Thể loại sách khác
Bồ Tát Hạnh
Tôn Giả Santideva Thích Trí Siêu dịch
21/04/2553 03:43 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bồ Tát Hạnh
Tôn Giả Santideva
Thích Trí Siêu dịch

Lời tựa
Tiểu sử Tôn Giả Santideva
1.      Xưng Tán Bồ Ðề Tâm
2.      Sám Hối
3.      Phát Bồ Ðề Tâm
4.      Thực Hành Bồ Ðề Tâm
5.      Giữ gìn tâm ý
6.      Nhẫn nhục
7.      Tinh tấn
8.      Thiền định
9.      Trí Huệ
10.  Hồi hướng công đức
Thư mục

 

Lời Tựa

 Mục đích chung của người tu Phật là cầu giác ngộ giải thoát, nhưng đối với người theo Phật giáo Ðại Thừa thì mục đích chính là phải cầu thành Phật.

A La Hán cũng giác ngộ giải thoát, Bích Chi Phật cũng giác ngộ giải thoát, chư Tổ Thiền cũng giác ngộ giải thoát, nhưng các Ngài vẫn chưa phải là Phật.  Nhưng tại sao lại phải cầu thành Phật chứ?  Ðược giác ngộ giải thoát chưa đủ sao?

- Chưa đủ!  Ðủ làm sao được đối với người đã hiểu, đã thấy tất cả chúng sinh chính là mình, mình chẳng khác với chúng sinh; cái khổ của chúng sinh chính là cái khổ của mình và sự giải thoát của chúng sinh cũng là sự giải thoát của mình.  Nếu chưa hiểu được vậy thì ít nhất cũng phải suy nghĩ, từ vô thỉ đến nay, trôi lăn trong sinh tử luân hồi tất cả chúng sinh đều đã ít nhất một lần làm cha mẹ ta, đã nuôi nấng, thương yêu, chăm sóc ta chẳng quản khó nhọc, nhiều khi còn phải hy sinh tánh mạng vì ta.  Như thế, ta nỡ lòng nào cầu giác ngộ giải thoát một mình?  Nhưng chúng sinh đông quá làm sao độ cho hết? Ðại A La Hán kia như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên còn chỉ độ được vài trăm đệ tử, nói chi ta đây là kẻ phàm phu? Ðành rằng các vị A La Hán là những người giác ngộ giải thoát, nhờ chuyên tu thiền định, diệt trừ phiền não, song từ những kiếp xa xưa, các ngài không lập những thệ nguyện rộng lớn vì chúng sinh, không dám xả thí thân mạng, tài sản, vợ con, không biết gần gũi, thân cận, cúng dường chư Phật, Bồ Tát, Thiện tri thức. Do đó các ngài chưa có đủ công đức, trí huệ, hùng lực như chư Phật.  Chỉ có Phật mới đầy đủ khả năng giáo hóa, cứu độ chúng sanh vô lượng.  Ngoài ra trong kinh Pháp Hoa và Niết Bàn, đức Phật đã khai thị rõ về Phật tánh, khuyên nhắc chúng sinh cầu Phật quả. Chúng ta là con Phật (Phật tử) thì phải cố gắng được như cha của mình chứ! Bước đầu tiên là chúng ta phải phát nguyện cầu thành Phật để cứu độ chúng sinh. Sự phát nguyện (hay tâm niệm) đó gọi là Bồ Ðề Tâm (Bodhicitta). Khi vừa phát tâm như vậy thì chúng ta liền trở thành một Bồ Tát (Sơ phát tâm). Chư Phật ba đời cũng đều phát xuất từ chư Bồ Tát, do đó trong kinh Bảo Tích Ðức Phật đã không ngớt khen ngợi và đề cao hàng Sơ phát tâm Bồ Tát: "Hàng Sơ phát tâm Bồ Tát, tuy căn tánh Bồ Tát chưa đầy đủ, đức tướng Bồ Tát chưa trọn vẹn hiển bày cho mọi người thấy được, nhưng các Thiện Thần Vương hết lòng tôn trọng đến hộ vệ... Bồ Tát Sơ phát tâm chưa có công đức gì, nhưng đem so với A La Hán vẫn còn cao hơn ...  Này Ca Diếp!  Thí như hạt châu lưu ly nhỏ mà giá trị hơn là khối thủy tinh lớn như núi Tu Di.  Bồ Tát cũng như vậy, ngay từ khi phát tâm cũng đã hơn hàng Thanh Văn, Bích Chi (tr 142)[1].  Do đó, khi vừa phát tâm Bồ Ðề thì liền trở thành Bồ Tát, không cứ phải đến các Ðại Giới Ðàn thọ Bồ Tát giới mới được xem là Bồ Tát.  Nói như vậy không có nghĩa là bác bỏ việc thọ giới, ngược lại hành giả Ðại Thừa rất nên cầu thọ giới pháp, vì thọ (hay truyền) giới trong sự trang nghiêm, đúng phép rất có lợi ích, nó có khả năng tác động mạnh vào tâm khảm của giới tử, và nếu giới tử thanh tịnh thành khẩn thì được xem là đắc giới.  Nhưng thọ Bồ Tát giới và chỉ lo giữ giới Bồ Tát không   chưa đủ để được xem là Bồ Tát.   Bồ Tát giới chỉ là hàng rào ngăn chặn giúp hành giả Bồ Tát không bị sa đọa, đó là phần tiêu cực.

Hành giả Bồ Tát phải tích cực hành Bồ Tát hạnh, nghĩa là mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều hướng về chúng sinh, vì lợi ích chúng sinh.  Khi tụng một thời kinh thì trên cúng dường chư Phật, dưới cầu cho pháp âm tỏa khắp pháp giới làm lợi ích chúng sinh.  Ngồi thiền dù chỉ năm phút cũng cầu giác ngộ bổn tánh.  Ðể làm gì? Ðể cứu độ chúng sinh. Niệm Phật dù chỉ mười câu cũng không quên hồi hướng công đức cho chúng sinh. Ðược như thế mới xứng đáng là Bồ Tát, là trưởng tử của Như Lai.  Ðâu cứ phải làm chùa to, tượng lớn mới gọi là Bồ Tát.  Nói như vậy không có nghĩa là đả kích việc làm chùa to, tượng lớn, vì chùa to, tượng lớn cũng chỉ là vật vô tri, tự nó đâu có lỗi lầm gì, chẳng qua tùy thuộc nơi người làm, nếu làm với tinh thần vô ngã, bất vụ lợi, vì lợi ích chúng sinh thì rất được xưng tán, cúng dường. 

Sau khi phát tâm Bồ Ðề (còn gọi là Bồ Ðề Tâm nguyện), hành giả Bồ Tát cần phải noi theo gương của chư Bồ Tát quá khứ, hiện tại, vị lai, hành Bồ Tát Hạnh (còn gọi là Bồ Ðề Tâm Hạnh). Bồ Tát Hạnh được nói nhiều trong kinh Hoa Nghiêm và Ðại Bát Nhã, nhưng lời kinh quá thâm diệu và chư Bồ Tát nhất là trong kinh Hoa Nghiêm đều là những bậc Ðại Sĩ Bồ Tát đã phát tâm Bồ Ðề và thực hành Bồ Tát Hạnh từ quá khứ vô lượng vô biên kiếp hải.  Do đó chúng ta, hàng Sơ phát tâm Bồ Tát chỉ biết đảnh lễ hoặc lắc đầu thè lưỡi, không dám hoặc không biết làm sao noi theo.  Hạnh của Bồ Tát tuy nhiều vô lượng vô biên nhưng tóm lại không nằm ngoài Thập Ba La Mật hay Lục Ba La Mật, và như thế chúng ta có thể bắt đầu học hỏi và tu tập Lục Ba La Mật, còn gọi là Lục Ðộ.

Người học Ðạo nên có tinh thần như của Thiện Tài Ðồng Tử, tức là không bao giờ cho sự hiểu biết đạo lý hay chứng đắc của mình là đủ, luôn luôn tìm thầy hoặc thiện tri thức tham vấn học hỏi.  Nếu không có duyên gặp được thầy lành bạn tốt thì ít nhất cũng phải nương theo Kinh, Luật, Luận vạch cho mình một hướng đi áp dụng vào đời sống hằng ngày.

Vào cuối hạ năm 89, tôi có dịp gặp Guéshé Tengyé, Viện Trưởng Tu Viện Vajrayogini ở Lavaur, thấy ngài đọc một quyển sách. Hỏi ra, tôi được biết đó là Bodhicaryàvatàra (Bồ Tát Hạnh) và cũng là kinh nhật tụng của ngài. Rồi ngài hỏi lại tôi:  "Có là Bồ Tát không, nếu là Bồ Tát thì phải đọc Bồ Tát Hạnh". Thế là từ đó trở về, tôi tìm đọc và nghiên cứu Bồ Tát Hạnh. Mãi đến năm nay, gặp nhân duyên và được khuyến khích nên tôi mạo muội dịch tập sách này vì thấy những hạnh Bồ Tát nằm trong đó có vẻ gần gũi với chúng ta (hàng Sơ phát tâm Bồ Tát) hơn là trong các kinh như Hoa Nghiêm, Bát Nhã... .  Tuy có học được một chút Tạng ngữ, nhưng tự thấy chưa đủ để có thể dịch hoàn toàn từ Tạng văn ra Việt văn nên cuối cùng tôi nương vào 3 tài liệu sau:

1.  Byang.chub.sems.dpai".spyod.pa.la."jug.pa:  bản Tạng văn.

2.      La marche à la lumière:  bản Pháp văn dịch từ Phạn văn của Louis Finot.

3.      A guide to the Bodhisattva"s way of life:  bản Anh văn dịch từ Tạng văn của  Stephen Batchelor.

Bồ Tát Hạnh nguyên bản Phạn văn là một loại thi ca, viết theo văn vần, gồm 913 bài kệ, chia làm 10 chương.  Bản Tạng văn cũng được dịch theo văn vần.  Nhưng ở đây, trước hết vì không phải là thi sĩ, sau nữa tôi noi theo các bản dịch đã có trước bằng Anh và Pháp văn, viết theo văn xuôi dễ hiểu cho người đọc.

Tác giả tập Bồ Tát Hạnh là Tôn Giả Santideva (Bình Thiên) người Ấn Ðộ, sống vào khoảng thế kỷ thứ 7 (xin xem tiểu sử ở chương sau).  Trong tập sách này tôn giả đi từ Xưng tán Bồ Ðề Tâm, Sám hối, Lục Ðộ và sau cùng đến Hồi Hướng công đức.  Bạn đọc có thể ngạc nhiên không thấy nói về Bố Thí, nhưng phát Bồ Ðề Tâm và hành Bồ Tát Hạnh đã là một sự bố thí cao thượng lắm rồi, ngoài ra Bố Thí được bàng bạc nói đến trong các chương sau. Riêng trong phẩm Thiền Ðịnh, tôn giả nhấn mạnh tới lối sống ẩn dật nơi rừng núi, hoặc những nơi thanh vắng để tu tập quán chiếu về Vô Ngã.  Trong phẩm Trí Huệ, tôn giả Santideva (thuộc trường phái Trung quán) lập cuộc đối thoại tranh luận giữa ngài và các trường phái khác, cốt để xiển dương Tánh Không.  Có nhiều đoạn quá xúc tích nên tôi thêm vào những chú thích ở cuối trang giúp bạn đọc hiểu rõ hơn.

Rất mong Bồ Tát Hạnh sẽ bổ túc cho Bồ Tát Giới.   Bạn đọc có thể học thuộc lòng vài phẩm, vài đoạn hoặc đọc tụng, cũng như các thiền sinh thuở trước học thuộc Quy Sơn Cảnh Sách, hoặc như tu sĩ Nam Tông thuộc làu kinh Pháp Cú vậy.  Ðọc tụng để những tư tưởng Bồ Tát thâm nhập vào tâm và từ đó sẽ khởi ra hiện hành hướng dẫn ta trong từng ý nghĩ, từng lời nói, từng hành động đúng theo hạnh mà chư Bồ Tát đã làm. 

Sau cùng tôi xin ghi ơn Dagpo Rinpoché, giáo sư Phật học và Tạng ngữ tại đại học INALCO Paris Dauphine, đã giảng dạy và giải đáp nhiều thắc mắc cho tôi, Jenny Tcheuden đã cung cấp cho tôi tài liệu, Thérésa Scott-Carroll và phật tử Chúc Tịnh đã khuyến khích tôi soạn dịch tập sách này. Tuy vậy, bản dịch chắc còn nhiều thiếu sót, vụng về, trách nhiệm đó hoàn toàn về du tăng. Rất mong sau này sẽ có các bậc cao minh giảo chính lại cho hoàn hảo hơn.

Xin hồi hướng công đức này cầu cho tất cả chúng sinh ý thức được sự vô thường, đau khổ của cuộc đời, đồng phát tâm Bồ Ðề và đồng sanh Tây phương Cực Lạc.

Thanh Sơn Lộ, tháng 7 năm 1990.

 

Tiểu Sử Tôn Giả Santideva

Theo truyền thuyết, tôn giả Santideva sinh ở miền Nam Ấn, vùng Sri Nagara vào khoảng thế kỷ thứ 7.  Ngài là thái tử con vua Surastra.

Từ những kiếp quá khứ, ngài đã cúng dường phụng thờ nhiều đức Phật và đã tích tụ nhiều căn lành đưa đến giải thoát.  Nhờ phước đức ấy nên ngay từ lúc ấu thơ, ngài đã nhiều lần chiêm bao thấy Văn Thù Bồ Tát.  Lớn lên, đến tuổi sắp được vua cha truyền ngôi, một hôm ngài nằm mộng thấy hai vị Bồ Tát :  Văn Thù và Tara[2].  Bồ Tát Văn Thù ngồi trên ngai vàng, bảo ngài rằng: "Ở đây không có chỗ cho hai người"; Bồ Tát Tara tưới nước nóng trên đầu ngài nói rằng: "Vương quyền chính là nước sôi bỏng của địa ngục. Ta đang tấn phong cho ngươi với nước này đây".

Tĩnh dậy, ngài hiểu rằng đó là sự khuyến cáo của hai vị Bồ Tát nên đêm hôm trước ngày lên ngôi, ngài rời bỏ cung thành trốn vào rừng sâu. Sau 21 ngày lang thang trong rừng, vừa khát vừa đói, ngài gặp được một con suối, sắp sửa định uống thì có một thiếu nữ xuất hiện bảo ngài đừng uống vì đó là nước độc. Sau đó thiếu nữ dâng cho ngài một thứ nước thơm như cam lồ. Giải khát xong, ngài hỏi thiếu nữ:  "Cô ở đâu đến?" 

-  Thiếu nữ trả lời:  "Ở giữa khu rừng mênh mông này là nơi thầy tôi ở, ngài rất đạo đức, từ bi và đã thành tựu phép tam muội của Văn Thù Kim Cang Sư Lợi (Sri Manjuvajra).   Tôi từ đó đến đây".  Vừa nghe như thế, tôn giả Santideva mừng rỡ như kẻ nghèo bắt được vàng, yêu cầu thiếu nữ dẫn ngài đến gặp vị thầy kia.  Ðến nơi ngài thấy đó là một hành giả Du Già (Yogi) sống trong một chòi lá.  Ngài liền đảnh lễ, xưng tán cúng dường và cầu xin được truyền phép tam muội của Văn Thù Bồ Tát.

Sau 12 năm ở đó tu tập, ngài chứng được phép tam muội trên, thấy được vị thầy kia chính là Văn Thù và thiếu nữ kia chính là Tara.

Kể từ đó, ngài luôn luôn được thấy Văn Thù Bồ Tát. Sau đó ngài đi về phương đông, xin vào làm việc trong triều của vua Pancamasimha.  Nhờ tài giỏi và thông minh nên ngài được vua trọng vọng cho làm Thừa Tướng.  Ðể tỏ lòng thành kính nhớ ơn vị thần linh thủ hộ của mình, tức Văn Thù Bồ Tát, ngài luôn đeo trên mình một thanh kiếm gỗ[3].

Ngài giúp vua trị vì đúng theo Phật Pháp và truyền dạy nhiều kỹ nghệ mới lạ.  Ðiều đó khiến các vị đại thần khác ganh tức, tìm cách dèm pha và hãm hại ngài.  Họ bảo vua rằng: "Thừa tướng là một người gian xảo, luôn đeo trên mình một thanh kiếm mà không bào giờ rút ra cho ai xem cả. Chúng tôi biết thanh kiếm ấy làm bằng gỗ. Gặp lúc nguy biến làm sao Thừa tướng có thể cứu nguy cho Bệ hạ được?  Xin Bệ hạ hãy khám nghiệm lại". Vua tin lời, cho triệu Thừa tướng vào bắt phải rút kiếm ra khỏi vỏ cho vua xem. Thừa tướng nói: "Kiếm của tôi, Bệ hạ không thể nhìn được, nếu không Bệ hạ sẽ hối hận". Nghe vậy, vua càng nghi ngờ nhất quyết đòi xem.  Cuối cùng Thừa tướng tâu: "Nếu Bệ hạ nhất quyết muốn xem thì hãy theo tôi đến chỗ vắng, lấy tay che mắt phải lại, chỉ nhìn bằng mắt trái thôi". Vua chấp thuận và Thừa tướng rút kiếm ra, hào quang lóe lên quá mạnh khiến con mắt trái của Vua rơi xuống đất.  Vua liền ăn năn hối hận, biết ngài là một người đắc đạo, một Ðại thành tựu giả[4] nên cầu xin sám hối.  Biết vua đã ăn năn, Thừa tướng nhặt mắt trái của vua bỏ vào tròng lại khiến vua khỏi mù. 

Sau đó tôn giả từ bỏ chức Thừa tướng, tìm đến Tu viện Nalanda, xuất gia thọ giới, được đặt tên là Santideva. Sau khi nghe hết 3 tạng kinh điển, tôn giả thầm biên soạn 3 bộ luận: Siksasamuccaya, Sutrasamuccaya và Bodhicaryavatara. Ngài tu mật hạnh, học trực tiếp với Văn Thù Bồ Tát trong thiền định. Tất cả thời ăn, ngủ, đi, đứng, ngài đều thiền quán về Thanh Quang (Eussel, Clear Light). Tuy vậy chúng tăng bên ngoài thấy ngài chỉ ăn với ngủ không chịu văn, tư, tu gì cả. Thấy thế, một số Thượng tọa học giả họp nhau lại định tống khứ ngài ra khỏi tu viện. Có người cho ý kiến: "Nếu chúng ta họp lại, bắt mỗi người phải tuần tự trùng tuyên lại Kinh Luận, chắc chắn y sẽ phải tự động rút lui, rời bỏ Tu viện vì y chỉ ăn với ngủ đâu có bao giờ tu học gì". Thế rồi đến phiên tôn giả Santideva phải trùng tuyên lại Kinh Luận, ban đầu ngài từ chối, nói rằng không biết gì. Chúng tăng muốn làm nhục ngài nên làm bộ nài nỉ, cuối cùng ngài nói: "Nếu vậy phải làm cho tôi một tòa sư tử[5] tôi mới trùng tuyên". Nghe vậy có vài người đâm ra nghi ngờ, nhưng đa số chấp thuận vì tin rằng ngài không thể trùng tuyên Kinh Luận gì được. 

Sau khi lên ngồi tòa sư tử, ngài hỏi:  "Các vị muốn tôi tụng lại Kinh Luận đã có từ trước hay những sáng tác mới sau này". Vì muốn chế diễu ngài nên đại chúng nói: "Những sáng tác mới sau này".Thế là ngài bắt đầu tụng lên Bồ Tát Hạnh (Bodhisattva-carya-vatara).  Khi tụng đến câu: "Khi Có và Không không còn khởi lên trong tâm..." thì ngài bay lên hư không rồi từ từ biến mất, nhưng tiếng của ngài còn vọng lại cho đến câu kệ cuối cùng của Bồ Tát Hạnh.  Không thấy ngài nữa, tăng chúng hối hận trở về phòng ngài tìm kiếm, thấy trên bàn để lại 3 quyển:  Sutrasamuccaya[6], Siksacamuccaya và Bodhicaryavatara.

Chú thích

[1] Trích kinh Bảo Tích do T.T. Ðức Niệm dịch

[2] Tara là một hóa thân hình nữ của Quán Thế Âm, trong Phật giáo Ấn Ðộ và Tây Tạng được nói đến rất nhiều.  Quán Thế Âm, khi nhìn thấy chúng sinh đau khổ, ngài nhỏ lệ từ bi và giọt lệ này rơi xuống hóa thành Tara.

[3] Văn Thù Bồ Tát, thường hiện thân, tay phải cầm kiếm trí tuệ, tay trái cầm kinh Bát Nhã.

[4] Mahasiddha:  người tu hành đắc đạo có thần thông.

[5] Simhasana:  tòa ngồi chỉ dành cho những hàng Tỳ Kheo Trưởng lão Pháp sư.

[6] Hai tập Siksasamuccaya (Giáo Tập Yếu) và Bodhicaryavatara (Bồ Tát Hạnh) chắc chắn tác giả là ngài Santideva, riêng tập Sutrasamuccaya, đa số các học giả đều công nhận tác giả là ngài Long Thọ (Nagarjuna). Tiểu sử này tôi rút tỉa từ 2 tài liệu History of Buddhism in India của Taranatha và La Légende de Santideva trong indo-iranian Journal Volume XVi.  Trong tạng luận của Tây Tạng có nói đến bộ Mdo.sde.sna.tshogs.kyi.mdo.btus.pa mà học giả Marcelle Lalou đã chuyển sang lại Sanskrit là Visvasutrasamuccaya, tập này ngày nay đã bị mất tích. Theo học giả J.W.DeJong thì có lẽ 2 tập này tương tựa nhau nên các sử gia Tây Tạng và luận gia Ấn Ðộ cùng cho tác giả của Kinh Tập Yếu (Sutrasamuccaya) là ngài Santideva.  Kinh Tập Yếu đã được Hòa Thượng Linh Sơn thượng Huyền hạ Vi dịch từ Hán văn ra Việt văn năm 1985 với tựa đề là Yếu Nghĩa Phật Pháp.

                                                                                 Nguồn: Đạo Phật Ngày Nay