Chắp tay lạy người
Kinh Pháp hoa, phẩm thứ 20 có tựa đề là Thường Bất Khinh Bồ
Tát. Đây là phẩm kinh đặc biệt nói về một tiền thân của đức Phật
Thích-ca khi ngài còn hành đạo Bồ Tát. Trong phẩm kinh này, đức Phật
nhấn mạnh rằng nhờ vào việc nhận hiểu và thuyết giảng kinh Pháp Hoa nên
ngài đã được sớm thành Chánh giác. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý nhất lại
nằm ở phần đầu phẩm kinh, khi đức Phật nói về pháp môn tu tập mà ngài đã
thực hành rất lâu để dẫn đến khả năng nhận hiểu được kinh Pháp Hoa.
Vị Bồ Tát mang danh hiệu Thường Bất Khinh trong phẩm kinh này có một
pháp tu hết sức đặc biệt. Kinh văn nói rằng: “而是比丘不專讀誦經典,但行禮拜 - Nhi thị
tỳ-kheo bất chuyên độc tụng kinh điển, đãn hành lễ bái.” (Nhưng vị
tỳ-kheo ấy không chuyên tụng đọc kinh điển, chỉ thực hành lễ bái.)
Như vậy, vị Bồ Tát Thường Bất Khinh này không chú tâm vào việc tụng đọc
kinh điển, mà sự tu tập của Ngài chỉ được biểu hiện qua việc thực hành
lễ bái.
Ngài lễ bái những ai? Thật kỳ lạ, ngài không chỉ lễ bái chư Phật - vì
điều đó là tất nhiên - mà còn lễ bái tất cả Bốn chúng đệ tử Phật, bao
gồm các vị tỳ-kheo, tỳ-kheo ni và nam, nữ cư sĩ, không cần phân biệt là
những người ấy có công phu tu tập như thế nào! Mỗi khi được gặp bất kỳ
một tỳ-kheo hay tỳ-kheo ni hoặc cư sĩ nam, cư sĩ nữ... ngài đều thành
tâm lễ bái và xưng tán rằng: “Tôi rất tôn kính các ngài, không dám xem
thường. Vì sao vậy? Vì các ngài đều thực hành đạo Bồ Tát, rồi đây đều sẽ
thành Phật.”
Sự lễ bái của ngài rất chân thành và nhiệt tâm. Thậm chí mỗi khi nhìn
thấy từ xa một vị tỳ-kheo hay tỳ-kheo ni hoặc cư sĩ nam, cư sĩ nữ, ngài
đều vội vã đến gần để lễ bái và xưng tán: “Tôi không dám xem thường các
ngài. Các ngài rồi đây đều sẽ thành Phật.”
Mà những kẻ được ngài lễ bái đó là người như thế nào? Cũng theo kinh
văn, thì đó là thời mà đức Phật đã nhập diệt, Chánh pháp đã diệt mất, và
đang thời Tượng pháp ấy thì những tỳ-kheo kiêu căng tự mãn (tăng thượng
mạn) chiếm ưu thế rất lớn. Trong một thời đại nhiễu nhương như thế mà
vị Bồ Tát này vẫn luôn giữ vững được niềm tin vào tánh Phật tiềm tàng
trong mỗi con người, hay khả năng sẽ thành Phật trong tương lai, đúng
như yếu chỉ mà đức Phật muốn truyền dạy trong kinh Pháp Hoa.
Phẩm kinh này cũng mô tả rõ sự suy kém về đạo đức của rất nhiều người
trong Bốn chúng đệ tử Phật vào thời ấy: Khi nghe lời xưng tán của Bồ Tát
Thường Bất Khinh, họ liền nổi tâm sân nhuế, giận dữ, lớn tiếng mắng
chửi ngài, thậm chí còn đuổi đánh bằng gậy gộc hay dùng gạch đá mà ném
vào ngài. Những lúc như thế, ngài chỉ tránh né trốn chạy chứ không hề
kháng cự, cũng không sinh lòng oán giận bực tức, vẫn kiên trì xưng tán
rằng: “Các ngài rồi đây đều sẽ thành Phật.”
Trải qua nhiều năm như thế mà vị Bồ Tát này vẫn giữ tâm nhẫn nhục khiêm
hạ không hề thay đổi, vẫn một lòng vững tin vào tánh Phật tiềm tàng
trong mỗi chúng sinh. Chính nhờ vậy mà đến lúc ngài sắp qua đời liền có
sự cảm ứng, giữa hư không bỗng nghe được đầy đủ những lời đức Phật trước
đây đã thuyết giảng kinh Pháp Hoa. Hơn thế nữa, vào lúc ấy ngài còn có
đủ năng lực trí tuệ để nhận hiểu, thọ trì trọn bộ kinh. Sau khi thọ trì
liền được cả sáu căn thanh tịnh: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nhờ sáu
căn thanh tịnh nên tuổi thọ liền tăng thêm, chẳng những lúc ấy không
chết mà còn được sống thêm nhiều năm nữa để rộng vì người khác mà thuyết
giảng kinh Pháp Hoa.
Đối với tôi, câu chuyện về Bồ Tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa
là một hình ảnh rất đẹp và tạo ấn tượng vô cùng sâu sắc. Pháp môn tu tập
của ngài có ý nghĩa rất lớn và vô cùng thích hợp với thời đại chúng ta.
Những gì Bồ Tát Thường Bất Khinh đã làm không phải là quá khó khăn đối
với chúng ta, bởi bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể cố gắng thực
hành như ngài, một khi đã hiểu được ý nghĩa pháp môn mà ngài tu tập.
Điều trước tiên cần lưu ý là trước khi được nghe kinh Pháp Hoa vào lúc
sắp chết, ngài Thường Bất Khinh không có gì tỏ ra là một vị tu hành
chứng ngộ. Những gì chúng ta có thể thấy được nơi ngài chỉ là một niềm
tin kiên trì vào lời Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều có tánh Phật.” Và
dựa vào niềm tin đó, ngài luôn giữ lòng cung kính, tôn trọng đối với tất
cả những ai đang tu tập pháp Phật, ngay cả khi những người ấy biểu lộ
hành vi hung hăng, thô lỗ đầy sân hận đối với ngài. Sự cung kính đó được
thể hiện với một tâm nhẫn nhục gần như không giới hạn, vì trải qua rất
nhiều năm chịu đựng sự nhục mạ, mắng chưởi cũng như đuổi đánh, nhưng
ngài vẫn không hề sinh lòng bực tức hay oán giận.
Và niềm tin của Bồ Tát Thường Bất Khinh đã được chứng minh là một niềm
tin hoàn toàn đúng đắn, bởi kinh văn sau đó xác nhận rằng, những người
đã từng khinh miệt, xúc phạm ngài tuy đều phải trải qua nhiều kiếp thọ
tội nơi địa ngục A-tỳ, nhưng rồi sau khi trả xong nghiệp ác họ cũng đều
được gặp lại chính ngài, nhận sự giáo hóa của ngài để rồi phát tâm
Bồ-đề, tiến sâu vào Phật pháp.
Điều đáng chú ý ở đây là, mặc dù không có một kiến thức uyên bác cũng
như không tụng đọc nhiều kinh điển, nhưng Bồ Tát Thường Bất Khinh đã xác
lập được một niềm tin sâu vững vào lời Phật dạy, kiên trì với niềm tin
ấy ngay trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, dễ đánh mất niềm tin
nhất. Chính điều này đã giúp ngài có thể giữ tâm khiêm hạ và nhẫn nhục
nhận chịu mọi sự xúc phạm, miệt thị, không hề khởi tâm oán ghét hay sân
hận. Và quá trình tu tập đó đã giúp thân tâm ngài trở nên thanh tịnh,
tạo ra một sự cảm ứng hết sức kỳ diệu vào lúc cuối đời: Ngài được nghe
lại pháp âm của đức Phật thuyết giảng kinh Pháp Hoa. Hơn thế nữa, với
một thân tâm trải qua quá trình tu tập nhuần nhuyễn, ngài đã có đủ khả
năng để nhận hiểu và thọ trì ngay bộ kinh Đại thừa quý giá này. Kết quả
là ngài lập tức đạt được sáu căn thanh tịnh, tuổi thọ được tăng thêm,
đồng thời cũng khai mở trí tuệ để có thể diễn giảng kinh Pháp Hoa với
nhiều người trong nhiều năm sau đó.
Ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong pháp môn tu tập của Bồ Tát Thường Bất Khinh
chính là sự phá trừ chấp ngã. Khi đặt niềm tin kiên cố vào tánh Phật
tiềm tàng nơi tất cả những người khác, chắc chắn ngài cũng không thể
không tin vào tánh Phật của chính mình. Thế nhưng, ngài vẫn luôn thật
lòng tôn kính, lễ lạy tất cả mọi người khác vì tin vào tánh Phật của họ.
Điều này cho thấy ngài đã có sự quán chiếu sâu xa và không còn bị sự
chi phối, thúc giục của bản ngã như hầu hết chúng ta. Vì thế, thay vì
vuốt ve, ôm ấp và đề cao “cái tôi” của mình như thói thường, ngài lại
thành tâm thành ý tôn kính, lễ lạy người khác một cách thường xuyên và
kiên trì cho đến suốt cuộc đời mình.
Hơn thế nữa, khi “cái tôi” của ngài bị khinh miệt, thậm chí là xúc phạm
nghiêm trọng, ngài vẫn không vì thế mà sinh tâm bực tức hay oán giận.
Chính tinh thần “vô ngã” này đã giúp ngài thoát khỏi mọi ảnh hưởng chi
phối, trói buộc của sự chấp ngã, vốn là nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự
mê muội và hành xử phi lý ở hầu hết chúng ta.
Kính lễ, tôn trọng người khác để đối trị tâm chấp ngã là một pháp môn
thực sự tuyệt vời và vô cùng hiệu quả. Khi biết chân thành nhìn nhận và
tôn trọng giá trị tốt đẹp nơi người khác, chúng ta sẽ dẹp bỏ được tâm
chấp ngã nơi bản thân mình, và nhờ đó mà có thể nhận thức về thực tại
một cách đúng thật hơn.
Phần lớn chúng ta rất khó có được một niềm tin kiên định như Bồ Tát
Thường Bất Khinh, và nguyên nhân thường là do ta luôn tự đề cao bản ngã
của mình một cách thái quá, không đúng thật. Với khuynh hướng này, việc
kính phục và đặt niềm tin vào người khác trở nên khó khăn hơn rất nhiều,
ngay cả khi đó người rất xứng đáng để ta tin tưởng.
Như đã nói, việc xác lập niềm tin về những vấn đề vượt ngoài khả năng
nhận thức toàn diện của chúng ta hoàn toàn không đơn giản. Một mặt, nếu
chúng ta đặt niềm tin một cách dễ dãi và mù quáng, ta sẽ có thể bị dẫn
dắt vào những con đường sai trái, lệch lạc. Mặt khác, việc đòi hỏi kiểm
chứng hay tự mình nhận hiểu cụ thể vấn đề trước khi đặt niềm tin lại là
bất khả thi khi vấn đề vượt ra ngoài khả năng nhận thức của chúng ta.
Vì thế, để xác lập niềm tin kiên định vào những lời Phật dạy, một mặt
chúng ta cần phải biết vận dụng sự suy xét và đối chiếu với thực tế hành
trì để thấy được những giá trị chân thật, chuẩn xác và đầy lợi lạc của
những lời dạy đó, nhưng mặt khác chúng ta cũng cần phải thấy biết và đặt
niềm tin vào nhân cách siêu tuyệt cũng như trí tuệ sáng suốt và tâm từ
bi vô lượng vô biên của đức Phật. Điều này là hoàn toàn có thể nhận biết
được qua những gì ta đọc thấy trong kinh điển cũng như qua sự thực hành
những lời Phật dạy.
Niềm tin của Bồ Tát Thường Bất Khinh chắc chắn cũng là một niềm tin như
thế. Tự thân ngài không thể có đủ năng lực trí tuệ để nhìn thấy tánh
Phật nơi những người khác, nhất là nơi những người đang hung hăng, thô
lỗ với ngài. Nhưng ngài có thể tin chắc được vào điều đó chính là nhờ sự
tin tưởng tuyệt đối vào đức Phật, bậc giác ngộ mà ngài đã quy y, và với
sự tin tưởng đó ngài đã tin chắc được vào những gì Phật dạy.
Một trong những sai lầm của chúng ta ngày nay là luôn muốn phán xét tất
cả, ngay cả với những điều vượt ngoài khả năng nhận thức của mình. Điều
nghịch lý là, khuynh hướng này có vẻ như càng rõ nét hơn ở những người
tỏ ra uyên bác, thông tuệ và tự nhận là mình đã hoàn toàn hiểu thấu
những lời Phật dạy. Chính do khuynh hướng này mà nhiều người chỉ đặt
niềm tin vào kinh điển Pali, mà họ gọi là kinh điển Nguyên thủy, vì qua
sự phán xét của họ thì những kinh điển này là có thể kiểm chứng, hợp lý
và có thể hiểu được. Ngược lại, những kinh Đại thừa luôn đề cập đến
những vấn đề trừu tượng và sâu xa, vượt ngoài khả năng nhận hiểu và phán
xét nên có nhiều người đã không chấp nhận. Quả thật, nếu không có một
niềm tin sâu vững vào đức Phật như một bậc thầy trí tuệ siêu việt, thì
thật khó mà có thể tin nhận được kinh điển Đại thừa, bởi những gì đề cập
trong kinh hầu hết đều là vượt ngoài giới hạn nhận thức của chúng ta.
Thế nhưng, nếu chỉ giới hạn trong phạm vi nhận thức - vốn còn mê lầm -
của chúng ta thì làm sao vượt thoát sinh tử? Và như vậy thì đức Phật đâu
cần phải đản sinh nơi cõi đời này?
Chúng ta cần xét đến một thực tế lịch sử là đã hơn 2.500 năm qua chưa
từng có một vị Phật thứ hai sau đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và những gì
được biết về đức Phật là hoàn toàn vượt quá khả năng tưởng tượng, hình
dung của chúng ta về bất kỳ con người nào khác. Bất kỳ quyển kinh nào
trong số hàng ngàn quyển kinh do ngài thuyết dạy đều hàm chứa những nội
dung sâu xa và uyên bác hơn hẳn so với bất kỳ tác phẩm nào khác của
những tác giả kiệt xuất trong nhân loại. Bất kỳ lời dạy nào trong vô số
những lời ngài đã truyền lại qua kinh điển đều có thể xem là những câu
châm ngôn sâu sắc hàm chứa triết lý sâu xa và thông tuệ, có công năng
dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống. Và hơn thế nữa, bất kỳ nội dung nào
được tiếp nhận từ những lời dạy của đức Phật cũng đều hướng đến một mục
đích duy nhất, thiết thực và chính đáng, đó là mang đến niềm hạnh phúc
cho tất cả chúng ta ngay trong cuộc sống này cũng như mãi mãi về sau.
Thế nhưng, bất chấp sự thật không thể phủ nhận vừa nêu trên, một số
người sau khi tự nhận là đã học hiểu những lời Phật dạy lại tự mãn đến
mức hoài nghi về tính hoàn hảo của những lời dạy đó. Họ lập luận rằng
thời đại đã thay đổi, con người đã thay đổi, và những lời dạy của đức
Phật cũng cần phải thay đổi để cho thích hợp. Nếu dựa trên cách suy nghĩ
như thế thì người ta hoàn toàn có thể tự ý “điều chỉnh”, “bổ sung” và
“cắt xén” hay diễn giải những lời Phật dạy dựa theo sự nhận hiểu của
riêng mình, và như vậy sẽ là một điều vô cùng nguy hại cho các thế hệ
mai sau!
Một biểu hiện khác của khuynh hướng tự mãn thái quá này là một số hành
giả Phật giáo nhưng lại đi sâu vào lãnh vực của những học giả thế gian,
rồi phô bày sự uyên bác của mình bằng cách phân tích kinh điển theo như
cách đối với các văn bản thế tục, để rồi đi đến kết luận về cái gọi là
“nguồn gốc” của một số kinh điển Đại thừa. Tất nhiên, họ không trực tiếp
nói rằng những kinh ấy không phải do Phật thuyết, nhưng gián tiếp bày
tỏ điều đó khi cho rằng những kinh ấy do người sau viết ra vào khoảng
thời gian này, thời gian nọ...
Những lập luận đó tuy có vẻ như rất “khoa học” nhưng lại là phiến diện,
không hợp lý và vấp phải sai lầm ngay từ căn bản. Kinh điển vốn là những
nội dung do đức Phật trực tiếp thuyết dạy, nên đã ra đời từ rất lâu
trước khi được định hình thành văn bản. Điều này hoàn toàn ngược lại với
những văn bản thế tục thông thường, vốn được các tác giả định hình
thành văn bản rồi mới lưu hành.
Lấy ví dụ như khi ta nghiên cứu sách Thiền uyển tập anh, một văn bản cổ
được tin là đã ra đời vào thế kỷ 14 (khoảng năm 1337) nhưng đã qua sao
chép nhiều lần trước khi truyền đến chúng ta và bản khắc in cổ nhất còn
giữ được đến nay được thực hiện vào năm 1715. Trong trường hợp này, nếu
ta phát hiện thêm được bất kỳ văn bản nào khác có niên đại cổ xưa hơn,
gần với thời điểm ra đời của tác phẩm hơn, thì văn bản đó sẽ có giá trị
đáng tin cậy hơn, có thể dùng để điều chỉnh những sai lệch nếu có của
các văn bản ra đời sau nó.
Nhưng trường hợp của kinh điển là hoàn toàn ngược lại. Nội dung kinh
điển đã được đức Phật thuyết giảng từ rất lâu trước khi các bản văn kinh
được định hình. Ngay cả lần kết tập đầu tiên do ngài Ca-diếp chủ trì
cũng chỉ trùng tuyên nội dung kinh điển để mọi người cùng ghi nhớ chứ
chưa hề có một bản văn kinh nào ra đời. Và trong suốt nhiều thế kỷ sau
đó, kinh điển vẫn chỉ tiếp tục được truyền lại qua sự ghi nhớ của những
người thọ trì chứ chưa được ghi chép thành văn bản.
Như vậy, thời điểm mà nội dung kinh điển được chính thức ghi lại thành
văn bản hoàn toàn không phải là thời điểm bộ kinh ấy ra đời. Hơn nữa, do
đặc điểm là nội dung có trước, văn bản có sau, nên khi khảo cứu về mặt
văn bản, ta hoàn toàn không thể căn cứ vào các văn bản cổ hơn để cho
rằng nó chính xác hơn, và những văn bản ra đời sau nếu có nội dung khác
biệt cũng chưa hẳn đã là do người sau thêm vào, mà có thể chỉ là do sự
khác biệt từ khả năng ghi nhớ của những người ghi chép lại.
Lấy ví dụ như khi nghiên cứu về kinh Pháp Hoa, có người dựa vào việc so
sánh các văn bản với niên đại khác nhau để đi đến kết luận là kinh này
được hình thành qua bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là người ta viết
ra phần kệ tụng; giai đoạn thứ hai là người ta thêm vào phần văn xuôi để
giải thích phần kệ tụng. Do trật tự xuất hiện này nên những câu kinh
giới thiệu phần trùng tụng đều là không đúng, cần phải được sửa với ý
nghĩa ngược lại. Cụ thể, cuối phần văn xuôi thường ghi: “Bấy giờ, đức
Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên nên nói kệ rằng”, nhưng theo trật tự
xuất hiện như trên thì câu này phải sửa lại là: “Sau khi nói kệ rồi, đức
Thế Tôn mới giải thích bằng đoạn văn sau đây.”
Tiếp theo, giai đoạn thứ ba là phần văn xuôi nói trên được tiếp tục phát
triển, viết thêm vào nhiều hơn trước đó. Và giai đoạn thứ tư là giai
đoạn có nhiều phẩm kinh được thêm vào. Lý do là vì sau khi sử dụng thì
những người viết kinh mới “thấy được sự thiếu sót hoặc bị chỉ trích” rồi
mới thêm vào.
Những phân tích như trên là rất khoa học và cũng hoàn toàn hợp lý khi ta
so với quy trình nghiên cứu các văn bản thông thường. Tuy nhiên, như đã
nói ở phần trên, sai lầm căn bản ở đây là không xét đến - hoặc không
chịu thừa nhận - một sự thật hiển nhiên là: kinh Pháp Hoa vốn đã có từ
trước, do đức Phật thuyết giảng, còn tất cả văn bản kinh đều xuất hiện
về sau. Nếu ta xét đến yếu tố này thì việc các văn bản ra đời sau dài
hơn không có nghĩa là chúng được thêm vào, mà chỉ có nghĩa là chúng được
truy xuất từ những bộ nhớ khác, bởi các hành giả thọ trì và truyền tụng
kinh Pháp Hoa không phải ai cũng có trí nhớ như nhau, việc sai lệch đôi
chút là điều khó tránh khỏi.
Lấy ví dụ, sau khi một diễn giả nào đó trình bày một vấn đề, những người
dự thính có thể sẽ viết lại thành những bản tường trình A, B, C... theo
trí nhớ của mỗi người. Như vậy, một người nghiên cứu khi đối chiếu các
bản tường trình này, không thể dựa vào yếu tố bản tường trình C được
viết ra sau một thời gian và có thêm một phần nào đó mà bản A hoặc B
không có để kết luận rằng người viết bản C đã tự ý thêm vào. Vấn đề ở
đây chỉ đơn giản là những người viết các bản A, B đã không nhớ được phần
nội dung mà người viết bản C vẫn còn nhớ được.
Trường hợp văn bản kinh Pháp Hoa cũng tương tự như vậy, tuy có phức tạp
hơn vì trải qua thời gian lâu dài hơn. Như vậy, việc đồng nhất sự ra đời
của các văn bản kinh với sự ra đời hay hình thành bộ kinh này là hoàn
toàn sai lệch và võ đoán.
Và kết quả sẽ như thế nào? Nếu những phân tích dựa vào văn bản như trên
được tin cậy và thừa nhận là chính xác, thì điều đó cũng đồng nghĩa với
việc bộ kinh này hoàn toàn không đáng tin cậy, bởi ngay từ câu mở đầu
“Như thị ngã văn” (Tôi nghe như thế này) đã là một câu nói dối! Và những
người “viết kinh” không tên tuổi kia, vốn chẳng phải Phật thì làm sao
có thể thuyết giảng đúng về cảnh giới của chư Phật?
Nhưng tất cả chúng ta đều biết, trải qua bao nhiêu thế kỷ, những hành
giả thọ trì kinh Pháp Hoa số nhiều không thể tính đếm, các bậc Tổ sư
chứng đắc nhờ vào kinh này cũng không ít, chưa từng thấy vị nào lên
tiếng nghi ngờ rằng kinh này không phải do Phật thuyết giảng! Và nếu quả
thật có những người viết ra được bộ kinh này, hẳn cõi Ta-bà trong thời
gian qua đã phải có rất nhiều vị Phật chứ không chỉ là một đức Phật
Thích-ca Mâu-ni mà thôi!
Một biểu hiện đáng lo ngại và bất hợp lý có thể thấy trong những phân
tích như trên là nhận định về ý nghĩa câu kinh văn trước phần trùng tụng
(và đề nghị chỉnh sửa nó). Nếu nhận định này là đúng, chúng ta phải
hiểu như thế nào khi những người “viết kinh” lại cố tình viết sai đi một
nội dung như thế? Và vì câu hỏi này không có lời giải đáp, nên chỉ có
thể nói là kết quả phân tích văn bản như trên hoàn toàn không thích hợp
khi áp dụng với kinh điển Đại thừa nói chung chứ không chỉ là trường hợp
của kinh Pháp Hoa.
Mặt khác, trong khi chúng ta đều biết là những kết quả khảo cứu về văn
bản học cho đến nay vẫn chưa xác nhận được sự hiện diện của một số kinh
điển Đại thừa từ khoảng trước thế kỷ thứ nhất, nhưng đồng thời những kết
quả như thế cũng không hề có giá trị phủ nhận. Khi chúng ta chưa biết
về một sự việc, điều đó không có nghĩa là sự việc đó hoàn toàn không
hiện hữu, bởi có quá nhiều sự việc hiện hữu ngoài tầm hiểu biết của
chúng ta. Lấy ví dụ, con người hiện nay hoàn toàn chưa có hiểu biết gì
về sự sống trong vũ trụ ngoài môi trường trái đất, nhưng điều đó hoàn
toàn không có ý nghĩa phủ nhận việc sự sống vẫn có thể đang hiện hữu ở
đâu đó ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Phần lớn các nhà khoa học tuy
chỉ dựa vào suy luận nhưng vẫn có khuynh hướng tin chắc rằng có sự sống
trong vũ trụ ngoài môi trường trái đất, hoặc ít ra thì cũng chưa từng có
ai phủ nhận điều đó chỉ vì chưa thể biết rõ...
Hệ quả của sự hoài nghi về nguồn gốc kinh điển Đại thừa chính là sự đánh
mất niềm tin vào đức Phật. Nếu ta tin rằng có những kinh Đại thừa quả
thật do người đời sau viết ra, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc
những sự kiện trong kinh văn là hư cấu, không thật, và điều này hoàn
toàn đi ngược với tinh thần của đạo Phật, khi một trong 5 giới cấm của
người Phật tử chính là giới không nói dối. Vì thế, điều tất nhiên là ta
sẽ không còn đặt niềm tin vào kinh điển như những lời do đức Phật thuyết
dạy nữa, mà chỉ xem đó như những văn bản thế tục có giá trị để ta
nghiên cứu, học hỏi mà thôi. Điều này sẽ tạo ra một cách tiếp cận hoàn
toàn khác biệt, khiến ta không thể nào tiếp nhận được một cách đầy đủ
những ý nghĩa sâu xa trong kinh văn.
Vấn đề ở đây là, xét trên bình diện Tục đế thì việc đưa ra lập luận phán
xét về những lời dạy của Phật có vẻ như hoàn toàn hợp lý. Mọi pháp ở
thế gian đều phải thay đổi để phát triển. Đơn giản như khi ta trồng một
cái cây, nếu muốn phát triển thì nó phải thay đổi. Đạo Phật cũng giống
như một cái cây, nếu không thay đổi thì không thể phát triển. Và đạo
Phật thì thật ra chỉ là tên gọi khác của những lời Phật dạy, bởi đó là
sự quy tụ của những người tin nhận và làm theo lời Phật dạy. Như vậy,
đạo Phật muốn thay đổi thì phải thay đổi từ những lời Phật dạy, để cho
thích ứng với thời đại, với sự phát triển... Những điều này nghe ra có
vẻ như hoàn toàn hợp lý.
Nhưng nếu xét trên bình diện Chân đế thì hoàn toàn không phải vậy. Cho
dù đã hơn 25 thế kỷ trôi qua, những gì đức Phật đã dạy về Tứ diệu đế, về
Thập nhị nhân duyên vẫn không hề thay đổi và không thể thay đổi, bởi đó
là chân lý. Những gì đức Phật đã dạy về bản chất và nguyên nhân của khổ
đau vẫn không hề thay đổi.
Tương tự, tất cả những ý nghĩa khác như về duyên khởi hay về vô ngã cũng
đều là như vậy. Cái cần phải thay đổi không phải là những lời Phật dạy
hay giới luật do đức Phật chế định, mà chính là những định kiến sai lầm
đã ăn sâu trong tâm thức chúng ta, khiến cho ta không thể nhận hiểu đúng
được những lời Phật dạy. Khi ta mang những kiến thức thuộc phạm trù Tục
đế để phán xét và suy diễn về kinh điển Đại thừa, vốn là những lời Phật
dạy, thì điều đó chỉ mang đến cho chúng ta những sự hoài nghi tai hại,
vì nó ngăn không cho ta xác lập một niềm tin kiên cố giống như niềm tin
của Bồ Tát Thường Bất Khinh vừa nói đến ở đoạn trên.
Vị Bồ Tát Thường Bất Khinh không có kiến thức uyên bác, ngay cả là kiến
thức về Phật học, vì kinh văn có nói rõ là ngài không chuyên tụng đọc
kinh điển, chỉ thực hành mỗi một việc lễ bái mà thôi. Nếu là thời đại
ngày nay, có lẽ ngài cũng sẽ bị không ít người khinh miệt cho là ngu
dốt, thiển cận. Thế nhưng sự hành trì của ngài thì chắc chắn là bất cứ
ai trong chúng ta cũng đều phải kính phục. Cho dù ta có tụng đọc hàng
trăm ngàn lần những câu kinh dạy về nhẫn nhục, cũng chưa hẳn ta đã có
thể nhẫn chịu được như những gì ngài đã hoan hỷ nhẫn chịu trong suốt một
cuộc đời. Đó chính là vì ta chưa có được một niềm tin sâu vững vào đức
Phật và lời dạy của ngài, và nhất là chưa hề xóa bỏ được “cái tôi” trong
nhận thức.
Và vì thế, sự lễ lạy của Bồ Tát Thường Bất Khinh chính là điều mà tất cả
chúng ta đều nên suy ngẫm và học hỏi. Một khi ta biết chân thành kính
lễ mọi người quanh ta, thói quen “chấp ngã” trong ta sẽ dần dần bị xóa
bỏ. Và khi thành trì kiên cố của “cái tôi” đã bị phá vỡ, phạm vi nhận
thức chân thật của ta sẽ không còn bị giới hạn, bó buộc nữa. Chỉ lúc đó
ta mới có khả năng nhận hiểu và hành trì một cách đúng thật như những
lời Phật dạy để mang lại kết quả tốt đẹp tức thời cho cuộc sống của bản
thân ta cũng như tất cả mọi người quanh ta.