Nan-in, a Japanese master during the Meiji era (1868-1912), received a
university professor who came to inquire about Zen.
Nan-in served tea. He poured his visitor’s cup full, and then kept on pouring.
The professor watched the overflow until he no longer could restrain himself.
“It is overfull. No more will go in!”
“Like this cup,” Nan-in said, “you are full of your own opinions and
speculations. How can I show you Zen unless you first empty your cup!”
Tách trà
Nan-in[1] là một thiền sư Nhật sống vào thời đại Minh Trị
(1868-1912). Ngày kia, ngài tiếp một giáo sư đại học đến tham vấn về thiền.
Thiền sư rót trà mời khách. Ngài rót đầy tách trà của khách rồi nhưng vẫn tiếp
tục rót.
Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách trà tràn ra mãi, cho đến khi không dằn lòng
được nữa phải kêu lên: “Đầy quá rồi, không thể rót thêm vào được nữa!”
Thiền sư nói: “Cũng giống như tách trà này, trong lòng ông đang chứa đầy những
quan điểm và định kiến. Làm sao tôi có thể trình bày với ông về thiền nếu như
trước tiên ông không làm trống cái tách của ông đi?”
Viết sau khi dịch
Mỗi chúng ta đều có một tách trà, và phần lớn là những cái tách đã đầy ắp. Vì
thế, quá trình tiếp thu mỗi một tư tưởng mới thường bao giờ cũng là sự đối chọi,
xung đột và tranh chấp với các tư tưởng cũ, chen chúc nhau trong một tâm thức
ngày càng thu hẹp.
Thiền không chấp nhận tiến trình này. Các thiền sư không bao giờ tranh biện hay
thuyết phục người khác tin theo mình. Họ chỉ giản dị sống và thể hiện thiền qua
chính cuộc sống. Vì thế, sẽ không có bất cứ phương cách nào để bạn tiếp nhận
thiền trừ phi bạn buông bỏ những quan điểm, định kiến sẵn có. Khi tách trà của
bạn đã được làm trống, tâm thức bạn sẽ tự nhiên rộng mở và dòng nước thiền cũng
tự nó dạt dào tuôn chảy. Tách trà ấy tự nó có thể chứa đựng cả ba ngàn đại thiên
thế giới!