Thứ nhất, thế gian vô thường chúng ta cho là
thường. Trong kinh Kim Cang nói rất rõ về thực tướng vô thường của các
pháp qua bài kệ:
"Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào
ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán."
Nghĩa là: “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn
bọt bóng, như sương cũng như điện, nên khởi quán như thế”. Câu kệ này
nói rất rõ các pháp thế gian là vô thường giả tạm. Tất cả pháp hữu vi
như mộng. Thế gian chúng ta đang sống đây chẳng qua là một giấc mộng.
Có câu chuyện rất hay: ngày xưa có anh chàng
họ Lữ đi thi. Như quý vị cũng biết thời nay chúng ta có phương tiện xe
máy đi lại rất dễ dàng, ngày xưa có xe đâu mà đi. Những người ở miền quê
lên tỉnh thi là cả một sự khó khăn. Những người gia đình khá thì có
ngựa đi, còn gia đình nghèo thì phải quảy gói, gánh gạo đi bộ đến trường
thi. Có người đi xa hàng trăm cây số hoặc vài trăm cây số mới đến
trường thi. Anh chàng họ Lữ này cất công đi thi nhưng không đậu. Trên
đường trở về vừa buồn, vừa đói, may mắn gặp được một ngôi chùa ở ven
rừng. Anh mừng quá ghé vào xin cơm để ăn. Vị Sư ở trong chùa rất thương
anh, nhưng gạo đã hết nên lấy kê ra nấu cho anh ăn đỡ đói. Trong lúc chờ
nhà Sư nấu kê, mệt quá anh mới thiếp đi. Anh ngủ một giấc thật ngon và
chiêm bao thấy mình thi đậu, được làm quan, được vua cho làm phò mã và
gả công chúa. Được làm quan, được lấy vợ, được hưởng cuộc đời thật hạnh
phúc sung sướng.
Một hôm, vua cử anh đến trấn nhậm một tỉnh
xa, bây giờ có thể gọi là đi nhận chức tỉnh trưởng vậy. Vợ chồng cùng đi
với một đoàn quân hộ tống. Trên đường đi ngang qua cánh rừng, vợ chồng
bị quân giặc tấn công. Do số lượng quân giặc quá đông, đoàn hộ tống
không cự nổi cho nên bị giết chết hết. Rồi chúng bắt vợ chồng anh họ Lữ
và kề gươm lên cổ, anh chàng họ Lữ này sợ quá la lên, giật mình thức
giấc. Lúc tỉnh dậy nồi kê vẫn nấu chưa chín. Như vậy anh chàng họ Lữ nằm
mơ chỉ khoảng 2 hay 30 phút thôi thế mà có cảm tưởng như đã sống hơn
nửa đời người, nào là: thi đậu, làm quan, làm phò mã, lấy công chúa,
hưởng hạnh phúc sung sướng, rồi bị giặc bắt… trải qua thời gian lâu như
vậy mà lúc giật mình tỉnh giấc nồi kê chưa chín.
Cuộc sống của chúng ta cũng không khác gì
anh chàng họ Lữ. Một trăm năm chẳng có là bao, đến khi nhắm mắt chỉ thấy
sống trong mộng. Cho nên, Nguyễn Công Trứ có lẽ cũng cảm nhận được
chuyện này nên đã làm mấy câu:
"Ôi nhân sinh là thế!
Như bóng đèn, như mây
nổi,
Như gió thổi, như chiêm bao.
Ba mươi năm hưởng thụ biết
chừng nào
Chợt tỉnh giấc nồi kê chưa chín."
Ông thí dụ cuộc sống này như bóng đèn. Quý vị
biết bóng đèn rất mong manh dễ vỡ. “Như bóng đèn, như mây nổi”. Chúng ta
nhìn lên trời thấy những đám mây lơ lửng, hợp đó rồi tan đó rất mau.
“Như gió thổi”. Gió thổi thì rất nhanh, thổi qua một luồng là mất. “Như
chiêm bao”. Chiêm bao là giả, là không thật. Cho nên, chúng ta ở cuộc
đời này, tuy sống có chồng vợ, cha mẹ, anh em, con cháu nhưng tất cả chỉ
là mộng, là giả tạm.
Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt
Phu thê
nghĩa trọng dã phân ly
Nhân tình tợ điểu đồng lâm túc.
Đại
hạn lai thời các tự phi.
“Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt” nghĩa là
con cái đối với cha mẹ có ơn rất sâu nặng, nhưng rốt cuộc cũng phải biệt
ly. “Phu thê nghĩa trọng dã phân ly”, vợ chồng chung sống với nhau tình
nghĩa mặn nồng suốt cả một đời rồi cũng phải chia tay. “Nhân tình tợ
điểu đồng lâm túc”, nghĩa là tình người cũng giống như chim ngủ chung
nhau một cánh rừng. “Đại hạn lai thời các tự phi”, đến khi có sự cố gì
xảy ra thì mạnh con nào con nấy bay đi, không con nào kéo theo con nào
được. Chúng ta cũng vậy. Lúc sống có cha mẹ, chồng vợ, anh em, con cháu,
đến khi nhắm mắt thì đường ai nấy đi.
Không mời tự đến, không đuổi tự đi.
Đến như
thế nào, đi như thế đó.
Đến đi như gió, hợp tan như mây.
Gió mây
vô thường, vấn vương chi khổ.
Chúng ta sinh ra trên đời này không ai mời
mà tự đến, cũng không ai đuổi mà tự đi, đến như thế nào đi như thế đó.
Sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này như gió thoảng, mây bay, vốn vô
thường, giả tạm.
Biết như vậy thì sự đến và đi không có gì
phải bận tâm, phải đau khổ. Cho nên, câu: “Nhất thiết hữu vi pháp, như
mộng huyễn bào ảnh”. Chữ “huyễn” có nghĩa là giả. Như chúng ta nhìn thấy
hình người bằng rơm đứng ngoài ruộng để đuổi chim, người đó gọi là
người gì? Là người nộm, không phải người thật. Thân của chúng ta cũng
vậy, chỉ là giả có mà thôi. Còn chữ “bào” có nghĩa là bọt, là bong bóng
nước. Khi trời mưa, chúng ta thấy có những bong bóng nổi trên mặt nước,
hoặc khi sóng đánh vào bờ sủi lên những bọt. Cuộc sống chúng ta cũng
mong manh như bọt, rất dễ tan vỡ. Chữ “ảnh” có nghĩa là bóng. Như chúng
ta nhìn thấy bóng mình trong gương, hoặc nhìn thấy mặt trăng ở dưới đáy
hồ, mặt trăng đó thật hay giả? Chỉ là giả thôi, còn mặt trăng thật ở
trên trời, trăng dưới nước chỉ là cái bóng. Hoặc khi chúng ta đi trong
sa mạc, nhìn xa xa phía trước thấy có nước, nhưng đi mãi mà không thấy
nước ở đâu. Vậy đó là cái gì? Đó chỉ là cái bóng nắng chứ không phải là
nước.
Câu kế tiếp là: “Như lộ diệc như điện”. Chữ
“lộ” nghĩa là hạt sương. Buổi sáng chúng ta nhìn thấy những hạt sương
đọng trên ngọn cỏ, khi mặt trời vừa lên thì nó óng ánh rất đẹp, nhưng
nắng một chút là nó tan biến mất. Chữ “điện” có nghĩa là chớp. Khi trời
mưa chúng ta thấy có những tia chớp lóe lên rồi tắt, đó gọi là điện. Như
vậy, câu kinh này nói rất rõ tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt
bóng, như hạt sương, như điện chớp rất mong manh, vô thường, giả tạm.
Chúng ta không thấy được sự vô thường giả tạm này, lại chấp cho là
thường rồi mình bám víu tham đắm tạo nghiệp, phải chịu quả báo luân hồi
sinh tử ở sáu đường. Đó là chúng tôi nói về thế gian vô thường, mà chúng
ta chấp là thường nên gọi là điên đảo vọng tưởng.
Thứ hai, thân người vô ngã chúng ta chấp là
ngã, cũng là điên đảo vọng tưởng. Đức Phật nói thân chúng ta do Tứ đại
hợp lại mà thành. Tứ đại là đất, nước, gió, lửa. Như da thịt xương của
chúng ta là gì? Là đất. Máu huyết của chúng ta là gì? Là nước. Hơi thở
là gì? Là gió. Hơi nóng là gì? Là lửa. Như vậy, thân Tứ đại này sống
được là nhờ Tứ đại bên ngoài đưa vào. Nếu không có Tứ đại bên ngoài tiếp
vào thì thân thể cũng không sống được. Thí dụ thiếu đất thì mình lấy
đất cho vào. Cho được không quý vị? Chắc chắn là không rồi. Ăn đất người
ta sẽ đưa mình vào nhà thương điên. Chúng ta không thể cho đất trực
tiếp mà chúng ta cho bằng cách gián tiếp. Chẳng hạn như chúng ta đói thì
ăn cơm, mà ăn cơm là ăn gì? Cũng là ăn đất chứ có gì khác đâu, nhưng
đất này được hấp thụ chuyển hóa thành ra hạt lúa. Không tin quý vị thử
tìm hiểu xem có đúng không? Chúng ta bỏ hạt lúa xuống đất, rồi nhờ đất,
nước, gió… nó lên cây, ra bông, ra hạt rồi đem nấu thành cơm, chúng ta
ăn vào là đưa đất ở bên ngoài để bồi bổ cho đất ở bên trong thân của
mình. Còn ba thứ kia là nước, gió, lửa cũng vậy. Nếu chúng ta bỏ đất,
nước, gió, lửa mỗi thứ một nơi có còn là thân hình của chúng ta nữa
không? Chắc chắn là không rồi.
Chúng ta lấy thí dụ. Một chiếc xe đạp do
sườn, niềng, ghi đông, dây xích, bàn đạp, yên v.v… hợp lại mà thành. Nếu
bỏ từng món ra thì có còn là chiếc xe đạp nữa không? Hoặc như cây
chuối, nếu chúng ta tháo từng bẹ ra chỉ trơ lại cái lõi, không còn gì là
cây chuối nữa. Thân của chúng ta cũng vậy, do đất, nước, gió, lửa kết
hợp lại thành, nếu bỏ riêng mỗi thứ mỗi nơi không có gì là ta cả. Thế mà
mình cứ chấp Tứ đại giả hợp này là thật, là của ta rồi tìm cách bồi đắp
cho nó thật đẫy đà. Chẳng hạn chúng ta ăn để sống, để nuôi xác thân giả
tạm này, nhưng chúng ta lại tìm cách ăn cho ngon, cho khoái khẩu của
mình bằng cách giết những thú vật, gây tạo biết bao tội lỗi.
Trước đây chúng tôi có đi ở ngoài đường,
thấy người ta nướng con heo quay, ở dưới để than hồng. Nhìn con heo quay
nướng đỏ ao rất hấp dẫn người ăn. Có lần chúng tôi đi ngang qua đường
Nguyễn Đình Chiểu chỗ gần Cách Mạng Tháng Tám, vào buổi chiều tối họ
thường nướng thịt bên vỉa hè bán cho người đi đường ăn, khói mùi thịt
nướng bay lên thơm phức, ngửi là muốn xuống ăn liền. Thịt ướp với ngũ vị
hương, khi ăn vào miệng vừa ngon lại vừa thơm. Thế nhưng khi nó ra khỏi
bụng thì chẳng ai muốn nhìn, mùi của nó chẳng ai dám ngửi. Lúc ăn thì
rất ngon, rất thơm, khi nó ra thì rất dơ, rất thối. Thế mà vì miếng ăn
chúng ta lại gây đau khổ cho biết bao loài vật, tạo thêm biết bao tội
lỗi. Như vậy, có phải là điên đảo vọng tưởng không?
Chúng ta khát là do thân thể thiếu nước,
phải uống nước vào để đủ. Tuy nhiên, thay vì uống nước chúng ta lại uống
bia, uống rượu. Ai cũng biết uống bia và rượu sẽ làm người ta say, khi
say sẽ không làm chủ được mình, có thể làm điều sai quấy tội lỗi, làm hư
thân, làm cho gia đình mất hạnh phúc, xã hội mất an ninh. Biết vậy
nhưng người ta cứ vẫn uống, đó có phải là điên đảo hay không? Quá điên
đảo, nghĩ lộn ngược hết! Có nhà thơ nói thế này quý vị nghe thử xem có
được hay không.
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy say
thời cứ say.
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say trời cũng đỏ gay
ai cười.
Thật là điên đảo hết sức! Biết rằng say sưa là
hư đời, nhưng hư thì hư mà say vẫn cứ say. Lại còn ngụy biện cho là:
“Đất say nên đất lăn quay, trời say trời cũng đỏ gay ai cười”.
Trong chúng ta, ai cũng biết tác hại của xì
ke ma túy, báo đài đã nói rất nhiều. Nhưng tại sao vẫn có những người
hút chích, để rồi phải chịu hậu quả thân tàn, nhúng tay vào tội lỗi? Quý
vị thấy có điên đảo không? Hết sức là điên đảo! Chắc chắn những người
hút xì ke ma túy cũng biết hậu quả của nó, nhưng sao họ lại lao đầu vào
chỗ chết như vậy? Là vì muốn tìm cảm giác. Nghe người ta nói hút vào sẽ
có cảm giác lâng lâng như đi trên mây. Vì muốn thử đi trên mây cho biết,
không ngờ khi hút vào dứt bỏ không được nữa. Khi đã ghiền rồi thì không
hút nó hành hạ thân xác nên phải tìm cách để hút. Muốn hút phải có
tiền, không tiền thì đi ăn trộm, ăn cắp, gây đau khổ cho bản thân, gia
đình và xã hội. Ấy vậy mà người ta vẫn hút, vẫn chích. Quý vị thấy có
điên đảo hay không? Đúng là nghĩ lộn ngược hết! Ngay như thuốc lá cũng
vậy, hút vào thở ra có lợi ích gì đâu, chỉ đốt tiền đốt phổi, biết vậy
nhưng người ta vẫn cứ đốt!
Ngày xưa, tôi thấy quý ông đa phần là hút
thuốc. Không biết hút thuốc có ngon không mà sao cánh đàn ông lại thích
hút như vậy. Tôi bèn đi mua một điếu về hút thử. Ngày đó có loại thuốc
lá Salem. Thuốc này có mùi thơm bạc hà, hút vào thấy the the. Khi hút
xong một điếu thuốc, trong miệng có mùi hôi rất khó chịu, tôi phải nhổ
nước bọt cả chục lần cũng không hết hôi, sau đó phải đi đánh răng xúc
miệng mới tạm bớt hôi chứ chưa phải là hết hẳn. Từ đó tôi sợ quá không
dám hút nữa. Lúc đó, tôi suy nghĩ hút thuốc có ngon gì đâu, vậy mà biết
bao nhiêu người phải đốt tiền vì nó. Nếu tính ra trên thế giới, một ngày
người ta hút thuốc, số tiền đó có thể nuôi ăn cho cả nước Việt Nam
trong một ngày. Các cụ xưa có câu: “Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua
ruộng”.
Như vậy, thân chúng ta là giả tạm mà cứ phải
cung phụng cho nó những thứ không cần thiết, làm khổ mình và người, gây
tạo biết bao tội lỗi. Thân này rồi phải theo định luật sinh, già, bệnh,
chết, đó là lẽ đương nhiên. Mà khi già thì sao? Thì da nhăn nheo, xấu
xí cũng giống như hoa héo vậy. Hoa lúc mới nở rất đẹp, ai cũng muốn nhìn
muốn ngắm. Song khi nó héo rồi thì không ai muốn ngắm, muốn nhìn. Trong
giảng đường chúng ta đây có hơn một ngàn bông hoa, có những hoa mới nở,
có những hoa đang nở, có những hoa đang héo, có cả những hoa sắp tàn.
Như vậy, già là lẽ đương nhiên của con người, thế mà mình lại cố níu kéo
cho nó đừng già, mua kem về thoa vào da cho láng, cho bóng để đừng có
nhăn nheo. Đó là chúng ta điên đảo vọng tưởng, nghĩ lộn ngược hết.
Ngay tóc cũng vậy. Khi lớn tuổi ai cũng bạc.
Sợ bạc xấu, muốn cho nó đen mãi thì phải làm sao? Thì đi nhuộm. Không
biết quý vị nghĩ sao, tôi nhìn thấy các cụ ở đây tóc bạc trắng hết cũng
đẹp lắm, đâu đến nỗi xấu đâu. Đến như chết cũng là lẽ đương nhiên, không
ai tránh khỏi. Đức Phật đã dạy: “Những gì hữu hình tất hữu hoại, có
sinh phải có tử”. Vậy mà nhiều người muốn mình sống mãi. Ngày xưa, các
vua chúa muốn mình sống mãi nên bắt người ta phải vào rừng sâu núi thẳm,
hoặc lặn xuống biển để tìm thuốc trường sinh. Có những vị tu tiên muốn
sống mãi không chết, nhưng rốt cuộc có được không quý vị? Trong bài sám
Hồng Trần có câu:
Xưa ông Bành Tổ sống đời
Tám trăm tuổi thọ
nay thời còn đâu
Sang mà đến bậc công hầu
Giàu mà đến bậc bấy lâu
Thạch Sùng
Nghèo mà đói khát lạnh lùng
Khổ mà tóc cháy da phồng
trần ai.
Phù dung sớm tối một mai
Giàu sang cũng thác, xạc xài
cũng vong
Thông minh tài trí anh hùng
Si mê dại dột cùng chung một
gò.
“Xưa ông Bành Tổ sống đời, tám trăm tuổi thọ nay
thời còn đâu”. 800 tuổi rồi cũng phải chết. Còn giàu như Thạch Sùng
cũng không thể đem tiền hối lộ Diêm Vương được. Cho đến những người
thông minh tài giỏi cũng không thể tránh khỏi thần chết. “Thông minh tài
trí anh hùng, si mê dại dột cùng chung một gò”. Tất cả rồi cũng sẽ trở
về cát bụi, thân Tứ đại trả về cho Tứ đại.
Cho nên, chết là lẽ đương nhiên, vậy mà
nhiều người rất cữ tiếng chết, nói chết họ rất sợ, còn nói hạnh phúc họ
rất thích. Chúc trăm năm hạnh phúc thì tốt, nói chết thì cữ. Vậy thân
của ta là không thật, là vô ngã mà chúng ta chấp ngã nên khi người ta
khen thì thích, thì vui; chê thì buồn, thì giận. Dù người đẹp hay người
xấu cũng là đất, dù người đen hay người trắng cũng là đất, dù người mũi
cao hay mũi thấp cũng là đất, dù mắt một mí hay hai mí cũng là đất. Thế
mà nghe người ta chê cô đó đen quá thì buồn, khen cô đẹp quá mắt hai mí,
mũi cao thì thích, thì vui; chê thì buồn thì giận. Nhiều khi cũng vì
tiếng chê mà đánh nhau giết nhau. Cho nên, chúng ta hiểu được thân này
là giả, là đất, nếu ai có chê đen, chê lùn, chê xấu, chê mắt một mí, chê
mũi thấp cũng không sao, vì nó là giả là đất. Anh có cao, có đẹp, có
trắng thì cũng là đất mà thôi, chết cũng một gò. Nếu chúng ta hiểu được
như vậy thì không chấp ngã, không chấp ngã thì không tạo nghiệp, không
bị quả báo đau khổ.
Nhân sinh là khổ chúng ta lại cho là vui, đó
là điên đảo vọng tưởng. Thân của chúng ta có những khổ gì? Khổ sinh,
khổ già, khổ bệnh và khổ chết. Tâm chúng ta có những khổ gì? Mong cầu
không được là khổ, thương yêu nhau phải xa lìa là khổ, oán thù ở chung
là khổ v.v… đủ thứ phiền não hết. Chưa kể đến thiên tai như động đất,
núi lửa v.v… Những thứ tai họa này xảy đến với chúng ta bất cứ lúc nào,
không ai có thể biết trước được. Còn những thứ khổ do con người gây ra
như chiến tranh chẳng hạn. Hôm nay chúng ta ngồi đây nghe pháp, được tu
học an ổn hạnh phúc như vầy. Nhưng cũng trong lúc này, có những nơi đang
chiến tranh, biết bao nhiêu đau thương thống khổ. Ngày xưa khi Thái tử
Tất Đạt Đa dạo quanh bốn cửa thành, nhìn thấy cảnh già, bệnh, chết, Ngài
liền giác ngộ. Những cảnh già, bệnh, chết đã gây ấn tượng rất sâu sắc
trong tâm tư Thái tử. Rồi Ngài lại thắc mắc tại sao tất cả chúng sinh
đang bị cái già, cái bệnh, cái chết kéo đến như vậy mà họ vẫn thản nhiên
vui chơi đắm mê dục lạc. Ngài thương quá nên muốn tìm ra sự thật của
cuộc đời, vì sao người ta phải sinh ra để rồi phải chịu biết bao thống
khổ của già, bệnh, chết v.v…
Có anh chàng nọ đang đi lang thang trong một
khu rừng, bỗng nhiên có con voi xuất hiện tấn công, anh hoảng quá chạy
bán sống bán chết. Thế nhưng, sức của anh làm sao chạy lại voi, cho nên
mới rượt chạy một chút voi đã tới sau lưng. Cũng may lúc đó trước mặt
anh có một cái giếng, anh liền nhảy xuống. May thay trên miệng giếng lại
có một sợi dây thòng xuống đáy giếng, anh liền chụp lấy, nhưng đó lại
là dây gai cho nên đâm vào tay anh máu chảy lai láng. Anh định lần xuống
đáy giếng lại thấy có một con rắn nằm ở dưới đó, đầu ngóc lên chực cắn
anh ta, thế là anh đành phải nắm sợi dây đu tòn ten như vậy. Lúc đó anh
mới ngước nhìn lên miệng giếng thấy đàn ong đang bay túa ra đánh anh. Vì
lúc nhảy xuống giếng anh đã đụng vào tổ ong làm bể tổ, và anh cũng nhìn
thấy có hai con chuột, một con chuột đen và một con chuột trắng đang
cắn sợi dây anh đang đeo bám. Đang lúc lo sợ tứ bề như vậy, bỗng năm
giọt mật từ tổ ong rớt xuống dính miệng, anh sung sướng quá thưởng thức
quên hết tất cả những thứ khổ đang bao vây…
Câu chuyện này chính là mô tả về cuộc đời
chúng ta. Anh chàng lang thang trong khu rừng chưa có lối ra cũng như
chúng ta quanh quẩn mãi trong vòng luân hồi sinh tử. Con voi tượng trưng
cho thần chết. Con rắn dưới đáy giếng là tuổi già. Sợi dây gai là sự
sống. Bầy ong là những đau khổ luôn luôn đe dọa đời sống chúng ta. Con
chuột trắng là ngày, con chuột đen là đêm. Năm giọt mật là Ngũ dục: tiền
bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon và ngủ kỹ. Chúng ta bị năm thứ ham muốn
này làm cho quên hết tất cả thứ khổ. Kinh Pháp Hoa nói chúng ta đang ở
trong nhà lửa, xung quanh bốn phía lửa cháy thế mà chúng ta cứ mải vui
chơi, đắm chìm trong dục lạc, nên gọi điên đảo vọng tưởng, lấy khổ làm
vui là vậy.
Trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:
Đêm rất
dài với người mất ngủ,
Đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt;
Cũng thế, vòng luân hồi sinh tử sẽ tiếp nối vô
tận với những kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp.
“Đêm rất dài với người mất ngủ”. Điều này
chắc quý vị cũng đã biết rồi, ai cũng có một hoặc nhiều lần bị mất ngủ.
Khi mất ngủ thì trông cho mau sáng, cho nên thấy thời gian dài ra. Thực
tế thời gian không có dài ngắn. Chẳng hạn khi chúng ta đi ngủ vào lúc 22
giờ đến 4 giờ sáng thức dậy, tất cả là 6 tiếng đồng hồ. Một tiếng đồng
hồ có 60 phút, 1 phút có 60 giây. Giờ nào cũng vậy. Sáu tiếng đồng hồ
không thêm không bớt một phút, thế nhưng hôm nào bị mất ngủ thì thấy nó
dài ra, hôm nào ngủ ngon thấy nó ngắn lại. Dài hay ngắn là do mình cảm
nhận, chứ 6 tiếng đồng hồ không có thêm bớt phút nào.
Trong khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp,
mỗi ngày vào lúc 21 giờ có một thời tịnh tọa khoảng 30 phút. Quý vị có
biết tịnh tọa là gì không? Tịnh là yên lặng, tọa là ngồi, tịnh tọa là
ngồi yên lặng. Một hôm, chúng tôi đứng bên ngoài để xem quý Phật tử tịnh
tọa như thế nào. Một số người ngồi rất tốt, ngồi rất yên, còn có một
vài vị ngồi không được yên, cứ xoay qua xoay lại. Những người kia thì
tịnh tọa, còn mấy vị này có lẽ là động tọa. Động tọa có nghĩa là ngồi
không yên, cứ mở mắt ngó qua ngó lại, rồi nhìn lên đồng hồ xem hết giờ
chưa. Thấy quý thầy giám luật đi tới liền ngồi im, nhắm mắt lại, quý
thầy đi qua thì mở mắt ra, ngó tới ngó lui, rồi nhìn lên đồng hồ. Những
vị này không phải tịnh tọa mà ngồi mong cho hết giờ. Càng mong cho hết
giờ thì thấy thời giờ lại càng dài ra. Quý vị nào mê xem đá banh thì
biết. Có những trận bóng đá quốc tế rất hấp dẫn, đang say mê xem bỗng
nghe tiếng trọng tài thổi còi hết giờ, sẽ tiếc mãi sao nhanh quá, mới đó
mà đã hết 45 phút. Thế nhưng, cũng 45 phút ngồi niệm Phật, chắc chắn
chúng ta sẽ thấy nó dài ghê lắm. Vì sao vậy? Vì chúng ta cứ mong cho hết
giờ để nghỉ thành ra dài. Vậy thời gian không có dài hay ngắn mà do mất
ngủ nên chúng ta thấy nó dài.
“Đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt”. Từ
Sài Gòn về Hóc Môn này quý vị biết bao nhiêu cây số không? 20 cây số.
Thế nhưng, có khi chúng ta thấy xa, có khi chúng ta thấy gần. Mỗi một
cây số có khoảng 1000 m, mỗi mét có 10 tấc, mỗi tấc có 10 cm. Như vậy,
cây số nào cũng như cây số nào, không có cây số nào dài, cây số nào
ngắn. Vậy mà có lúc chúng ta lại thấy xa, thấy gần. Vào khoảng năm 1976,
1977, xăng nhớt rất khan hiếm, đa số người ta đi xe đạp. Lúc đó, tôi
thường xuyên đi Phật sự ở Sài Gòn bằng xe đạp. Buổi sáng đạp xe đi còn
sức nên thấy khỏe, đến trưa về người mệt nên đạp xe thấy đường thật dài.
Khi sáng đạp xe đi bon bon, đến trưa về đạp xe cứ ì ra nặng nề, giống
như có người kéo xe lại vậy, rồi tưởng như đường dài ra. Có ngày tôi
phải đi hai lần như vậy. Sáng đi trưa về, chiều đi tối về. Nếu tính ra
thì mỗi ngày phải đạp xe hơn 80 cây số đường. Lúc đó, vấn đề liên lạc
bằng điện thoại rất hiếm, cho nên muốn nói chuyện gì với người ở Sài Gòn
chúng tôi phải đi thôi. Không như bây giờ, ngồi một chỗ điện thoại được
khắp nơi trên thế giới, khỏi phải mất công đi.
Câu cuối là: “Vòng luân hồi sinh tử sẽ tiếp
nối vô tận với những kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp”. Không minh
đạt chánh pháp là không thấy được chân lý, không thấy được thực tướng
của vũ trụ nhân sinh là vô thường, khổ, vô ngã, duyên sinh. Như trong
kinh Kim Cang đã dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh,
như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”.
Do ngu si nên điên đảo vọng tưởng. Vì điên
đảo vọng tưởng nên lời nói và hành động sai lầm, từ lời nói hành động
sai lầm dẫn đến hậu quả luân hồi sinh tử trong sáu đường. Điều này rất
rõ ràng. Như vậy, nếu chúng ta muốn chấm dứt luân hồi sinh tử phải làm
sao? Phải chấm dứt ngu si, phải có trí tuệ. Mà muốn có trí tuệ thì làm
sao? Phải học rộng nghe nhiều. Trong kinh đức Phật nói là phải văn, tư
và tu. Văn là gì? Văn là nghe, là học. Tư là suy nghĩ cho thấu đáo những
điều chúng ta đã nghe đã học. Cũng giống như con bò khi ăn cỏ, lúc nó
ăn xong rảnh rỗi nó ợ ra nhai lại thật kỹ rồi mới nuốt. Văn cũng giống
như bò ăn cỏ, tư giống như bò nhai cỏ lại. Khi đã học hiểu thấu đáo, suy
nghĩ thật kỹ rồi chúng ta mới đem những điều đã học ra thực hành gọi là
tu. Vậy tu là tu cái gì? Tu giới định tuệ gọi là Tam vô lậu học. Ba môn
học vô lậu, không còn rơi rớt trong sinh tử Lục đạo nữa. Giới là những
điều ngăn ngừa không cho chúng ta sai phạm, từ ý nghĩ, lời nói và hành
động. Khi ba nghiệp không sai phạm, lỗi lầm thì tâm mới an định. Tâm có
định trí tuệ mới sinh.
Có người hỏi những nhà bác học thông minh
tài giỏi như vậy có bị luân hồi sinh tử không? Nếu chúng ta đưa vấn đề
học vấn, tri thức ra mà nói thì đúng là những nhà bác học rất giỏi,
trong khi chúng ta nói người nào có trí tuệ thì không còn bị luân hồi
sinh tử. Vậy những nhà bác học thông minh tài trí như thế có bị luân hồi
sinh tử không? Muốn trả lời chính xác câu này chúng ta phải hỏi ngược
lại những nhà bác học còn tạo nghiệp hay không? Nếu còn thì dù nhà bác
học có tài giỏi thông minh thế nào đi nữa cũng bị luân hồi sinh tử. Đây
là chỗ mà chúng ta phải thấy cho rõ ràng. Một nhà bác học còn tham sân
si hay không? Còn nói dối, nói ác khẩu, nói lưỡi đôi chiều, nói điều ô
uế hay không? Còn sát sinh, trộm cắp, tà dâm hay không? Khi anh còn tạo
nghiệp là còn luân hồi sinh tử. Cái giỏi của nhà bác học là Thế trí biện
thông, không phải là trí tuệ vô lậu. Quý vị hãy lưu ý chỗ này. Còn trí
tuệ thì phát sinh từ giới, từ định, từ ba nghiệp trong sạch.
Trong kinh Mi-tiên Vấn Đáp, ngài Na-tiên có
phân tích hai chữ trí và tuệ khác nhau. Trí là thông minh thuộc về nhận
thức, kiến thức, hiểu biết. Còn tuệ là sáng suốt thấy rõ vô thường, khổ,
vô ngã, thuộc về cái thấy không lầm lẫn. Người có trí còn si mê lầm
lẫn, người có tuệ hết si mê lầm lẫn. Trí tuệ là do công phu tu tập giới
định, còn trí thức là do học tập hai thứ khác nhau. Trí giống như ánh
sáng mặt trời, tuệ giống như ánh sáng X quang. Ánh sáng mặt trời không
thể xuyên qua vật ngăn được. Chẳng hạn chúng ta ngồi trong hội trường
này, ánh sáng mặt trời không thể xuyên vào được. Còn X quang xuyên qua
vật ngăn. Như chúng ta bị bệnh phổi vào bệnh viện, bác sĩ cho chụp X
quang và thấy được phổi có bệnh hay không. Cho nên, chỉ có trí tuệ phát
sinh từ giới định mới có thể giúp chúng ta ra khỏi luân hồi sinh tử. Còn
trí thông minh thì không thể. Đôi khi thông minh mà tà trí sẽ gây hậu
quả đau khổ nghiêm trọng cho mình và người.
Quý vị thử nghĩ những quả bom nguyên tử giết
chết một lúc hàng triệu người là do ai sáng chế ra? Người ngu si có
sáng chế được không? Chắc chắn là không rồi. Chỉ có người tài giỏi thông
minh, những nhà bác học mới chế tạo được bom nguyên tử. Rồi những trận
chiến tranh thế giới, gây đau thương chết chóc cho biết bao người, vậy
những người phát động chiến tranh đó là ngu hay trí? Toàn là những người
thông minh tài giỏi, còn người ngu không có khả năng đó. Cho nên, nếu
thông minh mà tà trí chỉ đem đến tai họa cho chúng sinh và chắc chắn với
nhân ác đó họ sẽ bị quả báo trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử mãi
mãi. Hôm nay, chúng ta về đây tu pháp môn niệm Phật để làm gì? Để khai
trí tuệ, để cầu vãng sinh thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà.
Thứ nhất: Niệm Phật để
khai trí tuệ. Khai bằng cách nào? Khi chúng ta niệm Phật, những tư tưởng
xấu khởi lên liền bị danh hiệu Phật trấn áp, nghĩa là khi chúng ta niệm
Phật thì niệm ác không thể khởi lên. Đó gọi là giới. Nhờ niệm Phật nên ý
không nghĩ ác, ý không nghĩ ác thì miệng không nói lời ác, thân không
làm việc ác. Đó gọi là giới. Lúc nào chúng ta cũng nhớ Phật niệm Phật,
lâu ngày tâm sẽ yên lặng gọi là định. Khi niệm Phật, chúng ta luôn luôn
sáng suốt gọi là huệ. Như vậy, khi nhất tâm niệm Phật, không có tà niệm
xen vào là giới. Niệm niệm miên mật không rời câu Phật hiệu là định. Mỗi
niệm mỗi niệm đều rõ ràng, đều tỉnh giác, sáng suốt là huêä. Chúng ta
chuyên tâm, chí thành niệm Phật như vậy chắc chắn sẽ khai trí tuệ.
Thứ hai: Niệm Phật để cầu
vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Chúng ta tu học Phật
pháp mục đích là để giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Muốn thoát khỏi
luân hồi sinh tử chúng ta phải tu tập chứng quả tối thiểu là A-la-hán.
Nếu chưa chứng quả A-la-hán, chưa làm chủ được sinh tử thì khi chết
chúng ta đi về đâu? Chắc chắn chỉ quanh quẩn trong sáu đường: địa ngục,
ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, người, trời mà thôi. Hiện tại, chúng ta tu
pháp môn Tịnh độ để cầu vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật
A-di-đà. Mà thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà không còn nằm trong
vòng luân hồi Lục đạo. Như vậy, nếu chúng ta tu tập được vãng sinh về
thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà là ra khỏi luân hồi sinh tử. Về
được thế giới Cực Lạc rồi chúng ta không còn thoái chuyển nữa, chỉ một
mực tu tập thẳng đến Phật quả.
Do vậy, chỉ có người trí tuệ mới nhận được
điều này, và mới quyết chí niệm Phật cầu vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.
Vì nếu không chứng quả A-la-hán ở đời này, nếu không vãng sinh thế giới
Cực Lạc ở đời sau, chắc chắn phải luân hồi sinh tử trong sáu đường. Mỗi
lần sinh, mỗi lần tử như vậy chịu biết bao đau khổ, tạo biết bao tội
nghiệp. Hiện tại chúng ta biết tu, biết làm phước bố thí, gây tạo nghiệp
tốt, kiếp sau được hưởng quả báo giàu sang. Trong số quý vị ở đây kiếp
sau sẽ có người làm vua, làm hoàng hậu. Nhưng càng có địa vị, càng hưởng
thụ dục lạc lại càng dễ gây tạo tội lỗi. Rốt cuộc kiếp này tạo phước
kiếp sau hưởng. Kiếp sau vì mê hưởng thụ nên tạo nghiệp rồi kiếp thứ ba
lại bị sa đọa. Cứ như thế chúng ta lăn lộn trong vòng luân hồi sinh tử.
Cho nên, đức Phật gọi là ngu si. Hễ còn sinh tử là còn ngu si. Có người
nói tôi cố gắng tu kiếp này để kiếp sau sinh làm người giàu có, xinh đẹp
hoặc để được làm hoàng hậu. Nghĩ như vậy là ngu si. Vì sao? Vì còn sinh
tử là còn ngu si. Cho nên, chư Tổ có nói:
Thân này chẳng tính đời nay độ
Còn đợi khi
nào mới độ thân.
Hôm nay mình có duyên lành hiểu được Phật pháp,
biết rõ thế gian là vô thường, tất cả pháp hữu vi là mộng huyễn, phải nỗ
lực tu hành để giải thoát luân hồi sinh tử. Đó là người có trí tuệ. Nếu
chúng ta tu để kiếp sau hưởng phước là còn ngu si. Vì còn sinh tử là
còn ngu si. Chỉ trừ những vị Bồ-tát nguyện vào trong sinh tử để độ chúng
sinh mới không còn ngu si. Các Ngài vào sinh tử là vì nguyện lực, còn
chúng ta bị sinh tử là vì nghiệp lực, cho nên gọi là ngu si.
Tóm lại, hôm nay chúng tôi trình bày với quý
vị đề tài Ngu Si Sinh Tử. Vì ngu si cho nên mới điên đảo vọng tưởng,
nghĩ lộn ngược. Đời là vô thường lại cho là thường. Thân người là vô ngã
lại cho là ngã. Nhân sinh là khổ mà cho là vui. Rồi từ chỗ chấp thường,
chấp ngã đó mà gây tạo nghiệp. Từ chỗ tạo nghiệp phải bị quả báo luân
hồi sinh tử. Hôm nay, chúng ta biết rõ các pháp hữu vi là mộng huyễn, là
bọt bóng thì phải nỗ lực tu tập để giải thoát khỏi Lục đạo, chấm dứt
sinh tử. Muốn dứt sinh tử phải dứt ngu si, phải có trí tuệ vô lậu. Muốn
đạt được trí tuệ vô lậu này chúng ta phải tu tập giới định tuệ, Tam vô
lậu học. Người tu pháp môn niệm Phật, nếu tín nguyện hạnh đầy đủ, chí
thành chí kính niệm Phật cũng sẽ đạt được giới, định và tuệ. Khi có trí
tuệ vô lậu ba nghiệp thanh tịnh, vãng sinh về thế giới Cực Lạc, không
còn luân hồi sinh tử nữa. Đó là chúng ta chấm dứt ngu si, chấm dứt sinh
tử.
Kính chúc quý Phật tử tinh tấn tu tập đạt
được trí tuệ vô lậu, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Nam mô Bổn sư Thích-ca
Mâu-ni Phật!