Hái lộc đầu xuân
Một trong những kỷ niệm đẹp nhất mà tôi còn nhớ được về những mùa xuân
thời thơ ấu là được theo mẹ lên chùa hái lộc. Từ sáng sớm ngày mồng một,
anh em chúng tôi đã náo nức chờ đợi giây phút đầu tiên được mặc vào bộ
quần áo mới chuẩn bị cho ngày Tết. Rồi tung tăng trên con đường làng đến
chùa, chúng tôi càng hân hoan hơn nữa khi gặp biết bao người bạn nhỏ
cũng xúng xính trong những bộ quần áo mới. Đời sống dân quê ở đây mộc
mạc, chất phác, tự bao đời rồi không ai bảo ai mà ngày đầu năm đều rủ
nhau cùng lên chùa “mừng tuổi” Phật, trước gọi là “cầu an gia đạo”, sau
là xin thầy hái lộc đầu xuân.
Cây “lộc xuân” là những cành mai rất to và đẹp, được quý thầy cắm vào
trong một cái độc bình đồ sộ đặt ở giữa khoảng sân rộng trước chùa. Trên
cành mai, ngoài những nụ xanh và hoa mai vàng đã nở rộ là vô số lộc xuân
màu đỏ tươi được buộc bằng những sợi chỉ màu trắng thật nhỏ rồi treo
thòng xuống, chi chít khắp nơi, từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài,
thấp thoáng giữa những lá mai non có màu bóng mượt. Người hái lộc rất
đông nên những cành mai không ngừng lay động, làm cho những lộc xuân màu
đỏ tươi cứ rung rinh, rung rinh... trông thật vui mắt.
Những màu sắc xanh, đỏ, vàng... xen lẫn nhau và những cành mai uốn lượn
theo nhiều tư thế tạo cho cây lộc xuân có một dáng vẻ thật xinh đẹp,
thật hấp dẫn. Thêm vào đó, lúc nào cũng có đông đảo người hái lộc vây
quanh, thanh niên nam nữ, người lớn, trẻ con, cùng xôn xao cười nói. Ai
ai cũng chưng diện bằng những bộ quần áo đẹp nhất, với vẻ mặt tươi vui
hớn hở nhất, nên càng làm cho không khí hái lộc đầu xuân thêm vui tươi,
hào hứng...
Cả nhà tôi cùng lễ Phật trước khi ra sân hái lộc. Bao giờ cũng vậy, mẹ
tôi đứng bên cây lộc xuân rồi bế tôi lên thật cao để tôi tự tay với hái
cho mẹ một lộc xuân cao nhất có thể được. Chẳng biết những lộc xuân được
treo cao hơn có mang lại nhiều may mắn hơn không, nhưng mẹ tôi thích
vậy. Mẹ bảo những cành bên dưới người ta đã chọn trước hết rồi, không
còn lộc tốt. Riêng tôi, tôi rất lấy làm tự hào được mẹ chọn giao cho
“nhiệm vụ quan trọng” này. Quan trọng là vì nó sẽ mang lại may mắn cho
cả nhà tôi trong năm ấy. Mẹ tôi bảo vậy.
Hái lộc xong rồi là đến việc xem lộc. Mẹ tôi trịnh trọng mang lộc xuân
vừa hái ra sau nhà khách. Ở đó, thầy trụ trì đang xem lộc cho tất cả mọi
người. Anh em chúng tôi được phép chơi đùa thỏa thích trong vườn chùa
với rất nhiều cây to bóng mát. Tuy nhiên, cũng có lần tôi tò mò nắm lấy
tay mẹ đi theo vào xem lộc.
Lộc xuân chỉ đơn giản là một mảnh giấy nhỏ màu đỏ, được viết vào đó một
câu thơ hoặc một lời khuyên dạy trích từ kinh Phật, rồi gấp nhỏ lại và
dùng chỉ trắng buộc treo lên cây. Khi mẹ tôi mang lộc xuân đến, thầy
chậm rãi mở ra rồi đọc lên nội dung ghi trong ấy. Sau đó, thầy giảng
giải cho mẹ tôi hiểu ý nghĩa của câu này bằng một giọng trầm trầm, hiền
hòa và chậm rãi. Sau này tôi mới biết là nội dung của tất cả những lộc
xuân ấy đều khuyên làm việc thiện, tu dưỡng tinh thần, tránh xa những
việc ác... Sự khác nhau chỉ là, có người được khuyên nên thực hành bố
thí, người khác lại được khuyên phải biết nhẫn nhục; có người được
khuyên nên ăn chay, niệm Phật, người khác lại được khuyên phải chân
thật, không nói dối...
Vậy đó mà cái lộc xuân nho nhỏ kia lại thực sự có khả năng mang lại sức
mạnh tinh thần trong năm mới cho người hái lộc. Vừa về đến nhà, mẹ tôi
đã vui vẻ nhắc lại những lời dạy của thầy trụ trì với bà tôi, cha tôi và
cả anh em chúng tôi nữa. Nào là năm nay nhà mình hái được lộc xuân tốt
lắm, chỉ cần cố gắng tu tâm dưỡng tánh thì sẽ không gặp phải bất cứ tai
nạn gì; nào là anh Hai bay năm nay thế nào cũng thi đậu, thầy bảo chỉ
cần biết ăn hiền ở lành thì cầu gì được nấy...
Trong trí nhớ non nớt của tôi lúc ấy, dường như năm nào mẹ cũng hái được
lộc tốt cả, chẳng có năm nào xấu! Mà nghĩ cũng phải, đã thành tâm lên
chùa lễ Phật thì làm sao gặp việc xấu kia chứ?
Những năm sau này, đời sống thay đổi nhiều. Anh em chúng tôi phiêu dạt
khắp nơi, vẫn giữ lệ đến chùa lễ Phật vào ngày đầu năm mới, nhưng là
những ngôi chùa khác nhau ở nhiều nơi khác nhau, chẳng còn là ngôi chùa
quê ngày trước. Vì thế, tôi cũng chẳng có dịp nào được hái lộc đầu xuân,
lại càng nhớ da diết cái cảm giác hân hoan khi được mẹ bế lên thật cao,
vói tay cố hái cho bằng được một cái “lộc xuân” may mắn nhất!
Thay vì chuyện hái lộc đầu xuân, ở một số ngôi chùa ngày nay tôi lại
thường gặp rất nhiều những chuyện khó hiểu khác, chẳng hạn như xin xăm,
đoán số tử vi, cúng sao giải hạn... Tôi nói “khó hiểu” là vì tôi đang cố
hiểu những việc này dưới góc nhìn của một người Phật tử, vì những điều
ấy đang diễn ra ở những ngôi chùa thờ Phật. Nếu như với những ai chưa
từng được nghe biết lời Phật dạy thì việc đặt niềm tin mù quáng vào
những hủ tục mê tín kia cũng là điều dễ hiểu. Nhưng người Phật tử đã
thực sự tin Phật, đã được nghe những lời dạy hết sức sáng suốt và đúng
đắn của ngài, lại có thể đặt niềm tin một cách sai lầm như thế thì quả
thật rất khó hiểu!
Tâm lý chung của những người xin xăm hoặc đoán số tử vi đều là muốn biết
trước những việc lành dữ trong năm của bản thân và gia đình. Biết trước
việc lành sẽ giúp họ vui mừng, phấn khởi; còn biết trước việc dữ thì có
thể tìm cách... tránh đi. Quả thật, nếu có thể tránh được những việc
không may cho bản thân và gia đình nhờ biết trước, thì đôi chút lễ vật
“cúng dường” nào có đáng vào đâu! Tôi đã đặt hai chữ cúng dường trong
ngoặc kép là vì hầu hết những người này đều đã hiểu sai ý nghĩa của hai
chữ ấy!
Nếu chúng ta chịu để tâm suy xét đôi chút, ta sẽ dễ dàng thấy ngay rằng
sự mong muốn như trên là hoàn toàn vô lý và không thể nào có được! Những
lời dạy đầu tiên của đức Phật về Tứ diệu đế cũng đồng thời đã chỉ rõ lý
nhân quả. Khi nhận diện khổ đau hiện hữu trong cuộc sống (Khổ đế), ngài
cũng đồng thời chỉ rõ rằng những khổ đau ấy không phải tự nó có thể hiện
hữu, mà phải được sinh khởi từ những nguyên nhân nhất định (Tập đế).
Không có nguyên nhân của khổ đau thì chắc chắn sẽ không có khổ đau! Vì
thế mà Phật dạy những phương thức diệt trừ nguyên nhân của khổ đau (Diệt
đế) và tu tập để đạt đến sự an vui, hạnh phúc chân thật (Đạo đế).
Những điều không may của chúng ta trong cuộc sống, những tai họa, những
điều bất như ý... đều là những biểu hiện của khổ đau. Tài sản mất mát,
người thân chia ly, bệnh hoạn, chết chóc... tất cả những điều ấy không
phải tự nhiên mà có, cũng không do bất cứ một quyền lực vô hình nào áp
đặt lên cho ta... Chúng đều có những nguyên nhân nhất định. Có những
nguyên nhân gần gũi, trực tiếp hoặc những nguyên nhân xa xôi, gián
tiếp... Không có những nguyên nhân ấy, những điều không may không thể
xảy đến cho ta!
Qua hàng ngàn năm chịu ảnh hưởng sự giáo hóa của đạo Phật, người Việt đã
đúc kết thành những câu tục ngữ mang tính chất luân lý đạo đức cộng đồng
chứ không chỉ là tín ngưỡng trong phạm vi một tôn giáo. Chẳng hạn, khi
ta nói “Ở hiền gặp lành” hay “Gieo gió gặt bão”, thì đó không chỉ là
quan điểm nhân quả của đạo Phật, mà đó là những điều mọi người Việt đều
thừa nhận, kể cả những người theo các tôn giáo khác.
Nếu thừa nhận rằng “gieo gió gặt bão”, thì cách tốt nhất để tránh “bão”
chính là đừng gieo “gió”. Những cơn “bão” như tai nạn, bệnh tật, xui
xẻo... đều được hình thành từ những luồng “gió” bất thiện mà bạn đã
gieo. Khi bạn cố tìm cách biết trước chúng để tránh né, sự mong muốn của
bạn là hoàn toàn không hợp lý!
Mặc dù vậy, khi chúng ta không có một đời sống tinh thần tốt đẹp, không
thực hành đúng theo những lời Phật dạy thì niềm tin chân chánh của chúng
ta thường bị giới hạn. Khi niềm tin chân chánh bị giới hạn thì sự lo sợ
của chúng ta trước những tai ương trong cuộc sống sẽ lớn dần lên. Và khi
nỗi lo sợ đó trở thành sự ám ảnh thì những niềm tin mù quáng sẽ có cơ
hội để xâm nhập, tràn ngập trong lòng ta.
Vì thiếu sáng suốt trong nhận thức về đời sống, chúng ta không thấy được
mối quan hệ nhân quả giữa những hành vi của mình và kết quả phải nhận
chịu. Từ đó, chúng ta mong muốn tìm kiếm một phương cách giúp ta tránh
được những điều nguy hại. Trong sự tìm kiếm mê muội đó, chúng ta bắt gặp
những hình thức như xin xăm, đoán số tử vi... Chúng ta được hứa hẹn rằng
sẽ có thể biết trước được mọi điều tai ách. Mặc dù điều đó không có gì
đảm bảo, nhưng chúng ta vẫn tin theo vì cho rằng đó là phương cách duy
nhất có thể giúp ta tránh khỏi mọi điều rủi ro!
Từ góc độ xã hội, những kết quả có được từ việc xin xăm hay đoán số tử
vi có đúng với thực tế hay không, tôi xin miễn bàn. Bởi vì tuy không có
gì đảm bảo là chúng sẽ đúng, nhưng tôi cũng không thể đưa ra được lập
luận nào để đảm bảo rằng chúng sẽ không đúng! Như vậy, việc đúng hay
sai, đáng tin hay không đáng tin xin để tùy theo sự phán xét sáng suốt
của mỗi người. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của người Phật tử thì điều này
lại khác hẳn. Khi chúng ta đã tự nhận mình là người tin Phật thì hoàn
toàn không nên đặt niềm tin vào những điều đi ngược lại lời Phật dạy,
nhất là khi những điều đó không dựa trên bất cứ một lập luận xác đáng
nào.
Người Phật tử tin vào nhân quả, quyết định rằng mọi việc tốt xấu trong
cuộc sống đều chịu sự chi phối bởi nghiệp lực gây ra do những hành vi
của chính mình. Một người làm điều ác thì chắc chắn không thể thoát khỏi
nghiệp ác, càng không thể nhờ vào việc biết trước mà tránh né. Cách ứng
xử tích cực nhất là dũng cảm đối mặt với nghiệp ác của mình đã tạo và tự
mình hối cải không bao giờ làm điều ác nữa! Như vậy, cách tốt nhất để
hóa giải những điều ác đã làm chính là phải làm nhiều việc thiện hơn và
thận trọng không tái phạm vào những điều ác. Tất nhiên là điều này đòi
hỏi những nỗ lực tự thân rất lớn trong việc phục thiện, hoàn toàn không
dễ dàng như việc chuẩn bị một ít lễ vật, tiền bạc để tìm thầy bói toán,
xin xăm, đoán quẻ, rồi làm theo lời thầy dạy, cúng vái linh tinh...
Tương tự như trên, việc cúng sao giải hạn cũng là hoàn toàn không phù
hợp với quan điểm nhân quả. Người ta căn cứ vào năm sinh của bạn để phán
quyết rằng trong năm mới bạn đang bị “chiếu mệnh” bởi ngôi sao nào.
Những sao “nguy hiểm” nhất là La Hầu (với nam giới), Kế Đô (với nữ
giới), Thái Bạch... Tuy nhiên, với bất cứ vì sao chiếu mệnh nào, bạn
cũng đều sẽ được nghe nhiều lời bàn giải về tiền đồ của bạn trong năm
mới. Đúng sai thì chưa biết, nhưng nếu bạn thấy... sợ thì phải ghi tên
“cúng sao”. Bằng cách này, người ta đảm bảo rằng mọi điều xui xẻo của
bạn sẽ có thể được tan biến, gọi là “giải hạn”.
Đôi khi tôi chợt có ý nghĩ so sánh khá buồn cười. Trong thế giới tinh
thần, nếu như gặp phải những điều xấu mà có thể cúng vái để “giải hạn”,
thì có khác nào trong thế giới hiện thực ta đang sống, gặp phải những sự
trừng phạt của pháp luật mà cố dùng tiền bạc để... chạy án. Tôi không
phủ nhận rằng đôi khi vẫn có những sơ hở nhất định của pháp luật giúp
cho kẻ xấu có thể tạm thời tránh né, nhưng tất cả chúng ta hẳn không ai
có thể ủng hộ hoặc cho đó là biện pháp đúng đắn. Vì thế, những người tin
vào việc cúng sao giải hạn thì có khác nào những kẻ xấu đang lén lút tìm
cách... chạy án!
Có một sự khác biệt rất lớn cần phải phân biệt rõ giữa niềm tin của
người hái lộc đầu xuân với niềm tin vào xăm quẻ, đoán số tử vi hay cúng
sao giải hạn.
Hái lộc đầu xuân là sự biểu lộ một tâm trạng lạc quan hưng phấn trong
ngày đầu xuân mới. Tâm trạng lạc quan hưng phấn này là hoàn toàn tự
nhiên, hòa nhịp với sức sống bừng lên của vạn vật lúc xuân về. Trong tâm
trạng ấy, mỗi chúng ta đều khao khát, mong mỏi những điều tốt đẹp. Lộc
xuân mang đến cho ta một sức mạnh tinh thần, khuyến khích ta thực hiện
những điều lành, mà những điều lành thì tự nó đã là điều kiện tối cần
thiết để mang đến cho ta những sự tốt đẹp về cả vật chất lẫn tinh thần.
Ngược lại, niềm tin vào xăm quẻ, đoán số... là một niềm tin hoàn toàn
không căn cứ, là sự mong cầu tham lam và không thể thực hiện được. Nó
hoàn toàn không phù hợp với những lời dạy của đức Phật. Trong rất nhiều
kinh điển, đức Phật đã chỉ rõ những việc làm này là mê tín, rơi vào tà
kiến, ngoại đạo. Như trong kinh Đại Bát Niết-bàn, phẩm Tánh Như Lai, đức
Phật dạy rằng nếu có người xuất gia mà khen ngợi những việc “... xem
thiên văn tinh tú suy tính việc nên hư, xem tướng kẻ nam người nữ, theo
chiêm bao mà đoán việc lành dữ...” thì không được chung sống với các
tỳ-kheo khác. Ngài dạy: “Họ ví như cỏ dại xen trong đám lúa, cần phải
trừ bỏ đi.”[16]
Đầu xuân hái lộc là một niềm vui nho nhỏ, cho dù chúng ta có tin hay
không tin vào sự may mắn mà nó mang lại. Nhưng tham gia vào những việc
xin xăm đoán quẻ, xem số tử vi hay cúng sao giải hạn đều là những hành
động dại dột, biểu lộ sự mê tín, tự chuốc lấy những lo sợ hoang mang
không đáng có. Những hoạt động này nếu như vẫn tiếp diễn dưới mái chùa
thì chắc chắn sẽ làm vẩn đục sự trong sáng và cao quý của đạo Phật!
Trong dịp xuân về, chúng ta hãy cầu chúc cho tất cả những người Phật tử
đều có đủ trí tuệ sáng suốt, luôn ghi nhớ lời Phật dạy để mãi mãi tránh
xa những hành động mê muội này!
CHÚ THÍCH
[1] Dẫn theo Khóa hư lục,
quyển thượng, Phổ thuyết tứ sơn, Nhất sơn, nguyên tác Hán văn của
Trần Thái Tông (1218-1277).
[2] Dẫn theo sách Tam Tổ thực
lục.
[3] Lão Tử, Đạo Đức Kinh,
chương 33.
[4] Bất hại: Thuật ngữ được
dịch từ tiếng Phạn là ahimsa, có nghĩa là không làm tổn hại đến người
khác, vật khác. Đây là nền tảng đầu tiên của giới không sát sinh, một
trong Ngũ giới của người Phật tử tại gia.
[5] Xem Kinh Đại Bát Niết-bàn,
Tập 1, trang 357-359, bản dịch tiếng Việt của Đoàn Trung Còn và Nguyễn
Minh Tiến, NXB Tôn Giáo.
[6] Do ý nghĩa này mà nghi
thức cầu siêu cho người chết thường được tổ chức liên tục trong 7 tuần
lễ, đến tuần cuối cùng, đúng 49 ngày thì làm lễ chung thất.
[7] Bản Hán văn: Tùng thân ái
sanh ưu, tùng thân ái sanh bố.
[8] “To err is human, to
forgive divine.”, An Essay on Criticism, Alexander Pope, London,
1711.
[9] Mạnh Hoạch cầm đầu một bộ
tộc, thường xuyên nổi loạn, quấy phá vùng biên giới. Khổng Minh mang
quân đánh dẹp nhưng cứ mỗi lần bắt được lại tha cho về. Liên tục 9 lần
như thế, Mạnh Hoạch hết sức cảm phục, thề suốt đời không quấy nhiễu nữa.
[10] Tri túc giả, phú dã. - Đạo Đức Kinh,
chương 33, Lão Tử.
[11] Bill Gates, tức William H. Gates
III, người Mỹ, một trong hai người sáng lập công ty Microsoft (cùng với
Paul Allen), công ty sản xuất phần mềm máy tính lớn nhất trên thế giới.
Sự thành công của công ty đã giúp ông trở thành một trong những người
giàu nhất thế giới.
[12] Đây là phương tiện để giúp người đời
tạo phước cúng dường, bố thí, bởi những ai có dịp cúng dường cho ngài
đều sẽ được phước báo vô lượng.
[13] Tri sự, cũng gọi là thầy duy-na,
người chịu trách nhiệm điều hành, sắp xếp mọi sinh hoạt của tăng chúng
trong chùa.
[14] Kinh Đại Bát Niết-bàn, quyển 27,
phẩm Bồ Tát Sư Tử Hống: “Nhất thiết chúng sanh tất hữu Phật tánh”
[15] Phiền não nhược trừ diệt, Phật
tánh tức đắc hiển hiện.
[16] Những câu in nghiêng được trích
nguyên văn trong kinh Đại Bát Niết-bàn, quyển 7, phẩm Tánh Như Lai. Xem
bản dịch kinh này của Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến, NXB Tôn Giáo.