đó là tượng” (kiến nải vị chi tượng) – Kinh Phật nói: “Nương vạn tượng sum la làm bản chất, rồi dùng năm Thức trước duyên vào đó, thành ra những hình hình sắc sắc trong vũ trụ”, cũng như kinh Dịch nói: “Hình gọi là khí” (hình nải vị chi khí).
Kinh Phật nói: “Y những hình hình sắc sắc kia, rồi đặt ra các tên kêu gọi để mà dùng đó”. Kinh Dịch cũng nói: “Chế ra mà dùng đó, gọi là Pháp” (chế nhi dụng chi, vị chi pháp).
Kinh Phật nói: “Chúng sinh nương các pháp đây, rồi khởi ra vọng chấp, nên phải bị trầm luân trong bể sinh tử. Nếu phá trừ các pháp chấp thì được xuất ly”, cũng như kinh Dịch nói: “lợi dụng ra vào” ( lợi dụng xuất nhập).
Kinh phật nói: “… Song, chúng sanh không ra ngoài muôn pháp, mà thường dùng đó, cái thần diệu không thể xét lường”, cũng như bên kinh Dịch nói: “Dân đều dùng đó, gọi là Thần” (dân hàm dùng chi, vị chi thần).
Nhà Duy Thức nói: “Thế gian hiện thấy sơn hà đại địa tất cả các pháp, đều do Duy Thức biến hiện, chẳng phải thật có. – Vì sợ e người đời không tin, nên nhà Duy Thức lại dẫn ra bốn món “trí” để chứng minh, mong cho người đời nhờ đấy mà ngộ nhập được lý Duy Thức”.
1. Cái “Trí” hiểu biết của mỗi loài khác nhau (tương vi thức tướng trí) – Như đồng một vật, mà loài người thì thấy là nước, loài trời thì thấy là ngọc lưu ly, loài quỷ thì thấy là máu mủ, loài cá rồng thì lại thấy là cung điện. Nếu cảnh vật thật có, thì các loài phải thấy như nhau, tại sao lại sai khác như thế?
2. Cái “trí hiểu biết” không có cảnh bị duyên (vô sở duyên thức trí) – Những cảnh quá khứ, vị lai, chiêm bao đều không có thật, chỉ do Thức biền hiện ra, rồi tự duyên đó thôi.
3. “Trí hiểu biết” của phàm phu đáng lẽ không điên đảo (tự ưng vô đảo trí) – Nếu cảnh vật có thật, thì cái trí hiểu biết của phàm phu thấy thật ngã thật pháp, đáng lẽ phải không điên đảo. Nếu không điên đảo thì đáng lẽ phải được giải thoát, chớ không cần dụng công tu hành, vì sự thấy biết của họ đúng với sự thật, không điên đảo vậy.
4. Cái “Trí” tuỳ theo ba trí sau này mà biến chuyển (tuỳ tam trí chuyển trí).
a) Cái Trí, tuỳ trí của những người đã chứng được quả tự tại mà chuyển biến (tuỳ tự tại giả trí chuyển trí) – Những người đã chứng được quả tự tại, tuỳ họ muốn chuyển biến đất nước gió lửa… thì đều được biến thành đất, nước, gió, lửa…Nếu các cảnh vật thật có, thì làm sao biến đổi được?
b) Cái Trí, tuỳ trí của người quán sát mà sanh (Tuỳ quán sát giả trí chuyển trí) – Người tu thiền định hoặc quán tưởng khi được thù thắng rồi, tuỳ họ quán tưởng một cảnh nào, thì tướng ấy đều hiện ra trước. Nếu cảnh thật có, thì làm sao lại tuỳ tâm biến hiện được.
c) Cái Trí, tuỳ người đặng Vô phân biệt trí, chuyển sanh (Tuỳ vô phân biệt trí chuyển trí) _ Người khi đã chứng được Vô phân biệt trí rồi, thì tất cả các cảnh tượng hiện tiền đều kh6ong còn. Nếu các cảnh vật thật có, thì làm sao lại chẳng còn?
Cái lý “Duy Thức, không có thật cảnh” này, nhà Duy Thức, hiểu đã sâu, nói cũng tường tận. _ Chí ư vị Thánh Nhơn làm ra kinh Dịch, tuy chưa có thể trình bày được rõ ràng, nhưng thật ra cũng có chỗ hiểu ngộ. Như Ngài nói rằng: “Người Nhơn thấy đó là nhơn; người Trí thấy đó là trí” (Nhơn giả kiến chi vị chi nhơn, Trí giả kiến chi vị chi trí).
Bên sách Nho nói cái “cảnh Nhơn”, tức là bên kinh Phật nói cái “tướng phần” của Thức người Nhơn vậy. _Cái “tướng phần” kia là từ nơi cái “kiến phần” sanh; cho nên bên Nho nói: “Người nhơn thì thấy là nhơn, còn người bất nhơn thì không thể thấy được cảnh nhơn”.
Bên sách Nho nói: “Cảnh của người Trí”, tức là bên kinh Phật nói “cái tướng phần của thức người trí”. _ Cái “tướng phần” là từ nơi kiến phần sanh; cho nên bên sách Nho nói: “Người Trí mới có thể thấy đó, còn người không trí thì không thể thấy được cảnh trí”.
Bên sách Nho nói: “Thức người Nhơn thì thấy cảnh Nhơn, Thức người Trí thì thấy cảnh Trí”, tức là bên kinh Phật nói cái nghĩa “các cảnh vật tuỳ Thức biến hiện” vậy.
Nếu vị Thánh Nhơn kia, không thật hiểu ngộ được lý Duy Thức, thì đâu nói được như thế.
Lại nữa, vị Thánh Nhơn kia đã hiểu ngộ được lý Duy Thức rất thâm thuý, lại thường than cho người đời, xem kỹ mà không thấy (thục thị nhi bất kiến); cho nên Ngài mới than rằng: “Trăm họ thường ngày dùng đến mà không biết!” (bách tánh nhật dụng, nhi bất tri).
Sách Đại học nói: “Muốn cho “tâm” mình được chơn chánh, thì trước phải sửa cái “ý” của mình thành thật; muốn cho cái “ý” của mình thành thật, thì trước phải có cái “biết” của mình được thấu đáo; cái “biết” được thấu đáo là do đã cùng tột được sự vật”.
Trong sách Đại học nói “Tâm” tức là bên Duy Thức chỉ cho Thức “ A lại da” thứ tám vậy. _ Sách Đại học nói “ý” tức là bên Duy Thức chỉ cho Thức “Mạt na” thứ bảy vậy. _ Sách Đại học nói “tri”, tức là bên Duy Thức chỉ cho “tác dụng phân biệt của Ý thức” thứ sáu vậy.
Thức A lại da thì sát na sanh diệt, không có thật ngã và thường nhứt, làm chủ tể. Nhưng vì Thức Mạt na thứ bảy, vọng chấp kiến phần của Thức A lại da cho là thật ngã và thường nhứt, có thể làm chủ tể, nên khiến cho cái chơn tướng của Thức A lại da chẳng hiện. Bên Nho gọi đó là “Tâm không chánh”.
Nếu muốn cái “tâm” mình được chơn chánh, quyết phải đối trị bốn món phiền não tương ưng với Thức thứ Bảy này là: ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái. Khi bốn món phiền não đã hết rồi, thì chuyển được Ý thức nhiễm ô, trở lại thành Ý thức thanh tịnh. Lúc bấy giờ Thức thứ Bảy, không những chẳng chấp Thức A lại da làm ngã, mà lại thường quan sát Thức A lại da là vô ngã. Chỗ này đồng với bên sách Nho nói: “Cái ý được thành thật”.
Song cái bản tánh của Thức thứ Bảy là vô ký, nên cái tác dụng của nó yếu hèn. Vì tự nó không thể đối trị được phiền não, nên quyết phải đợi Thức thứ Sáu nhập quán nhị không: quán sát biết được ngã và pháp đều không. Lúc bấy giờ Thức thứ Sáu chuyển thành “Diệu quán sát trí”, thì Đệ thất thức cũng nhờ đó mà bỏ được bốn món phiền não, chuyển thành “Bình đẳng tánh trí”. Đến đây đồng bên sách Nho nói: “Muốn cái “ý” được thành thật, thì trước phải cái “biết” thấu đáo”. – Nói “cái biết thấu đáo”, tức là chỉ cho cái Ý thức nhập hai món “quán không” vậy (nhơn không, pháp không).
Khi nhập pháp quán, hoặc duyên cái tướng chung của các pháp, hoặc duyên cái tướng riêng của các pháp. Tuy chủng loại rất nhiều, nhưng đều đã phân tích cái ảnh tượng tướng phần, để vào thật tướng. Chỗ này đồng trong sách Đại học nói: “Biết được chu đáo là do đã tột sự vật”.
Khi Ý thức nhập pháp “quán không”, được chuyển thành “Diệu quán sát trí” thì đồng bên sách Đại học nói: “Tột sự vật, vậy sau cái “biết” mới chu đáo”.
Do Đệ lục Ý thức được chuyển thành trí, nên Thức Mạt na cũng nhờ đó mà chuyển thành “Bình đẳng tánh trí”. Đồng bên sách Đại học nói: “cái biết được chu đáo, vậy sau cái “ý” mới thành thật”.
Do Thức Mạt na đã chuyển thành “Bình đẳng tánh trí” không còn chấp Đệ bát thức làm ngã, nên khiến cho chơn tướng của Đệ bát thức được hiển bày và chuyển thành “Đại viên cảnh trí”, chỗ này đồng trong sách Đại học nói: “cái ý được thành thật, vậy sau cái “tâm” mới chơn chánh”.
Năm căn trước là tướng phần của Đệ bát A lại da thức. Năm Thức trước y năm căn mà phát sanh, nó cũng tuỳ theo Đệ bát A lại da thức mà chuyển lại đặng “Thành sở tác trí”. Nghĩa là cái trí này, hay tạo tác thành tựu các sự nghiệp trong thế gian như thân, tâm, quốc gia, thiên hạ v.v….Đồng trong sách Đại học nói: “Tâm có chơn chánh vậy, sau thân mới tu; thân có tu vậy, sau trong gia đình mới tề; gia đình có tề vậy, sau nước nhà mới thạnh trị; nước nhà có thạnh trị vậy, sau thiên hạ mới được thái bình”.
Dịch xong ngày 28 tháng Chạp năm