Cuộc
sống xô bồ và dồn dập trong các xã hội phương Tây không cho phép một số
người có thì giờ đọc toàn bộ những quyển sách liên quan đến các vấn đề
khúc mắc của tâm linh. Vì thế nhiều tác giả chọn lọc các lời thuyết
giảng, các câu phát biểu ngắn gọn hoặc các đoản văn ý nghĩa nhất để gom
lại thành sách giúp người đọc dễ theo dõi và tìm hiểu, vì họ muốn đọc
hay muốn dừng lại ở đoạn nào cũng được.
Năm 1996,
nhà xuất bản Le Pré aux Clercs có phát hành một quyển sách theo thể loại
trên đây. Sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma về Phật
giáo và vài vấn đề liên quan đến Phật giáo, chọn lọc từ các bài diễn
văn, phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Đức Đạt-Lai
Lạt-ma. Hiện nay tại Pháp có khoảng mười quyển sách trích dẫn các lời
phát biểu của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã được phát hành, thế nhưng có lẽ
quyển sách của nhà xuất bản Le Pré aux Clercs do Frédéric Hatier biên
soạn là một trong những quyển sách chọn lựa và sắp xếp các câu phát biểu
của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cẩn thận, công phu và mạch lạc nhất.
Nói
chung khi đọc lại một số sách khá xưa của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, kể cả các
sách đã xuất bản từ vài chục năm trước, đôi khi chúng ta giật mình và
bàng hoàng trước tính cách hiện đại, chính xác, thích nghi với tư tưởng
con người trong bất cứ thời đại nào, trong bất cứ bối cảnh xã hội nào.
Một điều khiến chúng ta càng kính phục và ngưỡng mộ hơn nữa là trong tất
cả các sách, các bài phỏng vấn, thuyết giảng ... vô cùng phong phú của
Ngài chưa hề thấy ai có thể tìm thấy những lỗi lầm hay ý tưởng mâu
thuẫn. Đọc lại những lời Ngài phát biểu cách nay hàng chục năm ta cứ ngỡ
là Ngài vừa nói lên ngày hôm qua để nhắc nhở chúng ta những gì phải học
và phải làm trong ngày hôm nay, không giống như những tuyên ngôn của
các chính trị gia hay những nhà lãnh đạo tinh thần khác.
Quyển
sách trích dẫn mang tựa đề SAMSARA, se libérer de la souffrance,
combattre l'intolérence par la non-violence (TA-BÀ, tự giải thoát khỏi
khổ đau, chống lại sự kỳ thị bằng bất-bạo-lực). Sách gồm sáu chương :
- Chương 1 : Đại dương Trí tuệ, tức là tên gọi của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma (phần được chuyển ngữ dưới đây)
- Chương 2 : Quê hương Tây Tạng và cuộc sống Lưu vong (sẽ chuyển ngữ)
- Chương 3 : Thế giới của chúng ta ngày nay (đã được chuyển ngữ)
- Chương 4 : Đức Tin, Khoa học và Tôn giáo (đã được chuyển ngữ)
- Chương 5 : Cẩm nang cho cuộc sống (đã được chuyển ngữ)
- Chương 6 : Cõi Ta-bà : sống chết và tái sinh (đã được chuyển ngữ)
Chương I
ĐẠI DƯƠNG TRÍ TUỆ
Gốc gác của tôi
Tôi
sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935 trong một thôn xóm nghèo nàn tên là
Taktser, tên có nghĩa là "con hổ gầm thét", heo hút trong miền đông bắc
Tây tạng thuộc tỉnh Amdo, không xa biên giới Trung quốc. Cha mẹ tôi là
những người nông dân nghèo. Thật thế những gì cha mẹ tôi gieo trồng cũng
chỉ đủ nuôi chúng tôi. Cũng giống như các gia đình nông dân khác, gia
đình cha mẹ tôi rất đông con, việc đồng áng phải cần đến con cái giúp
đỡ. Mẹ tôi sinh tất cả mười sáu lần, thế nhưng chỉ nuôi được bảy anh em
chúng tôi. Quả thật, trong gia đình nào có ai để ý tôi là một đứa bé
khác hơn với những đứa bé bình thường khác.
Một đôi quạ xuất hiện vào ngày tôi ra đời
Vào
ngày tôi sinh có một đôi quạ bay đến đậu trên mái nhà. Sau đó cứ mỗi
sáng chúng lại bay đến một lúc rồi mới bay đi. Điềm ấy thật đáng chú ý
vì đã từng xảy ra khi các vị Đạt-Lai Lạt-Ma thứ I, thứ VII và thứ VIII
sinh ra đời.
Trong trường hợp nào tôi được công nhận là vị tái sinh của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ XIII ?
Một
hôm, có một đoàn người do chính quyền Lhassa cử đi dò tìm vị Đạt-Lai
Lạt-Ma tái sinh, họ kéo đến ngôi chùa Kumbum. Lúc bấy giờ tôi chưa đầy
ba tuổi. Đoàn người dò theo các dấu hiệu mà họ tìm thấy và cứ theo đó
lần mò đến tận nông trại của cha mẹ tôi. Họ nghỉ đêm với gia đình chúng
tôi, họ nô đùa với tôi, quan sát từng cử chỉ nhỏ nhặt của tôi. Vài hôm
sau họ lại quay lại và mang theo nhiều vật dụng tùy thân của vị Đạt-Lai
Lạt-Ma XIII và cả các vật dụng khác cùng loại nhưng không phải của Ngài.
Mỗi khi họ đưa các vật dụng của vị Đạt-Lai Lạt-Ma XIII cho tôi trông
thấy thì tôi liền reo lên : "Cái này của tôi mà ! Cái này của tôi mà !".
Do đó tôi được xác nhận là vị tân Đạt-Lai Lạt-Ma.
Những chiếc răng của vị Đạt-Lai Lạt-Ma XIII
Mẹ
tôi còn nhớ thật rõ khi người ta vừa đưa tôi đến Lhassa, tôi liền nói
với mọi người là răng của tôi được cất giữ trong một cái hộp cất trong
một gian phòng của cung Norbulingka (cung mùa hè) và tôi còn cho biết
thêm một cách chính xác trong gian phòng nào. Khi người ta tìm thấy và
mở hộp ra thì quả đúng là răng của vị Đạt-Lai Lạt-Ma XIII trong ấy. Tôi
lấy tay trỏ vào chiếc hộp và bảo rằng chính đấy là răng của tôi.
Vị Bồ-tát của lòng Từ bi mang biểu tượng của Hoa sen Trắng
Mọi
người xem tôi là hóa thân của các vị Đạt-Lai Lạt-Ma sinh ra trước tôi -
vị thứ nhất sinh vào năm 1351 - và chính vị này được xem là vị Bồ-tát
của lòng Từ bi, mang biểu tượng của Hoa sen Trắng (tức là Quán Thế Âm
Bồ-tát). Người ta tin rằng tôi là biểu hiện thứ bảy mươi bốn của một
dòng tái sinh bắt đầu từ một đứa bé thuộc dòng dõi Bà-la-môn (giai cấp
cao nhất trong xã hội Ấn độ) sống vào thời kỳ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni
còn tại thế cách nay hơn hai nghìn năm trăm năm.
Vị Bồ-tát tượng trưng cho lòng Từ bi tái sinh
Biết
phải nói gì thêm để chứng minh sự kiện người ta cho tôi là người tái
sinh của vị Bồ-tát Vô lượng Từ bi tức là Đức Quán Thế Âm Bồ-tát
(Avalokiteshvara). Tôi chỉ biết nhờ vào thiền định để nhìn ngược lại đời
tôi và theo dõi từng hơi thở một, hết hơi thở này lại chuyển sang hơi
thở khác, cứ thế tôi ngược trở về quá khứ, điều này thật vô cùng tế nhị.
Tôi nghĩ rằng có bốn cách tái sinh.
Cách thứ nhất là sự tái
sinh thông thường. Đối với thể loại này cá thể không có khả năng nào tạo
ra tác động hầu biến cải sự tái sinh của mình, sự sinh đó hoàn toàn lệ
thuộc vào hậu quả phát sinh từ các hành động do chính cá thể ấy thực thi
trong quá khứ.
Cách thứ hai hoàn toàn ngược lại, đó là trường hợp
của một vị Phật hoàn toàn giác ngộ thế nhưng nhất quyết tái sinh và mang
hình tướng con người hầu có thể giúp đỡ người khác. Trong trường hợp
này, tất nhiên vị ấy đã là một vị Phật.
Cách thứ ba là sự tái sinh
của những người nhờ vào kết quả tu tập của chính mình trong quá khứ có
đủ khả năng chọn lựa hay ít ra cũng có thể tạo được ảnh hưởng thuận lợi
liên hệ đến nơi sinh và hoàn cảnh tái sinh của mình.
Cách thứ tư là
một sự "biểu lộ thánh thiện". Trong trường hợp này, người tái sinh tiếp
nhận một trọng trách vượt lên trên cả khả năng của chính mình nhằm mục
đích thực hiện một sứ mạng mang lại những lợi ích nào đó, chẳng hạn như
giảng dạy cho người khác sự tu tập tâm linh. Để thực hiện mục đích trên
đây, người tái sinh phải ước nguyện thật mãnh liệt từ trong các kiếp
sống trước được tiếp tục tái sinh để giúp đỡ người khác. Đấy là một cách
tự tạo cho mình một sứ mạng thiêng liêng.
Dù rằng tất cả các
trường hợp tái sinh trên đây đều có thể xảy ra cho tôi, thế nhưng tôi
không thể khẳng định một cách quả quyết sự tái sinh của tôi thuộc vào
loại nào.
Trong bụng mẹ
Người
ta thường hỏi tôi có nhớ được sự sinh (có nghĩa là vào lúc thụ thai)
của tôi hay thể dạng trước khi sinh hay không. Cho đến giờ phút này, tôi
không nhớ được. Thế nhưng thói thường khi một hài nhi sinh ra đời thì
mắt nhắm, trái lại khi mẹ sinh tôi ra thì đôi mắt tôi mở to. Đấy có thể
là một dấu hiệu nhỏ cho thấy một tâm thức sáng suốt khi tôi còn trong
bụng mẹ.
Người ta gán cho tôi là một con người hàm chứa những phẩm tính thiêng liêng
Quả
thật là một trường hợp hiếm hoi khi có một người nào đó được người khác
xem là mang phẩm tính thiêng liêng, dù là dưới thể dạng này này hay thể
dạng khác. Thế nhưng nhờ đấy mà tôi đã thực hiện được nhiều điều lợi
ích. Vì thế tôi rất trân quý sự đánh giá ấy ; nó mang lại cho tôi niềm
hân hoan. Vai trò thiêng liêng đó đã giúp tôi mang lại ích lợi cho nhiều
người và tôi hiểu rằng đấy là nhờ vào nghiệp trong quá khứ đã giúp tôi
giữ vững được trọng trách ấy. Quý vị có thể cho rằng chẳng qua tôi gặp
được nhiều may mắn thế thôi. Thế nhưng phía sau chữ "may mắn" nhất định
phải có những nguyên nhân và lý do đích thực nào đó. Đấy chính là nghiệp
của tôi đã mang lại sức mạnh giúp tôi đảm trách bổn phận và thực hiện
hoài bão của tôi. "Cho đến khi nào không gian còn hiện hữu, cho đến khi
nào còn chúng sinh trong cõi luân hồi, tôi xin được còn đây để giúp họ
thoát khỏi khổ đau", đấy là câu nguyện ước của một nhà sư tên là Tịch
Thiên (Santideva). Tôi xin lập lại lời ước nguyện đó trong kiếp sống này
và tôi cũng hiểu rằng tôi đã từng nói lên lời ước nguyện đó trong các
kiếp sống trước trong quá khứ của tôi.
Mẹ tôi
Mẹ
tôi nhất định là một trong số những người khả ái nhất mà tôi được biết.
Bà thật tuyệt vời và vô cùng từ bi. Một hôm, trong lúc nạn đói hoành
hành khủng khiếp tại Trung quốc và nhiều người nghèo phải vượt biên giới
tìm miếng ăn trong vùng chúng tôi đang sinh sống, có một đôi vợ chồng
gõ cửa nhà chúng tôi mang theo trên tay một đứa bé đã chết. Họ xin mẹ
tôi cho họ chút gì để lót dạ, mẹ tôi vội vàng mang thức ăn cho họ. Sau
đó thì mẹ tôi trỏ vào đứa bé và ra hiệu bảo với họ có cần mẹ tôi giúp
chôn cất đứa bé hay không. Khi họ hiểu được mẹ tôi muốn nói gì thì cả
hai đều lắc đầu và ra hiệu giải thích rằng họ có ý định sẽ ăn đứa bé. Mẹ
tôi vô cùng kinh hoàng vội kéo họ vào nhà và mang tất cả thức ăn trong
bếp ra cho họ.
Trong bất cứ trường hợp nào dù cho cả gia đình có
thể phải nhịn đói thế nhưng không bao giờ mẹ tôi từ chối bất cứ một
người ăn xin nào đến gõ cửa.
Sự cô đơn của một đứa bé
Vài
tháng sau khi đoàn người điều tra xác nhận đứa bé trong thôn Taktser là
vị Đạt-Lai Lạt-Ma tái sinh thì vào một buổi sớm cha mẹ tôi dắt tôi đến
ngôi chùa Kumbum. Một buổi lễ được tổ chức ngay sau đó vào lúc hừng đông
và sau đấy người ta giữ tôi ở lại chùa. Khoảng thời gian này khá buồn.
Cha mẹ tôi quay về, tôi cảm thấy cô đơn trong một môi trường xa lạ. Thật
vô cùng khổ sở cho một đứa bé phải sống xa gia đình. Tôi luôn cảm thấy
bất hạnh. Tôi cũng chẳng hiểu Đạt-Lai Lạt-Ma có nghĩa là cái gì, tôi chỉ
cảm thấy mình là một đứa bé như tất cả những đứa bé khác.
Nơi lâu đài mùa đông Potala tại Lhassa với hàng nghìn gian phòng
Mùa
đông năm 1940 người ta đưa tôi về lâu đài Potala. Một buổi lễ được diễn
ra trong Gian phòng Tiếp tân, nơi được xem là điểm phát xuất của những
hành động tốt lành trên cả hai phương diện tâm linh và tạm thời (tức
chính trị), và sau đó người ta chính thức phong cho tôi chức vị lãnh đạo
tinh thần chăm lo cho toàn dân Tây tạng. Ngày nay tôi vẫn còn nhớ rõ
chiếc ngai thật to gọi là ngai Sư tử, làm bằng gỗ chạm trổ thật tinh vi
và khảm đá quý. Hôm ấy lần đầu tiên người ta đặt tôi ngồi vào chiếc ngai
này. Ít lâu sau người ta lại đưa tôi đến ngôi chùa Jokhang để thụ phong
sa di. Nhà sư Reting Rinpoché cắt tượng trưng vài lọn tóc của tôi. Vị
này giữ chức nhiếp chính và tạm thời làm nguyên thủ Quốc gia, chờ đến
khi tôi trưởng thành.
Ngoài vị Reting Rinpoché ra, tôi còn có thêm
hai vị giám hộ và ba nhà sư phục dịch : một giữ việc nghi lễ, một lo
việc bếp núc, một lo việc ăn mặc. Mỗi khi tôi đi đâu thì đoàn tùy tùng
đều đi theo. Các vị bộ trưởng và các cố vấn chính phủ ăn mặc lụa là sang
trọng bao quanh tôi, họ xuất thân từ các gia đình cao sang và quý phái
nhất trong nước. Mỗi lần tôi rời lâu đài Potala, hàng trăm tùy tùng đi
theo. Lúc nào cũng thế, cứ mỗi lần ra khỏi lâu đài là hầu hết dân chúng
thủ đô Lhassa tìm đủ mọi cách để được trông thấy tôi tận mắt. Trong bầu
không khí yên lặng và những phút giây trang nghiêm đó tôi hòa mình với
dân chúng đang vái lạy tôi, lắm khi làm cho tôi phải bật khóc.
Đứa bé và người đầu bếp
Ngày
còn ấu thơ tôi rất quý mến người đầu bếp, yêu quý đến độ không muốn xa
rời vị này một phút nào. Đôi khi chỉ cần nhìn thấy vạt áo của vị ấy
loáng thoáng dưới chân các tấm màn chắn ngang cửa các gian phòng cũng đủ
khiến cho tôi vui mừng. Cũng may, ông ta không nề hà gì về thái độ của
tôi. Ông hói đầu, gần như không còn tóc, lúc nào cũng tỏ ra dịu dàng và
đơn sơ. Ông ta kể chuyện không được hấp dẫn lắm, lại không thích nô đùa,
thế nhưng những điều ấy chẳng hề quan trọng đối với tôi.
Tôi vẫn
thường thắc mắc về bản chất của nguyên nhân chi phối sự gắn bó giữa vị
đầu bếp và tôi, đôi khi tôi cũng liên tưởng đến miếng ăn đã giữ vai trò
chủ yếu trong sự tương giao giữa con người với nhau.
Việc học hành của tôi
Cuộc
sống của tôi chẳng có gì đặc biệt. Mỗi ngày hai buổi học, mỗi buổi một
giờ, ngoài giờ học thì chơi đùa. Lúc vừa được mười ba tuổi người ta bắt
tôi phải học theo chương trình dự trù cho các nhà sự chuẩn bị thi tiến
sĩ Phật học. Chương trình gồm mười chuyên khoa, trong số này có năm
chuyên khoa chính là : lôgic học, tiếng Phạn và văn phạm, y khoa, nghệ
thuật và triết học Phật giáo. Năm chuyên khoa thứ yếu là : thi phú,
thiên văn, nghệ thuật sân khấu (kịch nghệ, âm nhạc, ca vũ...), ngữ pháp
và thuật ngữ. Chương trình học thiếu cân bằng và không thích nghi lắm
cho việc đào tạo một người sau này sẽ phải điều khiển một xứ sở trong
tương lai nhất là vào thế kỷ XX này. Chương trình học rất thủ cựu, thế
nhưng dần dần tôi cũng quen. Thỉnh thoảng cũng được nghỉ hè, vào các dịp
này người anh của tôi là Lobsang Samtèm cùng trạc tuổi tôi được phép
đến thăm. Thỉnh thoảng mẹ tôi mang cho tôi một loại bánh đặc sản của
tỉnh Amdo mà chính tay bà làm lấy.
Ngày lễ Lossar vào dịp đầu Năm Mới
Ngày
lễ lớn nhất trong năm là ngày lễ Lossar tức ngày lễ đầu Năm Mới (ngày
Tết), vào khoảng tháng hai hay tháng ba Tây lịch. Đối với tôi đấy là dịp
được hội kiến công khai với vị Nechung tức là vị lo về sấm truyền cho
Quốc gia. Vị này nhập vào vị thần linh của nước Tây tạng là Dorje
Drakden và sau đó nói lại cho tôi và cả chính phủ biết về tương lai vận
hạn của Quốc gia trong Năm Mới.
Các lời sấm truyền
Khác
với những gì mà người ta cố tình hiểu lầm, các vị tiên tri không phải
chỉ biết tiên đoán tương lai. Thật ra người ta thường cầu khẩn các vị
tiên tri để che chở và chữa bệnh cho họ, tuy nhiên vai trò chính yếu
nhất của các vị tiên tri là giúp mọi người hướng vào Dharma - tức Giáo
lý Phật giáo - để tu tập. Ngày xưa nước Tây tạng có hàng trăm vị tiên
tri như thế. Ngày nay con số này ít hơn nhiều, thế nhưng riêng chính
quyền Tây tạng thì vẫn tiếp tục nhờ đến các vị tiên tri tài giỏi (thí dụ
vị tiên tri Lobsang Jigmé đã tiên đoán trước từ năm 1947 là Trung quốc
sẽ xâm chiếm Tây tạng và chính vị này cũng đã khuyên Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
nên rời khỏi Tây tạng vào năm 1959, ghi chú thêm của người dịch). Trong
số này có vị tiên tri của chùa Nechung là được tin cẩn hơn cả. Một trong
các vị thần linh hộ trì cho các vị Đạt-Lai Lạt-Ma là Dorje Drakden
thường hiển hiện xuyên qua vị tiên tri chùa Nechung. Từ nhiều thế kỷ nay
các vị Đạt-Lai Lạt-Ma và cả chính phủ thường hay tham vấn các vị tiên
tri chùa Nechung. Ngày nay chính tôi cũng tham vấn nhiều lần trong năm.
Tôi quyết định chọn vị tiên tri chùa Nechung vì các lời tiên đoán của vị
này tỏ ra rất đúng. Điều đó không có nghĩa là tôi chỉ biết tuân theo
các lời khuyên của vị này, trái lại là khác. Nếu tôi có hỏi vị tiên tri
thì đấy cũng tương tợ như khi tôi tham vấn hội đồng Nội các của tôi thế
thôi, sau đó tôi còn phải hỏi chính lương tâm của tôi nữa. Nếu hội đồng
Kashag (hội đồng bộ trưởng) có thể ví như là hạ viện, thì các bậc thiên
nhân sẽ tượng trưng cho "thượng viện" đối với tôi. Khi tôi phải quyết
định về một vấn đề nào đó liên quan đến vận mệnh Quốc gia, tôi nghĩ thật
hết sức hiển nhiên phải đệ trình lên hạ viện và cả thượng viện.
Y phục nghi lễ của vị tiên tri Nechung
Tại
Dharamsala (nơi thiết lập chính phủ lưu vong của Tây tạng trên đất Ấn),
vị tiên tri Nechung trụ trì một tu viện riêng. Y phục khi hành lễ của
vị này gồm nhiều lớp vải quấn bên trong, bên ngoài là một chiếc áo rộng
thêu thùa các biểu tượng cổ truyền, trước ngực đeo một tấm gương nhỏ
chung quanh khảm ngọc lam (turquoise) và thạch anh tím (a-mê-tít), bên
ngoài lại còn khoác thêm trang phục có cắm bốn lá cờ lớn và ba cờ hiệu
biểu dương sự chiến thắng. Tất cả nặng hơn ba mươi lăm kilô, khi chưa
nhập hồn thì người lên đồng đi đứng thật khó khăn vì quần áo và cờ quạt
quá nặng. Hơn nữa người ta còn đặt lên đầu vị này một cái mão nặng đến
mười lăm kilô. Ngày xưa cái mão này có thể nặng hơn bốn mươi kilô !
Người Trung quốc xâm chiếm Tây tạng vào năm 1950
Biến
cố gay go nhất xảy ra cho tôi là trong những năm tháng khi mà tôi còn
đang trong tuổi cắp sách đã phải đứng ra gánh vác trách nhiệm lớn lao.
Trong suốt thời kỳ ấu thơ tôi chưa từng phải đối đầu với khó khăn nào
đáng kể, thế nhưng trong lúc này lần đầu tiên tôi phải một mình gánh vác
trách nhiệm, thật quả hết sức nặng nề cho tôi. Chuyện xảy ra vào năm
1950, lúc ấy tôi vừa mới mười lăm tuổi. Thật ra thì người Trung quốc
cũng đã khởi sự thâm nhập vào lãnh thổ Tậy tạng từ trước, thế nhưng vào
năm 1950 họ mới ồ ạt xâm chiếm khắp nơi. Riêng tôi thì ngoài việc học
hành và tu tập ra tôi không có một kinh nghiệm nào về chính trị cũng như
ngoại giao.
Lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
"[...]
Thế giới chỉ quan tâm đến tình hình Triều tiên, nơi mà toàn thể liên
quân quốc tế đang ra sức chống trả các cuộc tấn công. Trong khi đó những
biến cố tương tợ đang xảy ra ở nước Tây tạng xa xôi thì không hề có ai
thèm chú ý đến [...].
"Sử dụng quân đội và vũ khí chiến tranh để xâm
chiếm Tây tạng với mục đích đưa xứ sở đó vào quỹ đạo cộng sản Trung
quốc là một sự xâm lăng trắng trợn. Cho đến khi nào mà dân tộc Tây tạng
còn bị sáp nhập vào Trung quốc bằng vũ lực, đi ngược với ý chí và không
có sự thỏa thuận của dân tộc ấy thì sự xâm lăng Tây tạng hiện nay là một
bằng chứng hùng hồn cho thấy kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu. Vì thế chúng tôi
kêu gọi các quốc gia trên thế giới can thiệp dưới danh nghĩa của chúng
tôi để ngăn chận sự xâm lược của Trung quốc".
Bản
tuyên ngôn này được hội đồng bộ trưởng (Kashag) và Quốc hội Tây tạng
đồng ký tên. Làm tại Lhassa ngày hai mươi bảy tháng chín năm Canh Dần
(tức ngày 7 tháng 11 năm 1950).
Lời kêu gọi trên đây không gây ra một tiếng vang nào.
Vị lãnh đạo không đối thủ của sáu triệu người dân Tây tạng vừa mới mười lăm tuổi
Tình
hình ngày càng trở nên tệ hại hơn, đã đến lúc đa số phải đứng về phía
vị Đạt-Lai Lạt-Ma. Vì lý do có nhiều chính kiến bất đồng nên chính phủ
phải nhờ đến sấm truyền. Vị tiên tri của chùa Nechung khệ nệ dưới sức
nặng của chiếc mũ trên đầu và đang trong tình trạng cực kỳ căng thẳng
(nhập hồn) tiến đến chỗ tôi ngồi và đặt lên đầu gối tôi một chiếc kata
(khăn quàng bằng lụa trắng làm quà hiến dâng), trên chiếc khăn có viết
một câu như sau : "Thời đại của nó đã hết". Từ nhiều năm nay, vị tiên
tri công khai xem thường chính phủ thế nhưng lại tỏ ra rất cung kính đối
với tôi. Lúc bấy giờ tôi mới mười lăm tuổi thế nhưng tôi đã trở thành
vị lãnh đạo của sáu triệu dân Tây tạng đang chuẩn bị một cuộc chiến
không tránh khỏi được. Tình thế quả thật không có lối thoát, thế nhưng
tôi phải làm tất cả những gì có thể làm được trong quyền hạn của tôi để
tránh thảm họa có thể xảy ra.
Lời tiên đoán của vị tiền nhiệm của tôi
Vào
năm 1933 vị tiền nhiệm của tôi là Thupten Gyatso, tức vị Đạt-Lai Lạt-Ma
XIII qua đời và để lại di chúc cho biết chắc chắn và rõ ràng là một
ngày nào đó sẽ xảy ra một mối nguy hiểm cộng sản vô cùng khiếp đảm cho
xứ sở. Từ lúc ấy Ngài đã hiểu rằng không thể nào chống trả bằng sức mạnh
hai nước láng giềng to lớn là Trung quốc và Ấn độ, vì thế Ngài đã kêu
gọi hai nước láng giềng nhỏ bé là Nepal và Bouthan cùng hợp tác với Tây
tạng thành lập và huấn luyện một quân đội chung. Thật ra cũng phải thú
nhận đấy không phải là một cách thực thi chính sách tuyệt đối bất bạo
động. Các nước láng giềng làm ngơ trước đề nghị này. Trên phương diện
thuần túy chính trị cũng phải công nhận đấy là một biện pháp quá đỗi lo
xa. Vi tiền nhiệm của tôi thật bén nhạy và đã cảm thấy những chuyển động
sau này của thế giới. Thế nhưng người ta lại không tin vào lời Ngài
nói. Các người có quyền hành không thực thi theo lệnh của ngài.
Đơn độc chống lại Trung quốc
Với
sự thoả thuận của các vị trách nhiệm trong tăng đoàn và của hội đồng
Kashag (hội đồng bộ trường), tôi quyết định đưa một số phái đoàn đại
biểu ra ngoại quốc : Hoa kỳ, Anh quốc, Nepal, và cả Trung quốc để cố
gắng thương thảo yêu cầu Trung quốc rút quân. Phái đoàn duy nhất đến
được nơi dự kiến lại là phái đoàn được gởi đi Trung quốc. Các phái đoàn
khác đều bị từ chối không nước nào tiếp rước. Sự thất vọng quả thật chua
chát. Có phải là người Mỹ đã thay đổi thái độ đối với chúng tôi hay
chăng ? Tôi vẫn còn nhớ lại nỗi lo buồn khi nhận thấy điều ấy : rồi đây
người dân Tây tạng phải đơn độc đương đầu với sức mạnh của cộng sản
Trung quốc.
Trên đường từ Lhassa đến Bắc Kinh xuất hiện một pho tượng đầu trâu
Người
Trung quốc đề nghị với chính phủ Tây tạng hãy gửi sang Trung quốc một
vài chức sắc để quan sát và đánh giá tận mắt cuộc sống của người dân
trên đất mẹ Trung quốc tươi đẹp và vinh quang đến mức độ nào. Sau đó ít
lâu, vào khoảng năm 1954, tôi lại đích thân được mời sang Trung quốc.
Biết đâu nhờ dịp này tôi sẽ gặp được Mao Trạch Đông. Nhiều người Tây
tạng không tán đồng chuyến đi này của tôi vì họ e sợ có thể tôi sẽ bị
giữ luôn ở Trung quốc hoặc tính mạng tôi cũng có thể bị hăm dọa. Riêng
tôi thì không hề sợ gì cả. Tôi quyết định lên đường. Đoàn tùy tùng lên
đến năm trăm người, trong số này có gia đình tôi, hai vị giám hộ của tôi
và cả hội đồng Kashag. Lhassa cách Bắc kinh ba ngàn cây số.
Vào
những năm 1954 các phương tiện lưu thông nối liền hai quốc gia chưa có.
Trên chặng đường đầu tiên tôi quyết định chọn ngôi chùa Ganden làm trạm
dừng chân thứ nhất và tôi vô cùng nôn nóng muốn đến ngay nơi này. Chúng
tôi lưu lại đấy vài hôm. Thật không còn nghi ngờ gì cả, trước khi rời
ngôi chùa tôi trông thấy pho tượng đầu trâu tượng trưng cho vị thần linh
phù trợ xứ Tây tạng có vẻ rất khác lạ không giống như lần đầu tiên
trước đây khi tôi trông thấy. Đầu pho tượng gục xuống giống như có vẻ
tùng phục, mặt pho tượng quay về hướng Đông và hiện lên sự hung tợn. Sau
này trên đường lưu vong người ta kể lại cho tôi nghe trong một ngôi
miếu nhỏ thuộc ngôi chùa Ganden có một bức tường bỗng nhiêm rướm máu.
Ngài Pan-chen La-Ma
Tương
tợ như trường hợp của các vị Lạt-Ma, các vị Pan-chen Lạt-Ma cũng là các
vị tái sinh thuộc các cấp bậc cao. Pan-chen Lạt-Ma là vị lãnh đạo tinh
thần chỉ dưới quyền của vị Đạt-Lai Lạ-Ma mà thôi, thế nhưng các vị này
trên dòng lịch sử chưa từng bao giờ nắm giữ một quyền hành dân sự nào
cả.
Khi đến tỉnh Sian thì vị Pan-chen Lạt-Ma tháp tùng với phái đoàn
chúng tôi. Vị này mới mười sáu tuổi và lớn lên trong một hoàn cảnh vô
cùng rối rắm. Một hố sâu chia cách hai vị tiền nhiệm trực tiếp của chúng
tôi trước đây. Vị tiền nhiệm Pan-chen Lạt-Ma trải qua phần lớn đời mình
trong vùng cận biên với Trung quốc do người Trung quốc kiểm soát và vị
này đã chết tại đấy. Người Trung quốc tiến cử vị thay thế do chính họ
lựa chọn trong vùng, trong khi đó thì có hai ứng viên khác đã được lựa
chọn trong phần lãnh thổ Tây tạng. Nhiều cuộc thương thảo đã diễn ra thế
nhưng sau cùng thì ứng viên do người Trung quốc lựa chọn được công nhận
là vị hóa thân đích thực, lúc đó vừa được mười một hay mười hai tuổi.
Việc
giáo dục của vị này hoàn toàn trong tay người Trung quốc, trước hết
dưới chế độ Tưởng Giới Thạch, sau đó là chế độ cộng sản. Tất nhiên đấy
là một lợi điểm cho người Trung quốc, họ có thể mượn danh nghĩa của vị
lãnh đạo tinh thần người Tây tạng để tuyên bố bất cứ gì. Nếu vị này và
những người tùy tùng theo về với chính nghĩa Tây tạng từ trước thì thảm
họa Tây tạng dù có xảy ra cũng không đến đỗi quá tệ hại đến thế. Tuy
nhiên không nên hoàn hoàn toàn đổ lỗi cho vị Pan-chen Lạt-Ma. Vì quá trẻ
và thường xuyên chịu sức ép nặng nề của ngoại bang nên vị này không làm
gì khác hơn được.
Mao Trạch Đông
Trong
chuyến công du đầu tiên của tôi tại Trung quốc, tôi được vị Thủ tướng
và phó chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung quốc là Chu Ân Lai và một vị nữa
là Chu Tế (Chu Teh) đón tiếp. Cả hai tỏ ra rất thân thiện. Nếu tôi nhớ
không lầm thì hai hay ba hôm sau, lần đầu tiên tôi gặp chủ tịch Mao.
Cuộc gặp mặt xảy ra trong một buổi họp công khai. Phía chủ nhân giữ ý tứ
quá đỗi cẩn thận. Sự lo âu của họ lây cả sang chúng tôi, khiến chúng
tôi cũng hoảng kinh. Riêng chủ tịch Mao thì có vẻ hoàn toàn thoải mái và
thư giãn. Ông ta không có vẻ gì là một người đặc biệt thông minh. Thế
nhưng khi bắt tay tôi cảm thấy ông ta có một sức thu hút thật mạnh.
Chẳng những ông ta là người thân thiện mà còn rất tự nhiên.
Chúng
tôi hội kiến với nhau ít nhất mười hai lần. Trước hết phải ghi nhận là
trên phương diện thân thể ông ta là người khác thường. Da tuy sậm đen
thế nhưng nước da bóng loáng. Hai bàn tay cũng bóng loáng giống như nước
da trên người, ngoài ra tôi cũng nhận thấy hai bàn tay có một vẻ đẹp
nào đó, ngón cái rất thanh nhã. Ông ta phát biểu bằng những câu ngắn và
ăn nói rất chậm. Cử chỉ cũng chậm. Cách ăn mặc tương phản với phong cách
của ông ta : quần áo có vẻ mòn nhẵn. Bộ đồng phục cũng tương tợ với
quần áo của những người Trung quốc bình thường, chỉ trừ màu sắc là khác.
Uy quyền toát ra từ toàn thân của ông và mỗi khi xuất hiện đều làm cho
mọi người chung quanh phải kính nể.
Chu Ân Lai và Lưu Thiếu Kỳ
Ngoài
Mao ra tôi còn thường xuyên gặp Chu Ân Lai và Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shao
Ch'i). Trong khi Lưu tỏ ra rất trầm tĩnh và nghiêm trang thì Chu lại
tươi cười, khả ái và có đầu óc hơn, nhất là sự lễ độ của Chu được đẩy
đến mức khiến người khác phải lo ngại không còn biết có nên tin vào ông
ta hay không. Không có gì thoát khỏi sự chú ý của Chu.
Khrouchtchev, Boulganine và nhà thông thái Nerhu
Vào
dịp lễ kỷ niệm năm thứ năm thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung quốc,
người ta giới thiệu tôi với Krouchtchev và Boulganine. Hai vị này không
gây được một ấn tượng nào đối với tôi. Dầu sao thì hai ông này cũng
không thể so sánh với nhà thông thái (pandit) Nerhu đã thân hành đến Bắc
kinh khi tôi còn lưu ngụ tại đó. Nhìn từ xa ông ta (Khroustchev) có vẻ
khá nhã nhặn, thăm hỏi mọi người rất tự nhiên. Thế nhưng khi tôi bắt tay
ông ta thì ông ta sững sờ và bất động. Ông ta không tìm được lời nào để
nói và đôi mắt đờ đẫn không hồn. Tôi vô cùng thất vọng vì tôi có ý định
hỏi ông ta về thái độ của quốc gia ông đối với Tây tạng như thế nào.
Hội kiến tay đôi với Mao
Trong
một buổi hội kiến tay đôi với Mao, ông ta nói với tôi như sau : "Tây
tạng là một nước lớn. Quý vị có một lịch sử tuyệt vời. Cách nay đã lâu
chính quý vị đã từng xâm chiếm một phần lớn lãnh thổ Trung quốc. Thế
nhưng hiện nay quý vị đang trong tình trạng chậm tiến, và chúng tôi muốn
giúp quý vị đuổi kịp sự chậm trễ đó". Thật khó tin, thế nhưng hình như
ông ta rất thành thực khi nói lên những lời nói ấy. Ý nghĩ về một sự hợp
tác với Trung quốc bỗng mang lại sự phấn khởi cho tôi. Càng suy nghĩ
đến chế độ Mác-xít, tôi lại càng nhìn thấy nhiều phẩm tính tốt. Đấy là
một chế độ nêu cao công lý và sự công bằng đối với tất cả mọi người, một
phương thuốc bá bệnh. Khiếm khuyết duy nhất mà tôi thấy là chế độ ấy
chỉ biết đến khía cạnh đơn thuần vật chất của sự hiện hữu con người.
Karl Marx và chế độ Mác-xít
Nếu
tìm hiểu về cuộc đời của Karl Marx và nguồn gốc làm phát sinh ra chủ
nghĩa Mác-xít, thì người ta sẽ thấy rằng Marx đã từng gánh chịu thật
nhiều khổ đau trong suốt cuộc đời mình, vì thế lúc nào ông cũng muốn
chứng minh cho mọi người thấy mình là một nhà vô địch quyết chiến đấu để
lật đổ giai cấp tư sản. Ông chỉ nhìn thấy thế giới này dưới khía cạnh
của sự kình chống. Dựa trên bản chất của mô hình quá sơ đẳng đó, toàn
thể phong trào cộng sản đã bị sụp đổ. Trái lại nếu biết xây dựng theo mô
hình của ngàn xưa, dựa trên nền tảng của từ bi và lòng nhân ái thì có
lẽ mọi sự đã phải khác hơn nhiều.
Du hành xuyên qua Trung quốc cộng sản
Vào
mùa đông năm 1954, tôi và đoàn tùy tùng du hành xuyên qua Trung quốc để
chứng kiến tận mắt những tiến bộ tuyệt vời trên phương diện vật chất và
kỹ nghệ. Tôi rất khâm phục những gì người cộng sản đã thực hiện được,
nhất là trong lãnh vực kỹ nghệ nặng. Tôi ước mong xứ sở tôi cũng thực
hiện được những tiến bộ như thế.
Lời khuyên của Mao
Cuộc
hội kiến với Mao vào mùa xuân năm 1955 và cũng rất có thể đấy là lần
hội kiến cuối cùng. Mao ngỏ lời khuyên tôi nên cai trị như thế nào, phải
tổ chức các buổi hội họp như thế nào, làm thế nào để thăm dò được sự
suy nghĩ của người khác, làm sao giải quyết những vấn đề khó khăn... Sau
đó ông ta đến bên cạnh tôi và nói với tôi như sau : "Thái độ của ông
rất tốt, ông có biết không. Tôn giáo là liều thuốc độc. Trước nhất là
các nhà sư và các nữ tu sống độc thân, chủ trương đó của tôn giáo không
thể giúp gia tăng thêm dân số. Ngoài chuyện đó ra tôn giáo còn kiềm hãm
sự tiến bộ. Hai nạn nhân trước mắt ông đấy : đó là Tây tạng và Mông cổ".
Lúc đó mặt tôi hình như nóng bừng lên và bất chợt tôi cảm thấy vô cùng
sợ hãi.
Trở về Lhassa
Trở về Lhassa vào
tháng sáu năm 1955, tôi được hàng ngàn người đón rước giống như trước
kia. Sự hiện diện của tôi mang lại phấn khởi cho dân chúng và riêng tôi
cũng cảm thấy lạc quan hơn khi nghĩ đến Mao đã công khai bày tỏ sự tin
tưởng đối với tôi, điều đó đã gián tiếp nâng vị thế của tôi cao hơn một
chút trước cái nhìn của những người đại diện Trung quốc tại địa phương.
Thiền định tại cung mùa hè
Thật
thế tôi không đủ sức bày tỏ tất cả niềm hân hoan của tôi khi được trở
lại cung Norbulingka. Phía bên ngoài và sát bên cạnh tường thành là trại
quân Trung quốc, ngày đêm họ canh chừng chúng tôi, thế nhưng bên trong
vòng thành khung cảnh vẫn an bình và tráng lệ. Chúng tôi vẫn tiếp tục
thực hành nghi lễ và gần như không bị quấy rầy gì cả.
Những lời tiên đoán của vị tiên tri Nechung
Vào
đầu năm 1956 và vào dịp lễ Lossar (ngày Tết), tôi gặp vị tiên tri
Nechung, đây là cuộc gặp gỡ vô cùng quan trọng. Vị này tuyên bố như sau :
"Viên ngọc báu giúp thực hiện được mọi ước vọng (một trong các cách gọi
vị Đạt-Lai Lạt-Ma của người dân Tây tạng) sẽ rạng ngời tại Tây phương".
Ngay trong lúc đó tôi chỉ hiểu rằng phải vượt sang Ấn độ, thế nhưng về
sau này tôi mới hiểu lời tiên tri ấy hàm chứa những ý nghĩa sâu xa hơn.
Công cuộc kháng chiến của người Tây tạng
Một
biến cố xảy ra vào mùa hè khiến tôi rất đau buồn, từ trước đến nay tôi
chưa bao giờ đau buồn đến thế. Liên quân chiến đấu dành độc lập vừa gặt
hái được vài kết quả đáng kể : phá được một vài đoạn cầu đường ngăn chận
bớt sức tiến quân của các đạo quân Trung quốc. Thế nhưng đúng như sư
tiên đoán của tôi : quân đội Trung quốc trả đủa một cách thật khủng
khiếp. Thế nhưng tôi vẫn không ngờ được là họ lại dùng cả phi cơ oanh
tạc ngôi chùa Lithang ở tỉnh Kham. Hay được tin này tôi bật khóc. Tôi
không ngờ con người lại có thể độc ác đến thế. Sau trận oanh tạc đó họ
tra tấn và tìm giết vợ con các chiến binh kháng chiến, các nhà sư và nữ
tu sĩ thì bị tra tấn thật dã man chưa từng thấy.
Mao chính thật là kẻ đã hủy diệt Đạo Pháp
Trong
thuở thiếu thời và vào lúc tuổi đời còn trẻ thế mà tôi đã phải chứng
kiến những cảnh tượng như thế, thật vậy đấy là các biện pháp đàn áp quá
sức tàn bạo - đốt chùa, tàn phá các công trình nghệ thuật, đóng đinh, xẻ
thịt, chặt chân tay, mổ bụng, cắt lưỡi - tất cả những thứ ấy không còn
cho phép một sự hợp tác nào có thể hình thành được nữa. Những cảnh ghê
rợn đó đã xảy ra trên quê hương tôi và tôi tin chắc rằng Mao là một
người "hủy diệt Đạo Pháp".
Khó khăn của một vị lãnh đạo tâm linh và tạm thời (tức thế tục) trong thời kỳ chiến tranh
Tình
cảnh trở nên tuyệt vọng. Tất cả mọi cố gắng tìm kiếm một giải pháp hòa
bình không mang lại một kết quả nào. Chúng tôi rơi vào vòng lẩn quẩn
giữa sự trừng phạt độc đoán và sự phẫn uất của dân chúng. Sự thối chí
xâm chiếm lòng tôi. Từ nghìn xưa bổn phận của vị Đạt-Lai Lạt-Ma là mang
lại hạnh phúc cho đất nước Tây tạng, ngày nay thật không thể nào kham
nổi trách nhiệm đó. Trong vị thế phải giữ hai vai trò, tức vừa là vi
lãnh đạo tinh thần vừa là người cai trị tạm thời, tôi phải chận đứng mọi
hình thức bạo động trong dân chúng, thế nhưng người Trung quốc trong
khi đó lại tìm đủ mọi cách để ly gián tôi với dân chúng. Ví như người
dân Tây tạng có đánh mất lòng tin nơi vị lãnh đạo chính trị của mình đi
nữa, thì họ cũng không được phép đánh mất lòng tin đối với vị lãnh đạo
tinh thần. Tôi có thể ủy nhiệm trách vụ chính trị cho người khác kể cả
việc từ chức, thế nhưng một vị Đạt-Lai Lạt-Ma không bao giờ từ bỏ uy
quyền lãnh đạo tâm linh ; thật ra thì tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến
chuyện ấy.
Chính trong lúc cực kỳ tuyệt vọng tôi lại nhận được giấy
mời sang Ấn độ dự lễ Bouddha Jayanti (tức lễ Phật đản) đánh dấu hai ngàn
năm trăm ngày sinh của Đấng Thế Tôn.
Du hành Ấn độ
Vì
các nhu cầu chính trị và tôn giáo tôi nhất quyết phải du hành sang Ấn
với bất cứ giá nào. Chẳng phải nước Ấn là quê hương của Đấng sáng lập ra
Phật giáo, nguồn gốc mang lại trí tuệ cho chúng ta hay sao ? Dù mang
nhiều khác biệt thế nhưng Tây tạng cũng không khác gì người con của nền
văn minh Ấn độ. Trên phương diện chính trị thì đấy cũng là một dịp may
cho tôi rút lui, ít nhất cũng được một thời gian ngắn nào đó, ra khỏi sự
bang giao vô bổ và những cuộc bàn thảo vô tích sự với người Trung quốc.
Ngoài ra tôi cũng hy vọng là nhân dịp này tôi có thể tìm đưọc sự cố vấn
của Nerhu và của các nhà lãnh đạo dân chủ, họ đều là đệ tử của Mahatma
Gandhi.
Trước đây xứ sở chúng tôi đã từng bang giao lâu dài và thân
thiện với chính quyền Anh quốc tại Ấn độ. Đó cũng là mối dây liên hệ duy
nhất giữa chúng tôi và thế giới Tây phương. Thế nhưng từ khi quyền hành
được chuyển giao cho chính quyền Ấn, thì mọi bang giao chính trị giữa
chúng tôi và Ấn độ cũng tan biến nhanh chóng như tuyết gặp nắng. Vì thế
tôi phải quyết định nối lại sự bang giao đó. Tôi không thể chấp nhận một
xứ Tây tạng hoàn toàn bị cô lập trên phương diện chính trị. Tôi rời
Lhassa vào cuối tháng 11 năm 1956, và vui mừng nghĩ đến sẽ được tự do đi
lại không còn lo sợ người Trung quốc.
Ngài Mahatma Gandhi
Buổi
sáng đầu tiên khi đến New Delhi một đám đông người tu tập đón rước tôi,
ngay sau đó tôi đến viếng Raijghat là nơi hỏa táng Mahatma Gandhi.
Trong khi đang tụng niệm trên triền dốc thoai thoải đưa xuống bờ sông
Yamuna thì bỗng hiện lên trong lòng tôi một niềm tiếc nuối thật sâu xa
không được gặp Gandhi lúc ngài còn sống, thế nhưng đồng thời tôi cũng
cảm thấy hân hoan khi nghĩ đến cuộc đời của ngài là cả một tấm gương
tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Tôi từng xem ngài - và vẫn còn xem ngài
- như một vị lãnh đạo Quốc gia lão thành biết đặt lòng vị tha lên trên
quyền lợi cá nhân. Giống như ngài, tôi tin một cách vững chắc rằng
bất-bạo-động là khí giới chính trị hữu hiệu nhất.
Hội kiến với nhà thông thái Hehru
Trong
lần hội kiến đầu tiên với nhà thông thái Nehru, tôi giải thích thật chi
tiết cho ông ta hiểu là người Trung quốc đã xâm lăng nước Tây tạng an
bình của chúng tôi như thế nào và tôi đã phải cố gắng như thế nào để tìm
một sự thỏa thuận với họ khi mà tôi hiểu rằng không có một quốc gia nào
sẵn sàng ủng hộ chúng tôi đòi lại quyền độc lập cho xứ sở của chúng
tôi. Lúc đầu ông ta cố gắng nghe tôi nói một cách rất lễ độ, thế nhưng
sau đó lại từ từ chuyển sang thái độ lơ là. Sau cùng thì ông ta nói với
tôi là ông ta hoàn toàn hiểu tôi thế nhưng lại nói thêm : "Tuy nhiên ông
cũng phải hiểu rằng nước Ấn không thể giúp ông được". Tuy thế tôi vẫn
cứ đề cập với ông ta ý định của tôi xin tị nạn tại Ấn. Về điểm này Nehru
cũng thoái thác : "Ông phải trở về xứ sở của ông và tìm cách thỏa thuận
với người Trung quốc". Tôi phản kháng lại là tôi đã cố gắng hết mức thế
nhưng người Trung quốc đã làm cho tôi thất vọng.
Trước khi rời
Delhi tôi hội kiến lần cuối cùng với Nerhru. Kết quả thật minh bạch :
nước Ấn không thể giúp gì cho Tây tạng. Nehru còn khuyên tôi nên nghe
theo lời Chu Ân Lai và khi trở về Lhassa thì nên về thẳng không được ghé
Kalimpong, một thành phố ở Bắc Ấn, theo lời mời của những người Tây
tạng tị nạn tại đây. Thế nhưng sau khi tôi nài nỉ ông ta về điều khoản
này thì bất ngờ ông ta lại thay đổi hẳn ý kiến và tuyên bố rằng : "Dù
sao thì nước Ấn cũng là một nước tự do. Bất cứ gì ông dự đinh thực hiện
không trái với luật pháp Ấn độ".
Hai người em của tôi liên lạc với
các chính trị gia Ấn độ có cảm tình với chúng tôi và cùng với vị cựu Thủ
tướng chính phủ của tôi trước đây cả ba đều cố gắng thuyết phục tôi nên
ở lại luôn tại Ấn. Cả ba đều thỉnh cầu Kashag (hội đồng bộ trường)
khuyên tôi không nên trở về nước. Tôi nhất định không nghe ; tôi nghe
theo lời khuyên của Nehru và căn cứ vào lời hứa hẹn của Chu Ân Lai để cố
gắng thêm một lần nữa hợp tác với người Trung quốc xem sao. Thế nhưng
trên đường về Lhassa lòng tôi vẫn nặng trĩu lo buồn.
Lhassa trờ thành một thùng thuốc súng
Tình
trạng khủng hoảng ngày càng lộ liễu hơn và sau cùng đã bộc phát vào
những tháng sau cùng của năm 1958, lúc đó Liên quân chiến đấu cho tự do
đang bao vây Tsethang, một đồn quân quan trọng của Quân đội Nhân dân
Giải phóng Trung quốc. Dân số Lhassa tăng lên gấp đôi vì người dân chạy
nạn từ khắp nơi đổ về, tôi cảm thấy nếu mà họ tham gia vào việc đánh
nhau thì nhất định sẽ không còn một hy vọng nào tái lập được hòa bình.
Thùng thuốc súng có nguy cơ sẽ nổ tung bất cứ lúc nào, thế nhưng trên
thực tế lại không có gì xảy ra. Tôi cố tập trung vào việc tu học suốt
những tháng dài băng giá của mùa đông.
Tiến sĩ Phật học
Đầu
năm 1959, tôi rời Norbulingka (cung mùa hè ở Lhassa) để đến ngôi chùa
Jokhang tham dự lễ Monlam và đấy cũng là dịp tôi phải dự thi lần cuối
cùng để lấy bằng tiến sĩ. Khi đến nơi thì đã có khoảng hai mươi lăm đến
ba mươi ngàn nhà sư đã tụ họp từ trước để đón rước tôi, họ bị tràn ngập
bởi đám người thế tục thật đông đảo kéo về từ những nơi xa xôi và hẻo
lánh trên toàn thể đất nước Tây tạng. Suốt ngay hôm đó trước sự chứng
kiến của một cử tọa gồm nhiều ngàn người, tôi phải tranh luận với các
học viên cùng khóa về các chủ đề thuộc Lôgic học, Khoa học luận
(Epistemology), Madhyamaka (Trung Quán Tông) và Prajnaparamita (Bát-nhã
Ba-la-mật-đa : tức trình bày về giáo lý và kinh sách Đại thừa). Sau đó
các học giả Phật học hạch hỏi tôi về năm chuyên ngành chính yếu. Thật là
một ngày nhọc mệt, thế nhưng ban giám khảo đều nhất trí chấm đậu và
tuyên bố tôi xứng đáng nhận chức Geshe, tức tiến sĩ Phật học.
Một nghìn năm văn hiến biểu dương sự vinh quang lần cuối cùng
Ngày
5 tháng 3 tôi rời chùa Jokhang để trở lại cung mùa hè trong cảnh nhộn
nhịp. Các người cận vệ ăn mặc đồng phục sáng chói bao quanh chiếc kiệu
của tôi, theo sau là hội đồng bộ trưởng và giới quý phái ở Lhassa, tất
cả ăn mặc thật lộng lẫy. Tiếp theo sau là các vị trụ trì và các vị
lạt-ma tiếng tăm nhất trong nước, sau hết là hàng nghìn và hàng nghìn
người dân Tây tạng. Đấy là nền văn hiến của hơn một nghìn năm không gián
đoạn đang biểu dương lần cuối cùng sự vinh quang của mình trên một đoạn
đường sáu cây số chia cách hai tòa kiến trúc.
Đi xem một tuồng hát
Trước
chuyến du hành đến chùa Jokhang, người Trung quốc thúc hối tôi phải dự
kiến một buổi trình diễn kịch nghệ, thế nhưng họ không hé môi thảo luận
trước với chúng tôi nghi thức sẽ được tổ chức như thế nào, tuy nhiên tôi
vẫn chấp nhận trên nguyên tắc sẽ tham dự vào ngày 10 tháng ba. Sau khi
trở về Lhassa, chúng tôi được biết là buổi trình diễn sẽ được tổ chức
bên trong trại quân của người Trung quốc đóng cách cung mùa hè chưa đầy
ba cây số . Chỉ cần nêu lên ý nghĩ một vị Đạt-Lai Lạt-Ma đích thân đi
đến một nơi như thế dù với mục đích nào đi nữa cũng là một điều không
thể hình dung được (người tu hành không xem hát xướng). Bất cứ ai cũng
đều nhận thấy lời mời ấy chứa đựng đầy những điều đáng nghi ngờ, nhất là
tôi lại nghĩ thêm đấy là một sự kiện mới lạ chưa từng xảy ra, có nghĩa
là tôi phải bước vào bên trong trại quân của người Trung quốc không một
người cận vệ đi theo. Đúng ngày hôm đó, vào lúc tinh sương tôi tản bộ
như thường lệ trong khu vườn của cung Norbulingka, vẻ đẹp của một buổi
sáng mùa xuân làm cho tôi quên khuấy đi những nỗi lo lắng trong lòng.
Bỗng nhiên những tiếng hò hét vang lên từ phía bên kia bức tường : dân
chúng Lhassa hét to lên cho tôi nghe thấy là họ kéo nhau đến đây để cứu
tôi. Đám người ngày càng đông thêm, người ta bảo với tôi là phải đến ba
mươi ngàn người. Khi các thành viên chính phủ tràn vào Lâu đài, tôi nghe
thấy họ nói với nhau : "Người Trung quốc ra khỏi Tây tạng ! Nước Tây
tạng của người Tây tạng !". Tôi bảo hội đồng bộ trưởng hãy thông báo với
vị đại tướng Trung quốc là tôi không thể tham dự buổi trình diễn được
nữa. Tôi có cảm giác đang đứng giữa hai ngọn núi lửa sẵn sàng nổ tung
bất cứ lúc nào. Một bên là dân tộc tôi cương quyết, nhất trí và dứt
khoát phản đối chế độ Trung quốc, một bên là quân đội của một lực lượng
chiếm đóng vô cùng hùng mạnh và hung hãn. Trong trường hợp chạm trán
giữa hai bên : hàng ngàn người dân sẽ bị sát hại một cách tàn bạo.
Cuộc nổi loạn tại Lhassa
Những
ngày sau đó tình trạng trở nên hoang mang cùng cực. Vị đại tướng Tan
Kuan-Sen cho biết đấy là một sự "phản bội" và lên án chính phủ Tây tạng
đã tổ chức các cuộc khuấy động chống lại chính quyền Trung quốc. Người
ta đồn là đang có một cuộc giàn quân nhằm phá tan cung Norbulingka. Khí
thế của đám đông có vẻ như cuồng loạn. Tôi phải lưu lại nơi này hay nên
bỏ trốn ? Tôi tham vấn vị tiên tri, lại thêm một lần nữa vị này lập lại
câu trả lời trước đây : tôi phải ở lại để cố gắng duy trì sự đàm thoại
cởi mở với người Trung quốc. Thế nhưng đây là lần đầu tiên tôi do dự,
tôi muốn tìm trong câu trả lời của vị tiên tri một quyết định nào khác
hơn. Và rồi đến ngày 16 tôi nhận được lá thư thứ ba và cũng là lá thư
cuối cùng của vị đại tướng Tan Kuan-Sen. Đấy là bức tối hậu thư cho biết
quân đội Trung quốc đang chuẩn bị tấn công vào đám đông và oanh tạc
Norbulingka.
Cuộc sống lưu vong
Hừng
đông ngày 17 tháng ba năm 1959, phút cuối cùng đã gần kề. Tiếng đồn cho
biết các đạo quân tăng cường không vận từ Trung quốc đã đến nơi.
Về
phía người Tây tạng thì một đám đông đang phẫn nộ - mang gậy, dao, kiếm
và cả vài khẩu súng - họ đang bao quanh cung mùa hè với hy vọng giải
cứu "người gia hộ cho họ", chẳng qua vì sinh mạng của vị Đạt-Lai Lạt-Ma
là những gì quí giá nhất đối với họ. Họ quyết tâm lưu lại và sẽ chết ở
đấy.
Tình thế trở nên hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi lại hỏi vị tiên tri
thêm một lần nữa. Lần này thì tôi vô cùng ngạc nhiên vì vị này thét lên
:" Đi ngay ! Đi ngay tối hôm nay !". Vị tiên tri đang trong tình trạng
nhập hồn ghi lên giấy thật chi tiết cách thức (hóa trang) thoát ra khỏi
Norbulingka và cả lộ trình vượt biên. Vào đúng lúc đó một biến cố xảy ra
hình như có ý nhấn mạnh thêm lời sấm truyền : hai quả đại pháo rơi đúng
vào cửa bắc của khu vườn Bảo châu. Tôi và các bộ trưởng tham vấn các vị
lãnh đạo đại diện cho dân thì tất cả đều nhất loạt sẽ ra sức giúp đỡ
chúng tôi và bảo toàn bí mật.
Khi trời vừa sụp tối, tôi thân hành
đến nơi chính điện thờ vị Mahakala, tức vị thần linh hộ mệnh của tôi.
Tôi dâng lên một tấm kala (khăn quàng bằng lụa trắng) và lưu lại một lúc
trước bàn thờ để nguyện cầu. Cửa chính của cung có một bờ thềm. Tôi đi
một vòng và dừng lại ở mép thềm để hình dung cuộc hành trình của tôi khi
đến nước Ấn và tôi lại quay trở lại phía cửa để tượng trưng cho sự trở
về quê hương Tây tạng của tôi. Sau đó tôi ra đi giữa một đêm giá buốt,
mặc một chiếc quần và khoác lên người một áo tơi dài, cặp kính bỏ vào
túi, trên vai đeo khẩu súng, hai người cận vệ đi theo, và sau đó lại có
thêm một người hầu cận nhập bọn. Như thế đó tôi rời vòng thành của lâu
đài như một chiến sĩ Tây tạng thật bình dị. Hướng về nước Ấn, tôi bước
vào con đường lưu vong.
Bures-Sur-Yvette, 10.03.11
Hoang Phong chuyển ngữ
Frédéric Hatier biên soạn Hoang Phong chuyển ngữ