Ngài Nam Tuyền nói: “Tâm bình thường là đạo.” Chư
vị Tổ sư dùng đến vô số phương tiện cũng không ngoài việc dẫn dắt
người học đạt đến tâm bình thường này. Vì thế, thiền không phải là một
lãnh vực siêu nhiên vượt ngoài phạm trù ý thức thông thường như nhiều
người lầm tưởng, mà trái lại chính là sự soi rọi, chiếu sáng những trạng
thái tâm thức hết sức bình thường mà mỗi người chúng ta đều đã và đang
trải qua trong cuộc sống thường ngày.
Một trăm lẻ một câu chuyện trong sách này là một trăm lẻ một câu
chuyện hết sức bình thường. Phần lớn được chuyển dịch sang Anh ngữ từ
tập sách tiếng Nhật có tựa là Shaseki-shu (được dịch sang Anh ngữ là Collection of stone and sand)
có nghĩa là “góp nhặt cát đá”. Đúng như tên gọi đó, trong tuyển tập
này bạn sẽ không tìm thấy những ngọc ngà châu báu rực rỡ muôn màu, mà
chỉ có những đá sỏi, đất cát hết sức bình thường, luôn có thể tìm thấy ở
bất cứ nơi đâu trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi được soi rọi dưới ánh
sáng tỉnh thức của thiền, mỗi một hòn sỏi, hạt cát nơi đây đều sẽ toát
lên những ý nghĩa phi thường. Khi hiểu được điều này, người đọc sẽ nhận
ra bằng tâm thức rộng mở của chính mình rằng phép mầu vi diệu nhất
chính là việc bước đi vững vàng trên mặt đất.
Từ khi thiền sư Muju (Vô Trú) đưa ra tác phẩm này tại Nhật
Bản vào khoảng thế kỷ 13, nó đã nhanh chóng cuốn hút đông đảo mọi tầng
lớp người đọc. Có người tìm thấy trong tác phẩm những nụ cười ý vị,
những phút giây thanh thản giải tỏa sự căng thẳng trong cuộc sống; người
khác lại tìm thấy nơi đây những thông điệp sâu sắc về ý nghĩa đời
sống, về mục đích cao cả nhất của một kiếp người... Nói chung, tùy theo
những khả năng nhận hiểu khác nhau mà tác phẩm này hầu như có thể khơi
mở được tất cả những dòng suy tư khắc khoải của mỗi người. Đó chính là
nét độc đáo của tác phẩm, và cũng chính là lý do giải thích vì sao đã
có rất nhiều bản dịch tác phẩm sang các ngôn ngữ khác liên tục ra đời.
Mặt khác, năng lực nhận thức của mỗi chúng ta luôn thay đổi qua sự
học hỏi và kinh nghiệm sống. Vì thế, nếu bạn đã từng đọc qua tác phẩm
này cách đây nhiều năm, thì chắc chắn khi đọc lại nó một lần nữa bạn
cũng sẽ có được những cảm nhận khác biệt hơn so với lần đọc trước. Đây
lại là một nét độc đáo khác nữa của tác phẩm. Và điều này giải thích vì
sao tác phẩm vẫn tồn tại và duy trì được giá trị của chính nó qua
nhiều thế kỷ, cũng như chắc chắn sẽ còn tiếp tục tồn tại lâu dài trong
tương lai.
Bản Việt dịch này được thực hiện dựa trên bản Anh ngữ của Nyogen Senzaki và Paul Reps, được ấn hành lần đầu tiên tại London (Anh quốc) vào năm 1939, chủ yếu dựa vào tác phẩm trước đây của thiền sư Muju
và sưu tập thêm một số các giai thoại khác trong nhà thiền, được lưu
truyền rộng rãi ở Nhật trong suốt hơn 5 thế kỷ. Chúng tôi cố gắng giới
thiệu với quý độc giả qua hình thức song ngữ để tạo điều kiện đối chiếu
với bản tiếng Anh, qua đó những người có khả năng sử dụng tiếng Anh sẽ
có thể tiếp cận tác phẩm một cách sâu sắc và toàn diện hơn. Và điều này
cũng nhằm bổ sung những chỗ khiếm khuyết mà có lẽ ít nhiều không sao
tránh khỏi trong bản Việt dịch, như kinh nghiệm đã cho thấy từ những
bản dịch trước đây.
Cuối cùng, trong quá trình chuyển dịch, người dịch đã không sao ngăn
được dòng cảm hứng được khơi dậy từ tác phẩm, nên cũng mạn phép ghi lại
những cảm xúc của mình sau mỗi câu chuyện. Đây là những ý tưởng, nhận
thức chủ quan của người dịch, chỉ ghi lại đây để chia sẻ phần nào cùng
bạn đọc, hoàn toàn không có ý giảng giải hay bình luận về tác phẩm. Vì
thế, nếu có những sai lầm hoặc nhận thức lệch lạc nào đó trong phần
này, xin bạn đọc hiểu cho đó chỉ là lỗi lầm của cá nhân người dịch,
không liên quan đến tác phẩm. Ngoài ra, hầu hết những câu chuyện này
đều xảy ra ở Nhật, nên danh từ “thiền” trong toàn bộ dịch phẩm này mặc nhiên được dùng để chỉ cho pháp thiền ở Nhật (Zen) chứ không chỉ chung các phái thiền khác nhau trong đạo Phật.
Và bây giờ, xin mời bạn đọc bước vào thế giới của những câu chuyện
bình thường, với những nhân vật và sự kiện rất bình thường, để qua đó
cảm nhận được những ý nghĩa hết sức phi thường!
Mùa Xuân 2008
Nguyên Minh