Thể loại sách khác
Chết & Tái Sinh
Tác giả: Thích Nguyên Tạng soạn dịch
15/09/2553 22:30 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1. CHẾT:

Qua sự huân tập và ảnh hưởng của tam độc tham, sân, si, ác nghiệp đã hình thành, thiết lập những mối liên kết với tâm thức qua những khuynh hướng có mục tiêu. Khi con người chết, nếu có những khuynh hướng như thế sẽ tiếp tục đầu thai trong vòng sanh tử luân hồi với thân và tâm được thừa hưởng từ sự tích lũy nghiệp thiện và ác ở kiếp sống vừa qua.

Một số người chết vì kiệt sức hoàn toàn, một số khác chết do hao mòn phước đức, chết không đúng thời điểm hay còn gọi là bất đắc kỳ tử.

Một người chết thường ở một trong ba trạng thái tâm: Thiện, Bất thiện và Vô ký. Trong trường hợp thứ nhất, người hấp hối có thể quán tưởng về Tam Bảo hay một vị thầy đức hạnh của mình, bằng cách đó tâm của vị ấy mới phát sinh tín tâm. Hoặc người hấp hối có thể nuôi dưỡng niềm hỷ lạc vô biên để thoát khỏi sự ràng buộc của những phiền não tham dục, luyến ái, thay vào đó bằng cách quán niệm Tánh không và Tâm từ bi. Ðiều này có thể tự người hấp hối làm hoặc qua sự trợ niệm của người khác. Nếu những yếu tố trên được nuôi dưỡng trong thời điểm hấp hối, một người chết với tâm thanh tịnh như thế thì việc tái sinh của họ sẽ được cải thiện. Ðây là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết.  Mặt khác, ta nên tránh đánh thức, quấy nhiễu người đang hấp hối, điều đó chỉ khiến cho họ nổi giận thôi. Ðôi khi người thân và bạn bè tập trung quanh tử sàng bày tỏ niềm tiếc thương và khóc lóc bi thảm, sẽ làm cho người hấp hối khởi tâm tham ái và quyến luyến. Nếu người chết với tâm niệm bất thiện như thế, sẽ đẩy họ đầu thai vào cõi xấu, điều này rất nguy hiểm.  Trong bất cứ trường hợp nào, trạng thái tâm của người hấp hối bao giờ cũng quan trọng trước khi chết. Bởi vì ngay cả một người tu luyện tâm linh mà bị quấy rầy vào thời điểm ấy cũng làm cho phiền não phát khởi, chính trạng thái tâm này sẽ tạo ra ác nghiệp và đó là động cơ chính dẫn dắt người ấy tái sinh vào một cõi bất lợi như bao đường ba ác: Ð?a ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh. Vì thế, điều tối quan trọng cho cả người hấp hối lẫn người sống là tránh tạo ra những tình huống gây bất lợi cho tâm thức của người chết. Chúng ta cần biết điều này.

Những người chết trong trạng thái tâm thiện đều có cảm giác mình từ trong bóng tối thoát ra ánh sáng, loại bỏ sự khổ đau và đạt được hạnh phúc. Có nhiều trường hợp người bệnh rất nặng, đến lúc gần chết đã nói ra những điều tốt đẹp thoải mái thay vì nói đến căn bệnh của họ. Còn đối với người bệnh tuy nhẹ nhưng nỗi sợ hãi quá lớn, giai đoạn cuối cùng này tâm họ luôn hoảng hốt, nên có cảm giác mình từ nơi ánh sáng đi vào trong bóng tối và từ nơi hạnh phúc bị rơi vào cảnh khổ đau.

Một số người, thân thể ấm áp của họ đã bị suy yếu qua cơn bệnh nên họ trở nên khao khát muốn được hơi nóng, bằng cách này củng cố thêm cho khuynh hướng tái sinh của họ vào nơi như địa ngục nóng hoặc một nơi có khí hậu nóng. Những người khác thích cái mát lạnh, thích uống nước lạnh và khiến cho khuynh hướng tái sinh của họ hướng vào nơi như địa ngục hàn băng hay một nơi có khí hậu lạnh. Vì thế điều rất quan trọng là tránh khởi những ý niệm tham ái trong lúc chết và trực tiếp hướng tâm đến những điều thiện.

2. THÂN TRUNG ẤM :  

Thân trung ấm (bardo/intermediate state) được hiểu nôm na là sự sống sau khi chết trước khi thần thức người ấy đi tái sinh vào một trong sáu cõi nào đó (Trời, Người, A tu la, Ðịa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh). Thân trung ấm là thân không có xác thịt mà chỉ lấy tư tưởng làm thân. Sau khi người ấy chết, thần thức thoát ra khỏi xác thì trụ lại ở thế giới trung gian này từ một đến bảy tuần lễ, rồi sau đó tìm kiếm một nơi thích hợp với nghiệp lực của mình mà đi tái sinh. Nếu trong thời gian này, thân trung ấm chưa tìm thấy một nơi tương ứng với mình để tái sinh thì nó lại chết đi sau mỗi bảy ngày, sau đó thần thức lại chuyển qua một thân trung ấm khác, chu kỳ sinh diệt này cứ lập lại cho đến khi thần thức đi tái sinh.

Trong thời gian ở lại với cõi trung ấm này, vào những ngày đầu, vong linh không nhận ra mình đã chết, họ quay lại gia đình để gặp những người thân nhưng không ai hay biết, họ hỏi thăm từng người nhưng không ai trả lời, họ cố gắng sinh hoạt trở lại bình thường như lúc còn sống nhưng không thể được, cho đến khi họ tự phát hiện ra họ không có bóng hình trên đất, không có ảnh trên gương, họ mới biết là mình đã chết. Giờ đây, họ lần lượt nhớ lại những thiện và ác nghiệp mà họ đã tạo ra trong đời sống vừa qua. Tất cả những cảnh tượng hạnh phúc hay khổ đau trong suốt đời họ hiện ra trước mắt như một cuộn phim. Nếu là vong linh của người vốn từng tạo phước, tu tập tâm linh, thì luôn có những cảm giác yên bình, thanh thản và dễ dàng để tìm đường tái sinh vào cõi lành. Còn nếu những người từng tạo ra ác nghiệp, sống cuộc đời tiêu cực thì luôn đối mặt với những cảnh tượng khổ đau, kinh hoàng, sợ hãi, thất vọng và chán chường. Họ lang thang một cách tuyệt vọng trong cõi trung ấm và muốn tìm một thân xác để tái sinh tương xứng với nghiệp lực của họ. Nếu thân trung ấm có tu tập và làm chủ được thần thức của mình, thì người ấy chọn lựa cho mình một cảnh giới tốt để tái sinh, ngõ hầu tiếp tục tu luyện hoặc vì hạnh nguyện cứu độ chúng sinh. Bằng như trái lại, thì không có sự lựa chọn nào, dù muốn hay không thì thần thức của người ấy cũng buộc phải thọ sinh vào một cảnh giới nào đó khế hợp với nghiệp lực của mình.

3. TÁI SINH:

Nếu được tái sinh trở lại cõi người, thần thức của người ấy thấy cha mẹ tương lai của mình đang nằm với nhau. Nếu người ấy tái sinh thành người nam thì phát khởi tâm muốn chiếm hữu người mẹ mà rất ghét người cha. Nếu tái sinh trở thành người nữ thì ngược lại, thần thức người khởi tâm muốn giao hợp với người kia, nhưng lúc ấy họ chỉ thấy bộ phận sinh dục của người kia (nam hay nữ) mà không thể thực hiện được, do đó họ nổi giận, chính cơn giận này đã làm chấm dứt thân trung ấm của họ và thần thức của họ được chuyển qua đời sống kế tiếp, bằng cách nhập vào bào thai của người mẹ và bắt đầu với hình dáng của một con người. Khi ấy tinh cha và huyết mẹ được kết hợp với thần thức của người ấy, họ tự nhiên và dần dần phát triển thành một con người.

Như đã nói ở trên, khi gần đến ngày tái sinh, thần thức của người ấy bị lôi kéo về nơi tái sinh tương lai, thậm chí nơi ấy là địa ngục. Ví dụ, một đồ tể nhìn thấy một con cừu, anh ta muốn đuổi bắt và giết chết nó, nhưng lập tức anh ta thấy bóng mờ xuất hiện, nên anh ta giận dữ, cơn giận đã làm kết liễu thân trung ấm và thần thức của anh ta rơi vào Ðịa ngục hay Súc sinh.

Sự chuyển tiếp sự sống từ đời này sang đời khác là nghiệp lực. Nghiệp (karma) có một năng lực cá biệt và đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cấu tạo tâm tánh của con người. Nghiệp được hình thành dưới sự tập hợp của tam độc tham, sân, si hay vô minh và ái dục. Chính vô minh (ignorance) và ái dục (desire) là cội rễ của mọi ác nghiệp. Do ác nghiệp này mà khiến cho con người trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Ðể thoát khỏi vòng tuần hoàn khổ đau này con người phải nỗ lực tu tập đoạn diệt cho bằng được cội rễ của vô minh. Khi vô minh bị tận diệt thì ái dục cũng bị tận diệt, ái dục diệt thì sinh, lão, bệnh, tử, sầu bi khổ ưu não cũng không còn, khi ấy con người mới thật sự thoát khỏi vòng vây của sinh tử luân hồi.