Truyện tích
Đường Vào Nội Tâm (Phần 1)
Ni sư Thích Nữ Trí Hải
07/03/2554 23:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

4. HOA VẪN TƯƠI CÀNH

Kinh thuật tóm tắt một đoạn kinh Di Lan Ðà (Milinda-panha)

Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười năm xưa (Kiều)

Một hôm, vua Di Lan Ðà (Milinda) đề nghị với tỳ kheo Na tiên (Nagasena):

- Bạch Tôn giả, pháp của Ðức Như lai thật là hùng vị, cao quý, tuyệt vời, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không lỗi lầm. Thật không nên để cho cư sĩ phàm phu gia nhập Tăng đoàn thanh tịnh. Hãy dạy Phật pháp cho chúng, đến khi chúng chứng được quả Dự lưu rồi mới nên cho xuất gia. Vì sao? Vì khi những con người còn cấu uế xấu xa ấy được gia nhập Pháp và Luật thuần tịnh như thế kia, rủi chúng bỏ đạo nửa chừng, đọa lạc trở lại nơi hạ liệt, thì do sự đọa lạc của chúng, người ta sẽ nghĩ rằng: "Chắc là Pháp Luật của sa môn Cù Ðàm chẳng có ra gì, nên những người kia đã bỏ."

Na Tiên tỳ kheo trả lời:

- Ðại vương, giả sử có một cái hồ tắm, đầy nước trong sạch mát mẻ. Có một người dơ dáy, mình lấm cả đất bùn, đi đến hồ nước nhưng không chịu tắm, lại bỏ về, vẫn dơ dáy như cũ. Trong trường hợp ấy người ta sẽ chê người kia hay chê cái hồ?

- Bạch Tôn giả, người ta sẽ chê người kia, chứ hồ tắm có lỗi gì. Làm sao cái hồ tắm tự tẩy sạch người ấy được, nếu người ấy không chịu tắm?

- Cũng vậy, Ðại vương, giáo pháp đức Thế tôn ví như hồ nước trong sạch mát mẻ kia. Một người đầy cấu bẩn tội lỗi, tu theo Ph?t pháp sẽ hết những nhiễm ô, nhưng nếu không tu, bỏ về thì cũng như người dơ không chịu tắm. Lỗi không ở Phật Pháp.

Và này, Ðại vương, giả như có một vị lương y trị lành các chứng bệnh, và một người mắc bệnh đi đến lương y nhưng không chữa trị, bỏ về, bệnh vẫn còn nguyên, thì lỗi ở người kia hay ở lương y?

- Bạch Tôn giả ở người kia chứ. Lương y làm sao chữa bệnh cho nó, nếu nó nhất định không chịu chữa?

- Cũng thế, Ðại vương, đối với Ðức Như lai. Và này, Ðại vương, giả như lương y có nhiều thuốc hay trị bá bệnh, tuyên bố rằng: "Bà con cô bác nào bệnh thì đừng đến đây. Chỉ có người khỏe mạnh mới được đến." Khi ấy những người mạnh có cần đến thuốc của lương y không?

- Bạch Tôn giả không cần! Vì những người ấy đã khỏe mạnh.

- Cũng vậy, Ðại vương. Người đã chứng quả thì còn cần gia nhập Tăng đoàn làm gì nữa. Nhưng này Ðại vương, không vì sự thối đọa của những người bỏ cuộc mà Phật pháp mất giá trị. Trái lại, nó còn chứng tỏ năm điểm vi diệu của chánh pháp:

Thứ nhất, chánh pháp cao thượng thù thắng nên những người kia không theo nổi. Như một người nghèo dốt nát được quyền làm chủ một vương quốc, thì vì không biết gì cả, chẳng bao lâu y phải bị hất xuống, trở lại tình trạng khốn cùng. Kẻ ngu cũng vậy, không thể đương nổi Phật pháp.

Thứ hai, chánh pháp trong sạch không tì vết, như lá sen không thấm nước. Kẻ ngu vào đạo rồi đi ra, như nước tuột khỏi lá sen.

Thứ ba, chánh pháp thanh tịnh không dung kẻ tội lỗi, như biển không chứa thây chết, thây phải giạt vào bờ.

Thứ tư, chánh pháp cao sâu như đích khó trúng với một người bạn tên dở.

Thứ năm, giới luật rất khó giữ, nên kẻ yếu đuối không thể theo.

Lại nữa, này Ðại vương, như bụi bông lài có những hoa bị sâu ăn, rã rụng nửa chừng, thì bụi bông không vì thế mà mất giá trị, vì nó còn có những hoa khác tỏa ngát hương lài. Phật pháp vi diệu cũng thế, không vì những người thối đọa mà mất giá trị, bởi vì vẫn còn những người ở lại trong Tăng đoàn sẽ tỏa ngát hương giới hạnh khắp thế giới nhân loại và chư thiên.

- Hay thay, bạch Tôn giả. Bằng nhiều ví dụ chính xác, tôn giả đã khéo trình bày sự vi diệu, vô cấu của giáo pháp đức Như lai. Dù có những người bỏ đạo, cũng vẫn chứng tỏ được các điều thù thắng của Phật pháp.

--o0o--