Văn học Phật giáo
Lời kinh xưa buổi sáng này
Nguyễn Duy Nhiên
19/07/2554 05:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Đêm tuyết lạnh, tiếng máy sưởi chạy đều. Tôi đi sang phòng đọc sách. Ngoài trời tuyết phủ, không gian sáng một màu trắng xanh. Nén hương trên bàn đã tắt từ lâu, nhưng mùi trầm vẫn còn phảng phất thơm trong căn phòng nhỏ. Tối nay trời rét buốt, những bông tuyết bám ngoài cửa sổ đông thành băng màu trắng đục. Không gian bên ngoài rét mướt, nửa đêm lặng ngắt như tờ. Tôi tưởng chừng như nghe được cả tiếng ánh trăng rơi trên mặt tuyết.

Nơi tôi ở không xa thành phố, cạnh một khu rừng nhỏ. Giữa đêm im vắng, nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ thấy một rừng cây khô trụi lá dưới ánh trăng, đứng lạnh cóng trong nền trời tối xám. Tuyết đã ngừng rơi tự bao giờ. Đang ở giữa thành phố mà tôi cứ cảm tưởng như mình đang sống ở một nơi nào quạnh quẽ lắm.

Ông Thoreau và hồ Walden


Ông Henry David Thoreau là một nhà thiên nhiên học và cũng là một nhà văn nổi tiếng của thế kỷ 19. Có lần ông đã bỏ ra hơn hai năm trời để sống một mình trong một khu rừng vắng tại hồ Walden. Bạn có biết để làm gì không? Để tìm lại mình. Ông chọn một lối sống thanh vắng tĩnh mịch trong suốt hai năm trời ấy để tập sống với những gì đang thật sự có mặt chung quanh ông, những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây. Ông có viết hồi ký để chia sẻ kinh nghiệm ấy. Ông kể, có những ngày ông không làm gì hết, chỉ ngồi trước hiên nhà hàng giờ để quan sát và lắng nghe. Khi mặt trời đi ngang qua không trung, ánh nắng làm thay đổi những bóng dáng của vạn vật, cây cỏ chung quanh ông. Đối với ông những giây phút “không làm gì hết” ấy lại là những giây phút nhiệm mầu, quý giá nhất trong đời. Ông viết:

“Có những lúc mà tôi không thể nào hy sinh giờ phút hiện tại nhiệm mầu này cho bất cứ một việc làm nào khác. Dầu cho đó là việc làm của chân tay hay của tâm trí gì cũng vậy. Tôi thấy yêu quý cái khoảng không gian thênh thang của cuộc sống mình. Có những buổi sáng mùa hạ, sau khi tắm rửa xong, tôi ra ngồi ngoài hiên nhà từ sáng cho đến trưa, miệt mài vui sống giữa thiên nhiên, với những cây thông, cây bồ-đào, cây thù-du, trong một không gian tĩnh mịch và vắng lặng, có những con chim ca hát líu lo thỉnh thoảng lại bay lượn vào nhà trong, cho đến khi ánh nắng hoàng hôn vàng vọt rọi vào cửa sổ phía tây, hay âm thanh những chiếc xe ngựa của vài người lữ hành từ ngoài xa vang vọng vào, tôi mới giật mình sực nhớ đến thời gian trôi qua.

“Tôi lớn lên theo những tiết mùa đến rồi đi, như một cây bắp lớn lên trong đêm, công trình ấy có giá trị hơn bất cứ một việc gì mà ta có thể thực hiện được bằng tay chân. Thời gian qua không phải là những giây phút mất đi trong đời tôi, mà ngược lại nó còn quý giá hơn những giờ phút bình thường khác. Bây giờ tôi mới hiểu được sự thâm thúy của người phương Đông khi họ nói về sự lặng yên chú ý và sự buông bỏ.

“Cuộc sống ở đây phần nhiều tôi không hề chú ý đến thời gian trôi qua bằng cách nào. Một ngày đến dường như chỉ để giúp tôi sống sự sống của mình. Khi nãy là buổi sáng và bây giờ trời đã chiều, tôi chẳng có thành tựu được một việc nào đáng kể hết. Nhưng thay vì ca hát như những con chim, tôi im lặng mỉm cười với sự may mắn vô tận của mình. Cũng như con chim sẻ đang đứng trên một nhánh cây bồ-đào ngoài cửa hót líu lo, tôi cũng có những tiếng cười thầm nho nhỏ cố nén lại trong cái tổ ấm của mình, mà không chừng con chim sẻ ấy đã nghe thấy rồi.”

Chỉ có vậy thôi


Lối sống giản dị mà ông Thoreau chọn không phải là dễ, nó đòi hỏi nhiều nghị lực. Đa số chúng ta quen với cuộc sống bận rộn, đầy trách nhiệm, đâu dễ gì mà có thể như ông Thoreau bỏ đi đến một nơi nào đó để sống riêng một mình được. Mà dầu có thể làm được chuyện ấy, liệu ta có thể nào thực sự sống trong mỗi giây mỗi phút như ông không! Tôi nghĩ, sống đơn giản là một nghệ thuật mà ta cần phải có một trình độ tỉnh thức mới có thể thực hiện được. Còn nếu không thì dầu thân ta có đang ở giữa rừng đi chăng nữa, tâm ta vẫn cứ xôn xao tìm về nơi phố chợ xô bồ.

Tôi nhớ nhiều năm về trước, có lần lên tu tập ở một thiền viện trên núi cao. Lúc ấy vào giữa mùa thu, cây lá đổi màu. Những buổi sáng, sương mù quyện phủ trùm rừng núi, ôm ấp con suối nhỏ chảy róc rách. Mùa thu, không gian chứa đựng thời gian, đẹp. Nhưng sau vài ngày, tôi không còn nhận thấy những vẻ đẹp ấy nữa, có lẽ vì chúng đã trở thành quen thuộc. Tôi thấy mình không còn để ý đến những chiếc lá vàng đỏ trên con đường thiền hành, lại hay tìm đến đứng trên một dốc cao, nhìn xuống thành phố xa xôi bụi bặm dưới kia. Có lẽ vì tôi quen tìm kiếm hạnh phúc trong sự thực hiện, sáng tạo. Trên thiền viện này mọi việc tĩnh lặng quá, ý muốn phải thực hiện “một cái gì” ấy kéo tâm tôi về phố chợ xưa.

Có lần, tạp chí New Yorker đăng một tranh vui, vẽ hai vị sư, một già một trẻ, ngồi xếp bằng cạnh nhau trong tư thế thiền định. Vị sư già ngồi yên nhắm mắt, vẻ mặt tĩnh lặng, còn vị sư trẻ thì lộ vẻ bất an, bồn chồn, không yên. Thấy thế, vị sư già quay sang nói nhỏ: “Chẳng có gì xảy ra nữa đâu. Chỉ có vậy thôi!” (Nothing happens next. This is it!)

Muốn sống tỉnh thức, ta phải biết sống trong giờ phút hiện tại này. Mà sống trong hiện tại đôi khi có nghĩa là ta không cần làm gì hết, không có gì để cho ta thực hiện hay sáng tạo. Những giây phút tĩnh lặng ấy có khi lại là một món quà quý giá nhất mà ta có thể tự ban cho mình.

Một nếp sống giản dị


Sống tỉnh thức tuy rất đơn giản nhưng không có nghĩa là dễ làm. Chúng ta thường có một tập quán nặng nề là lúc nào cũng phải làm một việc gì đó, bất cứ là việc gì. Có lẽ vì sự bận rộn đem lại cho ta một cảm giác thành đạt, thấy mình là quan trọng. Trong giờ phút hiện tại này, vì vậy mà có khi ta ôm đồm quá nhiều việc: muốn gọi thêm một cú điện thoại, cố làm cho chóng xong việc này để còn tiếp sang việc khác, rồi việc khác nữa...

Muốn sống tỉnh thức, chúng ta cần phải biết nhận diện những thói quen ấy để có thể buông bỏ chúng. Việc ấy tuy giản dị, nhưng muốn thực hiện cũng đòi hỏi nhiều công phu. Chúng ta hãy cố gắng tập cho mình một thói quen là khi làm việc gì chỉ làm một việc thôi. Trong những bữa ăn, ví dụ như bữa ăn sáng, có người có thói quen phải tìm đọc hoặc xem một cái gì: báo chí, ti-vi, tin tức... như là họ sợ mình đang phí thì giờ vậy. Cũng có thể họ đọc để giữ cho đầu óc bận rộn vì không chịu được sự vắng lặng bên trong. Nhưng vô tình vì vậy mà ta không tiếp xúc được với bữa ăn của mình, ta không nhìn thấy được ánh nắng vàng lung linh đổ dài trên chiếc bàn gỗ, mùi bánh mì nướng tỏa thơm trong gian phòng nhỏ, không gian tươi mới của một buổi sáng sớm chung quanh ta.

Sống tỉnh thức cũng có nghĩa là sống giản dị. Việc ấy đòi hỏi một sự cố gắng và chuyên tâm thường xuyên. Nó bắt ta trong giờ phút hiện tại này chỉ làm một việc mà thôi, và phải thật sự có mặt với công việc ấy. Ta có thể đi dạo một mình trong rừng hay đi với một người thân xuống phố, điều quan trọng là ta phải thật sự có mặt ở đó. Lối sống tỉnh thức này sẽ đưa ta đến một sự chọn lựa, đôi khi vì muốn được nhiều hơn mà ta tự chọn có ít lại. Chúng ta chọn bớt nhìn ngắm để cái nhìn được thẩm thấu hơn; chọn bớt làm việc để sự thành tựu được tốt đẹp hơn; và chọn bớt thâu thập để được giàu có hơn...

Sự chọn lựa của ta


Đêm nay không gian bên ngoài có tuyết trắng và trăng sáng. Cơn bão mùa đông kéo dài mấy hôm nay giờ chắc đã đi qua. Chiều nay thời tiết dự báo sẽ có một cơn bão tuyết khác đang sắp sửa kéo qua đây. Tôi nhìn lên cao, bầu trời lấp lánh tinh tú pha lê, không một dấu hiệu của bão tố. Mùa đông năm nay có vẻ lạnh và rét mướt hơn mọi năm. Con đường dẫn vào nhà đóng băng loáng thoáng ánh trăng xanh.

Đa số bạn và tôi là những người có gia đình. Chúng ta có một số bổn phận và trách nhiệm đối với những người chung quanh. Chuyện từ bỏ cuộc đời như ông Thoreau để đi đến hồ Walden hoặc một nơi vắng vẻ nào đó, ngồi dưới một gốc cây vài năm, nghe tiếng cỏ cây chuyển hóa, nhìn bốn mùa xoay vần, việc ấy có vẻ không được thực tế lắm. Mà tôi nghĩ cũng chưa chắc là đúng! Nhưng tôi nghĩ, giữa những bận rộn và phức tạp của đời sống gia đình, của bổn phận và trách nhiệm, ta vẫn có thể sống tỉnh thức. Lẽ dĩ nhiên việc ấy đòi hỏi một sự thực tập thường xuyên, một công phu tu tập.

Giữa cuộc đời bận rộn, muốn chọn một lối sống tỉnh thức, điều đầu tiên ta cần phải thực hiện là biết sống chậm lại. Chúng ta hãy tập cho mình không phải đứng dậy trả lời lập tức mỗi khi nghe chuông điện thoại reo. Trong giờ phút này không có nơi nào cần để cho ta đến, không có ai để cho ta gặp, không có một tin tức, một chương trình nào trên ti-vi cần phải xem... Vì những gì quan trọng nhất trong đời ta bao giờ cũng đang xảy ra ngay bây giờ và ở đây.

Thói quen đó sẽ giúp cho cuộc sống ta được đơn giản hơn, và lẽ dĩ nhiên việc ấy không phải dễ. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường gặp những hoàn cảnh, trường hợp cần sự phản ứng lập tức của mình. Nhưng cũng vì thế mà nó bắt ta phải biết tỉnh thức và chú ý đến những gì thật sự đang xảy ra. Nhìn cho kỹ ta sẽ thấy mọi vật, mọi sự sống chung quanh ta đều có liên quan, dính dáng với nhau. Bạn hãy cẩn trọng, vì mỗi sự lựa chọn của bạn, dù nhỏ nhoi đến đâu, cũng sẽ có một ảnh hưởng rộng lớn và sâu xa hơn là bạn tưởng. Mà cuộc sống bao giờ cũng bắt buộc ta phải chọn lựa. Ta sẽ không bao giờ có thể có hết được những gì mình muốn. Nhưng nếu được, bạn hãy chọn cho mình một lối sống đơn giản, vì nó rất cần thiết cho sự tự do của chính mình.

Hồ Walden và hơi thở của ta


Ông Henry Thoreau đã bỏ ra hơn hai năm trời về sống ẩn dật nơi hồ Walden, vì ông muốn được trực tiếp kinh nghiệm sự sống. Ông viết: “Tôi đi vào rừng vì tôi muốn sống một cách tự chủ, để tôi có thể đối diện với những gì là thật thiết yếu của cuộc đời, để xem nếu tôi có thể học được những gì sự sống này dạy cho tôi. Nếu không, mai này khi chết đi, tôi sẽ hối hận rằng mình đã chưa từng bao giờ thực sự sống.”

Nhưng nếu bạn và tôi muốn thực tập lối sống tỉnh thức ấy, tôi nghĩ chúng ta không cần phải tìm đến hồ Walden hay một nơi nào quạnh quẽ xa xôi đâu hết. Trong cuộc sống hằng ngày, hãy tự tạo cho mình một chút thời gian và không gian tĩnh lặng.

Khoảng không gian của hồ Walden ấy đang hiện hữu trong hơi thở của ta. Sự nhiệm mầu biến hóa của bốn mùa cũng nằm trong hơi thở của ta. Và sự sống của ta, của ông cha ta, của con cháu ta, cũng đang có mặt trong hơi thở ấy. Hơi thở của ta là một dòng suối mát nối liền thân với tâm, nối liền ta với ngàn thế hệ đi trước và những thế hệ tương lai, nối liền sự sống này với những sự sống khác chung quanh ta. Tất cả đều có mặt đầy đủ hết, bây giờ và ở đây, trong hơi thở tỉnh thức ấy.

Tiếng máy sưởi chạy đều tỏa ấm căn phòng. Bên ngoài vườn, những cành cây khô cóng, bạc xám, đóng băng nghiêng ngả vào nhau. Đêm nay trời thật lạnh. Có tiếng cành khô nào rơi gãy ngoài sân. Cái nghe của tôi chợt trở nên bén nhạy lạ thường, tưởng chừng như nghe được cả tiếng ánh trăng xanh rơi trên sân tuyết ngoài kia. Căn phòng nhỏ phảng phất thơm mùi trầm. Ánh trăng mênh mông rọi vào khung cửa sổ trải sáng mặt bàn viết. Trang sách đọc dở dang ban chiều vẫn nằm đó, có một bài thơ nào còn vướng trên trang giấy cũ:

Thiên phong đỉnh thượng nhất gian ốc,
Lão tăng bán gian vân bán gian.
Tạc dạ vân tùy phong vũ khứ,
Đáo đầu bất tợ lão tăng nhàn.
 
(Trên nghìn đỉnh núi một gian nhà,
Một nửa cho mây, một nửa ta.
Đêm qua gió thổi mây đi mất,
Tính lại ai nhàn bằng lão gia!)

Tiêu điểm:
Các tin đã đăng: