Thay lời tựa
Cách đây hơn 25 thế kỷ, lần đầu tiên trong lịch sử nhân
loại, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã chỉ ra rằng những gì chúng ta nhận
biết về chính bản thân mình qua tri giác thông thường là không đúng
thật. Trong khi ta luôn nhận biết về một bản ngã cụ thể đang hiện hữu
như là trung tâm của cả thế giới quanh ta, thì đức Phật dạy rằng, cái
bản ngã đối với ta vô cùng quan trọng đó thật ra lại hoàn toàn không hề
tồn tại trong thực tiễn theo như cách mà ta vẫn nhận biết và mô tả về
nó.
Kinh điển gọi những lời dạy về nội dung này là giáo lý vô ngã. Trải qua
hàng ngàn năm được truyền lại qua các thế hệ, những lời dạy về vô ngã đã
trở thành cốt lõi của hầu như tất cả các tông phái khác nhau trong đạo
Phật.
Trong cuộc sống thông thường, phần lớn những động lực thôi thúc chúng ta
nỗ lực làm việc hay theo đuổi một mục tiêu nào đó đều xuất phát từ
trung tâm điểm là nhận thức về sự tồn tại độc lập của bản thân ta. Chúng
ta nỗ lực làm việc, gầy dựng sự nghiệp để bản thân ta không rơi vào
cảnh nghèo hèn khốn khó, để gia đình của ta không thua kém gia đình của
người khác, để con cái của ta được học hành đến nơi đến chốn... Ở mức độ
cao xa hơn, ta tham gia hoạt động xã hội để thôn xóm của ta được phát
triển, hoặc để công ty, tổ chức của ta ngày càng lớn mạnh, để đất nước
của ta vươn lên thành một cường quốc không thua kém lân bang... Nếu
không có một cái gì đó “của ta” trong mục tiêu phía trước, ta sẽ cảm
thấy hầu như chẳng có gì để thôi thúc ta phải nỗ lực làm việc cả.
Trong một chừng mực nào đó, những động lực thúc đẩy như trên, hay cách
suy nghĩ và hành động dựa vào những động lực đó, là cần thiết và không
có gì sai trái. Nói một cách chính xác hơn, bản thân ta cũng như gia
đình và xã hội, đất nước... hầu như luôn được phát triển trên căn bản
những động lực thúc đẩy đó. Thử hình dung, nếu những động lực thúc đẩy
đó nhất thời bị triệt tiêu, liệu chúng ta có thể nào tiếp tục làm việc
một cách hăng say không mệt mỏi từ ngày này sang ngày khác được chăng?
Nhưng vấn đề bắt đầu nảy sinh khi những cái “của ta” không phải bao giờ
cũng tương hợp hoàn toàn với “của người khác”. Khi mỗi người đều có một
“cái ta” cá biệt thì điều tất yếu xảy ra là phải có lúc những “cái ta”
đó có những thôi thúc, đòi hỏi tương phản, mâu thuẫn nhau. Vì thế, bức
tranh thực tế bao giờ cũng là một sự cân bằng và trộn lẫn giữa nhu cầu
chung và mâu thuẫn riêng của những “cái ta” khác nhau. Nhiều “cái ta”
trong một gia đình hợp thành một “cái ta” lớn hơn, vì có cùng những thôi
thúc, đòi hỏi như nhau. Tương tự, nhiều “cái ta” trong một phe nhóm, tổ
chức cũng hợp thành một “cái ta” của phe nhóm, tổ chức đó... Cho đến
lớn lao hơn là “cái ta” của những đất nước khác nhau trên toàn cầu.
Những mâu thuẫn riêng sẽ được gạt bỏ khi nhu cầu chung của cả nhóm là
cần thiết và quan trọng hơn.
Nhưng nếu xem xét vấn đề một cách chi tiết, chúng ta sẽ thấy rằng mọi
mâu thuẫn vẫn luôn còn đó, ngay cả trong một gia đình, tổ chức hay đất
nước đang hòa hợp, bởi những cái ta đang “hợp tác” cùng nhau đó cũng
không phải là hoàn toàn tương hợp. Vẫn luôn có những mâu thuẫn, những
tương phản giữa những “cái ta” cá biệt. Chỉ có điều, khi mâu thuẫn đó
còn chưa đủ lớn để vượt qua nhu cầu “hợp tác” để cùng phát triển thì nó
sẽ chưa bộc lộ mà thôi.
Và sự mâu thuẫn, xung khắc giữa những “cái ta” cá biệt chính là nguyên
nhân quan trọng nhất dẫn đến hầu hết mọi bất ổn trong đời sống cộng
đồng, tập thể, cho dù tập thể đó là một gia đình hay một tổ chức... Khi
mâu thuẫn lớn lên và vượt quá nhu cầu hợp tác giữa các thành viên trong
một gia đình, một tổ chức... thì điều tất yếu là gia đình đó, tổ chức
đó... sẽ tan vỡ, và tất nhiên là luôn kèm theo với những tư tưởng, lời
nói và hành vi gây tổn thương cho nhau.
Như vậy, nếu như nhận thức của mỗi chúng ta về một bản ngã cụ thể đang
hiện hữu là đúng thật, nghĩa là luôn tồn tại một “cái ta” cá biệt trong
mối tương quan với người khác, vật khác, thì tất cả những bất ổn trong
đời sống của chúng ta sẽ là điều tất nhiên tồn tại và vô phương cứu vãn!
Trong thực tế, nhận thức về một “bản ngã có thật” không chỉ dẫn đến
những mâu thuẫn trong phạm vi cá nhân, gia đình, tổ chức... mà nó còn là
nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những cuộc xung đột, chiến tranh đẫm máu
giữa các quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù có thể được
diễn dịch theo nhiều cách khác nhau, nhưng mục tiêu cốt lõi của tất cả
những cuộc xung đột, chiến tranh đều chính là để bảo vệ và phát triển
“cái ta” của những người tham chiến.
Nhưng liệu nhận thức về bản ngã đó có đúng thật hay chăng? Và nếu như nó
là không đúng thật - như đức Phật đã từng chỉ ra từ cách đây hơn 25 thế
kỷ - thì tại sao nó vẫn có khả năng tồn tại, đeo bám trong mỗi chúng ta
để không ngừng gây ra vô số bất ổn cho đời sống?
Trả lời cho những câu hỏi này không phải là việc đơn giản, dễ dàng. Nó
đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận buông bỏ mọi định kiến và nhận thức lại
toàn bộ vấn đề một cách hoàn toàn khách quan, sáng suốt. Dù vậy, chúng
ta thật may mắn là đã có sẵn một con đường để bước đi mà không cần phải
tìm tòi, dò dẫm. Tuy nhiên, mỗi bước chân đi vẫn phải là của chính chúng
ta, và việc tự mình nhận hiểu về tính đúng đắn của con đường đó là điều
tất yếu trước khi khởi sự.
Điều đáng mừng ở đây là, một khi đã nhận hiểu đúng được vấn đề và khởi
sự tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc nêu trên, chúng ta sẽ ngay
lập tức tháo gỡ được dần dần những trói buộc, vướng mắc trong cuộc sống.
Do đó, điều chắc chắn là cuộc sống ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản
hơn... Và quan trọng nhất là, ta có nhiều tự do hơn trong cuộc sống.
Con đường mà tôi muốn nói đến ở đây chính là giáo lý vô ngã trong đạo
Phật. Những lời dạy về vô ngã của đức Phật trước hết được xuất phát từ
kinh nghiệm chứng ngộ trực tiếp của bản thân ngài, nhưng đồng thời sự
sắp xếp và trình bày những lời dạy ấy trong kinh điển về sau cũng đã
hình thành một hệ thống lý luận chặt chẽ mà cho đến nay vẫn giữ nguyên
hoàn toàn giá trị. Học hỏi và thực hành giáo lý vô ngã sẽ giúp ta tìm ra
được câu trả lời xác đáng cho những thắc mắc đã nêu trên.
Thế nhưng, cần biết rằng việc tiếp nhận giáo lý vô ngã qua kinh điển và
trực tiếp nhận hiểu vô ngã qua kinh nghiệm thực hành của tự thân là hai
vấn đề có tương quan nhưng hoàn toàn khác biệt nhau. Nói cách khác, một
người có khả năng giảng giải uyên bác và thông suốt về vô ngã chưa hẳn
đã là người có kinh nghiệm thực chứng; ngược lại, một người đã đạt được
kinh nghiệm sống vô ngã cũng chưa hẳn đã có khả năng giảng giải hay
trình bày mạch lạc về chủ đề này với người khác. Tuy nhiên, mọi sự thực
hành đều khởi đầu dựa trên lý thuyết, và một lý thuyết đúng đắn chắc
chắn sẽ dẫn dắt người thực hành sớm đạt được những kết quả mong muốn.
Với những ai đi theo con đường sai lệch tầm chương trích cú nhưng không
kết hợp với công phu hành trì thì lý thuyết sẽ trở thành sự chướng ngại
và là một gánh nặng vô ích, nhưng nếu biết vận dụng thích hợp trong thực
hành thì lý thuyết bao giờ cũng là yếu tố quan trọng thiết yếu cho một
sự khởi đầu.
Việc tiếp nhận giáo lý vô ngã dù ở bất cứ tầng bậc nào cũng đều mang lại
những lợi ích vô cùng lớn lao cho cuộc sống của mỗi chúng ta, miễn là
không rơi vào sự diễn giải sai lầm dựa theo những phán đoán chủ quan.
Thực hành vô ngã một cách đúng đắn thì ngay từ bước đầu tiên cũng có thể
giúp chúng ta cởi bỏ được ít nhiều những sự trói buộc trong cuộc sống.
Và sự kiên trì thực hiện chắc chắn sẽ tiếp tục mang đến những kết quả
ngày càng lớn lao và mầu nhiệm hơn nữa.
Bản thân người viết tập sách này chỉ là kẻ đang tập tễnh bước đi trên
con đường học Phật, nương theo tinh thần “Tự thắp đuốc lên mà đi” như
đức Phật đã từng chỉ dạy. Tuy nhiên, với biết bao tình thương yêu sâu
nặng mà người viết đã may mắn nhận được từ cuộc sống, biết bao ơn nghĩa
lớn lao đã nhận được từ cộng đồng xã hội, và biết bao sự ích lợi nhiệm
mầu đã nhận được từ Phật pháp, người viết tự cảm thấy mình có bổn phận
phải chia sẻ những gì đã có với tất cả những ai đồng cảm, như một cách
để đáp đền trong muôn một đối với tất cả những gì mình đã may mắn nhận
được. Tập sách này đã ra đời từ những suy nghĩ đó.
Hầu hết các kinh luận Đại thừa đều có đề cập đến giáo lý vô ngã và hiện
nay đã có rất nhiều giảng luận nghiêm túc, sâu xa về đề tài này. Tuy
nhiên, người viết hoàn toàn không dám và cũng không có ý lặp lại những
gì người đi trước đã nêu ra, chỉ muốn trình bày, chia sẻ những gì tự
thân mình đã cảm nhận được và vận dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày.
Dù vậy, như đã nói ở trên, lý thuyết và thực hành tuy là hai vấn đề khác
biệt nhưng có mối tương quan chặt chẽ, và bất kỳ sự thực hành đúng
hướng nào cũng nhất thiết phải dựa trên một nền tảng lý thuyết đúng đắn.
Do đó, người viết sẽ cố gắng hạn chế tối đa những suy diễn chủ quan và
chỉ dựa vào những gì được ghi chép trong kinh điển để làm kim chỉ nam
cho những trang viết của mình. Các nguồn giảng luận khác nếu được đề cập
đến sẽ chỉ mang tính cách tham khảo mà thôi.
Từ lâu, không ít người đã xem vô ngã như một phần giáo lý quá cao siêu
và trừu tượng, thường chỉ dành cho những ai thuộc vào hàng thượng căn
thượng trí, hoặc ít ra cũng phải từng trải qua rất nhiều năm tu tập hành
trì. Tuy nhiên, điều đó thật ra là hoàn toàn không đúng. Từ một khởi
điểm phổ quát nhất cho tất cả mọi người thì mỗi chúng ta đều có sự nhận
biết nhất định về bản ngã, hay nói đơn giản hơn là về bản thân ta trong
mối tương quan với người khác, vật khác quanh ta. Giáo lý vô ngã đề cập
trực tiếp đến cách thức mà chúng ta đang nhận hiểu về bản thân mình và
thế giới quanh ta, chỉ ra những điểm hợp lý và bất hợp lý trong cách
nhìn nhận đó. Nhận thức hợp lý sẽ giúp chúng ta có những tư tưởng, lời
nói và hành vi đúng đắn, mang lại lợi ích cho bản thân và người khác;
ngược lại, nhận thức bất hợp lý sẽ khiến ta có những tư tưởng, lời nói
và hành vi sai lầm, gây tổn hại cho chính ta và những người quanh ta.
Một phần giáo lý đề cập đến những nội dung thiết thực, gần gũi với cuộc
sống như thế, rõ ràng không thể xem là quá cao siêu, trừu tượng, mà
ngược lại đó chính là nền tảng cơ bản nhất, cần thiết nhất cho tất cả
chúng ta.
Nhưng sở dĩ có sự đánh giá sai lệch như trên về giáo lý vô ngã là vì sự
nhận hiểu đúng đắn về giáo lý này luôn có những khó khăn nhất định. Khi
bị trói chặt trong vô số những thói quen và định kiến từ lâu đời, ta sẽ
rất khó lòng tiếp cận một cách hoàn toàn khách quan và sáng suốt với
những gì mà giáo lý vô ngã nêu ra. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta thường
không tự biết được điểm khởi đầu thích hợp của chính mình khi tiếp cận
với giáo lý vô ngã, và điều đó khiến ta thường thấy xa lạ với những điều
mà lẽ ra phải là tương quan rất mật thiết với đời sống của ta.
Để vượt qua những khó khăn trở ngại đó, tốt nhất là ta phải biết cách
vận dụng và so sánh, suy nghiệm ngay từ những gì đang xảy ra với bản
thân ta trong cuộc sống hằng ngày. Khi tự mình rút ra được những bài
học, những nhận thức sâu sắc ngay từ trong cuộc sống, ta mới có thể nhận
hiểu được một cách đúng đắn nhất thế nào là vô ngã, cũng như phải điều
chỉnh như thế nào những nhận thức sai lệch từ trước đến nay của ta, nhằm
giảm nhẹ mọi khổ đau và hướng đến một đời sống tinh thần ngày càng tốt
đẹp hơn.
Qua tập sách này, người viết hy vọng sẽ có thể chia sẻ với độc giả một
cách tiếp cận dễ dàng hơn với giáo lý vô ngã, nhưng vẫn không xa rời
những lời Phật dạy trong kinh điển. Tuy nhiên, sự dễ dàng hơn ở đây
không có nghĩa là chúng ta đơn giản hóa hay làm sai lệch đi những gì
được ghi chép trong kinh điển. Vấn đề chính là mỗi người chúng ta phải
biết tìm cho mình một cách tiếp cận thích hợp nhất, phù hợp với khởi
điểm hiện tại. Bằng cách vạch ra những mối tương quan giữa thực tiễn đời
sống và những lời Phật dạy, người viết hy vọng sẽ có thể giúp mọi người
nhận ra được những ý nghĩa cốt lõi nhất cần được vận dụng trong cuộc
sống hằng ngày. Và chính thông qua sự áp dụng thực tế mà những khía cạnh
sâu xa, tinh tế trong lời Phật dạy sẽ được nhận hiểu một cách đầy đủ và
đúng đắn nhất, như đức Phật đã từng dặn dò rằng, bất kỳ giáo lý nào, dù
là do chính ngài giảng dạy, cũng chỉ nên tin tưởng và làm theo sau khi
đã tự mình chứng nghiệm được tính đúng đắn của nó.
Tuy nhiên, cho dù mong muốn của người viết là như thế, việc có đạt được
hiệu quả mang đến lợi ích cho người đọc hay không hẳn nhiên còn phải tùy
thuộc vào trình độ và khả năng diễn đạt, vốn vô cùng hạn chế, của bản
thân người viết. Vì thế, điều chắc chắn là sẽ không thể tránh khỏi ít
nhiều sai sót trong tác phẩm này. Rất mong người đọc sẽ được ý quên lời,
rộng lòng cảm thông và tha thứ. Mọi sự góp ý, chỉ dạy đều sẽ được hoan
hỷ đón nhận với lòng biết ơn chân thành và sâu sắc.
Trân trọng,
Nguyên Minh